Vị trí huyệt Phong môn – Huyệt là điểm gặp nhau của đường ngang qua mỏm gai đốt sống lưng 2 và đường thẳng đứng ngoài Đốc Mạch 1,5 thốn, khi điểm huyệt ngồi khom lưng
Mục Lục
1. Đại cương
Tên Huyệt: Người xưa cho rằng phong khí (phong) thường xâm nhập vào cơ thể qua huyệt này (như cái cửa = môn), vì vậy gọi là Phong Môn.
Tên Khác: Bối Du, Nhiệt Phủ
Xuất Xứ : Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 12 của kinh Bàng Quang.
+ Nhận một mạch phụ của Đốc Mạch.
+ Hội của kinh Bàng Quang với Mạch Đốc.
2. Vị trí huyệt Phong môn
Xưa: Hai bên sống lưng, gai sau dưới đốt sống thứ 2 đo ngang ra 1,5 th
Nay: Huyệt là điểm gặp nhau của đường ngang qua mỏm gai đốt sống lưng 2 và đường thẳng đứng ngoài Đốc Mạch 1,5 thốn, khi điểm huyệt ngồi khom lưng
Giải Phẫu : Dưới da là cơ thang, cơ trám ( hoặc cơ thoi), cơ răng bé sau-trên, cơ gối cổ, cơ lưng dài, cơ cổ dài, cơ đầu dài, cơ bán gai của đầu, cơ ngang sườn, bên trong là phổi.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh đám rối cánh tay, dây thần kinh gian sườn 2, nhánh của dây sống lưng 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.
3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt
Tác Dụng: Khu phong tà, giải biểu.
Chủ Trị: Trị Cảm mạo, phế Quản viêm, vùng lưng và vai đau, cổ gáy vẹo.
Phối Huyệt :
- Phối Đại Lăng (Tb.7) + Gian Sử (Tb.5) + Hợp Cốc (Đtr.4) trị mụn nhọt (Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối Côn Lôn (Bq.60) + Kiên Tỉnh (Đ.21) + Phong Phủ (Đc.16) + Phong Trì (Đ.20) + Thiên Trụ (Bq.12) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị gáy cứng (Châm Cứu Tập Thành).
- Cứu Kỳ Môn (C.14) + Phong Môn (Bq.12) + Thiếu Phủ (Tm.8) trị ngực, lưng đau (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Sai (Bq.4) + Thượng Tinh (Đc.23) trị tỵ uyên [xoang mũi viêm] (Thần Cứu Kinh Luân).
- Cứu Hợp Cốc (Đtr.4) + Phong Long (Vi.40) (Vi.40) + Phong Môn (Bq.12) + Trung Quản (Nh.12) trị đờm quyết (Trung Hoa Châm Cứu Học)
- Phối Khí Hải (Nh.6) + Kiên Tỉnh (Đ.21) + Phong Long (Vi.40) + Thái Uyên (P.7)+ Thân Trụ (Đc.13) trị phế Quản viêm mạn (Trung Quốc Châm Cứu Học)
- Phối Đào Đạo (Đc.13) trị Cảm cúm châm xong ấy giác hút hơi(Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Phế Du (Bq.13) trị lưng đau do phong thấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Huyết Hải (Ty.10) + Khúc Trì (Đtr.11) + Liệt Khuyết (P.7) trị phong ngứa, mề đay (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Khổng Tối (P.6)+ Phế Du (Bq.13) trị màng ngực viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Y Hy (Bq.45) + Cao Hoang (Bq.43) trị thần kinh suy nhược (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Thân Trụ (Đc.13) + Xích Trạch (P.5) trị Cảm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Đại Chùy, Phế Du, Trung Phủ trị phát sốt, ho, đau ngực.
- Phối Đại Chùy, Kiên Ngung trị đau vai lưng
Châm Cứu: Châm xiên về phía cột sống 0,5 – 0,8 thốn – Cứu 3-5 tráng – Ôn cứu 5-10 phút.
Ghi Chú : – Không châm sâu vì có thể đụng phổi. Bên Trái gọi là Phong Môn, bên Phải gọi là Nhiệt Phủ (Tuần Kinh).
Tham Khảo :
. Theo thiên ‘Thích Nhiệt Huyệt’ (TVấn.32) : Phong Môn là một trong nhóm huyệt dùng để tả tà nhiệt ở ngực (các huyệt khác là Đại Cự (Ty.27), Trung Phủ (P.1), Khuyết Bồn – Vi.12). ( “Khi lỗ chân lông không đóng lại đủ, phong tà nhập vào huyệt Phong Môn, gây chảy nước mũi trong, phải bổ Phong Môn” (Biển Thước Tâm Thư’).
. “Phong Môn chủ trị cảm hàn gây ho” (Ngọc Long Ca).
Xem thêm: