Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Học thuyết Tạng Phủ (phần 2 Lục phủ)

by BBT Yhctvn

Học thuyết tạng tượng là một trong những học thuyết quan trong của y học cổ truyền. Học thuyết nêu rõ chúc năng sinh lý của từng tạng phủ, quan hệ giữa các tạng phủ. Giúp người học hiểu rõ cơ chế sinh lý của cơ thể. Từ đó giúp ích rất nhiều trong việc phòng chẩn đoán và điều trị bệnh. Phần hai này chúng ta sẽ tìm hiểu về chức năng sinh lý của Lục phủ.

B Lục Phủ

Lục phủ gồm: Đởm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang, tam tiêu. Lục phủ đa số là những cơ quan rỗng (tạng rỗng). Chức năng sinh lý chung của chúng là vận chuyển (chuyển hóa) thức ăn và thủy dịch. Quá trình tiêu hóa hấp thụ bài tiết thức ăn được thực hiện bởi sự phối hợp mật thiết giữa các phủ. Thức ăn nhập vị được nhào nấu tiêu hóa và chuyển xuống tiểu trường, tiểu trường phân thanh biệt trọc. Thanh là những vật chất tinh vi (dinh dưỡng) thông qua tỳ vận chuyển dinh dưỡng toàn thân. Trọc là chất cặn bã được chuyển xuống đại trường hấp thu phần tân dịch và tống ra ngoài bằng giang môn (hậu môn). Một phần chất cặn bã sau chuyển hóa đi qua hạ tiêu thấm nhập bàng quang. Bàng quang khí hóa thành nước tiểu tống ra ngoài. Toàn bộ quá trình tiêu hóa còn nhờ vào đởm trấp (dịch mật) bài tiết vào tiểu trường giúp tiêu hóa. Tam tiêu là thông lộ của tân dịch. Thông qua nó tân dịch sẽ phân bổ toàn thân và phát tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng. Lục phủ liên thông với nhau. Mỗi phủ đều phải duy trì trạng thái “Tả nhi bất tàng”, kịp thời bài tiết hết những vật chứa trong nó mới có thể bảo đảm sự thông suốt. Do có sự liên thông đó nên bất kỳ phủ nào bị bệnh đều sẽ liên lụy đến những phủ khác và tiếp theo là ảnh hưởng cả quá trình thu nạp, tiêu hóa, hấp thu và bài tiết

.

Chức năng chính của lục phủ là chuyển vận thức ăn và thủy dịch với đặc điểm sinh lý là “Tả nhi bất tàng” nghĩa là kịp thời thải trống những vật chứa đựng trong nó và không ngừng vận chuyển xuống dưới, do đó lục phủ đều “Dĩ giáng vi thuận, dĩ thông vi dụng”. Nhưng giáng và thông bất cập hoặc thái quá đều thuộc bệnh lý. Đồng thời cần chú ý nếu lục phủ không thể “Tả nhi bất tàng” sẽ dẫn đến thủy cốc cặn bã đình trệ và tích tụ cho nên bệnh của lục phủ đa số là thực chứng.

1. Đởm

Trữ tồn dịch mật: do can hoá sinh, hội tập ở đởm, tiết ra ở tiểu trường, tác dụng tiêu hoá thức ăn, là điều kiện trọng yếu để  công năng vận hoá của tỳ vị đạt dược bình thường.

–  Bài tiết dịch mật: công năng sơ tiết của can trực tiếp khống chế và điều tiết  quá trình bài tiết dịch mật.

–  Chủ quyết đoán: nếu đởm khí hư sẽ mất khả năng quyết đoán.

2. Vị

Hay còn gọi vị quản chia làm thượng, trung, hạ. Phía trên gọi là thượng quản, giữa trung quản và dưới là hạ quản.

Chủ thu nạp, mục chín đồ ăn

Thu nạp là tiếp thu chứa đựng. Thức ăn được tiêu hóa sơ bộ tại vị thành dạng cháo gọi là “Hủ thục”. Sau đó chuyển xuống tiểu trường… vị trung thu nạp làm nát thức ăn và nhờ tỳ vận hóa đi dinh dưỡng toàn thân. Vị khí thịnh, suy, có hoặc không trực tiếp quan hệ đến hoạt động sống và sự tồn vong cơ thể. Lý Đông Hằng trong Tỳ vị luận, có nói: “Nguyên khí chi sung túc, giới do tỳ vị chi khí vô sở thương, nhi hậu năng tư dưỡng nguyên khí. Nhược vị khí chi bản nhược, ẩm thực tự bội, tắc trường vị chi khí ký thương, nhi nguyên khí diệc bất năng sung, nhi chư bệnh chi sở do sinh dã” (khi nguyên khí mạnh mẽ thì tỳ vị khí vận hóa tốt và lại còn tư dưỡng ngược lại nguyên khí. Nếu vị khí bản thân hư nhược, ăn uống không ngon tức trường vị khí đã tổn thương và nguyên khí cũng hư suy từ đó rất dễ sinh bệnh). Trên lâm sàng khi chẩn trị bệnh rất coi trọng vị khí thường lấy “Bảo vị khí” làm nguyên tắc điều trị.

Chủ thông giáng, dĩ giáng vi hòa

Nghĩa là chức năng chủ yếu của vị là đem thức ăn đi xuống. Do trong học thuyết tạng tượng thường cho rằng tỳ thăng vị giáng để khái quát về vận động của hệ tiêu hóa do đó sự thông giáng của vị còn bao gồm cả tiểu trường đưa chất cặn bã xuống đại trường và tống ra ngoài. Khi vị thất thông giáng sẽ ảnh hưởng đến ăn uống và trọc khí không xuống được nên xuất hiện miệng hôi, đầy tức bụng và táo bón…

3. Tiểu trường

Vị trí trong ổ bụng phía trên nối với vị, phía dưới nối đại tràng, quan hệ với tâm là biểu lý. Chức năng chủ yếu gồm:

Chủ thụ thịnh và hóa vật

Thụ thịnh là cơ quan có chức năng tiếp nhận. Hóa vật nghĩa là tiêu hóa triệt để, sinh hóa tinh vi (sinh ra chất dinh dưỡng). Chủ hóa vật tức là chỉ thức ăn sau khi được tiêu hóa sơ bộ ở vị được đưa xuống tiểu trường. Cần một khoảng thời gian nhất định lưu lại đây để tiến hành tiêu hóa triệt để và phân thủy cốc thành chất tinh vi và cặn bã.

Tiết biệt thanh trọc.

Là phân biệt ra. Thanh là chỉ thủy cốc tinh vi trọc là cặn bã. Tiết biệt thanh trọc nghĩa là thức ăn sau khi đi qua tiểu trường tiêu hóa sẽ phân biệt thành thủy cốc tinh vi và chất bã cặn, hấp thu thủy cốc tinh vi và đưa cặn bã xuống đại trường. Khi hấp thu dinh dưỡng đồng thời cũng hấp thu phần lớn lượng nước (nên còn gọi tiểu trường chủ dịch). Chức năng này của tiểu trường còn có quan hệ tới lượng nước tiểu. Nếu chức năng này bình thường thì hai đường nhị tiện bình thường. Trên lâm sàng dùng phương pháp lợi tiểu tiện để thực đại tiện (làm phân khô).

4. Đại trường

– Đại trường tiếp thụ chất cặn bã và thuỷ dịch sau khi tiểu trường phân biệt thanh trọc, tái hấp thu thuỷ dịch có trong chất cặn bã, hình thành phân truyền tống xuống đoạn cuối của đại tràng, qua hậu môn bài xuất ra ngoài.

– Ngoài ra tác dụng chuyển đạo của đại trường có quan hệ với công năng khí hoá của thận. Nếu thận âm bất túc, dịch trường khô táo sinh ra tiện bí; thận dương hư có thể gây dương hư tiện bí hoặc dương hư tiết tả.

– Có lạc mạch thông với phế nên có quan hệ biểu lý với phế. Chức năng chủ yếu là chứa đựng, bài tiết cặn bã và hấp thu lượng nước còn lại trong chất bã. Chức năng truyền dẫn của đại trường có quan hệ tới phế khí (hạ giáng) và vị khí giáng trọc và quan hệ với chức năng khí hóa của thận. Nếu thận âm bất túc đại tiện sẽ táo bón, thận dương hư tổn sẽ có táo bón do dương hư hoặc tiêu chảy do dương hư. Nếu chức năng phong tàng của thận kém sẽ tiêu chảy mãn bởi vậy có câu thận chủ nhị tiện.

5. Bàng quang

Chủ yếu là trữ và bài tiết nước tiểu, nước tiểu do tân dịch hóa thành dưới tác dụng khí hóa của thận, nước tiểu trữ lại trong bàng quang tới một mức độ nào đó sẽ được bài tiết ra ngoài. Chức năng trữ nước tiểu phải dựa vào thận khí cố nhiếp, nên khi thận khí bất cố thì bàng quang mất sự chế ước do đó sẽ xuất hiện tiểu són (di niệu) hoặc bí tiểu. Sự bài tiết niệu lại dựa vào tác dụng khí hóa của thận và bàng quang nếu khí hóa giảm (thất tư) xuất hiện tiểu buốt đau, tiểu khó không thông thậm chí long bế (bí tiểu).

6. Tam tiêu

Là tên gọi chung của thượng trung hạ tiêu. Có hai khái niệm về tam tiêu. Thứ nhất là chỉ về – là cơ quan trong lục phủ nghĩa là nó là những thông đạo nối với nhau giữa các kẽ của các tạng phủ với nhau và giữa nội bộ các phủ tạng. Trong thông đạo này có sự vận hành của nguyên khí và tân dịch. Do đó sự thăng giáng xuất nhập của khí, sự bài tiết và phân bố của tân dịch đều dựa vào sự thông thoáng của tam tiêu. Thứ hai đơn thuần chỉ về vị trí nghĩa là từ hoành cách trở lên là thượng tiêu, từ cách tới rốn là trung tiêu, dưới rốn là hạ tiêu.

Chức năng của tam tiêu (phân theo chức năng)

Thông hành nguyên khí:

Nguyên khí là khí tối căn bản của cơ thể. Có nguồn gốc tại thận, nguyên khí thông qua tam tiêu mà vận hành toàn thân và lục phủ ngũ tạng.

Vận hành thủy dịch:

“Tố vấn – Linh lan bí tiểu luận” có nói: “Tam tiêu giả, quyết độc chi quan, thủy đạo xuất diên”. Quyết là sơ thông, độc là dòng suối nhỏ, quyết độc là lưu thông thủy đạo – cũng có nghĩa là tam tiêu có chức năng lưu thông đường nước, vận hành thủy dịch. Sự chuyển hóa nước của cơ thể do phế, tỳ, thận cùng hoạt động để hoàn thành nhưng nhất thiết phải dùng tam tiêu làm thủy đạo mới có thể thăng giáng xuất nhập. Nếu tam tiêu thủy đạo không thông thoáng thì phế tỳ thận khó thực hiện được chức năng điều tiết và phân bố thủy dịch. Do đó có thể gọi tác dụng hoạt động điều hòa của chuyển hóa thủy dịch là “Tam tiêu khí hóa”. Như “Loại kinh – Tạng tượng loại” nói: “Thượng tiêu bất trị thủy tắc thủy phiếm cao nguyên, trung tiêu bất trị thủy tắc thủy lưu trung quản, hạ tiêu bất trị thủy tắc thủy loạn nhị tiện. tam tiêu khí trị, tắc mạch lạc thông nhi thủy đạo lợi, cố viết quyết độc chi quan”.

Chức năng thông hành nguyên khí và vận hành thủy dịch của tam tiêu là quan hệ tương hỗ đây chính là thủy dịch vận hành dựa hoàn toàn vào thăng giáng xuất nhập của khí mà khí lại phụ thuộc huyết và tân dịch, do đó con đường thăng giáng xuất nhập của khí tất cũng sẽ là con đường đi của tân dịch thăng giáng xuất nhập thực tế thì đây là hai mặt của một chức năng.

Chức năng của tam tiêu (phân theo vị trí)

Nếu gộp tam tiêu xem như một nội tạng mà lại phân chia nó theo vị trí thì thượng tiêu từ cách mô trở lên trong đó gồm phế và tâm. Trung tiêu từ cách mô đến rốn gồm tỳ,vị, can, đởm. Hạ tiêu từ rốn trở xuống gồm thận, bang quang, tiểu trường, đại trường. Đặc điểm chức năng chia theo bộ vị gồm:

Thượng tiêu:

Gồm tâm, phế, đầu mặt, cũng có người qui 2 chi trên thuộc thượng tiêu đặc điểm chức năng sinh lý là chủ về thăng phát và tuyên tán khí, tức là tuyên phát vệ khí, bố tán thủy cốc tinh vi để dinh dưỡng toàn thân. Thượng tiêu chủ thăng phát và tiêu tán khí nhưng không phải chỉ có thăng mà không giáng mà là “Thăng dĩ nhi giáng” (thăng hết sẽ giáng). Thực chất đây là chỉ về tác dụng phân bố khí huyết của tâm và phế.

Trung tiêu”

Gồm tỳ vị can đởm. Chức năng chủ yếu là tiêu hóa, hấp thu, phân bố thủy cốc tinh vi và sinh huyết dịch. Nội kinh tuy có đề cập nhưng không chỉ rõ cụ thể trung tiêu gồm những tạng phủ nào, nhưng cuốn Nội kinh nói về mạch pháp và Vương Thúc Hoà đời Tấn đều cho rằng: Can nằm phía bên trái thuộc trung tiêu. Đến sau này khi học thuyết Ôn bệnh ra đời đề cập đến tam tiêu biện chứng và liệt thuộc hạ tiêu và được nhiều người dùng tới nay. Ở đây chủ yếu chỉ về tác dụng của can thuộc hạ tiêu chứ không phải nói về vị trí can tại hạ tiêu.

Hạ tiêu:

Gồm tiểu trường, đại trường, thận, bàng quang. Chức năng chủ yếu bài tiết cặn bã (phân và nước tiểu).

7. Phủ kỳ hằng

Kỳ hằng chi phủ bao gồm não, tủy, mạch, đởm, nữ bào tử (tử cung) trong đó đởm là phủ thuộc lục phủ mà lại thuộc phủ kỳ hằng. Bởi vì đởm tiết mật trực tiếp giúp tiêu hóa nên đứng đầu lục phủ nhưng đởm bản thân nó lại không có chức năng thu nhận và chuyển vận (hóa) thủy cốc, vả lại nó có chức năng tàng trữ dịch mật nên nó thuộc phủ kỳ hằng. Phủ kỳ hằng ngoại trừ đởm ra còn lại những cơ quan khác không có sự phối hợp biểu lý cũng không phối thuộc ngũ hành đây là đặc điểm khác biệt với ngũ tạng, lục phủ. Sinh lý của mạch, tủy, cốt, đởm sẽ nói ở phần khác.

7.1 Não

Nằm trong hộp sọ là nơi hội tập của thủy, do đó có tên gọi là “Tủy hải”

Có liên quan tới các hoạt động tinh thần, là nơi cư ngụ của nguyên thần.

“Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành” nói: “Đầu giả, tinh minh, chi phủ”. Bản thảo cương mục lại nhấn mạnh não là nguyên thần chi phủ do đó là cơ quan trọng yếu của cơ thể.

Các chức năng nghe, nhìn, vị, giác, tư duy, trí nhớ, ngôn ngữ đều qui thuộc não.

“Linh khu – Hải luận” nói: Khi tủy hải bất túc thì tai ù, chóng mặt, thị lục giảm. Y lâm cải thác có giải thích rằng: Trí nhớ con người tập trung ở não vì đồ ăn vào vị tỳ sinh khí huyết, cơ nhục. Thành phần tinh túy hóa thành tủy do tủy sống (tích tủy) đưa lên đầu mà thành não, nên có tên gọi não tủy, hai tai thông với não nên thính lực thuộc não, hai mắt nhìn được cũng qui thuộc não, mũi thông với não nên khứu giác cũng thuộc não…

7.2 Tử cung (nữ tử bào)

Còn gọi bào cung, tức là tử cung- là cơ quan sinh dục có tác dụng hoài thai và kinh nguyệt ở nữ giới, vị trí ở giữa bụng dưới phía sau bàng quang trước trực tràng…

Chức năng sinh lý nữ tử bào là một quá trình sinh lý phức tạp chủ yếu có liên hệ khăng khít với Thiên quý, xung nhâm 2 mạch, tâm, can tỳ.

Thiên quý có tác dụng tới nữ tử bào, đã bàn tới ở bài tạng thận trong học thuyết tạng phủ phần 1

Tác dụng hai mạch xung nhâm với nữ tử bào.

Hai mạch này cùng xuất phát từ trong nữ tử bào, mạch xung cùng đi song song với thận kinh thông với dương minh mạch có thể điều tiết khí huyết 12 kinh mạch nên có tên gọi “Xung vi huyết hải”. Nhâm mạch chủ bào thai, tương hợp với ba kinh âm trong vùng bụng dưới, có thể điều tiết các kinh âm của toàn thân nên có tên gọi “Âm mạch chi hải”. Khi khí huyết 12 kinh mạch tràn trề (sung doanh) mới có thể rót vào hai mạch xung nhâm, qua sự điều tiết của hai mạch đó mới vào bào cung từ đó sinh ra kinh nguyệt.

Sự thịnh suy của hai mạch xung nhâm phụ thuộc sự điều tiết của thiên quý. Thiếu thời khi thận tinh chưa thịnh thì thiên quý chưa tới, tử cung không phát triển phát dục, nhâm mạch chưa thông, xung mạch chưa thịnh nên không có kinh và không có khả năng sinh sản. Thời thanh xuân khi thiên quý tới, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh có kinh nguyệt bình thường và có khả năng thụ thai. Ở tuổi trên dưới 50 tinh khí trong thận dần suy, thiên quý cũng gần cạn kiệt, khí huyết hai mạch dần ít và thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu. Nếu xung nhâm thất điều xuất hiện kinh nguyệt không đều, băng lậu, bế kinh và vô sinh…

Tác dụng của tâm, can, tỳ với nữ tử bào

Kinh nguyệt có thành phần chủ yếu là huyết. Tâm chủ huyết, can tang huyết chủ sơ tiết, tỳ là nguồn sinh khí huyết và thống huyết. Ba tạng trên có tác dụng điều tiết sự vận hành và hóa sinh hóa dịch. Do đó chu kỳ kinh và sự thụ thai không tách rời sự sung mãn của khí huyết và sự điều tiết huyết dịch bình thường. Giống như “Tế âm cương mục” có nói: “Huyết là tinh khí của thủy cốc, thấm nhuận lục phủ ngũ tạng. Ở đàn ông hóa thành tinh (tinh dịch) ở đàn bà đi lên thành nhũ trấp (sữa), đi xuống thành kinh nguyệt. Nếu do tâm thần bất an sẽ thường gây ra kinh nguyệt hỗn loạn. Nếu chức năng tàng huyết của can, thống huyết của tý giảm có thể dẫn đến kinh nguyệt quá nhiều, chu kỳ ngắn lại, kinh kỳ dài ra hoặc băng lậu… Ngược lại nếu tỳ sinh hóa huyết không đủ, can huyết hư suy thì kinh nguyệt lượng sẽ ít, sắc nhạt thậm chí bế kinh và không dễ thụ thai.

8. Một số hội chứng bệnh của phủ

8.1. Đởm nhiệt

– Lâm sàng: vàng da, đau mạn sườn, lúc sốt lúc rét, miệng đắng, nôn mửa ra nước đắng.

– Pháp điều trị: thanh lợi can đởm

8.2. Vị hàn

– Lâm sàng: đau vùng thượng vị, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, gặp lạnh đau tăng, chườm nóng thì đỡ, nôn ra nước trong, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì hoặc trầm huyền

– Pháp điều trị: ôn vị tán hàn.

8.3. Vị nhiệt

– Lâm sàng: đau vùng vị quản cảm giác như bỏng, miệng khát thích uống nước lạnh, ăn mau tiêu mau đói, răng lợi sưng đau, miệng hôi, ợ chua, ợ hơi, chất lưỡi đỏ rêu vàng, mạch hoạt sác

– Pháp điều trị: thanh tả vị hoả.

8.4. Đại trường thấp nhiệt

– Lâm sàng: đau bụng đi lỵ, mót dặn, đại tiện ra máu mũi, rất nóng hậu môn, nước tiểu đỏ ngắn, rêu lưỡi vàng dầy, mạch huyền hoạt mà sác

– Pháp điều trị: nhuận trường thông tiện.

8.5. Bàng quang thấp nhiệt

– Lâm sàng: tiểu tiện khó đái dắt, đau, tiểu tiện màu vàng, đái đục, đái ra máu mủ hoặc ra sỏi, rêu lưỡi vàng mạch sác

– Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp.

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ