Thiết chẩn trong đông y gồm hai phần là “Mạch chẩn” và “Án chẩn”, đều dùng tay tiến hành sờ, mó, ấn, từ đó thu được những triệu chứng quan trọng để biện chứng.
Xét về Mạch chẩn: Mạch chẩn thời cổ có “Biến chẩn pháp” “Tam bộ chẩn pháp” và “Thốn khẩu chẩn pháp”. Sau này chỉ dùng thốn khẩu chẩn pháp là chính, đồng thời từ vị, thế, hình, số của mạch phân thành 28 loại mạch, dùng để tìm hiểu bệnh biến bên trong cơ thể. Chẩn mạch hoàn toàn dựa vào xúc giác linh hoạt của thầy thuốc để thể nghiệm, do đó để phân biệt chính xác bộ vị và mạch tượng thì ngoài nắm vững lý luận mạch chẩn ra còn cần phải luyện tập thuần thục.
Mục Lục
1 Nguyên lý hình thành mạch tượng và ý nghĩa lâm sàng
1.1 Nguyên lý hình thành mạch tượng
Tâm chủ huyết mạch, tạng tâm đập đẩy huyết dịch trong huyết quản hình thành mạch đập. Tạng tâm đập (bác đập = nẩy đập nhịp nhàng) và huyết dịch vận hành trong huyết quản đều phải nhờ tông khí đẩy (thôi động). “Tố vấn – Bình nhân khí tượng luận” nói: “Vị chi đại lạc, danh viết hư lý… xuất vu tả nhũ hạ, kỳ động ứng thủ, mạch tông khí dã” Ở đây nói rõ tông khí có tác dụng thúc đẩy tâm đập. “Linh khu – Thiên tà khách” lại nói: “Tông khí tích vu hung trung, xuất vu hầu long, dĩ quán tâm mạch…” Tức là giải thích vị trí của tông khí và cũng chỉ ra tông khí còn có tác dụng quan trọng là thúc đẩy huyết mạch vận hành. Huyết dịch tuần hành trong mạch quản, phân bố toàn thân không nghỉ ngoài sự chủ đạo của tâm ra còn có sự tham gia hiệp điều của các tạng khí khác. Phế triều bách mạch tức là huyết mạch tuần hoàn toàn thân tất đều hội tụ về phế mà phế chủ khí thông qua sự tán bố của phế khí thì huyết dịch mới có thể tái phân bố toàn thân. Tỳ vị là nguồn gốc sinh ra khí huyết, tỳ chủ thống huyết, sự tuần hành huyết dịch cũng lại nhờ vào sự thống nhiếp của tỳ. Can tàng huyết chủ sơ tiết để điều tiết huyết lượng tuần hoàn. Thận tàng tinh, tinh lại hoá khí là căn bản dương khí của cơ thể, là động lực chính (nguyên động lực) để các tạng phủ, tổ chức hoàn thành chức năng vốn có, và tinh có thể hoá sinh ra huyết, là một trong những vật chất quan trọng sinh ra huyết. Do đó sự hình thành mạch tượng có quan hệ mật thiết với khí huyết các tạng phủ.
1.2 Ý nghĩa lâm sàng của mạch chẩn
Sự hình thành mạch tượng có quan hệ thập phần mật thiết với tạng phủ khí huyết nên khi tạng phủ khí huyết phát sinh bệnh biến thì sự vận hành huyết mạch bị ảnh hưởng, mạch tượng sẽ biến đổi (hoá) do đó thông qua chẩn sát mạch tượng có thể phán đoán vị trí bệnh và có thể suy đoán dự hậu bệnh.
Phán đoán bệnh vị, tính chất bệnh và tà chính thịnh suy
Biểu hiện của bệnh cho dù cực kỳ phức tạp nhưng từ vị trí bệnh nông sâu mà nói thì không ngoài biểu lý mà mạch tượng có phù trầm thường cũng đủ phản ánh vị trí bệnh. Mạch phù đa số bệnh tại biểu, mạch trầm đa số bệnh tại lý. Tính chất bệnh có thể phân nhiệt chứng và hàn chứng, mạch tượng trì sác có thể thể phản ánh tính chất bệnh. Như trì mạch đa số thuộc hàn chứng, sác mạch đa số thuộc nhiệt chứng. Trong quá trình bệnh biến khi tà chính tiêu trưởng trong đấu tranh sẽ sản sinh bệnh lý biến hoá hư thực mà mạch tượng hữu lực hay vô lực có thể phản ánh chứng hầu hư thực của bệnh.
Từ Linh Thai có nói: “Hư thực chi yếu, mạc (không ngoài) đào vu mạch”, mạch hư nhược vô lực là hư chứng do chính khí bất túc, mạch thực hữu lực là thực chứng tà khí kháng thịnh.
Suy đoán bệnh tiến thoái dự hậu
Mạch tượng đối với suy đoán sự tiến thoái dự hậu của bệnh có ý nghĩa lâm sàng nhất định. Ví dụ bệnh lâu ngày mạch thấy hoà hoãn là vị khí dần hồi phục bệnh thoái. Bệnh lâu khí hư hoặc hư lao thất huyết, tiêu chảy lâu ngày thường gặp hồng mạch đây là triệu chứng nguy hiểm thuộc tà thịnh chính suy. Ngoại cảm nhiệt bệnh, nhiệt thế dần thoái mạch tượng xuất hiện hoãn hoà báo hiệu bệnh gần khỏi, nhưng nếu mạch cấp sác, phiền thao là bệnh tiến. Lại ví dụ chiến hạn, hạn xuất mạch tịnh, nhiệt thoái thân lương là bệnh thoái. Nếu mạch cấp tật (nhanh) kèm phiền thao là bệnh tiến nguy hiểm. Như “Cảnh nhạc toàn thư – Mạch thần” nói: Khi xem bệnh tiến thoái tốt xấu thì cần khảo sát vị khí là chính. Nếu hôm nay mạch hoà hoãn, ngày mai mạch huyền sác thì biết rằng tà khí đã dần tiến thì bệnh càng nặng, hôm nay mạch huyền sác ngày mai lại hơi hoà hoãn thì biết vị khí đã dần hồi phục, bệnh đỡ…
Cần nói rõ mạch và bệnh có quan hệ hết sức phức tạp, trong tình huống bình thường thì mạch và chứng là tương ứng nhưng có những tình huống đặc biệt mạch và chứng không tương thích do đó có người nêu ra “Xá mạch tùng chứng” và “Xá chứng tùng mạch” (xá là bỏ, tùng là theo). Trên lâm sàng cần phối hợp tứ chẩn hợp tham để có chẩn đoán chính xác.
2. Vị trí chẩn mạch
Nói về vị trí chẩn mạch thì có “Biến chẩn pháp”, “Tam bộ chẩn pháp” và “Thốn khẩu chẩn pháp” ba cách.
2.1. Biến chẩn pháp
(tức là tam bộ cửu hầu pháp trong “Tố vấn”)
Theo đó thì vị trí chẩn mạch gồm đầu, tay, chân tam bộ mỗi bộ lại phân thiên, địa, nhân ba nhân, ba lần ba là chín nên gọi là tam bộ cửu hầu.
Thượng bộ (đầu bộ)
Thượng bộ thượng: Hai động mạch trán (huyệt thái dương) để hầu khí ở góc đầu
Thượng bộ trung: động mạch trước tai (huyệt nhĩ môn) hầu khí mắt tai
Thượng bộ hạ: động mạch má (huyệt cự liêu) hầu miệng răng
Trung bộ (thủ bộ)
Trung bộ thượng: thủ thái âm (chỗ mạch thốn khẩu) để hầu phế
Trung bộ trung: thủ thiếu âm (thần môn) để xem tâm
Trung bộ hạ: thủ dương minh (hợp cốc) xem khí trong ngực.
Hạ bộ (túc bộ)
Hạ bộ thượng: túc quyết âm (ngũ lý hoặc thái xung) xem can
Hạ trung: túc thái âm (cơ môn hoặc xung dương) xem tỳ vị
Hạ bộ hạ: túc thiếu âm (thái khê) xem thận.
2.2. Tam bộ chẩn pháp
Trong cuốn “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh nhà Hán có ghi chép gồm: Nhân nghinh, thốn khẩu, phu dương tam mạch. Trong đó thốn khẩu hầu (xem) mười hai kinh và dùng nhân nghinh, phu dương xem vị khí, cũng có thêm túc thái âm (huyệt thái khê) xem thận.
Trên đây là hai vị trí xem mạch mà ngày nay ít sử dụng, chỉ trong trường hợp khẩn cấp khi mạch hai tay không còn mới dùng nhân nghinh, phu dương, thái khê để xác định khí của vị thận còn hay hết. Từ đời nhà Tấn đến nay phổ biến dùng thốn khẩu bộ vị tiến hành thiết chẩn.
2.3. Thốn khẩu chẩn pháp
Đầu tiên xuất hiện trong “Nội kinh” được giải thích rõ ràng trong Nạn kinh và được áp dụng rộng rãi từ đời Tấn với “Mạch chẩn” của Vương Thúc Hòa.
Chẩn mạch độc thủ (lấy) thốn khẩu căn cứ lý luận: Thốn khẩu mạch tại sao có thể phản ánh bệnh biến của lục phủ ngũ tạng? “Tố Vấn – Ngũ tạng biệt luận” nói: “Khí khẩu tại sao có thể độc nhất chủ về ngũ tạng (phản ánh)? Trả lời: vị là thủy cốc chi hải là nguồn của lục phủ, thức ăn (ngũ vị) ăn vô được tàng ở vị để dưỡng khí ngũ tạng, mà khí khẩu là nơi đi qua của thủ thái âm kinh, khí vị của lục phủ ngũ tạng đều xuất phát ra ở vị nên đều có biểu hiện tại khí khẩu”. “Nạn kinh – Nhất nạn” thêm một bước nữa giải thích: Trong 12 kinh mạch đều có động mạch (nơi đi qua đều có), độc thủ thốn khẩu là phương pháp để biết lục phủ ngũ tạng sinh tử hung cát tại sao vậy? Đáp: Thốn khẩu là nơi đại hội tụ của mạch và cũng là động mạch (mạch đập) trên thủ thái âm kinh. “Tố Vấn” và “Nạn kinh” giải thích sự tương quan ngũ tạng, ảnh hưởng lẫn nhau được phản ánh ở mạch. Nguồn gốc khởi thủy của mạch từ vị, chuyển đến tỳ chạy vào lục phủ ngũ tạng, qua tác dụng của lục phủ ngũ tạng lại từ bách mạch hướng về phế… và trong khoảng thời gian đó mạch sẽ bị ảnh hưởng của bệnh biến tạng phủ nào đó có thể phản ánh ở toàn thốn khẩu.
Thốn khẩu phân Thốn, quan, xích. “Mạch kinh” nói từ ngư tế đến xương nhô cao đi độ một thốn vùng đó gọi là thốn khẩu, từ thốn đến xích gọi là xích thốn, giữa xích và thốn là quan. Xương nhô cao mà Tố vấn đề cập tới làm tiêu chí chính là mỏm trâm quay, từ điểm nhô cao đó hơi lùi vào trong là quan, phía trước quan nơi cổ tay là thốn, sau quan là xích, hai tay đều có ba bộ Thốn Quan Xích cộng lại là sáu bộ mạch.
Thốn Quan Xích ba bộ lại có thể phân phù trung trầm, ba hầu. Đây là thốn khẩu chẩn pháp tam bộ cửu hầu. “Nạn kinh – Thập bát nạn” nói: “Tam bộ giả thốn quan xích dã, cửu hầu giả, phù trung trầm dã”, so với “Biến chẩn pháp” thì cùng tên mà khác nghĩa.
Thốn quan xích phân ra hầu tạng phủ, nội dung được đề cập đầu tiên trong “Nội kinh”. Dựa vào “Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận” phân chia như sau:
Thốn bên trái: Ngoại hầu tâm, nội hầu đản trung
Thốn bên phải: Ngoại hầu phế, nội hầu hung trung
Quan bên trái: Ngoại hầu can, nội hầu cách
Quan phải: Ngoại hầu vị, nội hầu tỳ
Xích trái: Ngoại hầu thận, nội hầu phúc trung
Xích phải: Ngoại hầu thận, nội hầu phúc trung
Sau này đối với việc phân hầu tạng phủ hậu thế đại để chỉ dựa vào “Nội Kinh” là chính nhưng có một số cải biến. Như “Nội Kinh” gộp đại trường tiểu trường với tâm phế, lấy thận bên phải đổi là mệnh môn. “Mạch kinh” lại lấy tam tiêu phối hợp với xích bên phải. Trương Trọng Cảnh thì lấy bàng quang đại trường phối ghép với xích bên trái, lấy tam tiêu mệnh môn tiểu trường phối ghép vô xích bên phải. “Y tông kim giám” thì lại dùng thốn trái để hầu tâm đản trung, thốn bên phải hầu phế trung, quan bên trái hầu can đởm cách, quan bên phải hầu tỳ vị, hai bộ xích hầu hai thận, xích bên trái phối tiểu trường bàng quang, xích bên phải phối đại trường, lại lấy tam bộ phân hầu tam tiêu.
Trên đây nêu ra vài loại học thuyết về mạch chẩn, nhận thấy điểm khác nhau chỉ ở đại tiểu trường và tam tiêu mà quan điểm chính về hầu ngũ tạng giống nhau. Hiện tại phân chia thốn quan xích phối tạng phủ đa số lấy những liệt kê sau làm chuẩn:
Nhưng ở đây cần nói rõ Thốn quan xích phân ra phối tạng phủ là xem (hầu) khí của lục phủ ngũ tạng chứ không phải định vị trí của tạng phủ trên đó. Như Lý Thời Trân nói: “Lưỡng thủ lục bộ giai phế kinh chi mạch, đặc thủ (lấy) thử dĩ hầu ngũ tạng lục phủ chi khí nhĩ, phi ngũ tạng lục phủ sở cư chi sứ dã”.
Ngoài ra cũng còn có cách không chia theo thốn quan xích mà phân phù trung trầm, bên trái xem tâm can thận, bên phải xem phế tỳ mệnh môn, đây là vận dụng trong bệnh tình nguy cấp cần xem căn bản các tạng phủ, đối với người già, người hư nhược bệnh lâu, sản hậu cũng có thể dùng cách này.
3. Phương pháp chẩn mạch và những điểm chú ý
3.1. Thời gian
Thời gian chẩn mạch tốt nhất là vào lúc sáng sớm. “Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận” nói: Chẩn pháp thường lúc bình minh, khi đó âm khí chưa động, dương khí chưa tán, chưa ăn uống mạch kinh chưa thịnh khí huyết chưa loạn lạc mạch điều hoà là lúc tốt nhất để chẩn mạch, vì sáng sớm là lúc bệnh nhân chưa ăn uống hoạt động, hoàn cảnh bên trong con người và ngoại cảnh tương đối an tịnh, khí huyết kinh mạch chưa bị cán nhiễu nhiều nên rất dễ biện biệt mạch bệnh. Nhưng cũng không thể nói những lúc khác không thể chẩn mạch. Uông Cơ cho rằng nếu gặp bệnh thì có thể chẩn mạch bất kỳ lúc nào không cần thiết phải chờ sáng sớm. Tóm lại khi chẩn mạch yêu cầu có một môi trường an tĩnh (nội ngoại), trước khi chẩn mạch yêu cầu bệnh nhân nghỉ một chút để khí huyết bình tĩnh lại, phòng chẩn mạch cũng cần yên tĩnh.
3.2. Tư thế bệnh nhân
Nằm hay ngồi tay đặt ngang với tim, cổ tay thẳng lòng bàn tay hướng lên trên, dùng gối nhỏ kê dưới tay bệnh, tư thế không đúng ảnh hưởng khí huyết vận hành cục bộ từ đó sẽ ảnh hưởng tới mạch.
3.3. Cách bắt mạch (chỉ pháp)
Thầy thuốc và bệnh nhân ngồi đối mặt, tay trái bắt mạch tay phải bệnh nhân, tay phải bắt mạch tay trái. Khi bắt mạch ngón giữa nên đặt phía trong mỏm trâm quay nơi bộ quan, sau đó ngón trỏ đặt lên bộ thốn, ngón vô danh đặt lên bộ xích, cả ba ngón tay hơi cong các đầu ngón ngang nhau trên mạch. Bố trí các ngón thưa dầy căn cứ chiều cao bệnh nhân, người cao tay dài thì khoảng cách ba ngón tay hơi thưa, người thấp tay ngắn thì ba ngón đặt dày gần nhau hơn. Sau khi đã chọn chính xác vị trí đặt các ngón thì cả ba ngón đồng thời hơi dùng sức ấn xuống xem mạch, kiểu này gọi là “Tổng án”, và vì muốn xem cụ thể một bộ mạch nào đó thì cũng có thể dùng một ngón ấn vào bộ mạch đó lúc này hai ngón còn lại hơi giở lên gọi là “Đơn án”, trên lâm sàng thường phối hợp sử dụng.
Xem mạch trẻ em có thể dùng một ngón cái lên chứ không chia kỹ ba bộ vì thốn khẩu ở trẻ em ngắn không thích hợp ba ngón bắt mạch.
3.4. Cử, án, tầm (ấn nhẹ, mạnh, trung bình)
Đây là vận dụng chỉ lực nặng nhẹ trong chẩn mạch. Hoạt Bá Nhân trong “Chẩn gia khu yếu” có nói: Bắt mạch có chọn ba mức độ gọi là “cử, án, tầm”, cử là dùng chỉ lực nhẹ, án là chỉ lực mạnh, tầm là chỉ lực trung bình.
3.5. Bình tức
Một lần hít vô và thở ra gọi là một tức, khi chẩn mạch hơi thở của thầy thuốc phải tự nhiên, đều, dùng thời gian một tức để tính số lần mạch và khi chẩn mạch thầy thuốc phải tập trung.
3.6. Mỗi lần chẩn mạch tối thiểu phải đủ 50 lần đập
Để đủ phát hiện trong thời gian đó mạch có kết, đại, thúc hay không. Nhưng khi cần thiết có thể kéo dài 2 hoặc 3 lần (50 động) do đo mỗi lần xem mạch cần 3 – 5 phút.
4. Bình mạch
Là mạch của người bình thường. Phải hiện cả ba bộ không to không nhỏ, chậm rãi nhu hoà và hữu lực, nhịp đều, bộ xích hơi trầm nên phải dùng sức một chút. Bình mạch là mạch cần hội tụ đủ vị, thần, căn, ba đặc điểm.
– Vị: vị là thủy cốc chi hải, hậu thiên chi bản là nguồn cung cấp dinh vệ khí huyết của cơ thể, con người sống hoặc chết quyết định bởi vị khí còn hoặc mất do đó có câu “Hữu vị khí tắc sinh, vô vị khí tắc tử”. Do đó mạch cũng lấy vị khí làm căn bản. Mạch tượng có vị khí, cách nói của cổ nhân có rất nhiều, nhưng tóm lại ở người bình thường mạch tượng không phù không trầm, không nhanh không chậm tùng dung hoà hoãn nhịp đều gọi là có vị khí. Ngay cả mạch bệnh bất luận phù trầm trì sác nhưng có mạch chậm rãi hoà hoãn (từ hoà) là còn vị khí. Chẩn sát vị khí còn hoặc mất đối với biện chứng bệnh tiến thoái hung kết rất có ý nghĩa lâm sàng.
– Thần: Tâm chủ huyết mà tàng thần, mạch vi khí chi phủ, khí huyết sung doanh tâm thần sẽ kiện vượng mạch tượng tự nhiên sẽ hữu thần. Hình thái của mạch thần là nhu hoà hữu lực, ngay cả mạch vi nhược nhưng không hoàn toàn vô lực cũng coi là hữu thần. Mạch huyền thực có kèm chút nhu hoà cũng coi là hữu thần. Tóm lại mạch hữu vị hữu thần đều có cảm giác xung hoà, hữu vị tắc hữu thần do đó hình thái hữu vị hữu thần giống nhau.
– Căn: Thận vi tiên thiên chi bản là nguyên động lực (động lực chủ yếu) của các hoạt động chức năng tạng phủ tổ chức. Thận khí túc phản ánh mạch tượng tất hữu căn, trầm (án) để hầu thận, xích (bộ) cũng để xem thận. Bộ xích trầm án mà hữu lực đó là hình thái hữu căn của mạch tượng. Nếu khi bệnh mà thận mạch khí vẫn tồn, tiên thiên chi bản vẫn chưa tuyệt, bộ xích trầm án vẫn còn thấy tức là còn cơ hội sống sót. Như cuốn “Mạch quyết” nói: “Thốn khẩu tuy vô, xích do (giống như) bất tuyệt, như thử chi lưu, hà ưu vẫn tử (còn sợ chết sao)”.
Bình mạch tùy thuộc sự ảnh hưởng nhân tố nội ngoại mà có những biến đổi sinh lý tương ứng.
– Tứ thời khí hậu (bốn mùa):
Do bị ảnh hưởng bởi khí hậu nên bình mạch biểu hiện huyền vào mùa xuân: xuân huyền, hạ hồng, thu phù, đông trầm. Vì mùa xuân tuy dương khí thăng nhưng hàn khí chưa tận nên khí cơ (chức năng) có hiện tượng bị ước thúc (trói buộc) nên mạch hơi huyền. Mùa hè dương khí long (lớn) thế mạch đập đến thịnh mà đi suy nên mạch hơi hồng. Thu dương khí muốn liễm mạch hồng thịnh đã giảm, đến nhẹ như lông hồng nên mạch phù. Mùa đông dương khí tiềm tàng (lặng, ẩn náu) mạch sẽ trầm.
– Hoàn cảnh địa lý: Cũng ảnh hưởng tới mạch. Phương Nam đất thấp khí hậu thiên ôn, không khí thấp nhuận, cơ tấu hoãn sơ (sơ hở) nên mạch đa số tế nhuyễn mà hơi sác. Phương Bắc đất cao không khí khô táo, khí hậu thiên hàn, cơ tấu của con người chặt chẽ nên mạch thường là trầm thực.
– Giới tính: Nữ so với nam mạch nhu nhược và hơi nhanh hơn, phụ nữ có thai thường là hoạt sác xung hoà.
– Tuổi tác: Tuổi càng nhỏ mạch đập càng nhanh, nhũ nhi 120 – 140 lần/phút, 5 – 6 tuổi 90 – 110 lần/phút, tuổi càng lớn mạch càng chậm. Thanh niên cường tráng mạch đập hữu lực, người già khí huyết suy nhược tinh lực dần suy nên mạch hơi nhược.
– Thể tạng: Người cao bộ mạch hơi dài, người lùn bộ mạch ngắn. Người ốm cơ nhục mỏng nên mạch thường phù, người mập mạch trầm. Phàm thường gặp sáu mạch trầm tế đồng đẳng (giống nhau) mà ở người không bệnh gọi là “Lục âm mạch” . Lục mạch thường gặp mà hồng đại (to) đồng đẳng mà không biểu hiện bệnh lý gọi là “Lục dương mạch”.
– Tình chí: Tình chí bị kích thích nhất thời mạch cũng có thể biến hoá. Như hỷ thương tâm mạch thường hoãn, nộ thương can mạch cấp, kinh tắc khí loạn mạch động. Khi tình chí hồi phục mạch cũng sẽ bình thường lại.
– Lao dật: Lao động mệt nhọc hoặc sau vận động căng thẳng mạch đa số là cấp tật (nhanh), sau khi ngủ mạch trì hoãn. Ở người lao động trí óc mạch thường nhược hơn lao động chân tay.
Ngoài ra có một số mạch không xuất hiện ở thốn khẩu mà đi lên trên mu tay từ bộ xích gọi là “Tà phi mạch”. Tất cả đều do dị dạng giải phẫu chứ không thuộc mạch bệnh.
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
Xem thêm: