Học thuyết tinh khí thần – Tinh, khí, huyết, tân dịch và thần là những thành phần vật chất cơ bản cấu thành cơ thể người và duy trì hoạt động sống. Khí là vật chất không ngừng vận động và vô cùng nhỏ bé. Huyết là thể dịch màu đỏ tuần hoàn trong lòng mạch máu. Tân dịch là tên gọi chung tất cả thể dịch bình thường trong cơ thể. Khí, huyết, tân dịch là sản vật của hoạt động sinh lý của tạng phủ, là vật chất và năng lượng không thể thiếu cung cấp cho các hoạt động sinh lý tạng phủ và kinh lạc. Do đó cũng có thể nói khí huyết tân dịch là vật chất cơ bản dùng trong các hoạt động chức năng tạng phủ kinh lạc.
Học thuyết này tìm hiểu về sự sinh ra, phân bố và chức năng sinh lý của khí huyết tân dịch. Nó xuất phát từ góc độ chỉnh thể để nghiên cứu về sự cấu tạo cơ thể và vật chất cơ bản duy trì hoạt động sống cơ thể, nó chú trọng đến các hoạt động sinh lý tạng phủ kinh lạc và bệnh biến cơ bản của chúng.
Mục Lục
1. Tinh
1.1 Khái niệm
– Tinh là vật chất trong yếu cấu tạo nên cơ thể sống và duy trì hoạt động sống của cơ thể người.
– Căn cứ vào nguồn gốc mà nói, có thể phân tinh ra 2 loại: tinh tiên thiên- tinh hậu thiên.
– Căn cứ vào chức năng có thể phân thành tinh sinh dục – tinh duy trì hoạt động sống
1.2 Nguồn gốc và chức năng
a. Tinh tiên thiên
– Là vật chất ban đầu, bố mẹ truyền lại và cấu tạo nên cơ thể sống.
– Cơ thể con người là do tinh lưỡng tính kết hợp với nhau, sau đó hình thành bào thai, dần dần hình thành cơ thể hoàn chỉnh. Nói chung nam nữ thời kỳ trưởng thành đều có khả năng sản sinh tinh tiên thiên, đó là tinh sinh dục.
b. Tinh hậu thiên
– Nguồn gốc từ chất tinh vi của đồ ăn uống hóa sinh tạo nên. Nó thông qua huyết mạch để nuôi dưỡng tạng phủ, không ngừng chuyển hóa thành tinh tạng phủ; hoặc thành khí huyết, từ đó mà duy trì được công năng hoạt động của tạng phủ và làm cho cơ thể phát triển.
– Tinh hậu thiên ngoài việc duy trì hoạt động sống của cơ thể ra, phần còn lại được tàng trữ ở thận thành tinh tiên thiên.
1.3 Bệnh lý
– Bệnh lý chủ yếu của tinh là tinh hao. Vì tinh có thể hóa khí, khí sung túc thì thần tỉnh táo.
– Lâm sàng: đoản khí, dễ mệt, hư phiền, ăn uống kém, miệng khô, đại tiện táo, mạch vô lực… Nếu thận tinh hao hư, đối với nam giới sẽ thấy đau lưng, mỏi gối, giảm trí nhớ di tinh, tảo tiết, không thụ thai được; đối với nữ giới thấy thống kinh, bế kinh, không thụ thai…
2. Khí
2.1 Khí là vật chất cơ bản nhất cấu thành con người
Con người là sản vật của sự giao cảm khí trời đất Con người cũng giống như vạn vật đều là sản vật của tự nhiên trời đất. Muốn tìm hiểu sâu xa về khởi thủy và bản chất con người, đầu tiên cần phải nghiên cứu về nơi mà con người tồn tại trong vũ trụ và mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh tự nhiên. “Tố vấn – Lục vi chỉ đại luận” có nói: “Thiện ngôn nhân giả cầu chi khí giao…” “Hà vị khí giao?… Thượng hạ chi vị, khí giao chi trung, nhân chi cư dã” (Khi nói về con người cần phải bàn về khí giao, vậy khí giao là gì? Là nơi hai khí thượng và hạ gặp nhau và con người sống ở nơi đó) Khí giao chính là nơi con người sinh sống trong môi trường đó, là nơi khí trời đi xuống và khí đất đi lên gặp nhau. Giới tự nhiên do sự vận động biến hóa của âm dương có phân tứ thời, hàn nhiệt, tức là có sự ảnh hưởng của lục khí trời và lại có tác dụng sinh hóa ngũ hành của đất. Con người sống trong môi trường như vậy đó.
Vì con người sống trong nơi gọi là khí giao đó nên cũng như vạn vật trong vũ trụ nghĩa là đều do khí cấu tạo nên, đều là khí của trời đất, đều là sản vật của sự giao cảm âm dương, và là kết quả của quy luật vận động biến hóa của giới tự nhiên. Vì vậy có thể nói: “Con người là do khí trời đất giao cảm mà hợp nên. Khí là vật chất cực kỳ tinh khiết, cực kỳ nhỏ bé, là nguồn nguyên liệu nguyên thủy cấu tạo vạn vật. Con người cũng giống như vạn vật nên khí là vật chất tối cơ bản cấu thành con người.
2.2 Tinh khí là cơ sở của sự sống
Thời Chiến quốc “Quản Tử – Nội nghiệp” Phái Tắc Hạ, cho rằng: Tinh là phần tinh túy nhất của khí, tinh là khí cực tinh khiết có thể vận động và biến hóa được, và là vật chất tinh vi cần để hình thành trời đất vạn vật và con người. Đây là bước phát triển lớn trong phạm trù triết học cổ nói về khí. YHCT kế thừa và phát triển tinh khí luận của Quản Tử, dùng học thuyết tinh khí để giải thích quy luật vận động của sinh vật, cho rằng tinh khí (tinh) là thứ vật chất vô cùng tinh vi được hình thành trong cơ thể nhờ (do) khí của trời đất, âm dương, ngũ hành. Tinh khí không chỉ chỉ về tinh sinh thực (sinh dục) của nam nữ mà còn rộng chỉ về tất cả vật chất sống (sinh mạng) của cơ thể. Tinh khí được hình thành trước khi sinh ra, có đặc tính di truyền, do sự tương hợp tinh khí của cha mẹ truyền lại cho con, trở thành chất cơ bản thúc đẩy cơ thể phát triển, phát dục và duy trì nòi giống mai sau.
2.3 Khí là vật chất tối cơ bản để duy trì hoạt động sống
Chức năng sống của con người có nguồn gốc từ hình thể của con người. Hình thể con người lại phải dựa vào sự hấp thu vật chất nhất định của tự nhiên để sinh tồn. Hoạt động sống là sản vật của thế giới vật chất. Nhân loại tất nhiên phải có sự giao hoán vật chất với tự nhiên mới có thể duy trì sự sống. “Tố vấn – Lục tiết tàng tượng luận” có nói: Trời cho con người ăn ngũ khí, đất cho ăn ngũ vị, ngũ khí vào mũi tàng ở tâm phế lên trên tạo ra tiếng nói. Ngũ vị (đồ ăn) vào miệng tàng ở dạ dày (để dưỡng ngũ khí…). Khí và vị (vị lại do khí sinh ra nên vị cũng là khí) tức là không khí, nước, đồ ăn sau khi vào cơ thể bằng đường miệng và mũi, trải qua quá trình khí hóa nhất định biến thành vật chất nuôi sống cơ thể, tức là tinh khí của lục phủ ngũ tạng. Một mặt con người không ngừng hấp thu vật chất tự nhiên biến đổi nó thành chất nuôi dưỡng cơ thể, một mặt trong quá trình thực hiện chức năng sống đó nó sẽ tự tiêu hao năng lượng và sản sinh ra chất phế thải, thông qua mồ hôi, nước tiểu và phân tống ra ngoài.
Hoạt động tinh thần là một hoạt động chức năng cao cấp hơn được sản sinh ra trên cơ sở chức năng (hoạt động) sống, tức là những cảm giác, tư duy tình chí… là một loại hoạt động sống của con người. Tố vấn chương Âm dương ứng tượng đại luận, có nói: “Nhân hữu ngũ tạng hóa ngũ khí, dễ sinh hỷ, nộ, bi, ưu, khủng” nghĩa là khi tạng phủ, hình thể cơ quan cảm giác tinh khí kháng thịnh sẽ sản sinh cảm giác, tư duy và tình chí. Do tinh khí cấu thành hình thể, hình thể sản sinh cái gọi là “thần” của cơ thể. Thần là thứ căn bản điều khiển hình thể và tiến hành các hoạt động tinh thần. Qua đó có thể nhận thấy tinh khí ngũ tạng là vật chất cơ bản của hoạt động tinh thần, tình chí. Con người là sản vật của tự nhiên, bẩm thụ khí của trời đất mà sinh ra, dựa vào tứ thời chi pháp mà lớn lên. Trong cơ thể con người bao hàm khí của trời đất âm dương ngũ hành mà cấu thành khí của con người. Khí này là chất cơ bản duy trì sự sống, sự vận động biến hóa của khí cũng chính là hoạt động sống của con người.
Con người và trời đất tương ứng, con người giống tự nhiên nghĩa là không những cũng chịu sự chế ước của quy luật vận động của khí trong sự vận động âm dương ngũ hành mà còn tương thông với rất nhiều quy luật vận động cụ thể khác. Khí trời đất phân ra âm dương, khí trong con người cũng phân âm dương. Sự vận động biến hóa khí của con người và khí của tự nhiên phục tùng một quy luật thống nhất. Tóm lại, khí là vật chất sống tồn tại trong cơ thể dưới dạng cực kỳ nhỏ bé. Khí là vật chất cơ bản của hoạt động sống, cuộc sống con người phụ thuộc vào khí. Khí tụ tắc sinh, khí tán tắc tử.
2.4 Nguồn gốc chủ yếu của khí
Gồm hai thứ
Tiên thiên chi tinh khí: Loại tinh khí này được hình thành trước khi được sinh (đẻ) ra. Nguồn gốc của nó là từ tinh của cha mẹ (sinh thực) là vật chất nguyên thủy cấu thành bào thai. Do thụ bẩm từ cha mẹ nên nó được gọi là “Tiên thiên chi tinh khí”. Khí bắt đầu sự sống, do hai thứ tinh của cha mẹ tương hợp mà hình thành phôi thai, do đó tiên thiên chi tinh khí là vật chất cơ bản cấu thành hình thể của con người và là một bộ phận quan trọng trong thành phần khí của con người
Tinh khí hậu thiên: Bao gồm vật chất dinh dưỡng từ đồ ăn uống và khí trời tự nhiên (thanh khí). Vì loại tinh khí này nhận được sau khi sinh nên gọi là tinh khí hậu thiên. Khí tự nhiên hay còn gọi là thiên khí nhờ phế hô hấp mà vào cơ thể và khí trong cơ thể không ngừng giao hoán với nó tại phế, thải cũ nạp mới, tham gia vào sự hình thành khí trong cơ thể.
Thủy cốc tinh khí hay còn gọi là cốc khí, thủy cốc tinh vi là chất dinh dưỡng trong đồ ăn thức uống. Vị vi thủy cốc chi hải nghĩa là thức ăn nạp vào được vị tiêu hóa, tỳ vận hóa đem chất dinh dưỡng được hấp thu phân bố toàn thân nuôi dưỡng tạng phủ, cơ quan và hóa sinh thành khí huyết là vật chất tối cần thiết cho cuộc sống
2.4 Sự sinh ra khí và mối quan hệ với tạng phủ
Khí của con người xét từ nguồn gốc thì do sự kết hợp ba thứ khí mà thành, đó là tiên thiên chi tinh khí, hậu thiên chi tinh khí và khí trời. Tinh khí có quan hệ tới ba tạng phế, tỳ vị và thận.
Phế chủ khí: Phế là nơi giao hoán (trao đổi) khí trong cơ thể và khí bên ngoài. Hít thanh khí, thải trọc khí, tham gia vào quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể. Phế chủ yếu sinh ra tông khí. Phế hít khí trời kết hợp với tỳ vị vận hóa thủy cốc tinh vi tập hợp tại ngực (thượng khí hải đản trung) mà hình thành tông khí. Tông khí đi theo đường thở (tức đạo) để tiến hành hô hấp, đi theo đường tâm mạch để hành khí huyết thông đạt ra ngoài, lưu chảy châu thân để duy trì chức năng sinh lý bình thường của tạng phủ, cơ quan từ đó có tác dụng thúc đẩy sự sinh thành khí toàn thân.
Tỳ vị là nguồn sinh ra khí huyết: Vị chủ thu nạp, tỳ chủ vận hóa, một nạp một vận mà sinh hóa thành tinh khí. Tỳ thăng vị giáng, nạp vận tương đắc, tiêu hóa hấp thu dinh dưỡng từ thủy cốc biến thành tinh khí. Lại nhờ vào tác dụng chuyển vận và tán (phân bố) tinh của tỳ lại mang thủy cốc tinh vi lên phế lại nhờ phế thông qua hệ thống kinh mạch mà phân bố toàn thân để nuôi dưỡng tạng phủ cơ quan.
Thận cũng là nguồn sinh ra khí: Thận có tác dụng trữ tàng tinh khí. Tinh khí mà thận tàng trữ gồm tinh khí tiên thiên và hậu thiên. Tinh khí hậu thiên cung cấp năng lượng chuyển hóa tạng phủ cơ quan, phần còn dư thừa được tàng trữ tại thận cùng hợp với tinh tiên thiên hợp lại gọi là tinh khí của thận hay nguồn gốc của nguyên khí. Thận chủ khí tiên thiên, tỳ phế chủ khí hậu thiên. Hậu thiên được sự thúc đẩy tiên thiên mà sinh ra liên tục. Tiên thiên nhờ hậu thiên mà nguồn gốc tạo khí không cạn kiệt, là căn cứ (gốc) của lục phủ ngũ tạng, là nguồn của tạo thành khí trong cơ thể là vậy.
Tóm lại, điều kiện sinh ra khí là: Nguồn vật chất đầy đủ, tức là tiên thiên, hậu thiên và thanh khí đầy đủ. Chức năng tạng phủ bình thường tức là chức năng sinh lý các tạng phế, tỳ, vị, thận… bình thường.
Hàm ý của khí cơ Sự vận động của khí gọi là “khí cơ”. Khí của con người là một dạng vật chất nhỏ bé có hoạt lực rất mạnh và không ngừng vận động. Khí lưu hành toàn thân tạng phủ kinh lạc cơ quan… không ngừng thúc đẩy, kích phát các hoạt động sinh lý của cơ thể.
2.5 Hình thức vận động của khí
Hình thức vận động cơ bản: Gồm bốn chữ: Thăng, giáng, xuất, nhập. Nhân loại sống trong vũ trụ bao la nên sự vận động (khí cơ) của khí trong con người cũng phải tuân thủ quy luật đó. Do đó trong quá trình sống nếu không có thăng giáng xuất nhập thì cũng sẽ không có hoạt động sống. Nhưng khí vận động thăng giáng xuất nhập lại thông qua chức năng tạng phủ để thực hiện, do đó cũng có thể gọi là tạng phủ khí cơ thăng giáng. Sự vận động khí của tạng phủ (thăng giáng xuất nhập) là một quá trình mâu thuẫn thống nhất.
Sự vận động của khí và quan hệ với tạng phủ: Chức năng sinh lý tạng phủ của con người không ngoài: Thăng thanh dương, giáng trọc âm, thu nạp những gì mà nó cần, thải bài những gì nó không cần. Tạng phủ kinh lạc, khí huyết tân dịch, dinh vệ âm dương đều nhờ vào khí cơ thăng giáng xuất nhập mà có quan hệ tương hỗ với nhau, duy trì chức năng sinh lý, nó không ngừng có sự trao đổi (chuyển hóa) với môi trường xung quanh. Vận động thăng giáng là đặc tính của tạng phủ, là quy luật vận động của vật chất, mà mỗi loại hình thức vận động của vật chất lại tự thân nó có sự qui định của sự đặc thù chất đó. Do đó hoạt động chức năng ngũ tạng lục phủ (xu hướng thăng giáng) sẽ không hoàn toàn giống nhau…
Hoạt động sống của con người gồm tiêu hóa, tuần hoàn ở trong, nhìn, nghe, nói, đi… ở bên ngoài, đều là sự biểu hiện của sự vận động thăng giáng xuất nhập của tạng phủ. Hãy lấy ngũ tạng mà nói thì: Tâm phế ở trên “Tại thượng giả nghi giáng” (những cái ở trên thì dễ giáng) can thận ở dưới, ở dưới thì dễ (nghị) thăng. Tỳ vị cư ngụ ở giữa liên thông trên dưới nên là then chốt của sự thăng giáng. Lục phủ tuy là chuyển hóa vật chất mà không tàng, dĩ thông vi dụng (lấy sự thông suốt làm chức năng chủ yếu), thích (nghi) giáng. Nhưng trong quá trình chuyển hóa thức ăn lại có chức năng hấp thu dinh dưỡng và tân dịch. Cho nên vận động khí cơ của lục phủ là: trong giáng có thăng, không chỉ giữa tạng và tạng, phủ và phủ, tạng và phủ đều đặt trong sự thống nhất thăng giáng mà bản thân mỗi tạng phủ cũng có sự thống nhất thăng giáng tức là trong thăng giáng lại có thăng giáng.
Tóm lại, vận động khí cơ thăng giáng tạng phủ trong trạng thái sinh lý thường thì có một quy luật nhất định. Thường có thể hiện đặc điểm như thăng dĩ nhi giáng (thăng hết là giáng), giáng hết là thăng và trong thăng có giáng, trong giáng có thăng.
Khí cơ thăng giáng giữa các tạng phủ cơ quan đều đặt trong trạng thái đối lập thống nhất, và cùng nhau hoàn thành quá trình chuyển hóa trong cả cơ thể, bảo đảm sự tự thay đổi khí không ngừng (canh tân). Nghĩa là không ngừng hấp thu vật chất bên ngoài (đồ ăn, oxy) đồng thời thông qua quá trình khí hóa biến đổi vật chất đó thăng thanh giáng trọc, hấp thu dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Đồng thời bài tiết sản vật cặn bã của quá trình chuyển hóa ra ngoài để duy trì thăng bằng chuyển hóa và hoán đổi năng lượng. Vận động đó của tạng phủ ở trạng thái bình hành là cái quan trọng nhất để duy trì hoạt động sống bình thường.
Trong quá trình vận động khí của cơ thể ví dụ can thăng phát, phế túc giáng, tâm hỏa hạ giáng, thận thủy thượng thăng, tỳ khí thượng thăng, vị khí hạ giáng… Trong sự thăng giáng vận động đó của tạng phủ thì phế tỳ thận là quan trọng nhất, đặc biệt là thận là bản (bản chất) của hiện tượng khí cơ thăng giáng. Thận là tiên thiên chi bản. Dương khí ngũ tạng không có nó thì không thể phát huy. Âm khí ngũ tạng nếu không có nó cũng không tư dưỡng được. Chỉ khi thận dương chưng đằng (sôi sục, mạnh mẽ) thì tỳ thổ mới có khả năng xay nghiền vận hóa thức ăn. Cũng cần sự nhiếp nạp của thận phế khí mới có thể đi xuống được, mới có thể thông điều thủy đạo, đi xuống bàng quang, đại trường cũng từ đó mà tống cặn bã ra. Chính như “Y quán – Nội kinh thập nhị quan luận” nói: Sự vận động thăng giáng tạng phủ duy nhất dựa vào thận. Qua đó nhận thấy sự thăng giáng tạng phủ đều cần sự điều tiết của thận. Phế chủ trị tiết, sự hô hấp của phế hay sự thăng giáng xuất nhập của phế khí có thể trực tiếp điều tiết và ảnh hưởng khí cơ toàn thân (thăng giáng xuất nhập). Tỳ vị là then chốt khí cơ toàn thân. Nó lại nằm ở trung ương thuộc thổ, tỳ là âm thổ mà thăng ở dương, vị là dương thổ mà giáng ở âm. Thổ ở giữa hỏa thượng thủy hạ, tả mộc hữu kim, tả chủ thăng hữu chủ giáng, mà quyền lực thăng giáng đó lại nằm ở trung khí, thăng dựa vào tỳ tả tuyền (xoay tròn), giáng dùng vị hữu chuyển. Trung khí vượng thì tỳ thăng vị giáng, mộc hỏa kim thủy cũng được luân chuyển (lên xuống). Trung khí suy thì tỳ uất vị nghịch tức là mộc hỏa kim thủy đều mất đi sự vận hành vốn có.
Sự vận động của khí là có quy luật (tức là thăng giáng xuất nhập), chỉ có trong trạng thái bình hành hiệp điều tương đối mới có thể phát huy tác dụng duy trì hoạt động sống của nó. “Khí cơ điều sướng (thông)” là sự miêu tả về trạng thái sinh lý bình hành của vận động khí. Khi sự vận động của khí mất đi sự bình hành đó thì hoạt động sống sẽ dị thường và là trạng thái bệnh lý, tức là “Khí cơ thất điều”. Do hình thức vận động của khí rất đa dạng nên biểu hiện “Khí cơ thất điều” cũng rất phức tạp. Ví dụ: Sự vận động của khí gặp trở ngại không thông thì gọi là “Khí cơ bất sướng (thông)”. Sự vận động đó gặp trở ngại nhiều nên một bộ phận nào đó phát sinh ứ trệ không thông thì gọi là “Khí trệ” sự thăng thái quá của khí gọi là “Khí nghịch”. Hạ giáng bất cập lại gọi là “Bất giáng”. Thượng thăng bất cập hoặc hạ giáng thái quá gọi là “Khí hãm” khí ngoại xuất quá nhiều gọi là “Khí thoát”. Xuất nhập bất cập mà kết cục là kết tụ ở trong gọi là „Khí kết”, “Khí uất” thậm chí còn gọi là “Khí bế”.
Vận động thất điều của khí biểu hiện trên tạng phủ thường gặp là phế thất tuyên giáng, tỳ khí hạ hãm, vị khí thượng nghịch, thận khí bất nạp, can khí uất kết…
2.6 Tác dụng thúc đẩy của khí
Khí có tác dụng thúc đẩy và kích phát. Khí tuy là vật chất nhỏ bé nhưng hoạt lực của nó rất mạnh, nó có thể kích phát và thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục và thúc đẩy chức năng sinh lý các tạng phủ kinh lạc và các tổ chức cơ quan trong cơ thể. Nó có thể thúc đẩy quá trình sinh ra huyết, vận hành huyết và sự sinh ra phân bố, bài tiết của tân dịch. Ví dụ: Nguyên khí có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục, thúc đẩy và kích phát hoạt động sinh lý của các tạng phủ. Khí hành tắc huyết hành, khí hành tắc thủy hành, do đó sự vận hành huyết dịch, chuyển hóa thủy dịch đều phải dựa vào khí thúc đẩy.
Khi tác dụng này giảm, yếu sẽ ảnh hưởng tới phát triển phát dục hoặc xuất hiện hiện tượng già (suy yếu) sớm, cũng có thể làm cho chức năng sinh lý tạng phủ kinh lạc giảm mà xuất hiện hiện tượng thiếu huyết, thiếu tân dịch, vận hành chậm, phân bố bài tiết gặp trở ngại…
2.6 Tác dụng làm ấm của khí
Đây là chỉ về tác dụng dương khí khí hóa sinh nhiệt, làm ấm áp cơ thể. Thân nhiệt cần phải có khí để duy trì nhiệt độ. Các tạng phủ kinh lạc cũng cần có tác dụng làm ấm của khí mới tiến hành các chức năng sinh lý. Huyết khi được làm ấm mới tuần hoàn tốt. Khí làm ấm cơ thể vẫn là dương khí, dương khí khí hóa sinh nhiệt. Do đó dương khí càng nhiều thì sinh nhiệt càng nhiều. Dương khí bất túc, sản nhiệt sẽ ít do đó có cấu “Khí hữu dư tiện hóa hỏa” “Khí bất túc tiện hóa hàn”. Hà Mộng Giao đời nhà Thanh có nói trong Y Biện khí như sau “Dương khí giả, ôn noãn chi khí dã”.
2.7 Tác dụng phòng bệnh của khí
Khí có tác dụng bảo hộ da thịt, kháng lại tà khí. Sự phòng ngự của khí một mặt có thể đề kháng chống cự với ngoại tà xâm nhập, một mặt lại có tác dụng khứ (đuổi) tà ra ngoài cơ thể. Do đó khi tác dụng phòng ngự của khí ở trạng thái bình thường thì tà khí khó xâm nhập, hoặc tuy có xâm nhập cũng khó phát bệnh mà nếu phát bệnh cũng dễ chữa. Khi chức năng phòng ngự yếu kém thì năng lực đề kháng ngoại tà sẽ giảm, sẽ dễ mắc bệnh và bệnh cũng khó chữa. Chức năng này của khí có quan hệ chặt chẽ với sự phát sinh bệnh, chuyển qui, dự hậu.
2.8 Tác dụng cố nhiếp của khí
Khí có tác dụng khống chế thống nhiếp, cố hộ thể dịch trong cơ thể. Cố nhiếp được biểu hiện ở ba mặt sau:
- Cố nhiếp huyết dịch, phòng ngừa huyết chảy ra khỏi mạch máu, bảo đảm sự vận hành của huyết trong lòng mạch.
- Cố nhiếp hạn (mồ hôi) dịch, niệu dịch, nước miếng, dịch vị, dịch ruột… khống chế lượng bài tiết, lượng thải ra, phòng ngừa sự mất thể dịch (nước).
- Cố nhiếp tinh dịch, phòng ngừa vong tiết tinh dịch.
Khi cố nhiếp suy yếu dẫn đến mất nước nhiều trong cơ thể, ví dụ: Khí bất nhiếp huyết dẫn đến các kiểu xuất huyết. Khí bất nhiếp tân (dịch) xuất hiện tự hạn, đa niệu hoặc bí tiểu, chảy nước dãi, nôn ói nước trong, tiêu chảy hoạt thoát. Khí bất cố tinh xuất hiện di tinh, hoạt tinh, tảo tiết. Khí hư suy sẽ xảy ra xung nhâm mạch bất cố và xuất hiện sinh non, hoặc hư thai.
Tác dụng cố nhiếp và thúc đẩy của khí là hai mặt có tác dụng hỗ trợ nhau. Khí thúc đẩy huyết dịch vận hành và phân bố bài tiết tân dịch, mặt khác khí lại cố nhiếp thể dịch trong cơ thể phòng ngừa sự mất đi vô cớ, hai tác dụng này hiệp đồng điều tiết, khống chế thể dịch làm nó vận hành bình thường. Đây là khâu trọng yếu trong quá trình duy trì tuần hoàn huyết và chuyển hóa thủy dịch được diễn ra bình thường.
2.9 Tác dụng khí hóa của khí
Ở đây chỉ về thông qua sự vận động của khí mà sản sinh ra nhiều loại biến hóa. Tức là tinh khí, huyết, tân dịch mỗi thứ đều tự thân chuyển hóa và tương hỗ chuyển hóa. Trên thực tế quá trình khí hóa chính là quá trình chuyển hóa (trao đổi chất) là quá trình vật chất chuyển hóa và năng lượng chuyển hóa.
Khí là vật chất cơ bản duy trì hoạt động sống, khí luôn được đặt trong tình trạng không ngừng tự đổi mới và tự mình phục chế trong quá trình chuyển hóa. Kiểu vận động biến hóa này của khí và những năng lượng chuyển hóa phát sinh trong quá trình đó gọi là “Khí hóa”. Sự vận động khí hóa ở con người là vĩnh hằng, nó tồn tại từ đầu đến cuối cuộc đời.
Nếu vì lý do nào đó sự khí hóa của khí thất thường sẽ ảnh hưởng cả quá trình chuyển hóa vật chất. Ví dụ ảnh hưởng đến tiêu hóa hấp thu thức ăn ảnh hưởng đến sự sinh ra của khí huyết tân dịch, ảnh hưởng đến bài tiết mồ hôi, nước tiểu và phân và sẽ xuất hiện bệnh lý.
2.10 Tác dụng dinh dưỡng
Chủ yếu chỉ về tác dụng vận hóa đồ ăn của tỳ vị mà sinh hóa thành thủy cốc tinh khí. Loại khí này kết hợp với tân dịch mà thành huyết dịch chảy trong mạch quản đi khắp toàn thân và có tác dụng nuôi dưỡng chúng do đó còn được gọi là “Dinh khí”. Khí này (dinh) ngưng kết lại để hình thành tạng phủ, kinh lạc, các cơ quan, hình thể, cũng có thể bị tiêu hao mà sản sinh ra năng lượng (động lực) mà hoạt động sống của cơ thể cần.
2.11 Phân loại khí
Khí của cơ thể từ góc độ chỉnh thể mà nói thì được sinh ra từ sự kết hợp tinh khí trong thận, thủy cốc tinh khí từ tỳ vị, khí trời từ phế. Nó được phân bố mọi nơi, mọi chỗ. Do thành phần cấu thành khác nhau, vị trí phân bố khác nhau và đặc điểm chức năng khác nhau nên có tên gọi khác nhau.
Nguyên khí
Nguyên khí là gì? Là chỉ về loại khí tối quan trọng tối cơ bản có nguồn gốc từ thận, bao gồm nguyên âm và nguyên dương.
Sự sinh thành và phân bố: Nguyên khí do thận tinh hóa sinh dựa vào tam tiêu tuần hoàn châu thân.
* Sinh thành: Nguyên khí có nguồn gốc từ thận, là thận khí do thận tinh hóa sinh ra, thống nhất gọi là thận trung tinh khí (tinh khí trong thận) tinh khí trong thận tuy dựa vào tiên thiên tinh khí là cơ sở nhưng lại nhờ hậu thiên thủy cốc chi khí bồi bổ nuôi dưỡng (bồi dục). Bởi vậy nên nguyên khí sung túc tất nhiên tỳ vị cũng khỏe mạnh và có thể tư dưỡng lại nguyên khí. Nếu vị khí nhược suy, tý vị khí cũng tổn thương thì nguyên khí cũng không sung túc.
* Phân bố: Nguyên khí phát tại thận thông qua tuần hoàn tam tiêu mà đi khắp toàn thân, vào trong tới ngũ tạng lục phủ ra ngoài tới cơ phu tấu lý không nơi nào là không đến. Trong quá trình tuần hoàn, kinh qua các tạng phủ kinh lạc và tổ chức bên ngoài để phát huy chức năng sinh lý của nó.
* Tác dụng chủ yếu: Thúc đẩy sinh trưởng phát dục, kích phát và điều tiết các chức năng sinh lý tạng phủ kinh lạc, cơ quan.
Quy luật sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ của tự nhiên có sự tương quan mật thiết với sự thịnh suy của thận tinh. Bắt đầu từ nhỏ (nhũ nhi) thận tinh dần dần sung thịnh biểu hiện mọc răng, thay răng, tóc dài. Đến thời thanh tráng niên thận tinh thêm một bước nữa được sung thịnh, cơ thể phát dục đến kỳ tráng thịnh, mọc răng khôn, cơ thể rắn chắc, gân cốt mạnh mẽ và có khả năng sinh sản. Đến lúc già thận tinh suy thoái, hình thể cũng theo đó mà dần suy lão, vận động không linh hoạt, răng tóc rụng bạc, chức năng sinh sản cũng mất. Qua đó có thể thấy thận tinh quyết định sinh trưởng phát dục của cơ thể. Nếu thận tinh suy khuy ảnh hưởng đến phát triển và phát dục mà biểu hiện gặp trở ngại trong sinh trưởng phát dục và sức khỏe sinh sản, gân cốt yếu mềm, già trước tuổi.
Nguyên khí có thể thúc đẩy, điều tiết hoạt động sinh lý tạng phủ kinh lạc và các tổ chức cơ quan. Mệnh môn (thường cho rằng là thận) là nguồn căn của nguyên khí là nơi trú ngụ của thủy hỏa. Trong nguyên khí hàm chứa thủy hỏa mệnh môn, do đó âm khí ngũ tạng nếu không có nó (nguyên khí) thì không thể tư dưỡng. Dương khí ngũ tạng nếu không có nó cũng không thể phát. Hỏa mệnh môn đến ngũ tạng sẽ phát huy dương khí ngũ tạng thúc đẩy làm ấm áp tạng phủ. Mệnh môn chi thủy đến ngũ tạng sẽ tư âm khí ngũ tạng làm cho chức năng tư nhuận, ninh tịnh của tạng phủ được tăng cường. Nguyên khí chứa mệnh môn thủy hỏa, khi thủy hỏa âm dương quân bình thì chức năng khí hóa sẽ sung hòa, hàn nhiệt thích ứng. Chức năng tạng phủ ở trong trạng thái khỏe mạnh, âm bình dương mật. Nếu âm dương trong nguyên khí mất thăng bằng sẽ xuất hiện bệnh.
Tông khí
Hàm ý (định nghĩa): Tông khí là do kết hợp thanh khí do phế hít vô và thủy cốc tinh khí do tỳ vị hóa sinh mà ra, tông khí tập tụ ở trong ngực nên gọi là tông khí. Nơi tụ kết tông khí trong ngực gọi là “Thượng khí hải” tức là huyệt đản trung.
Sinh thành (sự sinh ra) và phân bố: Sự sinh ra tông khí quan hệ tới phế tỳ, tập trung ở ngực, đi vào tâm mạch.
* Sinh ra: Là sự kết hợp khí trời tự nhiên và thủy cốc tinh vi. Thức ăn qua quá trình thu nạp, nhào luyện mà thành thủy cốc tinh khí, nhờ tỳ khí thăng thanh mà chuyển tới phế kết hợp với thanh khí do phế hít vào mà thành. Phế và tỳ vị có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tông khí cho nên chức năng hô hấp của phế và chức năng vận hóa tỳ vị quyết định sự thịnh suy của tông khí.
* Phân bố: Tập trung ở ngực, đi vào tâm phế, đi lên phế đến hầu họng, đi xuống đến đan điền (hạ khí hải) và đi vào khí nhai (nơi gặp) của túc dương minh kinh (tương đương với rãnh bẹn) mà đi xuống chân. Nhánh đi vào tâm vào mạch, tác dụng thúc đẩy sự vận hành của huyết khí.
* Chức năng tông khí: Chủ yếu gồm ba phần:
– Đi vào đường thở (tức đạo) chủ hô hấp, do đó khi tiếng nói, thanh âm hô hấp mạnh yếu đều quan hệ tới thịnh suy của tông khí.
– Tới tâm mạch hành khí huyết: Tông khí đi lên tâm mạch giúp tâm tuần hoàn huyết dịch do đó sự vận hành khí huyết quan hệ tới tông khí thịnh suy.
– Có quan hệ tương ứng với thị giác, thính lực, ngôn ngữ, hành động.
Dinh khí
Hàm ý: Là thứ khí vận hành trong mạch, có tác dụng dinh dưỡng. Dinh khí đi trong mạch hóa sinh huyết nên dinh khí và huyết không thể tách phân nhau vì vậy ta thường nói “Dinh huyết”. Nếu so sánh tương đối giữa dinh khí và vệ khí thì dinh đi trong mạch, vệ đi ngoài mạch, ở ngoài thì thuộc dương, ở trong thuộc âm nên còn có tên gọi “dinh âm”.
Sinh thành (sự sinh ra)và phân bố: Dinh khí vẫn là thủy cốc tinh khí và vận hành trong mạch.
* Sinh ra: Như đã nói dinh khí chính là thủy cốc tinh khí.
* Phân bố: Thông qua 12 kinh mạch và nhâm đốc mạch mà tuần hoàn châu thân xuyên tới ngũ tạng, lạc lục phủ.
Tuần hành 12 kinh. Dinh khí đi ra ở trung tiêu (tỳ vị), đầu tiên đi đến thủ thái âm phế kinh, đến thủ dương minh đại trường lại chuyển đến túc dương minh vị, túc thái âm tỳ, thủ thiếu âm tâm, thủ thái dương tiểu trường, túc thái dương bàng quang, túc thiếu dương thận, thủ quyết âm tâm bào, thủ thiếu dương tam tiêu, túc thiếu dương đởm, túc quyết âm can và lại về thủ thái âm phế. Đây là vòng tuần hoàn của dinh khí.
Đốc nhâm tuần hoàn: Khi tuần hoàn 12 kinh thì có một nhánh từ can đi ra, đi lên trán đỉnh đầu xuống giữa lưng dọc cột sống xuống tới xương cụt. Mạch này có lạc nối với nhâm mạch thành một vòng tuần hoàn.
Công năng chủ yếu
- Hóa sinh huyết dịch.
- Dinh dưỡng toàn thân.
Vệ khí
Hàm ý: Vệ là bảo vệ. Vệ khí đi ngoài mạch, cũng có nguồn gốc từ thủy cốc tinh vi.
Sinh thành và phân bố:
* Vệ khí giống dinh khí đều do thủy cốc tinh vi hóa sinh ra.
* Phân bố: Vệ khí vận hành ngoài mạch.
Nói về đường tuần hành của vệ khí thì từ sau nhà Hán đến nay thì cách giải thích không giống nhau. Đại để có ba cách giải thích:
- Dinh vệ tương tùy, dinh và vệ khí cùng đồng hành, âm dương tương tùy như Nạn kinh tam thập nạn, nói: Dinh đi trong mạch, vệ đi ngoài mạch cùng nhau đi trong châu thân không ngưng nghỉ.
- Vệ khí ban ngày đi ở phần dương, ban đêm phần âm trong điều kiện bình thường thì ban ngày chạy phía ngoài lục phủ (ngoài mạch) đủ 25 vòng, ban đêm theo ngũ tạng đi đủ 25 vòng. Mỗi ngày bắt đầu từ mờ sáng, khi mở mắt (thức giấc) thì vệ khí đi từ góc trong mắt lên đầu, xuống thủ tam kinh dương đến đầu ngoài cùng bàn tay chân và lại theo đường kinh âm về tới mắt là tính một vòng. Ban ngày đi 25 vòng. Từ đêm tới sáng hôm sau bắt đầu xuất phát từ thận cũng giống vậy tới thận, tâm phế can tỳ, ngũ tạng lại vòng về thận cũng đủ 25 vòng.
- Phân tán toàn thân: Ngoài hai cách phân bố trên thì một bộ phận phân tán đến toàn thân. Ngoài thì tới dưới da, cân cốt. Trong tới ngực, bụng, tạng phủ, manh mạc.
Chức năng chủ yếu
- Tác dụng ôn dưỡng: Bình thường thân nhiệt hằng định là một trong những điều kiện duy trì hoạt động sinh lý bình thường. Sự duy trì thân nhiệt dựa vào vệ khí nên cuốn “Độc y tùy bút – Khí huyết tinh thần luận” có nói: “Vệ khí giả, nhiệt khí dã, cơ nhục chi sở dĩ năng ôn, thủy cốc chi sở năng hóa giả, vệ khí chi công dụng dã”.
- Điều tiết: Vệ khí tư hạn khổng (lỗ chân lông) khai hợp. Điều tiết mồ hôi để duy trì thân nhiệt, điều hòa khí huyết từ đó duy trì bình hành âm dương trong cơ thể và bên ngoài.
- Phòng ngự: Là tấm bình phong vì vệ khí ôn dưỡng cơ phu tấu lý, chủ hạn khổng khai hợp, từ đó làm da nhu nhuận, cơ nhục rắn chắc, tấu lý chí mật. Nội kinh có nói vệ khí ban ngày đi phần dương, đêm đi phần âm, thực tế là chỉ khi thức tỉnh vệ khí nằm ở ngoài thể biểu. Khi ngủ thì vệ khí lại phân bố ở ngũ tạng nên khi ngủ vệ khí sẽ rất thưa, mỏng, năng lực kháng cự ngoại tà giảm dễ bệnh. Khi vệ khí bất túc chức năng phòng ngự bảo vệ giảm, dễ bị tà khí xâm nhập gây bệnh hoặc bệnh khó khỏi, dễ ra mồ hôi, thân nhiệt giảm.
Tóm lược
Khí của tạng phủ và kinh lạc Cơ thể ngoài nguyên khí, tông khí, dinh khí và vệ khí ra còn có khí tạng phủ và khí kinh lạc. Hai thứ khí này có được sau khi khí của cơ thể hình thành các cơ quan tạng phủ và kinh lạc sẽ tàng trữ ngay trong bản thân tạng phủ kinh lạc và biến thành khí tạng phủ kinh lạc. Do phương thức vận động và thành phần cấu thành chủ yếu của chúng khác nhau nên các kết cấu đó (tạng phủ kinh lạc) và chức năng của chúng cũng khác nhau .
Khí tạng phủ kinh lạc là chất chủ yếu cấu thành chúng và cũng để duy trì hoạt động sinh lý của chúng. Khí tạng phủ và kinh lạc cũng giống như các loại khí khác của cơ thể, nghĩa là cũng có nguồn gốc từ phế hấp nhập thanh khí, tỳ vị hóa sinh thủy cốc tinh khí và tinh khí trong thận. Tinh khí thận hóa sinh ra nguyên khí phân bố đều đến ngũ tạng và trở thành “Chân tinh” ngũ tạng, do đó khi hóa sinh khí của bản thân chúng cũng chia ra âm khí và dương khí. Âm khí (ngũ tạng chi âm khí) tác dụng thúc đẩy quá trình sinh ra tân dịch và huyết dịch, tư nhuận. Dương khí (ngũ tạng chi dương khí) thúc đẩy tốc độ sản sinh ra khí và chuyển hóa thúc đẩy ngũ tạng hoạt động, hưng phấn và làm ấm áp. Tóm lại, khí tạng phủ có nguồn gốc hậu thiên, là nguồn năng lượng cung cho các hoạt động tạng phủ.
YHCT dựa vào việc lấy (cho) cơ thể là một quá trình vận động của hành vi nên chủ yếu từ các quan hệ chức năng của các tạng phủ kinh lạc trong cơ thể để giải thích kết cấu bên trong. Bản chất của vấn đề tức là những nghiên cứu về động thái chức năng của cơ thể. Do đó trong sinh lý học (YHCT) ý nghĩa của khí của tạng phủ kinh lạc không nằm ở chỗ giải thích về thành phần cấu tạo chúng, vật chất thực thể là gì? Mà là giải thích về khí của tạng phủ kinh lạc có chức năng sinh lý cụ thể gì? Phương thức vận động ra sao trong hoạt động sống. Chính vì lẽ đó trong bệnh lý học mới có hiện tượng hư thực của khí tạng phủ kinh lạc, ở đây không phải chỉ về hình thái, khí chất của nó tổn thương ra sao mà là chỉ về sự dị thường của chức năng sinh lý của chúng. Khí tạng phủ kinh lạc mà hài hòa, thăng giáng xuất nhập bình thường thì cơ thể khỏe mạnh. ———————–
3. Huyết
Huyết là chất lỏng màu đỏ chảy trong mạch, tuần hoàn đến mọi chỗ trong cơ thể. Huyết có tác dụng dinh dưỡng và tư nhuận và là một trong những vật chất cơ bản cấu thành cơ thể và duy trì hoạt động sống. Mạch là đường để huyết dịch vận hành còn gọi là “Huyết phủ”.
3.1 Vật chất chủ yếu hóa sinh ra huyết
Chính là thủy cốc tinh vi, nên “Linh khu – Quyết khí” nói: “Trung tiêu thụ khí thủ trấp, biến hóa nhi xích, thị vị huyết”. Khí mà nhận được (thụ khí) ở đây chủ yếu chỉ về khí tinh của thức ăn tức là dinh khí. Trấp ở đây là chỉ về tân dịch. Cả hai đều là thủy cốc tinh vi mà đi vào trong mạch biến hóa thành dịch màu đỏ tức là huyết. Do thủy cốc tinh vi do tỳ vị hóa sinh mà có nên có câu tỳ vị là nguồn gốc sinh ra khí huyết (khí huyết sinh hóa chi nguyên). Chức năng vận hóa tỳ vị cường hoặc nhược sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự hóa sinh huyết dịch.
3.2. Quan hệ tạng phủ và sự sinh huyết
Tỳ vị – Vốn là hậu thiên chi bản và nguồn gốc sinh khí huyết nên ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thành khí huyết. Nếu trung tiêu tỳ vị hư nhược, hóa nguyên bất túc thường dẫn đến huyết hư.
Tâm – Tâm chủ huyết mạch, một mặt có tác dụng hành huyết và đưa dinh dưỡng đến toàn thân, tạng phủ, duy trì hoạt động sống, đồng thời cũng thúc đẩy sinh huyết. Mặt khác, thủy cốc tinh vi thông qua tác dụng vận chuyển thượng thanh của tỳ đưa lên tâm phế. Ở phế sau khi thổ cố nạp tân (trao đổi cũ mới) lại đưa về tâm mạch mà hóa thành huyết. Do vậy “Lữ Tiên Đường loại biện” có nói: “Huyết nãi trung tiêu chi trấp, lưu dật vu trung dĩ vi tinh, phụng tâm hòa xích vi huyết” (huyết vẫn là nước của trung tiêu chảy đầy trong mạch mà thành tinh, nhờ tâm biến huyết màu đỏ). Tâm có tham gia vào quá trình hình thành huyết nên lại có câu “Tâm chủ huyết”.
Can – “Tố vấn – Lục tiết tàng tượng luận” có nói: Can chủ về cân nhưng cũng sinh ra huyết. Ở đây lý giải là can thuộc mộc trong ngũ hành, ứng với mùa xuân sinh phát. Can khí giúp tỳ và tâm sinh huyết.
Thận – Có hai tác dụng trong quá trình tàng và sinh huyết.
- Tinh khí của thận sinh ra nguyên khí, thúc đẩy tỳ vị hóa sinh thủy cốc tinh vi và nhờ tâm biến thành huyết.
- Thận tàng tinh, tinh và huyết có thể hỗ hóa (biến hóa cho nhau) tức là huyết có thể dưỡng tinh, tinh có thể hóa huyết, do đó có câu “Tinh huyết đồng nguyên”.
3.3 Phương thức tuần hoàn huyết dịch
Mạch vi huyết vi phủ, mạch là một hệ thống liên hoàn tương đối kín, huyết dịch vận hành trong mạch không ngừng đến mọi nơi trong cơ thể để dinh dưỡng trên dưới trong ngoài. Dinh khí và tân dịch kết hợp thành huyết. Dinh khí vận hành tuần tự trong 14 kinh được đa số y gia xưa công nhận cũng là đường vận hành của huyết
3.4 Sự tuần hành của huyết và quan hệ với tạng phủ
Sự tuần hoàn bình thường phải cụ bị đủ ba điều kiện:
- Huyết dịch đầy đủ (xung doanh):.
- Hệ mạch quản hoàn chỉnh và thông suốt.
- Các tạng phủ phát huy đầy đủ chức năng sinh lý của nó. Đặc biệt là tâm, phế, can, tỳ có quan hệ rất mật thiết.
* Tâm chủ huyết mạch: Tâm là động lực chính của sự tuần hoàn huyết, mạch là thông đạo của tuần hoàn huyết. Dưới sự thúc đẩy của tâm khí huyết sẽ chảy trong mạch đi khắp nơi. Tạng tâm, mạch quản và huyết dịch cấu tạo thành một hệ tương đối độc lập. Sức đẩy của tâm khí có bình thường hoặc không sẽ là quyết định quan trọng trong tuần hoàn huyết.
* Phế triều bách mạch: Sự tuần hoàn huyết dựa vào khí thúc đẩy, thăng giáng mà đi khắp châu thân. Phế lại chủ nhất thân chi khí (khí của toàn thân) tư hô hấp, điều tiết khí cơ toàn thân,hỗ trợ tâm tạng thúc đẩy và điều tiết vận hành khí huyết.
* Tỳ chủ thống huyết: Huyết của lục phủ ngũ tạng dựa hoàn toàn vào sự thống nhiếp của tỳ. Tỳ khí vượng thì tác dụng cố nhiếp của khí cũng kiện toàn, huyết không chảy ra ngoài mạch.
* Can chủ tàng huyết: Can có tác dụng trữ tàng và điều tiết huyết dịch. Căn cứ vào hoàn cảnh động tính khác nhau mà điều tiết lượng huyết trong mạch, duy trì một lượng huyết hằng định trong mạch. Ngoài ra chức năng sơ tiết của can có thể điều sướng (thông) khí cơ làm huyết vận hành thông suốt. Đồng thời can tàng huyết cũng có tác dụng đề phòng sự thiếu hụt huyết (thất huyết).
3.5 Nhu dưỡng tư nhuận toàn thân tạng phủ cơ quan
Huyết thịnh tắc hình thịnh (hình là hình thể) huyết bại tắc hình nuy.
Vật chất cơ bản cần trong hoạt động tinh thần (thần trí) Tác dụng này của huyết có được là do người xưa qua một lượng lớn quan sát lâm sàng mà rút ra. Bất luận do nguyên nhân nào mà gây ra huyết hư hoặc vận hành thất thường đều có xuất hiện những triệu chứng tinh thần với những mức độ khác nhau. Tâm huyết hư, can huyết hư thường hay kinh quí (sợ hãi, giật mình) mất ngủ, mơ nhiều… những biểu hiện bất an thất huyết (mất máu) nhiều xuất hiện bực bội phiền táo, hoảng hốt, hôn mê… “Linh khu – Dinh vệ sinh hội” nói: “Huyết giả, thần khí dã”. ———————————
3.6 Bệnh lý
– Huyết hư
- Nguyên nhân: mất ngủ quá nhiều, hoặc sinh huyết không đủ như dinh dưỡng kém, công năng hấp thu của tỳ vị yếu, thận tinh hao hư không thể sinh tủy hóa huyết được….
- Lâm sàng: sắc mặt ám vàng, móng chân tay trắng nhợt, không tươi, hoa mắt chóng mặt, nhìn vật mờ, mệt mỏi, tê chân tay, phụ nữ thống kinh, bế kinh hoặc kinh nhạt màu, số lượng giảm, mạch vi nhược vô lực, chất lưỡi nhạt, rêu trắng.
– Huyết ứ - Nguyên nhân: huyết dịch vận hành không thông, hoặc huyết dịch trệ tắc ở kinh mạch- tạng phủ- tổ chức, hoặc huyết rời khỏi kinh mạch nhưng không thoát ra ngoài
- Lâm sàng: đau lâu ngày, đau dữ dội, đau cố định, tại chỗ ám tím hoặc nổi hòn khối, sắc mặt ám tối, phụ nữ thống kinh- bế kinh- đau bụng kinh, môi tím, móng chân tay tím, chất lưỡi ám tím hoặc có ban ứ huyết.
– Xuất huyết: huyết không vận chuyển trong kinh mạch mà thoát ra ngoài. - Nguyên nhân là do ngoại thương, hỏa nhiệt, âm hư hỏa vượng bức huyết vong hanh, khí hư không nhiếp huyết, can uất không tàng huyết, huyết ứ nội trệ làm huyết không quy kinh, tình chí hóa hỏa làm huyết theo khí mà thượng nghịch lên trên…
- Lâm sàng: chóng mặt, nôn, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết ở bụng ngực, xuất huyết ở tứ chi…
4. Tân dịch
4.1 Khái niệm
Là tên gọi chung tất cả thủy dịch bình thường trong cơ thể. Bao gồm thể dịch nội tại trong tạng phủ, tổ chức và dịch bài tiết bình thường, ví dụ: dịch vị, dịch ruột, nước mắt mũi, nước bọt… Trong cơ thể ngoại trừ huyết ra còn lại mọi chất lỏng bình thường đều thuộc tân dịch.
Tân dịch có tác dụng tư nhuận nhu dưỡng, đồng thời tân dịch có thể tải khí, khí của toàn thân dựa vào tân dịch để vận tải khắp nơi. Tân dịch cũng là một trong những chất cơ bản tạo huyết dịch, có quan hệ rất khăng khít với sinh thành và vận hành của huyết. Do vậy tân dịch không chỉ là chất cơ bản cấu thành cơ thể mà còn là chất duy trì hoạt động sống.
Tân và dịch tuy cùng thuộc là thủy dịch nhưng tính trạng, chức năng và vị trí phân bố có những khác biết nhất định. Thông thường thì tính chất trong loãng, lưu động dễ, chủ yếu phân bố ở thể biểu, bì phu, cơ nhục, hạn khổng (lỗ chân lông), đồng thời thấm vào huyết mạch, có tác dụng tư nhuận là tân. Tính trạng đậm đặc ít lưu động, phân bố ở khớp, tạng phủ, não, tủy có tác dụng nhu nhuận là dịch. Tân dịch có nguồn gốc từ ẩm thực thủy cốc đều dựa vào tỳ vị vận hóa mà thành.. Hai cái thường bổ sung tương hỗ nhau trong quá trình vận hành, chuyển hóa nên trong bệnh lý cũng thường ảnh hưởng nhau. Thường thì không cần phân biệt một cách tỷ mỷ bệnh lý. Chỉ trong những bệnh lý biến hóa “Thương tân” “Thoát dịch” mới cần biện chứng luận trị, phân biệt rõ.
4.2 Sự hình thành của tân dịch
Đây là một quá trình sinh lý phức tạp có sự tham gia của nhiều tạng phủ. Do vậy “Tố vấn chương kinh mạch biệt luận” có nói: “Ẩm nhập vu vị, du dật tinh khí, thượng thâu vu tỳ, tỳ khí tán tinh, thượng qui vu phế, thông điều thủy đạo, hạ thâu (đi xuống) bàng quang, thủy tinh tứ bố, ngũ kinh tịnh hành” đó là quá trình chuyển hóa (đơn giản) của tân dịch (đồ ăn uống vào vị thành tinh khí nhờ tỳ đưa lên phế phân bố khắp đi xuống bàng quang, phân bố khắp nơi…)
Tân dịch có nguồn gốc từ ẩm thực thủy cốc, thông qua tỳ vị, tiểu trường, đại trường hấp thu thủy phần và dinh dưỡng mà thành. Quá trình cụ thể như sau:
* Tỳ vị vận hóa: Vị chủ thu nạp và làm chín thức ăn (hủ thục), nhờ tinh khí dư lại (du dật) mà hấp thu một phần tinh vi (dưỡng chất) trong thủy cốc. Tỳ chủ vận hóa, nhờ tỳ khí thăng thanh mang cốc khí (chất bổ trong đồ ăn) và tân dịch mà vị trường đã hấp thu lên trên phế, sau đó phân bố toàn thân.
* Tiểu trường chủ dịch: Tiểu trường tách biệt thanh trọc, hấp thu đại bộ phận chất bổ và nước trong đồ ăn, đưa lên tỳ và phân bố toàn thân, đồng thời đem những sản phẩm thủy dịch sau chuyển hóa xuống thận bàng quang, những chất bã cặn xuống đại trường.
* Đại trường chủ tân: Đại trường tiếp thu cặn bã đồ ăn và một phần thủy dịch từ tiểu trường xuống hấp thu lại một phần nước và làm khuôn cặn bã tống ra ngoài. Đại trường thông qua chức năng chủ tân nên có tham gia vào quá trình sinh ra tân dịch. Vị tiểu trường, đại trường hấp thu thủy cốc tinh vi (tân dịch) cũng đưa lên tỳ thông qua tác dụng “Tỳ khí tán tinh” mà phân bố khắp toàn thân.
4.3 Phân bố tân dịch
Sự phân bố này chủ yếu dựa vào tỳ phế, thận, can, tam tiêu cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ này.
* Tỳ khí tán tinh: Tỳ chủ vận hóa thủy cốc tinh vi, thông qua tác dụng chuyển vận một mặt đem tân dịch lên phế, do phế tuyên phát túc giáng, đem tân dịch phân bố toàn thân và tưới nhuần tạng phủ, hình thể và các khiếu. Một mặt có thể trực tiếp phân tán tới toàn thân.
* Phế chủ hành thủy: Phế chủ hành (vận hành) thủy, thông điều thủy đạo, được coi là thượng nguồn của thủy. Sau khi tiếp thu tân dịch do tỳ chuyển tới một mặt thông qua tác dụng tuyên phát phân bố tân dịch lên phía trên và phía ngoài (thể biểu), mặt khác thông qua tác dụng túc giáng đem tân dịch xuống thận và bàng quang và các bộ phận phía dưới cùng với hình thể.
* Thận chủ tân dịch: “Tố vấn – Nghịch điều luận” có nói: “Thận giả thủy tạng, chủ tân dịch”. Thận giữ vai trò chủ đạo trong việc phân bố tân dịch, chủ yếu biểu hiện ở hai mặt:
Ø Tác dụng chưng đằng khí hóa tinh khí trong thận là động lực thúc đẩy quá trình “Du dật tinh khí” trong vị, “Tán tinh” của tỳ, “Thông điều thủy đạo” của phế và “Phân tách thanh trọc” của tiểu trường.
Ø Dưới tác dụng khí hóa của thận, tân dịch do phế chuyển xuống thì phần thanh sẽ được chưng đằng thông qua tam tiêu lại chuyển ngược lên phế để phân bố toàn thân, phần trọc hóa thành niệu dịch chuyển xuống bàng quang.
* Can chủ sơ tiết: Làm cho khí cơ thông suốt, tam tiêu khí trị, khí hành tắc tân hành thúc đẩy sự phân bố châu thân của tân dịch.
* Tam tiêu quyết độc: (độc = rãnh nhỏ) tam tiêu là “Quyết độc chi quan” (quyết là chủ trì) nói lên tam tiêu là thông đạo chuyển vận tân dịch trong cơ thể.
4.4 Sự bài tiết tân dịch
Sự bài tiết cũng giống như sự phân bố, chủ yếu cũng dựa phế, tỳ, thận kết hợp. Đường bài tiết cụ thể gồm:
* Hạn (mồ hôi), hô hấp: Phế khí tuyên phát đem tân dịch phân bố ở bên ngoài thể biểu bì mao, bị dương khí chưng đằng mà thành mồ hôi bài tiết từ lỗ chân lông (hạn khổng). Phế chủ hô hấp khi thở ra cũng đem theo một phần tân dịch (thủy phần).
* Niệu: Nước tiểu là sản phẩm cuối cùng của sự chuyển hóa tân dịch. Sự hình thành nước tiểu tuy có sự liên kết giữa phế, tỳ, thận nhưng đặc biệt thận giữ phần quan trọng nhất. Sự kết hợp tác dụng khí hóa của thận và bàng quang sẽ cùng làm ra nước tiểu và tống ra ngoài cơ thể. Thận là khâu then chốt giữ thăng bằng trong quá trình chuyển hóa tân dịch. Do vậy có câu: Thủy vi âm, kỳ bản tại thận.
* Phân: Đại trường bài tiết
4.5 Công năng của tân dịch
* Tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng
Tân dịch chứa nhiều chất dinh dưỡng, nó là vật chất thuộc thể dịch có tác dụng nhu dưỡng. Thường thì tân trong và lỏng nên tác dụng tư nhuận (tư nhuận là bôi trơn) tương đối rõ. Dịch hơi đặc nên tác dụng dinh dưỡng hơi rõ. Tân dịch phân tán ở cơ biểu sẽ tư dưỡng bì phu (da lông). Khi chảy về các khổng (lỗ) khiếu tác dụng tư dưỡng bảo hộ mắt (mục), mũi, miệng. Lưu hành vào tạng phủ có tác dụng tư dưỡng nội tạng. Thấm vào cốt tủy sẽ sung dưỡng cốt tủy, não tủy, vào khớp nhuận hoạt khớp.
* Hóa sinh huyết dịch
Tân dịch thấm nhập huyết mạch qua các khổng lạc và trở thành một thành tố quan trọng trong việc hình thành huyết dịch.
* Điều tiết bình hành âm dương của cơ thể
Sự chuyển hóa tân dịch của cơ thể có tác dụng quan trọng trong việc giữ thăng bằng âm dương. Tân dịch thường tùy theo tình trạng sinh lý trong cơ thể và những biến đổi môi trường mà biến đổi nhằm mục đích điều tiết thăng bằng âm dương.
* Bài tiết sản phẩm của quá trình chuyển hóa
Mồ hôi, nước tiểu, phân là những sản vật sau cùng của chuyển hóa tân dịch sẽ được tống ra ngoài.
* Vận tải khí toàn thân
Tân dịch là một trong những thành phần có tác dụng chuyển tải khí vì: khí của cơ thể phụ thuộc vào tân dịch để tồn tại, vận động và biến hóa. Do đó khi đổ mồ hôi nhiều, nôn ói, tiêu chảy… sẽ làm mất đi lượng tân dịch lớn và khí có thể sẽ theo đó mà thoát, tức là khí tùy dịch thoát. Do đó có câu: “Đại hạn vong dương, thổ hạ chi dư, định vô nguyên khí” là vậy. —————————-
4.6 Bệnh lý
a. Thương tân và thương âm
– Tân dịch bất túc mức độ nhẹ gọi là thương tân, mất độ nặng gọi là thương âm.
– Nguyên nhân
- Thu nhiếp bất túc hoặc do tỳ vị hóa sinh hấp thu trở ngại
- Ra mồ hôi nhiều, nôn nhiều, đại tiện lỏng nát, xuất huyết nhiều.
- Sốt cao, trúng thử, âm hư nội nhiệt
– Biểu hiện lâm sàng: miệng khát, họng khô, môi táo, da lông khô, đại tiện bí, tiểu tiện ít, lưỡi khô ít tân, mạch vi sác vô lực…
Thương âm còn có thể thấy chất lưỡi hồng giáng, khô.
b. Thủy thũng
– Thủy thũng là do tân dịch không vận chuyển và bài tiết được, làm cho thủy thấp tụ lại bên trong gây nên. Nguyên nhân là do phế mất tuyên giáng, không thể thông điều thủy đạo được, tỳ mất kiện vận, thủy thấp đình lưu, thận dương khí hóa bất lợi, nước tiểu giảm, thủy thấp lan tràn .
– Lâm sàng: mặt – tứ chi phù thũng, hoặc tích nước trong ổ bụng.
5. Thần
Thần là gì? Có bốn loại hàm ý:
a/ Biểu hiện của sự vận động biến hóa của vật chất trong tự nhiên và quy luật nội tại của nó. “Tố vấn – Thiên nguyên kỷ đại luận” có nói “Vật sinh vị chi hóa, vật cực vị chi biến, âm dương bấc trắc vị chi thần” (vật được sinh ra gọi là hóa, vật phát triển lớn lên gọi là biến, cái sự âm dương biến hóa khôn lường đó gọi là thần). Tuân Huống trong “Tuân tử – Thiên luận” có nói: Vạn vật được sinh ra bởi sự kết hợp hài hòa (không nhìn được), phát triển trưởng thành nhờ sự nuôi dưỡng (không thấy được), vậy những sự vật đó chỉ được cảm nhận thông qua sự hiện hữu thấy được. Những hình thức không thấy được (hóa, dưỡng) gọi là thần. Cuốn “Hoài nam tử – Thái huấn thiên” có nói: “Kỳ sinh vật dã, mạc kiến kỳ sở dưỡng nhi vật trưởng, kỳ sát vật dã, mục kiến kỳ sở ai nhi vật vong, thử chi vị thần minh” (sinh vật sống, không nhìn thấy sự dưỡng nuôi mà vật phát triển, sinh vật chết không nhìn thấy sự bị thương mà chết, những thứ không thấy được gọi là thần minh). Những chữ thần đã đề cập là chỉ về sự vận động biến hóa thần kỳ, ảo diệu trong tự nhiên và chỉ về quy luật nội tại của sự vật.
b/ Cơ quan quyền lực cao nhất, chủ tể về hoạt động sống trong con người. “Tố vấn – Linh lan bí điển luận” có đề cập tạng tâm là tạng chủ soái là nơi xuất nhập của thần minh. Hay “Tố vấn – Tuyên minh ngũ khí luận” có nói: tâm tàng thần… tâm chủ về hoạt động tâm sinh lý của con người.
c/ Những biểu hiện ngoại tại về sức sống (hoạt động sống) trong con người. Đắc thần tắc sống thất thần tắc chết. Trong chẩn đoán học hay dùng chữ thần khí để chỉ về biểu hiện bên ngoài.
d/ Những hoạt động tư duy, ý thức tinh thần của con người. Trong bốn hàm ý trên thì ba cái sau có quan hệ rất khắng khít với trung y học.
Những nhà dưỡng sinh từ trước tới nay đều rất coi trọng Tinh, Khí, Thần đã gọi nó là “Tam bảo” của con người đồng thời đã sáng lập học thuyết Tinh, Khí, Thần.
Trong học thuyết Tinh, Khí, Thần có đề cập tới tinh là chủ yếu chỉ về tinh được tàng trong thận. Thứ tinh này được bẩm thụ từ cha mẹ (tiên thiên), đồng thời nhờ vào tinh khí hậu thiên tư dưỡng mà xung mãn. Thận tinh hóa sinh (sinh ra) nguyên khí vận hành khắp nơi, thúc đẩy sự sinh trưởng phát dục và duy trì nòi giống, đồng thời nó cũng có chức năng thúc đẩy, điều tiết hoạt động sinh lý, là nguồn gốc động lực của hoạt động sống. Đồng thời trong quá trình sinh sản nòi giống, hai thứ tinh nam và nữ giao hợp mới sản sinh ra một cơ thể sống mới. Do đó thứ tinh này rất quan trọng đối với mỗi cá nhân và nòi giống vì vậy cần phải quí trọng nó.
Khí được đề cập trong học thuyết này là chỉ về thứ khí mà được tạo ra bởi thận tinh kết hợp với thủy cốc tinh khí và thanh khí trong tự nhiên, cả ba cùng tạo nên tinh khí trong con người và là động lực duy trì hoạt động sống.
Thần trong học thuyết này là nói về hàm ý thứ hai và tư (ở trên) trong đó chủ yếu là hàm ý hai vì khái niệm thứ tư cũng có bao gồm cả khái niệm thứ hai, do đó thần là chủ tể của tất cả các hoạt động sống.
Thần là do tinh khí hóa sinh mà thành. Sau khi thần được hình thành bắt buộc phải dựa vào sự tư dưỡng của tinh khí mới có thể tiến hành các hoạt động bình thường. Do đó có thể nói tinh khí sinh thần, tinh khí dưỡng thần, thần lại có tác dụng thống ngự tinh khí. Trương Giới Tân trong “Loại kinh” có nói: Tuy thần do tinh khí sinh ra nhưng thần lại là chủ tướng thống ngự tinh khí.
6. Quan hệ giữa khí huyết tân dịch
Khí huyết tân dịch của cơ thể đều có những đặc điểm và chức năng khác nhau. Khí huyết tân dịch là chất cơ bản cấu thành cơ thể và duy trì hoạt động sống. Tất cả chúng đều dựa vào sự bổ sung không ngừng thủy cốc tinh vi do tỳ vị hóa sinh. Dưới sự chỉ đạo (chủ trì) của hoạt động chức năng các tạng phủ, cơ quan và thần, giữa chúng có sự thẩm thấu tương hỗ, tương hỗ xúc tiến (thúc đẩy), tương hỗ chuyển hóa. Trên mặt chức năng sinh lý chúng lại tồn tại quan hệ tương hỗ y tồn (cùng tồn tại), tương hỗ chế ước và tương hỗ vi dụng.
6.1 Quan hệ giữa khí và huyết
Khí thuộc dương, chủ về động, chủ về ôn húc (ấm áp): Huyết thuộc âm, chủ về tịnh, chủ nhu nhuận. Đây là sự khác biệt về thuộc tính và chức năng của chúng. Nhưng cả hai đều có nguồn gốc từ thủy cốc tinh vi do tỳ vị hóa sinh và tinh khí trong thận. Trên phương diện sinh thành, phân bố (vận hành) có quan hệ mật thiết. Do vậy khí và huyết không thể tách rời nhau như âm dương hỗ căn, đây cũng là lẽ tự nhiên vậy. Kiểu quan hệ đó có thể khái quát là: “Khí vi huyết chi soái” “Huyết vi khí chi mẫu”.
Quan hệ khí đối với huyết
Khí vi huyết soái có ba ý: khí năng sinh huyết, khí năng hành huyết, khí năng nhiếp huyết. 1.1.1. Khí năng sinh huyết
– Thứ nhất là chỉ sự khí hóa chính là động lực sinh ra huyết. Từ lúc nhiếp nhập đồ ăn chuyển hóa thành thủy cốc tinh vi, từ thủy cốc tinh vi chuyển hóa thành dinh khí và tân dịch, từ dinh khí và tân dịch chuyển hóa thành huyết dịch màu đỏ… mọi quá trình tầng nấc chuyển hóa trên không thể thiếu sự khí hóa. Mà khí hóa lại được biểu hiện thông qua hoạt động chức năng tạng phủ. Tức là khi chức năng hoạt động tạng phủ vượng thịnh thì chức năng hóa sinh huyết dịch cũng mạnh, năng lực khí hóa giảm yếu thì chức năng tạng phủ cũng suy thoái và chức năng sinh huyết dịch cũng kém.
– Thứ hai chỉ về khí là nguyên liệu sản xuất ra huyết dịch. Ở đây chủ yếu chỉ về dinh khí. Do đó khí vượng tắc huyết sung, khí hư tắc huyết thiểu. Trên lâm sàng gặp trường hợp cần điều trị huyết hư ta nên phối hợp thêm thuốc bổ khí vì bổ khí là bổ huyết.
Khí năng hành huyết
Chỉ về tác dụng thúc đẩy của khí là động lực cho sự tuần hoàn huyết dịch. Khí một mặt có thể trực tiếp thúc đẩy huyết hành, ví dụ tông khí. Mặt khác lại có tác dụng thúc đẩy hoạt động chức năng tạng phủ, thông qua hoạt động chức năng đó sẽ thúc đẩy huyết dịch vận hành. Sự vận động bình thường của khí có ý nghĩa rất quan trọng trong sự bảo đảm sự vận hành của huyết. Do vậy khi điều trị huyết hành thất thường ta thường dùng phương pháp điều khí là chính yếu, điều huyết là thứ yếu, ví dụ khí hư không thể hành huyết biểu hiện sắc mặt nhợt nhạt, khi bổ khí hành huyết sắc mặt sẽ tươi lại. Khí trệ huyết ứ, phụ nữ bế kinh điều trị hành khí hoạt huyết thì kinh sẽ thông. Tóm lại, khí hành tắc huyết hành, khí chỉ tắc huyết chỉ.
Khí năng nhiếp huyết
Tức là khí có tác dụng thống nhiếp huyết, làm cho huyết tuần hoàn bình thường trong lòng mạch. Khí nhiếp huyết trên thực tế là tác dụng tỳ thống huyết. Nếu tỳ hư không thống nhiếp huyết thì huyết sẽ vô sở chủ sẽ thoát hãm lộng hành (thoát khỏi sự kìm hãm mà chảy lung tung, xuất huyết). Khí bất nhiếp huyết sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh về huyết nhất thiết phải dùng phương pháp bổ khí nhiếp huyết mới có thể đạt được mục đích cầm máu. Ví dụ lâm sàng gặp trường hợp huyết thoát nguy kịch phải dùng đại tễ Độc sâm thang bổ khí nhiếp huyết, khi khí sung huyết sẽ chỉ (ngừng chảy).
6.2 Quan hệ huyết đối với khí
Tức là quan hệ “Huyết vi khí mẫu”, đây là chỉ sự sinh thành và vận động của khí không thể tách rời huyết, vì:
– Thứ nhất, huyết năng sinh khí. Khí tồn huyết trung (khí tồn tại trong huyết), huyết không ngừng cung cấp thuỷ cốc tinh vi giúp sự sinh thành và hoạt động chức năng của khí. Thủy cốc tinh vi là chất cơ bản để sinh ra và duy trì hoạt động sinh lý của tạng phủ kinh lạc. Mà thủy cốc tinh vi lại nhờ vào huyết để vận chuyển không ngừng để nuôi dưỡng tạng phủ. Từ đó mới có thể làm cho sự sinh thành và vận hành của khí bình thường. Vì vậy huyết thịnh thì khí vượng, huyết hư khí thiểu.
– Thứ hai, huyết có thể tải khí, khí tồn trong huyết nhờ huyết vận chuyển toàn thân. Huyết vi khí chi thủ (coi giữ) khí tất phải nhờ dựa vào huyết để tịnh mật (yên lặng). Nếu huyết không tải khí thì khí sẽ dễ lưu tán, không có chổ để qui tụ. Lâm sàng mỗi khi thất xuất huyết nhiều thường có xuất hiện khí tùy (theo) huyết tán.
6.3 Quan hệ giữa khí và tân dịch
Khí thuộc dương, tân dịch thuộc âm. Tuy thuộc tính khác nhau nhưng cả hai cùng có nguồn gốc từ tỳ vị vận hóa thủy cốc tinh vi. Quá trình hình thành và phân bố của chúng có quan hệ khăng khít. Trên bệnh lý thì khi khí bệnh sẽ dẫn đến thủy bệnh và ngược lại. Bởi vậy trong điều trị trị khí có thể trị thủy và ngược lại.
Quan hệ khí đối với tân dịch biểu hiện: Khí có thể sinh tân, hành tân, nhiếp tân.
* Khí có thể sinh tân
Khí là vật chất và động lực sinh tân dịch, tân dịch có nguồn gốc từ thủy cốc tinh khí mà thủy cốc tinh khí nhờ tỳ vị vận hóa mà có. Khí thúc đẩy và kích phát hoạt động chức năng của tỳ vị làm cho trung tiêu chi khí vượng thịnh, vận hóa bình thường thì tân dịch mới sung túc. Bởi vậy sự sinh ra tân dịch không thể tách rời tác dụng của khí.
* Khí có thể hành (vận hành) tân
Ở đây chỉ về sự vận động biến hóa của khí là động lực cần thiết cho sự phân bố và bài tiết tân dịch. Thăng giáng xuất nhập của khí tác động đến tạng phủ mà tỳ, phế, thận can thăng giáng xuất nhập sẽ hoàn thành quá trình phân bố, bài tiết tân dịch. Do đó “Khí hành thủy diệc hành”. Khi sự vận động của khí không bình thường thì quá trình phân bố bài tiết cũng bị trở ngại. Do khí suy, khí trệ sẽ gây ra tân dịch đình trệ đây là hiện tượng khí bất hành thủy, đây là căn cứ lý luận hành khí và hành thủy thường dùng trên lâm sàng.
* Khí năng nhiếp tân
Tác dụng cố nhiếp của khí sẽ khống chế tân dịch bài tiết. Tác dụng đó cũng sẽ khống chế và duy trì một lượng tân dịch nhất định trong cơ thể. Nếu tác dụng cố nhiếp giảm thì mồ hôi sẽ nhiều, tiểu nhiều, đái dầm… Trên lâm sàng cần chú ý bổ khí trong những trường hợp này.
6.4 Quan hệ tân dịch đối với khí
Thủy cốc sinh tân dịch thông qua tỳ khí thăng thanh tán tinh đưa lên phế, kinh qua tác dụng tuyên giáng thông điều thủy đạo, đưa xuống bàng quang và thận. Dưới tác dụng chưng đằng của khí nguyên dương mà hóa thành khí, tán bố tạng phủ. Phát huy tác dụng tư dưỡng để duy trì hoạt động bình thường của tạng phủ cơ quan. Ngoài ra tân dịch là một trong những chất tải vận khí, khí dựa vào tân dịch mà tồn tại nếu không sẽ tứ tán bất định và không chỗ qui tụ. Do đó khi tân dịch bị tổn thất mất mát tất dẫn đến khí cũng hao tổn. Ví dụ thương thử hao tân tổn dịch ngoài miệng khát muốn uống nước ra thì khí cũng ngoại tiết theo tân dịch mà gây ra khí bất túc hụt hơi, lười nói chuyện, tay chân uể oải.
6.5 Quan hệ huyết đối với tân dịch
Huyết dịch ngấm ra ngoài mạch sẽ hóa thành tân dịch có tác dụng nhu nhuận. Khi huyết dịch bất túc sẽ dẫn đến bệnh của tân dịch, như huyết ứ kết không thể thấm ra ngoài mạch để tạo tân dịch dưỡng da cơ… sẽ xuất hiện da khô, và khi mất máu nhiều tân dịch ngoài mạch thấm ngược vào mạch để bổ sung lượng huyết thiếu nên xuất hiện miệng khát, tiểu ít, da khô… Do vậy có câu rằng “Đoạt huyết giả vô hạn” (mất máu sẽ không mồ hôi) “Nục gia bất khả phát hạn” “Vong huyết gia bất khả phát hạn”.
6.6 Quan hệ tân dịch đối với huyết
Cả hai cùng nguồn gốc và tân dịch không ngừng thấm vào khổng lạc (những lỗ nhỏ trên lạc mạch) để thành huyết, do đó có thuyết cho rằng “Tân huyết đồng nguyên”. Mồ hôi do tân dịch hóa ra, nếu ra mồ hôi nhiều sẽ tổn hao tân dịch, tân hao huyết thiểu do đó cũng có câu “Huyết hạn đồng nguyên”. —————————-
Tóm lại: Tinh có thể hóa khí, khí có thể hóa tinh, tinh khí hỗ hóa; tinh khí sinh thần, tinh khí dưỡng thần, mà thần ngược lại thống ngự tinh và khí. Do đó ba thứ tinh khí thần tuy có thể phân ra nhưng không thể tách biệt (khả phân bất khả ly).
Học thuyết Tinh, Khí, Thần đặc biệt coi trọng tác dụng của thần như cuốn “Dưỡng sinh tam yếu – Tồn thần” có nêu: “Tụ sinh tại vu dưỡng khí, dưỡng khí tại vu tồn thần, thần chi vu khí, do mẫu chi vu tử dã. Cố thần ngưng tắc khí tụ, thần tán tắc khí tiêu, nhược bảo tích (tiếc) tinh khí bất tri tồn thần, thị nhi kỳ hóa nhi vọng căn hề” (tinh tích tụ lại mới dưỡng được khí, dưỡng khí mới tồn thần được, quan hệ thần và khí giống như mẹ và con, do đó thần ngưng thì khí mới tụ…). Qua đó cho thấy: thần là chủ tể cai quản tinh khí và tất cả những hoạt động sống của cơ thể.
Tên | Chức năng | Nguồn gốc |
Tinh | Cơ sở vật chất cho sự sống và họạt động | Tiên thiên, hậu thiên Tàng trữ ở thận |
Khí | Duy trì sự sống Thúc đẩy khí huyết kinh lạc, tạng phủ họat động Tác dụng riêng nơi trú ngụ 4 loại khí: Nguyên, tông, dinh, vệ khí | Tiên thiên, hậu thiên |
Huyết | Nuôi dưỡng cơ thể | Chất tinh vi thủy cốc Dinh khí Tinh ở thận Liên quan tỳ, phế thận |
Tân dịch | Nuôi dưỡng cơ thể Tạo huyết dịch, bổ sung nước Bổ sung tinh tủy, nhuận khớp | Tỳ vị vận hóa Tam tiêu khí hóa |
Thần | Họat động tinh thần Biểu hiện bên ngoài của tinh, khí , huyết, tân dịch, tình trạng bệnh | Tinh khí huyết nuôi dưỡng |
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm: