Kinh biệt tức là phân nhánh chủ yếu từ 12 kinh mạch, đi sâu vào phần trong cơ thể, tuần hành tới não bộ, bụng, đầu.
Mục Lục
1. Kinh biệt
Kinh biệt tức là phân nhánh chủ yếu từ 12 kinh mạch, đi sâu vào phần trong cơ thể, tuần hành tới não bộ, bụng, đầu. Sự tuần hành của 12 kinh biệt đều từ 12 kinh mạch tuần hành ở phần tứ chi (đa số trên khủy và gối) phân (biệt) ra gọi là “ly”, đi vào khu vực tạng phủ gọi là “nhập”. Sau đó đi ra ngoài thể biểu gọi là “xuất”, mà đi lên đầu mặt. Biệt Kinh của âm kinh hợp nhập kinh biệt của dương kinh tương ứng biểu lý và phân biệt đi vào sáu kinh dương gọi là “hợp”. Do đó đặc điểm tuần hành của 12 kinh biệt có thể tóm tắt bốn chữ “ly, hợp, xuất, nhập”. Mỗi một đôi tương quan biểu lý của kinh biệt hợp thành một “hợp”, 12 kinh biệt của thủ túc tam âm, tam dương kinh hợp thành sáu đôi và được gọi là “lục hợp”
1.1. Chức năng sinh lý
Tuy là phân nhánh của 12 kinh chính nhưng sự tuần hành và phân bố của nó có những đặc điểm nhất định, vả lại sự phân bố mạch khí tương đối rộng, có một vài vị trí mà chính kinh không tới được nhưng lại có sự phân bố của kinh biệt. Do đó trên sinh lý bệnh lý và điều trị đều có tác dụng nhất định, chủ yếu liệt kê dưới đây:
+ Tăng cường mối liên hệ giữa hai đường kinh có quan hệ biểu lý của 12 kinh chính trong cơ thể: 12 kinh biệt sau khi chui vào bên trong cơ thể thì hai kinh có quan hệ biểu lý đi cùng với nhau, qua những tạng phủ có tính chất quan hệ biểu lý, cùng đi ra vùng cạn (nông) thể biểu, kinh biệt âm kinh hợp nhập kinh biệt dương kinh, cùng nhau đi vào dương kinh ở biểu. Như vậy sẽ tăng cường quan hệ biểu lý của hai đường kinh chính, một tạng một phủ(quan hệ nội tại).
+ Tăng cường quan hệ có tính hướng tâm giữa thể biểu và thể nội (bên trong), tứ chi và thân mình. Do 12 biệt kinh đều có phân nhánh ở tứ chi và sau khi đi vào đều tuần hành hướng tâm, điều này có tác dụng khuếch đại (rộng)mối quan hệ của kinh lạc và truyền dẫn tín hiệu từ ngoài vào.
+ Gia tăng mối liên hệ giữa 12 kinh và đầu mặt: Tuần hành ở vùng đầu mặt chủ yếu là sáu kinh dương, 12 kinh biệt thì lại không chỉ có sáu kinh biệt của dương kinh tuần hành đầu mặt mà kinh biệt của sáu kinh âm cũng đi lên tới đầu mặt. Biệt kinh của túc tam âm kinh sau khi hội nhập với kinh biệt của dương kinh cũng đi lên đầu. Kinh biệt của thủ tam âm kinh đều đi qua vùng hầu mà lên tới đầu mặt (Đây là cơ sở lý luận của nội kinh).
+ Khuếch đại phạm vi điều trị của 12 kinh mạch: do 12 kinh biệt phân bố bổ sung tại nơi 12 kinh chính không tới, cho nên nó cũng mở rộng tương đối phạm vi điều trị của kinh lạc huyệt vị. Ví dụ túc thái dương kinh tuy không tới được hậu môn, nhưng biệt kinh của nó có đi tới đó cho nên huyệt thừa sơn, thừa cân của kinh đó có tác dụng chữa một số bệnh hậu môn.
+ Tăng cường mối liên hệ giữa tạng tâm và ba kinh âm, ba kinh dương ở chân, biệt kinh của túc tam âm, túc tam dương đi lên đều qua vùng bụng ngực, ngoài sự gia tăng mối liên hệ của tạng phủ ra còn có quan hệ với tạng tâm. Do vậy 12 kinh biệt có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phân tích mối quan hệ sinh lý bệnh lý giữa tạng phủ và tạng tâm.
1.2. Vị trí tuần hành
+ Biệt kinh của túc thái dương và túc thiếu âm (nhất hợp): Kinh biệt túc thái dương xuất phát từ hõm kheo của túc thái dương kinh trong đó có một nhánh đi đến cách xương cụt (phía dưới) 5 thốn đi vào hậu môn, đi lên quy thuộc bàng quang, phân tán ra và liên lạc với tạng thận đi dọc hai bên cơ cột sống đến tạng tâm. Nhánh thẳng đi tiếp từ cơ hai bên cột sống lên trên đi ra phía ngoài cổ, mạch khí thì vẫn chảy vào túc thái dương kinh. Kinh biệt túc thiếu âm, xuất phát từ túc thiếu âm kinh chỗ hõm kheo hợp với túc thái dương kinh đi lên thận, ở đốt sống lưng 14 (L2) phân ra, quy thuộc đái mạch. Nhánh thẳng tiếp tục đi lên đến gốc lưỡi, ra vùng cạn ở cổ, mạch khí vẫn rót vào túc thái dương kinh.
+ Kinh biệt của túc thiếu dương và túc quyết âm kinh (nhị hợp) kinh biệt túc thiếu dương xuất phát từ phía ngoài đùi đi lên trước đùi đi vào vùng lông mu hội hợp với túc quyết âm, đi lên chót sườn dọc trong khoang ngực quy thuộc đởm, tản ra tới tạng can, qua tạng tâm, dọc thực quản lên ra phần nông ở cằm (hàm dưới) vòng qua cạnh miệng phân bố tại mặt, liên hệ mắt, kính khí vẫn đi vào túc thiếu dương kinh. Túc quyết âm kinh biệt từ mặt lưng bàn chân (kinh túc quyết âm) phân ra đi thẳng lên vùng lông mu hợp cùng biệt kinh của túc thiếu dương.
+ Kinh biệt túc dương minh và túc thái âm (tam hợp). Kinh biệt của túc dương minh xuất phát từ trước đùi đi vào khoang bụng, qui thuộc vị, tản ra phân bố tại tỳ tạng, tiếp tục đi lên qua tạng tâm, dọc thực quản đi ra miệng đi tới gốc mũi và dưới hốc mắt, vòng ngược lại liên hệ mắt, kinh mạch vẫn đi của túc dương minh. Kinh biệt túc thái âm kinh xuất phát từ mặt trong đùi đi ra trước cùng hợp và đi với kinh biệt của túc dương minh kinh.
+ Kinh biệt của thủ thái dương và thủ thiếu âm(tứ hợp). Kinh biệt thủ thái dương phân nhánh từ thủ thái dương kinh ở vùng khớp vai, đi xuống, chui vào hõm nách, đi lướng về tâm liên hệ tiểu trường. Kinh biệt thủ thiếu âm từ hõm nách (giữa hai gân) đi vào khoang ngực quy thuộc tâm tạng, đi lên vùng hầu, ra ngoài mặt, hợp với thủ thái dương tại mống mắt trong.
1.2.5. Kinh biệt thủ thiếu dương và thủ quyết âm (ngũ hợp). Kinh biệt thủ thiếu dương phân ra từ vùng đỉnh đầu, đi xuống hõm trên đòn, qua thượng, trung, hạ tiêu, phân bố tại ổ bụng, ngực. Kinh biệt thủ quyết âm kinh phân ra (từ nách xuống ba thốn), chui vào lồng ngực phân biệt qui thuộc thượng, trung, hạ tiêu, đi lên dọc theo hầu họng, ra phía sau tai hợp với thủ thiếu dương tại dưới xương chũm.
1.2.6. Kinh biệt thủ dương minh và thủ thái âm kinh (lục hợp) tách phân ra từ huyệt kiên ngung đi vào xương sống cổ, nhánh đi xuống tới đại trường, quy thuộc phế, nhánh lên dọc hầu họng đi ra hõm trên đòn. Kinh biệt thủ thái âm phân ra từ khu vực yên dịch, đi trước kinh biệt thủ thiếu âm vào lồng ngực, tới tạng phế, phân bố ở đại tràng, phần nông đi lên hõm trên đòn, dọc hầu hợp với kinh biệt của thủ dương minh.
2. Biệt lạc
Cũng là nhánh phân ra từ kinh chính, đa số phân bố ở thể biểu. Biệt lạc có 15 đường (12 kinh chính và nhâm, đốc mạch và đại lạc của tỳ). Ngoài ra còn có thêm đại lạc của vị cũng có thể gọi thập lục biệt lạc. Biệt lạc là bộ phận tương đối chủ yếu của lạc mạch, có tác dụng chủ đạo toàn bộ vô số những lạc mạch nhỏ của cơ thể. Những lạc mạch nhỏ bé phân ra từ biệt lạc gọi là “Tôn lạc”. Phân bố tại bề mặt thể biểu gọi là “Phù lạc”.
2.1. Chức năng sinh lý
+ Gia tăng mối liên hệ giữa hai kinh mạch có tương quan biểu lý trong 12kinh. Chủ yếu thông qua đường đi của biệt lạc âm kinh đi (hướng) về dương kinh. Biệt lạc dương kinh đi (hướng) về âm kinh, tăng cường sự câu thông giữa hai kinh biểu lý và chi thể (tay chân mình). Trong biệt lạc tuy cũng có đi vào trong ngực bụng liên lạc với nội tạng nhưng nó không có sự lạc thuộc cố định.
+ Biệt lạc có tác dụng thống soái với các lạc mạch khác, gia tăng liên hệ với mặt trước, sau, bên của cơ thể: Biệt lạc của nhâm mạch phân bố tại bụng, biệt lạc của đốc mạch phân bố tại lưng, đại lạc của tỳ phân bố tại ngực sườn.Do vậy nó gia tăng sự liên hệ thống nhất giữa các khu vực cơ thể.
+ Thấm đẫm khí huyết để nhu dưỡng toàn thân. Biệt lạc phân ra phù lạc, tôn lạc (từ lớn phân nhỏ ra) phân bố toàn thân thành một hệ thống lưới rộng lớn, diện tích tiếp xúc tổ chức cơ quan toàn thân rất rộng, như vậy có thể làm cho khí huyết vận hành trong kinh mạch thông qua biệt lạc, tôn lạc cũng được đưa đi khắp nơi phát huy tối đa dinh dưỡng toàn thân.
2.2. Vị trí tuần hành
15 biệt lạc phân bố tại những vị trí nhất định, trong đó biệt lạc của 12 kinh mạch đều tách ra từ dưới khủy và gối và liên lạc biểu lý (biệt lạc) với nhau. Biệt lạc của nhâm mạch phân bố tại lưng, đại lạc của tỳ phân bố tại hai bên thân. Sự phân bố của chúng như sau:
+ Biệt lạc của thủ thái âm: Từ huyệt liệt khuyết tách ra đi lên cách cổ tay½ thốn đi tới thủ dương minh kinh. Một nhánh nữa đi cùng với thủ thái âm trực tiếp đi vào lòng bàn tay, phân tán (bố) tại ngư tế.
+ Biệt lạc của thủ thiếu âm: Từ thông lý tách ra, tại vị trí cách cổ tay một thốn đi tới thủ thái dương kinh, một nhánh nữa tại chỗ cách cổ tay 1,5 thốn đi lên dọc theo kinh thủ thiếu âm vào tâm, đi lên liên hệ lưỡi và liên thuộc mắt.
+ Biệt lạc của thủ quyết âm: Từ huyệt nội quan tách ra tại chỗ cách cổ tay hai thốn (mặt trong) đi ra ngoài cạn chỗ giữa hai gân, đi theo kinh thủ quyết âm lên trên thuộc tâm bào, lạc tâm.
+ Biệt lạc của thủ thái dương: Từ huyệt chi chính tách ra cách cổ tay 5 thốn đi vào trong nhập với thủ thiếu âm kinh, nhánh của nó đi lên qua khủy tay liên lạc khu vực kiên ngung.
+ Biệt lạc của thủ dương minh: Từ huyệt thiên lịch tách ra, cách cổ tay 3 thốn đi về phía thủ thái âm kinh, nhánh của nó đi lên dọc theo cánh tay, quá kiên ngung, đi tới góc hàm dưới, phân bố tại nướu răng, một nhánh nữa đi vào tai, hội với tông mạch.
+ Biệt lạc của thủ thiếu dương: Từ ngoại quan tách ra, đi dọc ngoài cánh tay chui vào ngực hợp với thủ quyết âm kinh.
+ Biệt lạc của túc thái dương: Từ huyệt phi dương tách ra, đi về túc thiếu âm.
+ Biệt lạc của túc thiếu dương: Từ huyệt quang minh tách ra, đi tới túc quyết âm đi xuống liên lạc với lưng bàn chân.
+ Biệt lạc của túc dương minh: Từ huyệt phong long tách ra, đi tới túc thái âm kinh, một nhánh đi dọc ngoài xương chày lên liên lạc đầu cổ và hợp với mạch khí của các kinh khác, đi xuống liên lạc hầu họng.
+ Biệt lạc của túc thái âm: Từ huyệt công tôn đi tới túc dương minh kinh,một nhánh chui vào ổ bụng liên lạc vị trường.
+ Biệt lạc của túc thiếu âm: Từ huyệt đại chung tách ra đi tới túc thái dương, một nhánh đi cùng kinh túc thiếu âm lên trên đi tới dưới tâm bào, đi ra thông với cột sống lưng.
+ Biệt lạc của túc quyết âm: Từ lãi câu tách ra đi tới túc thiếu dương kinh, nhánh của nó đi qua xương chày đi lên vùng hội âm (bìu dái) kết tụ ở dương vật.
+ Biệt lạc của nhâm mạch: Từ huyệt cửu vĩ (vĩ ế) tách ra đi xuống phân bố tại vùng bụng.
+ Biệt lạc của đốc mạch: Từ huyệt trường cường tách ra chạy kẹp hai bên cột sống tới cổ, phân bố tại đầu, nhánh đi xuống từ vùng xương bả chia nhau phải trái tới túc thái dương kinh, chui vào hai bó cơ bên cột sống.
+ Đại lạc của tỳ: Từ huyệt đại bao, đi nông từ dưới yên dịch huyệt phân tán tại ngực sườn.
3. Kinh cân
Là hệ liên thuộc cân nhục của 12 kinh chính. Chức năng của nó dựa vào sự nhu dưỡng của khí huyết kinh lạc và đồng thời nhận sự điều tiết của 12 kinh.
3.1. Chức năng sinh lý
Tác dụng chủ yếu là thắt buộc (ước thúc) các xương trong cơ thể, có lợi cho sự vận động co duỗi các khớp.
3.2. Vị trí tuần hành
Phân bố chủ yếu ở vùng nông của cơ thể, bắt đầu từ phần cuối (ngón) tứ chi đi lên đầu mình, đa số kết tụ tại khớp hoặc khu vực phụ cận xương có khi đi vào ngực bụng nhưng không lạc thuộc tạng phủ. Phân bố của kinh cân cơ bản giống như phân bố 12 kinh ở thể biểu. Nhưng sự tuần hành của nó thì không giống tuyệt đối. Kinh cân của thủ túc tam dương kinh phân bố ở mặt ngoài, kinh cân của thủ túc tam âm kinh phân bố mặt trong.
4. Bì bộ (vị trí da)
Là sự phân chia da dựa vào đường đi của kinh lạc. 12 kinh mạch và lạc mạch có phạm vi phân bố nhất định ở ngoài da và do đó cũng có 12 vị trí da được chia ra. Sự phân chia này có điểm không giống với kinh mạch và lạc mạch như: kinh mạch phân bố theo dạng tuyến (đường kinh) lạc mạch phân bố theo dạng lưới đan xen nhau, mà bì bộ lại chú trọng tới “diện” trong sự phân bố, theo đường tuần hành kinh mạch. Chức năng bì bộ kháng ngoại tà, khi ngoại tà xâm nhập thì gặp sự đối kháng của vệ khí phân bố tại da. Da lại phân thuộc về tạng phủ bên trong do đó khi tạng phủ kinh lạc bị bệnh cũng có thể phản ánh ra bên ngoài da. Quan sát những trạng thái biến hóa và sắc trạch ở những vùng da khác nhau để chẩn đoán tạng phủ kinh lạc nào đó bị bệnh, và trên những khu vực đó nếu áp dụng phương pháp cứu, ấn day cũng có thể chữa được bệnh tạng phủ tương ứng.
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
Xem thêm: