Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Khương hoạt còn có tên gọi khác  Hồ Vương Sứ Giả, Khương Thanh (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển). Tây Khương Hoạt, Xuyên Khương Hoạt (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên Khoa Học: Notopterygium incisium Ting.

Họ khoa học: Hoa Tán (Apiaceae).

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

– Bộ phận dùng: Là Thân rễ và rễ (Rhizoma Notoptergyii) của cây Khương hoạt. Rễ to có đầu mấu cứng như đầu con tằm, thịt màu nâu đậm, xốp nhẹ.

– Mô tả dược liệu:

Tằm khương: Là phần thân rễ của cây khương hoạt, có hình trụ tròn hơi cong, hình dạng như con tằm. Tằm khương có vỏ ngoài mùa nâu, trên thân có nhiều đốt vòng chi chít nổi lên tựa cục bướu. Bên trong có màu trắng hoặc vàng nhạt.

Điều khương: Cũng là phần rễ của cây khương hoạt, nhưng có hình trụ tròn hoặc phân nhánh, đoạn trên hơi to. Điều khương có vỏ ngoài màu nâu và các đốt tròn thưa nổi lên như cục bướu. Bên trong xốp, dòn dễ gẫy, mặt gẫy không thấy rõ điểm chấm đỏ. Mùi vị hơi nhẹ thoang thoảng (Dược Tài Học).

– Thu hái và bào chế: Về hoạch về mùa Thu, đào cắt bỏ rễ tơ. Sau đó thái lát mỏng đem phơi hoặc sấy khô.

– Bảo quản – Để nơi khô mát, tránh ẩm mốc.

2. Tác dụng dược lý theo Tây y

Tác dụng hạ sốt, giảm đau

Tinh dầu Khương hoạt có tác dụng hạ sốt rõ rệt trên thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây sốt bằng men bia. Trên thỏ gây sốt dịch tiêm chế từ Khương hoạt 2ml chứa 0,04 tinh dầu  có tác dụng hạ sốt tương đương analgin. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây quặn đau bằng acid acetic 0,5%, dùng tinh dầu Khương hoạt tiêm xoang bụng có tác dụng làm giảm số lần quặn đau.

Giảm thiếu máu cơ tim cấp tính 

Tinh dầu Khương hoạt 3% và 6% với liều 1ml/100g cân nặng, cho thẳng vào dạ dày chuột cống trắng có tác dụng giảm cơ tim thiếu máu cấp tính.

Chống loạn nhịp tim

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây loạn nhịp bằng aconitza. Dung dịch chiết nước từ Khương hoạt với liều 10g/kg có tác dụng kéo dài thời gian tiềm phục và rút ngắn thời gian rối loạn nhịp tim. Dạng chiết trên dùng với liều 20g/kg có tác dụng đối kháng với rung thất do calci clorid gây nên.

Dịch chiết Khương hoạt bằng đường uống trên thỏ với liều 5g/kg có tác dụng rút ngắn thời gian tim loạn nhịp do  chloroform và adrenalin gây nên.

Tác dụng kháng khuẩn

Thí nghiệm in vitro tinh dầu Khương hoạt với nồng độ 0,002g/ml trở lên, có tác dụng ức chế các chủng: Bacillus dysenterae; B.typhi; B. pyocyaneus và B. enteritidis.

Tác dụng chống choáng

Nước sắc Khương hoạt 50% dùng với liều 0,5ml bằng đường dạ dày, trong 12 ngày liên tục có tác dụng đối kháng với choáng do kích thích điện gây nên. Làm giảm số lượng chuột xuất hiện choáng và chết do choáng gây nên. Nhưng dùng liều lớn một lần 100% – 1ml không thấy thể hiện tác dụng này.

Tác dụng chống viêm, chống dị ứng

Tinh dầu pha loãng cho qua dạ dày trên chuột nhắt trắng, có tác dụng giảm phù bàn chân chuột do carragenin và dextran gây nên. Ngoài ra Khương hoạt còn có tác dụng ức chế phản ứng quá mẫn muộn do 2,4 dinitrochlobenzen gây nên và làm giảm lượng vitamin C ở tuyến thượng thận.

vị thuốc khương hoạt

3. Vị thuốc Khương hoạt theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị

+ Tính Vị: Vị cay, đắng, tính ôn, mùi thơm hắc, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

+ Vị cay, đắng, the, tính ôn (Trung Dược Học).

+ Vị cay, đắng, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy Kinh

+ Vào kinh Bàng quang, Thận (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Bàng quang, Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

3.2 Công năng chủ trị

Công Dụng

+ Giải biểu, khứ hàn, dẫn khí đi vào kinh Thái dương và mạch Đốc, thông kinh hoạt lạc ở chi trên và lưng (Trung Dược Học).

+ Phát hãn, giải biểu, trừ phong, thắng thấp (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ Trị: Trị phong thấp đau nhức, cảm phong hàn.

3.3 Liều thường dùng và kiêng kỵ

Liều Dùng: 4-12g /ngày.

Kiêng Kỵ: Người đầu đau, cơ thể đau do huyết hư: không dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

4. Một số bài thuốc có vị Khương hoạt

1)Trị phong đau nhức các khớp: Khương hoạt, Độc hoạt, Tùng tiết, 3 vị trên lượng bằng nhau, cho vào rượu, nấu sơ qua rồi ngâm luôn trong đó. Mỗi ngày, lúc đói, uống 1 chén hoặc nhiều ít tùy ý (Ngoại Đài Bí Yếu).

2)Trị trúng phong cấm khẩu, cổ đau không ăn uống được: Khương hoạt 120g, Ngưu bồn tử 80g, sắc nước cho kỹ việc 1 chén, thêm 1 ít phèn chua rồi đổ vào họng (Thánh Tế Tổng Lục).

3)Trị sản hậu bị trúng phong:

Khương hoạt 120g, tán bột. Mỗi lần dùng 20g, nước 1 chén, rượu 1 chén, sắc còn 1 chén, uống (Tiểu Phẩm Phương).

4) Sản hậu đau bụng do phong: Khương hoạt 80g, thêm rượu và nước sắc uống (Tất Hiệu Phương).

5) Sản hậu sa tử cung: Khương hoạt 80g, thêm rượu và nước sắc uống (Tử Mẫu Bí Lục).

6) Trị có thai bị phù thũng: Khương hoạt, La bặc tử, trộn chung, sao thơm rồi bỏ La bặc đi, chỉ lấy Khương hoạt. Các vị tán bột, mỗi lần uống 8g với rượu hâm nóng. Ngày thứ 1 uống 1 lần, ngày thứ 2 uống 2 lần, ngày thứ 3 uống 3 lần. Bài này của Trương Xương Minh có thể trị được chứng phong thủy phù thũng (Bản Sự Phương).

Bài khác  thì không bỏ La bặc tử, mỗi lần uống 68g. Ngày đầu uống 1 lần, ngày thứ 2 uống 2 lần, ngày thứ 3 uống 3 lần. Uống với rượu (Dược Liệu Việt Nam).

7) Trị con ngươi sa xuống: Khương hoạt sắc lấy nước uống liên tục được chừng vài 3 chén là khỏi, tuyệt diệu! (Hạ Tử Ích Kỳ Tật Phương).

8) Trị thương hàn thái dương : Khương hoạt, Hồng đậu, Phòng phong, 3 thứ lượng bằng nhau, tán nhuyễn, thổi vào mũi là khỏi (Ngọc Cơ Vi Nghĩa).

9) Chữa cơ co gây nói ngọng, chân tay co quắp: Khương hoạt, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8-12g với rượu (Dược Liệu Việt Nam).

10) Trị đau vai, đau cứng cổ, cứng gáy:

Khương hoạt 9g Độc hoạt 9g
Cảo bản 6g Xuyên khung 6g
Phòng phong 6g Cam thảo 6g
Mạn kinh tử 4g

Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng trước bữa ăn.

 11) Trị bán thân bất toại

Khương hoạt 12g Đương quy 12g
Hương phụ (chế giấm) 12g Uy linh tiên 9g
Độc hoạt 9g Ngũ gia bì 9g
Chỉ xác 9g Nhũ hương 9g
Ô dược 9g Phòng phong 9g
Vảy tê tê (tôi giấm) 6g Cam thảo 6g

 Nhũ hương để riêng, các vị khác sắc nước, sau đó hòa tan nhũ hương vào nước sắc còn nóng, rồi uống.

12) Trị đau nhức xương khớp từ thắt lưng trở lên

Khương hoạt 12g Phòng phong 12g
Thương truật 12g Xuyên khung
Bạch chỉ 8g Sinh địa 8g
Hoàng cầm 8g Cam thảo 8g
Tế tân 4g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1 giờ.

 13) Trị cảm mạo phong hàn: 

Cam thảo 4g Hoàng cầm 4g
Xuyên khung 4g Sinh địa hoàng 4g
Bạch chỉ 4g Tế tân 2g
Khương hoạt 6g Thương truật 6g
Phòng phong 6g

Đem sắc uống.

5. Lưu ý khi dùng

Những người huyết hư, không do nguyên nhân phong hàn thì không dùng vì thuốc mang tính ôn táo dễ hao tổn tân dịch.

So với độc hoạt, khương hoạt dùng tốt trong các chứng thấp đau nhức xương cốt thần kinh từ lưng trở lên.

6. Trích dẫn y văn

+ Dược Phẩm Vậng Yếu: Khương hoạt là vị thuốc dẫn vào cả trong lẫn ngoài kinh mạch thủ túc Thái dương để trị chứng du phong chạy vào phần khí của túc Thiếu âm, Quyết âm. Không phải chủ về mềm yếu, nhút nhát mà thật là rất có tác dụng lớn để dẹp loạn cho quay về chính. Nhưng trị đau khớp chân tay do phong thì nên dùng, nếu như đau do huyết khí hư mà dùng lầm thì trái lại sẽ đau nặng hơn.

+ Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển:  Khương hoạt cùng với Xuyên khung trị được chứng thương hàn Thái dương kinh rất hay.

+ Đông Dược Học Thiết Yếu: Khương hoạt giỏi về trừ phong thấp, có thể đi thẳng lên đỉnh đầu, đi ngang ra cánh tay. Độc hoạt cũng thiên về trị phong thấp, có thể sơ thông ngang lưng, đầu gối đi xuống đùi, chân.

+ Phương Pháp Bào Chế Đông Dược: Khương hoạt trị phần trên, Độc hoạt trị phần dưới, vì vậy, người xưa trị phong phần nhiều dùng Độc hoạt, trị thủy thũng thì dùng Khương hoạt.

+ Phương Pháp Bào Chế Đông Dược: Độc hoạt sinh ở Tây khương nên gọi là Khương hoạt.

Có tài liệu nói rễ cái là Độc hoạt, rễ con là Khương hoạt.

Nguồn: Tổng hợp/ Có sử dụng tài liệu của L/y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm