Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bát cương – Phần 1: Cương lĩnh Biểu lý

by BBT Yhctvn

Bát cương gồm: Âm, dương, biểu, lý, hàn nhiệt, hư, thực, là một trong những cơ sở lý luận của biện chứng luận trị. Nó thông qua tứ chẩn, sau khi nắm được những tư liệu, căn cứ vào vị trí bệnh nông sâu, tính chất bệnh tà và sự thịnh suy của chúng, chính khí của cơ thể thịnh suy, thêm vào sự tổng hợp phân tích quy nạp thành 8 loại chứng hầu gọi là bát cương biện chứng.

Bệnh tật biểu hiện tuy cực kỳ phức tạp nhưng trên cơ bản đều có thể dùng bát cương để quy nạp. Bát cương là phương pháp biện chứng phân tích sự giống nhau của bệnh (cộng tính), là tổng cương cho tất cả các loại biện chứng khác. Giữa các cương lĩnh là mối liên hệ không thể tách rời. 

Dưới đây xin gửi tới bạn đọc lần lượt 8 cương lĩnh trong bát cương qua 4 phần bài viết

Phần 1 : Biểu lý

Phần 2 : Hàn nhiệt

Phần 3 : Hư thực

Phần 4 : Âm dương

Biểu Lý

Biểu lý là hai cương lĩnh dùng để biện biệt bệnh vị (vị trí bệnh) nội ngoại và thế bệnh nông sâu. Nó là một khái niệm mang tính tương đối. Ví dụ nếu so sánh bề ngoài của con người và nội tạng nói một cách tương đối thì phía ngoài là biểu, nội tạng là lý. Tạng so với phủ thì phủ thuộc biểu, tạng thuộc lý. Kinh lạc và tạng phủ nếu so sánh tương đối thì kinh lạc thuộc biểu, tạng phủ thuộc lý. Trong kinh lạc thì 3 kinh dương thuộc biểu, 3 kinh âm thuộc lý… Từ thế bệnh nông sâu thì đối với bệnh ngoại cảm khi tà nhập lý (tức là bệnh vào sâu hơn), hay bệnh tà xuất biểu là bệnh nhẹ hơn (hoặc cạn hơn 1 chút). Kiểu nhận thức về khái niệm tương đối này đặc biệt quan trọng trong lục kinh biện chứng và ôn bệnh vệ khí dinh huyết biện chứng. Nghĩa hẹp của biểu lý là chỉ bề ngoài cơ thể, bì mao, tấu lý, kinh lạc là thuộc phía ngoài, tạng phủ, cốt tủy là thuộc phía trong. Phía ngoài có bệnh thì thuộc biểu, phía trong có bệnh thì thuộc lý.

Biện chứng biểu lý thích ứng trong bệnh ngoại cảm, nó có ý nghĩa trong việc xét đoán bệnh tình nặng nhẹ và xu hướng biến hóa của bệnh. Biểu chứng bệnh nông cạn mà nhẹ, lý chứng bệnh sâu mà nặng. Biểu tà nhập lý là bệnh tiến, lý tà xuất biểu là bệnh thoái. Tìm hiểu bệnh nặng nhẹ, tiến thoái thì có thể nắm được quy luật diễn biến của bệnh, sẽ chủ động hơn trong điều trị, và nó là căn cứ để áp dụng phương pháp giải biểu hoặc công lý.

1. Biểu chứng

Biểu chứng là chỉ lục dâm tà khí thông qua bì mao, mũi miệng tẩm nhập cơ thể sản sinh ra các chứng hầu. “Cảnh nhạc toàn thư – Truyền trung lục” có nói: “Biểu chứng giả, tà khí chi tự ngoại nhi nhập giả dã, phàm phong hàn thử thấp táo hoả, khí hữu bất chính, giai thị dã”. Biểu chứng đa số gặp ở giai đoạn đầu của bệnh ngoại cảm, nó có đặc điểm khởi bệnh nhanh, bệnh trình ngắn.

Biểu hiện lâm sàng: Sốt, ố hàn (hoặc ố phong), đau đầu mình, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù, kiêm thêm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa đau họng, ho…

Phân tích chứng hầu: Lục dâm tà khí xâm phạm (khách vu) bì mao cơ biểu, trở át (trở ngại, lấn át) sự tuyên phát bình thường của dương khí, uất mà phát nhiệt (sốt). Vệ khí bị át mất đi chức năng ôn húc (ôn phân nhục, phì– nuôi dưỡng) tấu lý, và do cơ biểu không nhận được sự sưởi ấm nuôi dưỡng đó nên xuất hiện ố phong hàn. Tà khí uất trệ kinh lạc, khí huyết lưu hành không thông nên gây ra đau đầu mình. Vì tà chưa nhập lý nên lưỡi (tượng) hầu như chưa có biến đổi rõ ràng nên rêu trắng mỏng. Ngoại tà tập biểu, chính khí phấn khởi (vùng lên) kháng tà, mạch khí cổ động bên ngoài nên mạch phù. Phế chủ bì mao, mũi là khiếu của phế, tà khí từ bì mao mũi miệng nhập vô, phía trong ứng với phế (nội ứng), phế thất tuyên túc nên xuất hiện nghẹt mũi chảy nước mũi, họng ngứa đau, ho, thậm chí suyễn.

2. Lý chứng

Là một loại triệu chứng gây ra bởi bệnh tà đã nhập lý (tạng phủ, khí huyết, cốt tủy). Đây là so sánh một cách tương đối với biểu chứng. Đa số gặp giai đoạn giữa và cuối của bệnh ngoại cảm. Nguyên nhân thành (gây) lý chứng đại để có 3 tình huống:

– Do ngoại tà không giải được nội truyền nhập lý, xâm phạm tạng phủ gây ra

– Do ngoại tà trực trúng (trực tiếp xâm phạm) tạng phủ mà thành

– Do yếu tố tình chí nội thương, ẩm thực lao quyển trực tiếp tổn hại tạng phủ làm cho chức năng của chúng thất điều, khí huyết nghịch loạn mà xuất hiện các loại triệu chứng

Biểu hiện lâm sàng: Nguyên nhân gây ra lý chứng có rất nhiều, bệnh vị lại rất rộng, triệu chứng cũng đa đoan, sẽ nói rõ hơn ở phần hàn nhiệt hư thực biện chứng. Triệu chứng biểu hiện: Sốt cao (tráng nhiệt), phiền thao thần hôn, miệng khát bụng đau, táo bón hoặc tiêu chảy nôn ói, tiểu tiện ngắn đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng, dày nê, mạch trầm…

Phân tích triệu chứng: Nhiệt tà truyền nhập lý hoặc hàn tà hóa nhiệt nhập lý, lý nhiệt tích thịnh nên sốt cao, nhiệt tà chước thương tân dịch nên miệng khát, tiểu ngắn đỏ. Nhiệt nhiễu tâm thần nên phiền thao hôn chiêm (thần hôn chiêm ngữ). Nếu hàn tà trực trúng tạng phủ hoặc hàn thấp chi tà trực phạm tỳ vị, hàn tà ngưng trệ trung tiêu nên đau bụng. Hàn thấp khốn trở tỳ vị, tỳ vị kiện vận thất chức (tư) nên tiêu chảy. Vị thất hòa giáng nên nôn ói. Rêu lưỡi vàng hoặc trắng nê dày, mạch trầm đều là những triệu chứng nói lên bệnh tại nội.

Phụ chú: Bán biểu bán lý chứng

Ngoại tà từ biểu nội truyền nhưng chưa tới được lý, hoặc lý tà thấu biểu nhưng cũng chưa tới biểu. Tại đây tà chính tương đấu gọi là bán biểu bán lý chứng. Chứng hầu của nó là hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đau tức (khổ mãn), tâm phiền muốn ói, lặng lẽ thích yên tĩnh, không muốn ăn, miệng đắng họng khô, hoa mắt mạch huyền… (xem kỹ ở phần thiếu dương biện chứng trong lục kinh biện chứng)

3. Điểm phân biệt chủ yếu giữa biểu chứng và lý chứng

Chủ yếu dựa vào thẩm sát sự biến hóa hàn nhiệt, lưỡi, mạch của bệnh chứng. “Y học tâm ngộ – Hàn nhiệt hư thực biểu lý âm dương biện” có nói: Phân biệt một bệnh là biểu hoặc lý chủ yếu dựa vào: Phát nhiệt (sốt) và triều nhiệt, ố hàn hay ố nhiệt, đau đầu và đau bụng, nghẹt mũi và miệng khô, có rêu lưỡi hay không, mạch phù hay trầm. Ví dụ sốt, ố hàn, đau đầu nghẹt mũi, rêu trắng mỏng, mạch phù là biểu chứng. Nếu triều nhiệt ố nhiệt, đau bụng miệng táo, rêu lưỡi vàng đen, mạch trầm là lý. Thường thì trong bệnh ngoại cảm khi sốt và ố hàn cùng xuất hiện thì thuộc biểu chứng, chỉ sốt không ố hàn hoặc chỉ lạnh (hàn) không sốt thuộc lý chứng. Biểu chứng rêu lưỡi ít biến đổi, lý chứng rêu đa số biến đổi. Mạch phù chủ biểu, mạch trầm chủ lý.

4. Quan hệ giữa biểu chứng và lý chứng

Cơ biểu và tạng phủ con người thông qua hệ kinh lạc mà có mối liên thông biểu lý. Trong quá trình phát triển bệnh, ở một điều kiện nhất định có thể xuất hiện hiện tượng biểu lý chứng thác tạp (pha trộn) và chuyển hóa tương hỗ như biểu lý đồng bệnh, biểu tà nhập lý, lý tà xuất biểu.

4.1 Biểu lý đồng bệnh

Là biểu chứng và lý chứng cùng xuất hiện ở một thời điểm gọi là biểu lý đồng bệnh. Khi xuất hiện kiểu triệu chứng này ngoài trường hợp biểu chứng trong giai đoạn đầu đã xuất hiện lý chứng ra thì đa số do biểu chứng chưa hết (bãi) lại đã ảnh hưởng tới lý; hoặc bản (chất) bệnh chưa hết thì tiêu (hiện tượng) bệnh đã xuất hiện. Ví dụ bản có nội thương lại mắc thêm ngoại cảm, hoặc ngoại cảm trước sau đó lại bị tổn thương do ẩm thực…

Biểu lý đồng bệnh thường cùng xuất hiện hàn nhiệt, hư thực. Thường gặp là biểu hàn lý nhiệt, biểu nhiệt lý hàn, biểu hư lý thực, biểu thực lý hư… (xem kỹ ở phần hàn nhiệt hư thực biện chứng).

4.2 Biểu lý xuất nhập

Biểu tà nhập lý

Phàm là biểu chứng khi biểu tà chưa giải đã nội truyền nhập lý gọi là biểu tà nhập lý. Đa số do khả năng kháng tà của cơ thể giảm, hoặc tà khí quá mạnh, hoặc vấn đề hộ lý chăm sóc không thích đáng, hoặc thất trị, ngộ trị… gây ra. Vị dụ biểu chứng là sốt, ố hàn nhưng nếu ố hàn đã hết ngược lại xuất hiện ố nhiệt kèm theo miệng khát lưỡi đỏ rêu vàng, tiểu đỏ… đây là triệu chứng biểu tà nhập lý.

Lý tà xuất biểu

Một vài lý chứng khi bệnh tà từ lý thấu đạt ra biểu thì gọi là lý tà xuất biểu. Do được chữa trị chăm sóc thích đáng nên sức đề kháng của cơ thể dần được cải thiện tốt mà xuất hiện hiện tượng này. Ví dụ nội nhiệt phiền thao, ho tức ngực tiếp sau là sốt, hoặc xuất hiện ban chẩn, sảy là bệnh tà đạt biểu.

Bệnh tà nhập lý biểu thị bệnh nặng thêm, lý tà xuất biểu là bệnh tà đã có đường xuất ra, bệnh đang trên đà giảm. Khi nắm được sự biến hóa biểu lý xuất nhập rất có ý nghĩa trong việc suy đoán bệnh tăng hoặc giảm.

Nguồn: Giáo trình yhct

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm