Bát cương gồm: Âm, dương, biểu, lý, hàn nhiệt, hư, thực, là một trong những cơ sở lý luận của biện chứng luận trị. Phần cuối này xin giới thiệu cương lĩnh âm dương.
Mục Lục
Âm dương
Âm dương là tổng cương của bát cương. Trong chẩn đoán có thể căn cứ vào biểu hiện triệu chứng lâm sàng nói lên tính chất bệnh lý, quy tập mọi loại bệnh phân thành 2 mặt âm dương. Bởi vậy nên “Tố Vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” có nói: Đại để phàm là người thầy thuốc khi quan sát sắc và bắt mạch đầu tiên cần phải phân biệt âm dương. Trương Trọng Cảnh chia bệnh thương hàn thành âm chứng và dương chứng, lấy tam âm tam dương làm tổng cương. Đời nhà Minh, Trương Cảnh Nhạc cũng nhấn mạnh phàm là chẩn mạch chữa bệnh (nói về người thầy thuốc) đầu tiên cần phải thẩm định rõ âm dương đây là cương lĩnh của y đạo. Âm dương là tổng cương, nó có thể thống lĩnh bao quát (thống quát) 6 cương còn lại do đó có người gọi bát cương là “Nhị cương lục yếu”. Qua đó có thể thấy âm dương biện chứng chiếm 1 vị trí rất quan trọng trong biện chứng bệnh tật.
1. Âm chứng và Dương chứng
Chứng (triệu chứng) có âm có dương, nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng khác nhau. “Tố Vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” cho rằng: “Âm thắng tắc dương bệnh, dương thắng tắc âm bệnh”. “Điều kinh luận” lại nói: “Dương hư tắc ngoại hàn, âm hư tắc nội nhiệt. Dương thịnh tắc ngoại nhiệt, âm thịnh tắc nội hàn”. “Mạch yếu tinh vi luận cho rằng”: “Dương khí hữu dư, thân nhiệt vô hạn. Âm khí hữu dư, vi đa hạn thân hàn”. “Thương hàn luận” cũng nói: “Phát nhiệt ố hàn giả, phát vu dương dã. Vô nhiệt ố hàn giả, phát vu âm dã”.
1.1 Âm chứng
Phàm những triệu chứng phù hợp với thuộc tính âm gọi là âm chứng.
Như lý chứng, hàn chứng, hư chứng.
Biểu hiện lâm sàng: Bệnh không giống nhau thì triệu chứng âm tính cũng khác nhau. Thường gặp: sắc mặt ảm đạm (tối nhạt), tinh thần uỷ mị, thân thể nặng, thích nằm co ro, hình hàn chi lãnh, uể oải vô lực, ăn kém, miệng lạt không khát, tiếng nói nhỏ, đại tiện tanh hôi, tiểu trong dài là biểu hiện lý hàn chứng. Lưỡi nhạt bệu nộn, mạch trầm trì hoặc nhược hoặc tế sáp.
Phân tích triệu chứng: Tinh thần uỷ mị mệt mỏi vô lực, tiếng nhỏ là biểu hiện của hư chứng. Hình hàn chi lãnh, miệng lạt không khát, đại tiện tanh hôi, tiểu trong dài là biểu hiện lý hàn chứng. Lưỡi nhạt bệu nộn, mạch trầm trì, vi nhược, tế sáp đều là hư, hư hàn.
1.2. Dương chứng
Những triệu chứng phù hợp với thuộc tính dương gọi là dương chứng.
Như biểu chứng, nhiệt chứng, thực chứng.
Biểu hiện lâm sàng: Những bệnh khác nhau thì biểu hiện chứng hầu dương tính cũng khác nhau. Thường gặp là: sắc mặt hơi đỏ (thiên hồng), sốt, da nóng (chước nhiệt), phiền thao bất an, tiếng nói to thô đục, hoặc chửi bới vô thường, hơi thở thô, suyễn thúc đàm minh, miệng khô khát nước, đại tiện bí kết hoặc mùi hôi dị thường, tiểu ngắn đỏ, chất lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng đen mọc nhú gai, mạch phù sác, hồng đại (to) hoạt thực.
Phân tích triệu chứng: Dương chứng là cách gọi chung (qui nạp) của biểu chứng, nhiệt chứng và thực chứng. Biểu hiện đặc trưng của biểu chứng là ố hàn và sốt cùng xuất hiện, của nhiệt chứng là sắc mặt hơi đỏ, thần trí bực bội không yên, da nóng, miệng khô thích uống. Biểu hiện đặc trưng của thực chứng là tiếng nói thô đục, hơi thở thô, đại tiện bí kết,… Chất lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng đen mọc gai, mạch hồng đại (to) sác hoạt thực đều là triệu chứng của thực nhiệt chứng.
1.3. Phân biệt điểm khác nhau giữa âm chứng và dương chứng
(Phân biệt chủ yếu căn cứ vào tứ chẩn).
Tứ chẩn | Âm chứng | Dương chứng |
Vọng | Sắc mặt trắng nhợt hoặc ám nhạt, thân thể nặng nề hay nằm co ro, uể oải vô lực, uỷ mị không phấn chấn, lưỡi nhạt mà bệu nộn, rêu nhuận hoạt. | Sắc mặt triều hồng hoặc đỏ, sốt thích mát, cuồng thao không yên, miệng môi khô nứt, lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng hoặc vàng héo (lão) nặng thì khô nứt, hoặc
đen mà mọc nhú gai |
Văn | Tiếng nói nhỏ yếu, thích yên
tĩnh ít nói, hơi thở nhỏ yếu, khí đoản. |
Tiếng nói to khoẻ, phiền mà nói nhiều, hô hấp khí thô, suyễn thúc đàm minh, cuồng ngôn chửi bới lung tung. |
Vấn | Đại tiện mùi tanh hôi, ăn uống giảm, miệng lạt, không phiền không khát hoặc thích uống ấm, tiểu trong dài hoặc ngắn ít. | Đại tiện hoặc cứng hoặc bí hoặc có mùi hôi dị thường, sợ ăn, miệng khô, phiền khát, thích uống, tiểu ngắn đỏ. |
Thiết | Bụng đau thích ấn, mình mẩy tay chân lạnh, mạch trầm vi tế sáp. | Đau bụng cự án, mình nóng (sốt) chân ấm, mạch phù hồng sác đại hoạt thực mà hữu lực. |
Sự tiêu trưởng âm dương chỉ là tương đối, dương thịnh tắc âm hư. Trong trị pháp cần phải đưa âm dương về thế cân bằng. Ví dụ, khám thấy mạch hồng đại, lưỡi đỏ rêu khô, kèm miệng khát, sốt cao… có thể biết là dương thịnh âm hư, tắc là phải ức dương tư âm (điều trị). Nếu khám thấy mạch trầm trì, lưỡi trắng rêu hoạt kèm đau bụng, tiêu chảy (hạ lợi) sẽ biết là âm thịnh dương hư, điều trị phải ôn dương nhiếp âm. Nhưng cũng có một số bệnh chỉ có âm hư mà dương không thịnh, hoặc chỉ có dương thịnh mà không âm hư thì chỉ cần chữa mặt âm hư hoặc dương thịnh thì cũng có thể đưa âm dương về cân bằng. Lấy triều nhiệt làm ví dụ nếu khám thấy mạch tế sác vô lực, lưỡi đỏ ít tân kèm thêm quyền hồng, môi đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, ho, đạo hạn… tức biết đây là âm hư triều nhiệt, điều trị nên tư âm mà tư âm tức là tiềm dương. Nếu khám thấy mạch trầm mà hữu lực, rêu vàng khô, mọc gai, kèm phiền thao tức ngực (suyễn mãn), đại tiện táo kết, chiêm ngữ cuồng loạn… sẽ biết đây là dương thịnh triều nhiệt, điều trị nên ức dương, ức dương tức là tồn âm.
Ngoài ra sự biến hoá phức tạp thác tạp của âm dương cụ thể biểu hiện ở biểu lý, hàn nhiệt, hư thực, bát cương đã trình bày ở trước.
2. Chân âm bất túc và chân dương bất túc
Chân âm bất túc và chân dương bất túc thực ra là chỉ về thận âm bất túc và thận dương bất túc. Thận là căn bản tiên thiên nên túc hoặc bất túc có quan hệ đến vấn đề thể chất bệnh nhân. Tiên thiên bẩm phú bất túc thì thận âm thận dương đều hơi yếu và nếu do điều kiện phát bệnh khác nhau mà có thể chỉ là chân âm bất túc hoặc chân dương bất túc.
Chân âm bất túc: hư hoả thượng viêm, mặt trắng quyền đỏ môi đỏ như thoa son, miệng khô lưỡi táo đỏ không rêu, họng khô tâm phiền, hoa mắt chóng mặt, tai ù, lưng gối mỏi tê vô lực, cốt chưng đạo hạn, ngủ hay gặp ác mộng di tinh, nhị tiện táo kết, thủ túc tâm nhiệt, mạch sác vô lực…
Chân dương bất túc: sắc mặt trắng nhợt, môi lưỡi nhạt, ho suyễn thân sưng (phù), tự hạn, hoa mắt, không muốn ăn, bụng to chân sưng (sưng dọc xương chày), da lạnh (cơ lãnh), tiêu phân lỏng hoặc ngũ canh tả, liệt dương tinh lãnh, mạch đại (to) vô lực.
Hai loại mạch chứng của chân âm và chân dương bất túc đã nêu trên, nhưng Thẩm Kim Ngao lại nhấn mạnh: từ mạch tượng đề ra trị pháp. Ông ta nói: Âm hư dương hư đều thuộc thận. Dương hư là chân dương trong thận hư mà chân dương là chân hoả. Hỏa suy thì bộ xích tay phải phải yếu, trị thì phải đại bổ chân nguyên cũng không thể được làm tổn thương âm khí. Âm hư tức là chân âm trong thận hư, chân âm tức là thận thuỷ. Thủy hư mạch tất phải tế vi, trị nên đại bổ chân âm cũng không được công phạt dương khí. Trong cách điều trị Thẩm thị để ý đến chân thuỷ và chân hoả, ông ta đã từng nói: “…Tráng thuỷ chi chủ dĩ chế dương quang, …ích hoả chi nguyên dĩ tiêu âm ế”. Trương Cảnh Nhạc dựa vào đó tìm ra Tả quy ẩm và Hữu quy ẩm để chữa chân âm và chân dương hư cũng xuất phát từ luận điểm đó.
3. Vong âm và vong dương
Vong âm và vong dương là những triệu chứng nguy hiểm của bệnh. Biện chứng sai tất dẫn đến tử vong. Thường thì sốt cao đại hạn, hoặc thổ tả quá độ, mất máu quá nhiều, đặc biệt là đại hạn rất dễ dẫn đến vong âm và vong dương. Trình Trung Linh trong “Y học tâm ngộ – Luận hạn pháp” có nói: “Thốn mạch nhược (dương hư) giả, bất khả phát hạn, hạn tắc vong dương. Xích mạch nhược (âm hư) giả, bất khả phát hạn, hạn đa vong âm”. Hạn là âm dịch, huyết cũng là âm dịch. Khi đại hạn đại xuất huyết thì âm sẽ theo huyết hạn mà tiêu vong, đây là lẽ thường tình. Do âm dương hỗ căn nên khi âm dịch tiêu hao thì dương khí mất đi chỗ dựa để phát huy tác dụng nên khi vong âm thì dương khí cũng tán và vong dương. Âm dịch cũng tổn nhưng chủ thứ không giống nhau, trị pháp cũng khác nhau.
Từ Linh Đài trong “Vong âm vong dương luận” có nói: “Nội kinh có nói (kinh vân) Đoạt huyết giả vô hạn đoạt hạn giả vô huyết. Huyết thuộc âm, và hạn nhiều cũng là vong âm. Cho nên pháp chỉ hạn tất phải dùng thuốc lương (thanh) tâm liễm phế, tại sao vậy? Đáp: Tâm chủ huyết mà hạn lại là dịch của tâm (hạn vi tâm dịch) nên khi thanh tâm hoả, hạn tất sẽ xuất ra ở bì mao, phế lại chủ bì mao do đó nên liễm phế khí, đây là cách chữa đúng. Khi hạn xuất hơi nhiều thì dương khí phía trên kiệt, mà long lôi chi hoả trong thận (chỉ chân dương) sẽ theo thuỷ đi lên. Nếu lúc này lại dùng thuốc hàn lương để ngăn chặn sẽ làm cho hoả càng tích thịnh (hừng hực = xí). Duy chỉ (nên) dùng đại tễ sâm phụ thêm chút hàm (mặn) giáng như đồng tiện, mẫu lệ, sắc một chén uống lạnh thuốc sẽ thăng xuống hạ tiêu và làm cho chân dương hạ xuống và long lôi chi hỏa sẽ qui về chỗ cũ, hạn theo đó sẽ tự chỉ. Cách nói này rất khác với chỉ hạn trong vong âm. Do vậy trị pháp vong âm và vong dương dứt khoát khác nhau, mà tình thế xoay chuyển (từ âm qua dương) xảy ra trong khoảnh khắc. Khi dương khí chưa động nên dùng âm dược chỉ hạn, khi dương khí đã động dùng dương dược chỉ hạn, như long cốt, mẫu lệ hoàng kỳ, ngũ vi tử là thuốc thu liễm nên dùng được cả trong 2 trường hợp. Thầy thuốc nắm được giới hạn vong âm và vong dương thì dùng thuốc mới không lầm lẫn.
Vậy làm sao phân biệt vong âm và vong dương? Vong âm đổ mồ hôi da nóng sợ nóng, tay chân ấm, mồ hôi ra cũng ấm và vị mặn, miệng khát thích uống lạnh, hơi thở thô, mạch trầm thực. Vong dương đổ mồ hôi ố hàn tay chân lạnh da lạnh toát, mồ hôi lạnh mà vị nhạt hơi dính miệng không khát mà thích uống ấm, hơi thở nhỏ, mạch phù sác mà trống không. Trên đây là 2 đoạn nói về vong âm và vong dương.
Tóm lại: âm dương tiêu trưởng chỉ là tương đối thôi. Vong âm do âm hư tắc dương kháng biểu hiện một loạt triệu chứng nhiệt chứng, nhưng thực tế nó vẫn thuộc hư chứng nên mạch tuy giống hồng thực mà thao tật (nhanh) nhưng án thấy vô lực. Vong dương do dương hư tắc hàn biểu hiện một loạt triệu chứng hàn chứng, do dương hư ngoại việt nên mạch phù sác mà nặng hơn thì là vi tế muốn tuyệt. Mà vong âm lưỡi đỏ khô, vong dương lưỡi trắng nhuận, đây cũng là điểm cần nắm trong chẩn đoán.
Hãn | Tứ chi | Lưỡi | Mạch | Khác | |
Vong âm | Mồ hôi nóng vị mặn | Ấm | Đỏ khô | Hồng thực hoặc thao tật | Da nóng, khí thô, khát thích uống lạnh |
Vong dương | Mồ hôi lạnh vị nhạt | Quyết lạnh | Trắng nhuận | Phù sác mà không, hoặc vi tế muốn tuyệt | Da lạnh, khí vi, không khát thích uống ấm |
Nguồn: Giáo trình yhct
Xem thêm:
Phần 1 : Biểu lý
Phần 2 : Hàn nhiệt
Phần 3 : Hư thực