Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Thạch cao

by Hy Lãn Hoàng Văn Vinh

Vị thuốc Thạch cao còn có tên gọi khác là Bạch hổ (Dược Phẩm Hóa Nghĩa). Hàn thủy thạch (Bản Thảo Cương Mục). Tế lý thạch. Ngọc linh phiến, Sinh thạch cao, Ổi thạch cao, Thạch cao phấn. Băng đường chế thạch cao (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).Nhuyễn thạch cao (Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di). Ngọc đại thạch (Cam Túc Dược Học). Băng thạch (Thanh Hải Dược Học). Tế thạch (Biệt Lục).

Tên khoa học: Gypsum.

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Bộ phận làm thuốc: Thạch cao là chất vô cơ calci sunfat ngậm nước  (CaSO4.2H2O); Thạch cao có 2 loại cứng và mềm. Loại dùng làm thuốc là loại thạch cao mềm. Dạng khô cứng (bột thạch cao nung) thường dùng trong ngoại khoa chấn thương để băng bó.

Mô tả dược liệu:

Thạch cao là tinh thể hình khối dài hoặc hình sợi. Có mầu trắng, thường dính tạp chất, nên hình lát mầu tro hoặc mầu vàng tro. Thể trọng nặng, xóp, dễ tách thành miếng nhỏ. Mặt cắt dọc có vằn như sợi. Không mùi, vị nhạt.

Bài chế: Sau khi đào lên, rửa sạch đất đá và tạp chất là dùng được. Khi dùng làm thuốc phải đập vụn và sắc trước 20 phút.

Bảo quản: Để nơi khô ráo.

2. Tác dụng dược lý của vị thuốc theo Tây y

+ Tác dụng giải nhiệt:

Nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy có tác dụng ức chế trung khu sản sinh ra nhiệt. Có thể Thạch cao có khả năng ức chế trung khu ra mồ hôi vì vậy Thạch cao làm giải nhiệt mà không ra mồ hôi, tác dụng hạ nhiệt kéo dài (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

Sắc Thạch cao đổ vào dạ dày hoặc ruột chó và thỏ thấy có tác dụng giải nhiệt. (Thượng Hải Trung Y Dược Tạp Chí 1958, (3): 33).

+ Tác dụng an thần: Thạch cao có Calci có tác dụng ức chế thần kinh cơ bắp, đối với sốt cao co giật có tác dụng nhất định (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+ Tác dụng tiêu viêm: Do chất Calci làm giảm tính thấm thấu của mạch máu.(Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+ Độc tính: Dịch sắc Thạch cao sống chích vào động mạch chuột nhắt, liều gây độc LD50 là 14,70g/Kg. (Khâu Vượng, Trung Quốc trung Dược tạp Chí 1989, 14 (2): 42).

Vị thuốc thạch cao

3. Vị thuốc Thạch cao theo Đông y

3.1 Tính vị quy kinh

Tính vị: vị ngọt, cay, tính rất hàn

+ Bản Kinh: Vị cay, tính hơi hàn

+ Bản Kinh: Vị ngọt, tính rất hàn, không độc

+ Y HọcKhải Nguyên: Vị nhạt, tính hàn

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Vị cay, ngọt, tính hàn

Quy kinh: phế, vị và tam tiêu

+ Thang Dịch Bản Thảo: Vào kinh Phế, Tâm, Vị

+ Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di: Vào kinh Vị, Đại trường, Phế, Tam tiêu

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Vào kinh Phế, Vị

3.2 Tác dụng chủ trị

Công năng: Thanh nhiệt tả hỏa trừ phiền, chỉ khát, liễm sang

+ Biệt Lục: Giải cơ, phát hãn, chỉ tiêu khát, trừ nghịch

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Sinh tân, giải có, thanh nhiệt, trừ phiền, giải khát

Chủ trị: Trị nhiệt bệnh, sốt cao, kích ứng vật vã, miệng khô, khát nước, đau răng, loét miệng. Thương hàn luật trị nhiệt ở Dương minh gây sốt cao.

3.3 Liều dùng và kiêng kỵ

Liều dùng: 12-150g

Kiêng kỵ:

Vị thuốc tính hàn lương mạnh, nên người không phải thực nhiệt hay bị dương hư kiêng dùng. Uống trong phải dùng Thạch cao sống, không dùng bột thạch cao nung để uống. Nếu cho uống, thạch cao sẽ hút nước trương nở làm tắc ruột.

+ Trung Dược Học: Dương hư: không dùng

+ Dược Tính Luận: Kỵ Ba đậu, sợ Sắt

+ Bản Thảo Kinh Tập Chú: Kê tử làm sứ cho nó

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Tỳ vị hư hàn, huyết hư, âm hư phát sốt: không dùng

4. Một số bài thuốc có vị thuốc Thạch cao

1) Thanh nhiệt, giáng hỏa

Bạch hổ thang: 

Thạch cao sống 24g Tri mẫu 12g
Cam thảo 8g Ngạnh mễ 8g

Sắc uống. Công dụng thanh nhiệt sinh tân. Trị dương minh nhiệt thịnh, đổ mồ hôi nhiều, phiền khát.

Bài 2:

Thạch cao sống 150g Kim ngân hoa 16g
Liên kiều 16g Bản lam căn 24g
Tri mẫu 20g Cam thảo 4g
Bạc hà 4g

Sắc uống. Trị viêm màng não B thời kỳ đầu, phát sốt, buồn ngủ hoặc háo khát.

2) Trị viêm màng não B thể nặng, sốt cao, hôn mê, co quắp

Thạch cao sống 20-62g Bản lam căn 24g
Huyền sâm 12g Xích thược 12g
Sơn chi sống 12g Tri mẫu 16g
Câu đằng 16g Cương tằm 12g
Cam thảo 4g Sắc uống

3) Chữa vết thương lở loét, không gom miệng, không ăn da non, ngứa, chảy nước vàng:

Hàn thủy thạch nung đỏ 80g, Hoàng đơn 20g, hai vị tán bột. Rắc vào vết thương (Hồng Ngọc Tán – Hòa Tễ Cục phương).

Tích Đức Đường phương cũng dùng phương này, còn bảo rằng: Lấy nước sắc Kinh giới đặc rửa vết thương rồi rắc thuốc bột vào. Nếu nặng quá không khỏi được, thêm 4g Long cốt, 4g Hài nhi trà nữa, rất hay

4) Chữa thương hàn phát cuồng

Sinh thạch cao 8g, Hoàng liên 4g, hai vị tán bột. Dùng nước Cam thảo sắc cho kỹ, để ngưội mà uống thuốc bột trên (Bản Sự phương).

5) Chữa trẻ nhỏ bị đơn độc, nóng đỏ cả người:

Sinh thạch cao 40g, tán bột hòa với nước bôi là khỏi ngay (Tập Huyền phương).

6) Chữa trẻ nhỏ cơ thể nóng như than:

Thạch cao 40g, Thanh đại 4g, hai vị tán bột. Trộn với bột mì hồ làm thành viên, to bằng hạt nhãn. Mỗi lần uống 1 viên, nước sắc Đăng tâm điều uống (Phổ Tế phương).

7) Chữa nóng quá gây nên ho, suyễn, phiền nhiệt:

Thạch cao 32g, Chích thảo 20g. tán bột. Mỗi lần uống 12g với nước sắc Gừng sống pha ít Mật ong (Phổ Tế phương)

Thạch cao sống, mỗi thứ 20g. tán bột. Mỗi lần dùng 12g uống với nước sắc Nhân sâm (Bảo Mệnh Tập).

8) Chữa viêm phổi thời kỳ cuối và giữa. Chứng hơi sốt hoặc sốt nhẹ, suyễn không rõ, ít mồ hôi, lưỡi đỏ, ít rêu hoặc rêu vàng, mạch hư

Thạch cao sống 12g Trúc diệp 4g
Mạch đông 12g Bán hạ 6g
Cam thảo chích 4g Ngạnh mễ 12g
Sa sâm 12g Hoàng cầm 8g
Tỳ bà diệp 8g

Sắc uống

8) Chữa viêm phổi thời kỳ đầu và giữa. Chứng suyễn, sốt, có mồ hôi hoặc không có mồ hôi, miệng khát họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, mạch sác.

Thạch cao sống 20g Ma hoàng 6g
Hạnh nhân 4g Cam thảo 2g
Kim ngân hoa 6g Bản lam căn 10g

Sắc uống. Đơn thuốc này thường dùng cho trẻ 1-3 tuổi.

 9) Chữa dạ dày nóng, sinh ra khát nước, đau đầu, đau răng

Ngọc nữ tiễn

Thạch cao 20g Tri mẫu 6g
Ngưu tất 6g Thục địa 20g
Mạch đông 8g Sắc uống

11) Thanh nhiệt, tiêu ban

Thang hóa ban:

Thạch cao sống 32g Tri mẫu 16g
Cam thảo 8g Canh mễ 8g,
Tê giác 4g Huyền sâm 16g

Sắc uống. Công dụng thanh nhiệt lương huyết, tư âm giải độc. Trị ôn bệnh phát ban do vị hỏa vượng, huyết nhiệt thịnh. Hoặc mắc phải thời khí kèm theo huyết nhiệt gây sốt, mê sảng, phát ban.

12) Chữa người lớn phong nhiệt, mắt đỏ, bên trong mắt nóng, đầu đau, nhìn không rõ:

Thạch cao 120g Lá Tre (Trúc diệp) 50 lá
Đường 40g Gạo nếp 1 chén
Nước 5 chén

Trước hết, nấu Thạch cao và lá Tre trước cho thật kỹ, bỏ bã, cho Gạo nếp vào, nấu thành cháo, thêm Đường vào ăn (Dưỡng Lão phương).

13) Chữa quáng gà:

Thạch cao tán bột, mỗi lần dùng 4g. Dùng gan heo, thái mỏng, trộn với thuốc bột, chưng cách thủy, ăn 1 ngày 1 lần, ít lâu sẽ khỏi (Minh Mục phương).

14) Chữa thấp gây nóng nhiều, ra mồ hôi như tắn

Chỉ nên dùng Thạch cao, Chích thảo, lượng bằng nhau tán bột. Mỗi lần uống 8g, dùng 1 thìa nước tương làm thang hoặc hòa vào uống (Bản Thảo Bổ Di).

15) Chữa nhọt đơn độc thời kỳ sưng tấy 

Bột Thạch cao sống 3 phần, dầu Trấu 1 phần, trộn thành hồ đắp ngoài (Trương Huệ Hàng-Trung Hoa Ngoại Khoa Tạp Chí 1960, 4: 366). Đã có mủ không dùng.

16) Chữa đại trường viêm loét mạn:

Thạch cao hợp tễ (Thạch cao bột 100g, thêm Vân Nam Bạch Dược 2g, Novocain 2% 20ml). Thêm nước sôi ấm 250ml, thụt lưu đại tràng. Một liệu trình 7-0 ngày. Trị 100 ca, kết quả 97% (Đường Đức triết, Tứ Xuyên Trung Y Tạp Chí 1988, 4: 43).

17) Chữa bỏng

Dùng bột Thạch cao cho vào bao, bóp rắc đều lên vùng phỏng. Kết quả khỏi 51/53 ca (Phúc Kiến Trung Y Dược Tạp Chí 1960, 6: 21). Trong sách Mai Sư phương cũng dùng cách này để chữa bỏng

5. Trích dẫn y văn

+ Dược Phẩm Vậng Yếu: Thạch cao tính trầm âm giáng, khắc nghiệt mà không sinh trưởng. Khi dùng phải có lý do thích hợp, không nên dùng bữa bãi theo ý mình đến nỗi tổn hại đến căn bản của sinh mệnh.

Ông Trương Khiết Cổ nói rằng: Thạch cao có thể làm cho dạ dầy lạnh mà không ăn được. Phàm không có chứng trạng cực nhiệt thì không nên dùng. Bệnh huyết hư phát sốt giống chứng Bạch Hổ Thang mà dùng lầm thì không cứu được.

Họ Phi nói: lời của Tôn Triệu nói tháng tư âm kịch trở đi là mùa nóng nực, nên dùng bài Bạch Hổ thang. Nhưng khí hậu 4 phương sớm muộn không đều, rét, nắng, lạnh, nóng khí trời khác nhau, cũng nên xét kỹ.

Lý Đông Viên nói: trước tiết Lập hạ mà uống nhiều Bạch Hổ Thang nhất định sẽ sinh ra chứng tiểu không cầm được. cì tân dịch của Dương minh không thể đưa lên, thanh khí của Phế lại giáng xuống, xem đó thì biết tính của Thạch cao

 + Kim Chỉ Nam Dược Tính: Thạch cao và Cát căn đều là các vị thuốc giải được các chứng bệnh thuộc về Dương minh. Nhưng Cát căn làm mở phần da lông, trừ được khí lạnh ở kinh Dương minh. Còn Thạch cao thì làm cho mát để giải bớt khí nóng ở kinh Dương minh.

Vì vậy, sốt mà phải đắp chăn, sợ lạnh là do khí lạnh ở phần biểu, nhiệt bị kết lại trong Vị, nên dùng ngay Cát căn để khơi trống lớp da ở ngoài ra thì khí lạnh có chỗ thoát nhiệt cũng có lối tan đi.

Nếu chỉ thấy cơ thể nóng mà không đắp chăn, chỉ khát nước, nhiều mồ hôi, miệng khô, họng khô, không thở được thì dùng ngay Thạch cao là đúng phép.

Nước ta thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu nóng nực, nhất là khoảng tháng 3 tháng 4, khí trời nóng quá, người ta hít phải khí nóng làm cho Phế và Vị càng nóng lên, cho nên Thạch cao về mùa đó cần dùng. có người sợ Thạch cao lạnh quá không dám dùng, thế thì không biết rằng công dụng của nó hay chữa được chứng buồn phiền, nóng nực hay sao?

+ Thiên Gia Diệu phương: Thạch cao vị ngọt, tính hàn, trừ được hỏa ở dương minh, lại giải nhiệt cho da thịt. Mầu trắng của Thạch cao vào Phế, chất nặng mà chứa mỡ, có tác dụng lấy Kim sinh Thủy.

Nguồn: Tổng hợp ( Có sử dụng tài liệu của L/Y HY Lãn)

Xem thêm: 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ