Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Bạch chỉ – Bạch chỉ (Radis Angelicea) là rễ phơi hay sấy khô của cây bạch chỉ Angelica dahurica ( Fisch . ex Hoffm )Benth. et Hook. f, thuộc họ hoa tán Umbelliferae.

Chữ Hán “chỉ” là rễ củ mới sinh, “bạch” là trắng. Vị này sắc trắng khí thơm, hình tựa như rễ củ mới mọc nên gọi vậy. Tên thường gọi: Hương bạch chỉ, bạch chỉ phiến.

1. Tác dụng dược lý

+ Với liều nhỏ angelicotoxin có tác dụng hưng phấn đối với trung khu vận động huyết quản, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế vị (nerfoaque) làm cho huyết áp tăng cao, nhịp mạch chậm lại, hơi thở kéo dài, chảy rãi và nôn mửa.

+ Với liều lớn dẫn tới co giật và tê liệt toàn thân (độc tính của angelicotoxin, giống như chất xicutoxin nhưng không mạnh bằng.

+ Ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn col, trùng ly sonner, vi trùng thương hàn, trùng trực khuẩn

mủ xanh (pgoclanus) và vi trùng thổ tả.

2. Tính vị quy kinh, tác dụng

Tính vị: cay, ấm. Qui kinh phế vị 

Tác dụng: 

Phát biểu tán hàn, giải cơ, tan phong, ráo thấp, hay làm trung khu thần kinh hưng phấn, khiến toàn thân huyết vận hành nhanh chóng dùng làm thuốc trấn kinh (co quắp) lại làm thuốc ra mồ hôi, giảm đau, dùng chữa chứng váng đầu do ngoại cảm phong tà, cũng làm thuốc thông kinh, dùng cho đàn bà kinh nguyệt không đều.

Chủ trị:

Con gái bị bệnh ra nước trắng đỏ dầm dề, huyết bế tắc, âm nang sưng, lúc nóng lúc lạnh, váng đầu gió, gió xâm phạm mắt làm nước mắt ra, lớn cơ phu, làm nhuận đẹp nhan sắc, có thể làm thuốc bôi mặt, chữa tà phong khát lâu, nôn mửa 2 sườn đầy, đầu xây sẩm, mắt ngứa.

vị thuốc bạch chỉ

3. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc bạch chỉ

Chứng ngoại cảm phong hàn, đau đầu, tắc mũi: thường dùng phối hợp với phòng phong, khương hoạt trong bài cửu vị khương hoạt thang.

Chứng dương minh gây đau đầu, đau răng, phong thấp tý thống: thường dùng phối hợp với kinh giới, phòng phong, xuyên khung như bài xuyên khung trà điều tán. Nếu là ngoại cảm phong nhiệt, điều trị thường phối hợp với bạc hà, cúc hoa, mạn kinh tử. Điều trị đau nhức răng do lạnh thường phối hợp với tế tân; do phong hoả thì phối hợp với thạch cao, hoàng liên. Nếu do phong hàn thấp tý, đau lưng mỏi gối, điều trị thường dùng phối hợp với khương hoạt, độc hoạt, uy linh tiên. 

Chứng bạch đới: nếu là hàn thấp đới hạ dùng phối hợp với lộc giác, bào khương, bạch truật, sơn dược, long cốt trong bài bạch đới hoàn; nếu là thấp nhiệt đới hạ thì phối hợp với sa tiền tử, hoàng bá. 

Điều trị mụn nhọt giai đoạn đầu thường phối hợp với kim ngân hoa, đương qui, xuyên sơn giáp trong bài tiên phương hoạt mệnh ẩm. Điều trị sưng đau tuyến vú thường dùng phối hợp với qua lâu, bối mẫu, bồ công anh .

Ngoài ra bạch chỉ còn có tác dụng giải độc rắn cắn, điều trị các bệnh ban chẩn ngoài da .

4. Từng thời đại đã dùng để chữa

1- Bạch chỉ hay hút mủ, làm ngừng bệnh tâm bụng nhói đau máu.

2) Chữa váng đầu do kinh thủ dương minh, trúng phong khi nóng khi lạnh, cùng với kinh phế có phong nhiệt, đầu mặt da dẻ phong tý táo ngứa.

3) Là thuốc thông dụng chữa phong, khí nó thơm tho, hay thông 9 khiếu, trị biểu cho ra mồ hôi không thiếu bạch chỉ.

4) Phàm thuốc khu phong chưa có vị nào không làm khô hao tinh dịch, bạch chỉ rất thơm, hay khu phong cáo thấp, chất nó rất hoạt nhuận, có thể hòa lợi huyết mạch mà không khô hao, dùng nó chỉ có lợi không hại.

5) Bạch chỉ sắc trắng, vị cay, khí ấm, lực hậu, thông khiếu, hành biểu là thuốc chủ yếu trừ phong tán thấp của kinh túc dương minh vụ. Cho nên trị được các loại bệnh về đầu mặt của kinh dương minh như đầu đau mắt tối, khoảng mày đau, răng lợi đau, mặt đen có ban vết v.v…

Vả lại phong nhiệt lấn vào phế, trên đốt lên não sinh ra nước mũi chảy, nước mắt chảy ra, di chuyển vào đại tràng biến thành huyết băng, huyết bế, tràng phong trĩ lậu, mụn nhọt.

Phong cùng thấp nhiệt phát ra da dẻ thì da dẻ biến thành lở loét, khô sáp, ngứa ngáy, đều có thể dùng bạch chỉ ôn tán giải tà, khiến cho cái phong ở tấu lý (thớ thịt) đi, cái ung sưng lưu lại kết đọng tàn, thực là thuốc chủ yếu trừ phong ở phía trên cơ thể và tan thấp hỏa vậy. Song tính nó đi lên tan ra, người máu nóng, có hư hỏa cấm dùng.

5. Phối hợp ứng dụng

1) Thân bạch tán

Trị các loại thương hàn (cảm sốt) do thời tiết, không cần hỏi âm dương nặng nhẹ, già trẻ gái trai, hay đàn bà có mang đều uống được. 

Bạch chỉ 40g Cam thảo sống 20g
Gừng tươi 3 lát Hành trắng 7cm
Táo 1 quả Đậu sị 50 hạt

Nước 2 bát sắc uống, không ra mồ hôi lại uống, bệnh hơn 10 ngày chưa ra mồ hôi đều có thể uống. 

2) Trị rắn độc cắn

Cho Lấy nước mạch môn đông điều uống với bột bạch chỉ 600g. Thấy nước vàng từ miệng ra tanh hôi khó chịu là được.

Hoặc: Lấy nước mới múc hòa bột bạch chỉ cùng chút ít đởm phàn, xạ hương thấm vào, nước đục bẩn sẽ trào ra, ngày nào cũng làm, 1 tháng sẽ khỏi.

3) Trị mọi phong ở đầu mặt.

Cắt miếng hương bạch chỉ cho ra vào ngâm với nước rau lú bú, phơi khô nghiền nhỏ mỗi lần uống 8 gam với nước sôi.

4) Trị thiên chính đầu phong

Hàng trăm loại thuốc không chữa được, chỉ uống 1 lần cũng đỡ, là phương thứ nhất thiên hạ vậy.

Bạch chỉ (sao) 100g Xuyên khung (sao) 40g
Cam thảo (sao) 40g Ô đầu (sống) 20g
Ô đầu (chín) 20g

Đều nghiền nhỏ, mỗi lần uống 4 gam, nước trà hoặc nước bạc hà điều uống.

5) Trị đau nhức xương gò lông mày. Thuộc phong nhiệt cùng đờm. 

Bạch chỉ Hoàng cầm

Lượng bằng nhau nghiền nhỏ, mỗi lần uống 8g, nước trà điều uống.

6) Trị phong nhiệt răng đau 

Hương bạch chỉ 4g Chu sa 2g

Nghiền nhỏ viên với mật như hạt khiếm thực, dùng xát vào răng luôn. (Bài này được ca tụng là hơn mọi loại thuốc khác). Hoặc: Bạch chỉ – Ngô thù du lượng bằng nhau ngâm nước ngậm.

7) Trị các loại bệnh về mắt

Bạch chỉ – Hùng hoàng nghiên nhỏ viên với mật, sau bữa ăn nước trà điều uống. Tên gọi “Hoàn tùynh hoàn”.

8) Trị mồ hôi trộm không ngừng ra

Bạch chỉ 40g  Thần sa 20g

Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 8g, rượu ấm điều uống. 

9) Trị cước khí sưng đau

Bạch chỉ – Bạch giới tử lượng bằng nhau nghiền nhỏ, hòa nước gừng đồ.

10) Trị đàn bà ra khí hư trắng

Bạch chỉ 160g, lấy vôi 200g vùi bạch chỉ vào 3 đêm, rồi bỏ vôi cắt miếng, sao, nghiền nhỏ, rượu uống 8g, ngày 2 lần, 16g/ngày.

11) Trị đàn bà khó đẻ. Bạch chỉ 20g sắc nước uống.

12) Trị bệnh gầy yếu sau khi đẻ, trước khi có thai, kinh nguyệt không đều, băng huyết, lậu huyết (rò rỉ ra máu) cùng với sinh ngang đẻ ngược.

Dùng: Bạch chỉ uống, tro nhọ trôn nồi, lượng bằng nhau nghiền nhỏ, lấy nước sôi hòa nước tiểu trẻ em, cùng dấm, mỗi lần uống 8g. Ông Đan Khê thêm hoạt thạch lấy nước Khung Quy điều uống.

13) Trị đái rỏ giọt do khí (khí lâm) kết sáp không thông dụng: lượng Bạch chỉ ngâm dấm, sấy khô 80g nghiền nhỏ, sắc nước mộc thông cam thảo cùng rượu điều uống 4g, uống liền 2 lần.

14) Trị mũi ra máu không ngừng: Lấy máu mũi chảy ra ấy hòa với bột bạch chỉ đắp lên sống mũi (Sơn căn) lập tức khỏi ngay.

15) Trị đái ra máu: Bạch chỉ, Đương quy lượng bằng nhau nghiền nhỏ, nước cơm điều uống 8 gam.

16) Trị tràng phong ra máu: Bột bạch chỉ mỗi lần uống 8g cùng nước cơm rất thần hiệu.

17) Trị trĩ, rò ra máu: Như phương trên thêm sắc nước rửa nữa.

18) Trị trĩ lở sưng đau: Trước lấy bồ kết đốt lấy  khói hun vào múi trĩ, sau dùng nước mật ngỗng (nga) hòa bột bạch chỉ đồ đắp vào bèn tiêu..

19) Trị độc sưng đau nhiệt: Lấy dấm trộn bột bạch chỉ đắp. 

20) Thúc mủ giảm đau tiêu ung thũng:

Bạch chỉ Hoàng kỳ
Cam thảo Thiến thảo
Gai bồ kết  Kim ngân hoa
Hạ khô thảo Sinh địa hoàng
Xích thược

 sắc uống.

21) Trị ung vú mới bị:  Bạch chỉ – Bối mẫu đều 8g nghiền nhỏ, rượu ấm điều uống.

22) Trị đinh sương mới mọc:

Bạch chỉ 4g Gừng sống 40g

Rượu 1 chén uống ấm ra mồ hôi là tan.

23) Trị đậu lở gây ngứa, cùng da dẻ ngứa gãi dùng: Bạch chỉ, Bạch thược.

24) Trị mụn nhọt sưng đỏ: Bạch chỉ – Đại hoàng lượng bằng nhau nghiền nhỏ, nước cơm điều uống 8g.

25) Trị trẻ bị “đơn lưu” chạy hết nơi này sang nơi khác, vào bụng thì chết, khi mới phát phải kịp lấy “Triệt phong tán” trừ đi. Bạch chỉ, Hàn thủy thạch nghiền nhỏ nước hành sống hòa đắp vào.

Ghi chú: “Đơn lưu” là do màu nóng mà kết thành những mụn thừa vậy, còn gọi là “du phong”

Cách chữa:

Dùng hạt thầu dầu bỏ vỏ nghiền nhỏ với thìa bột miến, trộn nước đắp vào. Bài này của Toàn ấu tâm giám trong đó ghi dùng Triệt phong tán tra từ điển không có tên đó, mà chỉ có Triệt phong đan của Thẩm thị Tôn sinh thư phương gồm (Bạch phụ tử nướng, Toàn yết bỏ độc sao, cương tàm sao, Nam tinh nướng, Thiên ma đều 2,5 đồng cân, Chu sa 1 đồng cân, Ngô công (nướng rượu) 1 con, Xạ hương 0,3 gam. Cùng nghiền nhỏ viên như hạt ngô đồng, mỗi lần uống 3 viên, nước Kim ngân, Bạc hà điều uống.

26) Trị vết dao chém, tên bắn vào người: Hương bạch chỉ giã dập đắp vào.

27) Trị giải độc phê thạch (nhân ngôn, thạch tín). Bột bạch chỉ hòa nước giếng uống 8g/lần.

28) Trị hóc xương ở cổ. Bạch chỉ, Bán hạ lượng bằng nhau nghiền nhỏ, nước điều uống 4g tức sẽ nôn ra

6. Lời bàn

1) Sách nói: Trị đàn bà rò rỉ ra chất trắng đỏ, huyết bế tắc, âm nang sưng đều là do khí dương trong trẻo bị hãm xuống, hàn thấp làm tổn thương trung hạ tiêu gầy ra. Dùng bạch chỉ ấm để thăng ráo thấp là đúng. Nếu âm hư không nhiếp, hoặc thấp nhiệt ngấm dầm mà gây nên chứng trên thì không thể dùng được.

2) Sách nói: Trị đầu phong chảy nước mắt nếu do khí dương vốn hư mà phong hàn phong nhiệt lấn thì dùng được. – Nếu dương thịnh mà gây thành phong nhiệt cũng không thể đại khái dùng bừa, còn như do âm hư can mộc lấn lên trên gây nên sơ tiết thái quá mà gặp gió là chảy nước mắt càng không dùng được.  

3) Sách nói: Chữa phong tà tức là chỉ phong hàn bên  ngoài lấn vào mà nói, khát lâu trị được là sai mà là bạch chỉ trị chứng tả lâu ngày đúng hơn, vì nó làm ráo thấp, đưa chất trong trẻo lên nên trị tả là đúng. Xưa nay chưa ai dùng bạch chỉ để trị khát cả. 

4) Sách nói: Trị sườn đầu, đó là mộc bị uất ở trong thổ, quá ức chế khí thiếu dương, không đạt ra ngoài được thì nên dùng. Còn như can đởm hỏa viêm, đi ngang đi ngược lên thì cấm dùng. 

5) Sách nói: Trị phong thống đầu xây xẩm, cũng là do khí dương không giữ được chức phân bố giúp đỡ mà ngoại phong lấn vào thì dùng rất thích hợp.

Đó là chứng dương hư phong huyễn dùng là phải. Còn như âm hư khí và hỏa bốc lên mà sinh ra phong huyễn thì lại không dùng được. Tóm lại phải phân rõ âm hư dương hư mà dùng. 

7. Liều dùng bào chế và kiêng kỵ

Liều dùng: 3 -10g.

Kiêng kỵ: Phàm âm hư và uất hóa cấm dùng. Sợ tuyền phúc hoa, chế lưu hoàng, hùng hoàng.

Khi dùng bạch chỉ cần nhận thức rõ:

Bạch chỉ cay, ấm, thơm, ráo là loại thuốc sơ phong tan lạnh, đi lên đầu mắt thanh các khiếu. Cũng có thể ráo thấp đưa dương lên, bên ngoài đạt tới ngoài cơ phu, bên trong nâng được khí trong lên, công tương tự như Xuyên khung, Cảo bản

Thu hái, sơ chế: Lá úa vàng lúc mùa thu, đào rễ, bỏ thân và rễ con, rửa sạch đốt cho vào vại có vôi, đậy kín một tuần mới lấy ra phơi khô, có nơi phơi ngay nếu mưa thì sấy trong lò sau đó thì cạo bỏ vỏ mỏng ngoài Hoặc có nơi phơi hoặc sấy nhẹ đến khô, hoặc cho vào lò xông diêm sinh một ngày đêm cho thật chín mềm (cứ 100kg Bạch Chỉ tươi thì dùng 0,800kg diêm sinh) cho tới độ ẩm dưới 13% thì Bạch Chỉ mới trắng, những lần sấy sau diêm sinh ít hơn, cứ 100kg Bạch Chỉ thì cần diêm sinh đốt làm 2 lần.

Bào chế bạch chỉ: Hái Bạch chỉ về, cạo sạch vỏ, thái nhỏ, lấy Hoàng tinh (số lượng bằng nhau), cho vào nồi, đồ 1 lúc, lấy Bạch chỉ ra, phơi khô, dùng. Hoặc hái về, rửa sạch, cắt ra từng khúc, trộn với vôi, phơi khô. Khi dùng cho vào thuốc thì sao qua. có thể sao cháy hoặc tẩm giấm, sao (Trung Dược Đại Từ Điển).+Rửa qua cho sạch, ủ 3 giờ cho mềm. Thái nhỏ, phơi trong râm cho khô. Không sao tẩm gì (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược – Việt Nam).

Rễ củ thu hái lúc trời khô ráo, trước lúc mưa to kéo dài. Đào rễ và cắt cho bằng đầu, tránh làm sây sát vỏ và gẫy rễ. Không thu hái ở cây đã kết hạt. Loại bỏ rễ con, rửa nhanh sau đó sấy Lưu huỳnh rồi phơi ở nhiệt độ 40-50o (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Nguồn: Tổng hợp ( có sử dụng tư liệu của L/Y Hy Lãn)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm