Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Thăng ma – Thăng ma (Rhizoma Cimicifugae foetidae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thăng ma Cimicifuga foetida L, thuộc họ mao lương Ranunculaceae

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Tên gọi khác: Quỷ kiếm thăng ma, châu thăng ma, kê cốt thăng ma, châu ma, tây và bắc thăng ma.

Bộ phận sử dụng: Thân và rễ của cây được thu hái để làm thuốc.

Thu hái và sơ chế

+ Rễ của cây được thu hái chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu. Sau đó loại bỏ thân mầm, tạp chất và rửa sạch rồi đem phơi/ sấy khô.

+ Ngoài ra, có thể bào chế bằng cách đem rễ ngâm với nước trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó bỏ thân rễ vào nồi, đậy kín trong vòng 1 đêm. Ngày hôm sau lấy ra, thái thành phiến mỏng, tẩm mật sao qua hoặc phơi khô dùng dần.

Bảo quản: Để nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm mốc.

2. Tác dụng của Thăng ma theo Tây y

+ Thăng ma có tác dụng hạ sốt, chống viêm giảm đau chống co giật, ức chế TK lao, Staphylococcus aureus, ngoài ra còn có tác dụng giảm nhịp tim, hạ huyết áp.

+ Nước sắc từ dược liệu có khả năng ức chế và điều trị một số loại nấm gây bệnh ở da, vi khuẩn lao,…

+ Tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim, làm chậm nhịp tim và tăng hưng phấn bàng quang, tử cung,…

+ Giảm đau, hạ thân nhiệt, chống co giật và thanh giải độc tố.

Vị thuốc thăng ma

3. Vị thuốc Thăng ma theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị:

+ Biệt Lục Tính vị: Vị đắng, hơi hàn, không độc.

+ Y Học Khải Nguyên: Khí bình, vị hơi đắng

+ Thang Dịch Bản Thảo: Vị hơi đắng, tính hơi hàn

+ Dược Tính Luận Vị đắng, ngọt, kiêm cay, khí thăng

Quy kinh:

+ Y học Khải Nguyên: Vào kinh túc Dương minh Vị, túc Thái âm Tỳ

+ Thang Dịch Bản Thảo: Vào kinh thủ Dương minh Đại trường, thủ Thái âm Phế

+ Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Vào kinh Phế, Vị

Công dụng:  

+ Lan Thất Bí Tàng: Hành dương, vận kinh.

+ Bản Thảo Bị Yếu: Năng giải Tỳ Vị cơ nhục gián nhiệt

+ Bản Thảo Cương Mục: Tiêu ban chẩn, hành ứ huyết

+ Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Tuyên độc, thấu chẩn, thăng dương, cử hãm.

3.2 Tác dụng chủ trị của Thăng ma

Tác dụng: phát biểu thấu chẩn, thanh nhiệt giải độc, thanh đề dương khí.

+ Chứng phong nhiệt ở phía trên, thuộc kinh dương minh gây đau đầu, thường phối hợp với thạch cao, hoàng cầm , bạch chỉ. Chứng ngoại cảm phong nhiệt, hiệp thấp gây đau đầu, đau cổ gáy thường dùng cùng với thương truật, bạc hà, kinh giới như bài thanh chấn thang. Thăng ma có tác dụng thăng tán thấu biểu, làm mọc ban sởi, thường dùng cùng với cát căn, bạch thược, cam thảo như bài thăng ma cát căn thang.

+ Điều trị đau răng, loét miệng, sưng đau họng, thường dùng cùng với thạch cao, hoàng liên, đan bì như bài thanh vị tán, nếu trị sưng đau họng thường dùng cùng với hoàng cầm, hoàng liên, huyền sâm như bài phổ tễ tiêu độc ẩm. Điều trị bệnh truyền nhiễm phát ban sưng đau họng, mắt đỏ thường dùng cùng với miết giáp, đương quy, hùng hoàng như bài thăng ma miết giáp thang.

+ Chứng khí hư hạ hãm, ỉa chảy lâu ngày gây trĩ, sa trực tràng, băng kinh, thường dùng cùng với nhân sâm, hoàng kỳ, hoàng kỳ, bạch truật như bài cử nguyên tiễn.

4. Một số bài thuốc có Thăng ma

1) Thăng Ma Miết Giáp Thang: Trị dương độc, mặt đỏ loang lổ, họng đau, nôn ra mủ máu:

Cam thảo 80g Đương quy 80g
 Hùng hoàng 20g  Miết giáp 1 miếng to bằng ngón tay (nướng)
Thăng ma 80g Thục tiêu 40g

Sắc uống hết 1 lần cho ra mồ hôi (Kim Quỹ Yếu Lược).

2) Chữa bị mụn nhọt, đau: Thăng ma, mài với giấm bôi (Trửu Hậu phương).

3) Chữa miệng lở loét: Thăng ma, Hoàng bá, Đại thanh. Sắc, ngậm nuốt dần (Ngoại Đài Bí Yếu).

4) Chữa thương hàn nóng lạnh qua lại:

Thăng ma 40g Thường sơn 40g
 Độc tất 40g

Tán bột, mỗi lần dùng 16g, sắc với 1 chén nước còn 6 phân, bỏ bã, uống lúc đói. Uống xong thường bị nôn ra, có thể uống tiếp (Thánh Huệ phương).

5) Huyền Sâm Thăng Ma Thang: Chữa hậu thương hàn mà đã hãn thổ

Chích thảo 20g Huyền sâm 20g
Thăng ma 20g

Chặt nhỏ thuốc ra, mỗi lần dùng 20g, sắc với 1 chén nước còn 7 phân, bỏ bã, uống (  Loại Chứng Hoạt Nhân Thư).

6) Chữa cấm khẩu lỵ:

Thăng ma (loại mầu xanh), sao với giấm 4g Liên nhục (bỏ tim, sao cháy vàng) 30 hột
Nhân sâm 12g

Sắc với 1 chén nước còn ½ chén, uống. Hoặc tán nhuyễn, trộn với mật làm viên, mỗi lần uống 16g (Y Học Quảng Bút Ký).

7) Thăng Ma Cát Căn Thang trị thời khí ôn dịch, sang chẩn vừa mới phát hoặc chưa phát:

Thăng ma 400g Bạch thược 400g
Chích thảo 400g Cát căn 600g

Tán bột, mỗi lần dùng 12g, sắc với 1,5 chén nước còn 1 chén, bỏ bã, uống nóng, ngày 2-3 lần ( – Diêm Thị Tiểu Nhi Phương Luận).

8) Trị phụ nữ vú sưng, u vú:

Thăng ma 8g Cam thảo tiết 8g
Thanh bì  8g Qua lâu nhân 12g

Sắc uống nóng (Chứng Trị Chuẩn Thằng).

9) Thăng Ma Sài Hồ Thang: Trị tâm và tỳ có hư nhiệt bốc lên trên, miệng lưỡi lở, cuống lưỡi rụt, má sưng đau:

Chi tử 30g  Đại thanh 24g
Hạnh nhân 24g  Hoàng kỳ 24g
 Mộc thông 30g Sài hồ 30g
Thăng ma 30g Thạch cao 60g
Thược dược 30g

Mỗi lần dùng 12g, thêm Gừng 5 lát, sắc uống ( – Tam Nhân Cực – Bệnh Chứng Phương Luận).

10) Thanh Vị Tán: Trị dạ dầy nhiệt, miệng lở, chân răng sưng, chân răng ra máu:

Thăng ma Đơn bì
Quy thân Sinh địa
Hoàng liên

Sắc uống ( – Lan Thất Bí Tàng).

11) Thăng Hãm Thang: Trị hơi thở ngắn, khí ở ngực bị dồn xuống:

Hoàng kỳ 20g Thăng ma 4g
Tri mẫu 8g Cát cánh 8g

Sắc uống ( – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

12) Chữa sốt khi mới lên đậu:

Thăng ma 8g Cát căn 5g
Đại táo 10g Thược dược 2g
Sinh khương 2g Cam thảo 1g

Nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày

13) Đau nhức răng, cổ họng lở loét: Thăng ma 4g, sắc với 200ml nước ngậm trong miệng lâu rồi nuốt. Ngày 2-3 lần.

5. Trích dẫn y văn

+ Thăng ma dùng chung với Thông bạch, Bạch chỉ, Thạch cao trị phong tà ở kính thủ, túc Dương minh; Dùng chung với Sâm, Truật, Thược trị nhiệt ở bì phu của thủ túc Thái dương (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Thăng ma bẩm thụ khí rất thanh sạch, đưa lên 9 tầng trời, cho nên, người nguyên khí kém thì dùng vị này (là thuốc dương dược trong âm dược) vì nguyên khí của người hư nhược thì thăng lên nhiều mà giáng xuống ít. Kinh nói: Âm tinh đi lên để nuôi dưỡng thì con người sống lâu, dương tinh giáng xuống thì con người chết yểu. Lý Đông Viên dùng Thăng ma trong bài Bổ Trung Thang là ông đã nhìn thấy riêng về ý nghĩa tinh vi đó, dùng Thăng ma để dẫn thanh khí của túc Dương minh xoáy vòng đi lên theo hướng bên phải, dùng Sài hồ để dẫn thanh khí của túc Thiếudương đi xoáy vòng lên theo hướng bên trái, giúp cho Sâm, Kỳ, Quy, Truật để bổ nguyên khí trong Tỳ Vị (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Không nên dùng lượng nhiều vì thuốc kích thích dễ gây ra nôn mửa, liều cao gây nên đầu đau, chóng mặt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Chú thích:

Triều Tiên xem vị thiện thắng mà (Cimicifuga heracleifolia) là vị thuốc chính thức Công nhận trong Triều Tiên bán dược cục phương và quy định như sau: Độ ẩm dưới 13%, độ tro dưới 13%, tro không tan trong axit clohydric dưới 5%, cao tan trong cồn trên 13%.

6. Liều thường dùng và kiêng kỵ

Liều dùng thông thường: 4 – 8g/ ngày.

Kiêng kỵ:

+ Người có âm hư hỏa vượng

+ Chảy máu cam, thổ huyết và ho có đờm

+ Nôn mửa

+ Thận kinh bất túc

+ Thương hàn mới phát ở thái dương

+ Sởi đã mọc hết

+ Hen suyễn

+ Ngoài ra cần chú ý phân biệt với loại thăng ma họ Cúc (Serratura chinensis). Dược tính của hai loại thực vật này khác nhau, vì vậy khi lựa chọn nguyên liệu cần phải thận trọng.

+ Bản Thảo Kinh Sơ: Phàm các chứng thổ huyết, chảy máu cam, ho nhiều đờm, âm hư hỏa vượng, thận kinh bất túc, khí nghịch, nôn mửa, điên cuồng: không nên dùng.

+ Đắc Phối Bản Thảo: Thương hàn mới phát ở thái dương, đậu chẩn mọc rồi, hạ nguyên bất túc, âm hư hỏa đờm cấm dùng

+ Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Sởi đã mọc và suyễn đầy, khí nghịch không dùng

Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng tài liệu của L/Y Hy Lãn)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm