Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc kinh giới – Kinh giới (Herba Schizonepeta ) là toàn cây gồm cành, hoa, lá phơi hoặc sấy khô của cây kinh giới Schizonepeta tenuifolia  Briq, thuộc họ hoa môi Limiaceae

1. Tính vị quy kinh, tác dụng

  • Tác dụng dược lý 

Kinh giới chứa nhiều tinh dầu bay hơi, trong đó có d.Menthone, d – Limonene. Nước sắc kinh giới làm tăng tuần hoàn ngoại vi, tăng tiết mồ hôi, có tác dụng hạ sốt nhẹ, có tác dụng ức chế tụ cầu và trực khuẩn bạch hầu (Bacillus diphtheria), TK thương hàn (Salmonella typhi), TK lỵ (Shigella shigae), TK mủ xanh (Pseudomonas pyocyanea). Kinh giới có tác dụng cầm máu, giảm đau và kháng viêm.

  • Tính vị: cay, hơi ấm.  Qui kinh phế – can.
  • Tác dụng: phát biểu tán phong, mọc ban chẩn, tiêu mụn nhọt, sao cháy để cầm máu

vị thuốc kinh giới

2. Ứng dụng lâm sàng vị thuốc kinh giới

Chứng cảm mạo phong hàn gây sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, không ra mồ hôi thì dùng phối hợp với phòng phong, khương hoạt, độc hoạt như bài kinh phòng bại độc tán. Điều trị chứng cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện đau đầu, mắt đỏ, thường dùng phối hợp với ngân hoa, liên kiều, bạc hà như bài Ngân kiều tán.

Các chứng ban sẩn không mọc, dị ứng ngoài da: kinh giới có tác dụng làm mọc các ban sẩn, trừ phong giảm ngứa, tiêu độc mụn nhọt nên dùng để điều trị biểu tà ngoài kinh, trẻ con sởi không mọc, thường dùng phối hợp với thuyền thoái, bạc hà, tử thảo, như bài thấu chẩn thang. Điều trị trường hợp mẩn ngứa ngoài da, chàm, thường phối hợp cùng với phòng phong, xích thược, khổ sâm  như bài tiêu phong tán.

Điều trị mụn nhọt giai đoạn đầu kết hợp với biểu chứng, thường dùng cùng với khương hoạt, xuyên khung, độc hoạt, như bài bại độc ẩm; nếu thiên về phong nhiệt thì dùng phối hợp với ngân hoa, liên kiều, sài hồ như bài kim ngân bại độc tán.

Chứng nôn ra máu, đại tiện, tiểu tiện ra máu: kinh giới sao cháy có tác dụng lý huyết chỉ huyết, được dùng trong các chứng xuất huyết. Điều trị chứng huyết nhiệt vong hành, nôn ra máu chảy máu cam, thường dùng phối hợp với các thuốc lương huyết chỉ huyết như sinh địa,  bạch mao căn, trắc bách diệp; trường hợp tiểu tiện, đại tiện  ra máu, trĩ chảy máu thường dùng phối hợp với địa du, hoàng cầm sao cháy; trường hợp phụ nữ có thai bị động thai ra huyết có thể phối hợp dùng với tông lư thán, huyết dư thán, liên phòng thán.

3. Đơn thuốc có Kinh giới

Phương chọn lọc

1) Chữa chứng biểu phong hàn: Kinh giới phối hợp với Phòng phong và Khương hoạt đều 12g sắc uống.

Trường hợp cảm mạo, cảm cúm, đau đầu, sốt, nhức mình dùng bài Kinh phòng bại độc tán

Kinh giới Phòng phong
Khương hoạt Độc hoạt
Sài hồ Tiền hồ
Chỉ xác Phục linh
Cát cánh Xuyên khung
Cam thảo

(Nhiếp sinh chứng diệu phương)

2) Chữa chứng biểu phong nhiệt: Kinh giới phối hợp với Liên kiều, Bạc hà và Cát cánh trong bài Ngân kiều tán

3) Chữa viêm họng, viêm amidal cấp thường phối hợp Kinh giới với Cát cánh, Cam thảo tăng thêm tác dụng tiêu viêm.

4) Chữa các chứng chảy máu: Dùng thang Kinh giới kết hợp với thang Hoa hòe trị tiêu có máu, kết hợp than lá Trắc bách diệp, Bạch mao căn, trị chảy máu mũi. 5. Chữa viêm mũi dị ứng:

Kinh giới tuệ 8g Bạc hà 8g
Hoa Húng quế 8g Cây cứt lợn 12g
Lá Cối xay 12g

Sắc nước uống, chia 2 lần trong ngày.

5) Trị sản hậu chảy máu cam nhiều: Kinh giới, bồi khô, tán bột. Uống 8g với nước Đồng tiện (Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương trích của Hải Thượng Lương)

6) Trị đinh độc sưng đau: Kinh giới 1 nắm, sắc với 5 chén nước còn 1 chén, chia làm 3 lần uống lúc nguội (Dược Tính Luận).

7) Trị các chứng trúng phong: Kinh giới (loại xanh) 1 cân, Bạc hà (tươi) 1 cân, tất cả cho vào cối đá, dã nát, dùng vải trắng sạch vắt lấy nước cốt rồi cho vào nồi đất hoặc nồi nhôm, nấu thành cao. Lại lấy phần bã dã lấy 2 phần, bỏ đi 1 phần bã xấu. Đem 2 phần tốt đó phơi nắng cho khô, tán bột. Trộn với cao đã nấu trước, làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 15 viên với nước đun sôi, ngày 2 lần. Cần kiêng những thức ăn có tính động phong hỏa như cua biển, tôm, thịt mỡ, rượu (Kinh Nghiệm phương).

8) Trị trẻ nhỏ bị trĩ: Kinh giới, Tạo giáp, 2 thứ bằng nhau, nấu lấy nước thật đặc, dùng để rửa. Rồi lấy sắt nung đỏ nhúng vào nước, lấy nước đó bôi. Bài này cũng trị được chứng tử cung sa (Kinh Nghiệm phương).

9) Trị trẻ nhỏ rốn sưng: Hoa Kinh giới nấu lấy nước đặc để rửa. Rồi dùng Hành nướng cắt mỏng để nguội cho nó hết hơi hỏa độc rồi dán vào chỗ đó là tiêu tan ngay (Hải Thượng Lương phương).

10) Trị ngón chân lở loét: Kinh giới gĩa nát, đắp vào chỗ đau (Giản Tiện phương).

11) Trị trĩ lậu sưng đau: Hoa Kinh giới, nấu nước thật đặc, hàng ngày dùng để rửa thường xuyên sẽ khỏi (Giản Tiện Phương).

12) Trị đại tiện ra máu: Kinh giới 80g, Hoa hòe 40g, sao vàng sẫm, tán bột. Mỗi lần uống uống 12g với nước trà xanh (Giản Tiện Phương).

13) Trị bắp chân lở loét: Kinh giới đốt thành than, trộn với nước cốt Hành, bôi. Nhưng phải dùng Cam thảo nấu lấy nước, rửa rồi mới bôi thuốc vào (Trích Huyên phương).

14) Trị lao huyết, phong khí gây nên đầu đau, chóng mặt: Hoa Kinh giới, tán bột, mỗi lần uống 12g với rượu (Long Mộc Luận).

15) Trị sản hậu bị trúng phong: Kinh giới tán nhuyễn, hòa với rượu uống. Công dụng như thuốc tiên (Dược Phẩm Vậng Yếu).

Một số bài thuốc dùng trong dân gian

1) Chữa cảm nóng, ngã ngất:

Một năm kinh giới tươi (thứ kinh giới Việt Nam) chừng 50g giã nhỏ, thêm vài miếng gừng tươi, vắt lấy nước cho uống, bã còn lại dùng để đánh dọc sống lưng.

Có thể dùng kinh giới phơi khô (20g) sao hơi vàng, thêm 200ml nước sắc còn 100ml uống lúc còn nóng. Đắp chăn cho ra mồ hôi.

2) Phụ nữ băng huyết, trẻ con người lớn bị máu cam:

Kinh giới tuệ sao đen 15g, nước 200ml sắc còn 100ml cho uống làm 2-3 lần.

3) Thuốc cảm:

Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương, các vị bằng nhau, dùng nước sắc nhiều lần, hợp các nước sạc lại, có các thành cao viên bằng hạt ngô. Khi bị cảm uống chừng 7-8 viên thuốc này. Dùng nước lá tre mà chiêu thuốc. Trẻ con chỉ dùng 2 đến 4 viên. Viên thuốc trên có thể dùng chữa lỵ (dùng nước sắc cây mơ lông mà chiêu thuốc)

4) Chữa cảm cúm:  

Kinh giới tán: Kinh giới tuệ sao vàng tán nhỏ. Khi bị cảm dùng 6-8g bột này. Tất cả những bài thuốc trên có thể dùng thử kinh giới Việt nam mà chế, không cần thiết dùng loại kinh giới Trung Quốc.

Chú ý:

Ngay tại Trung Quốc, một vài tỉnh dùng với tên kinh giới một số cây khác như Schizonepeta multifida Brig. (thứ kinh giới có lá xẻ nhiều).

một loại hương nhu Elsholtzia patritti Garcke ” (cây này trông gần giống cây kinh giới của ta).

Ngoài ra còn một cây nữa mang tên thổ kinh giới nhưng lại là một cây khác hẳn, với công dụng khác hẳn, đó là cây đầu giun Chenopodium ambrosioides L. Cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

4. Trích dẫn y văn

+ Phụ nữ sản hậu đều lấy Kinh giới làm vị thuốc cốt yếu vậy (Đái Nguyên Lễ Yếu Quyết Phương).

+ Ông Chu Thủ Nhân ở huyện Võ Tiến nói rằng: Cái cổ của ông đau cứng không thể quay được, thế mà tôi dùng bài thuốc dưới đây mấy ngày là bớt. Nếu bị lở loét thối tha, dùng gốc cây Kinh giới 1 đoạn ở dưới gốc chẻ nhỏ, bỏ vào nồi nước nấu sôi kỹ, để hơi ấm rửa. Một lúc sau, xem chỗ lở nát có chỗ nào tím đen thì dùng kim khêu cho chảy máu độc ra, rồi lại rửa 3-4 lần nữa. Lại dùng Chương não, Hùng hoàng, 2 vị bằng nhau, tán bột, hòa với dầu mè, bôi vào chỗ chảy nước, ngày hôm sau lại rửa, lại bôi thuốc cho đến khi khỏi (Hoạt Pháp Cơ Yếu).

+ Kinh giới trị phong. Quan tướng quốc họ Cổ gọi là Tái Sinh Đơn, ông Hứa học sĩ cho là nó có công như thần như thánh; Ông Đái viện sứ cho rằng Kinh giới là thuốc chủ yếu của bệnh sản hậu; Ông Tiêu Tồn Kính gọi là một nắm vàng. Không phải vô cớ mà có những tên gọi như vậy. Tuy nhiên, khi dùng phải x t: người đời nay hễ gặp chứng phong liền dùng Kinh giới, Phòng phong là thuốc sơ khí, tán phong, sùng với nhau. Họ không biết rằng phong ở trong da, ngoài niêm mạc thì dùng Kinh giới làm chủ, không giống như Phòng phong nó chạy vào đến xương thịt của người ta (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Ngày xưa ông Giả Tự Đạo nói rằng, bài Kinh Giới Tán xuất xứ từ ‘Hội Công Đàm Lục’, trước sau đã dùng nhiều lần, rất công hiệu. Chính con tôi tên là Thuận bị bệnh trúng phong không nói được, nguy kịch đến nơi, thế mà uống bài này liền đỡ ngay, thật là quý vậy thay. Thật là bài thuốc vãn tử hồi sinh làm cho người ta chết sống lại được vậy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Ông Lý Thời Trân nói rằng: Bài Dũ Phong Tán đã được các sách đều khen ngợi là hay cả (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). + Kinh giới là 1 vị thuốc thánh trong những bệnh về phong dược và về huyết cùng các chứng mụn nhọt ghẻ lở vậy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Sức phát hãn của Kinh giới huệ mạnh hơn Kinh giới. Không có mồ hôi dùng Kinh giới huệ, có mồ hôi dùng Kinh giới sao; vào huyết phận dùng Kinh giới sao thành than (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Kinh giới có tác dụng phát tán khử hàn như Ma hoàng, nhưng Ma hoàng lại mạnh mẽ, nhanh chóng, Kinh giới thì tương đối hòa hoãn. Vả lại Ma hoàng thiên về khứ hàn tà ở lưng thuộc kinh Thái dương, còn Kinh giới thì khứ hàn tà ở toàn thân (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Kinh giới có tên riêng là Giả tô, vì tính vị cay ôn, giống như Tử tô, nhưng Kinh giới cay mà không gắt, ôn mà không táo, đúng là thuốc hơi cay, hơi ôn Cho nên người bị thương hàn, ôn bệnh thuộc cảm mạo, thì bất luận phong hàn, phong nhiệt đều có thể dùng được (Đông Dược Học Thiết Yếu).

5. Liều dùng bào chế và kiêng kỵ

  • Liều dùng: 3 -10g. Không nên sắc lâu.

Dùng sống trong trường hợp làm tiêu mụn nhọt, mọc ban chẩn. Sao vàng dùng trong trường hợp muốn cầm máu.

  • Thu hái – sơ chế Thông thường kinh giới được thu hái vào mùa thu khi mà hoa còn có màu xanh. Khi lấy các bộ phận thì gọi là kinh giới còn nếu chỉ lấy hoa thì gọi là kinh giới tuệ. –
  • Bào chế thuốc 

– Thu hoạch rồi đem rửa sạch, cắt thành từng đoạn, đem phơi khô rồi bảo quản để dùng dần. Cũng có người cho vào nồi, sao đen rồi mới đem phơi khô.

– Lấy kinh giới cho vào nồi sao thành màu nâu đen rồi phơi cho khô, bảo quản để dùng dần.

  • Bảo quản Kinh giới thường được được để ở nơi khô ráo, trong hộp đậy kín để tránh độ ẩm dễ gây mối, làm mất tác dụng của thuốc. 

Nguồn: Tổng hợp ( có sử dụng tư liệu của L/Y Hy Lãn)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm