Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Đại cương thuốc thanh nhiệt

by BBT Yhctvn

Thuốc thanh nhiệt là những thuốc có tình chất hàn lương có công dụng chính là thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết giải độc, táo thấp để chữa lý nhiệt trong các bệnh ôn nhiệt, huyết nhiệt…

1. Định nghĩa thuốc thanh nhiệt

Thuốc thanh nhiệt là những thuốc có tình chất hàn lương có công dụng chính là thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết giải độc, táo thấp để chữa lý nhiệt trong các bệnh ôn nhiệt, huyết nhiệt…

Chứng nhiệt ở đây thuộc lý do những nguyên nhân khác nhau gây ra:

1. Thực nhiệt:

– Do hỏa độc, nhiệt độc hay gây các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm.

– Do thấp nhiệt gây các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục và tiêu hóa.

– Do thử nhiệt gây sốt về mùa hè, say nắng.

2. Huyết nhiệt:

– Do tạng nhiệt trong cơ thể (hay tình trạng dị Ứng nhiễm trùng).

– Do ôn nhiệt xâm phạm vào phần dinh, huyết gây mất tân dịch nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch thường là những biến chứng trong giai đoạn toàn phát các bệnh truyền nhiễm.

2. Tác dụng chung của thuốc thanh nhiệt

– Hạ sốt.

– Giải độc: Chữa các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm.

– Dưỡng âm sinh tân: Chữa, làm giảm các hiện tượng bệnh do mất nước: Sốt kéo dài, khát nước, họng khô, táo bón.

– An thần: Do sốt gây vật vã, phiền muộn, mê sảng…

– Chống co giật do sốt cao.

– Cầm máu do sốt cao nhiễm độc gây rối loạn thành mạch làm chảy máu.

3. Phân loại thuốc theo nguyên nhân

3.1 Thanh nhiệt tả hỏa

Do hỏa độc phạm vào phần khí hay kinh dương minh.

– Thuốc thanh nhiệt tả hỏa dùng để chữa các chứng do hỏa độc, nhiệt độc phạm vào phần khí hay kinh dương minh: sốt cao, khát, nặng thì mê sảng, phát cuồng, mạch hồng đại, lưỡi vàng khô.

– Các loại thuốc này có tính chất hạ sốt, trong đơn thuốc nên phối hợp với các thuốc thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp để chữa nguyên nhân.

– Đối với người thuộc hư chứng, phải chiếu cô’ đến chính khí dùng liều nhẹ, kèm thêm thuốc bổ dưỡng tránh sự khắc phạt quá mạnh.

– Nhiệt có thể ở các vị trí khác nhau: Vị, phế, tâm…cần căn cứ vào sự quy

kinh để sử dụng cho thích hợp.

3.2 Thanh nhiệt lương huyết

 Do huyết nhiệt gây tạng nhiệt: Bệnh thuộc phần dinh huyết của ôn bệnh (bệnh truyền nhiễm).

Thuốc thanh nhiệt lương huyết là những thuốc dùng để chữa các chứng bệnh gây ra do huyết nhiệt. Các thuốc này có tác dụng lương huyết.

Huyết nhiệt gây các bệnh:

– Ở phần dinh và huyết (ôn bệnh) gây các chứng mặt đỏ, mắt đỏ, nước tiểu đỏ, phiền táo không ngủ, mê sảng hoặc hôn mê co giật, khát; gây chảy máu; chảy máu cam, thổ ra máu, ban chẩn (nhiệt nhập huyết phận). 

– Các trường hợp mụn nhọt, lở ngứa, đau các khớp do tạng nhiệt (tình trạng dị Ứng nhiễm trùng).

– Các trường hợp sốt kéo dài do mất tân dịch, hoặc thời kỳ hồi phục của các bệnh truyền nhiễm (giai đoạn âm hư, còn dư nhiệt).

– Chỉ định cụ thể:

+ Các bệnh sốt nhiễm trùng, truyền nhiễm có sốt cao mất nước, nhiễm độc thần kinh và rối loạn thành mạch do chảy máu.

+ Các trường hợp sốt kéo dài, táo bón dùng thuốc kháng sinh không hết sốt.

+ Tránh tái phát các bệnh thấp khớp cấp, mụn nhọt, chống lại tình trạng dị Ứng nhiễm trùng.

Muốn phát huy tốt kết quả thuốc thanh nhiệt lương huyết phải phối hợp với các thuốc bổ âm để tăng tân dịch trong các trường hợp sốt cao mất nước với các thuốc thanh nhiệt giải độc trong các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm; với các thuốc khu phong trong bệnh đau khớp, dị Ứng.

Cấm kỵ: không nên dùng thuốc này trong các bệnh tỳ hư gây ỉa chảy; tà còn ở khí phận.

3.3 Thanh nhiệt giải độc

 Do nhiệt độc gây các bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm.

Thuốc thanh nhiệt giải độc là những thuốc chữa những bệnh do nhiệt độc hoả độc gây ra. Các vị thuốc này có tác dụng kháng sinh và chống viêm nhiễm tính hàn lương.

Dùng để chữa các bệnh: Viêm cơ, viêm đường hô hấp, giải dị Ứng, hạ sốt, chữa các vết thương, viêm màng tiếp hợp v.v…

Muốn có kết quả tốt, kê một đơn thuốc thanh nhiệt giải độc phải phối hợp với các thuốc: Hoạt huyết như Xuyên khung, Đan sâm v.v… để chống viêm; thuốc lợi niệu, nhuận tràng để hạ sốt; thuốc thanh nhiệt, lương huyết đê tránh tái phát, giảm bớt tình trạng thiếu tân dịch v.v…Thường dùng nhiều vị thuốc thanh nhiệt giải độc (nhiều nhất là bốn, ít nhất là hai) để chống kháng thuốc và giảm liều cao dễ gây mệt (háo).

3.4 Thanh nhiệt táo thấp (trừ thấp)

Do thấp nhiệt gây ra các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục tiết niệu và tiêu hóa.

Thuốc thanh nhiệt táo thấp là những thuốc vị đắng lạnh dùng để chữa các chứng bệnh do thấp nhiệt gây ra (Thấp nhiệt nội ôn hoặc thấp tà hóa nhiệt). 

Thấp nhiệt gây ra các bệnh:

– Nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục: Viêm bàng quang, viêm thận, viêm niệu đạo, viêm loét tử cung, viêm tinh hoàn v.v.

– Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Viêm gan siêu vi trùng, viêm túi mật, đường dẫn mật, ỉa chảy lỵ, nhiễm trùng, lỵ amip v.v…

– Bệnh ngoài da bội nhiễm (thấp hóa nhiệt) chàm, ghẻ lở, .nhiễm trùng…

– Viêm tuyến mang tai.

Khi dùng thuốc thanh nhiệt táo thấp cần chú ý:

a) không nên dùng thuốc liều cao khi tân dịch đã mất (thuốc làm tổn thương âm ).  

b) Muốn cho thuốc có hiệu lực hơn cần phối hợp với các thuốc khác: nếu sốt cao với các thuốc thanh nhiệt tả hoả và thanh nhiệt lương huyết : Chi tử, Tri mẫu, Huyền sâm; Nếu xuất huyết, sung huyết thêm các thuốc hoạt huyết, cầm máu; nếu co thắt mót rặn, đái rắt thêm thuốc hành khí.

c) Trên thực tế lâm sàng người ta hay dùng lẫn lộn các thứ thanh nhiệt táo thấp và thanh nhiệt giải độc, nên có tài liệu ghi chung hai loại này là một, nhất là các vị thuốc: Hoàng liên, Hoàng cầm .

3.5 Thanh nhiệt giải thử

Do thử nhiệt gây sốt, say nắng….

Thuốc giải thử là những thuốc có tác dụng chữa những chứng bệnh do thử (nắng) gây ra.

Thử có thể kết hợp với nhiệt thành thử nhiệt gây các chứng sốt về mùa hè. Say nắng; kết hợp với thấp thành thấp thử gây các chứng ỉa chảy, bí tiểu tiện v.v. ..

Vì vậy thuốc giải thử được, chia làm 2 loại: Thanh nhiệt giải thử để chữa chứng thử nhiệt; ôn tán thử thấp để chữa các chứng thử thấp

a) Thanh nhiệt giải thử

Mùa hè khi trời nóng bị thương thử: Toàn thân sốt cao, tự ra mồ hôi lúc đầu phiền khát thích uống nước, nhức đầu, chóng mặt, mặt đỏ, tiểu tiện ít ngắn, đỏ.     

Nhẹ gọi là thương thử, nặng gọi là trúng thử.

b) Ôn tán thử thấp

Mùa hè ăn uống đồ lạnh, lại bị thử kết hợp với hàn thấp lấn át nên thấy suất hiện sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi nhức đầu thường dùng  Hương nhu để phát hãn tán hàn.

Nếu thử kết hợp với thấp thì xuất hiện các chứng ngực bụng đầy tức, nặng đầu, muốn nôn oẹ, mình nặng nề ra mồ hôi khát thích uống, nôn mửa, ỉa chảy thường dùng các loại thuốc Phương hương hóa thấp như Hoắc hương.

4. Những điểm cần chú ý khi sử dụng

– Bệnh còn ở biểu, không nên dùng các loại thuốc này quá sớm, nếu ở biểu bệnh còn mà đã xuất hiện lý chứng thì phải kết hợp với “biểu lý cùng chữa”.

– Các vị thuốc thanh nhiệt vị ngọt, tính lạnh, hay gây nê trệ ảnh hưởng tới tỳ vị thì phải kết hợp các thuốc kiện tỳ, hòa vị như: Cam thảo, Bạch truật. Các vị thuốc đắng lạnh, tính chất hay gây táo, làm tổ thuơng tân dịch nên phối hợp với các thuốc dưỡng âm.

– Một số thuốc thanh nhiệt uống dễ nôn nên thêm nước gừng hoặc uống nóng.

– Cường độ các loại thuốc thanh nhiệt khác nhau: Nhiệt nhiều dùng thuốc mạnh, nhiệt ít dùng thuốc nhẹ.

5. Cấm kị chung

– Không dùng khi bệnh còn ở biểu.

– Tỳ vị hư nhược dương khí bất .túc, ăn không ngon, ỉa chảy… dùng cẩn thận.

– Mất máu nhiều sau khi đẻ, chảy máu có hiện tượng dương hư, hiện tượng giả nhiệt: không nên dùng thuốc thanh nhiệt.

6. Một số vị thuốc thanh nhiệt

Thạch caoMẫu đơn bì
Trúc diệpBạch mao căn
Tri mẫuXích thược
Lô cănHoàng liên
Chi tửNhân trần
Hạ khô thảoHoàng cầm
Sinh Địa hoàngHoàng bá
Địa cốt bìThảo quyết minh
Huyền sâm 

Nguồn Giáo trình yhct

Xem thêm: 

Bạn có thể quan tâm