Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vấn chẩn trong Đông y cơ bản và nâng cao

by BBT Yhctvn

Vấn chẩn trong Đông y – Thông qua hỏi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân để tìm hiểu sự phát sinh phát triển, quá trình điều trị và tình hình bệnh hiện tại của bệnh nhân gọi là vấn chẩn.

Vấn chẩn là một mục quan trọng trong tứ chẩn vì chỉ qua vấn chẩn mới có thể biết rất nhiều thông tin về bệnh nhân như: bệnh sử, triệu chứng chủ quan, sức khỏe trước đây và tình hình gia tộc.

Khi tiến hành hỏi bệnh người thầy thuốc đầu tiên cần nắm được tại sao đi bệnh nhân khám bệnh, khó chịu ra sao? Sau đó hỏi một cách có mục đích từng bước một xung quanh vấn đề khó chịu của bệnh nhân, nghĩa là hỏi có trọng tâm nhưng cũng không phiến diện, đồng thời thầy thuốc cũng cần có thái độ nhiệt tình, nghiêm túc, đồng cảm với bệnh nhân, dùng lời lẽ dễ hiểu để hỏi, cần kiên trì tỉ mỉ khai thác bệnh, có như thế mới có thể nhận được sự tín nhiệm của bệnh nhân và khi đó họ sẽ khai hết bệnh tình. Ví như khi phát hiện bệnh nhân nói không rõ chỗ nào thì thầy thuốc cũng cần nhắc khéo, nhưng nhất thiết không được dùng ý kiến chủ quan của mình để ám thị bệnh nhân…

1. Bài ca thập vấn

Bạn nên ghi nhớ bài ca thập vấn này nhé

Nhất vấn hàn, nhiệt. Nhị vấn hãn
Tam vấn ẩm thực. Tứ vấn tiện
Ngũ vấn thủ, thân. Lục nhãn, lung
Thất vấn miên, mộng. Bát vấn dục
Cưu vấn cựu bệnh. Thập vấn nhân
Phụ nhân vấn gia kinh, đới, sản
Tiểu nhi dưỡng, phòng, thiên sinh bệnh
Lão vấn tình chí, mạn tính bệnh
vấn chẩn trong đông y

2. Hỏi về bệnh trạng hiện tại

Hỏi về triệu chứng hiện tại là nội dung chủ yếu của vấn chẩn, là căn cứ quan trọng cho biện chứng. YHCT coi hỏi về triệu chứng hiện tại cực kỳ quan trọng. Khi nội dung vấn chẩn cực kỳ tỉ mỉ rõ ràng thì sẽ nắm được ý nghĩa sâu sắc về mặt lâm sàng của các triệu chứng bệnh. Đời nhà Minh, Trương Cảnh Nhạc trong tổng kết những nội dung chủ yếu của tiền nhân về vấn chẩn đã viết thành “Thập vấn ca”, sau này căn cứ vào đó, lược bỏ, bổ sung, sửa chữa thành: “Nhất vấn hàn nhiệt, nhị vấn hạn; tam vấn đầu thân, tứ vấn tiện; ngũ vấn ẩm thực, lục vấn hung; thất lung (điếc), bát khát cầu đương biện; cửu vấn cửu bệnh, thập vấn nhân (nguyên nhân); tái kiêm phục dược tham cơ biến; phụ nữ do tất vấn kinh kỳ; trì tốc (sớm muộn) bế băng giới khả kiến; tái thiêm (lại thêm) phiến ngữ (vài câu) cáo nhi khoa; thiên hoa ma chẩn toàn chiêm nghiệm”. Thập vấn ca câu chữ tuy đơn giản nhưng nội dung ý nghĩa bao trùm, có thể tham khảo khi vấn chẩn. Nhưng trên thực tế cần căn cứ vào bệnh tình cụ thể, linh hoạt nhưng có trọng điểm thì vấn chẩn mới có thể đạt được kết quả như ý.

2.1. Vấn hàn nhiệt

a) Ố hàn phát nhiệt (sợ lạnh sốt)

Ố hàn là bệnh nhân có cảm giác hàn lạnh tuy đắp mền, mặc thêm áo hoặc sưởi ấm cũng không thể làm bớt cảm giác hàn lạnh.

Sốt là thân nhiệt tăng cao hoặc nhiệt độ bình thường nhưng bệnh nhân có cảm giác toàn thân hoặc cục bộ nóng.

Ố hàn phát nhiệt là cảm giác lạnh mà sốt thường gặp ở ngoại cảm biểu chứng. Nguyên nhân sản sinh ố hàn sốt là ngọai tà tập (tập kích) biểu ảnh hưởng chức năng vệ dương “Ôn phần nhục”, cơ biểu không được sưởi (thất húc) nên ố hàn. Chính khí vùng lên kháng tà nên dương khí có chiều hướng ra biểu nhưng lại vì hàn tà ngoại thúc, huyền phủ (lỗ chân lông) bí tắc dương khí không tuyên phát được uất mà phát nhiệt. Đặc điểm của nó là do tà chính tương tranh nên ố hàn và sốt đều xuất hiện, sốt liên tục chứ không gián đoạn. Cổ nhân thường nói: “Hữu nhất phân ố hàn tiện hữu nhất phân biểu chứng”.

Căn cứ vào ố hàn sốt có nặng nhẹ khác nhau và những kiêm chứng liên quan người ta lại phân thành 3 loại sau:

a/ Ố hàn nặng, sốt nhẹ: Là biểu hàn chứng do ngoại cảm hàn tà gây ra, vì hàn là âm tà thúc biểu thương dương nên ố hàn rõ.

b/ Sốt nặng, ố hàn nhẹ: Là biểu nhiệt chứng do ngoại cảm nhiệt tà gây ra. Vì nhiệt là dương tà dễ dẫn đến dương thịnh nên sốt rõ.

c/ Sốt nhẹ, ố phong tự hạn: Là thái dương trúng phong chứng do ngoại cảm phong tà gây ra. Vì phong có tính khai tiết sẽ làm huyền phủ khai mở nên tự hạn ố phong.

b) Chỉ hàn không nhiệt (sốt)

Bệnh nhân cảm giác úy hàn mà không sốt, thấy trong lý hàn chứng. Nguyên nhân sản sinh đa số do tố thể dương hư không thể ôn húc cơ biểu, hoặc do hàn tà trực tiếp xâm nhập tổn thương khí cơ (chức năng) dương khí mà gây ra.

Đặc điểm úy hàn của lý chứng là: Bệnh nhân thường xuyên cảm giác sợ lạnh, tuy nhiên khi đắp, mặc thêm áo hoặc sưởi thì đỡ lạnh, đây là điểm khác biệt với ố hàn.

Căn cứ vào phát bệnh nhanh chậm và triệu chứng kèm theo lại có thể phân thành 2 loại:

Bệnh lâu cơ thể suy nhược úy hàn, mạch trầm trì vô lực thuộc hư hàn chứng, là do bệnh lâu dương khí suy hư không thể ôn húc cơ biểu gây ra.

Bệnh mới nhưng bụng hoặc những bộ phận cục bộ khác lạnh đau kịch liệt, mạch trầm trì hữu lực thuộc thực hàn chứng, là do hàn tà trực tiếp xâm nhập bên trong tổn thương dương khí tạng phủ hoặc cục bộ gây ra.

c) Chỉ sốt không hàn

Chỉ bệnh nhân cảm giác sốt mà không sợ lạnh gặp trong lý nhiệt chứng

a/ Dựa vào triệu chứng:

Tráng nhiệt (sốt cao): Sốt rất cao, liên tục, không giảm (nhiệt độ trên 39oC) thuộc lý thực nhiệt chứng. Kèm theo có thể có mặt đỏ, miệng khát, uống nước lạnh, mồ hôi nhiều (đại hạn), mạch hồng đại… là biểu tà nhập lý hóa nhiệt hoặc phong nhiệt nội chuyển, chính thịnh tà thực đang kịch đấu, lý nhiệt kháng thịnh chưng đạt ra ngoài mà ra.

Triều nhiệt: Sốt đúng giờ hoặc đúng giờ sốt tăng, có quy luật nhất định như thủy triều. Lâm sàng có 3 loại triều nhiệt:

+ Dương minh triều nhiệt: Đặc điểm sốt rất cao, nhật bô nhiệt thâm, thường kèm bụng trướng đại tiện táo bón, thuộc dương minh phủ thực nhiệt chứng. Do tà nhiệt kết ở dương minh vị và đại trường nên nhật bô (giờ thân, từ 3 – 5 giờ chiều) là giờ của dương minh kinh khí cực vượng mà lại thêm vào thực nhiệt nên nhật bô càng sốt cao.

+ Thấp ôn triều nhiệt: Đặc điểm thân nhiệt bất dương (sốt mà mới rờ da không cảm giác thật nóng nhưng để lâu một chút cảm giác rất nóng), sốt cao về chiều (sau trưa), kèm theo cảm giác đầu thân nặng nề… thuộc thấp ôn bệnh. Do thấp tà niêm (dính) nê, thấp khiết (che lấp) nhiệt phục nên thân nhiệt bất dương. Sau buổi trưa thì dương khí cơ thể giảm dần, năng lực kháng bệnh giảm cho nên sốt tăng về chiều.

+ Âm hư triều nhiệt: Đặc điểm sốt thấp vào chiều hoặc đêm và có cảm giác nóng từ trong xương nóng ra, kèm theo lưỡng quyền đỏ, đạo hạn… thuộc âm hư chứng. Do sau trưa (ngọ hậu) dương khí dần suy, khả năng kháng bệnh cơ thể giảm, tà khí độc cư ở thân thể nên bệnh tăng và sốt. Buổi tối thì khí vệ dương sẽ đi vào (nhập nội) mà chưng ở âm (phần) nên có cảm giác nóng từ trong xương nóng ra (cốt chưng).

Vi nhiệt (sốt thấp): Đa số ở khoảng 37 – 38oC, thường gặp trong một số bệnh nội thương hoặc ôn bệnh thời kỳ cuối.

b/ Dựa vào bệnh cơ

  Âm hư sốt: xem phần âm hư triều nhiệt

  Khí hư sốt: Biểu hiện lâm sàng là sốt thấp lâu ngày (trường kỳ vi nhiệt), sốt tăng khi mệt mỏi bực bội (phiền lao). Hoặc sốt cao không lui kèm theo thiểu khí tự hạn, mệt mỏi uể oải (phạt lực)… thuộc tỳ khí hư tổn. Do tỳ khí suy tổn không đủ sức thăng phát thanh dương, dương khí không thể thăng phát bình thường mà uất tại cơ biểu gây sốt.

    Trẻ em sốt mùa hè: Biểu hiện lâm sàng thường sốt dai dẳng vào mùa viêm nhiệt trong hè kèm theo phiền thao miệng khát, không mồ hôi, tiểu nhiều… đến mùa thu mát mẻ tự khỏi. Do trẻ em thuộc dạng khí âm bất túc (chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hòan chỉnh), không thích ứng được với khí hậu mùa hè viêm nhiệt.

d) Hàn nhiệt vãng lai

Ố hàn và sốt thay phiên nhau phát tác là biểu hiện của chứng bán biểu bán lý gặp trong thiếu dương bệnh và ngược tật. Trên lâm sàng có hai loại:

Ố hàn và sốt thay phiên nhau phát, phát không định giờ kèm miệng đắng, họng khô, chóng mặt, ngực sườn khổ mãn, không muốn ăn, mạch huyền… thuộc thiếu dương bệnh. Do ngoại cảm bệnh tà từ biểu nhập lý nhưng chưa vào được lý, tà khí ngưng lại ở bán biểu bán lý. Do tà chính đấu với nhau tại chiến trường bán biểu bán lý và khi tà thắng thì ố hàn, chính thắng thì sốt, nên ố hàn và sốt thay phiên nhau phát tác.

Lạnh run và sốt cao xen nhau, phát tác đúng giờ mỗi ngày một lần hoặc hai, ba ngày một lần kèm đau đầu dữ dội, miệng khát, mồ hôi nhiều… thuộc bệnh ngược tật (sốt rét). Do ngược tà xâm nhập cơ thể mai phục ở bán biểu bán lý (mạc nguyên), ngược tà nội nhập đấu với âm nên lạnh run, ngược tà ngoại xuất đấu với dương nên sốt cao, do đó lạnh run và sốt cao xuất hiện xen kẽ nhau.

2.2 Hỏi về mồ hôi (hạn)

Hạn là một phần của tân dịch. “Tố vấn – Quyết khí” nói: “Tấu lý khai tiết, hạn xuất trăn trăn (nhiều) thị vi tân”. Do dương khí chưng hóa tân dịch xuất ra ngoài thể biểu tại huyền phủ (lỗ chân lông) gọi là hạn. Bình thường xuất hạn là để điều tiết thân nhiệt, điều hòa dinh vệ, tư nhuận bì phu.

Bất luận ngoại cảm hoặc nội thương đều có thể gây ra hiện tượng ra mồ hôi thất thường. Hỏi kỹ bệnh nhân tình hình đổ mồ hôi khác thường có thể gián biệt biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực. Khi hỏi cần chú trọng tìm hiểu bệnh nhân có hoặc không mồ hôi, thời gian ra mồ hôi, nhiều hay ít, vị trí ra mồ hôi… và những triệu chứng chủ yếu kèm theo.

a) Biểu chứng biện hạn

Đối với bệnh ngoại cảm biểu chứng, hỏi về tình hình mồ hôi có thể biện biệt tính chất của ngoại cảm biểu chứng và biết được tình hình dinh vệ trong cơ thể.

a/ Biểu chứng không mồ hôi: kèm theo ố hàn nhiều, sốt nhẹ, đầu cổ cứng đau, mạch phù khẩn là ngoại cảm hàn tà gây ra, thuộc biểu hàn chứng (biểu thực chứng). Do hàn là âm tà, tính chất của nó là thu dẫn, hàn tà thu liễm thúc biểu, tấu lý huyền phủ bế tắc nên không có mồ hôi.

b/ Biểu chứng có mồ hôi: Kèm theo sốt, ố phong, mạch phù hoãn là ngoại cảm phong tà gây ra thái dương trúng phong chứng (biểu hư chứng). Do phong là dương tà, tính của nó là khai tiết, phong tà tập biểu, tấu lý huyền phủ khai trương, tân dịch ngoại tiết nên có mồ hôi. Nếu biểu chứng có mồ hôi kèm sốt cao (nặng hơn), ố hàn nhẹ, đau đầu họng, mạch phù sác là ngoại cảm nhiệt tà gây ra biểu nhiệt chứng. Do nhiệt là dương tà, tính thăng tán, nhiệt tà tập biểu có thể làm cho tấu lý mở (khai), tân dịch ngoại tiết nên đổ mồ hôi.

b)  Lý chứng biện hạn

Đối với bệnh lý chứng, hỏi tình trạng mồ hôi có thể tìm hiểu tính hàn nhiệt của bệnh và âm dương thịnh suy của cơ thể. Lý chứng thường gặp 4 trường hợp ra mồ hôi:

Tự hạn: Đổ mồ hôi ban ngày lúc thức, tăng nhiều khi hoạt động kèm theo úy hàn, tinh thần uể oải lờ đờ… thuộc dương hư. Do dương hư (vệ dương bất túc) không thể cố mật (vững chắc) cơ biểu, huyền phủ lỏng lẻo (bất mật), tân dịch theo đó ngoại tiết nên tự hạn. Khi hoạt động thì dương khí của cơ thể hoạt động mạnh lên, tân dịch theo đó ngoại tiết nên mồ hôi càng rõ hơn.

Đạo hạn: Ra mồ hôi lúc ngủ, tỉnh dậy thì hết thường kèm triều nhiệt, đỏ lưỡng quyền… thuộc âm hư. Do âm hư hóa táo sinh nhiệt, khi ngủ thì vệ dương nhập lý không thể cố mật cơ biểu, hư nhiệt chưng tân ngoại tiết nên đổ mồ hôi lúc ngủ, khi tỉnh thì dương khí phục hồi lại xuất ra biểu, cơ biểu cố mật nên không đổ mồ hôi nữa.

Đại hạn: Lượng mồ hôi rất nhiều, tân dịch đại tiết, lâm sàng chia ra hư và thực

– Sốt cao đổ mồ hôi không dứt kèm mặt đỏ, miệng khát thích uống nước lạnh, mạch hồng đại (to) thuộc thực nhiệt chứng. Do biểu tà nhập lý hóa nhiệt, hoặc phong nhiệt nội chuyển, lý nhiệt kháng thịnh chưng tân ngoại tiết nên tráng nhiệt (sốt cao), xuất hạn nhiều

– Mồ hôi lạnh lâm ly (dầm dề) kèm mặt nhợt nhạt, tứ chi quyết lãnh, mạch vi muốn tuyệt thuộc vong dương chứng. Do dương khí bạo thoát ra ngoài không thể cố mật tân dịch, tân không còn chỗ dựa mà theo dương khí ngoại tiết nên xuất hiện mồ hôi lạnh dầm dề, đây ra triệu chứng nặng trong bệnh nặng.

Chiến hạn: Ố hàn lạnh run trước, vẻ mặt rất thống khổ, vài lần dãy dụa sau đó đổ mồ hôi gọi là chiến hạn, gặp trong thương hàn bệnh khi tà chính tương tranh, đây là điểm nhấn của sự phát triển của bệnh.

Chiến hạn đa số thuộc tà thịnh chính yếu, tà khí phục lại không đi. Một khi chính khí hồi phục thì tà chính tranh đấu kịch liệt nên lạnh run. Hạn xuất, sốt hạ, mạch chậm lại là tà khứ chính đã an, bệnh chuyển biến tốt. Nhưng nếu hạn xuất mà sốt cao không hạ mạch lại nhanh là tà thịnh chính suy, biểu hiện bệnh ác hóa. Do đó có thể nói chiến hạn là điểm nhấn (chuyển chiết) của bệnh nặng lên (ác hóa) hoặc khỏi.

c) Biện hạn cục bộ

Có một số người đổ mồ hôi rất đặc biệt, chỉ biểu hiện ở một vị trí cục bộ nào đó trên cơ thể. Khi hỏi về tình hình đổ mồ hôi dị thường đó cũng có giúp ích trong việc chẩn đoán bệnh. Lâm sàng có vài loại mồ hôi dị thường như sau:

Đầu hạn: Bệnh nhân chỉ đổ mồ hôi vùng đầu hoặc đầu cổ tương đối nhiều. Đa số do thượng tiêu tà nhiệt, hoặc trung tiêu thấp nhiệt thượng chưng, hoặc bệnh nguy cấp dương hư thượng việt gây ra.

 Đầu mặt mồ hôi nhiều kèm mặt đỏ tâm phiền, miệng khát, đầu lưỡi đỏ, rêu mỏng vàng, mạch sác, là thượng tiêu tà nhiệt theo dương kinh thượng chưng ở đầu mặt. Nếu đầu mặt mồ hôi nhiều kèm theo đầu thân nặng nề, thân nhiệt bất dương, bụng đầy, rêu vàng nê là trung tiêu thấp nhiệt tuần kinh dương thượng chưng ở đầu mặt, gặp trong thấp ôn bệnh.

 Bệnh nặng vùng trán rịn mồ hôi như dầu kèm theo tứ chi quyết lãnh, khí suyễn mạch vi là do cửu bệnh (bệnh lâu), tinh khí suy kiệt, âm dương ly tuyệt, hư dương thượng việt, tân tùy dương tiết gây ra.

Bán thân hạn: Chỉ về chỉ đổ mồ hôi nửa thân hoặc bên phải hoặc bên trái, hoặc nửa thân dưới mà phần bên kia hoàn toàn bình thường không mồ hôi. Bên bệnh (bên không mồ hôi) do kinh lạc trở bế, khí huyết vận hành không đủ vòng gây ra. Gặp trong trúng phong, nuy chứng, tiệt than (liệt mềm do chấn thương tủy, liệt tủy cắt ngang).

Mồ hôi lòng bàn tay chân: Nguyên nhân có liên quan tới tỳ vị. Tỳ chủ tứ chi, tay chân là “Chư dương chi bản”, tỳ vị có bệnh thì vận hóa thất thường, tân dịch sẽ bàng đạt (đi theo con đường không bình thường) đến tứ chi do đó lòng bàn tay chân ra mồ hôi.

2.3 Hỏi về đầu mình

Đau đầu mình là triệu chứng thường gặp, căn cứ vào thời gian đau lâu mau, vị trí đau, thời gian ngưng nghỉ, có kèm hàn nhiệt hoặc không… có thể biện biệt âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực.

a) Hỏi đau phần đầu

Đầu là nơi hội tụ của chư dương, là thủ phủ của tinh minh, não vi tủy hải, tủy tụ mà thành não. Bất luận ngoại cảm hay nội thương đều có thể gây đau đầu. Dựa vào tính chất đau khác nhau của vùng đầu có thể phân biệt bệnh ở kinh nào? Tính chất hàn nhiệt hư thực của bệnh?

Đau đầu:

 Vị trí đau khác nhau nói lên bệnh ở kinh nào. Ví dụ đau trước trán xuống hai cung mày là thuộc đau đầu kinh dương minh vì túc dương minh kinh đi từ chân tóc tới trán. Đau nửa đầu hai bên huyệt thái dương thuộc đau đầu thiếu dương kinh vì túc thiếu dương đởm kinh xuất phát từ mống mắt ngoài đi lên góc trán và đi ở phía bên đầu nên khi tà khí phạm thiếu dương kinh có thể gây đau nửa đầu. Đau sau gáy tới cổ thuộc đau đầu thái dương kinh vì túc thái dương bàng quang kinh nhập não lạc từ đỉnh đầu và một nhánh xuất ra dưới cổ (đi ở sau gáy đến cổ) nên tà phạm thái dương kinh thì gây đau sau đầu. Đau đỉnh đầu thuộc quyết âm kinh vì túc quyết âm can kinh liên hệ với mắt (mục hệ) cùng đốc mạch lạc ở đỉnh đi ở phần đỉnh đầu. Đau đầu đau lan cả răng thuộc thiếu âm kinh đầu thống vì thiếu âm thận mạch chủ cốt sinh tủy, não vi tủy hải. Đau đầu chóng mặt, tiêu chảy, tự hạn thuộc đau của thái âm tỳ kinh vì tỳ thuộc trung châu mà chủ thăng, tỳ hư thì thanh dương bất thăng nên đau nặng đầu, chóng mặt.

 Tính chất đau khác nhau có thể nhận biết do ngoại cảm, nội thương và tính chất hàn nhiệt hư thực của bệnh.

Phàm phát bệnh cấp nhanh, bệnh trình ngắn, đau đầu tương đối kịch liệt, đau không ngưng nghỉ là ngoại cảm đầu thống thuộc thực chứng. Ví dụ bệnh đau đầu cổ gặp gió đau tăng thuộc phong hàn đầu thống, do ngoại cảm phong hàn trở khiết (che lấp), túc thái dương kinh mạch chuyển vận kinh khí uất tắc mà gây đau. Bệnh nhân đau đầu sợ nóng, mặt mắt đỏ thuộc phong nhiệt đầu thống do ngoại cảm phong nhiệt tà thượng nhiễu thanh khiếu gây ra. Bệnh đau đầu như bó buộc (căng tức), thân thể nặng nề thuộc phong thấp đầu thống do ngoại cảm phong thấp tà trở khiết dương khí, thanh dương bất thăng gây ra.

Phát bệnh chậm, bệnh trình dài, đau vừa phải (hoãn), lúc đau lúc ngưng đa số là nội thương đầu thống thuộc hư chứng. Bệnh đau âm ỉ, tăng khi mệt quá sức thuộc khí suy đầu thống do trung khí suy tổn, thanh dương bất thăng, não phủ thất dưỡng gây ra.Đau đầu chóng mặt, sắc mặt nhợt nhạt thuộc huyết hư đầu thống, do dinh huyết khuy hư không thể thượng vinh (đi lên nuôi) thanh khiếu thất dưỡng gây ra. Đau đầu mà cảm giác đầu trống rỗng (đầu não không thông), lưng gối mỏi mềm thuộc thận hư đầu thống, do thận tinh bất túc, tủy hải bất sung gây ra.

Chóng mặt (đầu vựng). Bệnh nhân chóng mặt, nhẹ thì nhắm mắt đỡ, nặng thì cảm giác đồ vật xoay tròn, không đứng vững, thường kèm theo buồn nôn, nôn ói, nặng thì té ngã. Dựa vào tình trạng chóng mặt khác nhau có thể biện biệt tính chất khác nhau của bệnh như.

  Chóng mặt đau đầu trướng căng kèm mặt đỏ tai ù, miệng đắng họng khô là do can dương thượng kháng gây ra. Do can dương kháng nghịch nhiễu động thanh khiếu, dương kháng sinh phong nên xuất hiện chóng mặt.

Chóng mặt buồn ngủ (hôn trầm) kèm tức nặng ngực (muộn), nôn ra đàm thuộc đàm thấp nội trở gây ra. Do đàm thấp nội khốn, thanh dương bất thăng nên chóng mặt.

Chóng mặt hoa mắt tăng nhiều khi quá mệt hoặc khi đứng dậy đột ngột kèm mặt trắng, lưỡi nhạt, tâm quí (hồi hộp, trống ngực), mất ngủ là do khí huyết lưỡng hư gây ra vì khí hư huyết thiểu không thể thượng vinh, não phủ thất dưỡng nên chóng mặt.

b) Hỏi toàn thân

Châu thân, tứ chi là nơi tuần hành của 12 kinh mạch. Tỳ chủ tứ chi cơ nhục, lưng vi thận chi phủ. Bất luận ngoại cảm phong hàn thấp tà đều dẫn đến khí huyết kinh mạch tắc trệ, hoặc nội thương tỳ thận khuy hư, tứ chi cơ nhục, yêu phủ thất dưỡng đều có thể dẫn đến bệnh biến tứ chi cơ nhục, lưng. Do đó hỏi về những vấn đề bất thường các bộ phận trên có thể chẩn đoán thuộc tính khác nhau của bệnh.

Đau mình (thân thống): Đau toàn thân đa số gặp trong ngoại cảm phong hàn, phong thấp tà gây ra biến chứng. Do hàn thấp tà ngưng trệ kinh lạc, kinh khí không thông (thư), khí huyết bất hóa gây ra. Nếu do ngoại cảm thử thấp dịch độc thì mặt đỏ phát ban, đau mình như mới bị đánh gọi là “Dương độc”, do thấp thử dịch độc trở trệ khí huyết vận hành gây ra. Nếu bệnh nằm lâu không dậy được mà đau toàn thân là do dinh khí bất túc, khí huyết bất hoà gây ra.

Thân thể nặng nề: Người bệnh đầu thân nặng nề kèm tức căng (muộn = đầy hơi) thượng vị, rêu lưỡi nê, ăn kém, tiêu phân lỏng là do cảm thụ thấp tà gây ra, do thấp tà tính niêm nê trầm nặng (trọng) khốn trở, dương khí kinh lạc không thông nên đau mình. Nếu thân thể nặng nề chỉ muốn nằm, thiểu khí (hụt hơi), lười nói, mệt mỏi uể oải là do tỳ khí suy hư gây ra, vì tỳ hư không thể vận hoá tinh vi, thanh dương bất thăng, cơ nhục tứ chi thất dưỡng nên cảm giác thân thể nặng nề.

Tứ chi đau: Đau khớp tứ chi gặp trong tý chứng do ngoại cảm phong hàn thấp tà gây ra. Trong đó đau khớp di chuyển là hành tý, do cảm phong tà là chủ yếu, vì phong tà có tính thiện hành sác biến di chuyển bất định nên đau di chuyển tùm lum. Đau kịch liệt là thống tý, do cảm hàn tà là chính, do hàn tính thu dẫn, ngưng trệ làm cho khí huyết kinh lạc ngưng sáp không thông nên đau dữ dội. Chỗ đau nặng tức không di chuyển là trước tý, do cảm thấp tà là chủ yếu, vì thấp tính niêm nê trầm trọng (nặng), trở trệ khí cơ cục bộ nên đau căng tức nặng không di chuyển. Nếu phong thấp uất hoá nhiệt thì khớp tứ chi sưng nóng đỏ đau hoặc chân xuất hiện ban vòng gọi là nhiệt tý.

Đau lưng: Đau âm ỉ, mỏi mềm vô lực vùng lưng thuộc thận hư yêu thống do thận tinh khuy tổn, cốt tủy không sung mãn, yêu phủ thất dưỡng gây ra. Đau lưng mà có cảm giác lạnh (lãnh thống), đồng thời nặng nề, đau tăng khi trời lạnh, trở trời thuộc đau lưng hàn thấp, do hàn thấp tà xâm nhập vùng lưng làm trở trệ kinh lạc, khí huyết vận hành không thông mà ra. Đau lưng dữ dội như đâm chích, đau cố định cự án, không thể xoay trở hoặc cúi xuống thuộc đau lưng ứ huyết, do sang chấn ứ huyết cục bộ trở trệ kinh lạc khí huyết vận hành không thông mà gây đau.

2.4. Hỏi về ngực, sườn, bụng

Ngực bụng là nơi chứa các nội tạng, trước tiên cần nắm những vị trí mà các nội tạng trực thuộc, hỏi về sự khó chịu hoặc đau của bệnh nhân có thể nắm được bệnh tại đâu?

a) Hỏi phần ngực

Phía trên hai đường vú (huyệt đản trung) được gọi là hung (ngực), từ đó xuống dưới ngang huyệt cưu vĩ gọi là ưng hung, thường gộp chung gọi là hung. Ngực thuộc thượng tiêu nơi chứa tâm và phế bên trong, tâm ở bên trái, ngoài có tâm bào, tâm bào và đản trung là nơi hội tụ của tông khí. Bệnh vùng ngực đa số là thuộc tâm phế bệnh. Vì tâm chủ huyết mạch, phế chủ khí và cũng có thể do những tác nhân nội ngoại cũng gây bệnh biến khí trệ huyết ứ cho nên hỏi về cảm giác dị thường vùng ngực chủ yếu có thể tìm hiểu về tâm phế bệnh.

Đau ngực (biệt muộn = bứt rứt, ngột ngạt), đau lan vai cánh tay là hung tý, do hung dương bất chấn gây đàm trọc nội trở hoặc khí hư huyết ứ dẫn đến tâm mạch khí huyết vận hành không thông gây ra.

Đau ngực dữ dội đau thấu ra sau lưng, sắc mặt xanh xám, tay chân xanh tới đầu ngón là chân tâm thống, do tâm mạch bế tắc đột ngột gây ra.

Đau ngực sốt cao, mặt đỏ, suyễn thúc (thở gấp), cánh mũi phập phồng là phế thực nhiệt chứng, do ngoại cảm phong nhiệt phạm phế, phế thất tuyên túc gây ra.

Đau ngưc triều nhiệt đạo hạn, ho đàm lẫn máu thuộc chứng phế âm hư, do âm hư hoá táo sinh nhiệt hư hoả chước thương phế lạc gây ra

Tức ngực (hung muộn) ho suyễn, đàm trắng lượng nhiều thuộc đàm thấp phạm phế, do tỳ hư thấp tụ sinh đàm, đàm trọc thượng phạm gây ra.

Đau ngực sốt ho khạc đàm mủ máu mùi hôi tanh thuộc phế ung, do nhiệt độc uẩn phế khí huyết ứ kết, mục rữa cơ thịt (nhục hủ thành nùng) thành mủ gây ra.

Đau trướng ngực, đau di chuyển (tẩu xuyên), thích thở dài, dễ cáu thuộc khí trệ gây bệnh, do tình chí uất kết, không thoải mái, khí cơ trong ngực không thông (bất lợi) gây ra.

Đau như châm chích ngực (thích thống), đau cố định không di chuyển thuộc huyết ứ gây bệnh, do sang chấn, té ngã ứ huyết trở trệ ở kinh lạc vùng ngực gây ra.

Bĩ mãn, ngực đầy tức không đau kèm theo ngực lạnh, ho khạc đàm dãi, mạch trì… là hàn bĩ. Phiền khát, mạch sác là nhiệt bĩ. Thiểu khí (hụt hơi), hơi thở không thông, mạch nhược, thích thở dài (thái tức) là hư bĩ. Khạc đàm nhiều, mạch hoạt là đàm bĩ.

b) Hỏi về sườn

Dưới ngoài hai vú tới điểm chót xương sườn gọi là hiếp, từ chót xương sườn xuống dưới gọi là quý hiếp. Từ dưới hoành cách đến dưới xương sườn phía trong có chứa can đởm và cũng là nơi phân bố tuần hành kinh can đởm. Bệnh khu vực này chủ yếu là bệnh can đởm và kinh mạch của chúng. Ngoài ra cũng gặp những bệnh chứng khác như: Huyền ẩm, khí trệ huyết ứ… Do vậy khi hỏi về biến hóa bất thường khu vực này chủ yếu có thể tìm hiểu bệnh biến can đởm và kinh mạch như:

Sườn trướng thống, hay thở dài, dễ cáu: đa số là can khí uất kết, tình chí không thoải mái gây ra.

Sườn đau nóng (chước thống), mặt mắt đỏ: đa số là can hoả uất trệ, hoả chước vùng này gây ra.

Đau tức (hiếp lặc trướng thống), vàng da vàng mắt là can đởm thấp nhiệt uẩn kết gây hoàng đản.

Đau như châm (thích thống), điểm đau cố định đa số số là do sang chấn ứ huyết trở trệ kinh mạch gây ra.

Đau sườn căng phồng bên đau, ho khạc gây đau là bệnh huyền ẩm, do ẩm tà đình lưu tại ngực sườn gây đau.

Thương hàn đau tức đầy ngực sườn (hung hiếp khổ mãn), hàn nhiệt vãng lai là thời kỳ đầu của thiếu dương chứng. Ngực sườn đau trướng, tình chí không thoải mái là can khí uất kết.

c) Hỏi về vị quản

Vị quản giới hạn bởi từ đường giữa thượng phúc đến dưới cưu vĩ (bao gồm thượng quản, trung quản và hạ quản huyệt và toàn bộ dạ dày). Từ dưới cưu vĩ đến trung quản gọi là tâm hạ, từ tâm hạ đến hạ quản là thuộc dương minh vị. Vị chủ thu nạp thủy cốc, dĩ hòa vi thiện, dĩ giáng vi thuận. Phàm hàn nhiệt thực tích, khí trệ… (nguyên nhân bệnh) và âm dương thất điều đều có thể tổn thương vị phủ mà xuất hiện những triệu chứng dị thường ở đây. Do đó hỏi kỹ tình hình khác thường ở đây có thể biết vị phủ thuộc hàn nhiệt hư thực

Vị quản lãnh thống kịch liệt gặp ấm đỡ đau là thuộc hàn tà phạm vị, do hàn tà trực tiếp tổn thương dương khí của vị phủ làm cho vị quản co thắt gây ra.

Vị quản đau nóng rát (chước nhiệt), ăn mau tiêu mau đói, miệng hôi, đại tiện táo thuộc vị hỏa tích thịnh, do hoả tà thương tân dịch, chức năng hủ thục (tiêu hóa) đồ ăn của vị tăng mạnh gây ra.

Vị quản trướng thống, ợ hơi, tăng nhiều khi uất nộ thuộc vị phủ khí trệ. Do khí uất không thông, can khí phạm vị gây ra.

  Vị quản thích thống, đau cố định thuộc vị phủ ứ huyết, do huyết ứ nội đình trở trệ kinh lạc vị phủ gây ra.

Vị quản ẩn thống (đau ngầm ngầm), thích ấm thích ấn xoa, nôn ói nước trong thuộc vị dương hư, do dương hư sinh hàn, chức năng tiêu hóa của vị giảm gây ra.

Vị quản chước thống tào tạp (xót ruột như đói mà không phải đói), đói không muốn ăn, lưỡi đỏ ít rêu thuộc vị âm hư. Do âm hư tân khuy (thiếu), hư hoả nội nhiễu gây ra.

d) Hỏi về vùng bụng

Phạm vi bụng (phúc bộ) tương đối rộng. Từ rốn trở lên là đại phúc (bụng lớn) thuộc thái âm tỳ, trong bụng có ruột xếp vòng trong đó. Từ khí nhai (huyệt) đi lên kẹp 2 bên rốn thuộc xung mạch. Đường giữa trên dưới rốn là thuộc nhâm mạch. Từ rốn tới bờ trên xương mu (mao tế = rìa lông mu) gọi là tiểu phúc (bụng nhỏ) thuộc bàng quang, bào cung. Hai bên tiểu phúc gọi là thiếu phúc (tương đương hai hố chậu) là nơi đi qua của quyết âm can kinh, kinh lạc của quyết âm kinh lạc (đi đến quan hệ) với âm khí (bộ phận sinh dục ngoài). Hỏi kỹ về biểu hiện bệnh lý vùng này có thể biết được bệnh tại tạng phủ nào, cũng như tính chất hàn nhiệt hư thực của bệnh

Đại phúc ẩn thống, thích ấm thích xoa, tiêu chảy là tỳ vị hư hàn, vận hóa bất lợi gây ra.

Tiểu phúc trướng thống, tiểu không thông là long bế, do bàng quang khí hóa bất lợi gây ra. Tiểu phúc thích thống, tiểu tự nhiên (tự lợi) là súc huyết do ứ huyết đình tụ tại hạ tiêu gây ra.

Thiếu phúc lãnh thống, đau lan xuống âm bộ là hàn ngưng can mạch, can mạch co thắt gây ra.

Đau quanh rốn, có cục u, ấn di động là trùng tích

Phàm đau bụng nhanh gấp, đau kịch liệt, trướng tức cự án, ăn vô đau nhiều thuộc thực chứng

Đau từ từ đau ngầm ngầm, thích ấn thích xoa, ăn vô đỡ đau là hư chứng

Đau bụng chườm nóng đỡ đauthuộc hàn chứng

 Đau mà thích lạnh là nhiệt chứng

2.5 Hỏi về tai, mắt

Thận khai khiếu ở tai, thủ túc thiếu dương kinh phân bố ở tai, tai lại là nơi hội tụ của tông mạch. Mắt là khiếu của can, tinh khí lục phủ ngũ tạng đều dồn về mắt (thượng chú vu mục), cho nên hỏi về tình trạng mắt tai có thể qua đó tìm hiểu can, đởm, tam tiêu, thận và các tạng khác

a) Hỏi về tai

Triệu chứng chủ quan thường là ù tai, điếc tai và nặng tai

Tai ù (nhĩ minh): Trong tai có những tiếng ù như thủy triều hoặc như ve kêu, trở ngại thính lực. Hoặc xuất hiện ở một bên tai hoặc cả hai tai, hoặc liên tục hoặc lúc ngưng lúc phát.

Nếu tiếng ù to và đột ngột, dùng hai tay bịt tai tiếng ù càng lớn là thực chứng, đa số do can, đởm, tam tiêu hoả theo kinh mạch thượng nhiễu gây ra. Nếu tỳ thấp quá thịnh, thanh dương bất thăng, thanh khiếu thất dưỡng cũng có thể gây ù tai. Nếu tiếng ù giảm nhẹ, hai tay bịt tai đỡ ù thì thuộc hư chứng, đa số do thận hư tinh khuy, tủy hải bất sung, nhĩ thất sở dưỡng gây ra.

Nhĩ lung (điếc tai): Thính lực giảm tùy từng mức độ khác nhau, thậm chí điếc đặc. Thương hàn tai điếc đa số do tà tại thiếu dương, kinh khí bế tắc gây ra. Ôn bệnh tai điếc đa số do tà hỏa mông bịt thanh khiếu, âm tinh không thể đi lên tới tai gây ra. Từ mức độ nặng nhẹ của thương hàn và ôn bệnh có thể đánh giá tiến triển của bệnh. Cũng có thể do ngoại cảm phong ôn, nghẹt mũi nặng đầu gây điếc. Tất cả những triệu chứng trên đều thuộc thực chứng dễ chữa

Nếu bệnh lâu ngày, bệnh nặng mà xuất hiện tai điếc là do tâm khí suy kiệt, thận hư tinh thoát gây ra, thuộc loại bệnh nguy nặng. Điếc ở người già do khí suy, tinh suy. Tất cả thuộc hư chứng khó chữa

Nặng tai (trọng thính): Nghe không rõ lắm đa số do phong tà gây ra, hoặc thuộc can kinh có nhiệt, hoặc do hạ nguyên đã hư sẵn gây thượng thịnh hạ hư.

b) Hỏi về mắt

Thường gặp đau hai mắt, chóng mặt, hoa mắt, quáng gà (tước mục)

Đau mắt (mục thống): Đau dữ dội, đau lan lên đầu, buồn ói nôn, đồng tử giãn to, nhìn như có đám mây mờ màu xanh, hoặc lục, hoặc vàng là phong nội chướng (tăng nhãn áp).

Mục huyền (chóng mặt): cảm giác đồ vật quay vòng, chòng chành như ngồi xe, thuyền ghe, kèm đầu vựng căng trướng, mặt đỏ tai ù, lưng gối mỏi đau mềm là thận âm khuy hư, can dương thượng kháng gây ra. Nếu kèm theo đầu vựng, tức ngực, tê tay chân, uể oải, buồn ói, rêu nê là đàm thấp nội uẩn, thanh dương bất thăng gây ra.

Hoa mắt (mục hôn): Hai mắt hôn hoa, khô sáp nhìn vật không rõ thường gặp ở người bệnh lâu hư suy, người già khí hư, can khí bất túc, thận tinh khuy hao, mắt thất dưỡng gây ra.

Quáng gà (tước mục:) Hễ tới hoàng hôn là thị lực giảm, giống như chim sẻ mù buổi tối thuộc can hư bệnh.

2.6 Hỏi về ẩm thực và khẩu vị

Hỏi ăn uống nhiều hay ít có thể biết sự thịnh suy của tỳ vị, hỏi khẩu vị biết được hư thực của tạng phủ.

a) Hỏi khát nước và uống nước

Khát là một triệu chứng chủ quan thường gặp, nước uống là nguồn tân dịch chủ yếu trong cơ thể. Miệng khát hoặc không, uống nhiều uống ít có quan hệ tới sự doanh (đầy đủ) khuy (thiếu) của tân dịch trong cơ thể, nó có thể nói lên tình hình phân bố tân dịch và âm dương thịnh suy. Hỏi khát hoặc không để biết sự thịnh suy, tình hình phân bố của tân dịch và tính chất hàn nhiệt thực hư của bệnh. Như “Trọng Cảnh toàn thư truyện hoạn lục” có nói: Từ khát hoặc không khát có thể biết hàn nhiệt của lý chứng, mà hư thực thì cũng biện từ đó.

Trên lâm sàng căn cứ vào đặc điểm của khát, uống nước nhiều hoặc ít và những kiêm chứng liên quan để biện chứng phân tích.

Miệng không khát: Là tân dịch chưa tổn thương, gặp ở bệnh nhân hàn chứng, cũng có thể gặp ở những bệnh tuy không phải hàn chứng mà cũng không rõ là nhiệt tà.

Miệng khát uống nhiều: Bệnh nhân khát rất rõ uống rất nhiều là biểu hiện tân dịch đại tổn thương, lâm sàng có ba trường hợp:

Miệng rất khát, thích uống nước lạnh kèm mặt đỏ sốt cao, phiền thao, mồ hôi nhiều, mạch hồng đại (to) thuộc thực nhiệt chứng, do lý nhiệt khang thịnh, tân dịch đại tổn thương.

Khát nhiều uống nhiều tiểu cũng nhiều kèm theo ăn được nhưng gầy sút, là bệnh tiêu khát, do thận âm khuy hư gây ra. Vì thận chủ thủy dịch, chủ nhị tiện, tư khai hợp (quản lý sự đóng mở), thận âm khuy hư tất thận dương kháng thịnh nên khai (mở) nhiều hợp (đóng) ít nên lượng nước tiểu nhiều, tân dịch hao thương nhiều nên phải uống nhiều để bù.

Sau khi ra mồ hôi nhiều (đại hạn), hoặc ói mửa nhiều, tiêu chảy dữ dội, hoặc dùng nhiều thuốc lợi niệu xuất hiện miệng khát uống nhiều là do mồ hôi, ói, hạ lợi, gây hao thương tân dịch gây ra.

Khát mà không uống nhiều: Bệnh nhân tuy miệng khô khốc, hoặc cảm giác khát nước nhưng không muốn uống nước hoặc uống rất ít, đây là biểu hiện tân dịch bị tổn thương nhẹ hoặc tân dịch phân bố gặp trở ngại, gặp trong âm hư, thấp nhiệt, đàm ẩm, ứ huyết…

Miệng khô nhưng không muốn uống kèm theo triều nhiệt đạo hạn, quyền đỏ… thuộc âm hư chứng, do âm hư tân dịch bất túc không thể đi lên miệng được nên miệng khô. Trong người không có thực nhiệt hao tân nên không muốn uống.

Miệng khát uống không nhiều kèm theo đầu mình nặng nề, thân nhiệt bất dương, bụng đầy, rêu nê thuộc thấp nhiệt chứng, do thấp nhiệt nội khốn tân dịch khí hoá không thuận lợi và không thể đi lên miệng nên miệng khát, do bên trong có thấp nhiệt nên không uống nhiều.

Khát thích uống nước nóng nhưng uống không nhiều hoặc uống vô nôn liền kèm theo hoa mắt chóng mặt, vị trường sôi ục ục thuộc đàm ẩm nội đình, do đàm ẩm là âm tà nội đình sẽ tổn thương dương khí, tân dịch không thể hoá khí, đi lên (thượng thừa) nên khát thích uống nước nóng, vì tân dịch phân bố gặp trở ngại chứ không phải tân dịch bất túc nên khát mà không uống nhiều. Ẩm đình tại vị, vị thất hoà giáng nên uống vô là ói liền.

Miệng khô nhưng chỉ muốn xúc miệng chứ không muốn nuốt nước kèm theo chất lưỡi hơi xanh hoặc có ban ứ huyết xanh tím, mạch sáp là nội có ứ huyết. Do ứ huyết nội trở, khí hoá bất lợi tân dịch không thể hoá khí đi lên nên miệng khô, cũng thuộc tân dịch phân bố kém chứ không phải thiếu hụt nên không muốn nuốt nước.

b) Hỏi về sự thèm ăn và số lượng ăn

“Linh khu – Hải luận” có nói “Vị giả thủy cốc chi hải”. Vị chủ thu nạp, làm chín thức ăn (hủ thục) đồ ăn. Tỳ chủ vận hóa, vận chuyển thủy cốc tinh vi, cả hai đều là hậu thiên chi bản. Tình trạng ăn uống của con người liên quan chặt chẽ tới chức năng tỳ vị có bình thường hoặc không, và con người lấy vị khí làm bản, vị khí còn hoặc mất liên quan trực tiếp tới bệnh nặng nhẹ và chuyển quy. Do đó hỏi kỹ về sự thèm ăn và số lượng ăn có thể đánh giá chức năng tỳ vị hư cường, phán đoán bệnh nặng hay nhẹ và dự hậu tốt xấu. Khi hỏi về ăn uống cần kết hợp những triệu chứng liên quan để biện chứng phân tích.

Giảm sự thèm ăn: Hay còn gọi “Nạp ngai”, “Nạp thiểu” tức là bệnh nhân không muốn ăn uống thậm chí sợ ăn, lâm sàng thường gặp 4 trường hợp:

  Ăn ít giảm thèm ăn kèm gầy ốm mệt mỏi, bụng căng trướng, tiêu phân lỏng, lưỡi nhạt, mạch hư, thuộc tỳ vị khí hư. Do chức năng tiêu hóa tỳ vị giảm gây ra, gặp trong bệnh lâu hư chứng và những người có tố thể khí suy.

  Bụng căng trướng (quản muộn = sình bụng) giảm thèm ăn, kiêm đầu mình nặng nề, tiêu phân lỏng, rêu nê thuộc thấp tà khốn tỳ. Do tỳ thích táo ghét thấp nên thấp tà khốn tỳ, tỳ thất kiện vận nên bụng trướng sình, không thèm ăn. Như mùa hè cảm thử thấp tà thường gặp chứng này.

Chán ăn sợ dầu mỡ kèm theo hoàng đản đau sườn, thân nhiệt bất dương thuộc can đởm thấp nhiệt. Do thấp nhiệt uẩn kết, can thất sơ tiết, mộc uất khắc thổ, tỳ thất kiện vận gây ra chán ăn.

Sợ ăn (yếm thực = ngán ăn) kèm theo ợ hơi ợ chua (toan hủ), bụng trướng đau, rêu lưỡi dày hủ, thuộc thực trệ nội đình. Do bạo ẩm bạo thực tổn thương tỳ vị làm cho chức năng tiêu hóa của tỳ vị kém nên “Nạp ngai yếm thực”. Như “Đan khê tâm pháp” nói “Thương thực tất ố thực”.

Ngoài ra phụ nữ đã kết hôn mà mất kinh, sợ ăn, nôn ói, mạch hoạt sác coi chừng là có thai vì khi có thai khí xung mạch thượng nghịch, vị thất hoà giáng gây ra.

Ăn nhiều mau đói: Tăng sự thèm ăn, ăn xong không lâu là đói, tuy ăn nhiều cơ thể ngược lại lại gầy sút gặp trong 2 trường hợp:

Ăn nhiều mau đói kèm theo miệng khát tâm phiền, lưỡi đỏ rêu vàng, miệng hôi, táo bón… thuộc vị hỏa kháng thịnh tiêu hóa quá nhanh, tăng chuyển hoá nên ăn nhiều mau đói.

Ăn nhiều mau đói kèm theo đại tiện lỏng thuộc vị cường tỳ nhược. Do chức năng hủ thục của vị quá kháng nên ăn nhiều mau đói. Chức năng vận hoá của tỳ giảm nên tiêu phân lỏng.

 Đói mà không muốn ăn: Bệnh nhân có cảm giác đói nhưng không muốn ăn hoặc ăn rất ít, thường gặp ở người vị âm bất túc với triệu chứng đói không muốn ăn, cảm giác sót ruột (tào tạp) hoặc nóng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác, do vị âm bất túc hư hoả nội nhiễu gây ra.

Thiên thực (kén ăn): Chỉ thích ăn một loại đồ ăn nào đó hoặc ăn dị vật, lâm sàng có 2 trường hợp:

Trẻ em thích ăn gạo sống, đất sình kèm thể trạng ốm yếu, bụng trướng đau, nổi cục gò quanh rốn, ấn mềm, di động thuộc trùng tích, do ăn uống mất vệ sinh nhiễm ký sinh trùng đường ruột ảnh hưởng đến tỳ thất kiện vận dẫn đến suy dinh dưỡng.

Phụ nữ thích chua, tắt kinh, buồn ói, mạch hoạt sác là đã có thai không phải bệnh lý.

Ngoài ra hỏi về tình hình biến đổi về ăn uống (sự thèm, lượng) trong qua trình bệnh cũng có thể tiên lượng được bệnh. Thường thì khi sự thèm ăn tốt lên, lượng ăn tăng dần biểu thị vị khí dần hồi phục, dự hậu tốt. Ăn uống giảm về lượng và sự thèm ăn biểu thị vị khí suy thoái, dự hậu kém. Nếu bệnh lâu, bệnh nặng không ăn được mà đột nhiên đòi ăn, ăn nhiều là hiện tượng tỳ vị khí gần tuyệt, gọi là “Trừ trung” là hiện tượng nguy cấp. Như Thành Vô Kỷ trong “Chú giải thương hàn luận” có nói “Trừ, khứ dã; Trung vị dã. Ngôn tà khí thái thậm, trừ khứ vị khí, vị dục dẫn thực tự cứu, cố bạo năng thực, thử dục thắng dã” “Tứ thời giai dĩ vị khí chi bản, vị khí dĩ tuyệt, cố vân tắc tử” (trừ là mất đi, trung là vị, nói về tà khí nặng sẽ trừ khử vị khí nên tự bản thân vị sẽ tự muốn ăn vào để tự cứu mình cho nên xuất hiện hiện tượng ăn nhiều).

c) Hỏi khẩu vị

Là hỏi vị giác dị thường trong miệng. Do tỳ khai khiếu ở miệng và khí của các tạng phủ cũng theo kinh mạch đi tới miệng nên vị giác khác trong miệng thường phản ánh chức năng tỳ vị thất thường và bệnh biến các tạng phủ khác.

– Miệng lạt không mùi vị thộc tỳ vị khí suy, vì chức năng tiêu hóa của tỳ vị giảm, bệnh nhân ăn ít hoặc không thèm ăn nên miệng nhạt không mùi vị.

Miệng ngọt hoặc dính (niêm nê) thuộc tỳ vị thấp nhiệt. Do vị ngọt nhập tỳ, thấp nhiệt uẩn kết tại tỳ vị, trọc khí thượng phiếm ở trên miệng nên có cảm giác miệng ngọt hoặc dính.

Miệng chua thuộc can vị uẩn nhiệt, vì vị chua nhập can, can nhiệt chi khí thượng chưng ở miệng nên cảm giác chua.

Miệng có vị chua thiu thuộc thương thực. Do bạo ẩm bạo thực tổn thương tỳ vị, thức ăn đình lưu trong vị không tiêu hoá, trọc khí trong vị thượng phiếm nên cảm giác chua hôi thiu trong miệng.

 Miệng đắng thuộc nhiệt chứng gặp trong hỏa tà gây bệnh hoặc đởm nhiệt chứng. Vị khổ nhập tâm, tâm thuộc hoả, đởm dịch vị đắng, khi hoả tà viêm thượng hoặc đởm khí thượng phiếm đều gây đắng miệng.

Miệng có vị mặn đa số thuộc thận bệnh hoặc hàn chứng. Mặn (hàm) nhập thận, thận chủ thủy, thận bệnh hoặc hàn thủy thượng phiếm đều gây cảm giác vị mặn trong miệng.

Ngoài ra do điều kiện sinh hoạt, địa dư khác nhau nên bệnh nhân có thói quen ăn uống khác nhau, bệnh các tạng phủ khác nhau cũng sản sinh những thói quen ăn uống khác nhau. Ví dụ bệnh can thích ăn chua, tâm bệnh thích đắng, tỳ bệnh thích ngọt, phế bệnh thích cay, thận bệnh thích mặn…

2.7 Hỏi về giấc ngủ

Giấc ngủ có liên quan đến sự tuần hành vệ khí và sự thịnh suy âm dương của cơ thể. “Linh khu – Khẩu vấn” nói “Dương khí tận, âm khí thịnh, tắc mục minh (tối tăm); Âm khí tận nhi dương khí thịnh, tắc mục ngụ (thức)” tức là nói trong điều kiện bình thường thì vệ khí ban ngày đi ở dương kinh, dương khí thịnh thì thức, ban đêm vệ khí đi ở âm kinh, âm khí thịnh thì ngủ.

Do bệnh nên âm dương của cơ thể thất điều, dương không nhập âm sẽ gây mất ngủ, dương không xuất ra biểu nên buồn ngủ. Cho nên sự chuyển vận âm dương và sự thịnh suy của nó là cơ chế bệnh lý của mất ngủ. Nhưng âm dương thất điều tất sẽ ảnh hưởng tới tâm thần, thần chí bất an vẫn có thể gây mất ngủ.

Khi hỏi về giấc ngủ nên tìm hiểu xem bệnh nhân có mất ngủ hoặc buồn ngủ hoài hay không, biểu hiện cụ thể là gì, những kiêm chứng của mất ngủ?

a) Mất ngủ (thất miên)

Còn gọi là “Bất muội”, biểu hiện là khó vào giấc ngủ, thức giấc khó ngủ lại, hoặc không ngủ được suốt đêm, thường kèm theo mộng mị nhiều. Đây là biểu hiện của dương thịnh âm suy, dương không nhập âm, thần bất thủ xá, tâm thần bất an. Có 4 kiểu biểu hiện:

Khó vào giấc ngủ: Kèm theo tâm phiền mộng nhiều, triều nhiệt đạo hạn, lưng gối mỏi mềm thuộc tâm thận bất giao. Do thận âm khuy hư hoặc tâm hoả kháng thịnh, tâm thận thủy hoả không ký tế, thủy khuy hoả vượng nhiễu loạn tâm thần gây ra.

Ngủ dễ tỉnh giấc: Kèm tâm quý, ăn ít phạt lực thuộc tâm tỳ lưỡng hư. Do ưu tư thương tổn tỳ, tỳ khí hư không thể vận hóa thủy cốc tinh vi, nguồn sinh ra huyết không đủ dẫn đến tâm huyết hư, tâm thần thất dưỡng gây mất ngủ.

Mất ngủ hay giật mình thức giấc: kèm huyền vựng tức ngực, tâm phiền đởm khiếp (sợ hãi), miệng đắng buồn nôn thuộc đởm uất đàm nhiễu. Đởm là “Trung chính chi quan” “Thanh tịnh chi phủ”, có tác dụng điều tiết tình chí. Tình chí uất kết hóa hỏa sinh đàm, đàm nhiệt nội nhiễu nên đởm phủ bất thanh (sạch), đởm khí bất ninh, tâm thần bất an mà gây mất ngủ.

Mất ngủ trằn trọc kèm bụng tức căng, ợ hơi, sình hơi, rêu dày nê thuộc thực trệ nội đình. Do ẩm thực không điều độ (bất tiết) tổn thương tỳ vị, vị thất hòa giáng, trọc khí thượng phạm nhiễu động tâm thần gây ra. Có câu rằng “Vị bất hòa tắc ngọa bất an”.

b) Thích ngủ, buồn ngủ

Còn gọi là “Đa miên”, biểu hiện tinh thần uể oải, buồn ngủ dữ dội, thường ngủ thiếp đi không cưỡng lại được. Đa số do cơ thể âm hư dương thịnh, hoặc thấp khốn tỳ dương gây ra. Cũng gặp trong ôn tà nhập tâm bào, có 4 trường hợp:

  Uể oải muốn ngủ kèm đầu nặng mắt hoa, thân thể nặng nề, sình bụng không tiêu (muộn), rêu nê, mạch nhu. Do ngoại cảm thử thấp tà, hoặc cơ thể tích sẵn đàm thấp, thấp tà khốn tỳ, thanh dương bất thăng, đầu thất sở dưỡng mà gây muốn ngủ hoài.

Sau khi ăn thường lờ đờ buồn ngủ kèm hình thể suy nhược, ăn ít hoặc chán ăn, thiểu khí phạt lực, thuộc tỳ hư khí nhược. Do tỳ vị khí hư vận hoá kém, thanh dương bất thăng gây ra.

Yếu mệt cực độ, mệt lả, phờ phạc, thần trí mông lung, mệt mỏi muốn ngủ, chi lạnh, mạch vi, thuộc thận dương hư hoặc thương hàn bệnh thời kỳ cuối (dạng bệnh nặng). Do tâm dương thận dương suy vi, âm hàn nội thịnh.

Lờ đờ (hôn thụy), chiêm ngữ, sốt tăng về đêm hoặc phát ban chẩn, lưỡi đỏ thẫm (giang), mạch sác, thuộc ôn bệnh nhập dinh huyết, tà hãm tâm bào che lấp tâm thần, nhiệt thịnh thần hôn gây ngủ hoài.

2.8 Hỏi về nhị tiện (đại tiểu tiện)

Bài tiết phân tuy trực tiếp do đại trường chủ nhưng nó có liên quan đến vận hoá tiêu hóa (hủ thục) của tỳ vị, can sơ tiết và sự ôn húc của mệnh môn. Bài tiết nước tiểu tuy bàng quang trực tiếp chủ nhưng cũng có liên quan đến sự khí hoá của thận, chuyển vận túc giáng của tỳ phế và sự thông điều của tam tiêu. Do đó hỏi kỹ về nhị tiện không những có thể trực tiếp tìm hiểu chức năng tiêu hoá và sự chuyển hóa trao đổi có bình thường hoặc không mà còn có thể phán đoán hàn thực hư nhiệt của bệnh, như “Cảnh Nhạc toàn thư” nói: “Nhị tiện vi nhất thân chi môn hộ (cửa ngõ), vô luận nội thương ngọai cảm, giai đương sát thử, dĩ biện kỳ hàn nhiệt hư thực. Cái tiền âm thông bàng quang chi đạo, nhi kỳ lợi dũ bất lợi, nhiệt dũ bất nhiệt, khả sát khí hóa chi cường nhược… Hậu âm khai đại trường chi môn kỳ thông dũ bất thông, khả sát âm dương chi hư thực”.

Hỏi bệnh nhân tình trạng nhị tiện nên chú trọng tìm hiểu số lần đi, thời gian và lượng, sắc chất, mùi vị, cảm giác lúc bài tiết, và nhiều triệu chứng liên quan. Nói về mặt sắc mùi vị đã đề cập trong văn chẩn, ở đây chủ yếu giới thiệu về số lần, lượng bài tiết, tính chất và cảm giác.

a) Hỏi về đại tiện

Ở người khỏe mạnh mỗi ngày hoặc cách ngày đi tiêu một lần, cảm giác thông thoáng, phân thành khuôn không khô không kèm máu mủ niêm dịch và không có đồ ăn chưa tiêu. Số lần đại tiện, tình trạng và cảm giác dị thường sẽ đề cập dưới đây.

Số lần khác thường: Tức là đại tiện táo bón, khó đi, số lần giảm, nặng thì có thể vài ngày mới đi một lần. Tất cả do tân dịch trong trường đạo khô khuy, khả năng truyền đạo của đại trường giảm (thất tư) gây ra.

Hoặc bệnh nhân sốt cao táo bón, bụng trướng mãn đau, lưỡi đỏ rêu vàng táo thuộc thực nhiệt chứng, do nhiệt thịnh thương tân đại trường táo hóa quá nhiều gây ra.

Bệnh nhân sắc mặt nhợt nhạt thích uống nước ấm, đại tiện bí kết mạch trầm trì là “Lãnh bí”, do âm hàn nội nhiệt gây ra.

Bệnh nhân đại tiện khô lưỡi đỏ ít rêu mạch tế sác thuộc âm hư tân dịch hư khuy trường đạo thất nhuận gây ra.

Bệnh lâu ngày, người già hoặc sản hậu táo bón thuộc khí dịch lưỡng khuy, do khí suy không đủ sức bài tiết phân, trường đạo thất nhuận gây ra.

“Tiết tả” là phân nhão lỏng không thành khuôn hoặc như nước, số lần tăng. Tất cả do tỳ thất kiện vận, thủy đình trường đạo, chức năng truyền đạo đại trường thất thường gây ra.

Nếu ăn ít bụng trướng (đại phúc) đau ngầm ngầm, đại tiện lỏng là tỳ hư, do tỳ thất kiện vận tiểu trường không phân thanh trọc, thủy đình tại trường gây ra.

Đau bụng tiêu chảy lúc hừng sáng, đi xong đỡ đau, lưng gối mỏi lạnh thuộc thận dương hư (ngũ canh tả). Do mệnh môn hỏa suy không thể ôn húc tỳ thổ, tỳ hàn vận hóa thất chức gây ra. Trước bình minh là lúc dương khí chưa vượng, âm khí cực thịnh nên đau bụng tiêu chảy lúc này.

 Tức trướng bụng ợ hơi đồ ăn, đau bụng tiêu chảy đi xong đỡ đau thuộc thương thực (giống như trúng thực). Do bạo ẩm bạo thực hoặc ăn uống không hợp vệ sinh thương tổn trường vị là do chức năng truyền dẫn của đại trường tăng gây ra.

Tình chí uất ức, đau bụng tiêu chảy, sau khi đi giảm đau thuộc can uất thừa tỳ, do can khí uất kết hằng khắc tỳ thổ gây ra.

Phân khác thường: Ngoài tiêu bí, táo, tiêu chảy phân lỏng ra thường gặp đi tiêu phân khác thường như:

Đồ ăn không tiêu hóa (tiêu phân sống): Phân có nhiều thứ đồ ăn chưa tiêu hóa, gặp ở tỳ hư tiết tả.

Rối loạn thói quen đi cầu: nghĩa là đi tiêu lúc bón lúc lỏng, gặp ở can uất thừa tỳ. Nếu đại tiện trước khô sau chảy đa số thuộc tỳ hư.

Ngoài ra còn tiêu ra đàm máu trong kiết lỵ, phân đen như dầu là “Viễn huyết”, phân đỏ tươi là “Cận huyết”.

Cảm giác khác thường khi bài tiết

Hậu môn nóng rát khi đi cầu thuộc đại trường thực nhiệt gặp trong thử tả.

Cảm giác đi không thoải mái (bất sảng) tức là bụng thì đau mà đi tiêu lại không thông lắm đa số thuộc can uất thừa tỳ, trường đạo khí trệ. Nếu tiêu phân nhão như cháo kê vàng, tiêu không thông là thấp nhiệt uẩn kết đại trường chức năng truyền đạo không thông gây ra.

Mót rặn (lý cấp hậu trọng): Bụng đau quặn (quẫn bách) lúc nào cũng mót đi cầu, hậu môn có cảm giác trì nặng, phân đi không thông (sảng) gặp trong kiết lỵ. Do thấp nhiệt nội trở, trường đạo khí trệ gây ra.

Hoạt tả không cầm (thất cấm) tức là tiêu chảy lâu ngày không khỏi, không khống chế được đi cầu, phân cứ chảy ra không cầm được còn gọi là “Hoạt tả” thuộc tỳ thận dương hư, hậu môn thất ước (mất ức chế).

Hậu môn khí trụy: tức là cảm giác trì nặng thậm chí thoát giang, thuộc tỳ hư trung khí hạ hãm.

b) Hỏi về tiểu tiện

Nước tiểu là chất bài tiết của quá trình chuyển hóa tân dịch. Hỏi về sự biến đổi khác thường của tiểu tiện chủ yếu có thể tìm hiểu mức độ doanh (sung) khuy của tân dịch và chức năng khí hóa của phế tỳ thận có bình thường hoặc không.

Ở người khỏe trong điều kiện bình thường mỗi ngày đi tiểu 3 – 5 lần, ban đêm 0 – 1 lần. Lượng nước tiểu 24 giờ 1000 – 1800 ml. Số lần đi tiểu và lượng nước tiểu bị ảnh hưởng bởi uống vào, nhiệt độ, ra mồ hôi và tuổi tác.

Số lượng nước tiểu bất thường

Tăng lượng nước tiểu:

+ Tiểu trong dài lượng tăng, úy hàn thích ấm thuộc hư hàn chứng. Hàn tắc sẽ làm cho hạn dịch không tiết, tân dịch không bị tổn thương, thủy dịch hạ thẩm nên tiểu trong dài và nhiều.

+ Miệng khát, uống nhiều tiểu nhiều, người hao gầy sút rõ thuộc bệnh tiêu khát do thận âm hư suy, khai nhiều đóng ít (khai đa hợp thiểu).

– Giảm lượng nước tiểu:

+ Tiểu ngắn đỏ lượng ít đa số thuộc thực nhiệt chứng. Hoặc hãn, thổ, hạ thương tổn tân dịch gây ra. Nhiệt thịnh thương tân, hạn thổ hạ cũng thương tân, nguồn (hoá nguyên) sinh ra nước tiểu không đủ nên tiểu ngắn đỏ và ít.

Số lần đi tiểu bất thường

Tiểu nhiều lần (liên tục):

+ Tiểu ngắn đỏ tiểu nhiều lần (cấp bách) mót đi hoài là lâm chứng do thấp nhiệt uẩn kết hạ tiêu, bàng quang khí hóa bất lợi gây ra.

+ Tiểu trong vắt nhiều lần không cầm được (thất cầm) là do thận khí bất cố, bàng quang thất ước.

+ Tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu trong dài đa số gặp ở người già và bệnh thận giai đoạn cuối, do thận dương khuy hư khai hợp không điều độ bàng quang thất ước gây ra.

+ Long bế: Tiểu không thông từng giọt là long, tiểu không thông không ra là bế gọi chung là long bế, do thấp nhiệt uẩn kết hoặc ứ huyết, kết thạch (sỏi) trở tắc thuộc thực chứng. Do người già khí hư, thận dương bất túc bàng quang khí hoá bất lợi đa số thuộc hư chứng.

Cảm giác khác thường

Tiểu đau, sáp, đi không thông, thường kèm theo cảm giác đau, mót đi (cấp bách), nóng rát, gặp trong lâm chứng do thấp nhiệt uẩn kết, bàng quang khí hoá bất lợi gây ra.

Tiểu són: nhỉ vài giọt sau khi đi tiểu gặp ở người già do thận khí bất cố.

Tiểu không tự chủ: Thần chí tỉnh táo nhưng không thể khống chế được mà tự chảy ra gọi là niệu thất cấm thuộc thận khí bất cố, bàng quang thất ước. Nếu hôn mê mà tiểu không tự chủ là bệnh nặng.

 Di niệu: Đái dầm tiểu khi đang ngủ thuộc thận khí bất cố, bàng quang hư suy.

2.9. Hỏi phụ nữ

Phụ nữ có kinh nguyệt, đái hạ, thai nghén, sinh sản nên đó là vì đặc điểm sinh lý bệnh lý. Khi bệnh tật gây ra nhiều cải biến thất thường đó điều có thể chẩn đoán bệnh phụ khoa.

a)  Hỏi về kinh nguyệt

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý ở phụ nữ trưởng thành. “Tố Vấn – Thượng cổ thiên chân luận” nói: “Nữ tử nhị thất nhi thiên quý chí, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, nguyệt sự dĩ thời hạ”. Mỗi tháng đúng quy luật (chu kỳ) là có kinh là nguyệt tín hoặc tín thủy… (phụ nữ 14 tuổi là thiên quỳ tới khi đó nhâm mạch thông thái xung mạch thịnh nên có kinh).

Tình trạng kinh nguyệt bình thường là: Lần đầu có kinh khoảng 13 – 15 tuổi, chu kỳ khoảng trên dưới 28 ngày, kéo dài 3 – 5 ngày, màu kinh đỏ không cục ứ, thời kỳ thai nghén và cho bú thì không có. Hết kinh khoảng trên dưới 49 tuổi.

Dựa vào chu kỳ, lượng, sắc, chất biến đổi của kinh nguyệt có thể phán đoán bệnh thuộc hàn nhiệt hư thực.

Kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt có sự biến đổi về chu kỳ, lượng sắc chất gọi là kinh nguyệt không đều. Có ba trường hợp:

Kinh tới trước kỳ: Đến trước chu kỳ độ 8 – 9 ngày trở lên gọi là kinh nguyệt tiên kỳ. Tiên kỳ kinh có màu đỏ thẫm, chất đặc lượng nhiều thuộc huyết nhiệt, do tà nhiệt bức huyết vọng hành gây ra. Tiên kỳ mà màu nhạt đỏ, chất loãng, lượng nhiều thuộc khí hư, do khí suy bất thống nhiếp huyết gây ra.

Kinh tới sau kỳ: Đến sau chu kỳ từ 8 – 9 ngày trở ở lên gọi là kinh nguyệt hậu kỳ. Hậu kỳ mà màu đỏ nhạt, chất loãng, lượng ít thuộc huyết hư, do huyết hư huyết thiểu nên kinh huyết không đến đúng chu kỳ. Hậu kỳ mà sắc tím tối (tử ám) có cục lượng ít, thuộc hàn ngưng do cảm hàn tà kinh huyết ngưng trệ không đến đúng kỳ được.

Kinh nguyệt trước sau không định kỳ: Sai lệch độ 8 – 9 ngày trở lên gọi là kinh nguyệt diễn kỳ. Diễn kỳ mà kinh sắc tím đỏ có cục lượng ít kèm đau trướng vú thuộc khí uất, do tình chí uất ức, can thất điều đạt, khí cơ nghịch loạn gây ra. Diễn kỳ mà sắc kinh đỏ nhạt, chất lỏng lượng nhiều ít bất định thuộc tỳ thận hư tổn, do tỳ thận hư suy, xung nhâm thất điều, tỳ hư bất nhiếp nên tiên kỳ lượng nhiều, thận hư huyết khuy nên hậu kỳ lượng ít do đó kinh bất định thời gian lượng lúc nhiều lúc ít.

Đau bụng khi hành kinh

Phàm là trước hoặc sau khi hành kinh hoặc trong lúc hành kinh đau bụng dưới từng cơn, có thể đau dữ dội và cứ theo chu kỳ kinh mà đau gọi là thống kinh. Phàm đau trước kinh kỳ, có kinh đau giảm thuộc thực chứng đa số do khí trệ huyết ứ “bất thông tắc thống” gây ra. Đau sau hành kinh (bụng dưới ẩn thống) kèm đau mỏi lưng thuộc hư chứng đa số do khí huyết bất túc hoặc thận hư bào lạc thất dưỡng gây ra. Phàm đau bụng kinh mà chườm nóng đỡ đau thuộc hàn chứng do hàn ngưng kinh mạch bào lạc co thắt gây ra.

Kinh bế

Phụ nữ trưởng thành, kinh nguyệt đúng chu kỳ nên có mà không có hoặc có mà đứt đoạn, bế hơn ba tháng gọi là bế kinh. Khi hỏi cần phân biệt thai nghén, cho con bú, mãn kinh…

Nguyên nhân của bế kinh đa số do huyết hư, can khí uất kết, hư lao… gây ra. Cần phối hợp tứ chẩn hợp tham mới có thể phân biệt được.

Băng lậu

Kinh nguyệt đột nhiên ra rất nhiều không ngưng gọi là băng, ra rỉ rả lâu dài ngày không dứt gọi là lậu, thường được gộp gọi chung. Phàm băng lậu kinh sắc đỏ thẫm có cục thuộc nhiệt chứng. Kinh sắc nhạt không cục đa số là xung nhâm tổn thương hoặc trung khí hạ hãm tỳ hư bất thống huyết gây ra.

b) Hỏi về đới (đái) hạ

Bình thường ở phụ nữ có một ít bạch đới bài tiết. Nếu đới hạ lượng nhiều ra rỉ rả liên tục, có sự cải biến về sắc và chất hoặc có mùi hôi là bệnh đới hạ.

– Nếu đới hạ màu trắng, lượng nhiều chất trong loãng, không mùi hôi gọi là “Bạch đới” thuộc hàn thấp do tỳ hư bất vận, hàn thấp hạ chú gây ra.

Đới hạ màu vàng lượng nhiều, chất dính đặc mùi hôi gọi là “Hoàng đới” thuộc thấp nhiệt, do thấp uất hóa nhiệt, thấp nhiệt hạ chú gây ra.

Đới hạ màu đỏ dính đặc hoặc đỏ trắng xen lẫn hơi có mùi hôi gọi là “Xích đới” đa số do tình chí không thoải mái, can uất hóa nhiệt tổn thương bào lạc gây ra.

Sau khi mãn kinh vẫn thấy xích đới rỉ rả không dứt có thể do ung thư gây ra cần sớm đi khám chuyên khoa.

c)  Hỏi về thai nghén

Phụ nữ đã kết hôn đột ngột tắc kinh mà không có biểu hiện bệnh lý gì khác, mạch hoạt sác xung hòa nên nghĩ đến đã thụ thai.

Khi mang thai xuất hiện sợ ăn buồn nôn hoặc nôn liên tục không ăn được gọi là ác trở (thai hành, nghén). Nếu triệu chứng gồm mệt uể oải, miệng nhạt bụng trướng là do vị khí suy (lúc bình nhật), sau khi có thai xung mạch khí vượng thượng xung, vị thất hoá giáng gây ra. Nếu triệu chứng gồm uất ức dễ cáu giận, miệng đắng ợ chua nôn nước chua là can uất hoá hoả can hoả phạm vị gây ra. Nếu bụng trướng sình (muộn) ăn ít, chán ăn nôn ói đàm dãi là đàm trọc thượng nghịch, vị thất hoà giáng gây ra.

Khi mang thai bụng dưới (tiểu phúc) đau trì nặng (hạ trụy) đau mỏi lưng hoặc ra dịch màu đỏ gọi là thai động bất an là dấu hiệu báo trước của trụy thai hoặc sinh non. Nếu kèm sắc mặt ám trệ, hoa mắt ù tai tiểu nhiều là do thận hư không thể cố hộ (chiếu cố bảo hộ) xung nhâm mà ra. Nếu kèm sắc mặt không tươi trắng nhạt, lừ đừ uể oải là khí huyết khuy hư, không thể dưỡng thai gây ra. Nếu do té ngã sang chấn xuất hiện đau bụng và lậu hồng (ra dịch đỏ) là ngoại thương tổn thương xung nhâm gây ra.

d) Hỏi sản hậu

Sau sanh mà ác lộ lâm ly không dứt (sản dịch rỉ rả không sạch) kéo dài trên 20 ngày gọi là sản hậu ác lộ (dịch) bất tiệt có thể do khí hư, huyết nhiệt, huyết ứ… gây ra. Nếu ác lộ lượng nhiều màu nhạt lỏng kèm sắc mặt vàng héo uể oải vô lực là khí hư hạ hãm không thể thăng nhiếp gây ra. Ác lộ lượng nhiều màu đỏ thẫm, chất đặc kèm mặt đỏ miệng khát, táo bón, tiểu đỏ là huyết vọng hành gây ra. Ác lộ màu tím tối có cục kèm bụng dưới đau quặn cự án lưỡi hơi xanh (ẩn thanh) hoặc có ứ ban là huyết ứ nội đình gây ra.

Sản hậu sốt liên tục không giảm thậm chí sốt rất cao gọi là sốt sản hậu, có thể do cảm thụ ngoại tà, hoả tà nội thịnh, âm hư sinh nhiệt… gây ra. Nếu sốt, ố hàn, đau đầu mình… biểu chứng thì do ngoại cảm gây ra. Sốt cao phiền thao miệng khát uống lạnh, tiêu táo tiểu đỏ là hoả tà nội thịnh gây ra ra. Sốt thấp đau bụng ngầm ngầm, mặt trắng hoa mắt, đại tiện khô kết là huyết hư hóa táo sinh nhiệt gây ra

2.10 Hỏi trẻ em

Nhi khoa cổ đại gọi là “Á Khoa” (á là câm) không những hỏi rất khó mà còn có lúc thiếu chính xác. Do vậy thầy thường chủ yếu dựa vào cha mẹ hoặc người nuôi để hỏi, khi hỏi ngoài những nội dung thông thường ra cần phải kết hợp những đặc điểm sinh lý bệnh lý của trẻ để hỏi.

Đặc điểm sinh lý của trẻ là: Tạng phủ non nớt (kiều nộn), sức sống mạnh mẽ, phát dục nhanh. Đặc điểm bệnh lý là phát bệnh tương đối nhanh, biến hoá nhiều dễ hư dễ thực. Do đó trẻ em nhất thiết phải chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời mà trong giai đoạn chẩn đoán nên chú trọng hỏi về một số vấn đề sau:

a) Hỏi về tình hình trước và sau sinh trẻ

Sơ sinh (tình trạng trong vòng một tháng) bệnh đa số có liên quan đến nhân tố tiên thiên và tình trạng khi sanh. Do vậy cần hỏi rõ vấn đề dinh dưỡng của người mẹ trong lúc mang thai, cho con bú và sanh dễ hay không, sanh non không, để tìm hiểu về tiên thiên của trẻ.

Nhũ nhi (anh ấu nhi: tính từ 1 tháng – 3 tuổi): Phát triển tương đối nhanh cần thiết dinh dưỡng nhiều, nuôi bú không tốt dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, ngũ nhuyễn ngũ trì, huyết hư… Do đó phải hỏi tình hình ăn uống nuôi dưỡng của trẻ, ngồi, bò, đứng, đi, mọc răng, nói chậm mau,… để tìm hiểu về hậu thiên dinh dưỡng có đủ không.

b) Hỏi về tiêm chủng, có nhiễm qua hoặc tiếp xúc những bệnh truyền nhiễm

Trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi miễn dịch tiên thiên đã hết mà miễn dịch hậu thiên lại chưa hình thành nên cơ hội cảm nhiễm tiếp xúc tương đối cao, dễ mắc thủy đậu, sởi… do đó cần hỏi rõ về lịch tiêm chủng và tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm. Nếu như đã tiêm chủng hoặc mắc qua một số bệnh có độ miễn dịch dài thì thì tuy bệnh có những triệu chứng tương tự nhưng không dễ mắc bệnh đó. Nếu không có sự miễn dịch với bệnh nào đó mà gần đây mắc nó qua tiếp xúc thì trẻ rất dễ mắc bệnh đó.

c) Hỏi về những yếu tố dễ gây bệnh cho trẻ

Nhũ nhi thì sự phát triển thần chí chưa hoàn thiện, dễ giật mình kinh sợ, dễ sốt cao co giật (kinh phong). Tỳ vị non yếu, sức tiêu hóa kém nên dễ thương thực gây nôn ói, tiêu chảy, cam tích. Thích ứng với ngoại cảnh kém nên cần hỏi về tình hình nuôi dưỡng.

3. Hỏi về tập quán sinh hoạt

Bao gồm đời sống đã qua, thói quen ăn uống, cư ngụ… tìm hiểu những điều này có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh.

Trong sinh hoạt hỏi về tính chất công việc như lao động chân tay hay lao động trí óc, tình hình kinh tế bản thân gia đình, điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình bệnh. Ví dụ tính tình vui vẻ thì khí huyết điều hòa đa số khỏe mạnh không bệnh. Tâm tình khổ buồn thì khí huyết uất trệ đa số gặp ở bệnh can khí uất trệ…

Về mặt ăn uống nếu thích ăn lệch (ngũ vị) thường gây ra tạng khí sẽ thiên thịnh hoặc thiên suy. Ăn thích nóng ghét lạnh đa số số là âm khí thiên thịnh, thích lạnh ghét nóng là dương khí thiên thịnh.

Đời sống khó khăn lao động vất vả dễ mắc chứng lao thương, khá giả nhàn hạ lười lao động dễ mắc tỳ thất kiện vận.

4. Hỏi gia đình tiền sử bệnh

Hỏi về tình hình sức khỏe trực hệ thân thuộc, đã từng mắc bệnh gì… cũng giúp chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm hoặc di truyền như lao phổi, bệnh điên…

Hỏi tiền sử: Hỏi tình hình sức khỏe người bệnh trước đây, đã từng mắc bệnh gì? Ví dụ tố thể bệnh nhân là can dương thượng kháng dễ mắc bệnh trúng phong

5. Hỏi về tình trạng lúc khỏi bệnh

Tức là hỏi toàn bộ quá trình phát sinh phát triển và điều trị kinh qua của lần bệnh này. Hỏi về lý do (nguyên nhân) phát bệnh có thể biết được tính chất bệnh, ví dụ mùa đông mắc ngoại cảm phong hàn thì đa số là biểu hàn chứng. Do tình chí uất ức gây ra bệnh đa số do can khí uất trệ. Hỏi về bệnh trình dài ngắn có thể biết được bệnh thuộc thực hư, ví dụ điếc đột ngột đa số thuộc thực chứng can hoả thượng viêm, điếc từ từ là hư chứng thận âm bất túc. Hỏi về điều trị kinh qua và hiệu quả của nó có thể giúp cho biện chứng dùng thuốc ví dụ bệnh nhân uống thuốc hàn không hiệu quả có thể không phải là nhiệt chứng, uống thuốc nhiệt thì triệu chứng giảm có thể thuộc hàn chứng. Ví dụ chủ chứng là trướng mãn nhưng uống thuốc hành khí tiêu trướng thì triệu chứng trướng mãn lại nặng thêm, đây có nghĩa là tỳ vị hư hàn không đủ sức tiêu hóa đồ ăn mà gây ra hư chứng. Qua đó có thể thấy chỉ khi hỏi toàn bộ tình trạng kinh qua của bệnh mới có thể chẩn đoán chính xác

Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ