Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Học thuyết Tạng Phủ (phần 1 Ngũ Tạng)

by BBT Yhctvn

Học thuyết tạng tượng là một trong những học thuyết quan trong của y học cổ truyền. Học thuyết nêu rõ chúc năng sinh lý của từng tạng phủ, quan hệ giữa các tạng phủ. Giúp người học hiểu rõ cơ chế sinh lý của cơ thể. Từ đó giúp ích rất nhiều trong việc phòng chẩn đoán và điều trị bệnh. Phần một này chúng ta sẽ tìm hiểu về chức năng sinh lý của Ngũ tạng.

Mục Lục

A Ngũ tạng

1.Tạng Tâm

Vị trí trong khoang ngực giữa hai lá phế, trên cơ hoành hình dáng giống như búp sen lộn ngược, bên ngoài có tâm bào bảo vệ. Tâm vi thần chi xá (là nơi cư ngụ của thần), chủ huyết mạch. Tại ngũ hành thuộc hỏa, là dương trung chi dương, tác dụng chủ tể các hoạt động sống của cơ thể. Tác dụng sinh lý chủ yếu của tâm là chủ huyết mạch và tàng thần. Tâm khai khiếu lại lưỡi. Tại thể hợp mạch, kỳ hóa tại mặt. Tại chí vi hỉ, tại dịch vi hạn. Thủ thiếu âm tâm kinh và thủ thái dương tiểu trường có lạc thuộc với nhau do đó quan
hệ tâm tiểu trường là quan hệ biểu lý.

1.1 Tâm chủ huyết mạch, biểu hiện ra mặt

Là chỉ về tác dụng thúc đẩy huyết dịch vận hành trong mạch chảy khắp toàn thân để nuôi dưỡng và tư nhuận toàn thân. Tâm và mạch trực tiếp thông (gắn) với nhau. Huyết dịch không ngừng chảy trong tâm và mạch, tuần hoàn từng vòng kế tiếp nhau. Tâm mạch huyết cùng nhau hợp thành hệ tuần hoàn, trong hệ này tâm có tác dụng chủ đạo bởi vì chỉ có tâm khí mới thúc đẩy huyết vận hành. Nếu tâm khí suy kiệt thì huyết sẽ ngưng hành, tâm và mạch không đập nữa và kết thúc sinh mạng.

Huyết dịch vận hành bình thường được trong mạch cần ba điều kiện: Thứ nhất mạch phải hoàn toàn thông thoáng. Thứ hai huyết lượng phải đầy đủ, dồi dào (sung doanh) và cuối cùng tâm khí phải sung mãn. Trong ba điều kiện đó nếu thiếu đi bất cứ một điều nào đó thì lập tức sẽ sinh bệnh.

Chức năng tâm chủ huyết mạch có bình thường hoặc không có thể quan sát được ở 4 phương diện: sắc mặt, sắc lưỡi, mạch tượng, cảm giác vùng ngực. Khi chức năng này bình thường thì sắc mặt hồng nhuận, sắc lưỡi hồng nhạt, tư nhuận mà quang trạch, mạch hòa hoãn hữu lực, vùng ngực cảm giác nhẹ nhõm.. Nếu tâm hỏa vượng, mặt đỏ, lưỡi đỏ, nặng hơn thì đầu lưỡi đỏ sậm nhiều nhú gai, hoặc nứt đau, mạch sác, trong ngực cảm giác bực bội bồn chồn (phiền nhiệt), khó ngủ. Nếu tâm huyết suy thì mặt và lưỡi trắng nhạt, mạch tế vô lực, thường cảm giác hồi hộp tim đập nhanh (tâm quí). Nếu tâm mạch bị ứ huyết tắc trệ thì sắc mặt và lưỡi đều tối hoặc xanh tím, lưỡi xuất hiện vết ứ huyết xanh tím, mạch sáp đập không trôi chảy có lúc kết đại (ngưng ngắt) tức ngực đau ngực, nhẹ thì vài giây (đau) sẽ hết, nặng thì đau đến nỗi xanh mặt môi lưỡi tím đổ mồ hôi đầm đìa có thể tử vong.

1.2 Tâm tang thần, chủ thần trí

Chủ yếu là nói về tâm có công năng chủ tể (chi phối, thống trị) hoạt động sinh lý của lục phủ ngũ tạng, hình thể quan khiếu và hoạt động tư duy, ý thức của con người. Linh khu có nói: “Tâm giả, thần chi xá dã” hoặc Tố vấn cũng nói tâm tàng thần. Do tâm trung hữu thần cho nên tâm mới có thể chủ tể mọi hoạt động sinh lý và hoạt động tâm lý.

Tâm chủ tể hoạt động sinh lý lục phủ ngũ tạng, hình thể quan khiếu, vì tâm có tác dụng hành huyết, phế chủ hô hấp, tỳ chủ vận hóa, can chủ sơ tiết, thận chủ tàng tinh, vị chủ thu nạp, tiểu trường tiêu hóa, đại trường truyền đạo, tam tiêu vận hành tân dịch và nguyên khí, bàng quang trữ và bài tiết nước tiểu, tứ chi gập duỗi, mắt có thể thấy, tai có thể nghe… tất tật mọi chức năng sinh lý đều được tiến hành dưới sự chi phối của tâm. Tâm thần chủ tể và hiệp điều mọi hoạt động sinh lý. Nếu tâm thần bình thường thì giữa các bộ phận có sự hợp tác, hỗ trợ nhau thì toàn thân an thái. Nếu tâm thần bất minh, các cơ quan không nhận được sự điều hiệp thống trị vốn phải có sẽ sản sinh hỗn loạn, bệnh tật theo đó sẽ phát sinh. Bởi vậy “Tố vấn – Linh lan bí điển luận” có nói: “Cố chủ minh tắc hạ an, dĩ thử dưỡng sinh tắc thọ, một thế bất đãi, dĩ vi thiên hạ tắc đại xướng. Chủ bất minh tắc thập nhị quan nguy, sứ đạo bế tắc nhi bất thông, hình nãi đại thương, dĩ thử dưỡng sinh tắc ương, dĩ vi thiên hạ giả, kỳ tông đại nguy, hình chi hình chi” (Chủ tướng (sếp) mà minh mẫn sáng suốt thì thuộc hạ yên lành, sống thọ một đời, thiên hạ sẽ thái bình. Nếu chủ bất minh không sáng suốt thì trước hết các quan thuộc hạ sẽ nguy (các tạng phủ khác) cơ thể sẽ thương tổn sẽ không sống thọ thiên hạ hỗn loạn). Tâm thần minh hoặc không minh trực tiếp ảnh hưởng đến toàn thân tạng phủ, quyết định đến tính mạng tồn vong.

Tâm chủ tể hoạt động sinh lý cơ thể. Đầu tiên tâm là cơ quan nội tạng chủ yếu chịu trách nhiệm về hoạt động ý thức tư duy của con người (tương đương hệ thần kinh cao cấp). Nhưng cũng cần nói rõ vấn đề ý thức tư duy của con người là do ngũ tạng cùng nhau hoàn thành. “Tố vấn – Tuyên minh ngũ khí thiên” có nói: “ Tâm tàng thần, phế tàng phách, can tàng hồn, tỳ tàng ý, thận tàng chí”. Trong hoạt động tinh thần của ngũ tạng tâm giữ vị trí thống soái.

Ngoài hoạt động tư duy ra tâm còn là cơ quan (nơi) chủ tể về sự phát sinh tình chí. Như Trương Giới Tân trong “Loại kinh” có nói: “ Tâm vi lục phủ ngũ tạng chi đại chủ, nhi tổng thống hồn phách, kiêm cai ý chí, cố ưu động vu tâm tắc phế ứng, tư động vu tâm tắc tỳ ứng, nộ động vu tâm tắc can ứng, khủng động vu tâm tắc thận ứng, thử sở dĩ ngũ chí duy tâm sở chủ dã” (Năm trạng thái tinh thần tác động vào tâm và ảnh hưởng các tạng khác) hay còn có câu: “Tình chí chi thương, tuy ngũ tạng cá hữu sở thuộc, nhiên cầu kỳ sở do, tắc vô bất tùng tâm nhi phát” (thương tổn tinh thần do mỗi tạng mỗi khác nhưng nếu xét cho cùng thì mọi cái đều xuất phát từ tâm). Qua đây có thể thấy tâm vừa là chủ tể của các hoạt động tư duy, ý thức, tinh thần lại là nơi phát sinh ra thất tình, và do đó có thể nói tâm chủ tể các hoạt động tâm lý của cơ thể.

Bất luận hoạt động sinh lý hoặc hoạt động tâm lý đều do ngũ tạng lục phủ, đặc biệt là ngũ tạng cùng nhau thực hiện, nhưng tâm giữ vai trò chủ tể nên người xưa quan niệm rằng: Tâm là quân chủ của cơ thể của lục phủ ngũ tạng, tác dụng chủ tể này của tâm đều là do tâm thần mà có.

Tâm chủ huyết mạch và tâm tàng thần ảnh hưởng tương hỗ. Chức năng tâm chủ huyết mạch nhận sự chi phối của tâm thần. Lấy ví dụ một người chuẩn bị xuất phát chạy bộ thì tốc độ huyết lưu và nhịp tim đã tăng lên, lúc này hiển nhiên không phải do vận động mà tăng mà do tâm thần chi phối tâm chủ huyết mạch. Đồng thời tâm thần nhất thiết phải nhận được sự nhu dưỡng bình thường của tâm huyết mới có thể hoạt động bình thường. Nếu tâm huyết bất túc thì tâm thần thất dưỡng sẽ xuất hiện vào ban ngày tinh thần hoảng hốt khó tập trung tư duy và vào ban đêm khó vào giấc ngủ mà ngủ được thì thường nằm mơ nhiều, đây là biểu hiện tâm thần bất ninh và suy nhược.

Kể từ đời nhà Minh trở về trước, các y gia đều tin rằng tâm nằm trong lồng ngực có hai loại chức năng là chủ huyết mạch và tàng thần. Nhưng bắt đầu từ nhà Minh giả thiết này bắt đầu lung lay. Người đầu tiên nêu lý luận khác trước đây là Lý Đình trong “Y học nhập môn – Tâm” có đề cập: “Tâm giả, nhất thân chi chủ, quân chủ chi quan. Hữu huyết nhục chi tâm, hình như vị khai liên hoa, cư phế hạ can thượng dã: Hữu thần minh chi tâm. Thần giả, khí huyết sở hóa, sinh chi bản dã, vạn vật do chi thịnh trưởng, bất trước sắc trượng, vị hữu hà hữu, vị vô phục tồn, chủ tể vạn sự vạn vật, hư linh bất muội thị dã, nhiên hình thần diệc hằng trương nhân” (Đại khái là: Tâm là tạng quan trọng nhất trong cơ thể. Có một tâm bằng thịt hình dáng như bông sen chưa nở nằm dưới phế và trên can. Có một tâm chứa thần minh, thần là nguồn sinh khí huyết là cơ bản của vạn vật… không sờ không thấy được làm chủ tể vạn sự vật, do đó tâm hình (bằng thịt) và thần có quan hệ với nhau). Ông ta chỉ ra tâm của con người có hai thứ, thứ nhất là tàng ở trong lồng ngực “Huyết nhục chi tâm” có tác dụng thúc đẩy huyết hành, thứ hai là tâm không có hình thái hiện hữu là “Thần minh chi tâm” tác dụng chủ tể mọi hoạt động sống của con người. Kỳ thực ông ta cũng đã phủ nhận tâm trong ngực có tác dụng chủ tể hoạt động sống cho rằng nó chỉ có tác dụng thúc đẩy huyết hành nên gọi nó là “Huyết nhục chi tâm”. “Thần minh chi tâm” là gì? Nằm ở đâu? Ông ta không trả lời được. Và còn một người kề cận thời ông ta là “Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục – Tân di” cũng đã có cách nhìn khác “Não là nguyên thần chi phủ” và từ nhà Thanh tới nay rất nhiều người đề cập đến điều đó.

Dưới đây là phần giới thiệu khái quát về khí huyết, âm dương của tâm. Tâm khí là chất chủ yếu để tâm tiến hành các hoạt động sinh lý, nguồn gốc chính từ thủy cốc tinh vi từ tỳ vị vận hóa. Khí là vật chất vô hình mà lại động, tác dụng chủ yếu là thúc đẩy chức năng chủ huyết mạch và tàng thần của tâm. Tâm khí thúc huyết dịch vận hành và cũng là động lực của hoạt động “Tâm thần”. Khi tâm khí vương thịnh đủ sức vận hành huyết dịch và tinh thần cũng sẽ vương thịnh. Tâm khí bất túc tắc huyết hành vô lực thậm chí xuất hiện ứ huyết đồng thời tinh thần sẽ ủy mị dễ mệt. Huyết là vật chất hữu hình trong nó có hàm chứa dinh khí và tân dịch tác dụng tư dưỡng “Tinh, thần”. Tâm huyết sung túc thì tâm thần nhận được sự tư dưỡng đầy đủ, tinh thần sẽ an tường (bình an sáng suốt) tư duy nhạy bén. Nếu tâm huyết bất túc tâm thần thất dưỡng thì thần hư nhược ban ngày khó tập trung suy nghĩ, hay quên, mệt mỏi, ban đêm khó ngủ mộng mị liên miên.

Tóm lại khi khí huyết sung túc thì các chức năng của tâm đều thịnh vượng hữu lực, ngược lại khí huyết bất túc thì các chức năng bị ảnh hưởng.

Tâm âm tâm dương có nguồn căn tại thận âm thận dương, nó có tác dụng điều tiết chức năng sinh lý và chuyển hóa của tâm. Sự điều tiết này thể hiện thông qua sự bình hành (thăng bằng) hoặc thiên thịnh hoặc thiên suy của tâm âm và tâm dương. Trong đó tâm dương tác dụng thúc tiến sự hoạt động, thăng tán, hưng phấn và ôn húc (ấm áp) của tâm. Tâm âm thì lại thúc hối sự minh tịnh ức chế và chế ước dương nhiệt. Tâm âm và dương tương phản, tương hỗ chế ước để đạt được sự bình hành tương đối thì huyết hành sẽ bình thường sắc mặt và lưỡi hồng nhạt nhuận trạch, mạch hoãn hữu lực, tinh thần vượng thịnh mà an tịnh, ngủ cũng ngon. Nếu tâm dương thiên thịnh hoặc tâm âm bất túc đều dẫn đến tâm dương thiên thắng nên mặt và lưỡi hơi đỏ, mạch sác tinh thần hưng phấn, phiền táo dễ nộ hoặc đêm ngủ không yên. Ở người tâm dương thiên thịnh là chứng hữu dư (thừa) nên mạch sác mà hữu lực. Người tâm âm bất túc là hư chứng mặc dù cũng xuất hiện lưỡi đỏ tinh thần hưng phấn nhưng mạch thì lại tế sác và do âm nội thủ vô lực (giữ ở trong) nên xuất hiện đạo hạn. Nếu tâm dương bất túc hoặc tâm âm thiên thịnh đều xuất hiện hiện tượng âm thắng với biểu hiện sắc mặt và lưỡi hơi nhạt, mạch trì, tinh thần ủy mị, lười biếng buồn ngủ hoài đây là triệu chứng của sự ức chế tâm thần và huyết hành trì hoãn (chậm chạp), do sự ôn húc vô lực nên xuất hiện tay chân lạnh, ố hàn. Tóm lại động lực để tâm tiến hành các hoạt động sinh lý và dinh dưỡng đều xuất phát từ tâm khí tâm huyết nên nếu khí huyết sung thịnh là hiện tượng tốt. Mà sự điều tiết các hoạt động sinh lý lại nhờ vào tâm âm dương nên âm dương bình hành là trạng thái tốt nhất của cơ thể.

1.3 Tâm khai khiếu ra lưỡi

  • Biệt lạc của tâm thông ra lưỡi
  • Khí huyết của tâm ra lưỡi để nuôi dưỡng, duy trì hoạt đông của lưỡi
  • Dựa vào chất lưỡi để chẩn đoán: Lưỡi đỏ thuộc nhiệt, lưỡi nhạt thuộc hư, lưỡi có điểm ứ huyết thuộc huyết trệ

Xem chi tiết tại phần hình thể và quan khiếu

1.4 Tâm chủ hãn

Cũng có thể nói hạn vi tâm chi dịch, nghĩa là tâm và hạn có quan hệ mật thiết. Sự đổ mồ hôi của cơ thể có hai loại: Một là xuất hạn (ra mồ hôi) để tán nhiệt, hai là ra mồ hôi do tinh thần. Cái thứ nhất thì dễ hiểu (nóng nực đổ mồ hôi để tán nhiệt) hoặc sốt cao dùng thuốc phát hạn cũng vì mục đích trên (nhiệt tùy hạn giải) loại này không có quan hệ nhiều lắm với tâm. Do căng thẳng hoặc do giật mình sợ hãi mà đổ mồ hôi là có quan hệ trực tiếp với tâm vì tâm là đại minh chủ của ngũ tạng lục phủ, chủ tể hoạt động tinh thần: Do đó hạn vi tâm chi dịch là vậy.

1.5 Tâm chủ vui mừng

Tâm tại chí vi hỷ là chỉ chức năng sinh lý và tình chí của tâm có quan hệ với hỷ. Trong ngũ chí hỷ, nộ, tư, ưu, khủng thì hỷ là thuộc tâm (hỷ vi tâm chi chí, Tố vấn). Hỷ là phản ứng lành tính đối với ngoại cảm, có lợi cho chức năng chủ huyết mạch nên Tố vấn có câu: “Hỷ tắc khí hóa chí đạt, dinh vệ thông lợi”. Nhưng hỷ lạc quá độ sẽ làm cho tâm thần tản mạn không thu gom lại được khó tập trung tư tưởng. Do đó ta thấy sự vui mừng bình thường có lợi cho tâm nhưng nếu hỷ lạc thái quá sẽ thương tổn tâm thần.

Kinh (sợ hãi) cũng không có lợi cho tâm vì kinh tắc khí loạn. Tâm thần bất ninh dễ gây ra kinh (sợ hãi)

1.6 Tâm bào lạc

Tâm bào lạc, còn gọi là tâm bào cũng còn có tên là đản trung, là màng bao bọc bên ngoài tạng tâm, có tác dụng bảo hộ. Hình thái và vị trí của tâm bào đã được đề cập trong Y học chính truyền và Loại kinh hình dực. Trong học thuyết kinh lạc, thủ quyết âm tâm bào kinh tương quan biểu lý với thủ thiếu dương tam tiêu nên tâm bào được coi là tạng. Trong thuyết tạng tượng tâm bào là bao bọc bên ngoài tâm có tác dụng bảo vệ. Trong ôn bệnh học gọi chứng ngoại cảm nhiệt bệnh có biểu hiện hôn mê… là nhiệt nhập tâm bào.

1.7 Một số hội chứng bệnh của tạng Tâm

a) Tâm khí hư
Tâm khí hư là hội chứng hay gặp ở người già; do một số bệnh khác như thiểu năng động mạch vành, mất mồ hôi, tân dịch nhiều làm ảnh hưởng đến khí huyết.
– Lâm sàng: trống ngực, thở ngắn, tự hãn, hoạt động bệnh tăng lên.
Kèm thêm hiện tượng khí hư: sắc mặt xanh, mệt mỏi vô lực, lưỡi nhạt mềm bệu, rêu trắng, mạch hư
– Pháp điều trị : bổ tâm khí

b) Tâm huyết hư
Tâm huyết hư là do sự sinh ra huyết giảm sút hoặc sấy ra sau khí mất máu như phụ nữ sau đẻ, rong huyết, chấn thương.
– Lâm sàng: trống ngực hồi hộp, dễ kinh sợ, vật vã, mất ngủ, hay quên.
Kèm theo hiện tượng huyết hư: hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt xamh, môi nhợt, lưỡi nhạt, mạch yếu.
– Pháp điều trị : bổ tâm huyết

v.v….

2.Tạng Can

Vị trí trong khoang bụng dưới cơ hoành nằm phía bên phải. Hình thái của can trong “Nạn kinh – Tứ thập nhị nan” có nói: “Can… tả tam diệp, hữu tứ diệp, phàm thất diệp. Đởm tại can chi đoản diệp gian”. Các y gia sau này căn cứ đó mà miêu tả, so với hiện nay thì cơ bản giống nhau.

Chức năng chủ yếu của can là: Chủ tàng huyết và chủ sơ tiết. Can tại thể hợp cân, kỳ hóa tại trảo (móng), khai khiếu tại mục (mắt), tại chí vi nộ, tại dịch vi lệ, can và đởm quan hệ không chỉ là túc quyết âm can kinh và túc thiếu dương đởm kinh cùng tương hỗ lạc thuộc nhau và quan hệ biểu lý mà can đởm bản thân rất gần nhau trực tiếp kết nối (tương liên). Can tại ngũ hành thuộc mộc, tại âm dương là âm trung chi dương.

2.1 Can tàng huyết

Can tàng huyết là gì? Là chỉ về can có chức năng trữ tàng huyết dịch, điều tiết lưu lượng huyết và đề phòng xuất huyết. Trữ tàng là can có khả năng tàng trữ một lượng huyết nhất định tại can để kịp thời cung ứng yêu cầu hoạt động các cơ quan. Do đó có câu can là “Huyết chi phủ khố” (cái kho). Điều tiết lưu lượng huyết là chỉ tác dụng trọng yếu của can đối với sự điều tiết phân phối lượng huyết các bộ phận trong cơ thể đặc biệt đối với sự điều tiết huyết ngoại vi. Trong điều kiện sinh lý bình thường lưu lượng huyết tại các cơ quan tương đối hằng định. Nhưng khi hoạt động thể lực tăng hoặc khi tình chí bị kích thích thì can xuất lượng huyết dịch tàng trữ phân bố ra bên ngoài (ngoại vi) để cấp cho những nhu cầu của cơ quan. Khi cơ thể ở trong trạng thái yên tĩnh nghỉ ngơi, tình chí ổn định thì lượng huyết cần thiết ở ngoại vi sẽ giảm thiểu, lúc này lượng huyết dư thừa (tương đối) sẽ qui tàng tại can. Bởi vậy “Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành” có nói: “Cố nhân ngọa huyết qui vu can”. 

Vương Băng (nhà Minh) giải thích “Can tàng huyết, tâm hành chi (huyết), nhân động tắc huyết vận vu chư kinh, nhân tịnh tắc huyết qui vu can, hà giả? Can chủ huyết hải cố dã” (Can tàng huyết, tâm hành huyết, khi vận động huyết phân bố ở các kinh mạch cơ quan, khi yên tĩnh huyết sẽ qui tàng tại can. Tại sao vậy? Vì can chủ huyết nên như vậy). Ở đây cũng cần chỉ rõ chức năng điều tiết lượng huyết của can là lấy trữ tàng huyết dịch làm tiền đề, chỉ khi lượng huyết trù bị sung túc thì mới có thể điều tiết một cách hiệu quả. Tâm chủ huyết mạch, tâm khí là động lực chủ yếu để huyết dịch vận hành trong mạch nên Vương Băng mới nói can tàng huyết, tâm hành chi là vậy. 

Một ý nghĩa khác của can tàng huyết là thu nhiếp huyết dịch, nghĩa là can có tác dụng làm huyết dịch thu nhiếp trong mạch không tràn ra ngoài, cũng có nghĩa là phòng ngừa xuất huyết. Chức năng can tàng huyết giảm dễ xuất hiện các loại xuất huyết. Nguyên nhân đại để gồm hai thứ là: Can khí suy nhược, thu nhiếp vô lực như “Đan khê tâm pháp – Đầu huyền” nói: Thổ huyết, máu cam, băng huyết là do can không thu nhiếp dinh (vinh) khí làm cho huyết vọng hành mà gây ra. Thứ hai là do can hỏa vượng thịnh, chước thương mạch lạc bức huyết vong hành gây ra. Trên lâm sàng cần căn cứ vào lượng xuất huyết nhiều hay ít và xu thế (rỉ rả hoặc ồ ạt) và những triệu chứng kèm theo có thể phân biệt được nguyên nhân xuất huyết. Do khí suy thì bổ can khí, hỏa vượng thì tả can hỏa. Ngoài ra cũng cần kết hợp thuốc cầm máu vì đa số chúng đều qui kinh can.

2.2 Can chủ sơ tiết

Sơ là sơ thông, khai thông, tiết là phát tán. Can chủ sơ tiết là chỉ về tác dụng duy trì sự khai thông trôi chảy khí cơ toàn thân (sơ thông sướng đạt), thông mà không trệ, tán mà không uất. chức năng này phản ảnh đặc điểm sinh lý của tạng can chủ thăng, chủ động, chủ tán là một khâu quan trọng trong quá trình điều chỉnh khí cơ toàn thân và thúc đẩy huyết dịch và tân dịch vận hành. Ảnh hưởng của chức năng này đối với cơ thể như sau:

Ảnh hưởng đối với khí cơ

Can chủ sơ tiết, đặc tính sinh lý của can là thăng, động, tán. Can chủ sơ sẽ làm cho khí vận hành thông mà không trệ. Chủ tiết là làm cho khí tán mà không uất, đây là nhân tố chủ yếu (quan trọng) đối với sự sơ thông, sướng đạt, thăng phát của khí cơ và cũng là tác dụng chủ sơ tiết, khí cơ thông suốt của can. Sơ tiết bình thường thì khí thông tán và huyết & tân dịch cũng theo đó phân bố thông suốt không trở ngại, kinh lạc thông lợi và các hoạt động tạng phủ cũng điều hòa. Nếu thất sơ tiết thì khí thăng phát bất túc, sự sơ thông và phát tán của khí cơ không đủ lực, do đó mà khí hành uất trệ xuất hiện ngực sườn, bụng dưới, trường (ruột) đau khó chịu, thường được gọi là “Can khí uất kết”. Khí cơ uất trệ thì huyết dịch vận hành gặp trở ngại sẽ hình thành ứ huyết và xuất hiện đau ngực sườn (đau thắt như đau đâm chọc) hoặc chứng tích (có u cục) trong bụng. Khí hành uất trệ có thể dẫn đến tân dịch phân bố và chuyển hóa gặp trở ngại hoặc tích tụ thành đàm, đàm và khí giao kết tắc trở hầu họng mà hình thành “Mai hạch khí” hoặc tân dịch đình trệ gây cổ trướng. Trong điều trị nên dùng phương pháp sơ can lý khí.

Ảnh hưởng chức năng vận hóa tỳ vị

Tỳ vị tiêu hóa đồ ăn, hấp thu và phân bố thủy cốc tinh vi, đồng thời bài tiết cặn bã ra ngoài, đó thực chất là chức năng tỳ thăng thanh vị giáng trọc. Khí cơ tỳ vị thông đạt, tỳ thăng vị giáng hợp đồng hài hòa mới có thể tiêu hóa đồ ăn bình thường. Mà sự thăng giáng của tỳ vị là một bộ phận của khí cơ toàn thân. Chức năng sơ tiết của can bình thường thì khí cơ toàn thân thông đạt, có tác dụng trợ giúp sự hoạt động thăng giáng của tỳ vị. Ta có thể thấy chức năng sơ tiết của can là một điều kiện quan trọng để tỳ thăng vị giáng, khí cơ tỳ vị thông suốt. Bởi vậy “Tố vấn – Bảo mệnh toàn hình luận” có nói: “Thổ đắc mộc nhi đạt”. Nếu chức năng sơ tiết của can không bình thường ảnh hưởng tỳ khí bất thăng sẽ khó tiêu hoặc tiêu phân sống, tỳ khí bất thông sẽ đau bụng… biểu hiện chứng đau bụng tiêu chảy trong trường hợp này gọi là can tỳ bất hòa. Ảnh hưởng đến vị khí bất giáng (không đi xuống) mà ngược lại đi lên trên (thượng nghịch) xuất hiện ợ hơi, ợ chua, ói mửa. Vị khí bất thông sẽ tức trướng đau bụng, trường hợp này là can vị bất hòa, trên lâm sàng gọi chung là “Mộc bất sơ thổ”.

Ảnh hưởng đối với tình chí 

Hoạt động tình chí chủ yếu là chức năng sinh lý của tâm thần nhưng lại cũng có quan hệ mật thiết với chức năng sơ tiết của can bởi vì sự hoạt động tinh thần bình thường chủ yếu dựa vào vận hành bình thường của khí huyết. Tình chí không bình thường chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của cơ thể cũng là do nó quấy nhiễu sự vận hành bình thường của khí huyết. Do đó can chủ sơ tiết ảnh hưởng đến hoạt động tinh thần thực tế là do can chủ sơ tiết, điều thông khí cơ, thúc đẩy huyết dịch vận hành sản sinh mà có. Chức năng chủ sơ tiết bình thường thì khí cơ thông thoáng, khí huyết điều hòa, tâm tình cũng vui vẻ. Can thất sơ tiết thì khí cơ không thông, tình chí cũng biểu hiện u uất không vui, tình chí bị đè nén, ngược lại hoạt động tinh thần không bình thường dẫn đến khí cơ thất điều và thường ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết. 

Ảnh hưởng đến chức năng này nhiều nhất là tình trạng tức giận (nộ) do đó có câu “Nộ thương can”. Nộ cũng chia thành hai loại: bạo nộ và uất nộ. Bạo nộ có thể làm can khí thượng nghịch, thậm chí gây ra can phong nội động với một loạt các triệu chứng. “Nộ tắc khí thương” (Tố vấn). Uất nộ là tình chí không phát tiết được, giận mà không nói được dẫn đến khí uất, khí trệ làm can thất sơ tiết, ngoài biểu hiện can khí uất kết ra còn có thể gây ra can khí phạm vị.

Ảnh hưởng tới đởm

Đởm liên hệ với can, vị trí tại can, đởm nang (túi mật) có chứa đởm trấp (dịch mật) tiết trực tiếp vào ruột có tác dụng trợ tiêu hóa. Nguồn gốc dịch mật tại can là khí dư thừa của can làm ra và nhờ tác dụng điều sướng (điều đạt thông) của can khí mà tiết vào tiểu trường. Do vậy hoạt động bài tiết và tiết dịch của đởm thực tế quyết định bởi chức năng can chủ sơ tiết. Chức năng này bình thường thì dịch mật được bài tiết một cách dễ dàng thông suốt giúp tiêu hóa hấp thu. Nếu chức năng này suy giảm ảnh hưởng chất lượng bài tiết mật và xuất hiện đau tức hạ sườn, miệng đắng, ăn không tiêu thậm chí hoàng đản. Do đó trên lâm sàng bệnh thuộc đởm như sỏi mật… nhất thiết phải bảo đảm tinh thần thư giãn vui vẻ, nếu không sẽ gây ra can thất sơ tiết và bệnh càng nặng thêm.

Ảnh hưởng tới việc xuất tinh ở nam giới và kinh nguyệt ở nữ giới

Hai việc đó có quan hệ mật thiết với chức năng chủ sơ tiết của can. Sự xuất tinh ở nam giới như Chu Đan Khê trong “Cách trí dư luận” nói: “Chủ bế tàng giả thận dã, tư sơ tiết giả can dã” nói lên xuất tinh bình thường ở nam giới là kết quả của sự hợp tác giữa can và thận, khi chức năng sơ tiết bình thường thì tinh dịch bài tiết thông, có hạn độ. Khi thất sơ tiết thì sự xuất tinh sẽ không thông, mà khí cơ điều thoáng (thông) là một trong những điều kiện để nữ hành kinh thông và có hạn độ. Do đó nó cũng bị ảnh hưởng bởi chức năng chủ sơ tiết của can, khi chức năng đó bình thường thì kinh nguyệt đúng kỳ, thông. Nếu chức năng đó bất cập thì kinh kỳ hỗn loạn, hành kinh không thông thậm chí thống kinh.

Tổng hợp biểu hiện của chức năng chủ sơ tiết nhận thấy ảnh hưởng của nó tới khí cơ toàn thân là căn bản, những tác dụng khác chẳng qua cũng trên cơ sở đó mà sản sinh ra.

Can khí tức là động lực và vật chất cơ bản để can tiến hành các hoạt động sinh lý. Can khí sung mãn thì các chức năng của can được tiến hành bình thường như can có thể trữ tàng huyết dịch, điều tiết huyết lượng một cách bình thường và phòng ngừa xuất huyết. Ngoài ra còn có tác dụng sơ tiết khí cơ toàn thân làm cho nó sơ thông (sướng) đạt, thông mà không trệ, tán mà không uất. Nếu can khí bất túc thì các chức năng can sẽ giảm. 

Ví dụ: chức năng tàng huyết giảm, thu nhiếp vô lực kết quả gây ra các loại xuất huyết, lâm sàng gọi là “Can bất tàng huyết”. Nếu khí suy sơ tiết vô lực sẽ xuất hiện các bệnh chứng can thất sơ tiết với biểu hiện mệt mỏi, uể oải, mạch yếu vô lực… Nếu chỉ đơn giản dùng thuốc sơ can thì kết quả không rõ ràng nhưng nếu dùng thuốc bổ khí gia sơ can thì thường có kết quả như ý. Qua đó có thể thấy rằng khí trệ là do can khí suy, sơ tiết vô lực gây ra. Can huyết là chỉ về huyết tàng trữ trong mắt (mục) cân, móng… Nếu can huyết bất túc ngoài biểu hiện tạng can suy nhược ra còn có hoa mắt, thị lực giảm, gân co rút, tay chân co duỗi khó, móng tay chân mỏng giòn dễ gãy.

Can âm và can dương cũng có nguồn gốc tại thận âm và thận dương, nó (thận) có tác dụng khống chế và điều tiết chuyển hóa và chức năng của can. Do nhiệm vụ thiết yếu của chức năng sinh lý can là điều sướng sơ tiết khí cơ toàn thân nên tác dụng chủ yếu của can âm và can dương cũng là điều tiết khí cơ thăng giáng động tĩnh toàn thân, trong đó can dương thúc đẩy thăng và động, can âm thúc tiến tĩnh và giáng, tác dụng tương phản, chế ước lẫn nhau. Nếu can âm khí bất túc thì can dương thiên kháng, dương kháng thì sự thăng động sẽ quá mức, khí sẽ thượng nghịch, huyết thượng dũng (trào) mà khí hành cũng nhanh hơn nên xuất hiện mặt đỏ, mắt đỏ, căng đầu, đau đầu, tâm phiền dễ nộ, mạch huyền hơi sác, hai chân vô lực… Triệu chứng thượng thịnh hạ hư còn gọi là “Can dương thượng kháng”. Nếu can âm càng suy hơn nữa thì dương khí của can càng kháng thịnh, ngoài khí huyết thượng dũng (tràn) ra thêm vào đó do khí động quá nhanh mà sinh phong với biểu hiện hoa mắt, run tay chân, múa vờn thậm chí hôn bổ đột ngột. “Tố vấn – Chí chân yếu đại luận” có nói: “Chư phong điêu đầu, giai thuộc vu can” (các loại phong gây chóng mặt đều thuộc can). Do loại phong này không phải là phong ngoại lai mà là do can dương quá kháng gây ra (nội phong). Như Diệp Thiên Sĩ, có nói: “Nội phong, nãi thân trung dương khí chi động biến” (Lâm chứng chỉ nam y án chương trúng phong). Do vậy khi điều trị can dương thượng kháng và can phong nội động nguyên tắc là: Tư bổ can thận chi âm để chế dương, tiềm giáng kháng phấn chi dương để tức phong. Ngược lại nếu can dương bất túc, can âm thiên kháng sẽ giáng nhiều thăng ít, thượng khí bất túc, khí hành chậm uất trệ dần sẽ sinh ra. Nhưng đặc điểm sinh lý của can là chủ thăng, chủ động, chủ tán, can trong ngũ hành thuộc mộc mà tính chất của mộc là thăng phát, thích điều đạt vả lại nó thừa hưởng khí thiếu dương, mùa xuân sinh thăng, vận động không ngừng nên khi nó bị bệnh thì thường âm hư dương kháng là nhiều, dương hư âm thực ít.

2.3 Can chủ cân, vinh nhuận ra móng tay, móng chân

– Can huyết nuôi dưỡng khớp, gân cơ giúp vận động được tốt.
– Can huyết đầy đủ: vận động tốt
– Hư: mỏi chân tay, tê, co quắp, hạn chế vận động, sốt cao hao tổn tân dịch gây co quắp.
– Móng tay, chân là chỗ thừa của cân mạch, nên tình trạng can huyết thể hiện qua móng tay chân.

Xem chi tiết tại hình thể và quan khiếu

2.4 Can khai khiếu ra mắt: kinh can đi lên mắt

– Can nhiệt gây đau mắt đỏ
– Can huyết hư gây giảm thị lực
– Can phong nội động gây méo mồm, lác mắt.
– Can mộc sinh tâm hỏa, khắc tỳ, biểu lý với đởm.

Xem chi tiết tại hình thể quan khiếu

2.5 Can chủ giận dữ

Nộ vi can chí, nộ là một loại biến đổi tình chí khi bị kích động. Đối với hoạt động sinh lý thì nộ là phản ứng không lợi, ảnh hưởng đến cơ thể như nộ tắc khí thượng, nộ tắc khí nghịch, nặng hơn có thể gây thổ huyết và rối loạn tiêu hóa, do đó nộ sẽ tổn thương can. Ngược lại khi can khí thượng nghịch hoặc can hỏa thượng viêm dễ làm con người ta nóng nảy dễ cáu giận. Điều trị nên bình can là chính

2.6 Can chủ nước mắt

Can khai khiếu ở mắt, nước mắt cũng thuộc về can dịch, nếu can âm bất túc hai mắt sẽ khô rát. Nếu can kinh phong nhiệt thì mắt nhiều ghèn và nước mắt.

2.7 Một số bện lý tạng can

a) Can khí uất kết: Do tình thần bị kích động làm can khí uất lại gây cho khí huyết vận hành không thông xướng.
– Lâm sàng: đau vùng mạng sườn, ngực sườn đầy tức. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, thống kinh, trước khi hành kinh vú căng chướng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền.
– Pháp điều trị: sơ can, giải uất.

b) Can hoả vượng lên trên: Là do can khí hoá hoả, hoả hay đi ở bên trên, hay bức huyết ra ngoài mạch gây chảy máu
– Lâm sàng: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tai ù, phiền táo, dễ cáu, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng đắng, nước tiểu vàng, có khi ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác.
– Pháp điều trị: thanh can hoả.

c) Can phong nội động
– Lâm sàng: Sốt cao co giật: (nhiệt cực sinh phong): sốt cao, hôn mê, gáy cứng, có khi người uốn cong, tay chân co quắp, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
Can dương vượng: can dương thượng xung nhức đầu, chóng mặt, tai ù, phiền táo hay cáu, mất ngủ hay quên, chất lưỡi đỏ, ít tân dịch, mạch huyền. Chứng trúng phong: đột nhiên ngã, lưỡi cứng nói khó, liệt 1/2 người, có khi hôn mê bất tỉnh.
– Can huyết hư sinh phong: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, chân tay co quắp, run, tê bì, thị lực giảm, sắc mặt hơi vàng, kinh nguyệt ít và nhạt màu, lưỡi nhạt ít rêu, mạch huyền tế
– Pháp điều trị: thanh nhiệt tức phong (nếu sốt cao co giật); bình can tức phong (can dương vượng); lương huyết tức phong (can huyết hư sinh phong).

v.v…

3. Tạng Tỳ

Vị trí ở trung tiêu hoành cách. Cuốn “Y quán – Hình cảnh đồ” có nói: “Cách mô chi hạ hữu vị, thịnh thụ ẩm thực nhi hủ thục. Kỳ tả hữu tỳ, dữ vị đồng mạc nhi phụ kỳ thuợng” (dưới cơ hoành là vị, chức năng thu nhận đồ ăn và tiêu hóa, bên trái nó là tỳ). Tỳ và vị đều nằm ở ổ bụng, tỳ nằm phía bên trái của vị. Chức năng sinh lý chủ yếu của tỳ là: Chủ vận hóa, thăng thanh và thống nhiếp huyết dịch.

Túc thái âm tỳ kinh và túc dương minh vị kinh có lạc mạch tương hỗ thuộc tỳ và vị, tỳ vị là tương quan biểu lý, tỳ và vị là cơ quan chủ yếu tiêu hóa, hấp thu và phân bố chất bổ (tinh vi) của đồ ăn. Con người sau khi được sinh ra thì các hoạt động sống tiếp theo và sự sinh hóa khí huyết tân dịch đều phải dựa vào chức năng vận hóa thủy cốc tinh vi của tỳ vị. Do đó có thể nói tỳ  vị là nguồn (nguyên liệu) cho sự sinh ra khí, huyết, là hậu thiên chi bản, tỳ tại thể hợp với nhục chủ tứ chi; khai khiếu tại khẩu; kỳ hóa tại môi; tại dịch vi diên; tại trí vi tư; tại ngũ hành thuộc thổ; tại âm dương thì thuộc âm trung chi âm. 

3.1 Tỳ chủ vận hóa thủy cốc: đồ ăn và nước uống

Vận tức là chuyển vận, hóa tức là tiêu hóa hấp thu. Tỳ chủ vận hóa là chỉ tỳ có chức năng sinh lý biến đồ ăn (thủy cốc) thành tinh vi và đem chúng phân bố toàn thân. Chức năng này bao gồm hai mặt vận hóa thủy cốc và vận hóa thủy dịch. 

Vận hóa thủy cốc 

Nghĩa là như trên đã nói tiêu hóa hấp thu và phân bố thủy cốc tinh vi, quá trình này chia làm ba giai đoạn. 

– Giúp vị trường phân giải thức ăn thành chất dinh dưỡng và cặn bã. Quá trình này gọi là tiêu hóa. Khi thức ăn vào vị thì thức ăn được tiêu hóa ở vị và tiểu trường. Vị thì “Hủ thục” làm mềm chín, tiểu trường thì “Hóa vật” mà phân giải đồ ăn thành thủy cốc tinh vi và cặn bã nhưng quá trình này nhất thiết phải nhờ vào sự giúp đỡ của tỳ khí mới có thể tiêu hóa triệt để. 

– Giúp vị trường hấp thu thủy cốc tinh vi. Thức ăn qua tiêu hóa biến thành tinh vi phải được vị trường hấp thu sau đó mới có thể tán bố toàn thân. Quá trình hấp thu này cũng phải dựa tỳ khí giúp trợ mới hoàn thành. 

– Phân bố thủy cốc tinh vi đến toàn thân. Dưới tác dụng của tỳ thủy cốc tinh vi đã được hấp thu sẽ được phân bố toàn thân qua hai con đường. 

Thứ nhất thông qua tác dụng “Tán khí” của tỳ mang thủy cốc tinh vi lên phế qua tác dụng tuyên phát của phế mà tán bố ra bên ngoài, tác dụng túc giáng của phế chuyển xuống dưới phân bố khắp nơi. 

Thứ hai tự thân tác dụng của tỳ khí sẽ phân bố toàn thân. 

Chính vì tỳ tạng có tác dụng tiêu hóa, hấp thu, hóa sinh đồ ăn và vận chuyển thủy cốc tinh vi, mà thủy cốc tinh vi lại là nguồn nguyên liệu chủ yếu để sau khi sinh ra con người có thể duy trì hoạt động sống và cũng là chất chủ yếu sinh ra khí huyết. Do đó có thể nói tỳ là hậu thiên chi bản, nguồn hóa sinh của khí huyết, nếu chức năng này của tỳ (vận hóa thủy cốc) bình thường thì mới cung cấp đủ nguyên liệu hóa sinh ra tinh khí huyết tân dịch và tạng phủ kinh lạc, tứ chi bách cốt, cân nhục bì mao, mới được nuôi dưỡng một cách tốt nhất. Nếu chức năng này giảm suy thì sẽ xuất hiện bụng trướng, tiêu chảy hoặc tiêu phân sống, ăn uống không ngon, mệt mỏi gầy yếu… 

Vận hóa thủy dịch 

Tỳ chủ vận hóa thủy dịch là chỉ tỳ có chức năng hấp thu, phân bố thủy dịch và phòng ngừa thủy dịch đình trệ trong cơ thể. Do đó tỳ vận hóa thủy dịch thì cũng có thể vận hóa thủy thấp. Cơ thể nhiếp nạp thủy dịch tất phải kinh qua hấp thu chuyển vận của tỳ để phân bố toàn thân, phát huy tác dụng tư dưỡng nhu nhuận. Đồng thời tỳ sẽ đưa những thủy dịch dư thừa mà các cơ quan đã qua sử dụng kịp thời lên phế và xuống thận, nhờ phế thận khí hóa chúng biến thành mồ hôi và nước tiểu tống ra ngoài. 

Tỳ chủ vận hóa thủy dịch  trên thực tế là chỉ: tỳ có tác dụng thúc đẩy và điều tiết quá trình chuyển hóa thủy dịch. Do vậy tỳ chủ vận hóa thủy dịch mà mạnh khỏe thì toàn thân các cơ quan đều nhận được sự tư dưỡng đầy đủ của thủy dịch lại vừa đề phòng sự ngưng trệ thủy dịch trong cơ thể, tránh tình trạng thấp, đàm, ẩm… những sản phẩm bệnh lý hoặc thủy thũng phát sinh. “Tố vấn – Chí chân yêu đại luận” nói: “Chư thấp thũng mãn, giới thuộc vu tỳ”, tỳ hư sinh thấp, tỳ vi sinh đàm chi nguyên (nguồn gốc sinh ra đàm) và tỳ hư thủy thũng … 

Tỳ vận hóa thủy cốc và vận hóa thủy dịch, hai mặt này ảnh hưởng tương hỗ nhau. Khi một loại chức năng thất điều sẽ ảnh hưởng tới mặt kia. Do đó trên bệnh lý thì chúng thường cùng xuất hiện. 

3.2 Tỳ chủ thăng

Thăng tức là thượng thăng (đi lên). Đặc điểm vận động của tỳ khí là dĩ thăng vi chủ (thăng là chính). Thanh là chỉ về thủy cốc tinh vi được đưa lên trên. Tỳ chủ thăng thanh là tỳ khí đi lên đồng thời mang thủy cốc tinh vi đến tâm phế, đến mắt, thông qua tác dụng của tâm phế mà hóa sinh khí huyết để dinh dưỡng toàn thân. “Tỳ nghi thăng tắc kiện” (tỳ chỉ mạnh khi chức năng thăng thanh tốt. “Lâm chứng chỉ nam y án”) khi tỳ thăng thanh thì thủy cốc tinh vi mới được hấp thu và phân bố bình thường, nguyên liệu làm ra khí huyết mới dồi dào, hoạt động sống mới sung mãn. Nếu tỳ không thăng thanh thì không thể vận hóa thủy cốc, nguyên liệu sản xuất khí huyết giảm mà xuất hiện mệt mỏi uể oải, hoa mắt chóng mặt, bụng trướng, tiêu chảy… 

Bởi vậy Lý Đông Hằng nhà Kim trong Tỳ vị luận, có nói: “Thượng khí bất túc, não vi chi bất mãn, nhĩ vi chi khổ minh, đầu vi chi khổ khuynh, mục vi chi huyền… giới do tỳ vị tiên hư, khí bất thượng hành sở trí dã” nói lên tỳ khí bất thăng thanh dẫn đến thượng khí bất túc, đầu mắt không được sung dưỡng mà gây nên bệnh chứng (ù tai, hoa mắt, chóng mặt) mà “Tố vấn – Âm dương ứng tương đại luận” lại nói: “Thanh khí mà không thượng thăng được sẽ nằm ở dưới mà gây ra chứng tiêu phân sống”. Ngoài ra giữa sự thăng giáng điều tiết thăng bằng giữa các tạng phủ cũng là nguyên nhân bảo đảm sự xác định vị trí hằng định của các tạng phủ. Sự thăng giáng tỳ vị là mấu chốt của sự vận động khí trong cơ thể, tỳ chủ thăng là có tác dụng quan trọng trong việc cố định vị trí các nội tạng. Nếu tỳ khí không thăng được, trung khí hạ hãm (hay gọi là tỳ khí hạ hãm) sẽ xuất hiện tiêu chảy mãn, thoát giang (sa trực tràng), hoặc sa nội tạng. Lâm sàng thường dùng phương pháp bổ tỳ khí thăng thanh dương để điều trị. 

3.2 Thống huyết

Thống là thống nhiếp, khống chế. Tỳ thống huyết là chỉ về tỳ thống nhiếp huyết dịch chảy trong mạch không cho tràn ra ngoài mạch. Tác dụng thống huyết của tỳ là thông qua tác dụng khí nhiếp huyết. Tỳ có khả năng thống nhiếp huyết dịch là vì tỳ là nguồn gốc sinh ra khí huyết. Tỳ khí kiện vận thì nguồn sinh ra khí huyết đầy đủ, thì chức năng cố nhiếp huyết dịch của khí được phát huy tốt nhất, huyết sẽ không tràn ra ngoài mạch mà gây ra xuất huyết, ngược lại khi tỳ thất kiện vận thì thủy cốc tinh vi không được hấp thu tốt dẫn đến khí huyết sinh ra cũng không đủ và chức năng cố nhiếp của khí giảm gây bệnh. Nhưng cũng do tỳ chủ cơ nhục, tỳ khí chủ thăng nên thói quen thường lấy hiện tượng xuất huyết dưới da (do khí hư không thể thống huyết) hoặc tiêu ra máu, tiểu máu, băng lậu gọi là tỳ bất thống huyết. 

Khí huyết của tỳ là vật chất cơ bản để tỳ tiến hành các hoạt động sinh lý của nó. Khí huyết này có nguồn gốc từ tinh vi của thuỷ cốc(chất bổ từ đồ ăn).Khí huyết tỳ vượng thịnh thì sự vận hoá, thăng thanh, thống huyết đều mạnh, hữu lực, sức sống sẽ tràn trề. Nếu khí huyết tỳ bất túc thì tất cả các chức năng của tỳ đều giảm, yếu, vận hoá vô lực và xuất hiện ăn ít, không thèm ăn, tiêu chảy. Thăng thanh vô lực thì thượng khí bất túc, hoa mắt chóng mặt, ù tai, hoặc trung khí hạ hãm với sa nội tạng. Thống huyết vô lực thì dễ xuất huyết. Giữa tỳ khí và tỳ huyết có sự tư (trợ) sinh lẫn nhau, khó phân khai, không có chuyện huyết hư mà khí lại vượng, cũng chưa hề thấy khí hư mà huyết lại xung doanh. Nhưng do chức năng chủ yếu của tỳ là vận hóa, thăng thanh, thống huyết, với tác dụng chủ yếu là thúc đẩy thủy cốc tinh vi bố tán khắp cơ thể và thượng thăng, hoặc cố nhiếp huyết dịch chảy trong lòng mạch…những tác dụng này đều nhờ vào khí. 

Do vậy các y gia thường cường điệu, nhấn mạnh về công năng của khí, mà rất ít đề cập tới tỳ huyết. Tỳ âm tỳ dương đều lấy thận âm thận dương làm căn bản, nó (thận) có tác dụng điều tiết các hoạt động sinh lý chức năng và chuyển hoá. Trong đó tỳ dương có tác dụng xúc tiến tỳ khí thượng thăng, phân tán mọi nơi, ôn húc. Tỳ âm thì lại có tác dụng thúc đẩy sự ninh tịnh, nhu dưỡng, thu nhiếp, chế ước dương nhiệt. Tỳ âm và tỳ dương cùng chế ước lẫn nhau, để duy trì âm dương bình hành một cánh tương đối thì sự vận hóa, thăng thanh, thống huyết mới được tiến hành một cánh thuận lợi. Nếu tỳ dương suy vận hóa vô lực thì biểu hiện tiêu chảy, chán ăn, tiêu phân sống hoặc phù, tứ chi không ấm. Tỳ âm hư xuất hiện miệng môi khô, hình thể gầy ốm hoặc thủ túc tâm nhiệt (lòng bàn tay chân nóng ấm). 

Do chức năng chủ yếu của tỳ là tiêu hóa, hấp thu đồng thời đem thủy cốc tinh vi lên trên đến tâm, phế, đầu mắt, toàn thân nên có thể thấy chức năng chủ yếu của tỳ thể hiện qua ba chữ thăng, động, tán, những chữ đó là biểu hiện tác dụng của dương. Bởi vậy các y gia ngày xưa luận tỳ dương là chủ yếu (10 người có tới 8, 9 người luận tỳ dương), luận tỳ âm chỉ có 1 – 2. Tỳ âm tỳ dương lại tương phản, lại tương thành, lại hợp tác tương hỗ. Dương (tỳ) thúc đẩy tỳ khí mang thủy cốc tinh vi thăng tán khắp cơ thể, tỳ âm lại có tác dụng làm cho thuỷ cốc tinh vi đó phát huy tối đa sự nhu dưỡng, tư nhuận. Vả lại âm chủ thành hình, chủ sự sinh sản tân dịch và huyết đều được tiến hành dưới sự thúc tiến của tỳ âm, tỳ khí. Nhưng nếu không có tỳ dương giúp cho sự tiêu hoá và hấp thu thì thuỷ cốc tinh vi không thể nhập vô cơ thể và sự hình thành tân dịch và huyết cũng khó thành công. Đây là sự hợp tác tương thành của tỳ âm và tỳ dương. Do đó trên lâm sàng rất ít gặp tỳ âm hoặc tỳ dương thiên kháng dẫn đến làm cho đối phương thiên suy. 

3.3 Tỳ chủ cơ nhục, tứ chi

Thông qua tỳ khí thăng thanh và tán tinh đem thủy cốc tinh vi đưa đến toàn thân và tứ chi để duy trì hoạt động bình thường của tứ chi. Tỳ khí vận hóa và thăng thanh có tốt hoặc không sẽ quyết định hoạt động tốt hoặc yếu của tứ chi.
– Mang chất dinh dưỡng của đồ ăn nuôi dưỡng cơ nhục
– Tỳ mạnh cơ nhục khỏe, tỳ yếu cơ nhục mềm nhẽo, mệt mỏi, gây ra giáng.

Xem chi tiết tại hình thể quan khiếu

3.4 Tỳ chủ ưu tư

Tư là suy nghĩ là tư lự, là một trong ngũ chí (trạng thái hoạt động tư duy). Tư tuy là thuộc tỳ nhưng có quan hệ với tâm chủ thần minh. Do đó có câu: “Tư phát vu tỳ nhi thành vu tâm” (Giáp ất kinh). Vấn đề suy nghĩ (tư khảo) bình thường không ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý cơ thể. Nhưng nếu suy nghĩ quá độ sẽ ảnh hưởng đến sự vận động bình thường của khí mà hình thành khí kết. Bởi vậy “Tố vấn – Cử thống luận” nói: “Tư tắc tâm hữu sở tồn, thần hữu sở qui, chính khí lưu nhi bất hành, cố khí kết hề”. Do tỳ vị là trung tâm thăng giáng khí cơ của cơ thể nên khí kết ở đó sẽ làm tỳ khí bất hành dẫn đến chức năng vận hóa thăng giáng bị ảnh hưởng và xuất hiện không muốn ăn, đầy tức bụng, hoa mắt, hay quên… 

3.5 Tỳ chủ nước dãi

Là loại nước miếng đặc không bọt trong miệng tác dụng của nó làm thấp nhuận miệng, bảo vệ niêm mạc miệng. Khi ăn nó sẽ tiết nhiều giúp quá trình tiêu hóa và dễ nuốt. Chức năng vận hóa bình thường thì tân dịch đi lên trên biến thành diên để hỗ trợ tiêu hóa nhưng lại không nhễu nhão ra ngoài. Nếu tỳ vị bất hóa thường dẫn đến nước dãi bài tiết quá nhanh, nhiều mà tràn ra ngoài nhễu nhão.

3.6 Tỳ khai khiếu ra miệng, vinh nhuận ra môi

– Tỳ đưa chất dưỡng đến nuôI dưỡng môi.
– Tỳ khỏe môi tươi nhuận, ăn uống ngon và ngược lại môi thâm xám, nhạt màu.
– Tỳ thổ sinh phế kim, khắc thận thủy, biểu lý vị.

Xem chi tiết tại hình thể quan khiếu

3.7 Một số bệnh lý tạng Tỳ

a) Tỳ khí hư: do tạng người yếu, làm việc quá sức, ăn uống kém
– Lâm sàng: ăn uống kém, người mệt mỏi vô lực, hơi thở ngắn, ngại nói, sắc mặt vàng. Nếu tỳ mất kiện vận thấy bụng đầy, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch hư. Nếu tỳ hư hạ hãm thấy ỉa chảy, sa trực tràng, sa dạ con, sa dạ dầy, trĩ, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược. Nếu tỳ không thống huyết thấy đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, rong kinh, chất lưỡi nhạt, mạch hư nhược.
– Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí, ích khí thăng đề, kiện tỳ nhiếp huyết.

b) Tỳ dương hư
– Lâm sàng: bụng lạnh đau, chườm nóng đỡ đau, đại tiện lỏng, người lạnh, chân tay lạnh, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch trầm trì.
– Pháp điều trị: ôn trung kiện tỳ.
v.v….

4.Tạng Phế

Vị trí trong khoang ngực, phải trái mỗi bên một lá và nằm ở vị trí cao nhất trong cơ thể nên còn gọi phế là hoa cái. “Linh khu – Cửu châm luận” nói: “Phế giả, ngũ tạng lục phủ chi cái dã” (phế là phần cao nhất trong ngũ tạng lục phủ). Chức năng sinh lý của phế là chủ khí, tư hô hấp, thông điều thủy đạo, tuyên tán vệ khí, triều bách mạch, chủ trị tiết. Phế tại thể hợp với bì (da), kỳ hóa tại mao (lông), khai khiếu ở mũi. Tại chí vi bi, tại dịch vi thế (nước mũi), thủ thái âm phế kinh và thủ dương minh đại trường kinh có tương hỗ lạc thuộc phế và đại trường do đó phế và đại trường là tương quan biểu lý. Phế trong ngũ hành thuộc kim, trong âm dương thuộc dương trung chi âm, là cơ quan quan trọng trong chuyển hóa tân dịch và khí.

4.1 Phế chủ khí, chủ hô hấp

Cơ thể trong quá trình chuyển hóa cần sử dụng thanh khí (khí trời) không ngừng do phế cung cấp qua tác dụng hô hấp của nó. Chức năng phế là tư hô hấp (tư là coi, cai quản) lại dựa vào tuyên giáng của phế. Trên thực tế hô hấp của phế cũng tức là vận động tuyên giáng của nó được thể hiện cụ thể trong quá trình giao hoán khí. Hô (thở) tức là tuyên phát, hấp (hít) tức là túc giáng. Tuyên giáng bình thường, tán nạp khí điều độ thì hô hấp mới điều hòa. Vả lại trong quá trình hô hấp nhất định phải duy trì sự thanh túc của phế và đường hô hấp mới có thể làm cho khí đạo thông suốt. Nếu không thanh túc tức là ảnh hưởng chức năng phế tư hô hấp, dẫn đến hô hấp không thông suốt, ho, khí suyễn… 

Phế chủ khí. “Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành” có nói: “Chư khí giả, giới thuộc vu phế” ở đây nói lên trong ngũ tạng phế là tạng có quan hệ với khí khăng khít nhất. Đó là vì phế tư hô hấp, thanh khí được hít vô nhờ phế (thanh khí là một trong những nguồn gốc tạo khí của cơ thể). Chức năng phế tư hô hấp có bình thường hoặc không sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự sinh thành khí. Hô hấp điều hòa thì trọc khí được tống ra ngoài, thanh khí được hít vô và nguồn tạo ra khí cho cơ thể sẽ dồi dào. 

Nếu chức năng hô hấp giảm yếu thì hít vô thanh khí không đủ ảnh hưởng sự sinh thành khí dẫn đến khí suy. Nếu một khi hô hấp ngưng, thanh khí không thể được hít vô, trọc khí không được thải ra. Sự giao hoán khí trong cơ thể không xảy ra được thì tính mạng theo đó cũng kết thúc. Do vậy “Tố vấn” có nói: Phế là gốc nguồn của khí, và phế chủ khí còn thể hiện ở chỗ nó có tác dụng điều tiết khí cơ toàn thân. Hô hấp và tuyên giáng của phế chính là biểu hiện cụ thể của thăng giáng xuất nhập khí trong phế. Do sự thăng giáng xuất nhập của phế khí có khả năng lôi kéo khí toàn thân thăng giáng xuất nhập, do đó phế có tác dụng điều tiết quan trọng đối với khí cơ toàn thân. 

Đồng thời phế chủ hô hấp, thanh khí do phế hít vô tích trong phế mà phế lại nằm trong khoang ngực nên “Tố vấn – Ngũ vị” nói: Vì khí trời tích tại ngực nên gọi phế là khí hải.  

Tổng hợp những điều đã nói ở trên có thể thấy phế chủ khí chủ yếu quyết định ở chức năng phế tư hô hấp, mà chức năng phế tư hô hấp lại dựa vào sự vận động tuyên giáng của phế khí. Tuyên giáng bình thường thì hô hấp điều hòa, không ngừng hấp thu thanh khí, thải trọc khí, đây là điều kiện để khí được sinh thành và vận động. 

4.2 Phế chủ tuyên phát, túc giáng

Sự vận động của phế khí biểu hiện ở hai hình thức là “tuyên” và “giáng”. Tuyên là gì? Tuyên là tuyên phát, tức là phế khí đi lên đi ra hay còn gọi là thăng tán. Giáng là túc giáng, phế khí đi thẳng xuống đi vào trong. Hai hình thức vận động này của phế rất quan trọng. 

Bất cứ chức năng sinh lý nào của phế đều phải thông qua hai kiểu vận động này của phế để hoàn thành. Như các chức năng tư hô hấp, thông điều thủy đạo, triều bách mạch, tuyên tán vệ khí… đều phải thông qua sự tuyên giáng của phế. Thông qua tuyên phát, phế thải trọc khí ra ngoài cơ thể, mang tân dịch phân bố toàn thân, ra ngoài tới da lông, tuyên tán vệ khí, thải sản phẩm của chuyển hóa của tân dịch là mồ hôi, hội tụ huyết dịch tại phế và tái phân bố tới toàn thân. Thông qua chức năng túc giáng hít khí trời (thanh khí), mang tân dịch phân bố xuống dưới vào trong, thải chất cặn bã sau chuyển hóa tân dịch là nước tiểu, làm cho huyết dịch toàn thân tập trung tại phế. Chức năng tuyên phát và túc giáng của phế là hai kiểu vận động tương phản nhau. Ở trạng thái sinh lý thường thì chúng chế ước nhau, phối hợp tương hỗ, tương hỗ hiệp điều, giữ sự thăng bằng tương đối trong sự vận động không ngừng. Ở trạng thái bệnh lý cũng thường ảnh hưởng qua lại, khi tuyên phát và túc giáng bình thường thì các chức năng sinh lý của phế được phát huy bình thường. Nếu sự vận động của hai cái đó mất đi sự bình hành hiệp điều sẽ phát sinh “Phế khí thất tuyên” hoặc “Phế khí bất giáng” và xuất hiện triệu chứng như ho suyễn, tức ngực… 

Đặc tính sinh lý của phế là thanh túc. Thanh là thanh khiết (sạch), túc thanh (quét sạch). Nghĩa là phế tự bản thân nó có khả năng túc thanh dị vật trong đường thở, bảo đảm đường hô hấp sạch và thông suốt. Lá phế rất mềm mại, thông với mũi miệng và trực tiếp tới bên ngoài, vả lại phía ngoài hợp với bì mao, dễ bị tà khí xâm phạm, không chịu đựng được hàn nhiệt nên phế được gọi là “Kiều tạng” (tạng mềm mại). Tính thanh túc của phế là điều kiện để bảo đảm quá trình vận động tuyên giáng của phế khí bình thường. Nếu do ngoại tà tẩm nhập hoặc do đàm trọc trở khiết (cản trở) hoặc do huyết ứ đình trệ, hoặc phế khí bất túc sẽ ảnh hưởng đến tuyên giáng của phế, tiếp sau đó là biểu hiện sự thất thường chức năng sinh lý của phế với biểu hiện ho, khí suyễn, khó thở… Bởi vậy phế lúc nào cũng phải bảo đảm sự thanh túc mới duy trì được hoạt động tuyên phát và các chức năng sinh lý khác. 

4.3 Phế chủ bì mao, thông điều thủy đao

Thông tức là sơ thông, điều là điều tiết. Thủy đạo là con đường vận hành của thủy dịch trong cơ thể. Phế chủ thông điều thủy đạo là chỉ về phế có tác dụng sơ thông và điều tiết vận động tuyên phát và túc giáng đối với sự phân bố, vận hành và bài tiết tân dịch trong cơ thể. “Tố vấn – Kinh mạch biệt luận” nói: “Ẩm nhập vu vị, du dật tinh khí, thượng thâu vu tỳ, tỳ khí tán tinh, thượng qui vu phế, thông điều thủy đạo, hạ thâu bàng quang, thủy tinh tứ bố, ngũ kinh tịnh hành”. Thủy dịch tuy có được nhờ tỳ vị nhưng phân bố, vận hành và bài tiết của nó lại phải nhờ vào phế điều tiết và sơ thông để duy trì thăng bằng động. Thông qua phế tuyên phát thủy dịch đi lên, đi ra ngoài phân bố toàn thân, bên ngoài tới bì mao, sau khi chuyển hóa biến thành mồ hôi bài tiết ra theo đường hạn khổng (lỗ chân lông). Thông qua phế túc giáng thủy dịch đi xuống dưới vào trong, là nguồn biến thành nước tiểu, thông qua thận chưng đằng khí hóa thành nước tiểu chứa ở bàng quang và sau đó bài tiết ra. Qua đó có thể thấy sự tuyên phát túc giáng của phế không chỉ có tác dụng làm cho đường thủy dịch vận hành thông suốt mà còn tác dụng điều tiết sự thăng bằng thể dịch trong cơ thể, vì lẽ đó nên có câu rằng: “Phế chủ hành (vận hành) thủy” “Phế vi thủy chi thuợng nguyên (nguồn)”. 

Nếu phế thất (mất đi) tuyên phát sẽ ảnh hưởng đến chức năng thông điều thủy đạo. Mất đi chức năng tuyên tán thì thủy dịch không thể ra ngoài tới bì mao hoặc tấu lý bế tắc mà xuất hiện không mồ hôi, thậm chí phù ngoài da. Mất đi túc giáng thì thủy dịch không thể chuyển xuống bàng quang xuất hiện tiểu khó (bất lợi) thủy thũng… Chức năng sơ thông thủy đạo ngoài sự dựa vào vận động tuyên giáng của phế ra còn cần phải dùng tính chất thanh túc của phế làm cơ sở để tiến hành. Nếu phế thất thanh túc thì đàm thấp sẽ trở trệ, phế và đường thở không bảo đảm sạch, thông đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến tác dụng sơ thông thủy đạo của nó: Thủy đạo không thông thì thủy dịch phân bố vận hành và bài tiết lên trên ra ngoài, xuống dưới vào trong bị trở ngại và xuất hiện tiểu không thông, phù… 

Phàm khi phế thất tuyên giáng hoặc phế thất thanh túc mà xuất hiện phù thũng thì trong điều trị sẽ trị phế để trị thủy, cách này còn có tên gọi: “Đề hồ yết cái” (muốn nghiêng bình đổ nước thì phải giở nắp). Ngoài ra nguồn gốc thủy dịch từ tỳ sẽ được qui về phế, thông qua tuyên giáng để thông điều thủy đạo và giữ thăng bằng thể dịch. Phế trong quá trình này thực chất chỉ là trạm trung chuyển. Do đó khi phế thất tuyên giáng, thất thanh túc và chức năng thông điều thủy đạo thất tư (mất chỉ huy) không những chỉ gây ra phù thũng như đã nói ở trên mà khi thủy dịch không vận hành sẽ tích tụ thành đàm hoặc lưu lại trong phế hoặc một bộ phận nào đó trong cơ thể sẽ xuất hiện nhiều loại đàm ẩm chứng, nên có thể nói phế cũng có thể sinh đàm. 

Xem thêm tại phần hình thể và khai khiếu

4.4 Phế khai khiếu ra mũi, chủ tiếng nói

-Khai khiếu ra mũi: Mũi là nơi thở và ngửi của phế, mọi trạng thái của phế đều thể hiện qua mũi, mũi bảo vệ cho phế, bệnh của mũi ảnh hưởng đến phế. Ngoại tà xâm nhập phế gây ngạt mũi, chảy nước mũi.
-Chủ tiếng nói: phế khí ảnh hưởng trực tiếp đến tiếng nói, phế khí tốt tiếng nói sang sảng khỏe mạnh, ngược lại tiếng nói nhỏ, yếu, trầm, khàn. Qua tiếng nói có thể xác định bệnh ở phế, họng, và ngược lại.
Phế kim sinh thận thủy, khắc can mộc, biểu lý đại tràng.

Xem thêm tại phần hình thể và khai khiếu

4.5 Phế chủ tuyên tán vệ khí 

Là chỉ phế thông qua tuyên phát sẽ đem vệ khí tán phân toàn thân. Nguồn  78 gốc vệ khí cũng từ thủy cốc tinh vi của tỳ vị hóa sinh ra, nhưng vệ khí có thể phát tán toàn thân để phát huy chức năng của nó như bảo vệ cơ biểu, làm ấm tạng phủ cơ nhục bì mao, điều tiết khống chế đóng mở tấu lý… lại phải dựa tuyên phát của phế khí để thực hiện. Phế khí không thông thì vệ khí không thể phân tán toàn thân và sẽ xuất hiện ố hàn, không mồ hôi… Khi điều trị nên tuyên phát phế khí. Nếu phế khí hư nhược, vô lực tuyên phát sẽ gây ra vệ khí bất túc (phần biểu) xuất hiện sợ lạnh, ra mồ hôi, dễ cảm mạo, bởi vậy muốn làm cho vệ khí sung túc nên dùng phương pháp bổ phế ích khí trong điều trị. Do vậy cổ nhân có câu: “Phế chủ khí, thuộc vệ”. Sự tuyên phát của phế chính là động lực cơ bản để vệ khí được bố tán. Phế khí bất tuyên hoặc phế khí hư suy sẽ gây ra vệ khí phân bố thất thường ảnh hưởng đến sự phát huy chức năng của vệ khí, bệnh tuy tại vệ nhưng trị pháp lại tại phế. 

4.6 Phế triều bách mạch, chủ trị tiết

Lý giải chữ “triều” có nhiều tranh luận, có người cho là hội tụ, có người lại cho là chiều hướng, nhưng cả hai cách giải thích đều thông. Phế triều bách mạch là gì? Là chỉ huyết dịch toàn thân đều thông qua bách mạch hội tụ tại phế, qua sự hô hấp trao đổi thanh trọc khí, huyết dịch lúc này chứa nhiều thanh khí lại thông qua bách mạch tái phân bố toàn thân. Tuyên tán và túc giáng của phế đưa máu tụ hội tại phế là hướng vào trong (nội) phế lại đưa huyết dịch thông qua bách mạch đến toàn thân là hướng ngoại. Hay nói cách khác phế triều bách mạch là biểu hiện cụ thể của sự vận động phế khí trong sự tuần hoàn của huyết dịch. Ở đây cần nói rõ huyết và mạch toàn thân là cùng thuộc tâm, tâm khí là động lực chủ yếu để đưa huyết tuần hoàn trong mạch nhưng nhất thiết phải nhờ vào phế khí hỗ trợ. Phế chủ khí tư hô hấp; Thanh khí được phế hít vô kết hợp với thủy cốc tinh khí (do tỳ vị vận hóa mà có) thành tông khí mà tông khí lại có tác dụng “Quán tâm mạch”(quản lý, quán xuyến) để thúc đẩy huyết dịch vận hành. Đồng thời sự vận động của huyết dịch lại theo khí thăng giáng xuất nhập mà tuần hoàn (đi tới) toàn thân. Phế chủ khí, tư hô hấp, điều tiết khí cơ toàn thân cũng lại phải dựa phế khí điều tiết. Trong bệnh lý, khi phế khí úng tắc có thể dẫn đến vận hành huyết mạch của tâm không thông, thậm chí gây huyết mạch ứ trệ và xuất hiện tâm quí tức ngực, môi lưỡi xanh tím…Do đó phế triều bách mạch là chức năng trợ tâm hành huyết, trong điều trị chứng huyết hành không thông ngoài hoạt huyết hành huyết ra thường kết hợp hành khí ích khí. 

Trị tiết: Là trị lý, quản lý, điều tiết, phế chủ trị tiết xuất phát từ Tố vấn – Linh lan bí điển “Tâm giả quân chủ chi quan, thần minh xuất yên; phế giả tướng bác chi quan, trị tiết xuất yên” (tâm là tạng chủ quản, phế là tạng hỗ trợ). Hai tạng này phối hợp nhau cùng thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều tiết. Tại sao phế lại có tác dụng này? Là vì khí huyết tân dịch là chất cấu thành cơ thể và cũng là chất chủ yếu cần trong các hoạt động sinh lý tạng phủ kinh lạc và các cơ quan, bất kỳ một chỗ nào trong cơ thể cũng cần chúng. Phế thông qua trị lý điều tiết khí huyết tân dịch để có tác dụng trị lý, điều tiết toàn thân. Trong đó quan trọng nhất là việc điều tiết, trị lý khí cơ. 

Bởi vì phế chủ khí, tư hô hấp không chỉ liên quan tới sự sinh thành của khí mà còn theo sự tuyên giáng và hô hấp của phế khí để quản lý và điều tiết khí cơ toàn thân, tức là điều tiết vận động thăng giáng xuất nhập của khí. Do khí là động lực phát động huyết và tân dịch vận hành cho nên điều tiết khí cơ cũng là điều tiết vận động huyết và  79 tân dịch. Phế triều bách mạch, huyết dịch toàn thân không ngừng tập trung về phế sau đó lại tái phân bố các nơi, từ đó bổ trợ tâm điều tiết huyết dịch vận động. Phế chủ thông điều thủy đạo tức cũng là trị lý, điều tiết tân dịch phân bố vận hành và bài tiết. Những sự điều tiết này kỳ thực đều thông qua sự điều tiết khí cơ để thực hiện. Bởi vậy có thế nói phế chủ trị tiết là kết quả của phế chủ khí. Và qua đó có thể thấy tâm tàng thần là quân chủ, phế trợ tâm trị lý, điều tiết toàn thân nên phế là cơ quan tương tác (giúp đỡ) là vậy. 

Phế khí, phế huyết là vật chất cơ bản và nguồn gốc để phế phát huy hoạt động chức năng sinh lý. Khi phế khí và phế huyết sung mãn thì các hoạt động chức năng bình thường và hữu lực, hô hấp điều hòa, vệ khí sung túc, thủy đạo thông điều, huyết hành lưu thông và việc trị tiết toàn thân sẽ điều hòa. Nếu phế khí và phế huyết bất túc sẽ xuất hiện hô hấp vô lực, khí đoản, tiếng nói nhỏ; nếu vệ khí bất túc sẽ tự hạn, dễ cảm; thông điều thủy đạo vô lực thì tân dịch đình tụ dễ phát sinh đàm ẩm hoặc phù thũng, chức năng trợ tâm hành huyết vô lực đồng thời với khí đoản sẽ có thêm triệu chứng ứ huyết da xanh tím tái… Tóm lại, khí huyết bất túc thì các chức năng của phế sẽ suy giảm. Do các chức năng của phế như tư hô hấp, phân bố vệ khí, thông điều thủy đạo và trợ tâm hành huyết đều phải nhờ vào tác dụng của khí, do vậy y gia các đời luận về phế khí rất nhiều mà luận về phế huyết rất ít. 

Kỳ thực khí và huyết tuy tên khác nhưng cũng cùng nguồn gốc vì không có chuyện huyết hư mà khí thịnh hoặc khí hư huyết thịnh, bởi vậy cũng không cần phải luận một cách tỉ mỉ. Nhưng phế âm và phế dương thì nhất thiết phải phân rõ ràng vì hai tác dụng của chúng tương phản, thủy hỏa khác nhau. Phế dương thúc đẩy sự ôn húc (làm ấm), vận động, thăng tán, phế âm lại ức chế dương nhiệt đồng thời thúc giục chức năng tư nhuận, ninh tịnh và “Nội thủ” (thủ chắc bên trong). Chính vì phế âm và phế dương có tác dụng tương phản, hỗ tương chế ước, duy trì âm dương (phế) thăng bằng (hàn & lương, động & tịnh, tán & thu và nhuận & táo phù hợp). Nếu phế âm bất túc (suy) thì âm không chế dương, dương sẽ thiên kháng (tương đối) mà gây nhiệt gọi là phế âm hư nội nhiệt với biểu hiện thường là đỏ hai lưỡng quyền, ngũ tâm phiền nhiệt. Âm hư tức tân thiểu (tân dịch ít) không đủ sức tư nhuận nên mũi khô, hầu họng táo, ho khan ít đàm cộng vào đó nội nhiệt sẽ chước thương lạc mạch nên ho khan kèm ít máu. Phế âm bất túc thì vấn đề nội thủ vô lực dễ xuất hiện đạo hạn; mất đi chức năng ninh tịnh thì biểu hiện phiền bực mà khí thúc (thở gấp) ho suyễn. 

Tóm lại, âm bất túc tắc dương nhiệt thiên kháng thường gặp các bệnh chứng gồm các triệu chứng như nhiệt, táo, tán, động thái quá. Ngược lại những điều trên nếu phế dương bất túc thì mất khả năng ôn húc nên tay chân lạnh, ố hàn, tân dịch không thể thăng tán và hạ vận bình thường mà lưu lại trong phế thành đàm ẩm; chức năng trợ tâm hành huyết vô lực thì huyết ứ; thăng tán vô lực thì vệ khí không được phân bố đều, biểu vệ bất cố, tự hạn dễ cảm. Phế dương bất túc thường thấy các bệnh chứng đàm ẩm, ứ huyết, lạnh (hàn) trong phế và vệ dương bất túc. 

Tóm lại, như trên đã nói phế âm và phế dương điều tiết chức năng và chuyển hóa của phế, phế âm và dương đều có nguồn gốc tại thận. Phế âm hoặc dương hư suy lâu ngày sẽ tổn thương thận. Do trong ngũ hành phế thuộc hành kim, kim sợ hỏa, hỏa là dấu hiệu của dương do đó người xưa khi luận về phế đa số không đề cập phế dương cho dù gặp trường hợp phế dương hư rõ ràng cũng dùng chữ “hư hàn” để chỉ về nó. 

6.7 Phế chủ sự bi thương

Nói về phế chi chí (thuộc), Nội kinh có hai cách lý giải. Thứ nhất phế chi chí vi bi, thứ hai phế chi chí vi ưu. Bi và ưu tuy khác nhau nhưng ảnh hưởng đến cơ thể giống nhau, do đó bi và ưu đều thuộc phế chí. Cả hai chủ yếu tổn thương tinh khí của phế và làm cho vận động tuyên giáng thất điều, khí hành không thông thì phế khí sẽ tổn thương. Nếu bi thương quá độ có thể xuất hiện khí đoản (hiện tượng phế khí bất túc). Ngược lại, phế khí suy hoặc tuyên giáng thất điều thì sức chịu đựng những kích thích tình chí bên ngoài giảm, sẽ sản sinh những biến đổi tình chí ưu bi… 

4.8  Phế chủ nước mũi 

Mũi là khiếu của phế nên dịch tiết cũng thuộc phế, bình thường nước mũi có tác dụng nhuận trạch mũi, khi phế hàn sẽ chảy nước mũi trong, phế nhiệt nước mũi vàng đặc, phế táo thì mũi khô.  

4.9 Một số bệnh tạng Phế

a) Phế khí hư: do ho lâu ngày làm tổn thương phế khí, do tỳ khí hư không vận hoá được thuỷ cốc làm phế khí hư. Ngoài ra thận khí hư ảnh hưởng đến phế khí.
– Lâm sàng: ho không có sức, thở ngắn ngại nói, tiếng nói nhỏ, người mệt vô lực, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi nhạt mạch hư nhược
– Pháp điều trị: bổ phế khí
b) Phế âm hư: do mắc bệnh lâu ngày làm tổn thương phế âm. Có hai mức độ là phế âm hư và âm hư hoả vượng.
– Lâm sàng: ho ngày càng nặng, không có đờm, hoặc đờm ít mà dính, họng khô ngứa, người gầy, chất lưỡi đỏ ít tân dịch, mạch tế vô lực. Nếu âm hư hoả vượng kèm thêm chứng ho ra máu, miệng khô khát, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
– Pháp điều trị: tư âm dưỡng phế.

v.v…

5. Tạng Thận

Vị trí ở lưng hai bên cột sống, phải trái mỗi bên một cái. “Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận” nói: “Yêu giả, thận chi phủ dã” (lưng là thủ phủ của thận). Đời Minh, Triệu Hiến Khả trong “Y quán – Nội kinh thập nhị quan luận” có nói: “Thận hữu nhị, tinh sở xá dã. Sinh vu tích đốc thập tứ chùy hạ, lưỡng bàng các nhất thốn ngũ phân. Hình như hồng đậu, tương tịnh nhi khúc phụ vu tích”. (Thận có hai trái là nơi trữ tinh khí, nằm ở đốt sống 14, hai bên cách cột sống 1,5 thốn. Hình dáng như hột đậu đỏ gắn vào cột sống). 

Như vậy cho thấy hình dáng và vị trí thận (tạng) cũng tương tự hình dáng giải phẫu của YHHĐ. Chức năng sinh lý chủ yếu của thận là tàng tinh, chủ thủy và thu nạp khí. Có tác dụng chủ yếu trong việc sinh trưởng phát dục và sinh dục của con người đồng thời là nguồn gốc âm dương toàn thân. Thận tại thể hợp với cốt, khai khiếu ở nhĩ (tai) và nhị âm, kỳ hóa tại phát (tóc), tại trí vi khủng (chủ về sự khủng hoảng sợ hãi trong tình chí), tại dịch vi thóa (nước bọt). Túc thiếu âm thận kinh tương qua biểu lý với túc thái dương bàng quang kinh. Thận là tạng âm trung chi âm, ngũ hành thuộc thủy là tạng quan trọng trong cơ thể. 

5.1 Thận tàng tinh

Chữ tàng ở đây là bế tàng nghĩa là thận có chức năng tồn trữ, phong tàng tinh khí. Tố vấn chương Lục tiết tạng tượng luận, nói: “Thận giả chủ chập (tiềm tàng), phong tàng chi bản, tinh chi xứ dã” (Thận chủ tàng tinh khí). Tố vấn chương Thượng cổ thiên chân luận, có ghi: “Thận giả chủ thủy, thụ ngũ tạng lục phủ chi tinh nhi tàng chi” (Thận chủ thủy, thu nhận tàng trữ tinh khí ngũ tạng).Tác dụng chủ yếu của thận chủ tàng tinh là đem tinh khí cơ thể tàng trữ tại thận, đồng thời thúc đẩy nó không ngừng bổ sung, đề phòng sự mất mát vô duyên cớ tinh khí, là điều kiện tất yếu để tinh khí phát huy hiệu ứng sinh lý đầy đủ trong cơ thể. Tinh là chất cơ bản cấu thành cơ thể và duy trì thúc đẩy hoạt động sống. 

Tinh có hai hàm ý: 

Nghĩa rộng chỉ tất cả các vật chất nhỏ bé và có tác dụng trọng yếu, ví dụ khí huyết, tân dịch trong cơ thể và chất dinh dưỡng (thủy cốc tinh vi) hấp thu từ đồ ăn đều thuộc phạm trù tinh, gọi chung là tinh khí. 

Nghĩa hẹp chỉ về tinh cơ quan sinh dục bao gồm tiên thiên tinh (tinh sinh thực của cha mẹ nhận được trước khi sinh ra) và tinh của cơ thể sau khi phát dục dậy thì có được. 

Tinh tàng trong thận có hai nguồn gốc: Thứ nhất có nguồn gốc từ tinh (sinh thực) của cha mẹ tức là tiên thiên chi tinh; thứ hai nguồn gốc hấp thu từ đồ ăn dinh dưỡng và từ sự chuyển hóa của tạng phủ sau khi sinh ra gọi là hậu thiên chi tinh. Tinh tiên thiên và hậu thiên dựa vào nhau mà tồn tại. Tinh tiên thiên dựa vào tinh hậu thiên không ngừng bồi dục sung dưỡng mới có thể ngày càng đầy đủ mạnh mẽ (sung doanh) để phát huy tốt nhất hiệu ứng sinh lý. Hậu thiên chi tinh cũng lại dựa vào hoạt lực tiên thiên tinh tư trợ mới có thể không ngừng nhiếp nhập và hóa sinh. 

Ở đây có hai điểm cần nhấn mạnh. Thứ nhất tinh tiên thiên và hậu thiên hòa nhập vào một thể thống nhất không thể phân chia. Khi mới sinh ra, thận chỉ tàng tinh tiên thiên, chỉ sau khi ăn uống mới sản sinh ra hậu thiên chi tinh. Theo sự phát triển phát dục của cơ thể hậu thiên tinh khí (thu được từ đồ ăn dưỡng chất và sản phẩm sản sinh của quá trình chuyển hóa tạng phủ) cũng không ngừng tư dưỡng tinh tiên thiên làm nó không ngừng tràn đầy (sung doanh). Lúc này tinh khí mà thận tàng trữ nếu xét về mặt tính trạng và chức năng thì nó là tinh tiên thiên (do đó không ít người cường điệu thận là tiên thiên chi bản). Nhưng về thành phần mà nó chứa lại có tinh tiên thiên và tinh hậu thiên. Do đó không thể đơn giản nói nó là tiên thiên hay hậu thiên. Thứ hai  là thận tinh và thận khí là một. Thường mà nói thận tinh là hữu hình, thận khí là vô hình. Thận tinh tán thì hóa thành thận khí, thận khí tụ lại biến thành thận tinh. Tinh và khí không ngừng tương hỗ chuyển hóan (hóa) cho nhau. Do vậy trên thực tế thận tinh và thận khí giống như nước và hơi nước vậy, nghĩa là cũng là một chất chẳng qua trạng thái tồn tại không giống nhau mà thôi. 

Thận tàng tinh, tinh hóa khí thông qua tam tiêu bố tán toàn thân. Chức năng sinh lý chủ yếu của thận khí là thúc đẩy cơ thể sinh trưởng phát dục và sinh thực (tức khả năng sinh lý) và điều tiết hoạt động chức năng và chuyển hóa của cơ thể. 

5.2 Thận chủ sinh dục, phát dục của cơ thể

Như “Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận” nói: “Con gái 7 tuổi thận khí thịnh sẽ thay răng tóc dài, 14 tuổi (nhị thất) có thiên quý (có kinh) lúc này do nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh nên đến tháng có kinh, do vậy có thể có con.. 21 tuổi (tam thất) thận khí quân bình nên mọc răng khôn và tóc dài mượt mà. 28 tuổi (tứ thất) gân cốt chắc rắn thân thể thịnh, tráng kiện. 35 tuổi (ngũ thất) dương minh mạch suy, mặt bắt đầu khô (tiêu) tóc bắt đầu rụng. 42 tuổi (lục thất) tam kinh dương suy ở trên (tam dương mạch suy tại thượng) mặt khô đen tóc bắt đầu bạc. 49 tuổi (thất thất) nhâm mạch hư, thái xung mạch suy giảm, thiên quý kiệt, hết kinh nên tiều tụy và không có con (hình hoại nhi vô tử dã). Con trai (trượng phu) 8 tuổi thận khí thực, tóc mọc dài thay răng. 16 tuổi (nhị bát) thận khí thịnh, thiên quý đến, thận khí dật tả (đầy đủ tràn trề) âm dương điều hòa có thể có con. 24 tuổi (tam bát) thận khí quân bình… gân cốt chắc khỏe, mọc răng khôn. 32 tuổi (tứ bát) gân cốt cuồn cuộn chắc nịch. 40 tuổi (ngũ bát) thận khí suy, tóc rụng răng lung lay. 48 tuổi (lục bát) dương khí suy kiệt phần trên, mặt khô, tóc bắt đầu hoa râm. 56 tuổi (thất bát) can khí suy, gân cốt mềm yếu, thiên quý kiệt, tinh thiểu, tạng thận suy. 64 tuổi (bát bát) răng rụng tóc rụng…”. Đoạn kinh văn trên cho thấy con người ta bắt đầu từ thời ấu niên theo sự sung mãn dần của thận tinh khí sẽ thay răng mọc tóc… hiện tượng phát triển nhanh chóng. Sau đó thận tinh không ngừng bổ sung (sung doanh) mà sản sinh thiên quý. 

Thiên quý là gì? Là khi tinh khí thận sung mãn tới một mức độ nhất định sẽ sản sinh ra một loại vật chất tinh vi. Chất này có tác dụng thúc tiến cơ quan sinh dục phát triển trưởng thành và duy trì nòi giống. Khi đến 14 – 16 tuổi tinh khí trong thận đã sung thịnh sẽ xuất hiện thiên quý. Thiên quý thúc dục cơ quan sinh dục dần phát triển và sau đó vào thời kỳ thanh xuân, phụ nữ có kinh (nguyệt sự dĩ thời hạ). Đàn ông xuất hiện “Tinh khí dật tả” (xuất tinh sinh lý). Sau trung niên tinh khí trong thận giảm dần, thiên quý theo đó cũng suy giảm và ngưng hẳn. Do không có thiên quý duy trì hoạt động nên không còn khả năng có con, chức năng sinh lý dần giảm, cơ quan sinh dục teo nhỏ. Sau cùng là thời kỳ già lão. 

Đoạn văn trên cho thấy tinh khí trong thận thịnh suy là nguồn gốc sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ của cơ thể. Quan sát răng cốt, tóc phát triển tức là quan sát thận tinh khí ở bên ngoài là tiêu chí phán đoán trạng thái phát triển phát dục và suy lão. Khi chức năng này không đủ thì trẻ em sẽ phát triển chậm, thanh niên thì sự phát dục toàn diện đến chậm, trung niên thì khả năng đó giảm, người già thì suy lão đến rất nhanh. 

5.3 Thận chủ khí hóa nước (chủ thủy)

Là chỉ thận chủ trì và điều tiết chuyển hóa tân dịch bởi vậy còn có tên là “Thủy tạng”. Quá trình chuyển hóa tân dịch trong cơ thể là thập phần phức tạp, thận có tác dụng chủ trì và điều tiết quá trình này. Có thể nhận biết từ hai mặt: 

Thứ nhất: Thận âm và dương có tác dụng điều tiết toàn bộ quá trình chuyển hóa tân dịch của các cơ quan. Đầu tiên vị, tiểu trường, đại trường dưới sự hiệp trợ của tỳ hấp thu thủy cốc tinh vi mà sản xuất tân dịch. Sau đó lại thông qua tỳ, phế, thận, tam tiêu đem nó phân bố khắp nơi, phát huy tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng của nó. Cuối cùng sản phẩm cặn bã của quá trình chuyển hóa đó thông qua nước tiểu, mồ hôi và phân được bài tiết ra ngoài. Mỗi khâu (mắt xích) của sự chuyển hóa tân dịch tức là vị, tiểu trường, đại trường, tỳ, phế, thận, tam tiêu, bàng quang, và ngay cả phía ngoài là da đều được tiến hành dưới sự điều tiết của thận âm và thận dương. Thận dương làm cho tân dịch sản sinh phân bố và bài tiết tăng nhanh. Thận âm lại làm cho quá trình đó chậm lại. Do đó nếu thấy có hiện tượng âm hư sẽ xuất hiện miệng lưỡi khô táo, tiểu tiện thông suốt. Nếu là dương hư thì miệng sẽ không khô mà lại nhiều tân dịch, tiểu ít thậm chí thủy dịch ngưng trệ gây phù thũng. Nhất thiết phải duy trì âm dương quân bình thì quá trình chuyển hóa tân dịch sẽ tiến hành bình thường. Thận âm và dương là căn bản của toàn bộ âm dương tạng phủ, nên nó có tác dụng điều tiết và chủ đạo mọi khâu trong việc chuyển hóa tân dịch. Đây cũng là một mặt quan trọng của thận chủ thủy dịch. 

Thứ hai: Tạng thận bản thân cũng là một mắt xích quan trọng bắt buộc tân dịch phải kinh qua trong vấn đề chuyển hóa và bài tiết tân dịch. “Thận dương vi khai” “Thận âm vi hợp” (dương là mở, âm là đóng), thận âm dương bất bình hành(mất quân bình), khai hợp thất điều dẫn đến khả năng đi tiểu sẽ thất thường. Chỉ có thận âm và dương bình hành thì thủy dịch bài xuất mới bình thường, đủ. 

Thận chủ thủy còn biểu hiện ở chỗ tinh khí trong thận có tác dụng khí hóa, chưng đằng thủy dịch, tức là khi thủy dịch đi qua tạng thận thì thận sẽ chưng đằng khí hóa đại bộ phận phần hữu dụng của thủy dịch và sẽ đưa vòng trở lại toàn thân, do đó một bộ phận ít những chất cặn bã sẽ được đưa xuống bàng quang mà tống ra ngoài. Nếu như tinh khí thận bất túc, sự chưng đằng và khí hóa sẽ không đủ mạnh thì đại bộ phận phần hữu dụng trong thủy dịch sẽ theo chất cặn bã bài tiết ra ngoài và xuất hiện tiểu nhiều (lượng, lần) và nước tiểu trong. Đây là một triệu chứng quan trọng của thận dương suy (triệu chứng này xuất hiện với tỷ lệ cao hơn phù thũng trong thận dương hư). Bởi vậy theo năm tháng tuổi tác càng lớn thì tuy là không bệnh nhưng cũng xuất hiện tinh khí trong thận ngày càng suy, thận dương bất túc nên tiểu nhiều đặc biệt tiểu đêm nhiều, nước tiểu trong… 

5.4 Điều tiết chuyển hóa của cơ thể và hoạt động sinh lý

Chức năng này của thận khí được thực hiện thông qua bởi hai loại chức năng tương phản nhau (tinh khí) chứa trong thận, đó là thận âm và thận dương. 

Thận dương thúc tiến dương toàn thân, thận âm tăng cường âm toàn thân. Thận âm thận dương bình hành thì âm dương toàn thân cũng thăng bằng. Một khi phát sinh sự thiên thịnh hoặc thiên suy của thận âm và dương thì sẽ dẫn đến sự thất điều âm dương toàn thân mà gây ra bệnh. Thận dương chủ yếu thúc đẩy sự ôn húc (làm ấm), vận động hưng phấn và khí hóa của cơ thể. Nó có thể xúc tiến sự sản sinh, vận động, khí hóa của khí. Khí của cơ thể sản sinh ra chủ yếu từ thanh khí và thủy cốc tinh khí, đồng thời cũng (có thể) do “hình chất” chuyển biến thành. Do vậy thận dương muốn thúc đẩy sự sản sinh khí thì không những cần gia tăng sự hô hấp của phế và hấp thu của tỳ vị đồng thời còn cần phải làm cho hình thể hữu hình biến hóa thành khí vô hình, tức là đã thúc đẩy tác dụng “Khí hóa”. Sự vận động của khí thúc đẩy sự vận hành của huyết, tân dịch và các loại hoạt động khác của cơ thể. Vận động của khí tăng nhanh thì sự vận hành, phân bố và bài tiết của huyết và tân dịch cũng tăng nhanh. Đồng thời thận dương là căn gốc của tâm dương nên thận dương vượng thì tâm dương cũng vượng có tác dụng hưng phấn tâm thần. 

Khi thận dương đi đến các tạng phủ, kinh lạc, hình thể, quan khiếu thì nó sẽ biến thành dương khí của các cơ quan đó. Do vậy thận dương vượng thì dương khí toàn thân cũng sẽ vượng, thận dương suy thì dương khí toàn thân cũng suy, thận dương vong thì toàn bộ dương trong cơ thể cũng diệt (tắt) sinh mạng cũng chấm dứt. Bởi vậy thận dương cực kỳ quan trọng. Vì muốn cường điệu (nhấn mạnh) sự quan trọng của thận dương nên người xưa gọi nó là chân dương, nguyên dương hoặc chân hỏa. Đồng thời ví nó như mặt trời, như Trương Giới Tân nhà Minh, có nói trong “Loại kinh đồ dực – Đại bảo luận”: “Thiên chi đại bảo, chỉ thử nhất hoàn hồng nhật; nhân chi đại bảo, chỉ thử nhất tức chân dương (vật quí nhất trên trời là vầng thái dương, vật quý nhất trong con người là chân dương). Nếu thận dương bất túc thì sự chuyển hóa trong cơ thể sẽ trì trệ, sản nhiệt giảm, năng lượng sinh ra giảm, chức năng các tạng phủ kinh lạc hình thể, khiếu sẽ giảm với biểu hiện sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, tay chân lạnh, mạch vô lực hoặc trì hoãn, vận động tân dịch sẽ chậm gầy phù thũng, tinh thần ủy mị, phản ứng chậm chạp… một loạt triệu chứng dương hư. Đồng thời do thận nằm ở lưng, vị trí trung tiêu, tại thể hợp cốt chủ về chức năng sinh lý nên khi thận dương hư còn xuất hiện đau mỏi lưng gối, lạnh vùng hội âm, chức năng sinh lý giảm… biểu hiện của thận dương hư. Trong điều trị nên bổ thận ôn dương. 

Thận âm tác dụng sinh lý chủ yếu là xúc tiến sự tư nhuận, ninh tịnh, thành hình và chế ước dương nhiệt. Thận âm thông qua tam tiêu để phân bố đến toàn thân, thúc đẩy sự tiết tân dịch và sinh thành của huyết mà tân dịch và huyết có tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng, do đó có thể nói thận âm có thể thúc đẩy sự tư nhuận và nhu dưỡng. Do tân dịch và huyết được sinh ra nhờ sự thúc đẩy của thận âm nên âm vượng thì tân huyết sung túc, âm khuy thì tân khô huyết thiểu. Sự sinh ra của tân và huyết không tách rời được âm khí do đó người xưa thường gọi kèm là âm tân, âm huyết. Đồng thời cũng gộp chung mối quan hệ giữa âm khí và tư nhuận, nhu dưỡng. Như Hà Mộng Dao trong “Y biểu” có nói: “Âm khí giả, nhuận trạch chi khí dã”. Tác dụng thận dương và thận âm tương phản, thận âm ức chế sự hóa khí mà thúc đẩy sự thành hình, làm chậm sự khí hóa sẽ giảm sự sản nhiệt làm cho con người mát mẻ, đồng thời làm cho các loại vận động trong cơ thể giảm, chậm lại sẽ có tác dụng làm tâm thần ninh tịnh. 

Thận âm khi đến các tạng phủ cơ quan sẽ biến thành âm khí của tạng phủ cơ quan đó. Do vậy thận âm vượng thì âm khí toàn thân cũng sẽ vượng, thận âm suy thì phần âm trong cơ thể cũng sẽ suy, thận âm vong thì âm khí trong con người cũng vong thận âm cũng rất quan trọng đối với cơ thể nên cũng cóngười nhấn mạnh sự quan trọng đó bằng cách gọi nó là chân âm, nguyên âm hoặc chân thủy. Chu Đan Khê thời nhà Nguyên trong “Cách trí dư luận – Tướng hỏa luận” có đặc biệt nhấn mạnh: Tướng hỏa thiêu đốt chân âm, âm hư tắc bệnh, âm tuyệt tắc tử. Ông rất coi trọng thận âm, khi thận âm bất túc tân dịch cũng sẽ ít tiết nên biểu hiện khô, tâm phiền ý loạn (do mất đi sự ninh tịnh bình yên), huyết hành sẽ nhanh hơn, âm không chế ngự dương dương sẽ kháng nên sự chuyển hóa trao đổi chất kháng thịnh sản nhiệt tăng và xuất hiện triệu chứng nhiệt. Do chuyển hóa tăng nhanh nên sự hao tổn khí cũng tăng nhiều. Nếu bổ sung khí không kịp thời sẽ dẫn đến sự hình thể của hình chất sẽ chuyển biến thành khí vô hình do đó sự hóa khí tăng xuất hiện triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, tâm phiền bất an, miệng khô họng táo, mạch tế sác – một loạt triệu chứng của âm hư nội nhiệt – đồng thời cũng xuất hiện đau lưng mỏi gối, dương sự dễ hưng (đòi hỏi sinh lý tăng) di tinh, xuất sớm… trong điều trị nên bổ thận tư âm là chính. 

Thận âm và dương có tác dụng tương phản nhau, cùng chế ước nhau và chính vì đó nên nó có thể điều tiết chuyển hóa. Ở điều kiện thường thận âm và thận dương là tương hỗ bình hành để duy trì hoạt động sinh lý bình thường. Nếu vì lý do nào đó mà bất cứ một cái nào hoặc thiên thịnh hoặc thiên suy đều dẫn đến mất cân bằng âm dương và sẽ dẫn đến bệnh. Do thận âm và thận dương là căn bản (gốc) âm dương của ngũ tạng nên khi thận âm hoặc dương thiên thịnh suy đều có thể dẫn đến sự thịnh suy của ngũ tạng và ngược lại bất cứ tạng phủ nào suy lâu ngày cũng sẽ gây ra thận âm hoặc thận dương bất túc. Lâm sàng gọi đó là “Cửu bệnh cập thận” do đó bất luận âm hư hoặc dương hư ở bất kỳ đâu trong cơ thể lâu ngày cũng sẽ dẫn đến thận âm hoặc dương bất túc trong điều trị nên lấy bổ thận trung chi âm dương làm phương pháp trị bản. Chức năng sinh lý của thận là phong tàng thận tinh, chức năng này lại được thúc đẩy bởi tinh khí trong thận. Khi tinh khí trong thận bất túc sẽ làm chức năng phong tàng giảm yếu mà gây ra di tinh, xuất tinh sớm, đái hạ nhiều mà trong loãng, đái dầm thậm chí bí tiểu, lâm sàng gọi đây là biểu hiện “thận khí bất cố”. Điều trị nên bổ thận cố nhiếp là chính. 

5.5 Thận chủ cốt, dưỡng não, sinh huyết

– Chủ cốt: vì thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy ở trong xương nuôi dưỡng cốt nên bệnh về xương cốt có thể chữa vào thận.
– Dưỡng não: vì thận sinh tủy, tủy ở cột sống thông với não, không ngừng bổ sung tinh tủy cho não (não là bể của tủy). Vì vậy thận (tiên thiên) suy kém ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và thường phải chữa vào thận.
– Sinh huyết: vì huyết do tinh sinh ra, tinh lại tàng trữ ở thận, vì vậy thận sinh huyết, huyết hư cần kết hợp chữa vào thận.

Xem chi tiết tại phần hình thể và quan khiếu

5.6 Thận chủ nạp khí

Nạp có nghĩa là thu nạp, nhiếp nạp. Nạp khí tức là hấp (hít) khí. Thận chủ nạp khí là chỉ về thận có tác dụng giúp phế hít khí vô sâu. Nạn kinh chương Tứ nạn, có nói: “Hô xuất tâm dữ phế, hấp nhập thận dữ can” (hít vô do thận và can thở ra tâm phế). Hô hấp tuy là chức năng của phế, thở ra (hô) nhờ chức năng tuyên phát, hít vô nhờ chức năng túc giáng, nhưng khi hít vô nhờ tác dụng nhiếp nạp của thận mới hít sâu. Kỳ thực chức năng chủ nạp khí chính là chức năng phong tàng được thể hiện cụ thể trong hô hấp. Nếu tinh khí trong thận bất túc, nhiếp nạp vô lực, không thể giúp phế duy trì hít sâu sẽ xuất hiện thở nông, cạn hoặc thở ra nhiều hít vô ít, động đậy là khí suyễn… hiện tượng này gọi là thận bất nạp khí. 

Trong các chức năng của thận đã kể trên thì chức năng tàng tinh là quan trọng nhất vì thận chủ thủy và thận nạp khí đều là từ chức năng tàng tinh diễn suy ra. Bởi vì thận tàng tinh là căn bản âm dương toàn thân mà thận âm và dương điều tiết chuyển hóa tân dịch toàn thân nên thận chủ thủy. Thận tàng tinh chủ phong tàng và nhiếp nạp mà thận chủ nạp khí chính là chủ nhiếp nạp, được biểu hiện cụ thể ở hô hấp. Do đó khi nhận xét các chức năng của thận nhất thiết phải lấy thận tàng tinh xem như chức năng căn bản nhất để lý giải. 

5.7 Thận khai khiếu ra tiền âm, hậu âm (nhị âm), tai và vinh nhuận ra tóc

-Tóc là phần dư (thừa) của huyết mà huyết do thận sinh ra, vậy trạng thái mạnh khỏe của thận đều thể hiện ra tóc, thận khỏe tóc dày, đen, ngược lại tóc thưa, hay rụng (thanh niên tóc tốt, người già tóc thưa, bạc)
-Tai: thận tinh nuôi dưỡng tai: thận hư tai ù, điếc, điều trị cần bổ thận

-Tiền âm: là nơi bài tiết nước tiểu, bộ phận sinh dục nam, nữ, mà thận chủ khí hóa nước tiểu và sinh dục, vì vậy thận chủ tiền âm.
-Hậu âm: là nơi bài tiết phân do tỳ đảm nhiệm, nhưng tỳ dương lại do thận ôn hóa, nên thận chủ hậu âm, người già thận khí hư hay đại tiện lỏng.

Xem chi tiết tại phần hình thể và quan khiếu

5.8 Thận chủ tình chí là sợ hãi

Khủng là khủng bố sợ hãi, một loại hoạt động tinh thần có quan hệ tới thận. “Tố vấn – Cử thống luận” có nói: “Khủng tắc tinh khước, khước tắc thượng tiêu bế, bế tắc khí hoàn, hoàn tắc hạ tiêu trướng, cố khí hạ hành hề” (sợ hãi làm tinh co, lùi lại, co lùi thì thượng tiêu bị bế tắc, khí không lên trên được…). Do thận tàng tinh mà vị trí ở hạ tiêu. Sau khi thận tinh hóa ra thận khí tất nhiên phải qua trung, thượng tiêu mới có thể phân bổ toàn thân. Sợ hãi làm tinh khí co rụt không đi lên được mà ngược lại đi xuống, thận tinh không phân bố bình thường được, do đó có câu “Khủng thương thận” “Khủng tắc khí hạ”. 

5.9 Thận chủ dịch là nước bọt

“Tố vấn – Tuyên minh ngũ khí luận” nói: “Ngũ tạng hóa dịch… thận hóa thóa”. Trương Trí Thông nhà Thanh lý giải như sau: Tân dịch của tạng thận thông qua túc thiếu âm thận kinh đi lên qua can, cách, phế, khí quản đến dưới lưỡi tại hai huyệt kim tân và ngọc dịch và được tiết ra ở đó thành nước miếng. Do nước bọt thuộc thận nên những nhà đạo dẫn (khí công) chủ trương cuốn lưỡi lên trên vòm miệng để nước bọt từ từ tiết ra, chờ cho đầy miệng mới nuốt dùng để bổ thận tinh. 

5.10 Mệnh môn 

Danh từ mệnh môn xuất hiện đầu tiên trong nội kinh, lúc đó người ta dùng để chỉ về mắt (huyệt tinh minh) như “Linh khu – Căn kết” có nói: “Thái dương căn vu chí âm, kết vu mệnh môn. Mệnh môn giả, mục dã”. Nhưng kiểu giải thích này không được nhiều người công nhận (trọng thị). Nạn kinh là cuốn đầu tiên cho rằng mệnh môn là nội tạng. “Nạn kinh – Tam thập lục nạn” nói: Thận có hai nhưng không phải đều là thận, bên trái là thận bên phải là mệnh môn. Từ Nạn kinh trở về sau Hán, Tùy, Đường rất ít bàn tới mệnh môn. Cho tới Tống, Nguyên tuy có luận tới nhưng rất ít và không sâu. Mãi tới nhà Thanh các y gia mới luận về nó tương đối sâu. Dưới đây là những giải thích chủ yếu và có ảnh hưởng lớn.

1. Thuyết thận bên phải là mệnh môn. “Nạn kinh – Tam thập cửu nạn” có nói: “Thận hữu lưỡng tạng dã, kỳ tả vi thận, hữu vi mệnh môn. Mệnh môn giả, tinh thần chi sở xá dã. Nam tử dĩ tàng tinh, nữ tử dĩ hệ bào. Kỳ khí dữ thận thông” (Thận có hai trái, bên trái là thận, bên phải là mệnh môn. Mệnh môn là nơi tàng tinh và thần, ở nam thì tàng tinh, ở nữ là hệ bào (tử cung) khí của nó thông với thận). Ở đây nói về chức năng sinh lý của mệnh môn, khái quát lại có thể qui thành ba điểm. Thứ nhất giải thích mệnh môn là nơi tồn trữ động lực chính (nguyên thuỷ) của sinh mạng  7 1nên nó được gọi là: “Tinh thần chi sở xá”(nơi cư ngụ của tinh thần), nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong việc duy trì hoạt động sống. Thứ hai giải thích mệnh môn có quan hệ gắn bó với chức năng sinh lý (sinh dục) nên nam tử dĩ tàng tinh, nữ tử dĩ hệ bào, nhấn mạnh chức năng sinh lý của con người căn bản là tại mệnh môn. Thứ ba giải thích quan hệ gắn bó giữa thận và mệnh môn trên chức năng sinh lý không thể phân chia. “Kỳ khí dữ thận thông”, thuyết này ảnh hưởng lớn đến y gia đời sau như Vương Thúc Hòa (Tấn), Hoạt Bá Nhân (Nguyên)… Đồng thời lý luận này cũng chỉ đạo về phương pháp bắt mạch, hoạch phân ra vị trí thốn khẩu trong chẩn mạch. Cho đến nay khi chẩn thốn khẩu mạch vẫn chia ra tả xích mạch thuộc thận, hữu xích mạch thuộc mệnh môn.

2. Thuyết cả hai thận đều là mệnh môn: Đời nhà Nguyên tác giả Ngu Đoàn giải thích cả hai thận đều là mệnh môn. Ông ta cho rằng mệnh môn là căn bản của nguyên khí và là vật tối quan trọng đối với sinh mạng.

3. Thuyết mệnh môn nằm giữa hai trái thận: Người đề xướng thuyết này là Triệu Hiến Khả (Minh). Trong cuốn “Y quán – Nội kinh thập nhị quan”, có nói: Mệnh môn nằm bên trong cơ thể, sát cột sống, đối diện với rốn, nếu đếm từ trên xuống ở đốt sống thứ 14, dưới đếm lên đốt thứ 7… bên trái thuộc âm thủy, bên phải thuộc dương hỏa, mệnh môn nằm ở giữa cách mỗi bên 1,5 thốn… Lý luận của ông có hai điểm đặc biệt, thứ nhất cho rằng mệnh môn độc lập với hai thận (nằm giữa); thứ hai cho rằng chức năng của mệnh môn chủ yếu là tác dụng của chân hỏa, chủ trì dương khí toàn thân.

4. Thuyết cho rằng mệnh môn là một loại “khí động” giữa hai thận: Người đề xuất thuyết này là Tôn Nhất Khuê (danh y nhà Minh), cho rằng mệnh môn là nếu xét về vị trí thì nằm giữa hai thận, nếu xét về tính chất thì nó chỉ là một “Động khí” nằm giữa hai thận (chứ không phải là một cơ quan hình thể), và các loại động khí này là khí căn bản của âm dương, tạng phủ và là gốc nguồn của sinh mạng, nhưng nó không phải là hỏa. Tuy có nhiều tranh luận khác nhau nhưng xét chung thì có hai điểm giống nhau, thứ nhất đều cho rằng mệnh môn là gốc của sinh mạng; thứ hai nó có quan hệ khăng khít với thận. Người xưa nhấn mạnh đến mệnh môn chẳng qua muốn đề cập đến tinh khí của thận mà thôi. 2. 

Thận thủy sinh can mộc, khắc tâm hỏa, biểu lý bàng quang.

5.11 Một số bệnh tạng Thận

a) Thận dương hư
– Lâm sàng: sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng, đau mỏi vùng thắt lưng, liệt dương, chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm trì hoặc mạch xích vô lực
Nếu thận khí hư không cố sáp thêm các chứng: di tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, có khi không tự chủ, đái dầm, ỉa lỏng ở người già, nếu thận hư không nạp khí gây hen suyễn khó thở, mạch phù vô lực; nếu thận hư không khí hoá bài tiết được gây phù toàn thân nhất là 2 chi dưới, ấn lõm, bụng đầy, đái ít, khó thở, chất lưỡi nhạt, mềm bệu, mạch trầm tế.
– Pháp điều trị: ôn bổ thận dương, cố nhiếp thận khí, ôn bổ thận khí, ôn dương lợi thủy.

b) Thận âm hư
– Lâm sàng: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, răng lung lay, miệng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, di tinh, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác
– Pháp điều trị: bổ thận âm.

1 Tâm Chủ huyết mạch, biểu hiện ra mặt
Tàng thần
Khai khiếu ra lưỡi
Chủ hãn
Sinh tỳ, khắc phế, biểu lí tiểu trường
2 Can           Tàng huyết
Chủ sơ tiết
Chủ cân, vinh nhuận ra móng tay, chân
Khai hiếu ra mắt
Sinh tâm, khắc tỳ, biểu lí đởm                                                             
3 Tỳ Vận hóa thủy cốc
Thống huyết
Chủ cơ nhục, tứ chi
Ích khí
Khai khiếu miệng, vinh nhuận môi
Sinh phế, khắc thận, biểu lí vị
4 Phế Chủ khí, chủ hô hấp
Chủ tuyên phát, túc giáng
Chủ bì mao, thông điều thủy đạo
Khai khiếu ra lưỡi, chủ tiếng nói
Sinh thận, khắc can, biểu lí đại tràng
5-Thận Tàng tinh, chủ sinh dục, phát dục
Chủ mệnh môn hỏa
Chủ thủy (Khí hóa nước)
Chủ cốt, dưỡng não, sinh huyết
Khai khiếu nhị âm, tai, vinh nhuận ra tóc
Sinh can, khắc tâm, biểu lí bàng quang
Bảng tóm tắt chức năng Ngũ Tạng

Xem thêm:

 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ