Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khoẻ mạnh. Vị thuốc này dùng chữa bệnh đau khớp, tay chân và các khớp xương nhức mỏi hoặc tê bại. Nên gọi là vị thuốc thiên niên kiện.

Tên gọi khác: Bao kim, Vắt vẻo, Sơn thục, Trao yêng (Kho), Duyên (Bana), Ráy hương, Vạt hương (Tày), Hia hẩu ton (Dao). Tên khoa học của nó là Homalomena occulta (Lour.) Schott. Thuộc họ Ráy (Araceae).

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Mô tả dược liệu:

Dược liệu là phần thân rễ, đoạn thẳng hay cong queo. Phiến có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 cm đến 30 cm, đường kính 1 cm đến 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bề ngang dược liệu hơi dai, vết cắt có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải. Ngửi có mùi thơm hắc, vị cay.

Bộ phận dùng: Thân rễ

Thu hái: Thiên niên kiện thu hái vào mùa xuân hay mùa thu. Thu về những thân rễ già, rửa sạch, bóc loại bỏ vỏ ngoài và các rễ con.

Bào chế dược liệu

Theo Trung Y:Lấy rễ đã chế khô mài với rượu mà uống, hoặc mài với nước thuốc chứ không nên sắc, bay mất mùi thơm.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ủ kín cho mềm, thái lát phơi râm hoặc sấy nhẹ lửa cho khô. Khi dùng thì lấy thứ lát khô ngâm rượu uống hoặc xoa bóp, hoặc phối hợp với thuốc khác tán bột làm hoàn. Cũng có thể dùng tươi giã nát, sao nóng bóp vào chỗ đau nhức.

Bảo quản: để nơi khô ráo, mát, tránh ẩm nóng, để giữ tinh dầu.

2. Tác dụng của Thiên niên kiện theo Tây y

Thân rễ Thiên niên kiện có tác dụng ức chế yếu phù bàn chân chuột cống trắng gây bằng kaolin, không ảnh hưởng trên u hạt thực nghiệm gây bằng amian và gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non mức độ yếu. Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng như ức chế sự co thắt cơ trơn ruột chuột lang cô lập gây nên bởi histamin và acetylcholin, gây giãn mạch ngoại biên và có tác dụng yếu ổn định màng hồng cầu in vitro. Liều chết LD50 của thiên niên kiện cho chuột nhắt trắng uống là 245g/kg.

vị thuốc thiên niên kiện

3. Vị thuốc Thiên niên kiện theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị cay đắng, tính ấm

Quy kinh: Can, Thận.

3.2 Tác dụng chủ trị của Thiên niên kiện

Tác dụng: Trừ phong thấp, mạnh gân cốt.

Chủ trị: 

  • Chứng thắt lưng và đầu gối lạnh đau, các khớp sưng đau nhức, chân co rút tê bại.
  • Chữa chàm dị ứng, viêm da thần kinh ( kết hợp với Thương truật để xông)
  • Trẻ em chậm đi
  • Thuốc ngâm rượu

3.3 Liều thường dùng và kiêng kỵ

Liều thường dùng: 6 – 12g/ngày

Kiêng kỵ: Không có phong thấp mà thuộc âm hư nội nhiệt, nhức đầu không nên dùng.

4. Một số bài thuốc có Thiên niên kiện

1) Chữa tê thấp, nhức mỏi gân cốt

Thiên niên kiện 12g Cỏ xước (ngưu tất nam) 12g
Thổ phục linh 12g Độc lực 8g
Cam thảo 6g Thương truật 10g

Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.

2. Chữa thoái hóa cột sống

Thiên niên kiện 12g Đỗ trọng 12g
Thổ phục linh 12g Quế chi 6g
Cam thảo 8g Ngưu tất 12g
Thương truật 12g Đại táo 12g
Tần giao 8g Ý dĩ 10g
Xuyên khung 10g Kỷ tử 10g

Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.

3. Chữa phụ nữ đau bụng kinh

Thiên niên kiện 12g Bạch thược 12g
Xuyên khung 12g Hồng hoa 6g
Đào nhân 6g Đỗ trọng 12g
Cam thảo 8g Ngưu tất 12 g
Đại táo 12g Nhân trần 10g
Ích mẫu 10g Ý dĩ 10g
Xuyên khung 10g Kỷ tử 10g
Liên nhục 10g Toan táo nhân 8g

Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.

4) Một số bài thuốc chữa viêm khớp, đau khớp mạn tính

Bài 1: Thiên niên kiện: 10g; mộc qua: 20g; ngưu tất: 10g; hy thiêm: 20g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.

Bài 2: Thiên niên kiện, Dây chiều, Kê huyết đằng, Đan sâm, Thục địa, Xích thược, Thổ phục linh, Độc hoạt, Khương hoạt, Tang ký sinh, Đỗ trọng mỗi vị 12g; Đảng sâm 20g, Hoài sơn 16g, Ngưu tất 10g, Nhục quế 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Thiên niên kiện, Kê huyết đằng, Hà thủ ô trắng, Ngũ gia bì mỗi thứ 50g ngâm rượu cùng rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, sau 3 tháng thì uống theo bữa cơm mỗi lần 1 chén nhỏ.

Bài 4: Thiên niên kiện: 10g; cốt toái bổ: 10g; bạch chỉ: 8g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.

Bài 5: Thiên niên kiện 12g, Rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 18g, Cỏ mực 16g, Ngải cứu 12g, Thương nhĩ tử (sao vàng) 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 6: Thiên niên kiện 12g, Rễ bưởi bung 10g, Quả dành dành 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài 7: Thiên niên kiện, Kim ngân, Cỏ xước, Thổ phục linh, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Cây xấu hổ, Dây đau xương, Cà gai leo. Các vị lượng bằng nhau, rửa sạch, đun kỹ, cứ 1kg dược liệu khô sắc lấy 1 lít nước thuốc, chế thành rượu thuốc hoặc si-rô để uống.

Bài 8: Thiên niên kiện 12g, Cốt toái bổ 10g, Bạch chỉ 8g. Sắc uống.

5) Chữa chứng dị ứng, mẩn ngứa

Thiên niên kiện 10g Sả 10g
Gừng tươi 10g

Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần. Có thể dùng bã để thoa vào vị trí bị ngứa như vậy sẽ tăng hiệu quả cho bài thuốc.

6) Thiên niên kiện ngâm rượu

Chữa chữa đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương khớp, tê bì chân tay.

Thiên niên kiện: 100g Ngưu tất: 100g
Câu kỷ tử: 100g Đỗ trọng 100g
Thục địa 200g Bạch thược 100g
Đại táo 200g Đẳng sâm 100g
Đương quy 100g Rượu trắng 5 lít

Tất cả đổ vào bình ngâm khoảng 30 ngày là dùng được, mỗi ngày uống một chén móng (khoảng 20 ml), khi ăn, buổi tối.

Phụ nữ có thai không dùng rượu thiên niên kiện.

5. Trích dẫn y văn

+ Thiền sư Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu (quyển 10, chương 1, tiết 3) có ghi nhận một bài thuốc kinh nghiệm rất hay: dùng Thiên niên kiện và hạt Gấc mài với rượu ngon phết lên nhọt độc chạy chỗ này sang chỗ khác.

+ Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng của  Tuệ Tĩnh, do Y viện triều Lê Dụ Tông khắc in năm 1723, thì ghi nhận vị thuốc này dưới các tên Ráy xước hay Sơn phục:  “cây Ráy xước người rằng Sơn phục” (Nam dược quốc âm phú).

+ Một số địa phương như Quảng Nam ngày nay vẫn gọi tên Sơn phục, Thần phục hay Tầm phục cho các loài Thiên niên kiện.

+ Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ Thiên niên kiện được dùng trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, ngoại thương xuất huyết, tứ chi tê bại, đau dạ dày, viêm dạ dày và ruột, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức khớp xương.

+ Ở Ấn Độ, thân rễ được dùng làm chất thơm và kích thích. Bột thân rễ được cho vào thuốc lá hoặc trong thành phần các thuốc bột để hít. Toàn cây dùng chữa bệnh ngoài da. Tinh dầu được dùng làm hương liệu trong công nghệ làm nước hoa.

+ Thiên niên kiện còn là nguyên liệu chiết tinh dầu dùng làm hương liệu, và là nguồn nguyên liệu chiết linalol.

+ Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ Thiên niên kiện được dùng trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, ngoại thương xuất huyết, tứ chi tê bại, đau dạ dày, viêm dạ dày và ruột, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức khớp xương.

Nguồn Ly Hy Lãn

Xem thêm: 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ