Hệ kinh lạc bao gồm năm phần cấu tạo nên là: Kinh mạch, lạc mạch, kinh cân, bì bộ và tạng phủ. Trong đó kinh mạch và lạc mạch là chủ yếu, phía trên nối với (liên thuộc) tạng phủ phía ngoài nối với cân nhục, bì phu… .
Mục Lục
1. Giới thiệu về Kinh lạc
Kinh lạc là một phần quan trọng cấu thành tổ chức cơ quan cơ thể, vận hành khí huyết tân dịch của cơ thể, các hoạt động chức năng tạng phủ cơ quan, và sự liên lạc hoạt động điều tiết giữa chúng toàn bộ phải thông qua hệ kinh lạc thực hiện, đồng thời làm thành một chỉnh thể hữu cơ.
Học thuyết kinh lạc là nghiên cứu kết cấu, chức năng sinh lý, bệnh lý hệ kinh lạc và mối quan hệ của nó với tạng phủ hình khiếu, khí huyết tân dịch trong cơ thể, là một bộ phận quan trọng trong hệ lý luận YHCT.
Học thuyết này được hình thành qua quá trình tích luỹ lâu dài trong sinh hoạt và thực tiễn điều trị, chủ yếu thông qua các phương pháp chữa bệnh của người xưa như châm cứu, xoa bóp, khí công, kết hợp với hiện tượng truyền dẫn của bệnh nhân (cảm giác) đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú, đồng thời căn cứ vào kiến thức giải phẫu đương thời cộng thêm những ảnh hưởng thẩm thấu lâu dài của tư tưởng triết học cổ đại, đã từng bước đưa dần lên thành lý luận. Học thuyết kinh lạc và học thuyết khí huyết tân dịch, tạng tượng… đã cùng nhau sản sinh hình thành và phát triển và tự trở thành từng hệ thống lý luận có đặc điểm khác nhau, bổ sung cho nhau, để trở thành một học thuyết cơ bản miêu tả quy luật hoạt động sống của cơ thể. Chỉ khi tổng hợp vận dụng những loại học thuyết y học đó mới có thể tương đối hoàn chỉnh giải thích về chức năng sinh lý và quy luật biến hóa của bệnh lý, có tác dụng chỉ đạo chẩn đoán và điều trị.
Học thuyết Kinh lạc bắt đầu hình thành từ “Hoàng đế nội kinh”. Y gia các thời đại đã kết hợp những kinh nghiệm bản thân không ngừng bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện. Từ đó đến nay học thuyết đã không ngừng phát huy tác dụng chỉ đạo trong thực hành trị liệu. Nó không chỉ là cơ sở lý luận khoa học của châm cứu, xoa bóp, khí công mà còn có tác dụng chỉ đạo các môn lâm sàng khác.
Chính như “Linh khu – Kinh mạch” có nói: “Kinh mạch giả, sở dĩ năng quyết sinh tử, xứ bách bệnh, điều hư thực, bất khả bất thông” (kinh mạch có khả năng đoán biết bệnh nặng nhẹ, chữa được nhiều bệnh, điều chỉnh hư thực và do đó nó lúc nào cũng phải thông suốt). Hay cuốn “Y học nhập môn” có nói: Phàm hành nghề y nếu không hiểu về kinh lạc thì như đi ban đêm không có đèn. Qua đó cũng thấy học thuyết này chiếm một vị trí quan trọng trong YHCT.
2. Khái niệm Kinh lạc
Kinh lạc là đường vận hành khí huyết của cơ thể, là đường liên lạc giữa các tạng phủ hình khiếu và nối liền trên dưới trong ngoài. Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch. Chữ kinh và lạc xuất hiện sau danh từ mạch do đó kinh lạc là một sự suy đoán (phân tích) thêm của mạch. “Linh khu – Kinh mạch” có nói: “Kinh mạch thập nhị giả, phục hành phân chi gian, thâm nhi bất kiến… chư mạch chi phù nhi thường kiến giả, giai lạc mạch giả”. “Y học nhập môn” cũng nói: “Kinh giả , kinh dã; kinh chi chi mạch bàng xuất giả vi lạc”. Qua đó có thể thấy sự phân biệt kinh mạch và lạc mạch là: Kinh là đường chính, đa số đi ở vùng sâu theo trục tung và có lộ trình cố định. Lạc có nghĩa là mạng (lưới), lạc mạch là nhánh phân chia đi ở vùng sâu và cạn phân bố thành dạng mạng ngang dọc. Kinh mạch và lạc mạch là câu thông lẫn nhau, liên hệ (nối) với tạng phủ hình thể và khiếu thành một hệ thống chỉnh thể hữu cơ thống nhất.
3. Hệ thống kinh lạc
Hệ kinh lạc bao gồm năm phần cấu tạo nên là: Kinh mạch, lạc mạch, kinh cân, bì bộ và tạng phủ. Trong đó kinh mạch và lạc mạch là chủ yếu, phía trên nối với (liên thuộc) tạng phủ phía ngoài nối với cân nhục, bì phu… .
3.1. Kinh mạch và lạc mạch
Chính kinh
Gồm 12 đường là thủ, túc tam âm kinh và thủ, túc tam dương kinh. 12 kinh mạch đều có điểm khởi đầu và kết thúc nhất định, có vị trí tuần hành nhất định và giao tiếp thứ tự. Trên cơ thể có sự phân bố và hướng đi theo qui luật nhất định, có quan hệ lạc thuộc trực tiếp với tạng phủ và là đường tuần hoàn của khí huyết.
Kỳ kinh
Có tám đường gồm: Đốc mạch, nhâm mạch, xung mạch, đái mạch, âm kiểu mạch, dương kiểu mạch, âm duy mạch, dương duy mạch. Gọi chung là kỳ kinh bát mạch. Chính kinh và kỳ kinh không giống nhau, như cuốn “Thánh Tế tổng lục” có nói: “Mạch hữu kỳ thường, thập nhị kinh giả thường mạch dã,kỳ kinh bát mạch tắc bất câu vu thường, cố vị chi kỳ kinh. Cái ngôn nhân chi khí huyết thường hành vu thập nhị kinh, kỳ chủ kinh mãn dật tắc lưu nhập kỳ kinh” ( kinh mạch chia ra thường mạch và kỳ mạch, 12 kinh là mạch bình thường, kỳ kinh bát mạch là không thuộc mạch thường nên gọi là kỳ kinh. Khí Huyết con người thường vận hành trong 12 kinh, khi chúng sung mãn sẽ trànra nhập vào kỳ kinh). Kỳ kinh chủ yếu có tác dụng thống xuất, liên lạc và điềutiết 12 kinh mạch.
12 kinh biệt
Là phân nhánh tương đối lớn của 12 kinh, phân biệt khởi phát từ tứ chi tuần hành phần trong (sâu) tạng phủ, đi lên tới cổ ra vùng nông hơn. Trong đó kính biệt của âm kinh phân nhánh từ kinh đó đi vào trong và tương hợp với kình dương có tương quan biểu lý tác dụng tăng cường khả năng liên kết với nó, đồng thời có thể thông đến những vùng hoặc cơ quan mà chính anh không đi đến, để bổ sung phần không đủ của chính kinh.
Lạc mạch
Là phân nhánh của kinh mạch đa số không có lộ trình nhất định, lạc mạch có biệt lạc, phù lạc và tôn lạc.
> Biệt lạc
Cũng là nhánh tương đối lớn. 12 kinh và đốc mạch, nhâm mạch và tỳ đại lạc hợp thành 15 biệt lạc. Chức năng chủ yếu của biệt lạc là tăng cường liên hệ giữa hai kinh có quan hệ biểu lý với nhau phía ngoài cơ thể.
> Phù lạc và tôn lạc
Phù lạc tuần hành phần nông (biểu) của cơ thể và thường thấy được. Tôn lạc là phần lạc mạch nhỏ nhất, theo Tố vấn thì nó có tác dụng thông minh vệ.
3.2. Phía ngoài liên hệ kinh cân, da (ngoại liên kinh cân, bì bộ)
Kinh cân và bì bộ là bộ phận liên thuộc của 12 kinh với cân nhục và bì phu. Học thuyết kinh lạc cho rằng kinh cân là hệ thống mà khí của 12 kinh “Kết, tụ, tán, lạc” ở cân nhục, khớp. Là bộ phận liên thuộc 12 kinh mạch, nên gọi là thập nhị kinh cân, có tác dụng nối liền tứ chi xương cốt (bách hài), chủ về vận động của khớp. Da toàn thân là nơi phản ánh chức năng hoạt động của 12 kinh mạch, cũng là nơi khí của kinh lạc phân bố. 12 bì bộ tức là phân chia da cơ thể thành 12 phần và thuộc về 12 kinh.
3.3. Nội lạc thuộc tạng phủ (vào trong liên hệ tạng phủ)
Kinh lạc liên hệ (nối liền) tổ chức cơ quan toàn thân và phân bố ở mọi chỗ bên ngoài cơ thể, đồng thời nó cũng thâm nhập vào trong nối liền (liên thuộc)các tạng phủ. Chính kinh, kinh biệt, kỳ kinh, lạc mạch đều có một mối liên hệ nhất định với tạng phủ. Trong đó 12 kinh có tác dụng liên thuộc chủ yếu và trực tiếp. Mỗi kinh trong 12 kinh đều trực tiếp thông với tạng phủ thuộc nó gọi là “thuộc”. Thủ tam âm kinh liên hệ (nối) với vùng ngực, phía trong thuộc (nội thuộc) phế, tâm bào, tâm; túc tam âm kinh liên hệ với vùng bụng nội thuộc tỳ, can, thận; túc tam dương kinh nội thuộc vị, đởm, bàng quang; thủ tam dương kinh nội thuộc đại trường, tam tiêu, tiểu trường.
Mỗi kinh trong 12 kinh có mối liên hệ biểu lý riêng với tạng phủ tương quan biểu lý gọi là “lạc”. Dương kinh đều thuộc phủ mà lạc tạng, âm kinh đều thuộc tạng mà lạc phủ. Ví dụ: Thủ thái âm phế kinh thuộc phế lạc đại trường; thủ dương minh đại trường thuộc đại trường lạc phế…
Âm kinh và dương kinh trong 12 kinh mạch phân biệt lạc thuộc những tạng phủ tương ứng tạo thành sự liên hệ biểu lý tương hợp giữa âm, dương kinh và tạng phủ. Như dương minh và thái âm, thiếu dương và quyết âm, thái dương và thiếu âm đều là quan hệ biểu lý. Ngoài ra thông qua sự tuần hành giao thoa của kinh mạch và các nhánh kinh biệt, lạc mạch… Hoặc những kinh mạch liên hệ trực tiếp với tạng phủ mà tạo thành sự liên kết rộng rãi, phức tạp giữa kinh lạc và tạng phủ.
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
—————————-
Xem thêm:
- Học thuyết Tạng Phủ (phần 1 Ngũ Tạng)
- Học thuyết âm dương
- Học thuyết Kinh Lạc (phần 2) – Chức năng sinh lý của hệ kinh lạc
- Tóm lược Học thuyết Kinh Lạc