Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Trúc diệp thạch cao thang

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Trúc diệp thạch cao thang – Xuất xứ Thương hàn luận – Chủ trị Thương hàn, ôn bệnh, thử bệnh dư nhiệt vị thanh, khí tân lưỡng thương chứng.

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Trúc diệp (quân) 20g Thạch cao(quân) 20 – 40g
Mạch đông (thần) 20g Bán ha chế (thần) 6g
Nhân sâm (thần) 6g Cam thảo (tá, sứ) 4g
Gạo tẻ (tá) 200 – 300g  

Cách dùng: sắc uống ngày 3 lần

Tác dụng: Thanh nhiệt sinh tân, ích khí hoà Vị.

Chủ trị: Thương hàn, ôn bệnh, thử bệnh dư nhiệt
vị thanh, khí tân lưỡng thương chứng.
Trị những bệnh thời kỳ hồi phục, khí âm hư, nhiệt tà còn lưu lại, có tác dung
tốt.

Nếu trẻ em sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân, dùng bài này có
hiệu quả cao.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc

Cách thiết lập bài này là tà nhiệt chưa dứt mà khí, dịch đã tổn thương. Trong bài dùng lá Tre, Thạch cao để thanh nhiệt trừ phiền; Nhân sâm, Cam thảo, Mạch đông, gạo tẻ để ích
khí dưỡng âm, an trung hòa vị; Bán hạ giáng nghịch chí ẩu. Các vị thuốc dùng chung có công hiệu thanh nhiệt, sinh tân, ích khí, hòa vị. Bài thuốc này là bài Bạch hổ thang bỏ
Tri mẫu, thêm Trúc diệp, Bán hạ, Nhân sâm, Mạch môn đông để tăng cường ích khí dưỡng âm, giáng nghịch chỉ ấu.

Lâm sàng hiện nay:

+ Trị dạ dày viêm nóng: Mỗi ngày đau nhiều lần, đau như lửa nung đốt, thích xoa bụng, ợ hơi, miệng khô, tâm phiền, thích nổi giận, ăn ít, cơ thể gầy ôm; phối hợp uống thêm 0,5g Trầm hương.

Mỗi ngày uống 3 lần. Kết quả: Sau khi uống 6 thang, bớt đau nhiều, hết phiền nhiệt, uống tiếp 20 thang nữa, hết đau (Tứ Xuyên trung y 1, 1987).

+ Trị khạc ra máu: Bệnh nhân bị giãn Phế quản đã 30 năm, khi khám thì trong ngực bứt rứt, đau, kèm khạc ra 400ml máu. Kết quả: Sau khi uống, vẫn còn nôn ra máu. Khám lại, thêm Hoàng liên, Đại hoàng, uống 3 thang, các chứng đều ổn (Hắc Long Giang trung y dược 4, 1988).

+ Trị đầu đau do mạch máu: Người bệnh sốt cao, tinh thần mê muội, phiền táo bất an. Kết quả: Sau khi uống, đỡ đau đầu nhiều, bớt sốt, ra mồ hôi, tinh thần tỉnh táo trở lại, ban đêm đã ngủ được. Theo dõi đến nửa năm không thấy tái phát (Trung y tạp chí 1, 1983).

+ Trị trẻ nhỏ bị loét miệng: Dùng bài này uống bên trong, bên ngoài dùng ‘Ngữ bội thanh phàn tán’ để bôi. Trị 120 ca. Tâm Tỳ tích nhiệt, thêm Đạm trúc diệp, Sinh thạch cao, Mạch môn, Sinh đại hoàng, Lô căn (khô). Âm hư hoả vượng, thêm Đạm trúc diệp, Sinh thạch cao, Lộ đẳng sâm, Hoài ngưu tất. Kết quả: Sau khi uống 3 ngày, khỏi 67, sau 4-7 ngày khỏi 46, sau 8-15 ngày khỏi 6; không khỏi 1 (Hồ Bắc trung y tạp chí 3, 1985).

+ Trị ban sởi, viêm phổi: Dùng bài này trị 15 ca, đều (đã mọc ban hoặc sau khi mọc ban viêm phổi. Trong đó, nhỏ nhất là 6 tháng, lớn nhất là 23 tuổi. Thân nhiệt đến 41°c, hạ xuống còn 38,4 độ C, vùng ngực đều nghe thấy tiếng ran đục, 15 ca đều chưa dùng kháng sinh. Kết quả: Sau khi uống 2 ngày, có 2 ca hạ sốt, 3 ngày 5 ca, 4 ngày 4 ca, 5 ngày 4 ca. Trung bình sốt hạ xuống là 3,97 ngày, hết tiếng ran phổi khoảng 6.8 ngày (Liêu ninh trung y tạp chí 3, 1980).

+ Trị dịch sốt xuất huyết: Trị 32 ca. Lúc sốt, bỏ Nhân sâm, tăng lượng Thạch cao (sống). Bị hạ huyết áp, Tăng Nhân sâm, Đẳng sâm, thêm Ngũ vị tử – ít tiểu, tăng Thạch cao (sống), thêm Bạch mao căn, Nguyên sâm. Tiểu nhiều, tăng Sơn dược (sống), Ngũ vị tử, ích trí nhân. Lúc bình phục, thêm Hoàng kỳ, Đương quy, Ngọc trúc, Hoàng tinh. Kết quả: Toàn bộ đều khỏi, thời gian ngắn nhất là 7 ngày, nhiều nhất 18 ngày. Theo dõi 3 tháng đến 1 năm không thấy tái phát (Hà Nam trung y 3, 1983).

3. Trích lược y văn

+ Nguyên điều 397 Thương hàn luận nói:  Thương hàn sau giải, người gầy thiếu khí, khí phiền muốn nôn, Trúc diệp thạch cao thang chủ bệnh ấy.

Điều này là sai hậu phế vị còn dư nhiệt, khí âm lưỡng thương, đàm trở khí nghịch. Ngoài cơ thể gầy yếu hụt hơi, khí nghịch muốn ói ra thường còn kèm sốt, tâm phiền, miệng khát, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác… trị nghi Trúc diệp thạch cao thang thanh phế vị dư nhiệt, hoá đàm hoà vị, ích khí sinh tân. Phương dùng trúc diệp cam hàn thanh phiền nhiệt; thạch cao đại hàn thanh phế vị chi nhiệt, hai thuốc hiệp đồng tác dụng thanh nhiệt trừ phiền là chính; nhân sâm ích khí sinh tân; mạch đông tư dịch nhuận táo mà thanh nhiệt, cam thảo, cánh mẽ ích khí dưỡng vị; bán hạ hòa vị giáng nghịch hoá đàm, chỉ ẩu lại có thể điều tiết sự nê trệ của thuốc bổ. Mạch động phối bán hạ, nhuận và táo cùng dùng là đặc điểm phối ngũ của phương.

+ Sau đại bệnh nếu do khí hư mà đầu mặt đều phù, do tỳ hư thì hung phúc trướng mãn. Do sau đại bệnh hạ tiêu khí hoá thất thường, thấp nhiệt úng trệ, bàng quang không tiết, thuỷ thì có tính chất đi xuống do đó thuỷ khí tích ũng từ lưng trở xuống, gối cẳng chân đều sưng. Do chưa phạm thượng trung tiêu, trung khí chưa hư và còn dư tà nên mạch tất trầm mà hữu lực do đó phải dùng phương pháp bài quyết, (bài tiết cương quyết) pháp với Mẫu lệ trạch tả tán chủ trị. (Thiết Thiên Lai)

+ Sau đại bệnh vị âm hư, tân dịch bất hoá nên miệng khô thích uống. Vị dương nhược thì tân dịch bất nhiếp nên miệng không khát mà lại thích nhổ nước miếng liên tục lâu dài không cầm, thì tất phải bổ ích cái hư suy, phải ôn ích cái dương thôi. Nói “Vị thượng hữu hàn giả” thì đây không phải do ngoại tà khí (khách khí) gây ra mà do hư suy tự sinh hàn mà thôi. Lý trung hoàn bộ hư ôn trung rất tốt, không dùng thuốc thang ý là không muốn thủy khí sẽ gây nhổ khạc, (ý là phải dùng thuốc hoàn nếu không thuỷ khí của thuốc thang sẽ gây khạc nhổ hoài. (Vưu Tại Kinh)

+ Kha Vận Bá nói: Bài này là ‘Nhân sâm bạch hổ thang’ gia giảm, hợp bệnh của tam dương, mạch Phù Đại ở bộ quan, chỉ muốn ngủ mà không nằm được, nhắm mắt thì đổ mồ hôi, nên dùng nó làm chủ. Nếu dùng vào sau khi thương hàn đã giải, người hư nhược khí kém, khí nghịch nôn mửa, thì rất là nhầm.

Hợp bệnh tam dương là đầu, gáy đau mà vị thực, miệng đắng, khô cổ, mắt hoa. Mạch Phù là dương, Đại là dương, là mạch thường hợp bệnh tam dương, nay ở bộ quan là bệnh cơ ở Can và Vị. Phàm Vị không hoà thì nằm không yên, nếu can hỏa vượng bốc lên không khiếu cũng không ngủ được. Thận chủ năm chất dịch, vào tâm thì ra mồ hôi, huyết với mồ hôi, khác tâm mà đồng loạt, mồ hôi tức là huyết. Tâm chủ huyết mà can tàng huyết, người ta nằm thì huyết tụ về can, nhắm mắt thì đổ mồ hôi. Can có tướng hoả, khiếu bị bế thì hoả không tiết được, huyết không về Can được, Tâm không làm chủ được huyết, cho nên phát ra mồ hôi. Mồ hôi này không do Tâm, cho nên gọi là mồ hôi trộm. Đây là bệnh của Can, cho nên dùng Trúc diệp làm dẫn đạo, vì nó bẩm thụ màu xanh của phương Đông, thông nhập vào Can, khí rất hàn của nó đủ để tả hoả ở Can. Dùng Mạch đông giúp Nhân sâm để thông huyết mạch, giúp Bạch hổ để hồi phục tân dịch, sốt để ngưng ra mồ hôi trộm. Bán hạ bẩm thụ khí nhất âm, hay thông hành đường âm mạch, vị của nó cay, hay tán kinh mạch Dương kiểu đầy tràn, dùng nổ để dẫn vệ khí từ dương về âm, âm dương thông thì nằm được ngay, mồ hôi tự cầm lại tại sao lại bỏ Tri mẫu ? Hợp bệnh của tam dương mà són đái là Phế khí không thu, đến nỗi tân dịch của Thiếu âm không thăng, cho nên nhờ Tri mẫu để lên tư nhuận Thái âm. Tri mẫu ngoài vỏ có lông mà trong ruột thì trắng mà nhuận, là thuốc nhuận Phế. Ở đây hợp bệnh tâm dương mà đổ mồ hôi trộm là Can hoả không yên làm cho tinh dịch của Thiếu âm chảy bậy, lại tiết chất màu mỡ ở bì mao, cho nên dùng Mạch môn đông thay Tri mẫu đó chăng (Thương hàn phụ dực).

+ Bài này là bài ‘Bạch hổ thang’ gia giảm mà thành, nhiệt xâm nhập vào trong cho nên mình nóng, nhiều mô hôi, phiền khát, thích uống nước, khí dịch đều tổn thương, vị khí nghịch lên cho nôn thở ngắn hơi, hư phiền, nôn mửa, ho. Bài này thanh nhiệt mà kiêm hoà vị, bổ hư mà không lưu tà lại, cho nên sách ‘Y tông kim giám’ cho rằng: “Lấy bài thuốc đại hàn gói lại thành bài thanh bổ”, thật là câu nói sâu sắc.

Bài này dùng trị vào thời kỳ cuối của nhiệt bệnh, dư nhiệt chưa hết, trong quá trình nhiệt bệnh, nếu thấy dấu hiệu khí và tân dịch đã tổn thương, đều có thể ứng dụng. Nhất là đối với bệnh thử nhiệt phát nóng, khí dịch bị tổn thương, dùng bài này rất là thích hợp (Thượng Hải phương tễ học).

+ Trúc diệp thạch cao thang’ do ‘Bạch hổ thang’ gia giảm biến thành. Trị bệnh nhiệt thời kỳ cuối, thế tà nhiệt đã giảm, dư nhiệt tồn tại, khí, tân dịch tổn thương. Triệu chứng phiền khát, nôn mửa, miệng khô, môi táo, họng khô, ho, sặc, Tâm phiền không ngủ, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Hư Sác.

Bệnh thử nhiệt tân dịch tổn thương, sốt nóng, ra mồ hôi phiền khát, mệt mỏi, lưỡi đỏ khô, mạch Hư Sác đểu dùng Trúc diệp thạch cao thang’ điều trị. Bệnh nhiệt tân dịch hao tổn, dư nhiệt tổn tại, nếu dùng ‘Bạch hổ thang’ chỉ có tác dụng thanh nhiệt, không có tác dụng ích khí, sinh tân dịch, thì khí và tân dịch không hồi phục, chính khí không thắng nổi tà khí sẽ sinh biến chứng. Nếu dùng thuốc ích khí sinh tân dịch mà không dùng thuốc thanh nhiệt tất bệnh không khỏi. Chỉ có cách dùng bài thuốc vừa trừ nhiệt, vừa ích khí sinh tân dịch, vừa trừ, vừa bồi bổ chính khí. Dùng ‘Bạch hổ thang’ bỏ Tri mẫu, dùng Thạch cao, Trúc diệp trừ nhiệt, thêm Nhân sâm, Mạch môn ích khí sinh tân dịch, Bán hạ, Cam thảo, Ngạnh mễ hoà Vị khí giáng nghịch, biến ‘Bạch hổ thang’ tính lạnh thành thang thanh bổ. Thang ‘Bạch hổ’ thuộc thực chứng, Trúc diệp thạch cao thang’ trong hư có thực, đó là đặc điểm khác nhau của hai bài thuốc (Trung y vấn đối).

4. Bài ca Trúc diệp thạch cao thang

‘Trúc diệp thạch cao thang’ Nhân sâm,

Mạch đông, Bán hạ, Trúc diệp linh,

Cam thảo, Sinh khương kiêm Ngạnh mễ,

Thử phiền nhiệt khát mạch hư tầm.

Đây bài Trúc diệp thạch cao’,

Nhân sâm, Bán hạ, Trúc diệp tiếp vào Mạch đông,

Ngạnh mễ, Cam thảo, Sinh khương,

Nắng nóng, phiền khát, mạch thường thấy hu.

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm