Chứng mất ngủ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi cũng gặp phải. Vậy chứng mất ngủ theo Đông y điều trị như thế nào ?
Mục Lục
1. Nguyên nhân mất ngủ theo Tây y
Mất ngủ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân gây mất ngủ chủ yếu bao gồm 4 nhóm dưới đây:
+ Nguyên nhân tâm lý
Nguyên nhân về Tâm lý và tinh thần chiếm đến 50% trong số các nguyên nhân gây mất ngủ. Nếu như các nguyên nhân tâm lý chỉ là tạm thời, như lo lắng trước kỳ thi, hoặc gặp chuyện không vui thì mất ngủ sẽ không kéo dài và không cần điều trị.
Tuy nhiên nếu gặp các trường hợp căng thẳng, lo âu hay trầm cảm trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe giấc ngủ của bạn thì đó là vấn đề cần điều trị
+ Nguyên nhân lối sống và môi trường
Thay đổi môi trường sống hoặc lịch trình làm việc
Chế độ sinh hoạt không quy luật.
Áp lực công việc
Môi trường xung quanh ồn ào hoặc không thoải mái
Sử dụng máy tính, điện thoại trước khi ngủ
+ Do sử dụng chất chất kích thích hoặc thuốc
Sử dụng một số chất kích thích trước khi ngủ như: Caffeine, nicotine và rượu,…. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc có chứa corticoid, thuốc giảm đau, … cũng gây ra mất ngủ
+ Nguyên nhân từ bệnh lý khác
Nếu bạn mắc phải một số loại bệnh lý như: Dị ứng, hen, đau khớp, Parkinson, Alzheimer,… cũng gây ra tình trạng mất ngủ.
Trong các nhóm nguyên nhân kể trên, mất ngủ gây ra do các vấn đề về tâm lý, tinh thần kéo dài thường phổ biến và khó điều trị nhất. Vì vậy trước khi nghĩ đến điều trị bằng thuốc, hãy cố gắng cân bằng tâm lý của bạn
2. Mất ngủ theo Y học cổ truyền
2.1 Khái niệm Mất ngủ trong Đông y
Mất ngủ hay Không ngủ trong Đông y thuộc phạm vi chứng Bất mị. Là chỉ chứng ngủ kém hơn bình thường, khó vào giấc hoặc dễ thức giấc, sau đó rất khó ngủ lại, thậm chí mất ngủ trắng đêm. Tất cả đều thuộc chứng Bất mị.
Nội kinh ghi là Mục bất minh, Bất đắc miên, Bất đắc ngọa. Nạn kinh gọi là Bất mị. Trung tàng kinh gọi là Vô miên. Ngoài ra còn một số tên khác như: Bất miên, Thiểu thụy, Thất miên. …
- Xem thêm: [Trí huệ cổ xưa]: Sức khỏe của giấc ngủ
2.2 Các nguyên nhân thường gặp
– Không ngủ được do Tâm Thận bất giao:
Tâm thuộc quẻ ly, thận thuộc quẻ khảm, Tâm và thận giao nhau thì âm dương trên dưới mới thông suốt. Thận âm không trợ được Tâm âm, Tâm hỏa không trợ được mệnh môn, khiến thượng nhiệt tâm hỏa vượng một phía mà gây mất ngủ.
Như trong sách Cổ khi y thông có viết: “Có khi do Thận thủy bất túc, chân âm không thăng, Tâm hóa mạnh một phía, nên không ngủ được”.
Lâm sàng có chứng khó vào giấc ngủ thậm chí mất ngủ, hay mê, đầu choáng tai ù, ngũ tâm phiền nhiệt hoặc triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, hay quên. Lưng gối mềm yếu, phần dưới cảm thấy lạnh, di tinh, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Yếu điểm biện chứng là chứng thượng nhiệt hạ hàn.
Phép trị: Tư Thận thủy, giáng Tâm hỏa, Phương trị: Hoàng liên A giao thang hợp với Giao thái hoàn
– Không ngủ được do bệnh ở Tâm:
Tâm âm hư:
Thường do làm việc quá độ, dùng thuốc hay đồ ăn cay nóng làm phần âm trong cơ thể bị hư tổn. Lâm sàng có chứng Tâm quý, chính xung, hồi hộp hay quên, mất ngủ, ngủ hay mê, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô lưỡi ráo, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ ít rêu mạch tế sác…
Phép trị: Tư dưỡng tâm âm thanh hư hỏa, Phương trị: Sinh mạch tán, Thiên vương bổ tâm đan, Đương quy bổ huyết thang
Tâm hỏa vượng:
Thường do tình chí hoá hoả, hoặc tà nhiệt truyền vào tâm, hoặc âm hư lâu ngày nên dương thịnh ở trong. Biểu hiện lâm sàng là: miệng khát muốn uống nước mát, tâm phiền nặng thì điên cuồng nói nhảm, tim đập nhanh, khó ngủ thậm chí mất ngủ trằn trọc cả đêm, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác.
Phép trị: Thanh tâm hỏa; Phương trị: Thanh tâm liên tử ẩm, Hoàng liên A giao thang, Đạo xích tán. Điên cuồng thì phối với Chu san an thần hoàn
Trên lâm sàng thường thấy tâm âm hư và tâm hỏa vượng xen kẽ.
– Không ngủ được do Can kinh uất nhiệt:
Do Can khí uất, can mất đi chức năng sơ tiết, lâu ngày hóa hỏa, hoặc do uống rượu vô độ, thấp nhiệt tích ở Can, thành uất mà hóa hỏa. Hỏa nhiệt bốc lên quấy rối Tâm, Tâm không yên cho nên giấc ngủ không ngon, hay mê, dễ thức giấc.
Lâm sàng còn có chứng phiền táo, dễ cáu giận, ngực sườn tức, miệng đắng, mắt đỏ, tiểu tiện đỏ, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Pháp trị: Thanh nhiệt tả hỏa an thần, Phương trị: Long Đởm tả Can thang, Thanh Đởm trúc như thang gia Long xỉ, Chân châu mẫu, Từ thạch…
2.3 Một số nguyên nhân trong chẩn đoán phân biệt chứng trạng
Nguyên nhân | Chứng |
Tâm Tỳ đều hư | Mất ngủ, ngủ hay mê dễ thức giấc, sắc mặt kém tươi, người mệt mỏi, đoản hơi, ngại nói, hồi hộp hay quên, ăn kém, đại tiện nhão, lưỡi nhợt rêu mỏng, mạch tế nhược.
Pháp trị: Kiện Tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần. Phương trị: Quy Tỳ thang, Bát trân thang gia sao Táo nhân, Viễn chí. |
Đởm khí hư khiếp | Sợ hãi không dám ngủ một mình như có người sắp đến bắt, ngủ hay giật mình, tâm hồi hộp, đầu choáng mắt hoa, miệng đắng, lưỡi nhạt bệu, mạch tế nhược.
Pháp trị: Ôn Đởm ích khí an thần Phương trị: Can Đởm lưỡng ích thang, Vô ưu thang. |
Đởm nhiệt quấy rối Tâm | Ngủ không yên, dễ thức giấc, hay mẻ, Tâm phiên, nhiều đờm, buồn nôn, miệng đắng dính, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt mạch hoạt sác.
Pháp trị: Thanh nhiệt hóa đàm an thần Phương trị: Hoàng liên ôn Đởm thang, Đạo đàm thang gia vị. |
Dư nhiệt quấy rối vùng Cách | Nằm ngồi không yên, khó vào giấc , hư phiền, Hung cách nghẽn tắc, cồn cào như đói, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng mỏng, mạch tế sác.
Pháp trị: Thanh nhiệt trừ phiền Phương trị: Trúc diệp thạch cao thang, Chi tử xị thang. |
2.4 Xoa bóp bấm huyệt trị mất ngủ
- Châm cứu bấm huyệt
+ Giải khê + Cao Hoang (Bq.43) + Dịch Môn (Ttu.2) + Nội Quan (Tb.6) + Thần Môn (Tm.7) trị tim hồi hộp, hay quên, mất ngủ (Thần Cứu Kinh Luân).
+ Ẩn Bạch + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Thiên Phủ (P.3) trị mất ngủ (Tư Sinh Kinh). (+Âm Lăng Tuyền) trị không nằm được.
+ Tam âm giao + Phối Nội Quan, Thần Môn trị. mất ngủ
+ Thần môn + Phối Nội Quan (Tb.6) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị thần kinh suy nhược, mất ngủ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
2.4 Trích dẫn y văn
– Không ngủ được tuy bệnh tình bất nhất nhưng năm được hai chữ “Chính” và “Tà” là hiểu được hết, bởi vì ngủ vốn thuộc âm do thần làm chủ, thần an thì ngủ được, không an thì không ngủ được. Vì vậy nếu cho là thần không an thì một là do tà quấy rối; hai là do doanh khí bất túc. Có tà khí phần nhiều thuộc Thực: không có tà khí đều là Hư (Cảnh Nhạc toàn thư – Tạp chứng mô – Bất mị).
– Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến không ngủ được. Có khi do âm hư không nhập vào dương; có khi do dương cang không tiến vào âm; có khi Đởm nhiệt hoặc do Can bất túc; có khi Tâm khí hư hay Tâm dịch hư; có khi Kiểu mạch bất hòa hoặc có đàm ẩm quấy rối Tâm (Ôn bệnh điều biện – Hạ tiêu thiên).
Có tham khảo tài liệu của Lương Y Nguyễn Thiên Quyến
Xem thêm:
- Chứng Tự hãn -Tự ra mồ hôi
- Chứng hay quên theo Đông y
- Thông giáng vị tràng, trợ dương nhập âm mà trị mất ngủ