Thiết chẩn trong đông y gồm hai phần là “Mạch chẩn” và “Án chẩn”; ở phần tiếp theo này chúng ta sẽ tìm hiểu về 28 loại mạch bệnh và 7 loại mạch bất thường (thất quái mạch).
Tiếp theo của phần 1: Đại cương mạch chẩn ( bắt mạch)
Xem tiếp phần 3: Thiết chẩn trong Đông y – Phần 3: Chẩn mạch phụ nữ, trẻ nhỏ
Mục Lục
1. 28 loại mạch bệnh
Bệnh tật phản ánh biến hóa ở mạch tượng gọi là mạch bệnh. Thông thường mà nói trừ những mạch tượng thuộc về đặc điểm sinh lý của cá thể và những biến đổi trong phạm vi sinh lý thường ra đều thuộc mạch bệnh. Trong quá trình phát triển của mạch học do thầy thuốc bắt mạch có những nhận thức (thể hội) không giống nhau cho nên đối với việc định danh mạch cũng không nhất quán. Bộ sách cổ xưa nhất về mạch là “Mạch kinh” đã đưa ra 24 loại mạch tượng. “Trọng Cảnh toàn thư” nêu lên 16 loại, cuốn “Tần Hồ mạch học” nêu ra 27 loại, Lý sĩ Tài trong cuốn “Chẩn gia chính nhãn” lại thêm vào tật mạch, do đó cận đại dùng 28 loại mạch. Mạch tượng thông qua 4 mặt là vị trí, số, hình, thế để quan sát và thể nghiệm. Ví dụ phù trầm là mạch vị khác nhau, trì sác là số khác nhau, hư thực là sức lực khác nhau (khí thế). Có một vài mạch tượng là sự kết hợp của nhiều mặt, ví dụ như hồng tế là hình thái và khí thế không giống nhau.
Các loại mạch tượng và chủ bệnh
Phù mạch
Mạch tượng: Khinh thủ (ấn nhẹ) là thấy, trầm án giảm mà không trống rỗng, bắt mạch sơ sơ cũng thấy.
Chủ bệnh: Biểu chứng, cũng chủ hư chứng.
Giải thích (thuyết minh): Phù mạch chủ biểu phản ánh vị trí bệnh tà tại kinh lạc cơ biểu. Khi tà tập cơ tấu vệ dương đề kháng ngoại tà nên mạch khí được huy động (cổ động) ra ngoài nên phù. Nhưng ở người bệnh hàn thể hư cũng xuất hiện mạch phù đa số phù đại (to) vô lực không thể nhầm lẫn là ngoại cảm.
Trầm mạch
Mạch tượng: Ấn nhẹ không thấy, trọng án mới bắt đầu thấy (trọng án thủy đắc)
Chủ bệnh: Lý chứng, hữu lực là lý thực, vô lực là lý hư.
Giải thích: Tà uất tại lý, khí huyết nội khốn nên mạch trầm mà hữu lực. Nếu tạng phủ hư nhược, chính khí bất túc, dương hư khí hãm không thể thăng cử, mạch khí vô lực cổ động nên mạch trầm mà vô lực.
Mạch trì
Mạch tượng: Mạch đến chậm một tức không đủ bốn lần (tương đương với 60 lần/phút)
Chủ bệnh: Hàn chứng, hữu lực là hàn tích, vô lực là hư hàn.
Giải thích: Hàn ngưng khí trệ, dương thất kiện vận nên mạch tượng trì, trì mà hữu lực là lãnh tích thực chứng. Trì mà vô lực đa số thuộc hư hàn. Nhưng uất nhiệt kết tụ trở trệ huyết mạch lưu hành cũng gặp mạch trì nhưng trì mà hữu lực, ấn vào tất nhiên thấy thực (án chi tất thực). Như Thương hàn dương minh bệnh mạch trì giống vậy, do đó mạch trì không thể đại khái chấp nhận là hàn chứng, nên mạch chứng hợp tham để quyết định. Ở vận động viên rèn luyện lâu ngày xuất hiện mạch trì mà hữu lực, đây không phải là mạch bệnh.
Mạch sác
Mạch tượng: Một tức mạch đến trên 5 lần (tương đương 90 lần/ phút) Chủ bệnh: Nhiệt chứng, hữu lực là thực nhiệt, vô lực là hư nhiệt.
Giải thích: Tà nhiệt kháng thịnh khí huyết vận hành tăng tốc nên mạch sác, tất nhiên sác mà hữu lực. Bệnh lâu âm hư, hư nhiệt nội sinh mạch cũng sác nhưng sác mà vô lực. Nếu dương hư ngoại phù mà gặp mạch sác nhưng sác mà vô lực ấn thấy rộng mở mà trống rỗng (không). Phân biệt 3 chứng trên cần phối hợp chứng mạch hợp tham.
Mạch hồng
Mạch tượng: Là mạch cực to hình tượng như sóng lớn cuộn trào, đến mạnh (thịnh) mà đi yếu (suy).
Chủ bệnh: Khí phần nhiệt thịnh
Giải thích: Nội nhiệt ê hề (sung xích = đầy rẫy), mạch đạo nở khí thịnh huyết thông (dũng = tuôn trào) nên mạch biểu hiện hồng. Nếu bệnh lâu ngày khí huyết suy hoặc hư lao, mất máu, tiêu chảy lâu ngày cũng có thể gặp mạch hồng và đa số thuộc tà thịnh chính suy đây là triệu chứng nguy cấp.
Mạch đại (to) là mạch sờ vào cảm giác rất to nhưng khác với hồng mạch là không có cảm giác tuôn trào, đây là điểm phân biệt hai loại mạch. Mạch đại chủ tà thịnh, bệnh đang tiến, lại cũng chủ hư. Biện chứng tà chính thịnh suy dựa vào mạch hữu lực hoặc vô lực.
Mạch vi
Mạch tượng: Mạch cực nhỏ (tế) cực nhuyễn, ấn nó như muốn tuyệt, như có như không.
Chủ bệnh: Dương suy thiểu khí, âm dương khí huyết đều suy.
Giải thích: Dương suy khí vi không đủ sức cổ động nên thấy mạch vi. Khinh thủ (ấn nhẹ) cảm giác như không có mạch là dương khí suy, trọng án như không có là âm khí kiệt quệ. Bệnh lâu ngày mà mạch vi là do chính khí gần tuyệt. Bệnh mới mà mạch vi là chủ dương khí bạo thoát, nhưng tà ở không sâu và không nặng thì còn có thể cứu chữa.
Mạch tế: (mạch tiểu)
Mạch tượng: Mạch tế (nhỏ) như sợi chỉ nhưng sờ vẫn còn thấy rõ.
Chủ bệnh: Khí huyết lưỡng hư, các loại hư suy lao tổn, vừa chủ bệnh thấp.
Giải thích: Tế là do khí huyết lưỡng suy gây ra. Dinh huyết khuy hư không thể sung doanh mạch đạo, khí bất túc thì cũng không đủ sức cổ động khí huyết vận hành, nên mạch tế tiểu mà mềm yếu vô lực. Lại vì thấp tà trở áp (ép) mạch đạo cũng xuất hiện tế mạch. Nếu trong ôn nhiệt bệnh mà gặp hôn mê nói nhảm mạch tế là nhiệt tà thâm (sâu) nhập dinh huyết hoặc tà hãm tâm bào. Mạch tiểu tức là mạch tế. Hà Mộng Giao có nói: “Tiểu vu đại tương phản danh tế”.
Mạch tán
Mạch tượng: Phù tán (tản mác) không có gốc (căn), nhiều khi đếm không được.
Chủ bệnh: Nguyên khí ly tán.
Giải thích: Tán mạch khi bắt cảm giác phù tản mác mà không tập trung, hơi dùng sức án là không thấy mạch, tản mạch không gốc biểu thị chính khí hao tán, khí tạng phủ gần tuyệt (nguy hiểm).
Mạch hư
Mạch tượng: Ba bộ mạch bắt đều vô lực, ấn cảm giác hư không.
Chủ bệnh: Hư chứng.
Giải thích: Khí bất túc để vận chuyển huyết, nên mạch đến vô lực. Huyết bất túc để sung mãn mạch nên ấn vào cảm giác hư không, do đó mạch hư bao gồm khí huyết lưỡng hư và khí tạng phủ đều hư.
Mạch thực
Mạch tượng: Ba bộ mạch bắt đều có cảm giác hữu lực.
Chủ bệnh: Thực chứng.
Giải thích: Tà khí kháng thịnh mà chính khí cũng không suy, tà chính tương bác, khí huyết úng thịnh mạch đạo cứng đầy nên cảm giác hữu lực.
Mạch hoạt
Mạch tượng: Mạch đến đi lưu loát trôi chảy hình tượng như viên bi lăn trên bàn, ấn cảm giác tròn trơn
Chủ bệnh: Đàm ẩm, thực trệ, thực nhiệt.
Giải thích: Thực tà úng thịnh bên trong, khí thực huyết cuộn trào nên mạch đến và đi đều rất lưu loát trơn tru. Người bình thường mạch hoạt mà xung hòa là hiện tượng dinh vệ sung thực nên được gọi là bình mạch. Phụ nữ có thai cũng gặp mạch hoạt là do khí huyết sung thịnh mà rất điều hòa.
Mạch sáp
Mạch tượng: Mạch đến đi cảm giác không trơn tru không thông suốt suông sẻ (sướng), giống như dao nhỏ cạo vỏ trúc, tương phản với hoạt mạch.
Chủ bệnh: Thương tổn tinh khí thiếu huyết, khí trệ huyết ứ, kẹp đàm, kẹp thực.
Giải thích: Tinh khuy huyết thiểu không thể nhu dưỡng kinh mạch, huyết hành không thông, mạch khí đều đi rất thô ráp không suôn sẻ do đó mạch sáp là mạch vô lực. Khí trệ huyết ứ hoặc thực đàm giao cố (giao kết ngoan cố), khí cơ không thông huyết hành sẽ gặp trở ngại nên mạch sáp mà hữu lực.
Mạch trường
Mạch tượng: Thủ vĩ đoan trực (đầu đuôi thẳng dài) vượt quá vị trí thốn khẩu.
Chủ bệnh: Can dương hữu dư, dương thịnh nội nhiệt có dư.
Giải thích: Nếu mạch trường mà hòa hoãn là trung khí sung túc, thăng giáng lưu hành thông suốt, khí huyết đều không bị tổn hại là mạch của người khỏe mạnh. Nếu can dương hữu dư, dương thịnh nội nhiệt thì mạch tượng trường mà huyền cứng. Phàm mạch trường mà kiêm thêm một dạng khác là mạch bệnh.
Mạch đoản
Mạch tượng: Đầu đuôi đều ngắn không đủ bộ thốn khẩu.
Chủ bệnh: Hữu lực là khí uất, vô lực là khí tổn.
Giải thích: Đoản mạch nghĩa là mạch ngắn hơn bình thường. Khí hư bất túc không đủ sức cổ động huyết hành nên mạch đoản mà vô lực. Cũng có thể do khí uất huyết ứ hoặc đàm trệ thực tích làm trở ngại mạch đạo gây ra mạch khí không duỗi thẳng nên ngắn hơn, nhưng tuy ngắn mà hữu lực. Do đó mạch đoản cần chú ý hữu lực hay vô lực.
Mạch huyền
Mạch tượng: Mạch thẳng mà dài cảm giác như bấm vô dây đàn.
Chủ bệnh: Bệnh can đởm, các loại đau, đàm ẩm, ngược tật.
Giải thích: Huyền là biểu hiện mạch khí khẩn trương. Can chủ sơ tiết điều động khí cơ, dĩ nhu hòa vi quý. Tà khí trệ can, sơ tiết thất thường khí cơ bất lợi, hoặc các kiểu đau, hoặc đàm ẩm trở trệ khí cơ mạch khí vi mà khẩn trương (nhanh) nên xuất hiện mạch huyền. Trương Cảnh Nhạc nói: “Ngược mạch tự (tự nó) huyền”. Hư lao nội thương, trung khí bất túc, can bệnh thừa tỳ cũng thường gặp mạch huyền. Nếu huyền mà tế kình (nhỏ mà cứng) như vuốt lưỡi dao là vị khí hoàn toàn mất bệnh đa số khó chữa.
Mạch khâu
Mạch tượng: Phù to mà trống rỗng như ấn vô cọng hành.
Chủ bệnh: Thất huyết, thương âm.
Giải thích: Khâu mạch phù đại vô lực, ấn cảm giác trống rỗng tức là trên dưới đều thấy có mạch nhưng chính giữa lại không có. Do đột nhiên mất máu qua nhiều, dinh huyết bất túc không thể sung doanh mạch, hoặc do đại tổn thương tân dịch huyết không kịp bổ sung, huyết thất âm thương nên dương không có chỗ để bám víu (vô sở phụ) nên tán ở ngoài mà thành khâu mạch.
Mạch khẩn
Mạch tượng: Mạch đến rất căng và nhanh (băng cấp).
Chủ bệnh: Hàn, thống, túc thực.
Giải thích: Hàn tà xâm tập cơ thể làm trở ngại dương khí, hàn tà và chính khí tương bác dẫn đến mạch đạo căng thẳng và co thắt nên xuất hiện mạch khẩn. Hàn tà tại biểu mạch sẽ là phù khẩn, hàn tà tại lý mạch là trầm khẩn. Đau đớn kịch liệt, túc thực gây mạch khẩn cũng là do hàn tà tích trệ cùng đấu với chính khí gây ra.
Mạch hoãn
Mạch tượng: 1 tức 4 lần đến và đi chậm.
Chủ bệnh: Thấp bệnh, tỳ vị hư nhược.
Giải thích: Thấp tính niêm trệ, khí cơ bị vây khốn bơi thấp, hoặc tỳ vị hư nhược khí huyết bất túc không đủ để sung doanh cổ động nên xuất hiện mạch chậm. Ở người có bệnh mạch chuyển hòa hoãn là dấu hiệu báo chính khí hồi phục. Nếu mạch đến từ từ ung dung, đều hoà hoãn là mạch người bình thường.
Mạch cách
Mạch tượng: Phù mà nẩy mạnh (bác chỉ) cảm giác trong rỗng ngoài cứng như sờ da mặt trống.
Chủ bệnh: Vong huyết, tổn thất tinh, lậu hạ.
Giải thích: Mạch cách sờ bên ngoài cứng trong trống không như mặt trống căng xiết. do chính khí bất cố tinh huyết không thể tàng dẫn đến khí không nơi nương tựa mà phù việt ra ngoài do đó khi mất máu nhiều, thất tinh, lậu hạ (băng lậu) đa số gặp mạch cách.
Mạch lao
Mạch tượng: Khi trầm án mạch thực đại huyền trường.
Chủ bệnh: m hàn nội thực, sán khí, chứng hà (chứng u cục trong bụng)
Giả thích: Lao mạch thực đai huyền trường ấn nhẹ và trung bình không thấy chỉ trầm án mới thấy cứng không di động. Đa số thuộc âm hàn nội tích, dương khí trầm tiềm (lặn). Do khí của bệnh quá kiên cố chắc chắn. Lao mạch chủ thực, có phân khí và huyết, chứng tích là khối u hữu hình thuộc huyết phần. Bĩ kết là vô hình nên thực tại khí phần. Nếu mạch lao gặp ở mất máu, âm hư là triệu chứng nguy hiểm.
Mạch nhược
Mạch tượng: Cực mềm mà trầm tế.
Chủ bệnh: Khí huyết bất túc.
Giải thích: Mạch nhược trầm án mơi gặp, tế nhược vô lực. Chủ khí huyết bất túc trong mọi chứng huyết hư mạch đạo không sung, khí hư tắc mạch đập yếu ớt. Sau khi bệnh chính hư nếu gặp mạch nhược là thuận, bệnh mới tà thực gặp mạch nhược là chứng nghịch.
Mạch nhu
Mạch tượng: Phù mà tế nhuyễn.
Chủ bệnh: Các chứng hư, chứng thấp.
Giả thích: Vị trí mạch ở rất cạn, tế nhuyễn vô lực, ấn nhẹ có thể thấy mạch, trọng án không rõ. Hư chứng và thấp chứng đều xuất hiện mạch này. Tinh huyết hư không thể vinh (nuôi) mạch nên nó chủ về các chứng hư. Nhưng thấp khí trở át mạch đạo cũng xuất hiện mạch này.
Mạch phục
Mạch tượng: Ấn thật mạnh mới thấy mạch ở rất sâu.
Chủ bệnh: Tà bế, quyết chứng, cũng chủ về đau đớn cục bộ.
Giải thích: Phục mạch so với trầm mạch thì bộ vị còn ở sâu hơn nữa, ấn tới gân cốt mới rõ. Thường gặp trong tà bế, quyết chứng, thống cực. Do tà khí nội phục, mạch khí không được tuyên thông gây ra. Nếu hai tay mạch trầm (lặn) phục, thái khê và phụ dương cũng không có mạch là nguy chứng.
Mạch động
Mạch tượng: Hình tượng như đậu (hạt đậu), ngắn, hoạt sác hữu lực.
Chủ bệnh: Đau đớn, kinh sợ.
Giải thích: Mạch động do âm dương tương đấu, thăng giáng thất hòa làm cho khí huyết xung động nên mạch đạo theo sự xung động của khí huyết mà biểu hiện hoạt sác hữu lực. Nhưng mạch thể (ba bộ thốn quan xích) tương đối ngắn. Đau tắc âm dương thất hòa khí huyết trở trệ, kinh (giật mình kinh sợ) tắc khí huyết hỗn loạn, mạch đi cuồng (thao) động bất an do đó đau và kinh đều có thể gặp mạch động.
Mạch thúc
Mạch tượng: Mạch đến nhanh vài nhịp, nghỉ một nhịp, không đều.
Chủ bệnh: Dương thịnh, thực nhiệt, khí huyết đàm ẩm túc thực đình trệ, cũng chủ phế ung.
Giải thích: Dương thịnh thực nhiệt âm bất hòa dương nên mạch đến nhanh nhưng lại có lúc nghỉ. Phàm là khí huyết, đàm thực, thũng ung… thực chứng nhiệt đều có thể gặp mạch này. Nếu thúc mà tiểu tế vô lực đa số là hiện tượng hư thoát cần chú ý cảnh giác.
Mạch kết
Mạch tượng: Mạch đến chậm vài nhịp rồi nghỉ không đều.
Chủ bệnh: Âm thịnh khí kết, hàn đàm ứ huyết, chứng hà tích tụ.
Giải thích: Âm thịnh mà dương bất hòa nên mạch chậm mà nghỉ không đều. Phàm hàn đàm ứ huyết, khí uất bất sơ, mạch khí trở trệ đều gặp mạch này.
Mạch đại
Mạch tượng: Mạch có nhịp nghỉ đều, nghỉ tương đối dài.
Chủ bệnh: Tạng khí suy vi, phong chứng thống chứng, thất tình kinh khủng, trật đả tổn thương.
Giải thích: Tạng khí suy vi khí huyết khuy tổn, nguyên khí bất túc dẫn đến mạch khí không thể nối tiếp nhau mà ngưng nhịp đều đặn. Nói về phong chứng thống chứng, thất tình kinh khủng, trật đả tổn thương đều gặp đại mạch là do bệnh gây ra khí mạch không tiếp nối liên tục gây ra. Thể chất yếu hoặc phụ nữ có thai cũng có thể gặp mạch này, những điều đó đều do tạng khí suy vi hoặc do một tạng nào đó vô khí biểu hiện đại mạch không hoàn toàn giống nhau nên không thể xem là mạch bệnh.
Mạch tật
Mạch tượng: Mạch đến cực nhanh, 1 tức 7 – 8 lần.
Chủ bệnh: Dương cực âm tuyệt, nguyên khí gần thoát.
Giải thích: Tật mạch là do chân âm kiệt ở ngoài, độc dương kháng ở trên mà khí đoản cực độ. Thương hàn ôn bệnh trong giai đoạn nhiệt cực thường xuất hiện mạch này. Mạch tật mà ấn có cảm giác cứng là dương kháng không thể chế ngự được (dương khí vô chế), chân âm nguy kịch. Nếu mạch tật mà hư nhược là nguyên dương gần thoát. Bệnh lao sái (suy dinh dưỡng, lao phổi) gặp mạch này là nguy hiểm.
Trẻ em 1 tức 7 lần là bình thường.
2. Bảng tổng quát 28 loại mạch
Loại mạch | Tên mạch | Mạch tượng | Chủ bệnh |
Loại
phù |
Phù | Ấn nhẹ thấy, ấn mạnh nhược
nhưng không rỗng |
Biểu chứng, cũng
chủ hư chứng |
Hồng | Cảm giác rất to dưới tay như
sóng cuộn trào |
Tà nhiệt kháng thịnh | |
Nhu | Phù mà tế nhuyễn | Chủ hư cũng chủ thấp | |
Tán | Phù tản mác không căn gốc, đếm không đều | Nguyên khí ly tán, tạng phủ khí gần
tuyệt |
|
Khâu | Phù đại trống không như ấn
cọng hành |
Thất huyết thương
âm |
|
Cách | Rất huyền trong trống rỗng như án mặt trống | Tinh huyết hư hàn | |
Loại trầm | Trầm | Khinh án không thấy, trọng án mới thấy | Lý chứng |
Phục | Trọng án đẩy gần tới xương mới thấy mạch | Tà bế, huyết chứng,
thống chứng |
|
Lao | Trầm án thấy mạch thực đại huyền trường | Âm hàn nội thực,
sán khí, chưng hà |
|
Nhược | Nhu tế mà trầm | Khí huyết bất túc | |
Loại trì | Trì | Mạch đến chậm 1 tức không đến 4 nhịp | Hàn chứng |
Hoãn | 1 tức 4 nhịp, mạch đến khoan thai | Thấp chứng, tỳ hư | |
Sáp | Đến đi không lưu loát như dao nhỏ cạo vỏ trúc | Khí trệ huyết ứ, tinh thương huyết thiểu | |
Kết | Mạch đến chậm rãi có khoảng nghỉ không đều | Âm thịnh khí kết, hàn đàm huyết ứ | |
Loại sác | Sác | 1 tức trên 5 nhịp | Nhiệt chứng cũng như hư chứng |
Thúc | Mạch đến cực sác có khoảng nghỉ không đều | Dương thịnh thực nhiệt, khí trệ huyết ứ | |
Tật | 1 tức trên 7 nhịp mạch đến cực kỳ nhanh cấp bách | Dương cực âm kiệt, nguyên khí gần thoái | |
Động | Mạch ngắn như ấn hạt đậu, hoạt sác hữu lực | Thống, kinh sợ | |
Loại hư | Hư | Vô lực, án có cảm giác không hư (trống rỗng) | Hư chứng, đa số là khí huyết lưỡng hư |
Vi | Cực nhỏ cực nhuyễn như có như không đếm không rõ | Âm dương khí huyết đều suy, dương hư nguy cấp | |
Tế | Mạch nhỏ như sợi chỉ nhưng ấn cảm giác rõ | Khí huyết lưỡng hư, chủ thấp, lao tổn các loại | |
Đại | Mạch có khoảng nghỉ đều nghỉ lâu | Tạng khí suy kiệt, trật đả tổn thương | |
Đoản | Đầu đuôi đều ngắn không đủ bộ vị thốn khẩu | Hữu lực là khí kết, vô lực là khí tổn | |
Loại thực | Thực | Cử án đều hữu lực | Thực chứng |
Hoạt | Đến đi lưu loát tròn trơn như bi lăn trên bàn | Đàm ẩm, thực trệ, thực nhiệt | |
Khẩn | Căng thẳng hữu lực như nắn dây thừng căng | Hàn, thống, túc thực | |
Trường | Đầu đuôi đoan trực dài hơn bộ vị thốn khẩu | Dương khí hữu dư, nhiệt chứng | |
Huyền | Đoan trực mà dài như ấn dây đàn | Can đởm bệnh,thống chứng, đàm ẩm, ngược tật |
3. Phân biệt những mạch giống nhau
Trên đây liệt kê 28 bộ mạch trong đó có những mạch gần giống nhau rẩt có thể nhầm lẫn nên cần phân biệt rõ. Y gia các thời có kinh nghiệm phong phú về sự phân biệt các mạch: Vương Thúc Hòa đã chỉ ra một số mạch tương tự nhau, Lý Thời Trân cũng đã viết kỹ trong “Mạch ca”, Từ Linh Đài càng cụ thể hơn đã giải thích cách phân biệt, tức là dùng phương pháp tỷ loại để so sánh các mạch (còn dùng cả phương pháp đối cử pháp nghĩa là những mạch tương phản nhau để so sánh), đây là phương pháp rất tốt dùng để phân biệt các mạch tương tự nhau. Dưới đây là cách phân biệt một số mạch tương tự.
– Phù mạch và hư, khâu, tán mạch: bốn mạch này gần giống nhau nghĩa là vị trí mạch ở ngoài cạn, nhưng không giống nhau là phù mạch thì ấn sơ sơ là thấy (cử chi phàm phàm hữu dư), trọng án thì hơi giảm mà không trống rỗng, mạch hình không lớn không nhỏ. Hư mạch thì mạch hình to, vô lực trọng án không hư. Khâu mạch, mạch phù đại vô lực chính giữa trống (độc không) như án cọng hành. Tán mạch phù tán vô lực, tản mạn không căn gốc, hơi dùng sức là không thấy.
– Trầm, phục, lao mạch: Cả 3 mạch vị đều ở trong sâu, khinh án không thấy được. Điểm khác nhau là trầm mạch trọng án mới thấy, phục mạch so với trầm thì bộ vị càng sâu hơn gần xương gân mới thấy có khi còn không thấy (tạm thời). Lao mạch trầm án cảm giác thực đại huyền trường, kiên cố bất di bất dịch.
– Trì và hoãn mạch: Đều dùng tức (hơi thở) để tính. Trì mạch 1 tức không đến 4 cái, hoãn mạch hơi nhanh hơn trì 1 tức 4 cái mạch đến rất xung hoà từ tốn.
– Sác mạch, hoạt và tật mạch: Hoạt mạch và sác có chỗ tương đồng là hoạt mạch chảy lưu loát tròn hoạt (trơn) như sác, nhưng hoạt là chỉ về hình thái và xu thế, còn sác là chỉ về số lần 1 tức hơn 5 lần, tật mạch lại còn nhanh hơn sác, 1 tức 7 – 8 lần tương đương 140 lần/phút.
– Thực mạch và hồng mạch: Nói về thế mạch thì cả hai đều sung thực hữu lực, nhưng hồng mạch có hình dạng giống như nhiều đợt sóng lớn cuộn trào đến thịnh mà đi thì suy ấn nhẹ cũng thấy, mà thực mạch thì trường đại kiên thực (dài to cứng chắc) hữu lực đến mạnh bạo mà đi cũng mạnh nên có câu phi án trầm án cũng đều thấy trường mà đại hữu lực.
– Tế mạch và vi, nhược, nhu mạch: 4 mạch đều hình tượng tế tiểu mà nhuyễn nhược vô lực. Nhưng mạch tế thì mạch hình nhỏ nhưng rõ (ứng chỉ minh hiển), vi mạch thì cực nhỏ (tế) cực mềm ấn như muốn tuyệt có lúc đếm không rõ mạch đập mơ hồ (khởi lạc), nhược mạch trầm tế mà vô lực.
– Khâu và cách mạch: Đều có hiện tượng trung không (trống rỗng bên trong). Nhưng mạch khâu là phù đại vô lực trung không như ấn cọng hành chứng tỏ mạch mềm mại, cách mạch phù đại nẩy tay huyền cấp (nhanh) trung không như ấn vào mặt trống (cổ bì) chứng tỏ mạch cứng.
– Huyền mạch và trường, khẩn mạch: Huyền mạch và trường mạch tương tự nhau, nhưng trường mạch độ dài vượt quá bộ vị thốn khẩu giống như vuốt (sơ) cây trúc dài mà không nhanh, huyền mạch tuy dài nhưng mạch khí khẩn trương như ấn dây đàn, huyền mạch giống như khẩn mạch là cả 2 mạch khí đều khẩn trương (nhanh lẹ) nhưng huyền mạch như ấn dây đàn nhưng thế căng còn khẩn mạch như ấn vô sợi dây thừng căng thẳng, mạch hình thì khẩn mạch lớn hơn huyền.
– Đoản mạch và động mạch: Trên mạch hình (hình thái) đều có biểu hiện thu ngắn. Nhưng đoản mạch hình trạng thu ngắn mà sáp thường kèm trì không đủ ba bộ, hình thái mạch động như đậu thường kèm hoạt sác hữu lực.
– Kết, đại, thúc mạch: Đều thuộc loại mạch loạn nhịp có khoảng nghỉ. Nhưng kết, thúc mạch có khoảng nghỉ không đều, khoảng nghỉ ngắn, đại mạch khoảng nghỉ rất đều thời gian nghỉ dài (bỏ nhịp nhiều), kết và thúc còn có điểm khác nhau là kết là mạch trì có khoảng nghỉ còn thúc là mạch sác có nghỉ.
Phụ chú: Phương pháp đối cử so sánh.
– Phù mạch và trầm mạch: Vị trí mạch tương phản. Phù mạch ở ngoài biểu cạn khinh thủ là thấy chủ biểu thuộc dương, trầm mạch vị trí ở sâu khinh án không thấy trọng án mới thấy chủ lý thuộc âm.
– Trì và sác mạch: Là mạch đập nhanh chậm tương phản. Trì mạch đập chậm hơn bình thường 1 tức không tới 4 lần, sác là mạch đập nhanh hơn bình thường 1 tức trên 5 lần. Trì chủ hàn, sác chủ nhiệt.
– Hư và thực mạch: Sức đập của mạch mạnh yếu khác nhau. Hư mạch thì ba bộ đều vô lực, thực mạch thì ba bộ đều hữu lực, phân chủ hư thực khác nhau.
– Hoạt và sáp mạch: Mức độ thông thương tương phản nhau. Hoạt mạch đến đi lưu loát thông suốt cảm giác tròn trơn đầu ngón tay, sáp mạch đến đi khó khăn trệ sáp không lưu loát trơn tru. Tiền nhân hình tượng sáp mạch như dao nhỏ cạo vỏ trúc.
– Hồng và tế mạch: Là hai loại mạch tương phản về mạch thể lớn nhỏ và khí thế mạch. Hồng mạch thể to lớn (khoát đại) sung thực hữu lực thế mạch đến thịnh đi suy, tế mạch thể nhỏ giống như sợi chỉ đa số mềm nhược vô lực nhưng ấn vẫn rõ (ứng chỉ minh hiển).
– Khẩn và hoãn mạch: Độ khẩn trương tương phản. Khẩn mạch khẩn trương mà hữu lực như ấn vô dây thừng đang kéo căng, hoãn mạch thế chậm rãi ung dung 1 tức 4 lần.
4. Thất quái mạch
Phàm mạch không có vị thần căn là quái mạch hay còn gọi là “Chân tạng mạch”, “Bại mạch”, “Tử mạch”, “Tuyệt mạch”. Đa số gặp ở bệnh thời kỳ cuối khí tạng phủ suy kiệt vị khí bại tuyệt. Đời nhà Nguyên, Ngụy Diệc Lâm trong “Thế y đắc hiện phương” có liệt kê 10 loại quái mạch, hậu thế y gia bỏ bớt còn lại “Thất tuyệt mạch” (bỏ ma thúc mạch, chuyển đậu mạch và yển đao). Những mạch tượng này có thể gặp trên lâm sàng như sau:
Phủ phí mạch (nước sôi trong nồi)
Mạch ở da phù sác cực kỳ đếm không rõ như nước sôi ùng ục trong nồi phù phiếm không căn gốc. Là do tam dương nhiệt cực độ, hiện tượng âm dịch khô kiệt, chủ mạch tuyệt đa số xuất hiện trước lúc lâm chung.
Ngư tường (cá bay) mạch
Mạch nổi ngoài da, đầu định mà đuôi vẫy như có như không như con cá bơi trong nước. Do ba kinh âm hàn cực, dương vong ở ngoài.
Hà du (tôm lội) mạch
Mạch nổi ngoài da như tôm lội nước, có lúc nhảy tưng bừng rồi đột nhiên lặn mất chốc lát lại đến cũng cấp thúc thao động như trước. Đây là cô dương không chỗ nương tựa nên thao động không yên. Chủ đại trường khí tuyệt.
Ốc lậu (nhà dột) mạch
Mạch chìm giữa gân cơ (nghĩa là ở sâu), hình tượng như nóc nhà dột thật lâu mới rớt một hột nước nghĩa là mạch đập cực trì chậm, vô lực. Đây là vị khí dinh vệ gần tuyệt.
Tước trác (chim sẻ mổ) mạch
Mạch giữa cân mạch nhanh liên tục nhưng không đều như chim sẻ mổ lúa, đây là tỳ khí tuyệt (tỳ vô cốc khí dĩ tuyệt vu nội).
Giải sách (cởi dây) mạch
Chìm giữa cân mạch lúc thưa lúc nhặt giống như gỡ dây rối, đây là loại mạch lúc nhanh lúc chậm tán loạn không trật tự là thận và mệnh môn khí đều vong.
Đàn thạch (bắn đạn cu li) mạch
Mạch dưới cân nhục (rất sâu) giống như bắn đạn, không chút nhu hoà mềm mại, đây là dấu hiệu báo thận khí kiệt tuyệt.
Chân tạng mạch: Ngày xưa đều cho rằng hễ thấy loại mạch này là không chữa được. Nhưng ngày nay kỹ thuật y học không ngừng phát triển, qua sự nghiên cứu không ngừng và thực tiễn lâm sàng đã có những nhận biết mới: Chân tạng mạch tuyệt đại bộ phận là loạn nhịp mà đa số do bệnh tim thực thể gây ra và cũng không ít do chức năng gây ra, khi mạch xuất hiện dự báo tình hình nghiêm trọng nhưng vẫn có thể chữa.
5. Mạch chứng thuận nghịch và tùng xá
(xá = bỏ, tùng = theo)
Mạch chứng thuận nghịch là chỉ từ sự tương ứng mạch và chứng hoặc không tương ứng để phán đoán bệnh thuận nghịch. Trong điều kiện bình thường mạch và chứng là thống nhất tức là mạch chứng tương ứng. Nhưng cũng có lúc không tương ứng thậm chí còn xuất hiện tình trạng tương phản. Mạch chứng tương ứng là thuận (bệnh) không tương ứng là nghịch (bệnh). Ví dụ những bệnh chứng hữu dư, mạch hồng sác thực là mạch chứng tương ứng là thuận biểu thị tà thực chính thịnh chính khí đủ để kháng tà. Nếu ngược lại xuất hiện mạch tế vi nhược là mạch chứng tương phản là nghịch chứng nói lên tà thịnh chính hư dễ gây ra tình trạng tà hãm. Lại ví dụ khác, bạo bệnh mạch đến phù hồng sác thực là thuận phản ánh chính khí sung thịnh có thể kháng tà. Bệnh lâu ngày mạch đến trầm vi tế nhược là thuận phản ánh tà bắt đầu suy, chính bắt đầu hồi phục. Nếu bệnh mới mà mạch trầm tế vi nhược là chính khí đã suy. Bệnh lâu ngày mạch phù hồng sác thực biểu hiện chính suy mà tà cũng chưa thoái thuộc nghịch chứng.
Do mạch và chứng không phù hợp cho nên ở đây tất phải có một cái chân và một cái giả, hoặc chứng chân mạch giả hoặc mạch chân chứng giả, do đó trên lâm sàng cần biện rõ mạch chứng chân giả để có quyết định thích hợp hoặc bỏ chứng theo mạch hoặc bỏ mạch theo chứng.
Bỏ mạch theo chứng (xá mạch tùng chứng): Khi chứng chân giả mạch, nhất thiết phải bỏ mạch theo chứng. Ví dụ chứng biểu hiện bụng trướng mãn, đau cự án, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ rêu vàng dày cháy táo mà mạch lại trầm tế, ở đây chứng phản ánh thực nhiệt nội kết vị trường là chân, mạch lại phản ánh do nhiệt kết ở trong làm trở trệ huyết mạch vận hành nên xuất hiện mạch trầm tế là hiện tượng giả lúc này cần phải bỏ mạch theo chứng để biện chứng luận trị.
Bỏ chứng theo mạch: Khi chứng giả mạch chân thì phải bỏ chứng theo mạch. Ví dụ thương hàn nhiệt bế ở trong, chứng xuất hiện tứ chi quyết lãnh mà mạch lại phù sác, mạch phản ánh chân nhiệt, chứng lại phản ánh giả hàn do nhiệt tà nội phục cách âm ở phía ngoài nên tứ chi lạnh, lúc này phỉa bỏ chứng theo mạch.
“Y tông mật độc – Mạch pháp tâm tham” có nêu vài ví dụ về mạch chứng tùng xá như: Mạch phù thuộc biểu chứng trị nghi phát hạn giải biểu đó là lẽ thường tình, nhưng cũng có trường hợp nên tả hạ. Trọng Cảnh từng nói: nếu mạch phù đại tâm hạ ngạnh, sốt thuộc tạng (tạng chứng) có thể công hạ chứ không thể phát hạn. Mạch trầm là lý chứng trị nghi tả hạ cũng là chuyện thường tình, nhưng cũng có lúc cần dùng hạn pháp, như thiếu âm bệnh mới mắc lại sốt, mạch trầm, dùng Ma hoàng phụ tử tế tân thang vi hạn (làm ra mồ hôi ít). Mạch thúc thuộc dương, thường dùng Cát căn cầm liên thang, nhưng nếu mạch thúc mà tay chân quyết lãnh lại là hư thoát nhất thiết phải dùng ôn pháp, cứu pháp vì mạch thúc ở đây không phải là dương thịnh mạch. Mạch trì thuộc hàn thường dùng Can khương phụ tử để ôn trung tán hàn, nếu dương minh bệnh mạch trì không ố hàn, mồ hôi nhiều thì lại dùng Đại thừa khí thang, mạch trì ở đây không phải chỉ thuộc âm hàn chứng. Cả bốn thí dụ trên đều là tùng chứng chứ không tùng mạch.
Hay Trọng Cảnh còn nêu thí dụ khác: “Biểu chứng hạn chi, thử kỳ thường dã?”. Trọng Cảnh vân (nói), bệnh phát nhiệt đầu thống, mạch phản trầm, thân thể đông thống, đương cứu kỳ lý, dùng Tứ nghịch thang, thử tùng mạch chi trầm dã. Lý chứng hạ chi, thử kỳ thường dã. Nhật bộ phát nhiệt giả, thuộc dương mạch, mạch phù hư giả nghi phát hạn, dùng Quế chi thang, thử tùng mạch chi phù dã. Kết hung chứng câu (câu = đều đủ), thường dĩ Đại tiểu hãm hung thang hạ chi hề, mạch phù đại giả bất khả hạ, hạ chi tắc tử, thị nghi tùng mạch nhi trị kỳ biểu dã. Thân đông thống giả, thường dĩ Quế chi ma hoàng giải chi hề, nhiên xích trung trì (bộ xích trì) giả bất khả hạn, dĩ dinh vệ bất túc cố dã, thị nghi tùng mạch nhi điều kỳ vinh hề”. Đoạn trước là xá mạch tùng chứng, đoạn sau là xá chứng tùng mạch, có thể dùng tham khảo.
Mạch có tùng có xá nói lên mạch tượng chỉ là biểu hiện một mặt của bệnh trên lâm sàng, do vậy không thể dùng nó làm căn cứ duy nhất để chẩn đoán bệnh, chỉ khi vận dụng toàn diện tứ chẩn hợp tham mới có thể sử dụng tùng xá một cách thích hợp và để có được một chẩn đoán chính xác.
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
Xem thêm: