Thiết chẩn trong đông y gồm hai phần là “Mạch chẩn” và “Án chẩn”; ở phần cuối này chúng ta sẽ tìm hiểu về Án chẩn.
Tiếp theo của Phần 3: Chẩn mạch phụ nữ, trẻ nhỏ
Mục Lục
1. Phương pháp án chẩn và ý nghĩa của nó
Án chẩn được vận dụng trong biện chứng, đều này đã có từ rất lâu. Được ghi chép rất sớm trong “Nội kinh”, “Thương hàn luận”, “Kim quỹ yếu lược”. Án chẩn là gì? Là dùng tay trực tiếp sờ mó ấn ép một vị trí cục bộ nào đó để tìm hiểu những biến đổi bất thường, từ đó suy đoán vị trí bệnh, tính chất bệnh và bệnh tình nặng nhẹ…
Thủ pháp án chẩn đại khái phân thành xúc, mô (sờ mó), án. Xúc là dùng ngón tay hoặc bàn tay nhẹ nhàng tiếp xúc vị trí cục bộ như trán, da, tứ chi… để xem nóng lạnh, nhuận táo… Mô là dùng tay sờ cục bộ như những chỗ sưng đau để tìm cảm giác ở sâu chỗ bệnh hoặc tìm hình thù khối sưng u lớn nhỏ. Án là dùng tay dùng sức ấn ép cục bộ như ở ngực bụng hoặc khối u để tìm hiểu có hoặc không có ấn đau, hình thù khối, tính chất cứng mềm… Trên lâm sàng các loại thủ pháp trên nên tổng hợp sử dụng thường là xúc trước ấn sau, từ nhẹ đến nặng từ nông đến sâu.
Khi án chẩn thầy thuốc cần áp sát bệnh nhân, thủ pháp phải nhẹ nhàng khéo léo tránh thô bạo đột ngột. Trời lạnh cần làm ấm tay trước sau đó mới tiến hành khám. Đồng thời căn dặn bệnh nhân nên phối hợp, phát hiện những cảm giác biểu hiện của bệnh nhân kịp thời, vừa khám vừa quan sát nét mặt của bệnh nhân để tìm xem đau chỗ nào.
Án chẩn là một phần của thiết chẩn, là một khâu không được bỏ qua hay hời hợt trong tứ chẩn. Án chẩn trên cơ sở vọng văn vấn càng thêm một bước nữa tìm hiểu về vị trí tính chất bệnh. Đối với những bệnh biến vùng ngực như đau, sưng trướng, đàm ẩm, hà chứng… thông qua án chẩn có thể trung thực chẩn đoán và biện chứng những tư liệu cần thiết. Đời nhà Thanh y gia Du Căn rất coi trọng án chẩn, ông ta nói: “Ngực bụng là nơi cư ngụ của lục phủ ngũ tạng, là nơi (nguồn) khí huyết được hóa sinh, nếu muốn biết tình trạng tạng phủ ra sao thì cần phải sờ nắn ấn ngực bụng. Ngày nay cách làm đơn giản thuận tiện này không gây đau cho bệnh nhân vẫn còn giá trị thực dụng, do đo cần phải kế thừa phát huy và nâng cao.
2. Nội dung án chẩn
2.1 Án bì phu
Là do muốn tìm hiểu rõ tình hình hàn nhiệt, nhuận táo và sưng thũng da toàn thân.
Phàm dương khí thịnh thân thể đa số nóng dương khí suy thì thân thể lạnh.
Án cơ biểu không chỉ có thể từ lạnh nóng để biết hàn nhiệt mà càng có thể từ nhiệt (sốt) nặng nhẹ (thâm vi) để phân biểu lý hư thực. Thân nhiệt mới sờ nóng nhiều, sờ lâu nóng giảm là nhiệt tại biểu, nếu sờ càng lâu nóng càng dữ là nhiệt từ trong phát ra ngoài chứng phát gây ra là nhiệt tại lý.
Cơ phu (da thịt) mềm mại (nhu nhuyễn) thích án là hư chứng, chỗ đau cứng cự án là thực chứng, ấn nhẹ mà đau là bệnh ở ngoài cạn (biểu thiển), trọng án mới đau là bệnh ở trong sâu.
Da khô thường ở người ít ra mồ hôi, da khô mà nhăn nheo là tân dịch bất túc, da thấp nhuận là đã có mồ hôi.
Trọng án chỗ sưng để phân biệt thủy thũng hoặc khí thũng. Ấn lõm không lập tức hồi phục là thủy thũng, ấn lõm bỏ tay ra đàn hồi liền là khí thũng.
Trong ngoại khoa thương sang súc án cục bộ nơi bệnh, sưng không cứng đờ không nóng là thuộc hàn chứng nơi sưng nóng áp thống là nhiệt chứng. Chỗ đau gốc sưng đầu không nhô cao thuộc hư, gốc gom sưng có đỉnh nhô cao thuộc thực. Cứng nơi đau là chưa có mủ, ngoài cứng ngọn mềm là đã có mủ.
Người xưa có ghi chép “Án xích phu” chẩn pháp. Xích phu là đoạn da từ phía trong cùi chỏ đến lằn chỉ cổ tay trong. Xích phu nóng thường gặp ở bệnh ngoại cảm đa số thuộc ôn nhiệt chứng.
2.2 Án thủ túc
Chủ yếu tìm hiểu về hàn nhiệt, nếu tay chân đều lạnh là dương hư âm thịnh thuộc hàn, tay chân đều nóng là dương thịnh hoặc âm hư thuộc nhiệt. Nhưng cũng cần chú ý vấn đề nội nhiệt tích thịnh mà dương uất ở trong không thể ngoại đạt gây tứ chi quyết lãnh tức là lý nhiệt thực chứng.
Chẩn thủ túc hàn nhiệt còn có thể phân biệt được bệnh ngoại cảm hoặc nội thương. Mu tay chân hơi nóng là ngoại cảm phát nhiệt (sốt). Thủ túc tâm (lòng bàn tay chân) hơi nóng là sốt nội thương
Ngoài ra còn có thủ túc tâm nhiệt và trán nóng kết hợp nhau để phân biệt biểu nhiệt hoặc lý nhiệt. Trán nóng nhiều hơn lòng bàn tay là biểu nhiệt, lòng bàn tay nóng hơn là lý nhiệt
Trẻ em khi thấy đầu ngón tay lạnh là chủ hàn quyết, chỉ có ngón giữa nóng là chủ ngoại cảm phong hàn, đầu ngón giữa lạnh là sởi, đậu mùa sắp phát
Chẩn tay chân nóng lạnh để biết âm dương tồn vong, điều này tương đối quan trọng đối với việc quyết định dự hậu tốt xấu đối với một vài bệnh chứng dương hư. Trong dương hư chứng tứ chi đều ấm là dương khí vẫn còn, có thể chữa khỏi. Nếu tứ chi quyết lãnh thì đa phần là hung, dự hậu không tốt. Như “Thương hàn luận – Thiếu âm” có nói: “Thiếu âm bệnh, hạ lợi, nhược lợi tự chỉ, ố hàn nhi quyền ngọa (nằm co ro), thủ túc ôn giả, khả trị” “ Thiếu âm bệnh, ố hàn thân quyền nhi lợi (tiêu chảy), thủ túc nghịch lãnh giả, bất trị”
2.3 Án hung phúc
Hung phúc được hoạch phân như sau: Từ cách trở lên là hung, cách trở xuống là phúc, từ nách xuống đầu xương sườn 11-12 là hiếp. Dưới mũi ức là tâm hạ. Vị quản tương đương với thượng phúc. Từ rốn trở lên là đại phúc, rốn trở xuống là tiểu phúc. Án hung phúc là tùy theo nhu cầu, mục đích bệnh tình mà khám từng vùng. Nội dung án hung phúc chia ra: Án hư lý, án hung hiếp, án vùng bụng.
Án hư lý
Vị trí dưới vú trái nơi mỏm tim đập, xem tình hình đập ở hư lý có thể biết tông khí mạnh yếu, bệnh hư thực, dự hậu hung cát. Cổ nhân rất trọng thị điều này. Bình thường hư lý sờ thấy ứng thủ (đập rõ), không nhanh, chậm mà không cấp. Nếu đập khẽ, không rõ gọi là bất cập là tông khí hư suy, nếu đập mạnh (đội áo) ứng y là thái quá là hiện tượng tông khí ngoại tiết.
Án đập dội tay, hồng đại thuộc chứng nguy cấp cần cảnh giác. Nếu sản phụ trước lúc sanh, hoặc bệnh lao sái mà xuất hiện hiện tượng này cũng cần cảnh giác.
Khi giật mình sợ hãi (kinh khủng), hoặc đại nộ, hoặc sau khi vận động kịch liệt thì hư lý mạch đập tuy nhanh nhưng nghỉ ngơi chút xíu sẽ khôi phục bình thường là hiện tượng sinh lý bình thường. Hư lý đập khẽ (giục tuyệt) nhưng không có dấu hiệu sẽ tử vong (tử hầu) đa số gặp ở đầm ẩm chứng.
Án chẩn hư lý có ý nghĩa rất lớn trên lâm sàng, đặc biệt trong trường hợp gặp chứng bạo quyết và khí đại hư đại thực chứng thì nhiều khi không bắt được mạch (phục), nên có thể xem xét kỹ hư lý để biết tông khí tồn vong, tránh chẩn đoán lầm.
Án hung hiếp
Ngực là nơi cư ngụ của tâm, phế, bên phải là can, hai sườn là nơi phân bố can kinh. Do đó khi án hung hiếp là chủ yếu xem tâm phế và can bệnh biến (hư lý cũng thuộc hung đã nói ở trên).
Ngực trước nhô cao, án thấy khí suyễn là chứng phế trướng
Ngực sườn ấn đau trướng có thể là đàm nhiệt khí kết hoặc thủy ẩm nội đình
Vị trí can ở hạ sườn phải, mặt trên ngang đường liên sườn 5, phía dưới nằm bên trong bờ sườn, do đó thường không sờ thấy. Nếu sờ thấy can to hoặc mềm hoặc cứng đa số thuộc khí trệ huyết ứ. Nếu bề mặt can lồi lõm không phẳng chú ý đó có thể là can nham. Đau trướng hạ sườn phải, sờ có cảm giác nóng tay có thể là can ung (áp xe). Sốt rét lâu ngày có thể xuất hiện u cục ở hạ sườn phải gọi là ngược mẫu
Án phúc bộ
Chủ yếu tìm hiểu nóng lạnh, độ mềm cứng, trướng mãn, u cục, ấn đau…
– Biện lạnh nóng: Thông qua sờ da bụng lạnh nóng có thể biết hàn nhiệt hư thực. Thành bụng lạnh thích ấm thích xoa thuộc hư hàn chứng. Da bụng chước nhiệt, thích lạnh (chườm) thuộc thực nhiệt chứng
– Biện đau: Thích án thuộc hư, cự án là thuộc thực
– Biện bụng trướng: Bụng trướng đầy, ấn có cảm giác căng đầy (thực), ấn đau, gõ đục là thực mãn, bụng căng trướng nhưng ấn không có cảm giác thực (đầy), ấn không đau, gõ trong thuộc hư mãn
Bụng trướng căng nhiều to như cái trống gọi là cổ trướng, là bệnh nghiêm trọng, có thể phân thủy cổ và khí cổ (dấu sóng vỗ, ấn lõm là thủy cổ, gõ vang ấn không lõm là khí cổ). Người béo bụng to nhưng mềm mại, rốn lồi cần phân biệt với cổ trướng
– Biện bĩ mãn: Là triệu chứng chủ quan, vùng tâm hạ hoặc vị quản khó chịu căng tức (bĩ mãn), ấn mềm mại không đau thuộc hư chứng. Ấn cứng có cảm giác đề kháng và ấn đau là thực chứng. Ấn trướng đau, có cảm giác sôi ruột thuộc đại kết hung
– Biện khối u (thũng khoái): Khi ấn chẩn cần chú ý khối u lớn nhỏ, hình thái, độ cứng…
– Tích tụ: Cũng là một dạng khối u trong bụng, hoặc sưng hoặc đau, triệu chứng không giống nhau. Tích và tụ cũng có phân biệt. Đau cố định, ấn chẩn hữu hình không di chuyển là tích, thuộc huyết phần. Đau không cố định, ấn cảm giác vô hình (không sờ thấy gì), lúc tụ lúc tán bất định là tụ, thuộc khí phần
Thiếu phúc bên trái đau (hố chậu trái), ấn cảm giác u cứng là trong ruột có phân cứng ứ. Thiếu phúc phải đau, ấn đau, có u cục là trường ung
Trùng tích khi ấn chẩn có 3 đặc điểm. Một là hình dạng như 1 đám gân kết lại ấn lâu một chút thì tan mất, hai là nếu chẩn sát kỹ có cảm giác nhu động dưới tay, ba là thành bụng lồi lõm không phẳng, ấn phập phều lúc tụ lúc tan, tới lui bất định
Án du huyệt
Là đè ấn huyệt đặc định nào đó trên cơ thể để xem phản ứng và biến đổi của huyệt từ đó suy đoán bệnh ở nội tạng nào
Biến đổi du huyệt chủ yếu biểu hiện thấy các nốt nhỏ hoặc hình dạng như sợi dây. Phản ứng khác thường của nó là ấn đau hoặc có phản ứng mẫn cảm. Ví dụ phế bệnh thì ngay tại phế du có thể sờ thấy những nốt nhỏ, hoặc huyệt trung phủ ấn đau. Can bệnh tại can du và kỳ môn ấn đau. Vị bệnh thì tại vị du và túc tam lý áp thống. Trường ung thì thượng cự hư (huyệt Lan vĩ) ấn đau.
Ngoài ra còn có thể thông qua áp lực ngón tay ấn du huyệt để điều trị có tính thử nghiệm, từ đó giúp chẩn đoán. Ví dụ đau bụng do giun chui ống mật ấn hai bên huyệt đởm du thì đỡ, các nguyên nhân khác gây đau thì ấn không hiệu quả.
Nguyên lý của ấn chẩn du huyệt là vì khí huyết của kinh lạc tụ tập tại bề mặt cơ thể và chảy (chú) vào những du huyệt trọng điểm cho nên khi bên trong cơ thể có bệnh thường phản ứng tại những điểm đó, do vậy ta có thể quan sát những phản ứng biến hóa những huyệt đó để suy ra bệnh bên trong. “Linh khu – Bối du” đã chỉ rõ: “Muốn thử xem bệnh ở đâu thì ấn thử chỗ nào đó nếu đau giảm thì chỗ đó là du huyệt”.
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
Xem thêm: