Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Đẳng sâm: Còn gọi: Mần cái, rầy cáp (Lạng Sơn), lô đảng sâm, tây lộ đảng, văn nguyên sâm, thượng đảng sâm (Trung Quốc dược học đại từ điển), phòng đảng sâm, đảng sâm (cây cỏ thường thấy ở Việt Nam).

– Tên khoa học: Codonopsis .pilosula (Franch), Nannf.

Thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae). (Trung Quốc gọi họ cát cánh). 

1. Bộ phận dùng, thu hái và bào chế

– Bộ phận dùng: Đảng sâm là rễ củ cây Đảng sâm 

+ Tây đảng sâm: Xuất xứ chính ở  Cam Túc, Thiển Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên (Nam Bình).

+  Đông đảng sâm: Xuất xứ chính ở  tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh .

+ Điều đảng sâm: Xuất xứ chính ở  tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Thiểm Tây.

+ Bạch đảng sâm: Xuất xứ chính ở  tỉnh Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên.

+ Lộ đảng sâm: Xuất xứ chính ở tỉnh Sơn Tây,  Hà Nam (chuyên khu Tân Hương).

– Hình thái

Cây thảo, sống lâu năm, thân, mọc bò hay leo. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1- 1,7 phân. Lá mọc đối, có khi mọc cách hay hơi vòng. Phiến lá hình tim hay hình trứng rộng, gốc lá hình tim, mép nguyên hay hơi lượn sóng, hoặc có răng cưa, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới trắng nhạt. Hoa mọc đơn độc ở nách lá. Đài 5, tràng hình chuông, màu vàng nhạt, chia 5 thùy. Nhị 5, bầu 5 ô quả nang, phía trên có một núm nhỏ hình nón, khi chín có màu tím đỏ. Ra hoa vào tháng 7, tháng 8, có quả vào tháng 9, tháng 10.. 

– Mọc tự nhiên ở những rừng ấm thấp miền núi đông bắc và tây bắc nước ta. (Lạng Sơn, Cao Bằng, khu Tây Bắc). Rễ đào về rửa sạch phơi khô, dùng làm thuốc bổ thay nhân sâm, người ta gọi thuốc bổ cho người nghèo.

– Thu hái:

Vào mùa đông, lúc lá cây úa vàng và rụng hoặc đầu xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi. Tốt nhất là vào trước sau tiết Bạch lộ nửa tháng, lúc này chất Đảng sâm tốt nhất.

Đào rễ phải dài sâu > 0,7m,  không làm trầy rễ. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch đất cát.

Lộ đảng sâm thì chia ra làm 4 loại; gìa (đường kính > 10mm), to (đường kính > 7mm); vừa, nhỏ (có đường kính 5 mm). Phơi riêng từng loại đến lúc rễ bẻ không gãy là được.

– Bào chế

+ Theo Trung quốc: Thu hái xong, phơi âm can, hoặc sao với đất hoàng thổ hoặc cám

+ Theo Việt Nam: Rửa sạch, ủ nước một đêm hoặc đồ khi mềm, thái mỏng 1-2 ly. Tẩm nước gừng sao để khỏi nê trệ bớt hàn, hoặc sao qua để dùng.

Vị thuốc Đẳng sâm

Vị thuốc Đẳng sâm

2. Vị thuốc Đẳng sâm theo Đông y

– Tính chất: Ngọt, bình, không độc.

– Qui kinh: Vào kinh tỳ, phế.

– Công dụng: Bổ tỳ vị, sinh tân dịch, dùng làm thuốc mạnh vị cường tráng, chữa mọi chứng suy nhược, lại chữa vị yếu nuốt chua, đái đường thời kỳ đầu. 

– Tác dụng: Giúp vợ tràng xúc tiến tiêu hóa, xúc tiến hấp thu, đối với hệ lympho và hệ máu đi, có công năng thay cũ đổi mới.

– Chủ trị: Bổ trung ích khí sinh tân, hòa tỳ vị, trừ phiền khát, người rung khí hơi bị hư dùng để điều bổ rất bình an. 

– Theo Đông y Việt Nam:

Thay thế nhân sâm chữa thiếu máu, vàng da, bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu có albumin và chân phù đau. Còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu. Vị ngọt tính bình vào phế tỳ, bổ trung ích khí sinh tân ngừng khát, chữa tỳ hư ăn không tiêu, chân tay nếu mỏi, phế hư sinh ho, phiền khát, công dụng như nhân sâm nhưng thiên về bổ trung, người có thực tà không dùng. 

* Lượng dùng: 8g – 20g/ngày. 

* Kiêng kỵ: Không phải người hư hàn mà có thực tà thì cấm dùng. Ky sắt và vật phẩm béo ngậy. 

– Không dùng với Lê lô (phản Lê lô).

– Không dùng độc vị ở người có chứng thực, bệnh nhiệt.

– Tác dụng tương tự như Nhân sâm, nhưng yếu hơn và không thay được Nhân sâm trong trường hợp hư thoát.

3. Phối hợp ứng dụng

1) Thanh Phế, bổ nguyên khí, khai thanh âm, tráng gân cơ: Đảng sâm 640g; Quế viên nhục 160g; Sa sâm 320g. Nấu cao uống (Thượng Đảng Sâm Cao “Đắc Phối Bản Thảo).

2) Trị Tỳ Vị bị hàn hư yếu, miệng sinh nhọt:

Đảng sâm; Chích hoàng kỳ đều 8g; Phục linh 4g; Cam thảo 2g; Bạch thược 2,8g. Sắc uống (Sâm Kỳ An Vị Tán – Hầu Khoa Tử Trân Tập).

3) Trị thần kinh suy nhược: Đảng sâm 12g; Mạch môn 12g; Ngũ vị tử 8g. Sắc uống (Sinh Mạch Tán – Nội Ngoại Thương Biện Hoặc Luận).

4) Trị huyết áp thấp:

Đảng sâm 16g; Nhục quế 10g; Hoàng tinh 12g; Cam thảo 6g; Đại táo 10 quả, sắc uống ngày 1 thang x 15 ngày là 1 liệu trình, dùng 1-2 liệu trình. Đã chữa 30 trường hợp: có kết quả: 28, không rõ kết quả: 02 (Quảng Tây Trung dược Tạp Chí 1985, 5: 36).

5) Trị Tỳ hư thấp thịnh chứng:

Nhân sâm (bỏ cuống) 80g; Bạch truật 80g; Phục linh 80g (một số sách đề Phục thần); Sơn dược 80g;  Liên tử nhục 40g; Bạch biển đậu (tẩm nước gừng, bỏ vỏ, sao qua) 40g; Ý dĩ nhân 40g;   Sa nhân 40g; Cát cánh 40g    ; Sao Cam thảo 40g.

( Sâm linh bạch truật tán)

6) Trị Khí huyết đều suy:

Đảng sâm; Chích hoàng kỳ,; Bạch truật; Long nhãn; Đường cát, nấu thành cao uống (Đại Sâm Cao – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

7) Chữa lao mới nhiễm, bệnh ho:

Đảng sâm 16g; Ý dĩ nhân 10g; Cam thảo 3g; Hoài sơn 15g; Mạch môn 10g; Hạnh nhân 10g; Khoản đông hoa 10g; Xa tiền tử 10g.

Sắc uống. Còn rất nhiều bài thuốc có vị đảng sâm, không nên thêm nữa. 

4. Tư liệu tham khảo

1) Trương Thạch Ngoan nói:

Đảng sâm ngọt bình, có năng lực thanh phế, không giống như nhân sâm ngọt ấm có công năng bổ mệnh môn, cũng không giống tính sa sâm, vì sa sâm tính hàn chuyên tiết khí phế.

2) Trương Sơn Lôi bàn rằng:

Vốn cùng nhân sâm giống nhau không khác mấy, còn quí hơn chỗ làm mạnh sự vận chuyển của tò mà không tạo, tư dưỡng vị âm mà không thấp, nhuận phế mà không phạm lạnh mát, nuôi huyết mà không thiên về béo bố, cổ vũ chất dương trong trẻo chấn động trung khí mà không có cái tệ cương táo, đó là bấm chịu cái đức nhu nhuận, cái khí trung chính của khôn thổ mà không thiên lệch không hại…

Phàm sau khi ốm mà nguyên khí hư, mỗi ngày uống 2 – 3 đồng cân thì chỉ đủ chấn động thần khí 1 ngày, tin rằng trong qui mô hòa bình chân chính bổ đủ cho cơ thể cũng không dài lâu lắm. Song bổ trợ trung châu mà nhuận trạch 4 bề cùng khôn thổ hợp đức thì thật là chí đức. Cho nên nói chung bệnh phải dùng nhân sâm xưa nay đều thay băng đảng sâm vừa hay vừa đỡ tốn.

5.  14 loại Đảng sâm cùng họ hoa chuông nhưng khác loài

1) Nhị sắc đảng sâm (Đảng sâm 2 sắc).

Tên khoa học: Codonopsis bicolor Nannf. 

Biệt danh: Hoàng đảng. 

Bộ phận dùng: Rễ.

Công dụng: Đủ tác dụng tư bổ. Trị hư yếu.

2) Quản chung đảng sâm.

Tên khoa học: Codonopsis bulleyana Diels.  

Biệt danh: Sài đảng, lam hoa sẩm, lam hoa sú sâm, hồ mao dương sâm.

Bộ phận dùng: Rễ.

Công dụng: Tư bổ, nhuận phế. 

3) Lục chung đảng sâm.

Tên khoa học: C. Chlorocodon C.Y. Wu.

Biệt danh: Lục chung tú sâm, hương thành đảng sâm.

Bộ phận dùng: Dùng rễ

Công dụng: Tư bổ, trị hư yếu. 

4) Khuyết hoa ti đảng sâm.

Tên khoa học: C. Convolvulacea var efilamentosa (w.w. Smith) L.T. Shen (= C. efilamentosa w.w. Smith).

Biệt danh: Tâm diệp châu tử sâm.

Bộ phận dùng: Rễ.

Công dụng: Bổ thận tráng dương.

5) Đại hoa đảng sâm (đảng sâm hoa to).

Biệt danh: Đảng sâm, sự đầu sâm, đại đầu đảng sâm.

Tên khoa học: C. macrantha Nannf. 

Bộ phận dùng: Rễ.

Công dụng: Bổ hư.

6) Đại ngạc đảng sâm (đảng sâm đài to).

Biệt danh: Thổ đảng sâm, đảng sâm, tiến sâm.

Bộ phận dùng: Rễ. 

Tính vị: Ngọt ấm

Công dụng: Bổ tỳ ích vị, trị tỳ vị hư yếu chán ăn, khí phế không đủ, thân thể mỏi không có sức, viêm thận mãn.

7) Châu kê ban đảng sâm.

Tên khoa học: C. meleagris Diels.

Bộ phận dùng: Rễ củ.

Công dụng: Tư bổ cường tráng, trừ đờm chấn ho, thanh phế, mạnh vị, trị cơ thể hư yếu, bệnh đái đường thời kỳ đầu, ho hắng, thần kinh suy yếu.

8) Tiểu hoa đảng sâm.

Tên khoa học: C. micrantha chipp.

Biệt danh: Thổ đảng sâm, lý đảng sâm, đảng sâm, tế điều đảng sâm, sú đảng sâm. 

Bộ phận dùng: Rễ. 

Tính vị: Ngọt, bình.

Công dụng: Bổ trung ích khí, trị tỳ phế hư yếu, khí ngắn tâm quý.

9) Mạch hoa đảng sâm.

Biệt danh: Đảng sâm, tử đảng sâm, sú đảng sâm..

Tên khoa học: C. nervosa (chipp) Nannf.

Bộ phận dùng: Rễ. Tính vị: Ngọt bình.

Công dụng: Bổ trung ích khí, trị tỳ phế hư yếu, khí ngắn, tâm quí (run rẩy rung động).

10) Thiểm mao đảng sâm.

Biệt danh: Tiểu Hiệp đảng sâm (đảng sâm lá nhỏ) đảng sâm lá tròn.

Tên khoa học: C.pilosula car handeliana (Nannf) L.T. Shen (= handeliana Nannf)

Bộ phận dùng: Rễ. 

Công dụng: Bổ trung ích khí. 

11) Tử hoa đảng sâm. 

Biệt danh: Nham nhân sâm.

Tên khoa học: C. Purpurea wall.

Bộ phận dùng: Toàn cây. 

Tính vị: Hơi ngọt, cay, bình.

Công dụng: Ngừng máu, chấn đau. 

Trị nội ngoại thương.

12) Cầu hoa đảng sâm.

Biệt danh: Số đảng sâm sú sâm.

Tên khoa học: C. Subglobosa w.w. Smith.

Bộ phận dùng: Rễ. 

Tính vị: Ngọt, hơi đắng, hơi ấm.

Công dụng: Bổ trung ích khí, trị tỳ phế hư yếu.

13) Trừ định đảng sâm. 

Biệt danh: Đảng sâm, giã đáng sâm.

Tên khoa học: C. Subscaposa Kom.

Bộ phận dùng: Rễ.

Công dụng: Thay đảng sâm dùng.

14) Quản hoa đảng sâm. 

Tên trung dược: Đảng sâm.

Biệt danh: Ngưu vĩ đảng sâm, lý đảng sâm.

Tên khoa học: C. tubulosa Kom.

Bộ phận dùng: Rễ. 

Tính vị: Ngọt, bình

Công dụng: Bổ trung ích khí, trị tỳ phế hư yếu.

Nguồn: L/Y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm