Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Chích cam thảo thang – Phục mạch thang

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Chích cam thảo thang – Xuất xứ Thương hàn luận  – Tác dụng ích khí tư âm, thông dương phục mạch. Tên khác là Phục mạch thang.

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Sinh địa hoàng 16-20g (quân)Chích cam thảo 12 -20g (thần)
Nhân sâm 8-12g (thần)Đại táo 10 quả (thần)
A giao 8-12g (thần)Mạch môn 8-12g (thần)
Ma tử nhân 8-16g (thần)Quế chi 12g (tá)
Sinh khương 3-5 lát 

Cách dùng: Rượu 7 bát, nước 8 bát, trước nấu 8 vị cạn còn 3 bát, lọc bỏ bã, cho A giao vào quây cho tan hết, uống nóng 1 bát, ngày uống 3 lần.

Khi sắc, thêm ít rượu để lấy vị cay ôn thông huyết mạch, tăng tác dụng của thuốc.

Tác dụng: ích khí, bổ huyết, dưỡng Tâm âm, thông Tâm dương, phục mạch.

Chủ trị: Trị khí hư huyết nhược, hư phiền, mất ngủ, tim đập không đều, mạch xơ cứng, chất lưỡi nhạt, ít rêu, mạch kết, đợi hoặc hư sác.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc

Bài này vì dùng nhiều Cam thảo cho nên gọi là ‘Chích cam thảo thang’. Chích cam thảo vị ngọt, ôn, ích khí bổ trung, sinh khí huyết để hồi phục huyết mạch, là chủ dược; Nhân sâm, Bại táo bổ khí, ích Vị kiện Tỳ để sinh khí huyết; Sinh địa, A giao, Mạch môn, Ma nhân bổ Tâm huyết, dưỡng Tâm ấm, để dưỡng đầy huyết mạch; Quế chi hợp với Chích thảo để bổ Tâm dương; hợp với Sinh khương để thông huyết mạch, dùng rượu nấu để tăng tác dụng thông mạch.

Đặc điểm phối hợp các vị thuốc là dựa vào nguyên lý theo nhu cầu âm huyết của người ta mà thúc đẩy dương khí, trọng điểm là bổ Tâm khí, thông Tâm dương. Tâm dương thông, Tâm khí trở lại là điều tất yếu để mạch khỏi xơ cứng, lại phối hợp thêm thuốc bổ huyết tư âm để huyết sung đầy mạch mà dương khí có chỗ dựa, không xảy ra phù tán thì tim sẽ hết hồi hộp, mạch xơ cứng sẽ trở lại bình thường, vì vậy, cùng gọi là Phục mạch thang’.

Trên lâm sàng thường thêm Táo nhân; Tim đập mạnh còn phải thêm Từ thạch, Chu sa là những thuốc an thần.

Gia giảm :

+ Khí hư, thêm Nhân sâm hoặc Hoàng kỳ.

+ Âm hư, tăng Sinh địa, Mạch môn lên, hoặc bỏ Sinh khương, Quế chi giảm liều.

+ Hung dương không phấn chấn, thêm Phụ tử.

+ Rối loạn nhịp tim, thêm Khổ sâm.

Ứng dụng lâm sàng

+ Hiện nay dùng trị viêm cơ tim do virus, thấp tim, bệnh tâm Phế, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy nhược thần kinh. Cũng dùng trị rối loạn tiêu hóa, dạ dày viêm dạng teo, miệng lở loét, nấc, di chứng chấn thương não.

+ Báo cáo lâm sàng những năm gần đây dùng Chích cam thảo thang chữa ngoại tâm thu không phải đều tất cả, ngoại trừ ngoại tâm thu (kết đại) nguyên nhân do ngoại cảm mà có biểu hiện hư chứng là kết quả tương đối khá, điều này phù hợp với nội dung tinh thần của “Thương hàn luận”. 

3. Điều văn trong Thương hàn luận

Nguyên văn – Thương hàn mạch kết đại, tâm động quý, Chích cam thảo thang chủ chi. (177)

Cam thảo 4 lượng chích, sinh khương 3 lượng xắt, nhân sâm 2 lượng, sinh địa tươi 1 cân, quế chi 3 lượng bỏ vỏ, a giao 2 lượng, mạch môn đông nửa thăng bỏ tâm, ma nhân nửa thăng, đại táo 30 trái xẻ.

Dùng rượu trắng lâu năm 7 tháng, nước 8 thăng sắc trước 8 vị lấy 3 thăng bỏ bã cho a giao vô hoà tan uống lúc ấm 1 thằng ngày 3 lần. Tên khác Phục mạch thang. 

Giải thích từ

– Động: Nói về mạch nẩy, đập.

– Tiểu sác: Hơi nhanh 1 chút đây không phải nói về tiểu mạch và sác mạch.

– Phản động: Phản tức là lại, thêm 1 lần. 

Dịch nghĩa

Điều 177 nói về chứng trị Chích cam thảo thang. Chủ chứng là mạch kết đại, tâm động quý. Triệu chứng mạch kết đại tâm động quý có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân và bệnh cơ ở chứng này dựa vào nguyên văn là “Thương hàn”, đã giải thích rất tường tận do ngoại tà xâm phạm tổn thương tạng tâm và ngoại tà đã thoái lui hết nhưng để lại khí huyết âm dương tạng tâm đều hư, mà chủ yếu là âm huyết bất túc. Khí huyết thất dưỡng, âm dương thất điều cho nên nhịp đập không đều, điều trị nên bổ ích (tâm tạng) khí huyết âm dương, phường dùng Chích cam thảo thang. Trong phương dùng sinh địa, mạch đông, a giao, ma nhân, đại táo 5 vị thuốc bổ ích tâm âm tâm huyết. Dùng chích cam thảo, nhân sâm, quế chi, sinh khương và rượu trắng 5 vị là thuốc bổ ích tâm khí ôn thông tâm dương. Khi khí huyết xung dưỡng, âm dương bình hành sẽ hồi phục mạch đập đều lại, do đó phương còn tên là Phục mạch thang.

4. Nghiên cứu lâm sàng Chích cam thảo thang

+ Trị viêm cơ tim do virus: Dùng bài này gia giảm trị 57 ca. Kết quả: Khỏi 18, đỡ 38, không khỏi 3 (Bắc Kinh trung y 1, 1990).

+ Trị bệnh truyền nhiễm : Dùng bài này gia giảm trị 38 ca, trong đó ban sởi 8, sốt xuất huyết 7, cúm 5, viêm tủy 5, quai bị 5, thủy đậu 4, viêm gan siêu vi 4. Làm điện tâm đồ thấy bình thường 22 ca, rối loạn nhịp tim 17, sóng S-T ngắn, rối loạn nhịp tim nặng 10… Kết quả: Khỏi 30, đỡ 4, không khỏi 4. Thời gian điều trị ngắn nhất 6 ngày, nhiều nhất 42 ngày (Giang Tô trung y tạp chí 1,1984).

+ Trị rối loạn nhịp tim : Dùng bài này gia giảm trị 50 ca. Trong đó có 27 ca bệnh động mạch vành, chứng phong tâm 7, tim to 1, viêm cơ tim 3, không rõ nguyên nhân 12. tâm thu co thắt 25, tim đập nhanh 2. Kết quả: Khỏi 35, đỡ 8, có chuyển biến 7. Thời gian trị ngắn nhất 20 ngày, nhiều nhất là 5 năm (Thiên Tân trung y 3, 1985).

+ Trị rối loạn nhịp tim: Dùng bài này gia giảm trị 56 ca. Kết quả: Khỏi 42, đỡ 8, có chuyển biến 6 (Thiểm Tây trung y 7, 1989).

+ Trị nhịp thất sớm: Dùng bài này trị 40 ca. Trong đó bệnh do tim 10, di chứng sau khi viêm cơ tim 5, không rõ nguyên nhân 25. Kết quả: Khỏi 31, đỡ 7, không khỏi 2. Thời gian uống thuốc ngắn nhất 20 ngày, nhiều nhất 80 ngày (Quảng Tây trung y dược 4, 1984).

+ Trị đau thắt ngực: Dùng bài này gia giảm trị 150 ca, khỏi 48, đỡ 90, không khỏi 12 (Thiên Tân y dược 1977).

+ Trị loét tiêu hóa: Dùng bùi này gin giám trị 18 ca, khỏi 9, đỡ 8, không khỏi 1 (Thành Đô trung y học viện học báo 3, 1959).

+ Trị nấc nặng: Trị 14 ca. Trong đó nấc do não sung huyết 7, tắc mạch máu não 3, chảy máu dưới màng nhện 2, nấc do ung thư gan 2. Kết quả: Sau khi uống 1-3 thang là hết nấc (Trung y tạp chí 11,1982).

+ Trị miệng lở loét tái phát: Trị 18 ca, khỏi 15, đỡ 2, không khỏi 1 (Hắc Long Giang trung y dược 1, 1986).

5. Trích dẫn y văn

> Bài này là bài thuốc chủ yếu trị chứng mạch Kết Đợi, tim đập mạnh, hồi hộp, vì có thể hổi phục mạch, hết hồi hộp, cho nên gọi là “Phục mạch thang’. Sau khi phát hãn, thổ, hạ, hoặc mất máu nhiều, vì khí huyết hư tổn mà gây ra các chứng tim đập mạnh, hồi hộp hoặc hư lao, Phế nuy mà ho, khí huyết đểu suy kém, mạch Kết Đợi, đểu có thể trị bằng bài này. Ngoài ra, trong bài này dùng rượu cay nóng để đẩy thuốc lưu hành, thông lợi kinh mạch. Đồng thời trong bài chỉ có Địa hoàng dùng liều lượng nhiều nhất, mà dùng rượu để sắc thì sức dưỡng huyết, phục mạch càng rõ rệt, cho nên người xưa có câu nói: “Địa hoàng được rượu thì tốt”. Trong những sách thuốc như: “Trửu hậu’, ‘Thiên kim’, những bài thuốc dùng chung rượu với Địa hoàng, phần nhiều là có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết. Điều này, trên lâm sàng cần chú ý (Thượng Hải phương tễ học).

> Chích cam thảo thang còn gọi là ‘Phục mạch thang’, có tác dụng tư âm phục mạch, trị mạch kết đợi, hồi hộp. Trong bài thuốc dùng Chích cam thảo làm quân, vị ngọt, tính ấm, có tác dụng ích khí, bổ Tâm khí hư nhược, ‘thông kinh mạch, lợi khí huyết’ (Danh y biệt lục’), chủ yếu là tác dụng phục mạch. Dùng Nhân sâm đại bổ nguyên khí Tỳ VỊ, ích khí, sinh tân dịch, Đại táo ích Tỳ, hỗ trợ nguồn sinh hóa, Sinh địa, Mạch môn tư Thận dưỡng âm, A giao, Ma nhân nhuận táo, Quế chi ôn thông kinh mạch, vào Tâm trợ dương, hỗ trợ Nhân sâm ích khí thông kinh mạch, phối hợp Quế chi, Cam thảo cay ngọt hóa dương, Sinh khương ôn hành dương khí, phối hợp Đại táo điều hòa dinh vệ, dùng rượu sắc tăng cường hiệu lực thông kinh mạch. Các vị phối hợp tác dụng nhuận mà không trệ, ôn mà không táo, giúp khí huyết sung vượng thì các chứng hết.

Trong bài thuốc sử dụng Sinh địa liều cao có hai ý nghĩa rất lớn. Một là chứng này khí huyết suy nhược, do đó dùng Địa hoàng tư âm dưỡng huyết. Tả Lý Vân nói: Trong bài ‘Chích cam thảo thang’, Địa hoàng tác dụng nhuận gân xương kinh mạch, hai là tác dụng trừ hàn nhiệt tích tụ, chống đau nhức, bế tắc’ (Thần nông bản thảo kinh), Địa hoàng tác dụng bổ ngũ tạng nội thương hư tổn, thông huyết mạch, ích khí lực’ (Danh y biệt lục). Do đó trong bài ‘Chích cam thảo thang’ trọng dụng Địa hoàng, chủ yếu tác dụng thông bế tắc, thông kinh mạch. Kinh nghiệm cho biết, đối với các chứng bệnh ngoan cố, bệnh khó, dùng Sinh địa không hiệu quả do liều lượng không đủ. Nếu dùng liều 45-60g thì đối với các chứng bệnh ngoan cố, bệnh khó sẽ hiệu nghiệm.

Về cách sắc thuốc, thường dùng rượu, nước, mỗi thứ một nửa (rượu bảy phần, nước tám phần) để sắc, hiện nay phần lớn dùng rượu. Rượu có tác dụng thông hành huyết mạch, dẫn thuốc đi lên. Ngoài ra một số người nhận xét rằng Địa hoàng, Mạch môn dùng rượu sắc thì Dược lý học hiện đại nghiên cứu cho thấy rượu là một loại dung môi tốt, có thể hòa tan chiết xuất nhiều loại hoạt chất. Do đó sắc bài ‘Chích cam thảo thang’ nên thêm rượu để sắc (Trung y vấn đối).

> Chứng tâm động quý nếu do hạn hạ mà xuất hiện thì đa số thuộc hư, không do hạn hạ mà có đa số là nhiệt. Khát muốn uống nước mà tiểu không thông là thuộc ấm, tâm động quý có quyết (tứ chi lạnh) mà hạ lợi là thuộc hàn. Nay bệnh thương hàn không do hạn hạ mà tâm động quý lại không có triệu chứng ẩm nhiệt hàn hư mà chỉ dựa vào mạch kết đại thì không đủ chứng minh nó là âm mạch cho nên dùng Chích cam thảo thang điều trị. Bệnh nhân này bình nhật do khí huyết suy vi không chịu được hàn tà cho nên mạch không đập đều, liên tục được. Lúc này tuy vẫn còn biểu chứng của thương hàn chưa bãi cũng không cần quan tâm tới mà phải bổ trung, sinh huyết, phục mạch thông hành dinh vệ là cần thiết hơn. (Y tông kim giám)

> Muốn lý (trị) dương khí cần phải kiên trung, muốn củng cố âm dịch phải dùng phục mạch. Đó vẫn là trị pháp của tà thiểu hư đa vậy. (Diệp Thiên Sĩ)

Nguồn: L/y Hoàng Duy Tân

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm