Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Học thuyết Kinh Lạc (phần 2) – Chức năng sinh lý của hệ kinh lạc

by BBT Yhctvn

Chức năng sinh lý của hệ kinh lạc biểu hiện chủ yếu ở sự vận hành khí huyết toàn thân để nuôi dưỡng các tạng phủ cơ quan, liên lạc các tạng phủ và các cơ quan, nối liền trên dưới trong ngoài, truyền dẫn tín hiệu cảm ứng để điều tiết các bộ phận cơ thể nhằm mục đích giữ sự điều hiệp và thăng bằng.

1. Vận hành khí huyết toàn thân, dinh dưỡng tạng phủ tổ chức

Khí huyết là vật chất cơ bản và là động lực thúc đẩy hoạt động sống của cơ thể. “Linh khu – Bản tàng” có nói: “Kinh mạch giả, sở dĩ hành huyết khí nhi dinh âm dương, nhu cân cốt, lợi quan tiết dã” (kinh mạch là đường vận chuyển khí huyết nuôi dưỡng âm dương làm mềm mại gân cốt và làm khớp cử động nhẹ nhàng). Khí huyết của cơ thể tất phải thông qua sự truyền dẫn(truyền chú) của kinh lạc mới có thể phân bố khắp nơi trong ngoài.

12 kinh chính là hạt nhân (trung tâm) của hệ thống kinh lạc là con đường chính vận hành khí huyết. “Linh khu – Dinh khí” cho rằng: Sự vận hành khí huyết của cơ thể chủ yếu tuân thủ sự thứ tự của 12 kinh, đồng thời có sự câu(nối) thông với nhâm đốc thành một vòng (thủ vĩ) vận hành không nghỉ (hết lòng này tiếp theo vòng khác). 12 kinh ở trong nội thuộc lạc tạng phủ, ngoài liên thuộc ngũ quan cửu khiếu và tứ chi bách hài (xương) Khí huyết thông qua 12 kinh mà phân bố toàn thân trong ngoài, thẩm thấu rót tưới các cơ quan tổ chức và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho chúng phát huy tối đa chức năng sinh lý thường. Đồng thời khí huyết cũng còn dựa vào hệ kinh lạc truyền dẫn, dùng rất nhiều phương thức và lộ trình thông đạt (đến) khắp nơi để dinh dưỡng cơ thể, kháng ngự ngoại tà…

Khi chức năng hoạt động kinh lạc bình thường, khí huyết vận hành thông thoáng, các tạng phủ mạnh mẽ (cường kiện) thì có thể kháng cự sự xâm nhập của ngoại tà, phòng ngừa bệnh tật phát sinh. Ngược lại, kinh lạc mất đi chức năng bình thường, kinh khí vận hành không tốt (bất lợi) thì khả năng ngự chế tà khí giảm và dễ sinh bệnh.

2. Liên lạc các tạng phủ cơ quan, câu thông trên dưới trong ngoài

Cơ thể do ngũ tạng lục phủ, ngũ quan cửu khiếu, tứ chi bách hài… cấu thành một cơ thể phức tạp. Các bộ phận có nhiều chức năng khác nhau, đồng thời lại cùng nhau tổ chức thành một chỉnh thể hữu cơ hoạt động. Kiểu quan hệ tương hỗ này chủ yếu nhờ vào sự liên lạc, câu thông của hệ thống kinh lạc. Do 12 kinh và phân nhánh của nó giao thoa tung hoành (ngang dọc), vào trong ra ngoài, thông trên đến dưới, tương hỗ lạc thuộc tạng phủ, liên lạc tứ chi, kỳ kinh bát mạch liên hệ câu thông 12 chính kinh, điều tiết doanh (thịnh)suy, từ đó làm cho các tổ chức liên kết hợp điều một cách chặt chẽ.

Sự liên lạc câu thông của hệ kinh lạc biểu hiện ở:

2.1. Quan hệ tạng phủ và tay chân (bên ngoài)

Quan hệ này chủ yếu thông qua 12 kinh mạch mới được thực hiện. 12kinh vận hành bên trong cơ thể có liên hệ lạc thuộc cố định với những tạng phủ tương ứng, khí của kinh mạch đó lại tán lạc kết tụ tại kinh cân đồng thời bố tán tại da. Như vậy giữa các tổ chức bên ngoài như cơ nhục cân và bì phu107và tạng phủ thông qua 12 kinh mạch nội thuộc ngoại liên (liên lạc) mà tương hỗ câu thông với nhau. Kiểu liên hệ này bao gồm: những phần cố định phía ngoài cơ thể sẽ có quan hệ đặc thù với những tạng phủ khác nhau (trong ngoài đối ứng) và lại có mối quan hệ có tính chủ thể thống nhất giữa bên ngoài với tạng phủ (quan hệ theo phổ rộng)

2.2. Liên hệ giữa tạng phủ và quan khiếu

Ngũ quan cửu khiếu (mắt, lưỡi, miệng, mũi, tai – là ngũ quan; cửu khiếu là hai mắt, miệng, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, tiền âm, hậu âm) đều là những bộ vị mà kinh mạch phải đi qua, mà kinh mạch đa số lại nội thuộc tạng phủ. Giữa tạng phủ và quan khiếu sẽ thông qua kinh mạch mà liên hệ nhau. Ví dụ: thủ thiếu âm tâm kinh thuộc tâm, lạc tiểu trường, liên quan đến “mục hệ” (mắt) biệt lạc của nó liên hệ tới lưỡi (thiệt bản); túc quyết âm can kinh thuộc can, lạc đởm, vòng qua “âm khí” (hội âm) liên quan mắt; túc dương minh vị kinh thuộc vị, lạc tỳ, vòng quanh miệng môi vào mũi; thủ thái dương tiểu trường kinh, thủ thái dương tam tiêu kinh, túc thiếu dương đởm kinh đều đi vào tai; túc thái dương bàng quang kinh biệt nhập vào hậu môn… kiểu liên hệ này không chỉ bao hàm mối liên hệ đặc thù nghĩa là những quan khiếu khác nhau sẽ trở thành những biểu hiện phụ (miêu khiếu) của những nội tạng khác nhau mà còn bao hàm cả mối liên hệ chỉnh thể, rộng rãi giữa các quan khiếu và nội tạng.

2.3. Liên hệ giữa tạng và phủ

Mỗi kinh trong 12 kinh đều phân biệt lạc thuộc một tạng một phủ, từ đó thành lập nên quan hệ biểu lý, một tạng và một phủ. Đồng thời có những kinh mạch còn liên hệ nhiều tạng phủ hoặc có những tạng phủ lại liên hệ với nhiều đường kinh mạch. Ví dụ: túc quyết âm can kinh thuộc can, lạc đởm, lại hiệp với vị (hiệp nghĩa là ôm, là vòng qua), đi vào phế; túc thiếu âm thận kinh thuộc thận lạc bàng quang, xuyên qua can (quán), nhập phế, lạc tâm; Đến liên lạc với tạng phế có thủ thái âm phế kinh thuộc phế, thủ dương minh đại trường lạc phế, và túc quyết âm can kinh, túc thiếu âm thận kinh và thủ thiếu âm tâm kinh. Ngoài ra kinh biệt lại bổ sung những phần chưa đủ (tới được) của chính kinh. Ví dụ biệt kinh của vị kinh đi lên thông với tâm, biệt kinh của đởm kinh lại đi xuyên tâm… Như vậy thông qua sự liên hệ lạc thuộc của kinh mạch mà cấu thành và tăng cường (gia cường) tính thống nhất chỉnh thể của tạng phủ.

2.4. Liên hệ giữa kinh mạch

Giữa 12 kinh có một sự nối tiếp trật tự âm dương biểu lý, đồng thời cùng hai mạch nhâm đốc cấu thành đầu cuối nối thành một vòng tuần hoàn kín. Giữa 12 kinh mạch còn có nhiều chỗ giao thoa, giao hội với nhau, lại thêm những kinh biệt, biệt lạc liên hệ với nhau sẽ lại càng gia tăng quan hệ giữa chúng với nhau. 12 kinh mạch còn hợp với các kỳ kinh bát mạch giao kết ngang dọc trên dưới, vả lại giữa kỳ kinh bát mạch cũng có sự liên lạc tương hỗ. Ví dụ: Ba kinh dương ở tay và ba kinh dương ở chân đều hội với nhau tại huyệt đại chùy thuộc đốc mạch. Dương duy mạch và đốc mạch hợp ở huyệt phong phủ do vậy gọi đốc mạch là “Dương mạch chi hải”. Ba kinh âm ở chân và âm duy mạch, xung mạch đều hội ở nhâm mạch. Ba kinh âm ở chân lại đi lên trên nối tiếp với ba kinh âm ở tay nên gọi nhâm mạch là “Âm mạch chi hải”. Xung mạch cùng đi với nhâm mạch (phía trước) vào ngực. Phía sau lại thông với đốc mạch mà nhâm đốc hai mạch lại thông hội với 12 kinh mạch cộng thêm xung mạch phía trên đi tới trán để thu nhận dương khí, phía dưới đi cùng thiếu âm kinh để thu nhận âm khí (thu nhận khí huyết của 12 kinh) do đó xung mạch còn được gọi là “12 kinh mạch chi hải”. Đốc, nhâm, xung mạch đều xuất phát từ bào trung (tử cung). Trên đây là các kiểu kết nối nhiều tầng nấc của kinh lạc và biến nó thành một hệ thống điều tiết có kết cấu hoàn chỉnh.

Kinh lạc ví như hệ thống dây chằng chịt câu thông tạng phủ bên trong và thể biểu bên ngoài. Bệnh biến của tạng phủ có thể thông qua kinh lạc và thông qua sự dẫn truyền cảm ứng được phản ánh ở bên ngoài, biểu hiện ở những quan khiếu và vị trí tương ứng. Ví dụ can hỏa thượng viêm có thể xuất hiện mắt đỏ sưng; tâm hỏa thượng viêm biểu hiện đầu lưỡi đỏ nứt đau; vị nhiệt tích thịnh biểu hiện sưng viêm đau lợi răng. “Tố vấn – Tàng khí pháp thời luận” nói: Can bệnh đau hai bên mạn sườn lan xuống bụng dưới… Tâm bệnh đau mặt trong hai cánh tay, tỳ bệnh bụng đầy sôi bụng, phế bệnh đau vai lưng, thận bệnh đau bụng trên và dưới… Qua đó có thể thấy bệnh của tạng phủ thông qua kinh lạc được biểu hiện ở bên ngoài tại các quan khiếu của những vị trí nhất định, đây cũng là căn cứ dùng trong chẩn đoán.

Do giữa tạng phủ có sự câu thông nhau qua kinh lạc, do đó khi tạng phủ bị bệnh thì kinh lạc sẽ trở thành con đường truyền biến bệnh giữa các tạng phủ và khi một tạng phủ bệnh sẽ truyền tới một tạng phủ khác qua con đường đó. Ví dụ: Túc quyết âm can kinh hiệp với vị đi vào phế do đó can bệnh có thể phạm vị hoặc phạm phế; hay túc thiếu âm thận kinh nhập phế lạc tâm do đó khi thận thủy thượng phiếm sẽ gây ra hiện tượng “Lăng tâm” hoặc “Xạ phế”; túc thái âm tỳ kinh lạc vị vào tâm, kinh biệt của vị kinh cũng đi lên thông với tâm, do đó khi trung tiêu thực nhiệt có thể sẽ hun chưng tâm mà gây ra thần trí hôn mê… Kinh âm và kinh dương hỗ vi biểu lý (quan hệ biểu lý tương hỗ)do hoặc lạc hoặc thuộc tạng phủ tương đồng, nên các tạng và phủ (quan hệ biểu lý) trên bệnh lý cũng thường ảnh hưởng nhau; ví dụ tâm và tiểu trường tương quan biểu lý, tâm hỏa có thể đi xuống tiểu trường mà xuất hiện tiểu tiện vàng đỏ hoặc tiểu máu. Phế đại trường tương quan biểu lý, khi phế khí không hạ giáng thường dẫn đến phủ khí đại trường không thông mà xuất hiện đại tiện không thông, bụng đau trướng. Ngược lại, đại trường thấp nhiệt lại có thể ảnh hưởng phế khí bất lợi xuất hiện tức ngực ho suyễn… Cũng như vậy khi vận dụng học thuyết kinh lạc trên lâm sàng thì có thể giải thích được một cách toàn diện và khoa học đối với sự truyền biến bệnh phức tạp của tạng phủ.

3. Tín hiệu cảm ứng dẫn truyền, chức năng điều tiết bình hành (thăng bằng)

Cơ thể là một hệ thống điều tiết khống chế tự động khổng lồ. Trong cuộc sống hằng ngày mỗi một chớp mắt thời gian qua đi có hàng ngàn vạn tín hiệu biến đổi (biến hoán) phát sinh. Nhưng bất luận những biến đổi tín hiệu đó có phức tạp đến thế nào đi chăng nữa thì những tín hiệu và sự truyền dẫn đều chủ yếu được thực hiện nhờ hệ thống kinh lạc và khí huyết vận hành trong đó. Hệ thống kinh lạc làm thành một hệ thống lưới truyền dẫn tín hiệu của cơ thể, qua đó có thể cảm nhận được các loại tín hiệu từ hoàn cảnh bên ngoài cũng như trong cơ thể, đồng thời dựa vào tính chất (tín hiệu), đặc điểm và lượng, độ của tín hiệu… và truyền dẫn đến các tạng phủ cơ quan tương ứng, phản ánh hoặc điều tiết trạng thái chức năng của nó. Hệ kinh lạc dựa vào hệ lưới truyền dẫn tín hiệu, câu thông trên dưới trong ngoài nên những tín hiệu cục bộ sẽ được truyền tới toàn thân, lại có thể đem tín hiệu chỉnh thể truyền tới cục bộ, thể hiện ở ngoài. Đây cũng là căn cứ quan trọng giúp cho chẩn đoán.

 Trong thực tiễn lâm sàng, căn cứ vào vị trí tuần hành của kinh mạch, quy luật lạc thuộc tạng phủ và những triệu chứng biểu hiện cụ thể trên vị trí thuộc kinh mạch đó tiến hành phân tích mà rút ra chẩn đoán: ví dụ đau hai bên mạn sườn đa số thuộc vào bệnh can đởm, đau vùng khuyết bồn đa số là bệnh của phế. Lại ví dụ như đau đầu, nếu đau vùng trước trán đa số có liên quan đến dương minh kinh, đau hai bên đầu là kinh thiếu dương, đau phía sau đầu lan lên gáy là thái dương kinh, đau đỉnh đầu liên quan tới quyết âm kinh. Hay lại ví dụ phương pháp dùng du huyệt để biện chứng nghĩa là dùng những huyệt nằm trên kinh đó có xuất hiện những phản ứng khác thường để chẩn đoán, xác định vị trí bệnh như: bệnh của vị đại trường thì có hiện tượng ấn đau huyệt túc tam lý, địa cơ. Bệnh phế thường ấn đau phế du, trung phủ. Gần đây dùng một số phương tiện máy móc dùng để xác định mức độ bệnh lý tạng phủ hoặc cơ quan, đồng thời tìm hiểu về kinh lạc để giúp chẩn đoán. Học thuyết kinh lạc không chỉ trực tiếp chỉ đạo về phân tích quy nạp những triệu chứng để biện chứng chẩn đoán mà còn là chỗ dựa lý luận quan trọng trong mạch chẩn, thiệt chẩn và chỉ văn.

Hệ kinh lạc qua tác dụng tiếp nhận, truyền dẫn, biến đổi những tín hiệu, tựnó sẽ tự điều tiết sự vận hành khí huyết, hiệp đồng điều chỉnh mối liên hệ tạng phủ để duy trì sự thăng bằng tương đối giữa bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài, bảo đảm sự khang kiện của cơ thể. Nếu âm dương khí huyết của cơ thể mất đi sự điều tiết, thăng bằng thì khi thông qua sự tự động điểu chỉnh của hệ kinh lạc mà không hồi phục được lúc đó sẽ phát bệnh. Một khi phát sinh bệnh, đối với những triệu chứng cụ thể của khí huyết thất hòa, âm dương thịnh suy mà vận dụng châm cứu, xoa bóp… kích thích một lượng thích đáng những huyệt vị tương ứng để kích phát sự tự điều tiết của kinh lạc. “Tả kỳ hữu dư, bổ kỳ bất túc, âm dương hòa phục” (Linh khu). Thực nghiệm và thực tế lâm sàng đã chứng minh dựa vào nguyên tắc chọn huyệt theo đường kinh(tuần kinh thủ huyệt) tiến hành châm cứu những người khỏe mạnh và những huyệt liên quan ở những người bệnh sẽ sản sinh “Đắc khí” và “Hành khí”… (là những phản ứng truyền dẫn của kinh lạc) đều có tác dụng điều chỉnh chức năng tạng phủ liên quan, làm ức chế sự hưng phấn và ngược lại. Có thể thấy ý nghĩa thực dụng quan trọng của học thuyết này trong vấn đề chỉ đạo vận dụng châm cứu và xoa bóp…

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh cũng cần phải nhờ vào sự truyền dẫn vận chuyển của kinh lạc mới có thể đem thuốc đến chỗ bị bệnh. Các y gia cổ đại trong quá trình thực tiễn lâm sàng lâu dài đã tổng kết rằng: Một loại dược vật nào đó đều có tính chọn lựa đặc thù một kinh lạc, tạng phủ nào đó và từ đó sáng lập ra lý luận “dược vật qui kinh” và “dẫn kinh báo sứ”. Ví dụ hạnh nhân, kiết cánh nhập phế kinh trị tức ngực suyễn tức. Chu sa, táo nhân nhập tâm kinh chữa tâm quí mất ngủ. Đau đầu thuộc thái dương minh có thể dùng khương hoạt, đau đầu thuộc dương minh kinh dùng bạch chỉ…

Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ


Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ