Nguyên nhân gây bệnh bên trong là chỉ về do những biến đổi không bình thường về 7 thứ tình chí (thất tình) trực tiếp tổn thương tạng phủ và gây bệnh.
Mục Lục
1. Khái niệm về Thất tình
Là chỉ về bảy loại biến hóa tình cảm của con người như: Hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Nếu đem bảy loại tình chí đó quy thuộc ngũ tạng thì: Hỷ thuộc tâm, nộ thuộc can, tư thuộc tỳ, bi thuộc phế, khủng thuộc thận (gọi là ngũ chí). Trong điều kiện bình thường thì thất tình là một loại biểu hiện tình cảm của con người đối với các hiện tượng xã hội, cảnh quan… và không gây bệnh. Chỉ khi bị kích thích đột ngột, mạnh kịch liệt hoặc lâu dài, vượt qua ngưỡng sinh lý của cơ thể mới gây bệnh, lúc đó sẽ gây ra tình trạng chức năng khí huyết tạng phủ hỗn loạn. Và lúc này thất tình trở thành nguyên nhân gây bệnh.
Thất tình có thể gây được bệnh hay không ngoài cường độ kích thích của nó ra còn tùy thuộc sức chịu đựng của cơ thể, khả năng điều tiết… Thất tình trực tiếp ảnh hưởng các tạng liên quan mà gây bệnh nên gọi là “nội thương thất tình”.
2. Quan hệ thất tình và tạng phủ khí huyết
Hoạt động tình chí con người và tạng phủ khí huyết có quan hệ mật thiết. “Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” có nói: “Nhân hữu ngũ tạng hóa ngũ khí, dĩ sinh hỷ nộ bi ưu khủng”. Qua đó thấy rằng vật chất cơ bản của hoạt động tình chí là tinh khí huyết của ngũ tạng, có quy luật tương ứng với ngũ tạng. Tức là tâm tại chí vi hỷ (biểu hiện ở tình chí của tâm là vui), can tại chí vi nộ, tỳ tại chí vi tư, phế tại chí vi ưu, thận tại chí vi khủng. Không còn nghi ngờ gì nữa sự biến hóa của tạng phủ khí huyết cũng sẽ ảnh hưởng đến sự biến hóa tình chí.
3. Đặc điểm gây bệnh
Tình chí trực tiếp ảnh hưởng đến nội tạng làm cho khí huyết tạng phủ thất điều dẫn đến các loại bệnh phát sinh. Tóm tắt có năm đặc điểm gây bệnh:
Thất tình đều phát bệnh từ tâm
Tâm là chủ tể hoạt động sống của cơ thể nghĩa là chủ tể các hoạt động sinh lý, tâm lý bao gồm hoạt động tình chí. Tình chí con người là kích thích bên ngoài thông qua các cơ quan cảm ứng truyền tới tâm, do tâm sản sinh các phản ứng, do đó có thể nói thất tình đều từ tâm mà phát sinh ra. Sau khi phát ra từ tâm thì những tình chí khác nhau sẽ ảnh hưởng đến những nội tạng tương ứng.
Trực tiếp tổn thương nội tạng
Do hoạt động tình chí và ngũ tạng có mối quan hệ đối ứng và do đó khi thái quá sẽ tổn thương những tạng phủ tương ứng. Ví dụ tâm chủ hỷ nên vui quá cũng thương tổn tâm; can chủ nộ, giận quá tổn can; tỳ chủ tư, suy nghĩ nhiều tổn tỳ; phế chủ ưu, buồn quá tổn phế; thận chủ khủng, sợ hãi tổn thận. Nhưng trên lâm sàng không phải tuyệt đối như vậy, bởi vì con người là một chỉnh thể hữu cơ, “Linh khu – khẩu vấn” có nói: “Cố bi ai sầu ưu tắc tâm động, tâm động tắc ngũ tạng lục phủ giới dao” (giới dao = đều lao đao), điều trên nói rõ tâm là đại minh chủ của lục phủ ngũ tạng, là nơi tinh và thần tụ họp, là nơi phát sinh ra “thất tình”. Do đó “thất tình” thái quá đầu tiên sẽ thương tổn tâm thần sau đó mới ảnh hưởng đến các tạng phủ khác, trong hoạt động thất tình tâm giữ vai trò chủ đạo.
Tâm chủ huyết mà tàng thần, can tàng huyết mà chủ sơ tiết, tỳ chủ vận hóa là nguồn sinh hóa của khí huyết. Trên lâm sàng thất tình gây bệnh đa số biểu hiện ở ba tạng tâm, can, tỳ. Ví dụ kinh, hỷ, thương tổn tâm dẫn đến tâm thần bất ninh xuất hiện tâm quí, mất ngủ, hay quên thậm chí biểu hiện tinh thần không bình thường… Uất nộ tổn thương can, can kinh khí uất biểu hiện trướng đau hai mạn sườn, thích thở dài, cảm giác dị vật trong họng. Hoặc khí trệ huyết ứ biểu hiện đau hạ sườn, thống kinh, tắc kinh… Nộ tắc khí thượng, huyết tùy khí nghịch (huyết theo khí nghịch lên trên) xuất hiện thổ huyết, hôn quyết… Tư lự thương tỳ, tỳ thất kiện vận biểu hiện ăn uống không ngon, bụng trường đầy, tiêu phân lỏng…
Ảnh hưởng tạng phủ khí cơ
Nộ tắc khí thượng: Là chỉ quá phẫn nộ ảnh hưởng sự sơ tiết của can dẫn đến can khí thượng nghịch, huyết tùy khí nghịch. Biểu hiện lâm sàng khí nghịch là: đau đầu căng đầu, mặt mắt đỏ, thổ huyết thậm chí hôn quyết té ngã. “Tố vấn – Sinh khí thông thiên luận” nói: “Đại nộ tắc hình khí tuyệt, nhi huyết uyển vu thượng, sứ nhân bạc huyết”…
Hỷ tắc khí hoãn: Ở điều kiện bình thường, vui mừng (hỷ) có thể làm hoãn giải những căng thẳng thần kinh, tâm bình tĩnh, thư thái. Khi đã trở thành tác nhân gây bệnh thì bạo hỷ sẽ làm tâm khí tiêu tán không thu lại được, xuất hiện tinh thần không thể tập trung thậm chí cuồng loạn.
Bi tắc khí tiêu: Là chỉ ưu bi cực độ tổn thương phế khí, từ đó xuất hiện khí đoản, tinh thần ủy mị không phấn chấn, mệt mỏi…
Khủng tắc khí hạ: Là chỉ sợ hãi quá độ làm cho thận khí bất cố, khí tiết xuống dưới. Lâm sàng thường thấy triệu chứng khí tiết vu hạ là: Tiêu tiểu không tự chủ, thậm chí hôn mê, di tinh…
Kinh tắc khí loạn: Là chỉ đột ngột kinh sợ (giật mình) thương tổn tâm khí dẫn đến tâm khí hỗn loạn, tâm vô sở ỷ, thần vô sở qui, lự vô sở định mà xuất hiện tâm quí, hoảng hốt không yên…
Tư tắc khí kết: Tư lự quá độ dẫn đến tỳ khí uất kết từ đó gây ra ăn uống không ngon, bụng trường đầy, tiêu chảy…
Thất tình đa số ảnh hưởng tạng phủ khí cơ mà gây bệnh. Và tất nhiên thất tình cũng ảnh hưởng đến huyết dịch, bởi vì khí vi huyết chi soái, huyết vi khí chi mẫu, giữa khí và huyết có mối liên quan không thể tách rời. Khi nộ thì khí thượng không chỉ có đau căng đầu mà còn có thể xuất hiện khạc máu, nôn máu… Kỳ thực phương thức mà thất tình gây ra khí nghịch, khí hạ, khí cơ thất điều không phải là tuyệt đối: Ví dụ kinh sợ gây khí loạn cũng có lúc cũng gây ra khí hạ. Ngoài ra triệu chứng mà thất tình gây bệnh thường gặp là mặt đỏ miệng đắng, tâm phiền dễ giận, mất ngủ, thổ huyết, máu cam… gọi là “Ngũ chí hóa hỏa”. Ngũ chí hóa hỏa đa số do khí uất lâu ngày gây ra. Như Lâm chứng chỉ nam y án, nói: “Uất tắc khí trệ, khí trệ cửu tất hóa nhiệt” khí uất không chỉ có thể hóa nhiệt mà còn gây ra đàm uất, thấp uất, thực uất, huyết uất.
Đa số phát bệnh tình chí (tâm thần)
Thất tình gây bệnh không chỉ gây ra nuy chứng, tràng nhạc mà còn gây ra điên cuồng trầm cảm (sợ sệt). Do ảnh hưởng đến tâm là tạng chủ về ý thức tinh thần, tư duy của con người.
Biến hóa của bệnh liên quan chặt chẽ tới tình chí
Những bệnh chứng do thất tình gây ra mà có biến hóa thường có quan hệ tới thất tình. Ví dụ: Do nội thương dẫn đến can khí thất điều với biểu hiện mai hạch khí, vị quản thống và tiêu chảy, thường nặng lên khi có những kích thích tình chí.
Nguồn: Giáo trình yhct
Xem thêm: