Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc phù bình – Phù bình (Herba Spirodelae) là toàn cây, có thể dùng tươi hoặc phơi khô, của cây phù bình Spirodela polyrrhiza (L.) Schleid. Việt nam dùng cây bèo ván, bèo tía Pistia stratiotes L. Thuộc họ ráy Araceae.

 Còn gọi: Bèo ván, bèo tai tượng, bèo tía, phù bình, thủy bình, đại phù bình. – Trung Quốc gọi: Phủ bình thảo, tử bối phù bình. 

Đời cổ sách cổ còn gọi: Thủy hoa, thủy y, thủy tô, thủy bạch, ca thực (ếch ăn), ngư thực (cá ăn), phù tảo, cửu tử bình, thủy trung bình từ thảo (Hòa hán dược khảo).

Vật phẩm này cùng cây tần của giống tần tảo không giống nhau, bởi vì nó không có rễ ăn vào trong đất, ở đáy nước mà nhẹ nổi trên mặt nước theo gió đưa đẩy đi, cho nên gọi Phù bình. So với rau tần (cỏ bợ), rau táo (rau rong) không giống nhau.

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ các bộ phận của cây phù bình để làm thuốc.

Thu hái: Cây phù bình được thu hái quanh năm để làm thuốc chữa bệnh, nhưng thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào mùa hạ, lúc ấy cây đang trong thời kỳ trổ hoa.

Chế biến: Có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc khô trong các bài thuốc. Cây cần được rửa sạch bằng nước sạch, tốt hơn nếu ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn, cát, đất, tạp chất và vi khuẩn gây hại. Nếu sử dụng khô thì cần được phơi 3 – 4 lần nắng rồi cất kỹ trong bọc kín để sử dụng.

Bảo quản: Bảo quản thuốc đã qua khâu chế biến ở nhiệt độ phòng, có thể cất trữ trong ngăn mát ở tủ lạnh để sử dụng qua ngày hoặc cất trữ trong bao bì, và đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

vị thuốc phù bình

2. Vị thuốc Phù bình theo Đông y

– Tính chất: Cay, lạnh, không độc. 

– Công dụng:

Cho ra mồ hôi, lợi thấp, dùng  làm thuốc giải nhiệt lợi tiểu. Sắc nước đặc rửa mụn nhọt mẩn ngứa, uống trong chữa mụn nhọt mẩn ngứa, ho, hen suyễn, thông kinh nguyệt. Dùng ngoài không kể liều lượng, dùng trong ngày dùng 50 – 100g bèo cái tía tươi, có thể tăng tới 200g tươi. Khô dùng 20 – 50g.

– Chủ trị:

– Đột ngột nóng mình ngứa, hạ thủy khí (rút phù sưng) thắng rượu, dài râu tóc, ngừng tiêu khát (đái đường) uống lâu nhẹ mình (Bản kinh).

– Hạ khí (đưa khí xuống) nấu tắm để sinh ra râu tóc (sách Biệt lục) giã sống cùng muối đắp eczema. 

– Rửa sạch uống nướC giã sống vắt ra chữa hen suyễn, rửa sạch bằng nước sắc đặc, rắc tro bèo cái lên nơi đau chữa ecpet loang vòng.

– Theo sách Vân Nam Trung dược tư nguyên danh lục thì: Còn gọi là: Thủy phù liên, thủy hà liên.

Dùng toàn cây rửa sạch. – Công dụng: Sơ phong giải độc, trừ thấp ngừng ngứa, mát máu, hoạt huyết, lợi tiểu, tiêu sưng. Trị cảm mạo phát Sốt, tiểu tiện không thông lợi, da dẻ thấp ngứa, đơn độc, hãn ban, đánh đập tổn thương.

Ghi chú:

Hãn ban là mồ hôi ngấm dính ở người mà thành phát ban mẩn ngứa người, chứng này do lúc nắng nóng lầm dùng khăn mặt phơi trời nắng nóng lau người mà thành ra. Người xưa thường dùng chữa bằng phương “xương nhĩ hoàn” “mật đà tăng tán” V.v…

3. Từng thời đại đã dùng để chữa

1) Cuối đời Lê, Theo Lãn Ông  trong Lĩnh nam bản thảo nói:

Phù bình tục gọi là béo ván. 

Vị cay không độc tính lạnh thay.

Trừ phong, lợi thủy, kinh cuồng khỏi.

Thấp tế mụn nhọt, tiêu tan ngay.

Tóm lại bài này ý nói: Bèo ván: vị cay, không độc tính lạnh, trừ phong không phải là trừ nội phong đầu mà là sơ phong giải biểu cho ra mồ hôi. Ở nước ta là xứ sở ôn đới, chỉ có 1 mùa lạnh, ngay trong mùa lạnh độ lạnh không cao. Có thể dùng bèo ván để sơ phong giải biểu không cần thiết phải dùng ma hoàng.

Lợi thủy ý nói lợi tiểu thông kinh.

Kinh cuồng do nhiệt cao khỏi vì nó có tác dụng giải nhiệt. Trung Quốc dùng lợi thấp, cụ Lãn nói trừ tê thấp rất tương đồng. Giải biểu cho ra mồ hôi, lại có tác dụng lợi tiểu thì thấp tà ắt phải đi. Nói mụn nhọt tiêu ý nói đắp, uống chữa mụn nhot mẩn ngứa như trên đã nói đắp rửa chữa ecpet loang vàng, eczema, v.v…

2) Đời Đường Trần Tàng Khí bản thảo thập di bàn về phù bình rằng: Giã nước uống chữa thủy thũng lợi tiểu tiện, nghiền nhỏ rượu điều uống một thìa xúc trị người bị trúng độc, nấu cao đắp mặt bị sạm đen. 

3) Đời Tống. “Đại Minh chư gia bản thảo” bàn về phù bình rằng:

Trị nhiệt độc phong nhiệt, nhiệt sinh cuồng, phong chẩn (sởi do phong) bỏng nước lửa, độc sưng.

4) Đời Minh, Lý Thời Trân bản thảo cương mục bàn về đại phù bình rằng:

Bèo ván chủ trị phong thấp ma tý, cước khí, đánh đập tổn thương, mắt đỏ, mắt có màng che mắt, miệng lưỡi sinh lở, nôn ra máu, máu cam, điển phong[mfn]Điến phong: là bệnh ngoài da do cơ thể nóng gặp phong thấp xâm lấn, mọc nốt nhỏ sắc tía hoặc trắng, lâu ngày nổi thành từng mảng, tục gọi tử điển phong, bạch điến phong.[/mfn] đơn độc.

5) Học thuyết gần đây.

Trương Sơn Lôi nói: Phù bình vị cay khí lạnh, mà lại rất nhẹ nổi (khinh phù) cho nên trên thì tuyên đạt khí phế, ngoài thì thông suốt da lông, ra mồ hôi, tiết nhiệt, dưới thông đường nước, đều là tác dụng tính tình thiên nhiên sẵn có. Bản kinh, Biệt lục, Đại minh các nhà chủ trị, không gì ngoài phạm trù đó. Song sắc xanh lục mà lưng sắc hồng tía thì lại không chuyên chỉ vào phần khí, mà cũng tất nhiên có kiêm làm mát cái máu nóng, cho nên (Thánh tễ tổng lục) dùng chữa nôn máu không ngừng, Thánh huệ phương lại chữa mũi ra máu cam, Diên Hồ dùng chữa mắt đỏ, miệng lở loét, phù bình đã giỏi thanh hóa mà lại dẫn nhiệt đi xuống. Công hiệu tốt bội phần, gần đây, một số người chỉ dùng cho ra mồ hôi mà không biết dùng làm mát nóng là sở trường của phù bình, thực là biết không hết tác dụng của nó.

4. Phối hợp ứng dụng

1) Trị cảm sốt ghé kinh, dùng: Bèo ván tía 4g Bột sừng tê 2g Móc câu đằng 37 cái. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 gam, nước đường điều uống. Uống liền 3 lần lấy ra mồ hôi làm mức. (Thánh tế tổng lục phương)

2) Trị tiêu khát đòi uống ngày đến 1 thạch (thạch = 100 lít) lấy bèo cái tía gia nước cho uống. Lại phương dùng bèo cái tía khô, Qua lâu căn lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa sữa người hoàn viên to bằng hạt ngô, lúc đói bụng uống 20 viên, bị 3 năm rồi uống như trên vài ngày khỏi. (Thiên kim phương)

3) Trị tiểu tiện không lợi, thủy khí đọng trệ ở bàng quang. Lấy bèo cái tía phơi nắng nghiền nhỏ, uống vài thìa xúc, ngày 2 lần. (Thiên kim phương) 

4) Trị phù đỏ sưng, đái không lợi. Lấy bèo cái tía phơi nắng khô nghiền nhỏ, mỗi lần uống 10 gam, nước sôi điều uống ngày 2 lần. (Thánh huệ phương)

5) Trị hoắc loạn (miệng nôn trôn tháo) tâm phiền dùng:

Rễ lau nướng 50g Bèo cái tía khô 35g
Nhân sâm 35g 
Tỳ bà diệp khô 35g

Cùng nghiền nhỏ, mỗi lần uống 16 gam. Cho vào 12 con hẹ cùng rượu sắc uống ấm. (Thánh huệ phương) 

6) Trị nôn ra máu không ngừng. Bèo cái tía sấy khô 16g, Hoàng kỳ nướng 8g. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 4g, nước gừng đường điều uống. (Thánh Lễ tổng lục phương)

7) Trị mũi ra máu không ngừng, dùng bột bèo cái tía thổi vào. (Thánh huệ phương)

8) Trị bệnh trúng độc nước, ngón chân ngón tay lạnh đến khuỷu tay, đầu gối là đúng. Dùng Bèo cái tía phơi khô nghiền nhỏ, uống vài thìa là tốt. (Diêu Tăng Đản tập nghiệm | phương)

9) Trị đại tràng lòi dom. “Thủy thánh tán” dùng bèo cái tía nghiền nhỏ, khô thấm vào. (Ngụy thị đặc hiệu phương).

10) Trị trên mình ngứa, người yếu, dùng:

Bột bèo cái tía 4g Hoàng cầm 4g
Xuyên khung 10g
Bạch thược 12g
Đương quy 16g Thục địa 16g

(Đan khê toát yếu phương)

11) Trị phong nhiệt ẩn chẩn[mfn]Ẩn chẩn: ẩn là nghiện loại nặng, chẩn là máu nóng mà phát nốt đỏ ra ngoài da.[/mfn] dùng:

Bèo cái tía (nấu qua sấy khô) 32g. Ngưu bàng tử (nấu với rượu phơi, sao khô) 32g, cùng nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 4 – 8g bạc hà nấu nước điều uống, ngày 2 lần. (Cổ kim lục nghiệm phương)

12) Trị phong nhiệt đơn độc.  Bèo cái tía giã nước đồ khắp người. (Tử mẫu bí lục phương)

13) Trị phát bối (mụn to mọc ở lưng vùng tim phổi) mới bắt đầu sưng nóng đỏ rực, dùng bèo cái tía giã ra hòa lòng trắng trứng gà dán vào. (Thánh huệ phương)

14) Trị hãn ba, điển phong.

Ngày đoan ngọ lấy bèo cái tía phơi khô dùng 130g nấu nước tắm, đồng thời lấy bèo sạch giã lẫn vài hột muối xát vào, hoặc cho vào hán phòng kỷ cũng được. (Tu chân phương)

15) Đơn thuốc chữa hen suyễn Y học thực hành 5 – 1952. 22

Bèo cái tía 100g (bỏ rễ bỏ lá vàng rửa nhiều lần bằng nước cho sach), cuối cùng rửa bằng nước muối. Vảy ráo nước, cho vào cối sạch giã, vắt lấy nước, cho thêm nước lọc vào và sirô chanh cho vừa đủ ngọt và đủ 100 ml, ngày 2 lần, mỗi lần một liều như trên.

Thường sau uống 10 ngày Cơn hen suyễn đã bớt, uống tiếp tới 2 – 3 tháng. Khi mới uống có thấy ngứa cổ, trong vòng 10 phút sau quen dần và hết ngứa.

16) Chữa mẩn ngứa. Bèo cái tía 50g, rửa sạch sao vàng, sắc với nước uống hàng ngày. Dùng trong 2 – 3 ngày. (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

17) Chữa ecpet loang vòng: Rửa sạch vết loét bằng nước sắc bèo cái tía, rồi rắc lên đó tro của bèo ván cánh tía. (CTVVTV Nam)

18) Trị tuổi trẻ mặt nốt phỏng nổi lên lấy bèo ván ngày xoa xát vào, đồng thời uống nước bèo ván  tía vò ra chút ít. (Ngoại đài bí yếu phương) 

Lại dùng: Bèo ván tía 4 lạng Phòng ký 1 lạng. Sắc đặc nước rửa mặt nơi có nốt phồng. Vẫn lấy bèo xát vào nơi ban  đen, ngày xát 3 – 5 lần, vật tuy nhỏ nhưng cũng rất lớn không thể coi thường. (Phổ tế phương). 

(19) Trị mặt sạm đen có bã bột, lấy bèo ván tía nghiền nhỏ, ngày đắp vào. (Thánh huệ phương) 

20) Trị đại phong bệnh ôn độc lở ác dùng:

Phù bình thảo tháng 3 lấy về, rửa 3 – 5 lần, bỏ lá úa và tạp chất phơi râm 3 – 5 ngày (sấy nhiệt độ thấp cho khô) không được phơi nắng, mỗi lần uống 3-5 đồng cân trước bữa ăn, rượu ấm điều uống.

– Lại một phương:

Ngày 7 tháng 7 âm lịch lấy bèo ván tía phơi nắng nghiền nhỏ nửa thăng, cho vào 5 lạng (tiêu phong tán, mỗi lần uống 5 đồng cần sắc nước uống luôn luôn, vẫn lấy nước sắc tắm rửa.

(Thập tiền lương phương)

21) Trị ban (tức bệnh đậu) sang lở loét) vào mắt. Dùng:

Phù bình (phơi râm) nghiền nhỏ, lấy nửa lá gan dê tươi cùng nước 1 bát nấu chín giã nhừ, vắt lấy nước uống với bột bèo ván tía, người nặng uống không quá 1 lần khói, người bị bệnh 10 người uống đều hiệu nghiệm.

(Nguy thị đặc hiệu phương) 

22) Trị mắt có mộng (pterygium). Dùng bèo ván tía tươi chút ít, nghiền nát, cho vào chút ít phiến não, dán lên trên mắt, rất công hiệu. (Nguy thị đặc hiệu phương) 

23) Trị độc sưng mới bị. Dùng Bèo ván tía giã nhừ đắp. (Trừu hậu phương).

24) Trị giang mai lở loét ngứa gãi. Dùng bèo ván tía sắc nước, ngâm rửa nửa ngày, vài ngày làm một lần. (Tập giàn phương)

25) Trị đốt khói trừ muỗi, tháng 5 lấy bèo ván tía về phơi râm dùng. (Tôn chân nhân phương) 

5. Liều thường dùng và kiêng kỵ

Cây phù bình được sử dụng ở dạng tươi hoặc khô, đem sắc lấy nước uống, xông hơi hoặc rửa lên vùng bị tổn thương, kết hợp với việc chà xát nhẹ nhàng.

Liều dùng đường uống : 3 – 10g.

Thu hái: Giữa tháng 7 là tốt. Hoặc lúc ra hoa hái về rửa sạch phơi râm, sấy nhiệt độ thấp cho khô.

Chú ý: 

+ không phải bệnh ở biểu thì không dung

+ Khi dùng đường sắc, nên bọc trong túi vải rồi mới cho vào nồi sắc, tránh lông của phù bình gây kích thích cổ họng

Nguồn: L/Y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm