Học thuyết tạng tượng là một trong những học thuyết quan trong của y học cổ truyền. Học thuyết nêu rõ chúc năng sinh lý của từng tạng phủ, quan hệ giữa các tạng phủ. Giúp người học hiểu rõ cơ chế sinh lý của cơ thể. Từ đó giúp ích rất nhiều trong việc phòng chẩn đoán và điều trị bệnh. Phần ba này chúng ta sẽ tìm hiểu về Quan hệ giữa các tạng phủ.
Mục Lục
C Quan hệ giữa các tạng phủ
Cơ thể là một chỉnh thể hữu cơ thống nhất, nó do tạng phủ kinh lạc, hình thể, quan khiếu cùng cấu thành. Các hoạt động chức năng của tạng phủ, tổ chức, cơ quan không phải là cô lập mà là một bộ phận tổ thành của hoạt động chỉnh thể. Giữa chúng không chỉ tồn tại mối quan hệ tương hỗ chế ước tương hỗ vi dụng, tương hỗ y tồn trong chức năng sinh lý mà giữa các tạng phủ còn liên hệ nhau qua kinh lạc.
1. Mối quan hệ biểu lý giữa các tạng phủ
Thực tế thì là mối quan hệ âm dương và biểu lý. Do tạng thuộc âm phủ thuộc dương, tạng là (vi) lý phủ vi biểu. Một tạng một phủ, một âm một dương, một biểu một lý cùng phối hợp với nhau, đồng thời giữa chúng lại có lạc mạch tương hỗ lạc thuộc từ đó mà cấu thành mối quan hệ.
1.1 Tâm và tiểu trường
Kinh mạch của tâm thuộc tâm mà lạc tiểu trường, kinh mạch tiểu trường thuộc tiểu trường mà lạc tâm. Thông qua kinh mạch tương hỗ lạc thuộc nhau mà thành quan hệ biểu lý. Biểu hiện trên bệnh lý: Ví dụ tâm có hỏa nhiệt có thể hạ di (đi xuống, di chuyển) xuống tiểu trường gây ra tiểu ít, tiểu nóng đỏ đau… ngược lại khi tiểu trường có nhiệt cũng có thể tuần kinh (theo kinh mạch) thượng viêm tới tâm xuất hiện tâm phiền, lưỡi đỏ, miệng lở
1.2 Tỳ và vị
Tỳ và vị là hai cơ quan giúp cho sự vận hóa thức ăn. Tỳ chủ vận hóa, tạng vị chủ thu nạp và tỳ nghét thấp ưa táo, vị nghét táo ưa thấp, tỳ lấy thang làm thuận còn vị lấy giáng làm hòa. Do đó, tính chất đặc trưng của tỳ vị đối lập với nhau giữa thấp và táo, giữ thăng và giáng nhưng lại thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau để giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường.
Khi tỳ vị mắc bệnh, sự thăng giáng có thể đảo nghịch ví dụ như tỳ khí đưa thanh khí lên trên nhưng lại đưa xuống dưới được gọi là chứng tỳ hư hạ hãm gây ra các bệnh như tiêu chảy, sa trực tràng, sa sinh dục, rong huyết,… Tỳ khí đưa khí đi xuống nhưng lại đưa lên trên gây ra các triệu chứng nấc, nôn mửa,… Tỳ vị mắc bệnh gây nên sự đảo lộn về táo và thấp. Tỳ ghét thấp nhưng do tỳ hư không được vận hóa thủy thấp làm cho thủy thấp đình lại dẫn tới mệt mỏi, đi phân lỏng, phù thũng. Vị ghét táo nhưng do vị hỏa quá mạnh làm cho tân dịch bị khô dẫn tới vị âm hư có các chứng táo bón, chảy máu chân răng, loét miệng,…
1.3 Phế và đại tràng
Cũng là mối quan hệ biểu lý. Phế khí túc giáng trợ giúp chức năng truyền dẫn của đại tràng: Chức năng truyền đạo đại trường mà bình thường cũng trợ giúp phế túc giáng. Nếu đại tràng thực nhiệt sẽ ảnh hưởng phế túc giáng mà sinh ra đầy tức ngực, ho… Nếu phế khí bất giáng, tân dịch không thể hạ đạt (xuống tới đích) sẽ xuất hiện đại tiện táo kết. Phế khí suy nhược xuất hiện đại tiện khó đi, gọi là khí suy tiện bí. Nếu khí suy không thể cố nhiếp, thanh trọc hỗn tạp cùng đi xuống xuất hiện đại tiện lỏng…
1.4 Can và đởm
Phủ đởm bám vào tạng can. Đởm dịch hình thành do khí dư thừa của can. Dịch đởm có thể bài tiết để phát huy tác dụng được là nhờ can sơ tiết. Bởi vậy chúng có quan hệ gắn bó trên mặt sinh lý và bệnh lý. Can bệnh thường ảnh hưởng đởm và ngược lại và cuối cùng dẫn đến can đởm đồng bệnh. Như can đởm hỏa vượng, can đởm thấp nhiệt… Ngoài ra can chủ mưu lược đởm chủ quyết đoán giữa hai cái đó có quan hệ với nhau.
1.5 Thận và bàng quang
Bàng quang trữ và bài tiết nước tiểu phải dựa (nhờ) vào sự khí hóa của thận, thận khí sung túc thì cố nhiếp tốt, bàng quang đóng mở hợp lý từ đó mới có sự chuyển hóa thủy dịch bình thường. Nếu thận khí bất túc, khí hóa không bình thường, cố nhiếp suy yếu thì sự đóng mở bàng quang cũng thất thường, xuất hiện tiểu không thông hoặc tiểu không cầm được, hoặc đái són, đái dầm… Ví dụ: ở người già thường có trường hợp tiểu không cầm được hoặc tiểu nhiều tức là biểu hiện của thận khí suy
2. Quan hệ giữa các tạng
Quan hệ giữa tạng và tạng trên mặt lý luận người xưa thường dùng ngũ hành sinh khắc, thừa vũ để giải thích. Nhưng qua sự quan sát, nghiên cứu lâu dài họ đã nhận thấy quan hệ giữa tạng và tạng đã vượt qua phạm vi sinh khắc thừa vũ của ngũ hành và bây giờ chủ yếu từ chức năng các tạng phủ mà giải thích mối quan hệ tương hỗ đó. Trong mối quan hệ giữa các tạng có ba điểm chung. Đầu tiên là thận âm và thận dương là căn bản âm dương của ngũ tạng. Kế đó là tỳ và vị là nguồn sản sinh khí huyết của ngũ tạng. Tỳ vị vượng suy cũng quyết định lượng khí huyết nhiều ít của ngũ tạng. Cuối cùng là tâm – là đại chủ của ngũ tạng, các hoạt động sống của ngũ tạng được đặt dưới sự chủ trì của tâm.
2.1 Tạng tâm và phế
Chủ yếu là quan hệ tâm chủ huyết, phế chủ khí. Mối quan hệ này trên thực tế là quan hệ khí và huyết cùng dựa nhau tồn tại, hỗ căn vi dụng
Phế chủ tuyên phát túc giáng và “Triều bách mạch” có tác dụng thúc tiến tâm hành huyết, do đó nó là điều kiện tất yếu để huyết dịch vận hành bình thường, phù hợp với qui luật “Khí vi huyết soái”. Ngược lại chỉ khi huyết dịch vận hành bình thường mới có thể duy trì chức năng hô hấp của phế. Nhưng khâu trung tâm để liên kết hai tạng đó lại chủ yếu nhờ vào Tông khí (được tích ở trong ngực). Do tông khí có chức năng “Quán tâm mạch” và “Tư hô hấp” từ đó nó làm mạnh lên sự bình hành hiệp điều giữa tuần hoàn và hô hấp: Bởi vậy bất luận là phế khí suy hoặc phế thất tuyên giáng đều ảnh hưởng đến vận hành huyết dịch, dẫn đến huyết dịch vận hành không bình thường, chậm sáp và xuất hiện tức ngực, nhịp tim thay đổi, thậm chí môi lưỡi xanh tím…một loạt triệu chứng bệnh lý ứ huyết. Ngược lại nếu tâm khí bất túc, tâm dương bất chấn, tâm mạch ứ tắc… dẫn đến huyết hành không bình thường cũng sẽ ảnh hưởng tuyên phát túc giáp của phế mà xuất hiện ho, khí thúc… triệu chứng phế khí thượng nghịch. Đây là ảnh hưởng qua lại về mặt bệnh lý giữa phế và tâm.
2.2 Tâm và tỳ
Tâm chủ huyết tỳ thống huyết, tỳ lại là nguồn hóa sinh ra khí huyết. Do vậy đây là mối quan hệ rất khăng khít, tỳ vận hóa bình thường thì sinh hóa huyết dịch dồi dào, vượng thịnh. Huyết dịch sung mãn thì tâm có cái để làm chủ. Tỳ khí kiện vượng chức năng thống huyết bình thường thì huyết sẽ chảy trong lòng mạch. Do vậy quan hệ giữa tâm và tỳ chủ yếu biểu hiện ở sự sinh thành và vận hành của huyết dịch. Trên bệnh lý tâm và tỳ cũng thường ảnh hưởng qua lại. Ví dụ nếu suy nghĩ quá nhiều (tư lự quá độ) không chỉ âm thầm hao tổn tâm huyết mà cũng còn ảnh hưởng tỳ vận hóa. Nếu tỳ khí suy nhược, vận hóa thất chức thì không có nguồn để sinh ra khí huyết dẫn đến huyết hư và tâm vô sở chủ (không có gì để làm chủ). Nếu tỳ bất thống huyết dẫn đến huyết dịch vong hành cũng sẽ gây nên tâm huyết bất túc. Những điều đã nêu ở trên đều có thể dẫn đến những triệu chứng chủ yếu của tâm tỳ lưỡng suy như: Tâm quí, mất ngủ, mộng mị nhiều, bụng trướng không tiêu, ăn ít, lười biếng,sắc mặt không tươi (vô hóa)…
2.3 Tâm và can
Tâm hành huyết can tàng huyết. Huyết dịch của cơ thể sinh ra bởi tỳ, trữ tàng tại can và thông qua tâm để đi đến toàn thân. Khi chức năng hành huyết của tâm bình thường thì huyết vận hành bình thường, can có cái để tàng; nếu can bất tàng huyết thì tâm vô sở chủ và huyết dịch vận hành thất thường.
Chính vì mối quan hệ tương quan mật thiết giữa tâm và can trên phương diện hành huyết nên lâm sàng thường cùng đồng thời xuất hiện tâm can huyết hư. Tâm chủ thần chí, can chủ sơ tiết. Hoạt động tinh thần, ý thức, tư duy của con người tuy do tâm làm chủ nhưng cũng lại có quan hệ mật thiết tương quan với chức năng can chủ sơ tiết. Do tình chí bị tác động (tổn thương) đa số sẽ hóa hỏa thương âm. Do đó trên lâm sàng tâm can âm hư, tâm can hỏa vượng thường ảnh hưởng lẫn nhau hoặc cùng xuất hiện.
2.4 Tâm và thận
Trong ngũ hành tâm thuộc hỏa, vị trí tọa lạc ở trên nên thuộc dương. Thận thuộc thủy trong ngũ hành, vị trí ở dưới thuộc âm. Từ lý luận âm dương, thủy hỏa, thăng giáng mà nói thì cái ở dưới thì lấy sự thăng làm thuận, cái ở trên lấy giáng làm hòa. Tâm hỏa nhất thiết phải giáng hạ xuống thận, thận thủy cũng nhất thiết phải thượng tế tới tâm và như vậy thì chức năng sinh lý giữa thận và tâm mới hiệp điều và gọi là “Tâm thận tương giao”. Ngược lại, nếu tâm hỏa không thể giáng xuống thận mà thượng kháng và thận thủy không thể thượng tế tới tâm mà hạ tiết như vậy giữa tâm và thận mất đi sự hiệp điều và xuất hiện hàng loạt biểu hiện của bệnh lý còn gọi là “Tâm thận bất giao”. Ví dụ trên lâm sàng xuất hiện triệu chứng mất ngủ của tâm quí, chính xung, tâm phiền, đau lưng mỏi gối hoặc mộng tinh ở nam, nữ mộng giao… đa số thuộc tâm thận bất giao.
Ngoài ra vì có mối quan hệ mất thiết giữa tâm thận âm dương nên khi tâm hoặc thận bệnh đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ thận dương suy thủy phiếm (phù) có thể thượng lăng đến (vu) tâm mà xuất hiện phù thũng, kinh quí… gọi là “Thủy khí lăng tâm”. Tâm âm suy không thể hạ cấp (đi xuống tưới thận) mà dẫn đến chứng âm hư hỏa vượng.
2.5 Phế và tỳ
Quan hệ chủ yếu biểu hiện ở sự sinh thành của khí và sự phân bố tân dịch. Như đã nói khí của cơ thể sinh ra chủ yếu dựa vào chức năng hô hấp của phế và tỳ vận hóa. Chất cơ bản làm ra khí gồm thanh khí do phế hít vào và thủy cốc tinh khí do tỳ vận hóa. Bởi vậy, chức năng hô hấp và vận hóa của phế và tỳ có kiện vận hay không quyết định sự thịnh suy của khí. Sự phân bố tân dịch chủ yếu do phế tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo và tỳ vận hóa thủy dịch, phân bố tân dịch cùng thực hiện. Phế tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo có tác dụng trợ giúp tỳ vận hóa thủy dịch, từ đó phòng ngừa sự sản sinh nội thấp. Mà tỳ lại chuyển vận tân dịch, tán tinh tại phế không chỉ là tiền đề của phế thông điều thủy đạo mà còn trên thực tế cũng cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động sinh lý của phế. Do đó trên phương diện phân bố chuyển hóa tân dịch giữa chúng tồn tại quan hệ tương hỗ vi dụng.
Ảnh hưởng qua lại trên bệnh lý chủ yếu biểu hiện ở sự sinh thành khí bất túc và chuyển hóa bất thường của thủy dịch. Ví dụ khi tỳ khí suy tổn cũng thường dẫn đến phế khí bất túc đây gọi là “thổ bất sinh kim”, và nên dùng phương pháp bồi thổ sinh kim để điều trị; khi tỳ thất kiện vận chuyển hóa tân dịch gặp trở ngại, thủy dịch sẽ đình trệ tụ thành đàm ẩm và đa số ảnh hưởng tới phế tuyên phát và túc giáng xuất hiện ho suyễn đàm nhiều… Do đó có thể nói “Tỳ vi sinh đàm chi nguyên, phế vi trữ đàm chi khí” (tỳ là nguồn sinh ra đàm, phế là vật trữ đàm). Đương nhiên khí phế bệnh lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng tỳ dẫn đến vận hóa của tỳ thất thường hoặc làm tỳ khí suy từ đó xuất hiện ăn không tiêu, bụng trướng, tiêu phân lỏng, nặng hơn nữa là thủy thũng… đây gọi là “Thượng bệnh cập trung” (cập là ảnh hưởng trung tiêu) cũng phải dùng phương pháp bồi thổ sinh kim để điều trị.
2.6 Phế và thận
Quan hệ chủ yếu biểu hiện ở chuyển hóa thủy dịch và hô hấp. Thận là tạng chủ thủy phế lại là “Thủy chi thượng nguyên”, tuyên phát túc giáng và thông điều thủy đạo của phế dựa vào tác dụng phát động của thận dương. Ngược lại chức năng thận chủ thủy cũng lại dựa vào sự tuyên phát túc giáng thông điều thủy đạo của phế. Do đó khi phế thất tuyên túc, thông điều thủy đạo không tốt sẽ ảnh hưởng thận gây tiểu ít hoặc phù thũng. Thận dương bất túc sẽ gây phù hoặc gây suyễn thúc ho hen phải ngồi không nằm được.
Phế chủ hô khí, thận chủ nạp khí. Sự hô hấp hít sâu của phế cần tác dụng nạp khí của thận duy trì. Thận khí sung thịnh thì khí hít vô mới có thể qua phế túc giáng mà hạ nạp ở thận, do đó có câu “Phế vi khí chi chủ, thận vi khí chi căn”. Nếu tinh khí của thận bất túc, nhiếp nạp vô lực khí sẽ ở trên không xuống được (phù vu thượng) hoặc phế khí suy lâu ngày sẽ ảnh hưởng thận dẫn đến bất nạp khí, hô hấp không sâu và xuất hiện động tắc khí suyễn (hễ hơi vận động là lên cơn suyễn khó thở).
Ngoài ra âm khí của phế và thận cũng là tương hỗ tư sinh, thận âm là căn bản của âm khí toàn thân nên phế âm hư suy cũng ảnh hưởng thận âm suy và ngược lại thận âm hư cũng không thể thượng tư (đi lên nuôi) phế âm. Do đó phế thận âm hư thường đồng thời xuất hiện triệu chứng trên lâm sàng như đỏ hai lưỡng quyền, cốt chưng triều nhiệt (đau trong xương, sốt về chiều), đạo hạn, ho khan khàn tiếng, mỏi mềm lưng gối…
2.7 Can và tỳ
Can tàng huyết mà chủ sơ tiết, tỳ thống huyết chủ vận hóa và là nguồn gốc sinh ra khí huyết. Quan hệ giữa hai tạng này đầu tiên biểu hiện ở chỗ ảnh hưởng qua lại giữa sơ tiết và vận hóa. Vận hóa của tỳ có dựa vào sơ tiết của can, chức năng này bình thường ở can thì tỳ mới kiện vận được. Nếu can thất (mất) sơ tiết không thể giúp tỳ thăng tán từ đó gây ra “Mộc bất sơ thổ” hay còn gọi can tỳ bất hoà với biểu hiện tinh thần u uất, ngực sườn trướng tức đầy, đau bụng trướng bụng, tiêu chảy…
Thứ hai là biểu hiện ở chỗ quan hệ mật thiết giữa can và tỳ trong sự sinh thành huyết, tàng trữ vận hóa huyết và phòng ngừa xuất huyết. Tỳ vận kiện vượng thì nguồn sinh huyết dồi dào và huyết không chảy ra ngoài mạch và can có cái để mà tàng trữ. Nếu tỳ suy thì không có đủ nguyên liệu để sản sinh khí huyết. Hoặc tỳ bất thống huyết, mất máu quá nhiều đều có thể dẫn đến can huyết bất túc. Đồng thời can tàng huyết, tỳ thống huyết cùng nhau phát huy tác dụng phòng ngừa xuất huyết. Nếu hai tạng bị tổn thương, có thể dẫn đến xuất huyết.
Ngoài ra, nếu tỳ vị thấp nhiệt uất chưng can đởm, đởm nhiệt dịch tiết có thể xảy ra hoàng đản. Có thể thấy trên bệnh lý thì can bệnh có thể truyền qua tỳ, tỳ bệnh cũng có thể lây (cập) can và bệnh biến hai tạng bày thường thường ảnh hưởng qua lại.
2.8 Thận và tỳ
Tỳ là hậu thiên chi bản, thận là tiên thiên chi bản. Tỳ chủ vận hóa, hóa sinh tinh vi cần có sự trợ giúp của thận dương, do đó có câu tỳ dương có nguồn gốc tại thận dương. Tinh khí trong thận cũng cần sự nuôi dưỡng của thủy cốc tinh vi mới có thể sung mãn và phát dục đầy đủ. Do vậy đây là mối quan hệ tiên thiên và hậu thiên giữa chúng có sự tư trợ (tài trợ) lẫn nhau, cùng thúc đẩy lẫn nhau. Trên bệnh lý cũng thường ảnh hưởng qua lại và là nhân quả của nhau. Ví dụ thận dương bất túc dẫn đến tỳ dương hư khuy với biểu hiện đau lạnh bụng, tiêu phân sống hoặc ngũ canh tả, thủy thũng… và nếu tỳ dương suy lâu ngày tiếp theo sẽ là ảnh hưởng thận dương mà thành bệnh tỳ thận dương hư chứng.
2.9 Can và thận
Là mối quan hệ rất mật thiết do đó có câu “Can thận đồng nguyên (nguồn gốc)”. Can tàng huyết, thận tàng tinh. Quan hệ tàng huyết và tàng tinh trên thực tế là quan hệ tương hỗ tư sinh và tương hỗ chuyển hóa (luận chuyển) giữa tinh và huyết, sự sinh ra huyết dựa vào khí hóa tinh khí trong thận. Tinh khí thận mà sung thịnh cũng phải dựa vào tư dưỡng của huyết dịch. Do đó có thể nói tinh có thể sinh huyết, huyết có thể sinh tinh hay còn gọi “Tinh huyết đồng nguyên”. Trên bệnh lý, bệnh biến của tinh và huyết cũng thường ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ thận tinh khuy tổn có thể dẫn đến can huyết bất túc. Ngược lại can huyết bất túc cũng gây ra thận tinh khuy tổn. Ngoài ra giữa chức năng can chủ sơ tiết và thận chủ phong tàng tồn tại mối quan hệ chế ước, tương phản tương thành và biểu hiện chủ yếu ở phụ nữ kinh nguyệt và nam giới ở sự bài (xuất) tinh. Nếu cả hai thất điều xuất hiện chu kỳ kinh thất thường lượng kinh quá nhiều hoặc bế kinh, nam thì di tinh hoạt tinh hoặc dương cường bất tiết…
Do can thận đồng nguyên nên âm dương can thận cũng có mối quan hệ cực kỳ mật thiết và ức chế lẫn nhau, do đó trên bệnh lý cũng ảnh hưởng nhau. Ví dụ thận âm bất túc cũng có thể gây ra can âm bất túc, âm không chế ngự dương nên can dương thượng kháng gọi là “Thủy bất hàm mộc”. Nếu can âm bất túc cũng có thể dẫn đến thận âm khuy hư và tướng hỏa thiên kháng. Ngược lại can hỏa quá thịnh cũng thương tổn thận âm mà hình thành bệnh lý thận âm bất túc.
3. Quan hệ giữ lục phủ
Đặc điểm sinh lý lục phủ là chuyển hóa vật (vận chuyển) quan hệ giữa chúng là thể hiện ở chức năng tiêu hóa, hấp thu và bài tiết, giữa chúng có sự phối hợp tuyệt vời. Trong bệnh lý giữa chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ vị thực nhiệt sẽ thiêu đốt (tiêu chước) tân dịch dẫn đến sự vận chuyển của đại tràng khó khăn biểu hiện táo bón, mà đại tràng táo kết, đại tiện táo cũng có thể ảnh hưởng tới sự hạ giáng của vị và xuất hiện vị khí thượng nghịch buồn nôn, nôn ói… lại ví dụ can đởm hỏa tích thịnh cũng thường phạm vị dẫn đến vị thất hòa giáng mà xuất hiện nôn ói mật đắng… tỳ vị thấp nhiệt, hun chưng can đởm mà làm cho đởm trấp ngoại tiết đến bì phu gây vàng da hoàng đản. Ở đây cũng cần chỉ rõ lục phủ tuy “dĩ thông vi dụng” nhưng cũng có phân chia thành thái quá và bất cập, do đó cần nghiêm túc biện chứng phân tích.
Xem thêm: