Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Đặc điểm của ôn bệnh học

by BBT Yhctvn

Trong quá trình phát sinh, phát triển và biểu hiện lâm sàng của ôn bệnh đều có một đặc điểm chung, những đặc điểm này là căn cứ chủ yếu để xác lập khái niệm ôn bệnh, để gián biệt (phân biệt) ôn bệnh với những bệnh không phải ôn bệnh khác. Dưới đây giới thiệu về đặc điểm của ôn bệnh học.

1. Có nhân tố gây bệnh đặc biệt (dị)

Ôn bệnh do nhân tố gây bệnh đặc biệt gây ra là “ôn tà”. Gộp chung các nhân tố gây bệnh thống nhất gọi là “ôn tà” đầu tiên là Diệp Thiên Sĩ trong “Ôn bệnh luận”, mở đầu cuốn này với câu: “Ôn tà thượng thụ, thủ (đầu tiên) tiên phạm phế”. Ôn tà bao gồm phong nhiệt bệnh tà, thử nhiệt bệnh tà, thấp nhiệt bệnh tà, táo nhiệt bệnh tà, ôn nhiệt bệnh tà do phục hàn hoá ôn. Tính đặc thù của ôn tà thể hiện ở: bệnh xâm phạm cơ thể từ bên ngoài, tính chất ôn nhiệt rõ, dễ tiêu hao tân dịch của cơ thể; những ôn tà khác nhau đa số xâm phạm những vị trí đặc định khác nhau.

Tính chất các loại ôn tà và đặc điểm gây bệnh sẽ nói trong chương nguyên nhân và phát bệnh.

2. Tính truyền nhiễm, tính lưu hành, tính mùa, tính khu vực

2.1. Tính truyền nhiễm

Ôn bệnh do cảm nhiễm ôn tà mà gây bệnh đồng thời cũng có thể truyền bá thông qua nhiều con đường, do đó nó có tính truyền nhiễm. Đại đa số ôn bệnh đều có đặc điểm này. Tính truyền nhiễm cổ xưa gọi là “nhiễm dịch” được ghi nhận sớm nhất trong “Tố Vấn – Thích pháp luận”: (ngũ dịch (dịch lệ) chi chí, giai tương (giống) nhiễm dịch) (năm loại dịch lệ đều dễ gây lây nhiễm). Nhiễm dịch tức là bệnh tà có thể truyền nhiễm trong cộng đồng, sau này Lưu Nguyên Tố trong “Thương hàn tiêu bản tâm pháp loại tụy” gọi dịch lệ là truyền nhiễm và để riêng một chương. Ngô Hựu Khả trong “Ôn dịch luận” gọi sự truyền bệnh thông qua không khí là “Thiên thụ”, trực tiếp lây nhiễm là “Truyền nhiễm”. Lúc này người xưa đã bắt đầu ý thức được bệnh có thể thông qua đường mũi miệng lây truyền gây dịch.

Bệnh truyền nhiễm cấp tính của Tây y đa số thuộc phạm vi ôn bệnh bởi vì ôn bệnh đa số có đặc tính truyền nhiễm. Nếu nói một cách rạch ròi thì bệnh dại (chó điên cắn), uốn ván và đại bộ phận bệnh ký sinh trùng hay có tính truyền nhiễm nhưng lại không có đặc tính của ôn bệnh nên cũng không thuộc phạm vị ôn bệnh. Do đó, không thể nói tất cả mọi bệnh truyền nhiễm cấp tính là ôn bệnh. Ngoài ra, viêm phổi thùy, say nắng (trúng thử) tuy thuộc phạm vi ôn bệnh nhưng lại không có tính lây truyền qua đó ta nhận thấy một số loại bệnh trong ôn bệnh không có tính lây nhiễm.

2.2. Tính lưu hành

Tính lưu hành là chỉ ôn tà có thể lây nhiễm phát tán liên tục trong cộng đồng, phạm vi lưu hành cực rộng thậm chí có thể lan lây ra cả thế giới lúc này gọi là đại dịch (đại lưu hành). Trong khoảng thời gian ngắn tập trung phát hiện nhiều bệnh thì gọi là bạo phát. Cổ đại gọi tính lưu hành này là “Thiên hành” hay “Thời hành”, ví như Mang An Thường nhà Tống có nói: “Thiên hành bệnh, lớn thì độc lưu thiên hạ, nhỏ thì một phương (vùng) nhiễm, nhỏ nữa thì một thôn làng nhiễm, nhẹ nữa là cả một nhà nhiễm”. Điều này nói lên mức độ lây nhiễm không giống nhau, có năm có, có năm không. Cùng một loại ôn bệnh trong thời kỳ phát tán thì biểu hiện lâm sàng và điều trị giống nhau.

2.3. Tính thời tiết (mùa)

Ôn bệnh bộc phát và lưu hành trong điều kiện khí hậu, mùa đặc định gọi là bệnh theo mùa, đa số ôn bệnh đều có đặc điểm này, do đó ôn bệnh còn được gọi là “Tứ thời ôn bệnh”. Bốn mùa trong một năm thời tiết khí hậu khác nhau nên hình thành ôn tà gây bệnh cũng khác nhau (có tính đặc trưng), ví dụ mùa xuân ấm áp, gió nhiều nên đa số là phong nhiệt bệnh tà gây bệnh phong ôn. Mùa hè thử nhiệt viêm đằng nên đa số nguyên nhân gây bệnh là thử nhiệt và thử thấp gây thử ôn bệnh hay thử thấp bệnh. Giữa hè khí hậu nóng nực ẩm thấp nên dễ phát thấp ôn. Đồng thời các mùa khác nhau, điều kiện khí hậu khác nhau cũng ảnh hưởng đến năng lực kháng bệnh và phản ứng của con người. Ví dụ, mùa xuân chức năng phế vệ rất dễ bị thất chức, đây là điều kiện rất dễ bị phong nhiệt bệnh tà xâm nhập. Nếu đúng ra là hàn lạnh nhưng lại biểu hiện ấm áp, tấu lý sơ khai rất dễ bị phong nhiệt bệnh tà xâm phạm và phát sinh phong ôn bệnh. Mùa hè hay giao thời hè thu thấp nhiệt, thử thấp tương đối nặng dẫn đến chức năng phế vệ ngai trệ, chức năng vận hóa giảm không thể vận hoá thủy cốc chi thấp làm cho thấp tà đình tụ hoá nhiệt, lúc này nếu ăn nhằm phải những thức ăn uế trọc dơ sẽ làm tổn thương tỳ vị, nội ngoại hợp tà dẫn đến thấp ôn, thử thấp phát bệnh.

2.4. Tính khu vực

Ôn bệnh phát sinh và lưu hành thường xuất hiện ở một khu vực nhất định, vùng núi non hiểm trở địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu không giống nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và gây bệnh của ôn tà. Đồng thời người ở những khu vực khác nhau có thể chất và thói quen sinh hoạt khác nhau đều có ảnh hưởng đến tính cảm thụ lây lan và lưu hành của các loại bệnh tà khác nhau. Đây là đặc điểm của tính khu vực dẫn tới sự sản sinh và lưu hành của ôn bệnh. Một vài loại ôn bệnh thường hay phát sinh ở tại một khu vực nào đó mà những nơi khác ít thấy. Ví dụ, vùng đông nam duyên hải khí hậu viêm nhiệt ẩm thấp nên loại thấp nhiệt ôn bệnh dễ phát sinh, …

3. Đặc điểm của ôn bệnh có tính giai đoạn

Quá trình phát triển của ôn bệnh có tính giai đoạn rõ rệt, đây là một trong những đặc điểm (tiêu chí) quan trọng để phân biệt với nội thương tạp bệnh. Tính giai đoạn của ôn bệnh do dưới tác động của ôn tà dẫn đến chức năng vệ khí dinh huyết và những tạng phủ sở thuộc tam tiêu thất điều và thực chất sự tổn hại có tính quy luật quyết định tính giai đoạn đó. Tính giai đoạn của quá trình bệnh chủ yếu biểu hiện ở:

(1) Giai đoạn tà lưu ở vệ phần: Ôn tà sơ khởi xâm phạm cơ thể đa số tại vệ phần.

(2) Giai đoạn tà tại khí phần: Là ôn tà từ vệ phần truyền nhập khí phần dẫn đến lý nhiệt cực thịnh.

(3) Giai đoạn tà tại dinh phần: Là do tà từ khí phần truyền nhập dinh phần gây ra dinh nhiệt âm thương (tổn thương).

(4) Giai đoạn tà tại huyết phần: Do tà từ dinh nhập huyết phần dẫn đến động huyết, hao huyết.

(5) Giai đoạn hồi phục: Chính khí dần hồi phục, bệnh dần khỏi.

Quy luật diễn biến cơ chế bệnh (bệnh cơ) của vệ, khí, dinh, huyết trên liên quan đến bệnh cơ biến hoá tâm phế ở thượng tiêu, tỳ vị ở trung tiêu, can thận ở hạ tiêu (sẽ nói rõ ở chương Ôn bệnh biện chứng). Nói tóm lại giai đoạn đầu của ôn bệnh chủ yếu là chức năng cơ thể thất thường, giai đoạn sau là tổn thương thực thể (thực chất tổn hại) rõ ràng hơn chủ yếu là hao tổn âm tân và tổn hại các cơ quan tạng phủ.

Tính chất thấp nhiệt của ôn tà trong phát triển bệnh có quá trình thấp nhiệt hoá táo hoá hoả. Tại giai đoạn vệ khí phần thường phải kinh qua (sự) thấp tà táo hoá mới có thể dần dần nhập dinh huyết.

Tính giai đoạn trong quá trình phát triển của ôn bệnh nói lên ôn tà từ biểu vào lý, bệnh tình từ nhẹ đến nặng, bệnh biến (biến hoá của ôn bệnh) từ thực chuyển hư thậm chí dẫn đến tử vong. Trong quá trình bệnh biến này, chính khí dần hồi phục, bệnh tà dần lui, triệu chứng giảm nhẹ, tinh thần, thể lực và ăn uống hồi phục sau cùng sẽ khỏi bệnh, có vài trường hợp để lại di chứng. Những trường hợp điển hình thì mới có thể biểu hiện rõ nét tính giai đoạn, những trường hợp không điển hình thì thường không rõ lắm. Ví dụ cảm tà khí nhẹ hoặc trong quá trình điều trị bệnh, tà bị khống chế thì bệnh sẽ hết ở một giai đoạn nào đó. Bệnh tà nặng hay người bệnh chính khí vốn suy, bệnh biến phát triển sẽ xuất hiện hiện tượng vượt cấp (kỳ) hay bệnh trùng lắp như vệ khí đồng bệnh, khí huyết lưỡng phiên (thiêu đốt), vệ khí dinh huyết đều bệnh.

4. Đều có biểu hiện lâm sàng giống nhau

4.1. Khởi bệnh cấp bách, truyền biến tương đối nhanh

Ôn bệnh khởi bệnh cấp nhanh là một trong những căn cứ phân biệt những bệnh mạn tính trong nội thương tạp bệnh. Một khi đã phát lập tức có khả năng bệnh tà truyền biến, tốc độ truyền biến ôn tà tương đối nhanh và có những triệu chứng biến hóa phức tạp xuất hiện tương ứng. Trong ôn bệnh có cực ít bệnh khởi bệnh chậm, truyền biến chậm (như thấp ôn). Đây chỉ là sự so sánh các bệnh khác trong ôn bệnh mà thôi chứ không so với sự biến hoá chậm trong bệnh mạn tính thuộc nội khoa tạp bệnh.

4.2. Phát nhiệt (sốt) là chủ chứng

Đây là triệu chứng tất có của ôn bệnh và là biệu hiện lâm sàng cơ bản chủ yếu nhất của ôn bệnh. Nhưng những dạng ôn bệnh khác nhau ở những giai đoạn khác nhau có kiểu sốt đặc thù của nó, biện biệt được những kiểu nhiệt (sốt) này thập phần quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Người bệnh ôn bệnh ngoài sốt ra còn có những triệu chứng kèm theo sốt như miệng khô khát, tâm phiền, tiểu đỏ, lưởi đỏ, mạch sác, …

4.3. Dễ xuất hiện những triệu chứng hầu nguy hiểm

Trong quá trình bệnh dễ xuất hiện ban chẩn, động phong, động huyết, bế khiếu, … những chứng hầu hiểm ác. Ban chẩn thường xuất hiện trong nhiều loại ôn bệnh, thậm chí có một vài bệnh nhất thiết phải xuất hiện dạng này gọi là ôn bệnh phát chẩn (phát chẩn tính ôn bệnh) như đậu chẩn. Chú ý quan sát hình thái, màu sắc, số lượng, phân bố, thời gian xuất hiện, tuần tự, thời gian duy trì của ban chẩn giúp cho chẩn đoán và biện chứng. Ôn tà nội hãm tâm dinh (huyết) có thể gây bế tắc cơ khiếu hoặc dẫn động can phong mà gây co giật, thậm chí nội bế ngoại thoát. Nhiệt thịnh bức huyết có thể xuất hiện xuất huyết cấp nhiều nơi, nhiều khiếu như khạc huyết, thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, âm đạo xuất huyết, … lượng xuất huyết lớn có thể dẫn đến khí tùy huyết thoát. Những triệu chứng nguy cấp trên có thể uy hiếp tính mạng người bệnh.

4.4. Trong quá trình bệnh dễ hao âm thương tân

Ôn tà là dương nhiệt kháng thịnh chi tà, kháng dương thương âm là biểu hiện cơ bản của ôn bệnh, đúng như Ngô Cúc Thông nói: “Ôn nhiệt dương tà dã, dương thịnh thương nhân chi âm dã”. Bệnh tại thượng tiêu tổn thương phế âm với triệu chứng miệng mũi hầu họng khô táo, ho khan không đàm. Bệnh tại trung tiêu tổn thương vị âm với biểu hiện miệng khát muốn uống nước, ăn ít, lưỡi đỏ thẫm (giang) không rêu quang bóng như gương. Bệnh tà tại hạ tiêu thương tổn can thận âm với sốt thấp, uể oải, lưỡng quyền đỏ, thủ túc tâm nhiệt thậm chí nóng cả mu bàn tay chân, co giật, lưỡi khô đỏ mà teo, …

Tính chất thấp nhiệt của ôn bệnh chỉ có thấp nhiệt hoá táo hoá hỏa mới có thể dẫn đến sự hao thương âm tân, thấp nhiệt hoá táo hoá hỏa diễn ra từ từ cho nên trong quá trình bệnh có thể xuất hiện thấp nhiệt chưa hết mà âm tân đã thương tổn. Nếu thấp nhiệt ngược lại lại hàn hoá sẽ chuyển biến thành hàn thấp bệnh tà lại có thể tổn thương dương khí, đây là một loại biểu hiện đặc thù của thấp nhiệt ôn bệnh.

Trên đây là bốn đặc điểm của ông bệnh cùng có của “Tứ thời ôn bệnh”

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ