Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Hình thể và Quan khiếu

by BBT Yhctvn

Hình thể và Quan khiếu – Hình thể là chỉ: da, cơ nhục, gân, cốt, mạch – gọi là ngũ thể. Quan khiếu là chỉ: Tai, mắt, mũi, miệng, răng, lưỡi, hầu họng, tiền âm, hậu môn. Hình thể và quan khiếu thông qua kinh lạc mà có sự liên lạc tương ứng với nội tạng, đồng thời từ góc độ bệnh lý, sinh lý chúng có mối quan hệ mật thiết. Đồng thời mỗi kết cấu quan khiếu và hình thể trên mặt chức năng thì chúng có tính độc lập tương đối, do đó để riêng một chương để thảo luận.

1. Hình thể

Khái niệm về hình thể có ý nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Nghĩa rộng là phàm chỉ về tất cả những cơ quan tổ chức có hình dạng kết cấu nhất định bao gồm: Đầu, mình, tay chân, ngũ tạng, lục phủ… là những tổ chức có thể nhìn được. Nghĩa hẹp là chỉ về những hàm ý đặc định của ngũ thể, tức là: Da, mạch, cân, cốt, nhục, chúng là bộ phận quan trọng cấu tạo nên cơ thể. Chương này khi nói về hình thể tức là ám chỉ ngũ thể.

Hình thể phía ngoài tiếp xúc với môi trường xung quanh, phía trong bao bọc tạng phủ, kinh lạc là mạng lưới nối thông hình thể và tạng phủ, khí huyết tân dịch vận hành trong nó đi tới mọi chỗ mọi nơi, trong đó thì dinh huyết vận hành trong kinh lạc, vệ khí và tân dịch vận hành ngoài mạch tuần hành giữa da thịt, gân cốt và các màng (manh mạc) của tạng phủ đến mọi nơi. Chính là nhờ vào sự vận hành không ngừng của khí huyết tân dịch nên tinh khí huyết tân dịch do tạng phủ hóa sinh mới phân bố được toàn thân, có tác dụng tư dưỡng, thúc đẩy, ôn chiếu hình thể và khí hóa.

Ngũ tạng ngoại trừ một số tạng sản sinh ra dinh khí, thông qua sự vận hành của khí huyết tân dịch đi nuôi dưỡng hình thể ra thì giữa can, tâm, tỳ, thận phế và cân, mạch, nhục, cốt, bì còn tồn tại một mối quan hệ đối ứng đặc định. Như Tố vấn – Bình nhân khí tượng luận, có nói: Can tàng cân mạc chi khí, tâm tàng huyết mạch chi khí, tỳ tàng cơ nhục chi khí, thận tàng cốt tủy chi khí, phế triều bách mạch..

Ở đây cần nói rõ mạch có phân là kinh mạch và lạc mạch hợp chung gọi là kinh mạch và đã có chương riêng luận về nó, nên ở đây chỉ luận về bì, nhục, cân cốt…

1.1 Bì – Da

a) Bao phủ toàn thân, bề mặt có lỗ chân lông, còn gọi là khí môn, hoặc huyền phủ là nơi tiết ra mồ hôi, có tác dụng điều tiết thân nhiệt và hỗ trợ hô hấp nên da và phế có quan hệ mật thiết.. Hoa văn hay nếp nhăn da gọi là văn lý, và cơ tấu (giữa lớp da) gộp chung là tấu lý.

– Phòng ngự ngoại tà: Da là một tấm bình phong có tác dụng chống lại ngoại tà xâm nhập. Nếu da khỏe kín (chi mật) thì ngoại tà không thể nhập và nếu da sơ hoãn (lỏng lẻo), vệ khí bất túc thì ngoại tà có thể thừa cơ hội hư mà nhập, gây bệnh.

– Điều tiết sự chuyển hóa của tân dịch: Hạn (mồ hôi) là do tân dịch hóa thành. Mồ hôi là một trong những con đường bài tiết tân dịch. Da tấu lý sơ hở, hạn khổng (lỗ, nơi ra mồ hôi) mở thì mồ hôi sẽ nhiều và ngược lại. nếu điều tiết của da không tốt, mồ hôi ra nhiều dẫn đến tổn thương tân dịch.

– Điều tiết thân nhiệt: Sự ấm áp đa số dựa vào tác dụng của vệ khí. Vệ dương đại bộ phận tồn tại trong tân dịch. Nếu do cảm ngoại tà, hạn khổng đóng, mồ hôi không ra, vệ khí cũng không ra được nên uất mà hóa nhiệt (sốt), dùng thuốc giải biểu phát hạn làm cho hạn khổng mở, mồ hôi xuất được, dương khí theo đó cũng tán ra và hết sốt. Nhưng mồ hôi không thể ra quá nhiều vì dễ làm cho dương khí theo đó mà thoát, dẫn đến dương hư, hàn chứng thậm chí vong dương.

–  Hỗ trợ hô hấp: Hô hấp chủ yếu là chức năng của phế, phế hợp bì mao; sự đóng mở của hạn khổng cũng có tác dụng hỗ trợ hô hấp.

b) Quan hệ giữa phế và da

– Phế phân bố tinh khí, xung dưỡng da. Phế đem thủy cốc tinh vi đến bì mao, làm cho da tư nhuận, mao (lông) mượt mà quang trạch. Khi phế khí suy hư thì bì mao xơ xác.

– Phế tuyên phát vệ khí, ngoại đạt bì mao. Vệ khí chủ yếu có ba tác dụng: Ôn dưỡng bì phu, hiệp đồng với da kháng ngoại tà, và khống chế hạn khổng đóng mở. Nếu phế khí không sung, bệnh nhân sẽ cảm thấy sợ lạnh, đổ mồ hôi nhiều, sức đề kháng giảm, dễ cảm. Ngoại tà phạm phế, phế thất tuyên phát thì vệ khí (ở trong da) cũng sẽ không ra ngoài được làm cho bế đóng hạn khổng mà không có mồ hôi. Do đó thuốc tuyên phát phế khí có tác dụng ra mồ hôi.

–  Bì phu cảm tà, thường truyền vào phế. Khi da cảm hàn tà dễ hắt hơi, chảy nước mũi, ho… là những tính chất của phế kinh.

c) Quan hệ da và kinh lạc

Da nếu phân chia theo phân bố của 12 kinh thì được chia ra 12 vùng, mỗi một đường kinh nhu dưỡng một khu vực da nên gọi là “Thập nhị bì bộ”. Khi một đường kinh lạc nào đó bệnh sẽ phản ánh tại khu vực da mà nó phân bố.

d) Tấu lý

Là hoa văn, nếp (văn lý) giữa cơ nhục và da. Tấu là chỉ về hoa văn nếp của cơ nhục gọi là cơ tấu, tức là những khe hở giữa các sợi cơ. Lý là chỉ về nếp hay hoa văn của da tức là những kẽ hở giữa da. Đời Đường, Vương Băng trong “Tố vấn – Bì bộ luận” có nói: “Tấu lý, giới vị bì không cập văn lý dã”. Do đó có thể cho rằng những khe hở của cơ nhục và bì phu thông với nhau cùng gọi là tấu lý.

Tấu lý thông với tam tiêu. Nguyên khí và tân dịch trong tam tiêu chảy ra ngoài nhập vào tấu lý để nhu dưỡng cơ phu, đồng thời bảo đảm cho sự lưu thông khí dịch không ngừng giữa trong và ngoài cơ thể. Hạn khổng có miệng thoát (mồ hôi) ở da, nên khi tấu lý sơ, mật (lỏng lẻo, chắc chắn) ảnh hưởng đến sự tiết mồ hôi. Khi tấu lý cẩn mật (chặt) thì hạn khổng đóng, thể biểu không mồ hôi; tấu lý sơ hoãn (lỏng lẻo, sơ hở) thì hạn khổng mở, mồ hôi sẽ tiết ra. Do đó tấu lý trực tiếp ảnh hưởng đến mồ hôi nhiều hoặc ít và qua đó nó cũng góp phần điều tiết thủy dịch và thân nhiệt.

Thường thì vệ khí tràn đầy trong tấu lý, nó điều tiết và khống chế đóng mở tấu lý. Tấu lý là cửa ngõ để ngoại tà xâm nhập cơ thể, nhưng vệ khí có khả năng điều khống tấu lý và kháng ngự ngoại tà.

1.2 Cơ nhục

a) Chức năng chủ yếu của cơ nhục là bảo hộ nội tạng, chế ngự ngoại tà (vì cơ nhục cũng có tấu lý giống bì phu) và chức năng vận động.

b) Quan hệ tỳ và cơ nhục

– Tỳ hóa sinh tinh khí nuôi dưỡng cơ nhục.

– Bệnh cơ nhục lâu ngày cũng ảnh hưởng tỳ.

1.3 Cân – gân

a) Quan hệ cân và can

– Khí huyết của can có thể dưỡng cân. Tình khí mà can có được đều được phân bố đến cân (Tố vấn) để nuôi dưỡng nó. Do đó khí huyết can bất túc, cân sẽ bệnh.

– Bệnh can ảnh hưởng cân. Can bệnh lâu ngày gây ra các dạng cân bệnh.

– Bệnh cân cũng ảnh hưởng can.

b) Quan hệ kinh lạc và cân

Cân ở cơ thể dựa vào sự phân bố 12 kinh mạch mà cũng phân thành 12 bộ phận. Mỗi bộ phận đều tiếp nhận khí huyết của đường kinh tương ứng nuôi dưỡng nên có tên gọi kinh cân.

1.4 Cốt – Xương

Quan hệ cốt và thận.

a) Thận chủ cốt tủy và dưỡng cốt. Cốt tủy là do thận tinh hóa sinh thành. Sự phát triển của cốt đều phụ thuộc thận tinh (xem bài Ngũ tạng- Thận).

b) Răng là tiêu của thận. “Xỉ (răng) vi cốt chi dư” giống như cốt răng cũng dựa vào tư dưỡng của thận tinh để phát triển.

Ngũ quan và ngũ khiếu

2. Quan khiếu

Khái niệm về quan và khiếu không nhất quán. Quan là chỉ về những cơ quan có chức năng đặc định như: Nhĩ (tai), mục (mắt), khẩu (miệng), tỵ (mũi), yên hầu (hầu họng) đều gọi là quan. Khiếu tức là khổng khiếu (lỗ), miêu khiếu, là cửa sổ thông giữa nội tạng và bên ngoài. Cổ đại gọi “Ngũ quan” là: Tai, mắt, mũi, miệng, họng; Thất khiếu là: Miệng, hai lỗ mũi, hai mắt, hai tai; Cửu khiếu là: Thất khiếu thêm tiền âm và hậu âm. Thực tế do thói quen nên ngũ quan nhiều khi cũng gọi là khiếu, nhưng tiền âm, hậu âm chỉ được gọi là khiếu, không được gọi là quan.

Mỗi một khiếu đều là một cơ quan có chức năng đặc định (đặc biệt nhất định). Nó liên thông với bên ngoài, bên trong thông qua kinh lạc mà có liên hệ tới cùng một tạng phủ nhất định. Như “Linh khu – Ngũ duyệt ngũ sứ” nói: “Tỵ giả, phế chi quan dã; mục giả, can chi quan dã; khẩu thuần giả (thuần = môi), tỳ chi quan dã; thiệt giả, tâm chi quan dã; nhĩ giả, thận chi quan dã”. Các phản ứng biến hóa bên ngoài đều có thể qua quan khiếu ảnh hưởng đến nội tạng, chức năng hoạt động nội tạng tốt hoặc không cũng có thể phản ảnh tại quan khiếu.

2.1 Nhĩ – tai

Là cơ quan thính giác, ở trên đầu nên là nơi khí thanh dương đi tới và là một trong thanh khiếu. Nhĩ quan hệ với thận, tâm rất mật thiết, và cũng quan hệ với thủ thiếu dương tam tiêu kinh, túc thiếu dương đởm kinh và thủ thái dương tiểu trường kinh.

a) Quan hệ nhĩ và tạng phủ

– Thận khai khiếu ở nhĩ

Nhĩ (tai) là ngoại khiếu của thận. Thận là tạng tàng tinh của ngũ tạng lục phủ. Khi thận tinh sung mãn sẽ đi lên nhu dưỡng tai nên thính lực nhạy, phản ứng linh hoạt. Nếu thận tinh suy hư, tủy hải bất túc sẽ xuất hiện tai ù, tai điếc, hoa mắt chóng mặt, phản ứng chậm hoặc đi đứng không vững (Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận). Ở người già cả tinh khí trong thận ngày một suy thoái nên thính lực ngày càng giảm.

– Tâm ký (gởi) khiếu tại nhĩ

Trên quan hệ sinh lý tâm và nhĩ có mối quan hệ nhất định. “Chứng trị chuẩn thằng” có nói: “Tâm tại khiếu vi thiệt, dĩ thiệt vi khổng khiếu, nhân ký khiếu tại nhĩ, tắc thị thận vi nhĩ khiếu chi sinh, tâm vi nhĩ khiếu chi khách”. Thận khai khiếu ở nhĩ, tâm ký gởi khiếu tại nhĩ, tâm thuộc hỏa, thận thuộc thủy, tâm hỏa, thận thủy hỗ tế hỗ điều (ức chế nhau, cùng thúc đẩy nhau) thì thanh dương chi khí mới đi lên được thanh khiếu và nhĩ nhận được thanh khí mới nghe tốt. Nếu tâm thận thất điều, thủy hỏa không thể hỗ tế thì dẫn đến tai nghe không rõ. Trên lâm sàng tâm hỏa kháng thịnh hoặc thận âm bất túc thường xuất hiện ù tai, thính lực giảm. Nguyên nhân gây đột nhiên điếc cũng có thể do tâm thần căng thẳng.

– Quan hệ giữa nhĩ và can, tỳ và đởm

Giữa chúng cũng có mối liên hệ nhất định. Can chủ sơ tiết mà tính của nó là thăng phát. Sơ tiết điều độ thì thanh dương sẽ đi lên được, thanh khiếu được nhu dưỡng. Nếu thăng phát thái quá dẫn đến khí cơ nghịch loạn thanh khiếu úng tắc. Đởm và can tương quan biểu lý, túc thiếu dương đởm tuần hành ở trước và sau tai đồng thời chui vào tai. Trên lâm sàng nếu can đởm khí nghịch cũng ảnh hưởng tới tai. Tỳ chủ vận hóa và thăng thanh, nếu tỳ suy thanh dương bất thăng, thủy cốc tinh vi không thể đi lên dưỡng thanh khiếu và thính lực bị ảnh hưởng.

b) Quan hệ giữa tai và kinh lạc

Tai là nơi hội tụ của tông mạch, khí huyết của 12 kinh mạch đều đi lên mặt và tới không khiếu, trong đó có biệt khí đi tới tai giúp tai nghe rõ (Linh khu).

Những kinh mạch đi vào tai gồm: Túc thiếu dương đởm, thủ thiếu dương tam tiêu, đều đến từ phía sau đi vào tai, thủ thái dương tiểu trường đi vào tai từ phía trước. Ba đường kinh đó nếu do phong nhiệt của thấp tà xâm phạm đều có thể đi vào tai mà xuất hiện đau tai, sưng nóng, chảy mủ ảnh hưởng thính lực. Mỗi khi thiếu dương kinh bệnh (thủ túc) đều xuất hiện ù tai, điếc tai. Do tai thông qua kinh mạch liên thông với tạng phủ và toàn thân nên khi dùng nhĩ châm có thể chữa bệnh.

2.2 Nhãn – Mắt

Có quan hệ với tất cả phủ tạng nhưng đặc biệt là can. Trong mắt có vật hình dáng giống bó (thúc) gọi là mục hệ.

a) Quan hệ với tạng phủ

– Can khai khiếu ở mắt

Can tàng huyết, mắt nhờ can huyết nhu dưỡng mới phát huy được chức năng nhìn (thị giác). Khi tạng can bệnh thường có phản ảnh tại mắt. Ví dụ:

Can âm bất túc hai mắt sẽ khô rát, can huyết bất túc thì quáng gà (dạ manh) và nhìn đồ vật không rõ. Can kinh phong nhiệt thì mắt đỏ đau ngứa, can hỏa thượng viêm mắt đỏ sưng đau, can dương thượng kháng thì hoa mắt chóng mặt, can phong nội động thì hai mắt lé.

– Mắt đều có quan hệ với ngũ tạng và não.

Mắt không chỉ có quan hệ với can mà còn quan hệ với cả ngũ tạng lục phủ. “Linh khu – Đại hoặc luận” nói: “Ngũ tạng lục phủ chi tinh khí, giới thượng chú vu mục nhi vi chi tinh. Tinh chi khòa vi nhãn, cốt chi tinh vi đồng tử, cân chi tinh vi hắc nhãn, huyết chi tinh vi lạc, kỳ khòa khí chi tinh vi bạch nhãn, cơ nhục chi tinh vi ước thúc, lý hiệt (bó) cân cốt huyết khí chi tinh, nhi dũ mạch tịnh vi hệ, thượng thuộc vu não”. Ở đây nói cốt, cân, huyết, khí, cơ nhục kỳ thực đều chỉ thận, can, tâm, phế, tỳ.

b) Quan hệ với kinh lạc

Quan hệ mắt và tạng phủ chủ yếu thông qua sự quan thông của kinh lạc. Một mặt đem tinh khí tạng phủ tới mắt để nhu dưỡng nó, mặt khác có tác dụng hợp đồng thống nhất giữa mắt và toàn thân. Trong đó trực tiếp đi đến mắt có: Túc thái dương bàng quang xuất phát từ mống mắt trong (huyệt tình minh), túc thiếu dương đởm xuất phát từ đồng tử liên mống mắt ngoài, thủ thiếu âm tâm (nhánh) liên hệ với mục hệ, túc quyết âm can nối mục hệ, thủ thiếu dương tam tiêu (nhánh) đi tới mống mắt ngoài, thủ thái dương tiểu trường điểm cuối tại mống mắt trong, đốc mạch có một phân nhánh hợp với túc thái dương đến mống mắt trong, nhâm mạch đi tới mặt vào dưới hốc mắt. Âm kiểu mạch liên thuộc mống mắt trong (tình minh), dương kiểu đến mống mắt ngoài. Trực tiếp phân bố ở mắt có hơn mười đường kinh.

2.3 Tỵ – Mũi

Là khiếu của phế nên có quan hệ mật thiết với phế. Còn quan hệ cả với tỳ, can, đởm.

a) Quan hệ tạng phủ và mũi

– Phế khai khiếu ở mũi

Sự thông khí (hô hấp) và khứu giác của mũi dựa vào tác dụng của phế khí. Phế khí tuyên thông thì mũi thông phân biệt được mùi. Phế thất tuyên giáng thì mũi nghẹt, phân biệt mùi không rõ. Bệnh của phế thường xâm nhập từ đường mũi miệng.

– Tỵ chuẩn thuộc tỳ (đầu mũi chỗ nhọn nhô cao gọi là tỵ chuẩn).

Tỳ vị thuộc thổ vị trí chủ trung ương, mũi ở giữa (trung ương) của mặt nên mũi là biểu hiện phía ngoài (ngoại hầu) của tỳ vị.

– Can đởm chi hỏa thường phạm mũi (tỵ)

Can là tạng phong mộc chủ thăng phát dễ khí uất hóa hỏa, dễ làm phế táo mà gây ra khô mũi, chảy máu mũi. Đởm được ví như “Phủ trung chi tinh” (tinh túy của phủ), khí của nó thông với não, trán và mũi. Do đó đởm nhiệt đi lên não xuống mũi và dễ gây viêm xoang.

b) Quan hệ với kinh lạc

Túc dương minh kinh xuất phát từ huyệt nghinh hương hai bên cánh mũi, chạy lên trán, đi xuống răng hàm trên, thủ dương minh đại trường kinh dừng ở huyệt nghinh hương, phân nhánh của nó giao nhau tại nhân trung và phân bố ở hai bên lỗ mũi. Thủ thiếu dương tiểu trường kinh dừng ở tình minh hai bên gốc mũi, túc thái dương bàng quang kinh xuất phát từ tình minh. Đốc mạch đi theo đường giữa xuống đầu mũi tới nhân trung. Biểu hiện sinh bệnh lý của mũi đều có quan hệ tới các kinh mạch kể trên.

2.4 Miệng, răng, lưỡi

a) Quan hệ với tạng phủ

– Tỳ khai khiếu ở miệng

Khẩu là khiếu của tỳ. Tỳ chủ vận hóa chức năng kiện vận thì sự hóa sinh khí huyết sẽ đầy đủ, miệng môi sẽ tươi nhuận, vả lại tân dịch được đưa lên trên thành nước bọt giúp tiêu hóa. Miệng hợp đồng với tỳ vị giúp tiêu hóa hấp thu thức ăn và phân bố tân dịch. Bệnh của tỳ vị thường ảnh hưởng tới miệng, như: Tỳ vị nhiệt thì miệng lở nhọt. Thấp khốn tỳ thì miệng lạt ăn uống không mùi vị hoặc cảm giác ngọt và dính.

– Thận chủ cốt

Răng là phần còn lại của cốt (xỉ vi cốt chi dư). Chức năng sinh lý và bệnh lý biến hóa của răng có quan hệ tới sung vượng của thận khí (đã đề cập ở phần thận bài ngũ tạng).

– Lưỡi (thiệt) vi tâm chi miêu (khiếu)

“Tố vấn – Âm dương ứng tương đại luận” nói: “Tâm chủ thiệt… tại khiếu vi thiệt”. “Linh khu” cũng nói: Tâm khí thông đến lưỡi, tâm hòa thì lưỡi mới phân được ngũ vị. Điều đó nói lên lưỡi có quan hệ trực tiếp với tâm, ngược lại bệnh tâm cũng ảnh hưởng tới lưỡi. Như “Ngoại đài bí yếu” nói: Lưỡi chủ tâm khi tạng tâm nhiệt thì lưỡi mọc nhọt lở, nứt nẻ. Tuy tâm chủ lưỡi những cũng có quan hệ tới 4 tạng còn lại như “Y thế đắc nghiệm phương – Thiệt chi bệnh năng” nói: “Tâm chi bản mạch hệ vu thiệt căn, tỳ chi lạc mạch lạc vu thiệt bàng, can mạch tuần âm khí lạc vu thiệt bản, thận chi tân dịch xuất vu thiệt đoan, phân bố ngũ tạng, tâm thực chủ chi. Do đó bệnh tạng phủ đều có thể biểu hiện ở lưỡi, đây là nét đặc sắc của cơ sở lý luận thiệt chẩn.

b) Quan hệ kinh lạc với miệng răng lưỡi

Tuần hành quanh miệng răng lưỡi tổng cộng có 8 kinh, kẹp khẩu đi vào hàm trên là túc dương minh vị, kẹp khẩu đi xuống hàm dưới là thủ dương minh đại trường, đến gốc lưỡi có túc thiếu âm thận và túc thái âm tỳ, đến giữa nướu trên (ngân giao) là đốc mạch, chạy vòng quanh miệng có túc quyết âm can, nhâm mạch và xung mạch. 8 đường kinh này khi có bệnh đều ảnh hưởng tới miệng răng lưỡi, đồng thời những huyệt vị trên đường kinh này có thể điều trị bệnh của miệng lưỡi răng.

2.5 Hầu họng

a) Quan hệ với tạng phủ

– Quan hệ với phế thận tỳ

Hầu thuộc hệ phế, là đường xuất nhập của khí hô hấp phế ảnh hưởng rất nhiều tới hầu. Nếu phế bị ngoại tà hoặc đàm hỏa úng tắc ảnh hưởng đến hầu gây tắc tiếng. Nếu phế hư ảnh hưởng hầu cũng mất tiếng. Họng thuộc hệ vị quan hệ mật thiết vì họng đau sẽ ăn khó nuốt khó… tỳ vị là biểu lý, túc thái âm tỳ lạc vi kẹp hầu tới gốc lưỡi, nên tỳ vị bệnh phản ánh ở hầu họng.

– Quan hệ với thận

Thận là tạng tàng tinh, là căn bản âm dương của cơ thể, kinh mạch của nó từ phế lên hầu tới gốc lưỡi. Tinh khí của thận đi lên trên dưỡng hầu họng. Nếu thận âm bất túc thì hư hỏa cũng sẽ theo kinh đi lên gây khô hầu họng.

– Quan hệ với can

Can chủ sơ tiết kinh mạch của nó, sau khi tới hầu họng sẽ đi vào trán. Nếu can thất điều đạt, khí cơ bất lợi, khí trệ thì tân dịch tất sẽ đình trệ ngưng tụ thành đàm. Khi tình chí không thoải mái thường gắp hiện tượng đàm và khí kết tập tại hầu mà phát sinh chứng “Mai hạch khí”.

b) Quan hệ với kinh lạc

Đi tới hầu họng gồm có thủ thái âm phế và thủ dương minh. Túc dương minh có nhánh đi vào nhân nghinh huyệt đi ra hầu họng. Túc thái âm đi dọc hai bên hầu liên hệ lưỡi, thủ thiếu âm có nhánh đi lên hầu, thủ dương minh đi vào họng xuống cách, túc thiếu âm nhánh thẳng đi tới hầu, thủ quyết âm biệt lạc đi lên hầu, túc thiếu dương cũng đi lên dọc hai bên hầu, túc quyết âm đi tới hầu họng ra trán. Kỳ kinh bát mạch gồm: Đốc mạch đi từ bụng dưới thẳng lên trên vào hầu. Nhâm mạch đi tới hầu, xung mạch nhánh đi lên tới hầu, mũi. Âm kiểu cũng tới hầu giao tiếp với xung mạch. Bởi vậy một khi những kinh mạch này bệnh thường ảnh hưởng tới hầu và có thể thông qua huyệt vị trên kinh đó chữa bệnh hầu họng.

2.6 Tiền âm

Là chỉ cơ quan sinh dục ngoài của cả nam và nữ. Tiền âm có quan hệ với tất cả lục phủ ngũ tạng nhưng đặc biệt với thận, bàng quang, can, tỳ là tương đối mật thiết. Tiền âm còn có quan hệ với can kinh và nhâm mạch.

a) Quan hệ với các tạng phủ

– Tiền âm là khiếu của tạng thận (khai khiếu ở tiền âm)

Thận chủ sinh dục (thực), thận tinh sung mãn tới một mức độ nào đó sẽ sản sinh “Thiên quý” (đã đề cập ở phần trước).

– Quan hệ với can

Can chủ sơ tiết, chủ tàng huyết, hai chức năng này đối với chức năng sinh sản của nam và nữ có ảnh hưởng rõ rệt. Hai chức năng này cũng đòi hỏi phải có sự hợp đồng điều hòa tốt mới có thể duy trì chức năng sinh dục của tiền âm. Nếu can sơ tiết thái quá và tướng hỏa thiên kháng, thận bế tàng bất cập thì ở nam sẽ là di tinh, xuất tinh sớm, nữ là kinh nguyệt quá nhiều.

– Quan hệ với tỳ

Tỳ chủ vận hóa, chủ thăng thanh, đều có ảnh hưởng tới tiền âm. Tỳ vận hóa thủy dịch nếu không kiện vận thì thủy sẽ đình lại thành thấp, thấp có xu hướng hãm hạ (đi xuống) thường hạ chú tiền âm và ở nữ biểu hiện bạch đới lượng nhiều như nước, nam giới phù sưng bìu dái.

b) Quan hệ với kinh mạch

– Quan hệ với túc quyết âm can kinh

Can kinh đi qua âm khí, do đó khi bị tà khí xâm nhập sẽ xuất hiện bệnh tại tiền âm. Ví dụ thấp nhiệt hạ chú tiền âm thì âm nang (bìu) sẽ đỏ và ngứa hoặc sưng đau nóng, hoặc sưng tinh hoàn. Nữ ngứa vùng âm hộ, đái mạch nhiều, vàng dính đắc hoặc như nước cơm vo mà tanh hôi hoặc sinh lở nhọt.

– Quan hệ với nhâm mạch

Nhâm mạch đi từ sau ra trước nên bệnh của nhâm mạch thường ảnh hưởng tiền âm, nam thì thất sán (sa ruột), nữ thì đái hạ…

2.7 Hậu âm – Giang môn

Là cửa sau của đại tràng. Đại tràng và phế tương quan biểu lý. Phế tàng phách nên giang môn có tên là phách môn.

a) Quan hệ tạng phủ

– Quan hệ đại trường và phế

Là hạ khẩu của đại trường nên khi đại trường và phế bệnh không chỉ sẽ ảnh hưởng qua lại mà còn rất dễ kéo dài thời gian bệnh. Phế khí hạ giáng giúp đại tràng đẩy cặn bã xuống, giúp hậu môn bài tiết phân.

– Là khiếu của thận

Thận tàng tinh có tác dụng giúp hậu môn cố nhiếp phân. Đồng thời thận là “căn bản” âm dương toàn thân. Nếu thận âm thịnh, suy quyết định sự nhuận táo của tạng phủ. Thận âm hư, phân sẽ khô táo, hậu môn sẽ khô không nhuận dễ dẫn tới nứt.

– Quan hệ với tỳ

Tỳ chủ vận hóa thủy cốc, chủ thăng thanh. Chức năng vận hóa trực tiếp ảnh hưởng đến phân nhuận hoặc khô và hậu môn. Chức năng thăng thanh bình thường thì giang trường (trực tràng) sẽ giữ nguyên vị trí, nếu tỳ khí hư hãm sẽ xuất hiện sa trực tràng, thoát giang.

b) Quan hệ kinh lạc

Tuần hành ở hậu âm gồm biệt kinh của túc thái dương, nên huyệt vị trên túc thái dương bàng quang kinh có thể chữa được bệnh hậu âm.

Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ