Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Tần giao trong sách thuốc cổ Bản kinh của Trung quốc là rễ của nhiều loại cây thuộc họ Long đởm (Gentianaceae)

Một số tên thường gọi khác như: Thanh tảo, Thanh táo, Tần cửu … Tuy nhiên thuốc dùng hiện nay là vị Tần giao  bắc, tức là vị Tần giao mà chúng ta vẫn còn phải nhập của Trung quốc.

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Bộ phận dùng: Rễ của cây, rễ sắc vàng, thơm, dẻo, dài độ 10 – 20cm là tốt.

Thu hái: Thu hái cây tần giao quanh năm, đào lấy rễ đối với những cây đã đủ lớn, thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào mùa hè (tháng 7 hoặc tháng 8).

Cách bào chế:

+ Theo Trung Y: Dùng Tần giao lấy vải chùi sạch lông vàng trắng, ngâm nước một đêm rửa sạch phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).

+ Theo kinh nghiệm Việt Nam: Bỏ cuống, lần ra cho khỏi rối, nhặt bỏ tạp chất, rửa sạch cắt khúc ngắn phơi khô sau đó có thể tẩm rượu dùng.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, mát, thoáng gió.

2. Tác dụng dược lý theo Tây y

+ Tác dụng kháng viêm rõ rệt, do thành phần Gentianine A tác dụng lên hệ thần kinh làm hưng phấn chức năng tuyến yên, vỏ thượng thận. Thuốc còn có tác dụng an thần, giảm đau, giải nhiệt, kháng Histamin, chống choáng do dị ứng (Trung Dược Học).

 + Dưới tác dụng của Gentianine A, Tần giao có khả năng nâng cao đường huyết, hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim trong thời gian ngắn. Nước sắc Tần giao có tác dụng lợi tiểu (Trung Dược Học).

+ Nước Tần giao ngâm rượu, có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lỵ, thương hàn, phẩy khuẩn thổ tả, tụ cầu vàng và một số nấm ngoài da (Trung Dược Học).

+ Tần giao vừa có tác dụng trị viêm khớp và thống phong (Thực Dụng Trung Y Học).

+ Nước sắc Tần giao có tác dụng giải nhiệt rõ rang (Thực Dụng Trung Y Học).

VỊ thuốc Tân giao

3. Vị thuốc Tần giao theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị:

+ Vị đắng tính bình (Bản Kinh).

+ Vị cay hơi ôn, không độc (Danh Y Biệt Lục).

+ Vị đắng cay tính hơi hàn (Trung Dược Học).

+ Vị đắng tính bình (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

+ Vào kinh Đởm, Can, Vị (Trung Dược Học).

+ Vào kinh thủ, túc Dương minh, Can, Đởm (Bản Thảo Cương Mục).

+ Vào kinh Vị, Đại trường, Can, Đởm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

3.2 Công năng chủ trị

Công dụng:

+ Lợi đại tiểu tiện, giải độc rượu (Dược Tính  Bản Thảo).

+ Trừ phong thấp, thư cân hoạt lạc, thanh hư nhiệt (Trung Dược Học).

+ Dưỡng huyết bổ gân (Trân Châu Nang).

+ Tán phong táo thấp, điều hoà khí huyết, thư cân (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+Trị nóng rét qua lại, phong tê gân xương co quắp, hoàng đản, đại tiện ra huyết, cốt chưng lao nhiệt, trẻ nhỏ cam nóng.

+ Trị phong thấp đau nhức, nóng trong xương (Trung Dược Học).

+ Trị phong thấp đau nhức co cứng, đặc biệt đau nhức do phong thấp gây nên ở hai chân rất thích hợp. Hư lao, nóng trong xương (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Chân tay đau nhức lâu ngày, do khí huyết không được dinh dưỡng chứ không phải do thấp nhiệt: không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

4. Một số bài thuốc có vị Tần giao

1)Trị thấp khớp, viêm đa khớp

Bài 1

Tần giao 12g Phòng kỷ 12g
Độc hoạt 8g Xuyên khung 8g
Bạch chỉ 10g Hải phong đằng 10g
Nhũ hương 10g Đào nhân 10g
Hoàng bá 10g Uy linh tiên 10g

Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Bài 2

Tần giao 12g Bạch chỉ 12g
Vỏ cây vông 12g Nhũ hương 12g
Độc hoạt 12g Nhân hạt đào 12g
Hoàng bá 12g Uy linh tiên 12g
Xuyên khung 8g Hán phòng kỷ 16g

Sắc uống. Trị thấp khớp, đau nhức các khớp xương hoặc chân tay co quắp.

Bài 3

Tần giao 12g Thạch cao 8g
Cam thảo 8g Xuyên khung 8g
Đương quy 8g Độc hoạt 8g
Bạch thược 8g Khương hoạt
Phòng phong 4g Hoàng cầm 4g
Bạch chỉ 4g Sinh địa 4g
Thục địa 4g Bạch linh 4g
Tế tân 2g

Các vị tán thành bột, mỗi lần dùng 40g, hãm bỏ bã, uống nóng. Tác dụng: khu phong, thanh nhiệt, điều lý khí huyết.

2)  Trị hư lao ( sốt về chiều, mồ hôi trộm):

Tần Giao Miết Giáp Tán

Tần giao 20g Tri mẫu 20g
Đương quy 20g Miết giáp 40g
Địa cốt bì 40g Sài hồ 40g

Tán bột, mỗi lần dùng 20g, thêm Ô mai 1 trái, Thanh hao 12g, sắc uống trước khi đi ngủ (– Hồ Nam Trung Y Học Viện).

Bài 2

Tần giao 12g Địa cốt bì 12g
Thanh hao 8g Cam thảo 8g

Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng)

Bài 3 Thuốc bột tần giao, mai ba ba

Tần giao 20g Tri mẫu 20g
Đương quy 20g Mai ba ba 32g
Địa cốt bì 32g Sài hồ 32g

Các vị nghiền chung thành bột mịn. Lấy 20g bột sắc với ô mai 1 quả, Thanh cao 12g. Uống lúc gần đi ngủ. Trị sốt về buổi chiều, nóng hâm hấp trong xương.

Bài 4

Tần giao 12g Địa cốt bì 12g
Thanh cao 8g Cam thảo 8g

Sắc uống. Trị hư lao, buổi chiều hơi sốt, khi đi ngủ hay ra mồ hôi.

Bài 5

Tần giao 12g Thanh hao 12g
Miết giáp 12g Tri mẫu12g
Địa cốt bì 12g

Trị sốt về chiều do âm hư.

Bài 6

Tần giao 4 – 6g Cam thảo chích 2 – 4g
Bạc hà diệp 2 – 4g

Các vị tán bột, hãm bỏ bã, uống ấm. Trị trẻ nhỏ phát sốt.

5. Liều thường dùng và kiêng kỵ

Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.

Kiêng kỵ:

+ Không dùng đối với người có thể trạng yếu hoặc người bị tiêu chảy.

+ Khí huyết hư hao không dùng tần giao.

+ Phàm những thuốc tán phong phần nhiều là táo, táo thì thường làm tổn thương chân âm, nhưng chỉ có vị Tần giao thiên về nhuận trừ phong mà không táo, trái lại còn có tác dụng  giải được chứng cốt chưng phát sốt, là vị thuốc nhuận trong nhóm thuốc phong vậy (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Tần giao là thuốc của kinh Dương minh, có vị cay tán, khổ tiết, tính bình, có thể tán phong trừ thấp, thư cân thông lạc, dùng chủ yếu trị khớp ở hạ chi nóng, đau (Thực Dụng Trung Y Học).

Nguồn: Tổng hợp/ Có sử dụng tài liệu của L/y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm