Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Yếu lĩnh Thái Cực Quyền

by BBT Yhctvn

Yếu lĩnh Thái Cực Quyền

(Bàn về sự luyện tập Thái Cực Quyền)

Quyền thuật của Trung-Quốc, tuy rằng có nhiều phái hệ, nhưng tất cả đều hàm chứa kỹ thuật cùng triết lý.

Từ xưa tới nay biết bao cổ nhân đã dùng hết tinh lực cùng tuổi trời tu tập mà rất ít người đạt đến chỗ vi diệu của môn quyền. Bởi lẽ, nhiều cao nhơn cho là võ học rất đỗi bao la.

Nhưng nếu học giả tốn công lực một ngày học tập thì tất sẽ được thành quả của một ngày, rồi ngày qua ngày…. Mới mong thành công.

Thái-cực quyền là môn võ thuật dụng Nhu trong Cương, là nghệ thuật miên lý tàng kim. Nó hàm chứa triết lý tương đối trên phương diện kỹ thuật, sinh lý và học lực. Thế cho nên, học giả nghiên cứu môn nầy đều cần phải trải qua thời gian nhất định mặc dù được thầy giỏi hay bạn tốt hướng dẫn, cũng không thể vượt mức thời gian, đốt giai đoạn. Điều quan trọng hơn hết là tự mình luyện tập hàng ngày, nếu không, chỉ đọc suông lý thuyết, mơ tưởng hảo huyền, hay ỷ lại thuở thiếu thời có học v.v.. thì khi hữu sự, chẳng thể bảo toàn được danh dự. Người như thế, dù biết nhiều, vẫn chẳng phải người có công phu hằng ngày luyện tập. Cổ nhân nói Chung tư vô ích, bất như học giả. Bất kỳ thời buổi nào trong ngày, thời tiết nào trong năm, hoàn cảnh, nơi chốn nào…. Hễ trí tưởng tới là bắt tay luyện tập liền, thì bất kỳ Nam, phụ, lão, ấu đều thành công mỹ mãn.

Gần đây, người nghiên cứu võ thuật rất nhiều, từ Bắc chí Nam, thật là điều vui mừng cho ngành võ thuật.

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ chỗ chuyên tâm khổ luyện để đạt đến thành quả tốt đẹp, mọi sự đó cũng tại thiếu thành tâm hướng học. Và đa số vấp phải hai khuyết điểm :

-. Hạng thanh niên thiên tài sẳn có, cường lực tự nhiên, lãnh hội kỹ thuật dễ dàng. Nhưng khi lãnh hội được chút ít là có tánh tự mãn, tự phụ, cho là đủ xài, là hơn đời, bèn nghỉ luyện, hoặc chểnh mảng luyện tập, thành ra chẳng đi đến đâu.

-. Hoặc hạng muốn học nhanh, học nhiều, để có kết quả mau, nhưng rồi chỉ thu hoạch được rất ít, và sơ sót rất nhiều. Học chưa đầy một năm mà từ quyền đến đao, thương kiếm… đều học cả, thì làm sao cho tinh được. Dù rằng trên hình thức, có thể cũng quơ múa vẽ vời như ai, nhưng thực tế chẳng đạt được chút công phu nào, một hiểu biết gì. Khi được khảo sát vê phương hướng động tác v.v… nội, ngoại, tất cả đều chưa hoà hợp. Nếu muốn sửa chữa, thì thức nào cũng phải sửa cả. Nhưng những người này hễ sáng sửa thì chiều quên. Người xưa nói : “Tập quyền dung dị, cải quyền nan”. Là chí lý thay ; nó bắt nguồn từ hậu quả của sự ham nhanh trên. Nếu như nay tôi (Dương-Trừng-Phủ) dùng sai để dạy người sai thì sẽ di hại về sau cho nền võ thuật, vì lẽ, phải nói cho chánh lý.

Vậy, luyện Thái-cực quyền, trước hết phải luyện QUYỀN GIÁ (khuôn thức bộ quyền) ; tức người học phải ghi tâm khắc trí những điều cần thiết từng thức một của QUYỀN PHỔ. Đó gọi là Luyện giá tử. Tức phải quan tâm đến Nội, Ngoại, Thượng, Hạ trong từng thế quyền.

  • Nội, tức dụng ý bất dụng lực (dùng ý không dùng sức). Ngoại, tức toàn thân buông lỏng khinh linh, mọi phần thân thể nối tiếp nhau, từ chân tới đùi, lên eo, vai, chỏ…
  • Thượng, thì hư linh đỉnh kình (đầu thẳng như dây treo)
  • Hạ, thì khí trầm đan điền.

Bất kỳ một thức nào trong bài Thái-cực quyền cũng đều phải tìm hiểu kỹ lưỡng để tập cho đúng. Khi tập thuần thục một thức, mới học đến thức kế tiếp, cho đến hết bài.

Yếu lĩnh thái cực quyền

Yếu lĩnh thái cực quyền

Nếu học giả cẩn thận sửa sai luôn luôn, thì sau này khỏi cần chỉnh đốn mất thời giờ và mệt nhọc.

  • Khi vận hành luyện tập, các khớp xương phải buông tự nhiên.
  • Thứ nhất là khẩu-phúc (miệng) không được bế khí (nín hơi).
  • Thứ hai là tứ chi, eo, đùi, không được dùng sức mạnh.

Người học Thái-cực quyền đều có thể nói được 2 câu đó, nhưng chỉ mới cử động chuyển thân, hoặc đá chân, uốn eo là thấy thân lung lay, mũi thở hổn hển rồi. Cái bịnh trạng đó là do bế khí và dùng sức mạnh mà ra.

1-. Khi luyện tập đầu không được cúi xuống, ngửa ra sau, ngả qua ngả lại hai bên, đúng theo câu “đỉnh đầu huyền” , nghĩa là như đội vật gì trên đầu vậy. Nhưng không được gồng cứng cổ, mà phải để tự nhiên đầu thẳng như treo dây, ý nghĩa chữ huyền (treo).

Mắt nhìn thẳng tới trước ; có lúc phải di chuyển theo thân thể. Tầm mắt tuy thuộc không hư, nhưng cũng là động tác quan trọng khi biến hoá để bổ túc phần khiếm khuyết của thân pháp và thủ pháp.

Còn miệng thì trông như mở nhưng không phải mở, trông như ngậm mà không phải ngậm, miệng hô (thở ra), mũi hấp (hít vào) theo tự nhiên. Khi miệng tiết nước bọt thì nuốt vào chớ nhổ ra.

2-. Thân thể phải trung chính (ngay thẳng), không nghiêng ngửa, xương sống và vĩ lư (đỉnh đầu và chót xương cùng) thẳng mà không méo : “vĩ lư trung chính”. Nhưng khi khai hợp, biến hoá thì “hàm hung bạt bối, trầm kiên chuyển yêu” (cong lưng thóp ngực, buông vai vặn eo). Học giả mới tập phải chú ý sửa chữa kẻo lâu ngày thành tật khó sửa ; dù có dày công tập luyện lâu mà cũng chẳng đạt thành hữu dụng.

3-. Trầm kiên, truỵ trửu : Hai khớp xương cánh tay phải buông tự nhiên, vai xệ xuống, cùi chỏ co xuống, chưởng ngửa ra, mũi bàn tay hơi co. Dùng ý vận cánh tay cho khí dồn vào các đầu ngón tay. Làm như thế lâu ngày nội kình thông linh, thì cái huyền diệu tự nhiên sinh ra.

4-. Hai chân phải phân hư, thực ; bước lên, hạ xuống như mèo đi. Trọng lượng thân thể đặt vào chân nào thì bên đó là THỰC, mà bên kia là HƯ. Hư thực phải phân minh. Hư không phải là hoàn toàn không có mà là thế vẫn chưa dứt, là thế còn biến hoá, co rút được. – . Thực thì chân thực chớ chẳng phải dùng sức quá độ mà gọi là thực.

Cho nên đùi co thẳng là đủ, nếu còn nhón gót để cho chân thẳng đứng thì gọi là quá kình : thân sẽ ngả tới trước, và sẽ mất tư thế trung chính ngay.

5-. Bàn chân phải phân ra hai (2) thức rõ ràng : dịch thối (quyền phổ ghi là Tả hữu dịch thối phân cước, hay tả hữu sí cước).và đẳng cước hay đặng cước. Khi dịch thối (tức đá) thì phải chú ý mũi bàn chân.

Khi Đặng cước thì chú ý tới toàn bàn chân. Ý đến thì khí đến, khí đến thì kình đến; nhưng khớp xương chân phải buông tự nhiên và đá ra một cách vững vàng. Vì lúc đá rất dể gây ra cường kình (sức mạnh) . Thân thể không vững thì sức mạnh ở đùi chẳng thể phát sinh.

Về thứ tự luyện : trước nhất luyện QUYỀN GIÁ (thuộc hay không) như Thái-cực quyền và Thái-cực trường quyền, sau mới luyện ĐƠN THỦ THÔI VÃN, ĐẠI PHÚC, TÁN PHỦ. Sau hết mới luyện tới Thái-cực Kiếm, Đao và Thương (thập tam thương), v.v…..

Về thời gian để luyện tập : tập ít thì, sáng thức dậy tập và trước khi ngủ tối cũng tập. Mỗi buổi tập ít ra cũng tập hết một bài từ 1 đến 2 lần, nếu đã thuộc trọn bài. Nếu chỉ thuộc một đoạn, vài thức thì tập cả 10 lần. Nếu có thời giờ thì mỗi ngày có thể tập 7 đến 8 buổi, mỗi buổi tập 1, 2 lượt là tốt rồi.

Điều kỵ cấm : khi ăn no và say rượu thì chẳng nên tập luyện.

Địa điểm để luyện : tập trong vườn cây, hay thính đường rộng thoáng mát, đầy đủ ánh sáng là tốt nhất. Nếu chẳng được như thế thì chỗ nào khoáng đảng nhất có thể có được thì tập được.

Chỗ có gió thổi mạnh, và không khí ẩm thấp không nên tập. Vì khi vận động, phổi hô hấp mạnh, mà gặp gió mạnh, khí thấp sẽ dễ gây bịnh.,

Về y phục (quần áo mặc) thì nên mặc quần áo rộng rãi, ngắn gọn theo kiểu Trung- Hoa và đi giày bố mũi rộng, cho dễ xoay trở và dễ chịu.

Tập xong, mồ hôi ra nhiều chẳng nên đứng đầu gió, cởi áo để mình trần cho mau khô mồ hôi, hoặc dùng khăn lạnh lau mình, để tránh nhiễm bịnh.

Bài này do Thầy DƯƠNG-TRỪNG-PHỦ giảng

Và Trương-Hồng-Quỳ ghi chép.

Tác giả: Dương Trừng Phủ là một trong những người sáng lập nên Dương thức Thái Cực Quyền. Dương Trừng Phủ có tên là Triệu Thanh, ông là cháu nội Dương Lộ Thiền, người huyện Vĩnh Niên – Hà Bắc –Trung Quốc.

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ