Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Trạch tả còn gọi là Mã đề nước. Tên trong sách cổ: Thủy tả, Hộc tả (Bản Kinh). Mang vu, Cập tả (Biệt Lục). Vũ tôn, Lan giang, Toan ác du,Trạc chi,  Ngưu nhĩ thái, Du (Hòa Hán Dược Khảo). Như ý thái (Bản Thảo Cương Mục). 

Tên khoa học: Alisma plantago aquatica L 

Họ Trạch tả (Alismaceae). 

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Bộ phận dùng: Củ rễ của cây mã đề nước. Củ to chất chắc, vỏ ngoài màu trắng vàng, nhiều bột  là loại tốt

Thu hái: Mùa đông đào cả cây, cắt bỏ thân, lá và rễ tơ, rửa sạch, sấy khô. 

Mô tả dược liệu: Dược Tài Học miêu tả. Củ hình bầu dục hoặc hình tròn trứng. Vỏ thô, mặt ngoài màu trắng vàng, có vằn rãnh nông quanh ngang củ, rải rác có nhiều vết tơ lồi nhỏ hoặc có lồi sẹo bướu. Chất cứng, khó bẻ, mặt gãy màu trắng vàng, có bột, nhiều lỗ nhỏ. Mùi hơi nhẹ, vị hơi đắng.

Bào chế: 

+ Trạch tả: Ngâm nước thấm 8 phân, vớt ra, phơi khô. Hoặc rửa sạch, đồ cho mềm rồi thái miếng.

+ Diêm Trạch tả: Phun đều nước muối vào miếng Trạch tả cho ẩm. Cứ 50kg Trạch tả dùng 720g muối.Rồi cho vào nồi, sao qua nhỏ lửa cho đến khi mặt ngoài thành màu vàng, lấy ra phơi khô (Dược Tài Học). 

Bảo quản: Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc 

2. Tác dụng dược lý theo Tây y

+ Thuốc có tác dụng lợi tiểu,  thải ra Natri, Kali, Chlor và Urê  nhiều hơn 

+ Phấn Trạch tả hòa tan trong mỡ,  cải thiện chức năng chuyển hóa lipid của gan, hạ Lipid trong máu rõ, chống gan nhiễm mỡ

+ Cao cồn chiết xuất Trạch tả có tác dụng hạ áp nhẹ làm giãn mạch vành và chống đông máu. 

Vị thuốc trạch tả

Vị thuốc trạch tả

+ Nước sắc Trạch tả có tác dụng hạ đường huyết

3. Vị thuốc Trạch tả theo Đông y

3.1 Tính vị quy kinh

Tính vị: Ngọt, mặn, tính lạnh

+ Bản Kinh: Vị ngọt, tính hàn.. 

+ Biệt Lục: Vị mặn, không độc.. 

+ Y Học Khải Nguyên: Vị ngọt, khí bình..

 Quy kinh: Thận, Bàng quang

+ Bản Thảo diễn Nghĩa Bổ Di: Bàng quang, Thận.

+ Dược Phẩm Hóa Nghĩa: Tỳ, Vị, Thận, Bàng quang, Tiểu trường.

+ Lôi Công Bào Chích Luận: Bàng quang, Thận, Tam tiêu, Tiểu trường.

+ Thang Dịch Bản Thảo: Tiểu trường, Tâm. 

3.2 Tác dụng chủ trị

Tác dụng: Lợi thủy thẩm thấp

Chủ trị: 

+ Biệt Lục: Bổ hư tổn ngũ tạng; trừ ngũ tạng bỉ mãn; khởi âm khí; chỉ tiết tinh; tiêu khát; lâm lịch; trục thủy đình trệ ở bàng quang tam tiêu.

+Dược Tính Luận: Chủ Thận hư; tinh tự xuất; trị ngũ lâm, lợi nhiệt ở Bàng quang tuyên thông thủy đạo.

+ Nhật Hoa Tử Bản Thảo: Trị ngũ lao, thất thương, đầu váng, tai ù, gân xương co rút, thông tiểu trường, chỉ di lịch, niệu huyết, thôi sinh, sinh đẻ khó, bổ huyết hải, làm cho có con (). 

Ứng dụng lâm sàng: Trên lâm sàng dùng để chữa

– Viêm bàng quang, viêm thận, sỏi đường tiết niệu gây phù thũng tiểu ít hoặc đái buốt hoặc đái ra máu

– Phù do thiếu vitamin B1

– Hoa mắt chóng mặt do có thủy đình ở tâm

– Ỉa chảy gây tiểu ít

– Di tinh do âm hư hỏa vượng

3.3 Liều dùng và kiêng kỵ

Liều dùng: 8 – 10g/ ngày

Kiêng kỵ: Người không có tích thủy, người tân dịch hư, huyết hư không nên dùng.

4. Phương thuốc chọn lọc có vị  trạch tả 

1) Thủy ẩm ở vùng dưới tâm, sinh ra hoa mắt: Bạch truật 80g, Trạch tả 200g, Sắc uống (Trạch Tả Thang – Kim Quỹ Yếu Lược).  

Hoặc dùng  

Trạch tả 9g Đăng tâm 10 cọng
Sinh khương 5 miếng Bạch truật 9g
Phục linh 9g Sắc uống.

2) Trị thận hư, thận khí tuyệt, gây  tiểu buốt, tiểu không tự chủ: 

Bạch long cốt 40g Cẩu tích 80g
Tang phiêu tiêu 40g Trạch tả 12g
Xa tiền tử 40g

Tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với rượu ấm, trước bữa ăn (Trạch Tả Tán – Hòa Tễ Cục phương).  

3) Chữa viêm thận cấp, tiểu ít, phù thũng thể dương tính: 

Trạch tả 16g Trư linh 16g
Phục linh 16g Xa tiền tử 16g

Sắc uống.  

4) Trị Thận viêm mạn, chóng mặt: 

Trạch tả 12g Bạch truật 12g
Cúc hoa 16g

Sắc uống.

5)  Trị tiểu không thông

Trạch tả 12g Xa tiền thảo 12g
Trư linh 12g Thạch vi 12g
Xuyên mộc thông 8g Bạch mao căn 20g

Sắc uống.

6) Trị tiêu chảy do thủy thấp, bụng sôi, nhưng không đau

Tiết Tả Phương. 

Bạch truật 12g Phục linh 12g
Trần bì 8g Cam thảo 4g
Trạch tả 12g Sa nhân 4g
Thần khúc 12g Mạch nha 12g

Sắc uống 

7) Trị đình ẩm trong dạ dày, tiêu chảy, tiểu ít: Trạch tả 20g, Bạch truật 8g, sắc uống.

8) Chữa thủy thấp ngưng trệ, tiểu tiện bất lợi, hạ tiêu thấp nhiệt, ra khí hư, 

Dùng Cháo trạch tả gạo lứt: Trạch tả 10g, gạo lứt 50g. Lượng nước vừa đủ (500ml) nấu gạo lứt thành cháo, sau đó cho trạch tả vào. Đun nhỏ lửa cho sôi lên là được.

9) Chữa bệnh thủy thũng, táo bón, tiểu đỏ gắt.

Trạch tả cam thảo Thang

Trạch tả 6g phục linh 6g
bạch truật 4g cam thảo 2g

Nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

10) Chữa cương dương không xuống, thận âm suy mà hỏa thịnh: Trạch tả 15g, sắc uống thay trà.

11) Chữa viêm thận phù nề, tiểu tiện bất lợi.

Trạch tả xa tiền tử thang

Trạch tả 12g Xa tiền tử 9g
Bạch truật 12g Phục linh bì 15g
Tây qua bì (vỏ dưa hấu) 24g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 phần, uống trong ngày.

Nguồn: Tổng hợp

Xem thêm 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ