Vị thuốc Thảo quyết minh – Còn gọi: Hạt muồng, quyết minh. quyết minh tử, dạ quan môn, đậu ma.
– Tên khoa học: Cassia tora Linn Thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae) . (Có nơi ghép vào họ Đậu (Leguminosae).
Mục Lục
1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế
Bộ phận dùng: Hạt muồng là hạt phơi khô của cây thảo quyết minh. (Semen cassiae).
Thu hái: Vào khoảng tháng 9 – 11
Bào chế: Quả chín phơi khô, đập lấy hạt, lại phơi nữa cho thật khô. Khi dùng sao nhỏ lửa cho đến khi có mùi thơm. Tùy theo điều trị, có thể sao vàng hoặc sao cháy.
Bảo quản: Để nơi khô ráo. Tránh ẩm mốc.
2. Tác dụng dược lý vị thuốc Thảo quyết minh
Nhuận tràng
Thảo quyết minh do có chất antraglucozit nên có tác dụng tăng cường sự co bóp của ruột, làm cho sự tiêu hóa được tăng sẽ cường, đại tiện dễ, phần mềm mà lỏng, không đau bụng. Còn có tác dụng diệt khuẩn, dùng điều trị hắc lào, nấm ngoài da như chàm ở trẻ con. (Khi dùng chữa làm tăng sự tiêu hóa không nên rang).
Tác dụng an thần
Trên thỏ dùng bằng đường uống, thảo quyết minh có tác dụng an thần. Trên điện não đồ làm tăng các phần sóng chậm, giảm sóng nhanh, giảm hoạt hóa với các tế bào thần kinh của thể lưới và vỏ não.
Kháng khuẩn, kháng nấm
Dạng chiết cồn từ hạt thảo quyết minh có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn như: tụ cầu khuẩn;, trực khuẩn bạch hầu; trực khuẩn đại tràng; thương hàn, phó thương hàn. Cao nước có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
Hạ huyết áp, hạ lipid máu
Các nghiên cứu cho thấy thảo quyết minh có vai trò trong việc hạn chế hình thành mảng xơ vữa động mạch; hạ cholesterol toàn phần và triglycerid;kiểm soát nồng độ lipid máu và hạ huyết áp.
3. Vị thuốc Thảo quyết minh theo Đông y
– Tính vị: Hạt: Đắng, ngọt, mát. Có sách nói vị mặn tính bình
– Quy kinh: Can, Thận
– Công dụng: Hạt: Mát gan sáng mắt, lợi thủy thông tiện, trừ phong. Trị phong nhiệt mắt đỏ, thanh manh, quáng gà (tước mục).
– Theo Cụ Lê Hữu Trác; Lĩnh nam bản thảo có nói: . .
Quyết minh tử là hạt muỗng muồng.
Mặn, bình, sáng mắt tốt như thường.
Bổ thận, mát gan, nhuần 5 tạng.
Ung thư, đầu nhức, hay không lường.
(Muồng muồng còn có tên là đậu muồng, là thảo quyết minh).
* Liều dùng: Dùng riêng một vị 30 – 50g.
Dùng phối hợp vị khác 20 – 30g.
* Kiêng kỵ: Người bị ỉa chảy hoặc huyết áp thấp không nên dùng
4. Phối hợp ứng dụng
1) Chữa hắc lào. Thảo quyết minh 20g Rượu tốt 40ml Giấm ăn 5ml. Ngâm 10 ngày bôi lên hắc lào sau khi đã rửa sạch, cạo ra.
2) Chữa đau mắt do cao huyết áp. Thảo quyết minh 30g Long đởm thảo 16g Hoàng bá 16g Sắc uống trong ngày.
3) Trà dùng cho người cao huyết áp, sinh ra mất ngủ. Hạt muồng rạng hơi đen, tán nhỏ pha như pha cà phê uống hàng ngày.
4) Trị huyết áp cao ( thể can dương thịnh): Dùng độc vị Thảo quyết minh 20g, Câu đằng, Bạch tật lê mỗi thứ 12g. Sắc uống.
5) Trị can thận bất túc, gây cườm mắt – quáng gà:
Quyết minh tử 12g | Câu kỷ tử 12g |
Gan lợn 100 – 150g |
Nấu chín ăn luôn gan.
Hoặc
Quyết minh tử 12g | Sa tật lê 12 g |
Câu kỷ tử 12g |
Nữ trinh tử12g |
Cốc tinh thảo 12g | Cúc hoa 12g |
Sinh địa 16g |
Sắc uống
6) Táo bón kinh niên: Có thể dùng hạt muồng sắc uống thay nước hàng ngày. Hoặc thêm Me chín (bỏ hạt) lượng bằng nhau, sấy khô tán bột mịn trộn mật ong vừa đủ làm viên, mỗi lần uống 10 – 20g trước lúc ngủ có tác dụng nhuận tràng.
5. Lời bàn
Tên gọi thảo quyết minh mà nhân dân ta gọi cây hạt muồng, hay muồng muồng lấy lá làm phân bón tức là cây mô tả trên đây.
Chớ lầm với thảo quyết minh, Trung Quốc là Thanh tương tử. (Celocia argentea L) và cũng chớ lầm với cây Muồng cốt khí tức vọng giang nam, Trung Quốc cây này (vọng giang nam) là Giang mang quyết minh, quyết minh tử còn gọi là giang năm đậu. Loại giang mang quyết minh này hạt to, màu vàng, trên đường lên cốt 700 núi Ba Vì thấy có nhiều.
Nguồn: Lương y Hy Lãn
Xem thêm: