Bát cương gồm: Âm, dương, biểu, lý, hàn nhiệt, hư, thực, là một trong những cơ sở lý luận của biện chứng luận trị. Phần 3 này xin giới thiệu cương lĩnh Hư thực.
Mục Lục
Hư thực
Là hai cương lĩnh dùng để biện biệt tà chính thịnh suy. Hư là chỉ chính khí bất túc, thực là chỉ tà khí thịnh thực. “Tố vấn – Thông bình hư thực luận” nói: “Tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư”
Bệnh chứng tuy có phân hư thực mà hư thực lại có liên hệ với biểu lý hàn nhiệt cho nên khi xuất hiện chứng hầu cũng rất phức tạp. Trong quá trình bệnh, hư thực có thể chuyển hoá cho nhau mà xuất hiện chứng hầu hư thực thác tạp.
Thông qua biện chứng hư thực chúng ta có thể dễ dàng nắm được tình trạng tà chính thịnh suy và căn cứ vào đó để điều trị. Thực chứng thì nên công, hư chứng nên bổ. Chỉ có biện chứng chuẩn xác mới có thể áp dụng công bổ một cách hiệu quả .
1. Hư chứng
Hư chứng là một khái quát bệnh lý về chính khí hư nhược sản sinh ra các loại biểu hiện lâm sàng. Sự hình thành hư chứng gồm có: Tiên thiên bất túc và hậu thiên thất điều, nhưng hậu thiên thất điều là chủ yếu. Ẩm thực thất điều, hậu thiên chi bản bất cố, thất tình lao quyển, nội thương tạng phủ khí huyết, phòng thất quá độ hao thương chân khí tạng thận, hoặc bệnh lâu thất trị, ngộ trị tổn thương chính khí… đều có thể hình thành hư chứng. Hư chứng bao gồm: âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư, tân hư, tinh hư và các tổn thương tạng phủ không giống nhau, ở đây chỉ giới thiệu 2 loại hư chứng thường gặp là âm hư và dương hư.
Biểu hiện lâm sàng: Các hư chứng biểu hiện rất khác nhau, rất khó khái quát 1 cách toàn diện. Thường gặp là: sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng héo, tinh thần ủy mị, mệt mỏi uể oải, tâm quý khí đoản, hình hàn chi lạnh, tự hạn, đại tiện hoạt thoát, tiểu không tự chủ, lưỡi nhạt bệu nộn mạch hư trầm trì, hoặc ngũ tâm phiền nhiệt, gầy sút lưỡng quyền đỏ, miệng họng khô, đạo hạn triều nhiệt, lưỡi đỏ ít rêu, mạch hư tế sác.
Phân tích triệu chứng: Bệnh cơ chủ yếu của hư chứng biểu hiện ở 2 mặt là thương âm và thương dương. Thương dương có biểu hiện chính là dương khí hư. Do dương thất ôn vận và cố nhiếp nên sắc mặt trắng nhạt hình hàn chi lạnh, tinh thần uể oải mệt mỏi, trống ngực (tâm quý) khí đoản, đại tiện hoạt thoát (tiêu chảy không tự chủ), tiểu tiện thất cầm. Thương âm biểu hiện chủ yếu là âm huyết hư. Do âm hư bất chế dương và mất đi tác dụng nhu dưỡng tư nhuận của nó nên thủ túc tâm nhiệt, tâm phiền tâm quý, sắc mặt vàng héo, hoặc đỏ lưỡng quyền, đạo hạn triều nhiệt… Dương hư tắc âm hàn thịnh nên lưỡi bệu nộn, mạch hư trầm trì. Âm hư tắc dương kháng nên lưỡi đỏ khô ít rêu, mạch tế sác.
2. Thực chứng
Thực chứng là một khái quát bệnh lý khi cơ thể cảm thụ ngoại tà sản sinh các kiểu biểu hiện lâm sàng, hoặc do những sản phẩm bệnh lý tích tụ mà sinh ra các triệu chứng lâm sàng. Nguyên nhân dẫn đến thực chứng gồm có hai mặt. Thứ nhất là do ngoại tà xâm nhập cơ thể, thứ hai là do chức năng tạng phủ thất điều, nên những sản phẩm bệnh lý như đàm ẩm, thủy thấp, ứ huyết… đình lưu trong cơ thể gây ra. Tùy theo tính chất ngoại tà khác nhau và những sản phẩm bệnh lý khác nhau nên mỗi cái có những biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Biểu hiện lâm sàng: Do tính chất tà khí và vị trí gây bệnh khác nhau nên thực chứng biểu hiện cũng cực kỳ khác nhau, mà thường gặp nhất là: Sốt, đau trướng bụng, cự án, tức ngực, bực bội thậm chí thần hôn chiêm ngữ, hô hấp khí thô, đàm dãi úng thịnh, đại tiện táo kết, hoặc tiêu chảy (hạ lợi), lý cấp hậu trọng, tiểu không thông, hoặc lâm lịch tiểu buốt, chất lưỡi già (thương lão), rêu dày nê, mạch thực hữu lực.
Phân tích triệu chứng: Tà khí quá thịnh, chính tà đấu tranh nên sốt. Thực tà nhiễu tâm hoặc mông bịt tâm thần gây phiền thao thậm chí hôn mê chiêm ngữ. Tà khí trở tại phế nên phế khí thất tuyên giáng gây tức ngực, suyễn tức, khí thô, đàm thịnh nên khò khè. Thực tà tích ở trường vị, phủ khí không thông nên đại tiện táo kết, bụng trướng cự án. Thấp nhiệt hạ công nên hạ lỵ, đau bụng mót rặn. Thủy thấp nội đình, khí hoá bất hành nên tiểu không thông. Thấp nhiệt hạ chú bàng quang gây tiểu buốt rắt. Tà chính tương tranh ảnh hưởng tới huyết mạch nên mạch thực hữu lực. Thấp trọc chưng đằng nên rêu lưỡi dày nê.
3. Phân biệt chủ yếu hư chứng và thực chứng
Biểu hiện chứng hầu của hư chứng và thực chứng như đã giới thiệu ở trên. Nhưng nếu xét từ triệu chứng thì cùng một triệu chứng có thể là thực chứng mà cũng có thể là hư chứng. Ví dụ đau bụng mà thích ấn xoa là hư, cự án là thực chứng. hay ở người dương hư có úy hàn mà biểu thực chứng cũng ố hàn.
Hư chứng | Thực chứng | |
Khí | Phế khí hư: Suyễn tức, khí
đoản, tự hạn, nói nhỏ vô lực. |
Phế khí thực: Hung bĩ chóng mặt,
đàm nhiều khí úng không nằm được |
Trung khí hư: Lạnh ngọn chi, bụng trướng có lúc giảm, đau mà thích ấn, không muốn ăn, tiêu phân lỏng. | Vị khí thực: Đầy bụng ợ hơi, ợ chua, xót ruột, nôn ói nấc cụt | |
Nguyên khí hư: Đa số hư dương thượng phù, lưỡng quyền đỏ pha trắng, ù tai điếc tai, chóng mặt hồi hộp, 2 tay run hoặc hô hấp khí không tiếp nối | Trường khí thực: Bụng trướng đầy, đau quanh rốn, đại tiện táo bón hoặc xích bạch lỵ, triều nhiệt chiêm ngữ
Can khí thực: Đau đầu hoa mắt |
|
Huyết | Môi nhạt mặt trắng, tâm phiền mất ngủ, tinh thần suy nhược, sốt về đêm, đạo hạn, máy cơ, nặng thì tay chân co giật. | Ứ tại tấu lý thì cục bộ xanh, sưng đau, tại kinh lạc thì đau mình co gân. |
Ứ tại thượng tiêu thì đau ngực lan vai tay. Tại hạ tiêu thì đau bụng thích thống, đau lan xuyên. Tại hạ tiêu thì tiểu phúc trướng mãn thích thống. Phàm ứ huyết là chủ thì đau cố định hoặc phân đen. | ||
Ngũ tạng | Tâm hư: Đa bi (hay buồn bã) | Tâm thực: Tình chí bất thường, cười nói không nghỉ |
Can hư: Mắt mờ nhìn không rõ, hoặc co thắt âm nang, hoặc co rút gân, hay ợ | Can thực: Đau hai sườn và bụng dưới, dễ cáu | |
Tỳ hư: Tứ chi vô lực, ăn không tiêu, bụng đầy, hay lo | Tỳ thực: Bụng trướng mãn, táo bón, phù sưng toàn thân | |
Phế hư: Thiểu khí, lông tóc
không bóng |
Phế thực: Khí nghịch, suyễn khái | |
Thận hư: Hoa mắt chóng mặt, lưng gối mỏi mềm, đại tiện hư bí, tiểu tiện bất cầm hoặc không thông di tinh, ngũ canh tả | Thận thực: Hạ tiêu úng bế hoặc đau hoặc trướng |
4. Hư thực thác tạp, chuyển hoá và chân giả
Vì bệnh là một quá trình phức tạp, do thể chất, điều trị, hộ lý… ảnh hưởng sẽ làm cho hư chứng và thực chứng phát sinh hiện tượng hư thực thác tạp, hư thực chuyển hóa, hư thực chân giả… Nếu không xem xét kỹ dễ chẩn đoán lầm.
4.1. Hư thực thác tạp
Phàm là trong hư chứng có kèm (kẹp) thực chứng hoặc thực chứng kèm hư hoặc hư thực cùng xuất hiện bằng nhau đều gọi là hư thực thác tạp. Ví dụ biểu hư lý thực, biểu thực lý hư, thượng hư hạ thực… đều là hư thực thác tạp. Do hư và thực xuất hiện xen lẫn nhau (thác tạp hỗ kiến) nên trong điều trị nên áp dụng công bổ kiêm thi (cùng dùng). Nhưng trong công bổ kiêm thi thì còn cần phân biệt giữa hư và thực cái nào ít cái nào nhiều bởi vậy khi dùng thuốc cùng có nặng nhẹ chủ thứ. Ví dụ ở phụ nữ có chứng “Can (khô) huyết lao” với vẻ mặt tiều tụy vàng vọt, thân hình gầy ốm yếu, da dẻ khô nhăn, ngũ tâm phiền nhiệt, không muốn ăn… một loạt triệu chứng hư chứng rất rõ, nhưng chất lưỡi lại tím tối, hai rìa lưỡi có dấu ứ huyết, kinh nguyệt ngưng đã lâu ngày, mạch lại sáp hữu lực… triệu chứng của thực chứng, đây là hiện tượng hư trung kẹp thực do đó khi điều trị nên dùng khứ ứ sinh tân. Hay thí dụ khác như bệnh cổ trướng lâu ngày với triệu chứng bụng báng nổi gân xanh, sắc mặt vàng úa hoặc hơi đen, cơ thể gầy gò, chân tay hơi thũng, ăn vô bụng trướng, đại tiện không thông, chất lưỡi đỏ thẫm hoặc mọc nhú gai, rêu khô vàng nê, mạch nhu hoãn hoặc trầm tế huyền sác, đây là thực trung kèm hư, điều trị nên công bổ kiêm thi hoặc công ít bổ nhiều. Ngoài ra còn có trường hợp bệnh nguyên nhân thuộc hư nhưng bệnh lại thực ví dụ ở người cơ thể hư suy nhưng mắc bệnh thương hàn, thương thực, hoặc người khỏe mạnh nhưng bệnh lại hư như mất máu ở người khỏe mạnh, hoặc lao quyển… trong điều trị cũng có khác.
Thực chứng kẹp hư
Chứng này thường phát sinh trong quá trình thực chứng (bệnh), chính khí bị hao tổn. Cũng có thể gặp ở trường hợp vốn dĩ cơ thể suy mà mới mắc bệnh ngoại cảm tà khí. Đặc điểm của nó là biểu hiện thực tà là chủ yếu, chính hư là thứ yếu. Ví dụ ngoại cảm thương hàn đã dùng phương pháp phát hạn hoặc thổ, hạ để điều trị, sau đó xuất hiện tâm hạ bĩ ngạnh (căng cứng tức thượng vị), ợ hơi liên tục, đây là do trường vị có đàm thấp, trọc tà gây ra vị khí tổn thương, là chứng thực trung kẹp hư.
Hư chứng kẹp thực
Chứng này thường xuất hiện ở trường hợp thực chứng rất nặng và kéo dài dẫn đến chính khí đại tổn thương mà tàn dư tà khí lại chưa hết, cũng xuất hiện ở trường hợp tố thể suy nhược lại cảm thêm tà khí. Ví dụ bệnh xuân ôn (sốt về mùa xuân) có chứng thận âm khuy tổn xuất hiện là do tà nhiệt cướp phần âm của can thận mà biểu hiện tà ít mà hư nhiều với triệu chứng sốt thấp hoài không lui, miệng khô, lưỡi đỏ, lúc này trị pháp nên tư âm dưỡng dịch phục chính là chủ yếu kèm thêm thanh trừ dư tà.
Hư thực đều (nặng) như nhau
Chứng này thường gặp trong 2 trường hợp. Thứ nhất là vốn có bệnh thực chứng nghiêm trọng kéo dài gây ra chính khí đại thương tổn mà tà lại không giảm. Hai là do vốn có chính khí hư suy nhiều lại cảm phải tà khí tương đối nặng. Đặc điểm của thể này là chính hư tà thực đều rất rõ, bệnh tình tương đối trầm trọng. Ví dụ bệnh cam tích ở trẻ em, tiêu chảy phân sống, bụng báng, gầy ốm tong teo, thường phiền thao buổi chiều, kém ăn chán ăn, rêu dày dơ mạch tế hơi huyền, khởi bệnh do ẩm thực tích trệ tổn thương tỳ vị, hư thực đều xuất hiện. Điều trị nên tiêu thực hoá tích và kiện tỳ cùng dùng.
4.2. Hư thực chuyển hoá
Bệnh tật là 1 quá trình đấu tranh giữa tà và chính và được phản ánh chủ yếu ở sự biến hoá của hư thực. Trong quá trình đó có một số vốn là thực chứng nhưng do bệnh tà lưu lại lâu tổn thương chính khí mà chuyển thành hư chứng. Cũng có một vài bệnh do chính khí hư, chức năng tạng phủ suy giảm mà gây ra đàm, huyết, thũng, thực ngưng kết trở thành tác nhân gây bệnh (mới) đây là tình trạng do hư mà dẫn đến thực (chứng). Ví dụ sốt cao, miệng khát, đổ mồ hôi, mạch đại (to) là thực nhiệt chứng, do chữa không đúng, lâu ngày không khỏi dẫn đến tân, khí hao tổn mà xuất hiện gầy sút, sắc mặt trắng khô, không muốn ăn uống, hụt hơi (thiểu khí) lưỡi ít rêu hoặc không rêu, mạch tế vô lực đây là từ thực chuyển sang hư. Ví dụ khác, vốn dĩ tâm tỳ khí suy với triệu chứng tâm quý khí đoản chữa hoài không hết, đột ngột xuất hiện đau ngực liên tục đây là khí hư huyết trệ, tâm mạch ứ trở gây ra, hư chứng đã chuyển thành thực chứng, điều trị nên hoạt huyết khứ ứ chỉ thống.
4.3 Hư thực chân giả
Hư chứng và thực chứng cũng có hiện tượng chân giả nên khi biện chứng cần từ những triệu chứng thác tạp biện biệt chân giả và biện chân giả đây không giống biện hư thực thác tạp.
Giả thực
“Cảnh Nhạc toàn thư – Hư thực” có nói: Đại để bụng đầy nhưng không giống thực chứng là đầy hoài không giảm, bụng trướng tuy nhanh và dữ dội nhưng có lúc sẽ giảm không như thực chứng trướng hoài, bụng đầy tức nhưng ấn không đau hoặc ấn vô đau giảm, mạch huyền cứng nhưng cũng kèm theo trầm trì là giả thực.
Giả hư
Cũng trong “Cảnh Nhạc toàn thư” nói: Đại để bệnh nhân trầm mặc ít nói nhưng khi đã nói thì tiếng nói âm cao vang, không muốn ăn nhưng khi ăn thì ăn rất nhiều, tuy là lười uể oải nhưng khi hơi vận động sẽ cảm thấy dễ chịu, bụng ngực đầy ấn đau hoặc đau cố định… đều là giả hư.
Tóm lại, biện biệt hư thực chân giả cần chú ý những điểm sau.
Mạch tượng: hữu lực hoặc vô lực, có thần hay không có thần. Bắt mạch ấn nhẹ ra sao, ấn mạnh ra sao?
Chất lưỡi: Bệu nộn hoặc thương lão.
Âm thanh phát ra khi nói: cao vang hay nhỏ khẽ.
Thể chất bệnh nhân: mạnh hoặc yếu, nguyên nhân phát bệnh? Và đã điều trị gì?
5. Quan hệ giữa hư thực và hàn nhiệt biểu lý
5.1. Biểu hư chứng
Biểu hư chứng có hai loại. Một là chỉ về do cảm ngoại cảm phong tà gây ra biểu chứng với nhiệt chứng ố phong có mồ hôi gọi là biểu chứng biểu hư hay còn gọi là ngoại cảm biểu hư. Một loại khác là chỉ phế tỳ khí suy, vệ khí không thể cố mật, cơ biểu lỏng lẻo thường xuyên tự hạn rất dễ bị ngoại tà tấn công gây biểu hư chứng, đây là thuộc về nội thương biểu hư.
Biểu hiện lâm sàng: Ngoại cảm biểu hư: Đau đầu, cổ gáy cứng, sốt, ra mồ hôi, mạch phù hoãn. Nội thương biểu hư: Bình thường thường xuyên tự hạn, dễ cảm, kèm theo sắc mặt trắng nhạt, khí đoản, hễ động là khí suyễn, uể oải vô lực, ăn ít tiêu phân lỏng, lưỡi trắng nhạt, rêu trắng, mạch tế nhược… là những biểu hiện của khí hư.
Phân tích triệu chứng: Ngoại cảm biểu hư chứng do cảm thụ phong tà gây ra biểu chứng. Do phong tà thúc biểu (thái dương kinh) nên xuất hiện đau đầu, cứng cổ gáy. Chính khí vệ ngoại, dương khí phù thịnh nên sốt. Cơ tấu lỏng lẻo, huyền phủ (lỗ chân lông) bất cố nên đổ mồ hôi ố phong, phong tà tại biểu nên mạch phù hoãn.
Nội thương biểu hư chứng: Chủ yếu do phế tỳ khí suy. Phế chủ bì mao, tỳ chủ cơ nhục, khi khí của 2 tạng đó suy thì cơ biểu sẽ lỏng lẻo vệ khí bất cố nên tự hạn. Khả năng vệ ngoại kém nên thường dễ cảm mạo. Phế tỳ khí hư sẽ xuất hiện khí đoản, sắc mặt trắng nhạt, hễ động là khí suyễn, lười uể oải ăn ít, tiêu phân lỏng, mạch tế nhược, lưỡi nhạt rêu trắng,…
5.2 Biểu thực chứng
Là chỉ do ngoại tà xâm tập dương khí tụ lại ở cơ biểu đề kháng tà, tà chính đấu nhau tấu lý sẽ đóng chặt mà xuất hiện 1 số triệu chứng như: Ngoài triệu chứng biểu chứng ra còn: không mồ hôi, đau đầu mình, mạch phù khẩn. Đa số gặp ở ngoại cảm hàn tà – biểu hàn chứng.
5.3 Lý hư chứng
Nội dung lý hư chứng tương đối nhiều, tạng phủ kinh lạc, âm dương khí huyết khuy tổn đều thuộc phạm vi lý chứng sẽ nói ở những phần sau. Lý hư có thể phân hư hàn chứng, hư nhiệt chứng sẽ nói ở phần sau.
5.4. Lý thực chứng
Nội dung lý thực chứng cũng tương đối nhiều, không chỉ gồm các tạng phủ kinh lạc mà còn phụ thuộc vào các loại tà khí khác nhau, phần sau sẽ nói kỹ, cũng chia thành thực hàn và thực nhiệt chứng.
5.5. Hư hàn chứng
Là một loại triệu chứng do dương khí trong cơ thể suy gây ra.
Biểu hiện lâm sàng: Tinh thần không phấn chấn, sắc mặt trắng nhạt, uý hàn tay chân lạnh, đau bụng thích ấn, tiêu phân lỏng, tiểu trong dài, thiểu khí mệt mỏi, lưỡi nhạt bệu, mạch vi hoặc trầm trì vô lực.
Phân tích triệu chứng: Bệnh cơ của chứng là dương khí suy hư nên chức năng thúc đẩy khí hoá không đủ gây ra tinh thần bất chấn sắc mặt trắng nhạt, thiểu khí phạt lực, lưỡi nhạt bệu, mạch vi hoặc trầm tế vô lực. Dương khí ôn húc không đủ nên uý hàn chi lãnh, tâm phúc hàn thống, đại tiện lỏng tiểu trong dài.
5.6. Hư nhiệt chứng
Một loại triệu chứng gây ra bởi âm dịch trong cơ thể khuy (thiếu hư) suy.
Biểu hiện lâm sàng: Lưỡng quyền đỏ, hình thể gầy gò, triều nhiệt, đạo hạn, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng họng khô táo, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Phân tích triệu chứng: Âm dịch hao tổn nên thể trạng gầy gò. Âm hư không thể chế dương, hư hoả nội nhiễu nên tâm phiền, thủ túc tâm nhiệt, triều nhiệt đạo hạn. Hư hoả đi lên nên lưỡng quyền đỏ, họng khô ít rêu. Âm huyết bất túc nên mạch tế, bên trong có hư nhiệt nên tế mà sác.
5.7 Thực hàn chứng
Mọi loại triệu chứng do hàn tà (âm tà) xâm tập cơ thể gây ra.
Biểu hiện lâm sàng: Uý hàn thích ấm, sắc mặt trắng nhợt (thương bạch), tứ chi không ấm, sôi bụng tiêu chảy, hoặc khò khè ho suyễn, miệng nhạt nhiều tân dịch, tiểu trong dài, rêu trắng nhuận, mạch trì hoặc khẩn.
Phân tích triệu chứng: Hàn tà xâm phạm bên trong cơ thể, trở khiết dương khí nên uý hàn thích ấm, tứ chi không ấm. Âm hàn ngưng trệ kinh mạch bất thông mà bất thông tắc thống nên đau bụng cự án. Khi dương khí không thể thượng vinh (đi lên để nuôi dưỡng) đến mặt nên sắc mặt trắng nhợt không nộn (già nua). Hàn tà khốn nhiễu, trung dương vận hoá thất chức nên sôi ruột tiêu chảy (trường minh). Nếu là hàn tà khách phế thì đàm minh (khò khè) suyễn khái. Miệng lạt nhiều nước miếng (đa diên) tiểu trong dài, rêu trắng nhuận đều là chứng âm hàn. Mạch trì hoặc khẩn là do hàn ngưng huyết hành trì trệ.
5.8. Thực nhiệt chứng
Dương nhiệt chi tà xâm nhập cơ thể, từ biểu nhập lý gây ra thực nhiệt chứng.
Biểu hiện lâm sàng: Sốt cao (tráng nhiệt) thích mát, miệng khát thích uống lạnh, mặt mắt đỏ, phiền thao hoặc thần hôn chiêm ngữ, bụng trướng đầy, đau cự án. Đại tiện táo kết, tiểu ngắn đỏ, lưỡi đỏ rêu vàng mà khô, mạch hồng hoạt sác thực.
Phân tích triệu chứng: Nhiệt tà nội thịnh nên sốt rất cao và thích mát. Hoả nhiệt thượng viêm nên mặt mắt đỏ hồng. Nhiệt nhiễu tâm thần nhẹ thì gây bực bội, phiền thao nặng thì gây thần hôn chiêm ngữ. Nhiệt kết trường vị nên bụng trướng đầy đau cự án, đại tiện bí kết. Nhiệt thương âm dịch nên tiểu ngắn đỏ, miệng khát thích uống lạnh là dẫn thuỷ tự cứu. Lưỡi đỏ rêu vàng là triệu chứng của tà nhiệt. Lưỡi khô là do tân dịch bị tổn thương. Nhiệt vi dương tà dễ cổ động huyết mạch cho nên mạch sẽ hồng hoạt sác thực.
Nguồn: Giáo trình yhct
Xem thêm:
Phần 1 : Biểu lý
Phần 2 : Hàn nhiệt
Phần 4 : Âm dương