Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Cát căn – Cát căn (Radis Puerariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây sắn dây Pueraria lobata (Willd) ohw, hoặc Pueraria thomsonii Benth, thuộc họ cánh bướm Papillionaceae. 

Còn gọi: Can cát, sắn dây, cát căn nướng, tro cát căn, bột cát căn.

Tên gọi trong sách cổ: Kê tề (Bản kinh), lộc hoắc, hoàng cân (Biệt lục), lộc đậu, lộc đậu trung, cát đằng căn, thiết cát đằng, kê tể căn (Hòa hán dược khảo).

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Thu hái:

Trồng vào tháng 3-4 đến hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ, biến chế thành dược liệu để bán hay dùng. Cây trồng 2 năm thì ra hoa, tháng 5-7 lúc bông (chùm) hoa đã có 2/3 hoa nở có thể hái phơi khô bán hay dùng.

Phần dùng làm thuốc:

Dùng rễ (thường gọi là củ), hình trụ đường kính không đều vỏ có màu trắng đục, thường cắt và bổ dọc thành từng miếng trắng vàng.

Mô tả dược liệu:

Rễ cát căn thể hiện hình viên trụ không đều, vỏ ngoài màu tím nâu hoặc đỏ nâu có vết nhăn dọc thành, dược liệu thường phiến dày hay mỏng hình khối vuông, màu xám trắng, hoặc màu vàng trắng có nhiều chất xơ rất dễ tước ra thành dạng sợi, phần nhiều là màu trắng. Dùng sắc màu trắng phấn mịn là thứ tốt.

Bào chế:

(1) Khúc củ: Ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc) người ta đem củ về rửa sạch, lấy dao cạo sạch lớp vỏ thô xốp ở ngoài, xong cắt thành những đoạn ngắn 13cm, xếp vào trong vại, dùng nước muối đặc (Cứ 100 đoạn Sắn dây thì dùng 5kg muối pha với 10 kg nước), ngâm nửa ngày. Sau lại pha thêm một ít nước (ngâm nước lúc ngập củ là được) ngâm đủ 1 tuần thì vớt ra, dùng sọt đem ra sông ngâm 3-4 giờ vớt ra rửa sạch, phơi 2-3 ngày (Khô đi độ 6-7 phần) lại bỏ vào hòm, xông Lưu hoàng trong hai ngày đêm, làm cho củ mềm và trong, tất cả thành màu trắng bột không có lõi vàng nữa, thì có thể lấy đem phơi thật khô để dùng hay bán. Có lúc phải dùng xông đi xông lại 3 lần, mỗi lần mất 1 ngày, phơi hai ngày. Qua ba lần xông ba lần phơi như vậy rất phức tạp, lại khó xông cho củ trở thành trắng trong, theo kinh nghiệm thì nếu loại củ nào xông một lần mà trong ruột củ trắng trong là tốt nhất.

(2) Khoanh củ: Ở tỉnh Tứ Xuyên, tức là sau khi gọt bóc vỏ ngoài ra, cắt thành miếng vuông dầy 1,7-3cm, đuôi củ nhỏ chỉ cắt khúc, sau khi dùng Lưu hoàng xông thì đem sấy khô ngay là được.

(3) Miếng vuông: Cũng là một cách chế biến của tỉnh Tứ Xuyên, tức là sau khi gọt bóc vỏ ngoài ra, cắt thành miếng vuông dày (cạnh) 1,7-3cm, sau khi xông Lưu hoàng xong đem sấy khô ngay là được.

(4) Ngoài ra có nơi đào về bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt thành khúc dài 8-15cm nếu đường kính quá lớn thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi cắt lát thành từng miếng dầy 0,5-1cm xông Lưu hoàng 3 lần, sau đó ngày phơi nắng, tối sấy Lưu hoàng cho tới khô. Nếu muốn lấy bột thì say nhỏ gạn lấy tinh bột lọc đi lọc lại nhiều lần rồi sấy hoặc phơi khô.

(5) Cách chế bột sắn dây: Cạo vỏ xay giã cả củ nát bấy, lọc lấy nước ở trong đổ nước lạnh vào rồi lấy khăn mà lọc cho sạch xác, bụi bặm, đất, cát căn rồi để lắng xuống mới gạn lọc nước trên cứ như thế mỗi ngày thay nước một lần, mỗi khi đổ nước vào một lần phải lọc những nước đục đi, gạn lọc như thế 1 tháng đến khi nào thấy nước trong khuấy không đục nữa thì thôi. Lọc càng kỹ bột nước mới khỏi chua, chát, bột trắng, nhưng phải thay nước hàng ngày, bột không chua. Khi đã xong đổ bột ra miếng vải băng để trên sạp khô phơi thành bột cất dùng.

Bảo quản:

Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm.

2. Tác dụng của Cát căn theo Tây y

+ Tác dụng Giải nhiệt:

. Trên súc vật thực nghiệm, nước sắc Cát căn có tác dụng giải nhiệt mạnh (‘Nghiên Cứu Dược Lý Tác Dụng giải Nhiệt Một Số Thuốc Trung Y’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1956, 42 (10): 964-967).

. Nước sắc loại Cát căn mọc ở Nhật Bảncó tác dụng hạ nhiệt đối với thỏ được gây sốt nhân tạo (Trung Dược Học).

+ Tác dụng giãn cơ: Chất Daidzein có tác dụng giãn cơ ruột của chuột, tương tự như chất spasmaverine (Trung Dược Học).

+ Tác dụng đối với tim mạch: Chích chất Puerarin vào động mạch cảnh trong của chó được gây mê, thấy tăng lưu lượng máu trong não và giảm sức đề kháng của mạch máu. Tác dụng này kéo dài khoảng 20 phút. Chích tĩnh mạch có tác dụng nhẹ hơn và không thể so sánh với hiệu quả của Epinephrin hoặc Norepinephrine. Cát căn thường làm tăng lưu lượng máu trong não người bị xơ vữa động mạch. Chất Tincture hoặc chất Puerarin của Cát căn làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành của chó (Trung Dược Học).

+ Điều trị huyết áp cao: Dựa vào công trình theo dõi điều trị dài ngày việc dùng Cát căn trị cổ gáy cứng, đau do ngoại nhân, cho thấy nước sắc Cát căn có tác dụng đối với chứng gáy cứng đau do huyết áp cao gây nên. Nước sắc Cát căn cho thấy 33% bớt các triệu chứng chủ quan, có tiến triển đối vơi 58%. Thuốc cũng đồng thời cải thiện các triêïu chứng khác như chóng mặt, đầu đau, tự nó không có tác dụng đối với huyết áp thấp (Trung Dược Học).

+ Điều trị rối loạn ở động mạch vành: Nghiên cứu dùng nước sắc Cát căn cho thấy thuốc có một số tác dụng đối với chứng đau thắt ngực. Kết quả cho thấy 38%có cải thiện, 42% có cải thiện điện tâm đồ. Thường các dấu hiệu cải thiện xảy ra trong khoảng 1 tháng. Hiệu quả không rõ lắm đối với bất cứ trường hợp giảm Cholesterol (Trung Dược Học).

+ Dùng trong tai mũi họng: Nước sắc Cát căn cho 33 ca điếc đột ngột uống mỗi ngày, kèm uống thêm Vitamin B complex. Kết quả 9 ca khỏi, 6 ca có dấu hiệu tiến triển (Trung Dược Học).

+ Giãn động mạch vành: Kết quả thực nghiệm cho thấy, nước sắc Cát căn có tác dụng đối kháng với nội kích tố thùy sau, gây phản ứng thiếu máu cơ tim cấp (‘Nghiên Cứu Thực Nghiệm Và Ứng Dụng lâm Sàng Vị Cát Căn Phòng trị Bệnh Tâm Phế, Bệnh Mạch Vành và Huyết Áp Cao’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1972, 42 (10): 96-102).

+ Có tác dụng tăng lượng huyết ở não do làm giãn mạch não trên súc vật thực nghiệm (Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1972, 42 (10): 96-102).

+ Nước sắc Cát căn có tác dụng thu liễm, tiêu viêm, làm giãn co thắt của cơ (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Vị thuốc cát căn

3. Vị thuốc Cát căn theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị:

+ Vị ngọt, tính bình (Bản Kinh).

+ Không độc, nước cốt rễ dùng sống rất hàn (Biệt Lục).

+ Vị ngọt, cay, tính bình, không độc (Bản Thảo Cương Mục).

+ Vị ngọt, cay, tính mát (Trung Dược Học).

+ Hoa có vị ngọt tính bình (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Vị cay, ngọt, tính bình (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Qui kinh:

+ Vào kinh Vị, Phế (Bản Thảo Tân Biên).

+ Vào kinh Vị, Tỳ (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Vào kinh Tỳ, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Vị, Bàng quang, Tỳ (Yếu Dược Phân Tễ).

+ Vào kinh Tỳ, Vị (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Vị, Bàng quang (Đông Dược Học Thiết Yếu).

3.2 Tác dụng chủ trị của Cát căn

+ Cát căn Tán nhiệt, giải biểu, tuyên độc thấu chẩn, đồng thời có tác dụng sinh tân dịch, chỉ khát, giải co giật, chỉ tả. Hoa có tác dụng giải độc của rượu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Giải cơ, thoái nhiệt, thăng đề Vị khí (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Cát căn Trị chứng biểu nhiệt, sởi thời kỳ đầu ra không hết, tiêu chảy (Nướng dùng hiệu quả nhanh hơn), trước trán đau, gáy vai cứng đau (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị tà ở kinh Dương minh, chỉ nóng, không lạnh hoặc gáy cứng, sau lưng cứng, hoặc Thái dương + Dương minh hợp bệnh gây nên gáy cứng, bệnh Thái dương dùng phép hạ lầm gây nên tiêu chảy có kèm nhiệt hoặc sởi muốn mọc mà không mọc được, phần cơ nóng mãi không hạ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Chứng ngoại cảm biểu chứng, tà uất hóa nhiệt, phát sốt cao, sợ lạnh ít, đau đầu, miệng khát, rêu lưỡi vàng mỏng, thường dùng cùng với sài hồ, hoàng cầm, bạch chỉ như bài Sài cát giải cơ thang. Điều trị biểu chứng phong hàn: sợ lạnh, không mồ hôi, đau mỏi cổ gáy, thường phối hợp với ma hoàng, quế chi, bạch thược như bài Cát căn thang.

+ Điều trị ban sởi không mọc: thường dùng cùng với thăng ma, bạch thược, cam thảo như bài Thăng ma cát căn thang, cũng có thể dùng với bạc hà, ngưu bàng tử, kinh giới.

+ Chứng sốt cao, khát nước âm hư tiêu khát, thường phối hợp với lô căn, thiên hoa phấn, tri mẫu. Điều trị tiêu khát thì thường dùng cùng với ô mai, thiên hoa phấn, mạch môn, đẳng sâm, hoàng kỳ như bài ngọc tuyền hoàn.

+ Chứng tỳ hư tiết tả: thường dùng cùng với nhân sâm, phục linh, cam thảo như bài thất vị bạch truật tán.

3.3 Liều thường dùng và kiêng kỵ

Kiêng kỵ:

+ Âm hư hỏa vượng, thượng thực hạ hư: cấm dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Âm hư, hỏa vượng hoặc sốt nóng mà sợ lạnh: thận trọng khi dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng:

Dùng từ 4 – 40g.

+ Cát căn dùng sống có tác dụng phát hãn giải nhiệt, dùng sao có tác dụng chỉ tả (gọi là Ổi cát căn).

4. Từng thời đại đã dùng để chữa

1) Lê Hữu Trác trong lĩnh nam bản thảo có nói:

Cát căn tục gọi rễ sắn dây 

Khí vị ngọt hàn, phát tán đây.

Cơ biểu nóng phiền trừ khỏi được.

Thông quan, phát hãn, giải độc hay.

2) Đời Nam Bắc triều. Trừ Chi Tài Lôi công dược đối bàn cát căn rằng: Giết cái độc của gia cát, ba đậu, trăm thứ thuốc.

3) Đời Đường, Ngõa Quyên dùng chữa nôn ngược khí xốc lên do thời tiết, mở vị tiêu cơm, giải độc.

4) Trấn Tàng khí bản thảo thập di bàn về Cát căn rằng: Dùng sống ra thai, nấu chín ăn tiêu độc rượu, ăn thay cơm không đói, tán bột uống càng tốt.

5) Tô Cung Tận tu bản thảo bàn rằng:

Chữa chó dại cắn, giã vắt lá nước uống, bã đắp chỗ đau.

6) Đời Tống. Đại Minh chư gia bản thảo bàn về cát căn rằng: Trị ngực cách mô phiền nóng phát cuồng, ngừng lỵ ra máu, thông tấu tràng, bài tiết mủ phá huyết, cắp trùng rắn cắn, giải độc tên bắn bị thương.

7) Khai bảo trùng đính tân bản thảo bàn về cát căn rằng: Làm bột uống ngừng khát, lợi đại tiểu tiện, giải rượu, trừ phiền nóng, trấn áp đan thạch, đắp trẻ con lở nhiệt, giã nước uống chữa trẻ con nhiệt bĩ.

5. Phương tễ trứ danh

“Thang cát căn” chữa bệnh thái dương lưng gáy cứng đơ, không mồ hôi sợ gió lại trị thái dương dương minh hợp bệnh tự đi lỵ (thương hàn luận phương).

Cát căn 4 lạng/16g  Ma hoàng (bỏ đốt) 3 lạng/12g 
Quế chi 2 lạng/8g
Thược dược 2 lạng/8g 
Chích thảo 2 lạng/4g  Sinh khương 3 lạng/10g 
Đại táo 12 quả/3 quả
 

Trong bài thuốc trên lượng đứng trước là theo bài thuốc cổ, còn lượng đứng sau là thực tế tác giả dùng.

Bảy vị trên giã dập, trước đun ma hoàng cát căn với 10 lít nước, bớt cạn đi 2 lít bỏ bọt đi, cho các thuốc vào nấu còn 3 lít, uống ấm 1 thăng đắp qua cho ra mồ hôi nhẹ, không nên húp cháo. Ngoài ra như cách uống và cấm kị của bài quế chi.

6. Phối hợp ứng dụng

1) Bột rắc nơi mồ hôi ẩm ướt.

Bột sắn dây 5g  Bột thiên hoa phấn 5g
Hoạt thạch 20g 
 

Trộn đều rắc nơi ẩm ngứa. 

2) Chữa sốt trẻ con: Cát căn 20g thêm 200ml nước, sắc cho trẻ uống trong ngày.

3) Lá sắn dây chữa rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi, vắt lấy nước uống bã đắp lên nơi rắn cắn. (Y học thực hành 1-1962: 27).

4) Thang cát căn trị bệnh ôn kinh dương minh vụ, tà nóng váng đầu phát sinh khát, phiền muộn, mũi khô, không ngủ được, nếu khát dữ nôn dữ thì thêm thạch cao, mạch môn đông, trị mẫu, lá trúc. Thang thăng ma cát căn trị ban sởi mới phát, hạt chậm chưa thành hình.

5) Cùng mọi thuốc bổ thận ích tinh uống hay làm viên uống thì khỏi dậy âm, khiến người có con.

6) Cùng thăng ma cho vào thì đưa dương lên làm tan hỏa, thăng dương trừ thấp, thăng dương ích vị, mát nắng nóng (thử). Ích khí, bổ trung ích khí thang cùng dùng.

7) Trị mấy loại thương hàn, người thường không thể phân biệt được, nay lấy một vị kiêm trị thời khí trời làm, mới phát thấy đầu đau nóng trong, mạch hồng lấy: Cát căn 20 gam, nước 600ml cho thêm sự 20ml, nấu lấy 200ml uống, thêm nước gừng càng tốt.

8) Trị đau đầu thời khí, sốt cao dùng sắn dây tươi rửa sạch, giã vắt lấy nước 1 bát ô tô chia ra 2 lần uống, ra được mồ hôi thì khỏi, chưa ra mồ hôi lại uống. Nếu vùng tim nóng thêm 16g chi tử nhân. (Thánh huệ phương)

9) Trị cảm mạo đau đầu, 2 – 3 ngày phát nóng dùng cát căn 5 lạng, hương xị một thăng, nước tiểu trẻ 8 thăng, sắc lấy 2 thắng, chia 3 lần uống, ăn cháo hành cho ra mồ hôi. (Mai sư phương)

10) Trị có mang phát sốt. Nước cát căn 2 thằng chia 3 – 4 lần uống. (Thương hàn loại yếu phương) 

11) Dự phòng bệnh nhiệt, bệnh vàng cấp, tắc phong dùng:  Bột cát căn 2 thăng, sinh địa hoàng 1 thăng, hương xị 1/2 thăng, cùng tán nhỏ, mỗi lần sau bữa ăn nước cơm điều uống một thìa cà phê; ngày 3 lần uống, có bệnh thì 5 lần uống.  (Lúng an Thường thương hàn luận phương) .

12) Trừ chướng đầu không nhiễm bệnh vào người, cát căn tươi giã vắt lấy nước uống 1 bát, trừ khí

13) Trị phiền táo nhiệt khát: Bột sắn dây 4 lạng, trước lấy nửa thăng ngô (túc mễ) ngâm 1 đêm đảo đều nấu chín, bắc ra ăn uống nước. (Thực y tâm kính phương)

14) Trị trẻ con nóng khát lâu không ngừng, cát căn 1/2 lạng sắc nước uống. (Thánh huệ phương)

15) Trị mửa khan không ngừng: Cát căn gia nước uống 1 lít khỏi.

16) Trị trẻ con nôn mửa, sốt cao, động kinh do ăn, bột cát căn 2 lạng, nước 2 hợp trộn 1 đều, đổ vào trong nồi bằng thiếc lại đun cho chín nhừ, lấy cháo đó ăn cùng uống. (Thực y tâm kính phương)

17) Trị tâm nóng nôn ra máu không ngừng, cát căn tươi giã nước nửa thăng cho uống, lập tức khỏi. (Quảng lợi phương)

18) Trị máu cam ra không ngừng, sắn dây tươi giã vắt lấy nước uống, 3 lần uống thì ngừng. (Thánh huệ phương)

19) Trị nhiệt độc ra máu, do ăn vật nóng mà phát sinh, dùng cát căn tươi 2 cân, giã vắt lấy nước 1 cân, cho vào 1 cân nước ngó sen cùng uống. (Mai sư phương).

20) Trị tổn thương gân ra máu. Cát căn gia nước uống. Nếu sắn dây khô thì sắc uống, còn bã lấy đắp vào chỗ đau. (Ngoại đài bí yếu phương) 

21) Trị eo lưng nhức đau. Lấy sắn dây tươi nhai nuốt nước, thấy công hiệu bèn ngừng. (Trửu hậu phương)

22) Trị vết thương đâm chém trúng phong, uốn ván co cứng muốn chết dùng cát căn 4 lạng to, nước 3 lít nấu còn 1 lít, bỏ bã chia ra uống, miệng cấm khẩu cạy ra rót vào, nếu sắn dây khô thì giã nhỏ, hòa ba nhúm ngón tay, vẫn lấy bột sắn dây cùng nước trúc lịch (măng tre nướng vắt lấy nước, uống nhiều lấy công hiệu. (Quảng lợi phương) 

23) Trị uống thuốc quá liều thấy người bực dọc khó chịu phiền muộn, sắn dây tươi giã vắt lấy nước uống, sắn dây khô thì sắc lấy nước uống. (Trừu hậu phương) 

24) Trị say rượu không tỉnh. Dùng nước sắn dây tươi uống 2 lít bèn khỏi. (Thiên kim phương).

25) Trị trúng độc mọi thuốc phát cuồng phiền muộn, nôn ỉa muốn chết, dùng cát căn nấu nước uống. (Trửu hậu phương)

26) Trị hổ cắn bị lở loét, sắn dây tươi nấu nước đặc rửa, vẫn giã nhỏ hòa nước uống mỗi lần 30g ngày 5 – 6 lần. (Mai sư phương) 

7. Trích dẫn y văn

+ Cây sắn dây cho hoa gọi là Cát hoa, có vị ngọt bình, không độc, có tác dụng giải độc của rượu, trường phong hạ huyết uống với bột ‘Tiểu đậu hoa’ với rượu thì không say (Danh Y Biệt Lục).

+ Cát căn có đặc tính giải được các vết độc của Sắn (khoai mì), Ba đậu và các loại ngộ độc khác (Lôi Công Dược Bối).

+ Cát căn trị được chứng bệnh thời hành do thiên thời có nôn mửa. Có tác dụng khai vị, giải độc rượu (Dược Tính Bản Thảo).

+ Người bị chó dại cắn có độc, đâm Cát căn sống uống rất hay, nếu không có tươi, dùng bột trộn nước giếng rịt vào chỗ bị thương (Tân Tu Bản Thảo … Kinh).

+ Bột Cát căn làm khỏi khát, thông được đại tiểu tiện, giải được độc của rượu, trị nóng nảy bồn chồn trong người, chế ngực được độc của Đan thạch, giã nát ép lấy nước uống trị trẻ con sốt (Khai Bảo Bản Thảo).

+ Bột Cát căn tán được uất hỏa (Bản Thảo Cương Mục).

+ Cát căn chữa được chứng nhức đầu vì nóng, giải được nhiệt ở cơ biểu làm khỏi khát, sởi mới phát, làm đậu dễ mọc, giải độc tỉnh táo (Bản Thảo Thông Nguyên).

+ Cát căn vị cay đắng khí bình, tính thăng phát, nó nhập kinh Túc dương minh Vi, nó cổ động cho Vị khí, sinh tân chỉ khát, nó cũng nhập được Tỳ kinh nên khai thông tấu lý làm ra mồ hôi, giải cơ biểu và bớt nóng nảy, nhưng phải để ý Cát căn khi nào gặp nhức đầu như búa bổ đó là truyền vào Dương minh kinh thì có thể dùng được, nếu chưa truyền vào tới Dương minh mà lại dùng nó là tự dẫn tà nhập vào trong, không được dùng lúc ấy. Vì dương minh kinh chủ về cơ nhục mà dùng Cát căn khai thông cơ nhục, tất nhiên tân dịch theo nó ra ngoài thì e rằng dạ dày càng bị khô ráo mãi, đến nỗi phần âm phải tuyệt vong sao? Nhưng những chứng đậu sởi còn chưa phát thì có thể dùng nó mà thăng đề, người say rượu giải rượu đó mà cho tỉnh, người có hỏa uất thì dùng nó cho tiêu tan đi, nhưng phải xét kỹ khi khỏi bệnh không được dùng nó quá lâu làm tổn thương tới vị khí (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Cát căn chủ về đưa lên, có vị ngọt tác dụng chính là làm tiêu tan tà ở biểu, dùng 2-12g có thể chữa được bệnh trong cơ nhục, mỡ, thớ thịt làm ra mồ hôi. Đó là vị thuốc thuộc về Túc dương minh Vị kinh chữa được chứng thương hàn phát sốt, cổ khô, mũi khô đau nhức mắt, mất ngủ sốt rét, báng tích nhiệt độ cao. Vị thuốc Ma hoàng, Tử tô luôn chữa những bệnh ở ngoài biểu nhưng Cát căn là vị chuyên về giải cơ mà thôi, có vị ngọt khí mát nên cổ động và vỗ về Khí Vị, và lại Tỳ chữa về cơ nhục lại làm chủ cả tay chân, nếu như dương khí bị uất trong tỳ vị giống như chứng ở biểu, ăn uống bình thương nhưng có điều là tay chân cơ nhục nóng như lửa thì dùng nó cũng như Thăng ma, Sài hồ, Phòng phong, Khương hoạt, theo những tễ thăng dương tán hỏa, thanh cơ thoái nhiệt, đó là phương pháp của tiết lập trai là những phương thuốc thánh thường dùng. Nếu gặp chứng đứt tay, trúng gió đến nỗi cấm khẩu, không ăn uống được thì đâm nước cốt Cát căn với Trúc lịch đổ vào thì tỉnh ngay, nếu không có tươi thì dùng khô với rượu cũng được. Các chứng đậu sang, chẩn độc, khó mọc ra được dùng nó để phát ra cũng là những phương thường được hay dùng (Biện dược chỉ nam).

+ Cát căn khí vị đạm bạc, chất nhẹ, lỏng lẻo không chắc chắn như các vị khác, nó sinh ra lúc mùa xuân, mọc dây leo rất nhanh nên tính nó hay thăng phát ra những khí thanh dương tỳ Vị. Theo bài luận về chứng thương hàn đều cho nó là Vị chủ về dược khí của kinh Dương minh, bởi chính ở chỗ đó là chỗ biểu tà uất ở ngoài. Dương khí của vị không thể tán ra để ban bố đi được, nên phải dùng nó nhờ tính nhẹ nhàng để dâng lên, nó sẽ làm cho động nhẹ vào khí thanh dương để chế ngực được ngoài hàn, đó là do sự biểu tà giải được thì vị dược được thư thái mới phát ra được. Vì vậy mà Cát Căn Thang trong đó có Ma hoàng thì lại càng rõ ràng chính nó lại là vị thuốc của Dương minh kinh, biểu tà là chủ chốt ở đó chứ không phải nó chuyên giữ về chứng lý nhiệt của kinh Dương minh đâu. Vị này Trương Trọng Cảnh đã có bàn về cách dùng Bạch Hổ Thang chứ không phải là Cát Căn Thang hoàn toàn tuyệt đối. Cho nên mặc dù nó hay thật nhưng phải dùng đúng trong trường hợp nào thì mới toàn diện vậy (Bản Thảo Quát Yếu Thi).

+ Cát căn thứ nào cũng chỉ chữa ở một kinh Dương minh. Đông Viên nói: Cát căn cổ vũ Vị khí, làm thánh dược chữa chứng hư tả, phong dược phần nhiều là táo. Cát căn chuyên về chỉ khát ở Vị, nó có tác dụng làm thăng đề Vị khí bị hạ hãm, đem lên tới phế kim để sinh thủy vận. Ma hoàng là thuốc chữa bệnh ở kinh thái dương, kiêm vào Phế kinh, Phế chủ da lông. Cát căn là thuốc chữa bệnh ở kinh Dương minh, Tỳ chủ da thịt, tuy cùng có tác dụng phát tán nhưng hướng đi vào của nó là khác nhau(Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Cây còn cho lá gọi là Cát căn diệp trị cầm máu do vết dao, đắp vào, hoặc giã nát tươi uống nước còn bã đắp nơi chỗ rắn cắn. Cây còn cho dây bò dưới đất gọi là Cát căn man trị viêm họng cấp tính, viêm thanh quản cấp tính, đốt cháy tán bột uống với nước. Cho bã gọi là Cát căn xác hay Cát căn xác có vị ngọt, tính bình không độc trị lỵ, giải độc rượu. Cho dây gọi là Cát căn đằng có tác dụng tiêu sưng, trị nhọt lở, viêm họng thanh quản, sưng núm vú, trẻ con cấm khẩu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Cát căn dùng sống có tác dụng giải cơ nhiệt, sinh tân dịch, dùng nướng thì kích thích Vị khí đi lên. Muốn hạ sốt, nên dùng sống; Muốn cầm tiêu chảy, nên nướng lên (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Hoa Cát căn giải được say rượu. Nước Cát căn sông giải được ôn độc (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Lý Hãn nói: Sắn dây khô khí nhẹ nổi, Cổ vũ khí vợ đi lên, sinh ra tân dịch, lại giải cơ nhiệt, là thuốc thánh trị tỳ vị hư yếu tiết tả vậy.

+ Trừ Dụng Thành nói: Sắn dây khí vị đều mỏng, nhẹ mà đi lên, nổi mà hơi xuống, âm ở trong dương vậy. 

Cách dùng có 4:

+ Một là ngừng khát.

+ Hai là giải rượu.

+ Ba là phát tán tà ở phần biểu.

+ Bốn là phát ra đậu sởi khó dụng mọc. .

+ Lý Thời Trân nói:

“Bản thảo thập tễ” nói: Nhẹ có thể trừ thực, là loại ma hoàng cát căn vậy. Bởi vì ma hoàng là thuốc kinh thái dương, kiêm vào kinh phế, phế chủ da lông. Cát căn là thuốc của kinh dương minh, kiêm vào kinh tỳ, tỳ chủ cơ nhục. Cho nên 2 vị này đều nhẹ bốc phát tán, nhưng chộn vào thì không giống nhau.

Hoa sắn dây

Chủ trị: Giải rượu, tinh tỳ, ngừng đại tiểu tiện ra máu, trị say rượu.

Lá sắn dây

Đắp vết đâm chém cho ngừng ra máu.

Dây sắn dây 

Chủ trị: Thốt nhiên tắc hầu (hầu tý) sao nghiền nước điều uống, tiêu nhọt sưng chữa lở loét, mụn vải, đàn bà sưng vú tắc tia sữa, trẻ con bị cấm khẩu.

Nguồn: Tổng hợp ( có sử dụng tư liệu của L/Y Hy Lãn)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm