Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Đại cương thuốc bổ Đông y

by BBT Yhctvn

Thuốc bổ Đông y là những vị thuốc dùng để chữa các chứng trạng hư nhược của chính khí cơ thể do nguyên nhân bẩm sinh, do dinh dưỡng hay do hậu quả bệnh tật gây ra.

A. Đại cương thuốc bổ

1. Định nghĩa:

Thuốc bổ Đông y là những vị thuốc dùng để chữa các chứng trạng hư nhược của chính khí cơ thể do nguyên nhân bẩm sinh, do dinh dưỡng hay do hậu quả bệnh tật gây ra.

2. Phân loại:

Chính khí của cơ thể gồm 4 mặt chính âm, dương, khí, huyết nên thuốc bổ được chia làm 4 loại: Bổ âm, bổ dương, bổ khí, bổ huyết.

3. Những điều cần chú ý khi dùng thuốc bổ

– Khi dùng thuốc bổ trước hết phải chú ý đến tỳ vị, nếu tỳ vị hồi phục thì mới phát huy được kết quả thuốc bổ.

– Đối với người có chứng hư lâu ngày phải dùng thuốc bổ từ từ, nếu âm dương khí huyết mất đột ngột thì phải dùng liều mạnh.

– Thuốc bổ khí hay được dùng kèm thuốc hành khí, thuốc bổ huyết hay dùng kèm với thuốc hành huyết để phát huy tác dụng nhanh và mạnh hơn.

– Tùy theo tình trạng của người bệnh và tật, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh, người ta có thể phối hợp thuốc bổ với thuốc chữa bệnh.

– Thuốc bổ phải sắc lâu

4. Cấm kỵ khi dùng thuốc Bổ Đông y

– Những người dương hư, tì vị hư không nên dùng các thuốc bổ âm tính nên trệ. Khi cần thiết phải dùng cần phối hợp với các thuốc kiện tỳ.

– Những người âm hư không dùng thuốc bổ dương sẽ làm mất thêm tân dịch.

B. Thuốc Bổ âm

1. Định nghĩa

Thuốc bổ âm là các thuốc chữa các chứng bệnh gây ra phần âm của cơ thể bị giảm sút., do tân dịch bị hao tổn; hư hỏa bốc lên gây miệng khô, đau họng, đi xuống dưới làm nước tiểu đỏ, táo bón.

Phần âm của cơ thể gồm: Phế âm, thận âm, vị âm cay âm hư, khi bị suy kém có những triệu chứng sau:

Phế âm hư: Ho lâu ngày, ho ra máu, gò má đỏ, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm.

Can âm hư: Hoa mắt, váng đầu, hai khóe mắt khô, mạch huyền tế.

Thận âm hư: Nhức trong xương, lòng bàn tay bàn chân nóng, di tinh, đau lưng, ù tai, đái dầm, ra mồ hôi trộm.

Vị âm hư, miệng khát, môi khô, lưỡi khô, loét miệng, chảy máu chân răng.

Do tân dịch giảm: Gầy, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.

Các triệu chứng âm hư bao gồm các mặt trên.

Các thuốc bổ âm đều làm tăng tân dịch, căn cứ vào sự quy kinh của các vị thuốc mà lựa chọn sử dụng thích hợp với các triệu chứng của phế âm, thận âm, vị âm, can âm.

Vị thuốc A giao - Thuốc bổ âm

Vị thuốc A giao

2. Chỉ định chữa bệnh

– Các bệnh do rối loạn, hoạt động ức chế thần kinh: Mất ngủ, cao huyết áp, suy nhược thần kinh thể ức chế giảm.

– Các chứng bệnh, rối loạn thực vật: Triều nhiệt, gò má đỏ, ho ra máu, ra mồ hôi trộm v.v.

– Viêm khớp dạng thấp và rối loạn thực vật do bệnh các chất tạo keo: nhức trong xương, hâm hấp sốt, khát nước.

– Trẻ em ra mồ hôi trộm, đái dầm, tình trạng dị ứng nhiễm trùng v.v; do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh.

– Các trường hợp sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân, Đông y cho rằng do thiếu tân dịch gây ra.

3. Kiêng kỵ và nhận xét về thuốc bổ âm

Kiêng kỵ: Cho những người tỳ hư: loét dạ dày, ỉa chảy do viêm đại tràng mạn, ăn chậm tiêu.

Nhận xét chung về thuốc bổ âm

– Các thuốc bố âm đi vào:

+ Phế âm: Sa sâm, Mạch môn, Ngọc trúc, Bách hợp, Câu kỷ tử.

+ Thận âm: Thạch hộc, Câu kỷ, Qui bản, Thiên môn.

+ Vị âm: Mạch môn, Ngọc trúc.

– Các thuốc dưỡng âm thanh nhiệt: Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Thạch hộc, Qui bản, Miết giáp, Kỷ tử.

– Thuốc bổ âm có tác dụng bổ huyết: Bạch thược, Câu kỷ tử (có tài liệu nêu 2 thuốc này ở chương Thuốc bổ huyết).

– Chữa các cơn đau: Bạch thược; chữa lách to: Miết giáp, Qui bản.

C. Thuốc Bổ dương

1. Định nghĩa

Thuốc bổ dương là các thuốc dùng để chữa chứng dương hư.

Phần dương trong cơ thể gồm: Tâm dương, tỳ dương và thận dương. Khi tâm tỳ dương hư có các chứng: Tay chân mệt mỏi, da lạnh, ăn uống không tiêu ỉa lỏng, mạch vô lực thường dùng các loại thuốc trừ hàn như Quê, Can khương, Phụ tử chế v.v, đã nếu ở chương thuốc trừ hàn; khi thận dương hư gây các chứng: Liệt dương, di tinh, tiểu tiện nhiều lần, lưng gối mỏi yếu, lạnh đau, mạch trầm tế thì dùng các thuốc bổ thận dương.

Chương thuốc bổ dương nếu các thuốc có tác dụng ôn bổ thận dương.

2. Chỉ định chữa bệnh

– Chữa các bệnh do hưng phấn thần kinh giảm:

+ Bệnh suy nhược thần kinh do ức chế và hưng phấn đểu giảm với các triệu chứng: di tinh, liệt dương, đau lưng, ù tai, chân tay lạnh, mạch trầm nhược.

+ Những người lão suy gây đau lưng, tiểu tiện nhiều lần.

+ Những người đái dầm thể hư hàn (không có triệu chứng âm hư nội nhiệt).

– Trẻ em chậm phát dục; chậm biết đi, chậm mọc răng, thóp chậm liền, trí tuệ kém phát triển.

– Bệnh hen phế quản mạn tính, thể hư hàn do thận hư không nạp được phế khí.

– Một số người mắc bệnh đau khớp, thoái khớp lâu ngày.
Chú ý: Không nên dùng thuốc bổ dương cho những người âm hư sinh nội nhiệt, tân dịch giảm sút. v.v.

Đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo

3. Nhận xét chung về thuốc bổ dương

– Chữa di tinh, hoạt tinh, liệt dương: Lộc nhung, Nục thung dung, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Ba kích, Phá cố chỉ, Ích trí nhân, Cáp giới.

– Chữa đau lưng, làm khoẻ mạnh gân xương: Lộc nhung, Nhục thung dung, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Tục đoạn, Ba kích, cẩu tích, Bổ cốt chỉ.

– Chữa đái dầm, tiểu tiện nhiều Lộc nhung, Thỏ ty tử, Ba kích, Phá cố chỉ, Ích trí nhân.

– Cầm ỉa chảy: Thỏ ty tử, Bổ cốt chỉ, Cốt toái bổ, Ích trí nhân.

– Chữa hen suyễn: Lộc nhung, Ba kích, Cáp giới.

– Chữa đau khớp: Tục đoạn, Cẩu tích, Cốt toái bô.

– Chữa rong huyết: Lộc nhung, Tục đoạn.

– An thai: Đỗ trọng, Tục đoạn, Thỏ ty tử.

– Chữa vết thương gân xương: Tục đoạn, Cốt toái bổ

C. Thuốc Bổ khí

1. Định nghĩa

Thuốc bổ khí là những thuốc chữa các chứng bệnh gây ra do khí hư.

Khí hư thường thấy ở các tạng phế và tỳ.

Phế khí hư: Nói tiếng nhỏ, ngại nói, hơi thở ngắn gấp: khi lao động, làm việc nặng hay khó thở, thở gấp.

Tỳ khí hư: Chân tay người mệt mỏi, ăn kém, ngực bụng đầy trưóng, ỉa lỏng.

Bổ khí lấy bổ tỳ làm chính, tỳ khí vượng thì phế khí sẽ đầy đủ. Vì vậy các thuốc bổ khí trong Đông y đều có tác dụng kiện tỳ.

2. Chỉ định chữa bệnh

a. Toàn thân:

– Nâng cao thể trạng, chữa chứng suy nhược cơ thể: ăn kém, ngủ kém, sút cân, mệt nhọc sau khi ốm, lao động quá sức.

– Thúc đẩy quá trình lợi niệu, chữa chứng phù thũng do viêm thận mạn, phù dinh dưỡng.

– An thần, chữa mất ngủ, hồi hộp vì tỳ không nuôi dưỡng được tâm huyết.

– Một số trường hợp xuất huyết cơ năng lâu ngày như rong huyết, rong kinh, chảy máu do huyết tán…do tỳ khí không thống huyết.

– Một số thuốc có tác dụng cấp cứu choáng và trụy mạch do mất nước mất máu nghiêm trọng như Nhân sâm.

b. Bệnh về hộ máy tiêu hoá:

-Ăn kém ngại ăn, chậm tiêu hay đầy bụng.

– Ỉa chảy kéo dài do tỳ hư.

– Viêm đạị tràng mãn, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn tính.

c. Bệnh về tuần hoàn:  Suy tim, thiếu máu, tâm phế mạn.

d. Bệnh về hô hấp:

– Giãn phế quản, hen suyễn, viêm phế quản mạn.

– Phế khí thũng.

– Bệnh về cơ lực trương bị giảm:

– Sa dạ dày, sa trực tràng, táo bón người già, phụ nữ đẻ nhiều lần, sa sinh dục, giãn tĩnh mạch.

Vị thuốc Nhân sâm

Vị thuốc Nhân sâm

D. Thuốc Bổ huyết

1. Định nghĩa

Thuốc bổ huyết là những thuốc chữa những chứng bệnh do huyết hư sinh ra.

Trong cơ thể , huyết là vật chất dinh dưỡng các bộ phận cơ thể, là cơ sở vật chất cho tinh khí thần. Huyết thuộc phần âm của cơ thể, nên có tác dụng bổ âm, là cơ sở của hoạt động tính dục nữ (kinh nguyệt thai nghén). Vì vậy huyết hư gây nhiều chứng bệnh trên lâm sàng và thuốc bổ huyết có nhiều tác dụng chung và tác dụng riêng biệt đối với từng bộ phận cơ thể.

Khí và huyết có liên quan chặt chẽ, khí là nguồn gốc của huyết, huyết là nơi để khí tàng trú. Theo ý nghĩa của âm dương hỗ căn và dương sinh âm trưởng, thuốc bổ huyết hay được phối hợp với thuốc bổ khí để đẩy mạnh thêm hiệu quả chữa bệnh.

2. Chỉ định chữa bệnh

– Chữa các chứng thiếu máu, mất máu, sau khi mắc bệnh lâu ngày cơ thể suy nhược : Sắc mặt xnah vàng, da khô sáp, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, hổi hộp, kinh nguyệt không đêu, ít, mạch tế sác vô lực

– Các bệnh đau khớp và dây thần kinh có teo cơ, cứng khớp gọi là chứng huyết hư không nuôi dưỡng được cân.

– Suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể vì huyết không nuôi dưỡng được tâm

– Các bệnh phụ khoa do can, thận, tỳ, huyết hư gây rối loạn kinh nguyệt, rong huyết, rong kinh, thống kinh, dọa sẩy thai, hay sẩy thai, đẻ non.

Vị thuốc Đương quy

Vị thuốc Đương quy

3. Chú ý khi sử dụng thuốc bổ huyết

– Thuốc bổ huyết và thuốc bổ khí hay được phối hợp với nhau để tăng cường hiệu lực thuốc bổ huyết

– Thuốc bổ huyết hay có tác dụng bổ âm: Thục địa, A giao, tang thầm… ngược lại một số thuốc bổ âm có tác dụng bổ huyết như Bạch thược, Kỳ tử.

E. Một số vị thuốc bổ Đông y

A Giao Đẳng sâm Miết giáp
Ba kích Đỗ trọng Ngọc trúc
Bách hợp Đông trùng hạ thảo Nhân sâm
Bạch thược Đương quy
Bạch truật Hà thủ ô đỏ Phá cố chỉ
Cam thảo Hoài sơn Quy bản
Câu kỷ tử Hoàng kỳ Sa sâm
Cẩu tích Ích trí nhân Thỏ ty tử
Cốt toái bổ Mạch môn đông

Nguồn: Gtyhct

Xem thêm: 

Bạn có thể quan tâm