Bát cương gồm: Âm, dương, biểu, lý, hàn nhiệt, hư, thực, là một trong những cơ sở lý luận của biện chứng luận trị. Phần 2 này xin giới thiệu cương lĩnh hàn nhiệt.
Mục Lục
Hàn nhiệt
Là hai cương lĩnh dùng để biện biệt tính chất của bệnh. Hàn chứng và nhiệt chứng là biểu hiện âm dương của cơ thể thiên thịnh hoặc thiên suy. Âm thịnh hoặc dương suy có biểu hiện là hàn chứng, dương thịnh hoặc âm hư biểu hiện là nhiệt chứng. “Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” nói: “Dương thắng tắc nhiệt, âm thắng tắc hàn”, “Tố Vấn – Điều kinh luận” lại nói: “Dương hư tắc ngoại hàn, âm hư tắc nội nhiệt”, những điều đó đều nói lên khi thăng bằng âm dương trong cơ thể mất quân bình sẽ phát sinh bệnh. Trương Cảnh Nhạc cho rằng: “Hàn nhiệt nãi âm dương chi hoá dã” (bệnh chứng hàn nhiệt đều do từ âm dương biến hoá mà ra).
Biện chứng hàn nhiệt không thể đơn độc dựa vào triệu chứng cá biệt để phán đoán mà phải thông qua tứ chẩn để khái quát các loại triệu chứng mà bản thân bệnh phản ánh tương ứng, nói một cách cụ thể là nhiệt chứng là chỉ về một nhóm các triệu chứng có tính chất nhiệt (nhiệt tượng), hàn chứng là chỉ về một nhóm các triệu chứng có tính chất hàn. Ví dụ biểu hàn chứng có sốt, ố hàn nặng, miệng lạt không khát, rêu lưỡi trắng mỏng nhuận, mạch phù khẩn, đây là nhóm triệu chứng hàn chứng, cho nên phải chẩn đoán là biểu hàn chứng. Biểu nhiệt chứng bao gồm ố hàn, sốt (nặng hơn), miệng hơi khát, lưỡi đỏ ở đầu và hai rìa lưỡi, mạch phù sác… nhóm các triệu chứng nhiệt chứng nên phải chẩn đoán là biểu nhiệt chứng. Cần chú ý: ố hàn và sốt ở đây khác với hàn chứng và nhiệt chứng.
Biện chứng hàn nhiệt rất có ý nghĩa điều trị trên lâm sàng. “Tố vấn – Chí chân yếu đại luận” có nói: “Hàn giả nhiệt chi, nhiệt giả hàn chi” có nghĩa là hàn chúng phải dùng phương tễ có tính chất nhiệt để điều trị và ngược lại, hai chứng có phương pháp trị hoàn toàn khác nhau.
1. Hàn chứng
Là do cảm thụ hàn tà hoặc âm thịnh dương suy mà biểu hiện một số triệu chứng đặc trưng. Đa số do ngoại cảm âm hàn tà khí, hoặc do nội thương lâu ngày gây ra dương khí hao tổn, hoặc do ăn uống đồ sống lạnh hàn gây ra âm hàn nội thịnh. Hàn chứng bao gồm biểu hàn, lý hàn, hư hàn, thực hàn…
Biểu hiện lâm sàng: Các loại hàn chứng có biểu hiện lâm sàng hoàn toàn không giống nhau nhưng thường gặp nhất là: Ố hàn, thích ấm, sắc mặt trắng nhợt, tay chân lạnh co ro, miệng lạt không khát, đàm dãi nước mũi trong loãng, tiểu trong dài, đại tiện phân lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng mà nhuận hoạt, mạch trì hoặc khẩn…
Phân tích triệu chứng: Do dương khí bất túc hoặc ngoại tà tổn thương, dương khí không thể phát huy tác dụng ôn húc cơ thể nên xuất hiện hình hàn chi lãnh, co ro thích nằm, sắc mặt trắng nhợt. Âm hàn nội thịnh tân dịch không bị tổn thương nên miệng lạt không khát nước. Dương hư không thể ôn hóa thủy dịch dẫn đến đàm dãi nước mũi trong loãng. Do hàn tà thương tỳ hoặc tỳ dương suy lâu ngày dẫn đến vận hóa thất chức nên tiêu phân lỏng. Dương hư bất hoá, nên hàn thấp nội sinh biểu hiện rêu lưỡi trắng mà nhuận hoạt. Dương khí suy nhược không đủ sức cổ động khí huyết vận hành nên mạch trì. Hàn chủ thu dẫn nên khi cảm hàn mạch đạo sẽ co thắt gây ra mạch khẩn.
2. Nhiệt chứng
Là cảm thụ nhiệt tà hoặc dương thịnh âm suy biểu hiện một loạt triệu chứng gia tăng các hoạt động chức năng. Đa số do ngoại cảm hoả nhiệt tà, hoặc hàn tà hoá nhiệt nhập lý, hoặc do thất tình quá kích động uất mà hóa nhiệt, hoặc do ẩm thực không tiết chế điều độ, tích súc thành nhiệt, hoặc do phòng thất lao thương cướp đoạt âm tinh gây ra hiện tượng âm hư dương kháng. Nhiệt chứng bao gồm: Biểu nhiệt, lý nhiệt, hư nhiệt, thực nhiệt.
Biểu hiện lâm sàng: Các loại nhiệt chứng biểu hiện không hoàn toàn giống nhau nhưng thường gặp nhất là: Ố nhiệt, thích mát, miệng khát thích uống lạnh, mặt mắt đỏ, phiền thao không yên, đàm, nước mũi vàng đặc, thổ huyết, nục huyết, tiểu ngắn đỏ, đại tiện khô táo, lưỡi đỏ rêu vàng mà khô táo, mạch sác…
Phân tích triệu chứng: Dương nhiệt thiên thịnh nên ố nhiệt thích mát. Đại nhiệt thương âm, tân dịch hao tổn nên tiểu ngắn đỏ. Vì tân thương nên cơ thể cần bù đắp nước nên miệng khát thích uống lạnh. Hoả tính thượng viêm nên mặt mắt đỏ. Nhiệt nhiễu tâm thần nên phiền thao không yên. Tân dịch bị dương nhiệt chưng áo nên đàm, nước mũi vàng đặc. Hỏa nhiệt chi tà tổn thương (chước thương) huyết lạc nên nôn ra máu, máu cam. Trường nhiệt nên tân khô truyền đạo thất chức nên đại tiện tất phải khô táo kết. Lưỡi đỏ rêu vàng là nhiệt chứng, lưỡi khô ít tân là thương âm. Dương nhiệt kháng thịnh gia tăng tốc độ huyết hành nên mạch sác.
3. Điểm phân biệt chủ yếu hàn chứng và nhiệt chứng
Khi biện biệt hàn chứng và nhiệt chứng không thể chỉ đơn độc dựa vào một vài triệu chứng để phán đoán mà nên tiến hành tổng hợp quan sát toàn bộ biểu hiện của bệnh, đặc biệt là sự hỷ ố (thích ghét) hàn nhiệt, miệng khát hay không, sắc mặt trắng hay đỏ, tứ chi lạnh ấm, nhị tiện ra sao, lưỡi, mạch tượng… đều rất quan trọng. “Y học tâm ngộ – Hàn nhiệt hư thực biểu lý âm dương biện” có nói: “ Nhất bệnh chi hàn nhiệt, toàn tại khẩu khát dữ bất khát; Khát nhi tiêu thủy dữ bất tiêu thủy; Ẩm thực hỷ nhiệt dữ hỷ lãnh; Phiền thao dữ quyết nghịch; Nịch (tiểu) chi trường đoản xích bạch; Tiện chi đường kết; Mạch chi trì sác dĩ phân chi. Giả như khẩu khát nhi năng tiêu thủy, hỷ lãnh ẩm thực, phiền thao, nịch đoản xích, tiện kết mạch sác, thử nhiệt dã. Giả như khẩu bất khát hoặc giả khát nhi bất năng tiêu thủy (uống), hỷ ẩm nhiệt thang, thủ túc quyết lãnh, nịch thanh trường, tiện đường, mạch trì, thử hàn dã”.
4. Quan hệ giữa hàn chứng và nhiệt chứng
Hàn chứng và nhiệt chứng tuy có khác biệt về bản chất âm dương thịnh suy nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ tương hỗ, chúng có thể đồng thời xuất hiện trên một bệnh nhân biểu hiện là hàn nhiệt thác tạp, và lại có thể trong một điều kiện nhất định chúng sẽ chuyển hóa tương hỗ mà xuất hiện hàn chứng hóa nhiệt, nhiệt chứng hóa hàn. Trong quá trình phát triển của bệnh đặc biệt trong giai đoạn nguy cấp còn xuất hiện hiện tượng giả.
4.1 Hàn nhiệt thác tạp
Gồm thượng hàn hạ nhiệt, thượng nhiệt hạ hàn, biểu hàn lý nhiệt, biểu nhiệt lý hàn
Thượng nhiệt hạ hàn
Trong cùng một khoảng thời gian bệnh nhân có biểu hiện nhiệt (nóng) ở phần trên, dưới biểu hiện hàn. Ví dụ trường hợp phiền nhiệt trong ngực, buồn ói liên tục, đây là thượng nhiệt chứng, lại xuất hiện đau bụng thích chườm ấm, đại tiện lỏng… đây là hạ hàn trường hợp này thuộc hàn nhiệt thác tạp.
Thượng hàn hạ nhiệt
Cũng trong một khoảng thời gian bệnh nhân có biểu hiện phần trên hàn, phần dưới nhiệt. Ví dụ đau lạnh vị quản, nôn nước trong đồng thời lại có tiểu gắt rắt đau, tiểu ngắn đỏ, đây là chứng hàn tại vị quản nhiệt tại bàng quang. “Cảnh Nhạc toàn thư – Truyền trung lục” viết: “Hàn tại thượng giả, vị thôn (nôn) toan, vi cách ế (nghẹn), vi ẩm thực bất hoá, vi ái hủ (ợ hơi hôi) trường uế. Nhiệt tại hạ giả vi yêu túc thũng thống, vi nhị tiện bí sáp, hoặc nhiệt thống di tinh, hoặc tiểu đỏ”.
Thượng nhiệt hạ hàn, thượng hàn hạ nhiệt nguyên nhân đa số do hàn nhiệt thác tạp, cơ chế là khí âm dương không tương trợ hiệp điều, hoặc do âm thịnh ở trên, dương thịnh ở dưới, hoặc dương thịnh ở trên âm thịnh ở dưới gây ra.
Biểu hàn lý nhiệt
Hàn lãnh tại biểu, nhiệt tại lý là một loại biểu hiện của biểu lý hàn nhiệt thác tạp. Thường gặp ở người vốn sẵn có nội nhiệt lại cảm ngoại cảm phong hàn, hoặc ngoại tà truyền lý hóa nhiệt trong khi biểu hàn chưa giải hết. Ví dụ hàn, sốt, không mồ hôi, đau đầu mình, khí suyễn, phiền thao, miệng khát, mạch phù khẩn, đây là triệu chứng của hàn tại biểu nhiệt tại lý.
Biểu nhiệt lý hàn
Đây cũng là một kiểu biểu hiện của biểu lý hàn nhiệt thác tạp. Đa số gặp người vốn có lý hàn mà lại cảm phong nhiệt, hoặc biểu nhiệt chứng chưa giảm mà ngộ hạ dẫn đến tổn thương dương khí tỳ vị. Ví dụ người sẵn có tỳ vị hư hàn lại cảm phong nhiệt biểu hiện sốt đau đầu, ho, đau họng… biểu nhiệt chứng, nhưng lại còn thấy đại tiện phân lỏng, tiểu trong, tứ chi không ấm… lý hàn chứng.
Hàn và nhiệt xuất hiện cùng một lượt ngoài việc cần phải phân biệt rõ biểu lý trên dưới, kinh lạc tạng phủ ra còn cần phân rõ hàn nhiệt cái nào nhiều ít và tiêu bản cái nào trước cái nào sau, cái nào chính. Sự phân biệt này rất quan trọng trong quyết định dùng thuốc chuẩn xác.
4.2. Hàn nhiệt chuyển hoá
Hàn chứng chuyển hoá thành nhiệt chứng
Bệnh vốn dĩ là hàn chứng sau đó xuất hiện nhiệt chứng, khi nhiệt chứng xuất hiện thì hàn chứng mất. Đa phần do điều trị không thỏa đáng, uống quá nhiều thuốc ôn táo, hoặc do thất trị hàn tà không được ôn tán kịp thời mà dương khí cơ thể thiên thịnh, hàn tà tùng (theo) dương hoá nhiệt gây ra. Ví dụ bệnh mới khởi phát xuất hiện ố hàn tương đối nặng (rõ), sốt nhẹ, rêu trắng mỏng nhuận, mạch phù khẩn – biểu hàn chứng, nhưng do ngộ trị, thất trị mà xuất hiện sốt cao (tráng nhiệt), không ố hàn mà lại ố nhiệt, miệng khát, tâm phiền, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác – lý nhiệt chứng. Đây là do hàn chứng đã chuyển hoá thành nhiệt chứng
Nhiệt chứng chuyển hoá thành hàn chứng
Bệnh bản chất (vốn) là nhiệt chứng sau đó xuất hiện hàn chứng và khi hàn chứng xuất hiện thì triệu chứng nhiệt chứng mất đi. Đây cũng là do ngộ trị hoặc thất trị tổn thương dương khí mà dẫn đến hiện tượng này, hoặc do tà khí quá thịnh làm hao tổn chính khí, chính không thắng tà, chức năng cả cơ thể suy thoái, bại hoại gây ra. Loại chuyển hoá này có thể đột biến như ở bệnh nhân sốt cao sau khi ra nhiều mồ hôi, dương tùng hạn thoát, hoặc do thổ hạ quá độ, dương tùy tân thoát mà xuất hiện nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, tứ chi lạnh toát, sắc mặt nhợt nhạt, mạch nhỏ (vi) muốn tuyệt – hư hàn chứng (dương vong). Cũng có thể bệnh tình phát triển từ từ kéo dài không khỏi mà dần chuyển biến thành, ví dụ nhiệt lỵ lâu ngày chữa không dứt điểm chuyển hoá thành hàn lỵ, đây là chứng hầu của nhiệt chứng chuyển hoá thành hàn chứng.
Hàn nhiệt chứng tương hỗ chuyển hoá phản ánh tình hình tà chính thịnh suy. Từ hàn chứng thành nhiệt chứng chứng tỏ chính khí cơ thể vẫn còn thịnh, hàn tà uất mà hoá nhiệt. Nhiệt chứng chuyển hoá thành hàn chứng đa số do tà thịnh chính suy, chính bất thắng tà.
4.3. Hàn nhiệt chân giả
Khi bệnh phát triển đến giai đoạn hàn cực hoặc nhiệt cực thì có lúc xuất hiện một số triệu chứng giả (giả tượng) ngược với bản chất bệnh như “Hàn cực tự (như) nhiệt, nhiệt cực tự hàn” hay nói cách khác là chân hàn giả nhiệt, chân nhiệt giả hàn. Những hiện tượng này gặp ở trường hợp bệnh ở giai đoạn tồn vong sinh tử do đó cần phải xem xét kỹ vì rất dễ chẩn đoán nhầm.
Chân hàn giả nhiệt
Bên trong là chân hàn bên ngoài biểu hiện là giả nhiệt. Cơ chế sản sinh hiện tượng này là do âm hàn nội thịnh, cách (đẩy) dương ra ngoài, âm dương hàn nhiệt cách cự mà có, hay cón gọi là “âm thịnh cách dương”. Biểu hiện lâm sàng sốt, mặt đỏ rực, miệng khát, mạch đại (lớn) giống như thuộc nhiệt chứng, nhưng sốt mà lại lạnh, muốn mặc thêm áo, miệng khát nhưng lại thích uống nước ấm mà uống cũng không nhiều, mạch to mà vô lực, đồng thời tứ chi quyết lãnh, tiêu chảy phân sống (hạ lợi thanh cốc), tiểu trong dài, lưỡi nhạt rêu trắng… đây là một loạt triệu chứng của hàn chứng.
Chân nhiệt giả hàn
Bên trong là chân nhiệt bên ngoài biểu hiện giả hàn. Cơ chế sản sinh hiện tượng này là do dương nhiệt nội thịnh cách âm ra ngoài hay còn gọi “Dương thịnh cách âm”. Nội nhiệt càng nhiều thì tay chân lạnh càng dữ “Nhiệt thâm quyết diệc thâm”. Biểu hiện lâm sàng tứ chi nghịch lạnh, mạch trầm giống như hàn chứng nhưng chi lạnh mà sốt, không ố hàn mà ngược lại ố nhiệt, mạch trầm sác hữu lực, kèm theo phiền khát thích uống nước lạnh, họng khô miệng hôi, chiêm ngữ, tiểu ngắn đỏ, đại tiện táo kết hoặc nhiệt lỵ nặng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng mà khô… tay chân nghịch lạnh, mạch trầm trong trường hợp này hiện tượng là giả hàn mà nội nhiệt mới là bản chất của bệnh.
Biện biệt hiện tượng hàn nhiệt chân giả ngoài việc cần thiết phải tìm hiểu toàn bộ quá trình bệnh ra thì cần phải chú ý quan sát 2 mặt dưới đây:
Xuất hiện hiện tượng giả đa số ở tứ chi, sắc mặt, da. Nhưng biểu hiện nội tại của tạng phủ khí huyết tân dịch là phản ánh bản chất bệnh. Nên khi biện chứng nên lấy lý chứng, lưỡi mạch làm căn cứ điều trị.
Hiện tượng giả tất nhiên sẽ khác hiện tượng chân, như mặt đỏ của giả nhiệt là do bản chất là trắng nhợt nhưng ở hai lưỡng quyền sẽ hơi hồng, kiều nộn lúc ẩn lúc hiện. Còn chân nhiệt thì cả mặt đỏ rực. Giả hàn thường biểu hiện tứ chi quyết lãnh mà vùng ngực bụng sờ rất nóng, hoặc toàn thân hàn lạnh nhưng lại không muốn mặc áo đắp mền, chân hàn thì co ro chi muốn mặc thêm áo cho ấm.
Khi nói về hàn nhiệt chân giả tiền nhân có rất nhiều kinh nghiệm phong phú như “Cảnh nhạc toàn thư – Truyền trung lục” có nêu ra phương pháp dùng nước lạnh thử, niếu là giả nhiệt thì không thích uống hoặc muốn uống nhưng sẽ nôn ngay sau khi uống, giả hàn sẽ rất thích uống nước…
5. Quan hệ hàn nhiệt và biểu lý
Hàn chứng và nhiệt chứng có quan hệ tương hỗ với biểu lý để hình thành nhiều loại chứng hầu, ngoài biểu hàn lý nhiệt, biểu nhiệt lý hàn như đã nói ở trên còn có biểu hàn, biểu nhiệt, lý hàn, lý nhiệt…
5.1. Biểu hàn chứng
Là chứng hầu được biểu hiện khi hàn tà xâm nhập cơ biểu
Biểu hiện lâm sàng: Ố hàn nặng, sốt nhẹ, đầu mình đau mỏi, không mồ hôi, rêu trắng mỏng nhuận, mạch phù khẩn
Phân tích triệu chứng: Hàn tà tập biểu vệ dương tổn thương không thể ôn húc cơ biểu nên ố hàn nặng nhưng sốt nhẹ. Hàn tà ngưng trệ kinh mạch, kinh khí lưu thông không tốt nên đau đầu mình. Hàn tà thu liễm, cơ tấu bế tắc nên không ra mồ hôi, mạch phù khẩn cũng là hiện tượng hàn tà túc biểu.
5.2. Biểu nhiệt chứng
Do ôn bệnh tà xâm phạm cơ biểu gây ra một số chứng hầu
Biểu hiện lâm sàng: Sốt hơi ố phong hàn, đau đầu miệng khô hơi khát nước, có mồ hôi, lưỡi đỏ đầu lưỡi và hai rìa lưỡi, mạch phù sác.
Phân tích triệu chứng: Nhiệt tà phạm biểu, vệ khí bị uất nên sốt ố hàn. Nhiệt là dương tà nên sốt nặng mà ố hàn nhẹ kèm theo miệng khô hơi khát. Nhiệt tính thăng tán, tấu lý sơ hở nên ra mồ hôi. Nhiệt tà thượng nhiễu nên đau đầu. Lưỡi đỏ đầu và hai rìa, mạch phù sác là chứng ôn nhiệt tại biểu.
5.3. Lý hàn chứng
Là hàn tà trực trúng tạng phủ, hoặc dương khí hư suy gây ra.
Biểu hiện lâm sàng: Hình hàn chi lạnh, sắc mặt trắng nhợt, miệng lạt không khát nhưng thích uống nước nóng, thích tĩnh lặng ít nói, tiểu trong dài, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng nhuận, mạch trầm trì.
Phân tích triệu chứng: Do hàn tà trực trúng tạng phủ, hoặc dương khí hư suy không thể ôn húc cơ thể nên xuất hiện hình hàn chi lãnh, sắc mặt trắng nhợt. Âm hàn nội thịnh, tân dịch không tổn thương nên miệng lạt không khát hoặc khát nhưng thích uống nước nóng. Hàn thuộc âm tà, âm chủ tĩnh, chức năng suy giảm nên tĩnh mà ít nói. Tiểu trong dài, tiêu phân lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng nhuận mạch trầm trì là thuộc lý hàn chứng.
5.4. Lý nhiệt chứng
Đa số do ngoại tà truyền lý hóa nhiệt, hoặc nhiệt tà trực trúng tạng phủ làm cho lý nhiệt tích thịnh
Biểu hiện lâm sàng: Mặt đỏ, sốt, miệng phiền khát thích uống nước lạnh, phiền thao nói nhiều, tiểu vàng, tiêu táo bón, chất lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác.
Phân tích triệu chứng: Lý nhiệt tích thịnh chưng đằng ra ngoài nên mặt đỏ sốt, nhiệt chước tân dịch nên miệng khát thích uống nước lạnh. Nhiệt thuộc dương tính chủ động, chức năng tăng nên bứt rứt không yên mà nói nhiều. Nhiệt thương tân dich nên tiểu vàng, trường nhiệt tân khuy nên đại tiện táo bón. Lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác đều là triệu chứng của lý nhiệt.
Nguồn: Giáo trình yhct
Xem thêm:
Phần 1 : Biểu lý
Phần 3 : Hư thực
Phần 4 : Âm dương