Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Đại cương thuốc giải biểu

by BBT Yhctvn

Thuốc giải biểu là những thuốc dùng để đưa ngoại tà (phong, hàn,’thấp, nhiệt) ra ngoài bằng đường mồ hôi; chữa những bệnh còn ở biểu.

1. Định nghĩa thuốc giải biểu

 Thuốc giải biểu là những thuốc dùng để đưa ngoại tà (phong, hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài bằng đường mồ hôi; chữa những bệnh còn ở biểu.

Các vị thuốc này đa số có vị cay, cay có tác dụng phát tán, gây ra mồ hôi qua đường này đưa tà khí ra ngoài; vì vậy còn gọi là thuốc giải biểu phát hãn hay phát tán giải biểu.

2. Phân loại thuốc giải biểu

Tuỳ theo nguyên nhân: Phong hàn, phong nhiệt và phong thấp, người ta chia làm 3 loại chính:

2.1 Phát tán phong hàn

Đa số vị cay (tân), tính ấm (ôn) nên còn gọi là thuốc tân ôn giải biểu.

Thuốc phát tán phong hàn dùng để chữa:

– Cảm mạo do lạnh: sốt, gai rét, đau đầu mình, ngạt mũi, chảy nước mũi, khản tiếng, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

– Bệnh cảm mạo do lạnh có 2 loại: Biểu thực không có mồ hôi, mạch phù khẩn dùng các loại thuốc như Ma hoàng, Tế tân; biểu hư có ra mồ hôi, mạch phù nhược dùng các loại thuốc như Quế chi, Gừng.

Vị thuốc Ma hoàng có tác dụng gây ra mồ hôi mạch cần thận trọng đối với các người âm hư, thiếu máu.v.v..

2.2 Phát tán phong nhiệt

Thuốc có vị cay, tính mát nên còn gọi là thuốc tân lương giải biểu.

Thuốc phát tán phong nhiệt dùng để chữa:

– Cảm mạo phong nhiệt và thời kỳ viêm long, khởi phát của các bệnh truyền nhiễm (phần vệ thuộc ôn bệnh): Sợ sốt, hơi sợ gió, nhức đầu, mắt đỏ, họng đỏ, miệng khô khát, rêu lưỡi vàng hay trắng giày, chất lưỡi đỏ, mạch phù sác.

– Làm mọc các nốt ban chẩn (sởi, thủy đậu).

– Ho, viêm phế quản thể hen.

– Một số ít có tác dụng giải dị Ứng, lợi niệu.

– Đều có tác dụng hạ sốt.

2.3 Phát tán phong thấp

Có nhiều vị cay ấm (tân ôn), cũng có vị tính mát lạnh hoặc tính bình dùng để chữa các chứng bệnh phong thấp kèm thêm hàn, nhiệt khác nhau.

Thuốc phát tán phong thấp là thuốc chữa các bệnh do phong thấp xâm phạm vào da, cơ nhục, kinh lạc, gân xương (chứng tý).

Trên lâm sàng thường dùng để chữa: Bệnh về khớp đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, thoái khớp, đau dây thần kinh ngoại biên; bệnh dị ứng nổi ban.

Khi sử dụng loại thuốc này cần chú ý những điểm sau:

– Cần phân biệt tính chất hàn, nhiệt của vị thuốc để chữa các chứng bệnh do phong thấp hàn (viêm đa khớp tiến triển, mạn tính, thoái khớp) do phong thấp nhiệt (Viêm khớp có sưng nóng, đỏ đau, viêm khớp cấp) khác nhau.

– Muốn đẩy mạnh tác dụng các thuốc chữa phong thấp cần phối ngũ:

  1. Với các thuốc hoạt huyết:  Để chống sưng đau, nhanh chóng đưa thuốc đến nơi cần chữa.
  2. Với các thuốc lợi niệu để trừ thấp ra ngoài, làm bớt sưng phù tại chỗ.
  3. Theo lý luận:

– Phải phối hợp với các thuốc kiện tỳ vì tỳ ghét thấp và chủ việc vận hóa thủy thấp ra ngoài: Bạch truật, Hoàng kỳ…

– Các trường hợp teo cơ, cứng khớp phải thêm thuốc chữa về can huyết vì can chủ cân; nuôi dưỡng cân: Hà thủ ô, Đương quy…

– Vì thận chủ cốt tủy, nên các bệnh xương khớp mãn hay thêm thuốc bổ thận: Đỗ trọng, cẩu tích, Tục đoạn v.v…

– Vì chứng tý là do phong hàn thấp gây ứ đọng ở kinh lạc, gân xương, nên phải phối hợp với các thuốc thống kinh hoạt lạc: Quế chi, Tế tân, Đan sâm..vv…

– Bệnh lâu ngày cần dùng thuốc ngâm rượu cho mau dẫn.

Chú ý: Do thuốc có khí vị tân, khô, ôn nên hay làm hao tổn âm huyết, do đó cần thận trọng và phải phối ngũ khi sử dụng cho người bệnh âm huyết hư.

3. Những điểm cần chú ý khi dùng thuốc giải biểu

– Chỉ sử dụng thuốc này khi tà còn ở biểu, nếu tà khi đã đi vào bên trong mà biểu chứng hãy còn thì phải phối hợp với các thuốc chữa ở phần lý  (hạ, thanh, ôn) gọi là biểu lý cùng giải.

– Mùa hè nóng dùng lượng ít, mùa đông lạnh dùng lượng cao hơn.

– Phụ nữ sau khi đẻ, người già trẻ em dùng lượng ít và phối ngũ với các thuốc dưỡng âm, bổ huyết, ích khí.

– Các vị thuốc phát hãn gây ra mồ hôi, không nên dùng kéo dài, đạt kết quả chữa bệnh thì ngừng dùng thuốc ngay.

– Khi uống thuốc cho ra mồ hôi, nên uống nóng, ăn cháo nóng, đắp chăn mặc quần áo ấm để giúp cho việc ra mồ hôi tốt hơn.

4. Cấm kỵ khi sử dụng

– Tự ra mồ hôi (tự hãn) do khí hư, ra mồ hôi trộm (đạo hãn).

– Thiếu máu, đái ra máu, nôn ra máu.

– Mụn nhọt đã vỡ, các nốt ban đã mọc hết, bay hết.

– Sốt do âm hư (mất nước, điện giải); Thời kỳ hồi phục của các bệnh truyền nhiễm giai đoạn âm hư.

5. Các vị thuốc giải biểu

Phát tán phong hàn (tân ôn giải biểu)

Bạch chỉ Quế chi
Cảo bản Sinh khương
Hồ tuy Tân di
Kinh giới Tế tân
Ma hoàng Thông bạch
Tử tô

Phát tán phong nhiệt (tân lương giải biểu)

Bạc hà Phù bình
Tang diệp
Cát căn Sài hồ
Cúc hoa Thăng ma
Mạn kinh tử Mộc tặc

Phát tán phong thấp

Hy thiêm thảo Tần giao
Tang ký sinh
Thiên niên kiện Ngũ gia bì
Thổ phục linh Độc hoạt
Dây đau xương Thương truật
Khương hoạt Uy linh tiên
Phòng phong Mộc qua

Nguồn: Giáo trình yhct

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm