Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Ba kích còn gọi: Ba kích thiên, cây ruột gà, chất phóng xì (Hải Ninh), ba kích nhục, liên châu ba kích. Trung Quốc gọi: Bất điếu thảo (Nhật hoa bản thảo), nữ bản, ba tảo, tạm mạn thảo, diệp liễu thảo, đan điền lâm vũ, lão thử thích căn. (Hoa hán dược khảo).

– Tên khoa học: .

a/ Theo những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (viết tắt là: NCTWTVN). Morinda officinalis HOW. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)

Người ta dùng rễ phơi hay sấy khô (radix morindae) của cây ba kích.

b) Theo Trung Quốc dược học đại từ điển: Damnacanthus Indicus Gaertn, var Gigunteus NaK (La Tinh)

Thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae)

c) Theo sách Vân Nam Trung dược tư nguyên danh lục cũng xác định là: Morinda officinalis Houp nên theo tên khoa học này. Còn TQDHĐTĐ không chính xác. Cây Damnacanthus indicus, Gaertn, tính vị ngọt bình. Công dụng: Khử phong lợi thấp, hoạt huyết tiêu sưng, trị viêm gan cấp, phong thấp gân cốt đau, tính vị không ấm, không thể bổ thận mạnh dương như ba kích.

1. Bộ phận dùng, thu hái và bào chế

– Bộ phận dùng: Ba kích là rễ phơi khô của cây Ba kích 

– Hình thái

Cây loại thảo sống lâu năm, thân leo, lá mọc đối, cứng nhọn hình mác, khi non có màu xanh, về già có màu trắng mốc, hoa lúc đầu trắng sau vàng, 2 -10 cánh hoa 4 nhị. Quả hình cầu, khi chín màu đỏ.

– Cách chế: Lấy rượu ngâm 1 đêm sấy khô dùng, nếu vội chỉ ngâm nước ấm cho mềm bỏ lõi dùng. 

Vị thuốc Ba kích

Vị thuốc Ba kích

2. Vị thuốc Ba kích theo Đông y

– Tính vị: Cay, đắng, ngọt, ấm

– Qui kinh: Vào kinh thận.

 – Công dụng:

Ôn thận, ích tinh, trừ phong, trị thấp, dùng làm thuốc cường tráng.

Mắc tà phòng lớn, âm nuy không cất lên được, mạnh gân cốt, yên 5 tạng, bổ trung, tăng chí, ích khí, chữa phong chạy khắp đầu mặt, bụng dưới cùng trong âm hộ dắt dẫn đau, bổ 5 chứng lao, ích tinh, uống vào có lợi cho nam giới.

* Lượng dùng: 4 – 8 gam.

* Kiêng kỵ: Phàm bệnh tướng hỏa thịnh lòng mong muốn không được thoải mái, đái đỏ, miệng đắng, mắt tối, mắt đau, phiền táo, miệng khát, đại tiện bí, táo. Cấm dừng

Ghét lôi hoàn, đan sâm. Phúc bồn tử làm sứ. 

3. Từng thời đại đã dùng để chữa

1) Ngõa Quyền đời Đường dùng trị bệnh con trai đêm nằm mơ giao hợp với ma quỷ, tinh tiết ra, mạnh âm hạ khí, trị phong lãi.

Ghi chú: Phong lãi là bệnh ngứa lông tóc rụng (ma phong) hoặc bệnh hủi (cùi).

2) Nhật Hoa đời Tống trị các loại phong, chữa thủy thũng.

3) Lý Thời Trần đời Minh dùng chữa

+ Cước khi trừ bệnh phong, bổ huyết hải.

+ Mậu Hy Ung đời Minh thì bàn rằng:

Ba kích vị cay, Biệt Lục thêm vào nói ngọt, Bản Kinh lại nói hơi ấm không độc, nên là thế vậy. Chủ trị tà phong lớn, cùng phong chạy khắp đầu mặt là vì phong là tà dương thì tất chạy lên trên. Sách nói: Tà đã xâm chiếm cơ thể thì khí hẳn hư, ba kích tính hay bổ giúp nguyên dương mà kiêm làm tan tà, khi chân dương đã được bổ thì tà còn ở đầu được nữa.

Nói chủ trị âm nuy không cất lên được, mạnh gân cốt, yên 5 tạng, bổ trung tăng chí, ích khí, đó là vì 2 kinh tỳ thận được nuôi dưỡng mọi thứ hư tổn khỏi vậy. Còn chữa được 2 bên rốn (thiểu phúc) cùng trong âm nông dẫn đau, hạ khí bổ 5 chứng lao, ích tinh, có lợi cho con trai là vì 5 tạng bị lao do thận là chính, khí đã hạ thì hỏa giáng xuống, hóa giáng xuống thì nước (thủy) dâng lên, âm dương cùng hỗ trợ, tinh thần bền giữ ở trong, cho nên chú việc tư dưỡng thận khí, khí nguyên dương càng thịnh thì mọi hư gây bệnh không cần lui mà tự lui vậy.

4) Đời nhà Thanh. Hoàng cung tứ bản thảo cầu chân bàn về ba kích rằng: – Ba kích thiên cay, ngọt, hơi ấm, cứ theo sách nói là thuốc chủ và bổ thận, có thể trị 5 chứng lao 7 chứng tổn thương, mạnh âm, ích tinh vì thế nó nhuận cho nên vậy. Song khí vị cay ấm, lại có thể trừ phong trừ thấp, cho nên phàm người eo lưng đầu gối đau đớn, phong khí, cước khí, thủy thũng uống vào càng có ích lợi. 

4. Nên hiểu và dùng ba kích thiên như thế nào?

+ Ba kích mùa đông không héo lá, chứng tỏ khí dương nó rất khỏe, vị cay khí ấm, chuyên vào tạng thận, nó có tác dụng bổ dưỡng khí dương.

+ Bản Kinh bảo là trị phong tà lớn, Biệt Lục dùng chữa phong chạy khắp đầu mặt, đó là phong hàn từ ngoài lại, dùng ba kích nuôi ấm khí nguyên dương thì phong tà tự lui, chứ không phải phong tà từ trong dấy lên đầu. 

+ Nói chữa chứng âm nuy, mạnh gân cốt ích tinh, trị bụng dưới, âm nang dắt dẫn sưng đau, đều là công năng ấm thận thắng hàn đó.

+ Nói ba kích bổ 5 chứng lao, 7 tổn thương, yên 5 tạng, tăng chí, ích khí, đều là công nó giúp đỡ phù trợ nguyên dương mà nên..

+ Biệt Lục nói hạ khí phải nên phân rõ là: Thận âm không cố nhiếp, hàn thủy lấn lên trên, dẫn đến chứng khí ngược lên suyễn đầy. Lúc ấy ta dùng ba kích để ấm thận nạp khí để nhiếp nạp phía dưới, mà khí nghịch lên tự bình được, chứ không phải cái khí nghịch do đờm nhiệt trào lên đầu.

+ Nói ba kích vị cay, tính ấm, tuy không mạnh dữ lắm, nhưng thực là vật phẩm ích dương cho tạng thận, tuy nói khí ôn hòa, đủ giúp sự sinh trưởng lớn lên của tạng thận và bốn tạng khác nữa. Song người xưa dùng chủ yếu cho bệnh hư tổn không đủ. Đối với vấn đề ấm thận giúp chân dương chỉ có người khí suy dương hư là thích nghi, còn người âm hư huyết thiếu thì chớ dùng. Bởi vì không những sợ vì phù trợ dương thì càng hao âm, càng nhiều động tướng hỏa, càng khiến hồn ngủ không yên, dễ dàng dẫn đến cái vạ cường dương mất tinh vậy.

+ Trọng Thuần bảo: Ba kích giúp nguyên dương mà lại kiêm tán tà, thật là khó lý giải. Trần Tu Viên dùng 4 chữ: đại phong tà khí thêm ra cả chữ: hòa phong, tật phong… thật là bàn suông.

Ngõa Quyền bảo chữa chứng đêm nằm mộng cùng qủy giao, tiết tinh, đều không đúng vì chí âm không cố nhiếp, tướng hỏa rộng càn quấy nhiễu làm hại, như vậy tư dưỡng âm cố nhiếp giữ gìn dương là phép chính trị ta nên theo. Ngược lại nếu dùng ba kích là vật phẩm cay, ấm, hưng dương thì hỏa càng bốc mà hồn càng không yên, ôm củi đi cứu giúp cho hỏa càng bốc to thì vạ càng lớn, không thể như vậy được.

5. Phối hợp ứng dụng vị Ba kích

1) Trị sán khí do thận hư: Hoàng bá; Ba kích; Hạt vải; Hạt quýt; Ngưu tất; Tỳ giải; Kim linh tử; Mộc qua; Sinh địa

2) Trị bệnh đêm mộng giao với quỷ, tiết tinh: Dùng: Ba kích; Bá tử nhân; Lộc giác; Thiên môn đông; Viễn chí; Liên tu; Phúc bồn tử; Hoàng bá. 

3) Trị phong ở đầu mặt: Ba kích; Cam cúc hoa; Thạch xương bồ; Hà thủ ô; Tật lê; Đậu đen; Sơn thù du; Thiên môn đông.

4) Trị người hay uống rượu yếu chân: Ba kích Thục địa hoàng. 

5) Trị âm nuy:

Ba kích; Ngũ vị tử; Nhục thung dung; Lộc nhung; Sơn thù du; Bá tử nhân; Bổ cốt chư; Câu kỷ tử.

Hoặc: Bỏ Lộc nhung – Nhục thung dung. Thêm: Hoàng bá; Ngưu tất; Mạch môn; Sinh địa; Xa tiền tử

Bài này trị âm hư đái đục trắng lâu không khỏi.

Ghi chú:

Ba kích làm tăng sự co bóp của ruột và giảm huyết áp không có độc.

Diệp Thiếu Sĩ nói: Ba kích trị cái bại liệt mềm yếu của dương hư – Dâm dương hoắc trị cái bại liệt mềm yếu của âm hư..

Nguồn: L/Y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ