Nguyên nhân gây bệnh bên ngoài có nguồn gốc từ tự nhiên, đa số xâm nhập cơ thể bằng đường cơ biểu, miệng mũi mà gây bệnh. Ngoại cảm bệnh nhân gồm: Lục dâm, lệ khí…
Mục Lục
A. Lục dâm
1. Đại cương về Lục dâm
Lục dâm là chỉ về phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa – sáu loại ngoại cảm bệnh tà. Muốn lý giải hàm ý lục dâm, đầu tiên phải nắm rõ sự phân biệt của lục khí và lục dâm. Lục khí cũng là chỉ về sáu loại khí hậu bình thường trong tự nhiên (phong hàn thử thấp táo hỏa). Sáu loại khí hậu này chính là điều kiện để vạn vật phát triển, đối với cơ thể vô hại. Con người phải dựa vào khí tự nhiên và khí của thủy cốc để tồn tại, đồng thời cũng phải tuân thuận theo quy luật sinh, trưởng, thu, tàng của khí hậu bốn mùa biến hóa và cũng thông qua sự điều tiết tự thân mà sản sinh ra năng lực thích ứng nhất định, từ đó làm cho hoạt động sinh lý và lục khí biến hóa có sự thích ứng. Do vậy lục khí thường không gây bệnh. Tuy vậy, sự biến hóa của lục khí có hạn độ và quy luật nhất định, khi có sự biến hóa khác thường của khí hậu vượt qua hạn độ nhất định như lục khí thái quá hoặc bất cập, khí hậu phản thường ví dụ: Xuân lẽ ra rất ấm lại hàn, thu lẽ ra mát mà lại nóng hoặc khí hậu thay đổi đột ngột sẽ làm cho cơ thể không thể kịp điều chỉnh thích nghi dẫn đến phát sinh bệnh tật. Lúc này lục khí sẽ được gọi là “lục dâm” hoặc “lục tà”. Dâm ở đây có nghĩa là thái quá, tẩm dâm (thấm dần), chỉ về phản thường. Thứ hai nên xác định là lục dâm khi tiếp xúc tới cơ thể có phát bệnh hoặc không. Sự biến hóa dị thường của khí hậu mà gây bệnh tất nhiên gọi là lục dâm, nhưng sự biến hóa của khí hậu căn bản là bình thường cũng có người do khả năng thích ứng kém mà phát bệnh, lúc này cũng phải gọi lục khí bình thường đó là lục dâm.
2. Đặc điểm chung của lục dâm gây bệnh
Tính (chất) ngoại cảm
Lục dâm chi tà đa số từ cơ biểu, miệng mũi xâm nhập cơ thể mà gây bệnh. Ví dụ: Phong thấp tà tổn thương bì tấu, ôn tà vào từ miệng mũi. Do vậy lục dâm gây bệnh được gọi là bệnh ngoại cảm. Giai đoạn đầu của bệnh do lục dâm gây ra đều có ố hàn, sốt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù – là đặc trưng lâm sàng và được gọi là biểu chứng. Biểu chứng đa số từ biểu nhập lý, từ nông vào sâu.
Tính mùa
Đa số có tính chất mùa rõ rệt. Ví dụ mùa xuân đa số bệnh phong, mùa hạ bệnh thử, giữa hạ thấp bệnh, thu táo bệnh, đông hàn bệnh.
Tính khu vực: Lục dâm gây bệnh có quan hệ rất rõ với khu vực cư ngụ và hoàn cảnh bên ngoài.
Tính tương liêm (kèm)
Lục dâm có thể đơn độc gây bệnh cũng có thể trên hai loại cùng tương liêm với nhau gây bệnh. Như phong nhiệt cảm mạo, phong hàn thấp tý, hàn thấp khốn tỳ… Cũng không khó phát hiện ra rằng lục dâm chi tà thường kết hợp với phong.
Tính chuyển hóa
Trong một điều kiện nhất định chứng hậu của lục dâm tà khí có thể sẽ chuyển hóa. Ví dụ phong hàn cảm mạo có thể từ biểu hàn chứng chuyển hóa thành lý nhiệt chứng. Hoặc mới phát bệnh đã biểu hiện phong nhiệt biểu chứng, sự sản sinh hàn hoặc nhiệt này có quan hệ mật thiết với thể chất của cơ thể. Do vậy Y Tông kim giám, nói: “Lục khí chi tà, cảm nhân tuy đồng, nhân thụ chi nhi sinh bệnh cá dị giả, hà dã? Cái nhân chi hình hữu hậu bạc (dày mỏng), khí hữu thịnh suy, tạng hữu hàn nhiệt, sở thụ chi tà, mỗi tùng kỳ nhân chi thắng khí nhi hóa, cố sinh bệnh cá dị dã” (Lục dâm tuy tác động vào con người giống nhau, nhưng tại sao có người bệnh có người không bệnh hoặc bệnh không giống nhau? Thể trạng con người khác nhau có người gầy có người mập khí thịnh suy khác nhau, tạng có hàn có nhiệt, nên khi tà khí nhập tùy người mà bệnh khác nhau). Ngoài ra khi điều trị không thích đáng cũng có thể gây ra sự biến hóa chứng hậu của lục dâm. Ở đây cần nói rõ điều này: Chuyển hóa ở đây không phải là nói về một loại tà khí nào đó biến thành một loại tà khí khác mà là chỉ về triệu chứng của lục dâm gây ra có sự chuyển đổi.
Từ góc độ khoa học hiện đại ngày nay mà xét thì lục dâm chi tà ngoài nhân tố khí hậu ra còn bao hàm cả sinh vật (vi trùng, virus…) tác nhân vật lý, hóa học… đều có thể là nguyên nhân gây ra những bệnh lý.
Ngoài ra trên lâm sàng có một số nguyên nhân không phải là lục dâm ngoại tà mà là do chức năng tạng phủ khí huyết thất điều gây ra nội phong, nội hàn, nội thấp, nội táo, nội hỏa… năm loại bệnh lý phản ứng. Năm loại này tuy có giống lục dâm gây bệnh nhưng xét kỹ nguyên nhân của nó không phải là ngoại lai mà do nội sinh nên có tên “Nội sinh ngũ tà”, đã từng đề cập trong chương tạng phủ và bệnh cơ.
3. Các loại ngoại tà
3.1 Phong tà
Khái niệm về phong tà
Phong (gió) trong tự nhiên là một dạng khí lưu vô hình, luôn chuyển động vô định gọi là phong tà. Phong tà gây bệnh gọi là ngoại phong bệnh. Phong là chủ khí của mùa xuân, nhưng bốn mùa lúc nào cũng có, bởi vậy phong tà tuy thường gây bệnh ở mùa xuân nhưng không chỉ hạn chế ở mùa này, những mùa khác cũng có thể phát sinh. Phong tà xâm nhập cơ thể bằng đường bì mao, cơ tấu gây bệnh ngoại phong.
Tính chất và đặc điểm gây bệnh của phong tà
– Phong tính nhẹ nhàng, khai tiết, di động thăng tán đi lên, đi ra ngoài, dễ xâm tập trên cao (dương vị). Khai tiết nghĩa là chỉ phong tà xâm phạm cơ thể dễ làm cho tấu lý sơ tiết (lỏng lẻo) mở toang. Chính vì những đặc tính này nên phong dễ xâm phạm vào vị trí cao nhất của cơ thể, cơ biểu, lưng (những vị trí thuộc dương). Như ngoại tà tập biểu, tấu lý khai tiết sẽ xuất hiện ra mồ hôi, ố hàn… Phong tà theo kinh mạch lên đầu (thượng nhiễu) thì đầu sẽ nhức. Phong tà phạm phế thì nghẹt mũi, ngứa họng, ho…
– Tình chất phong tà là thiện hành, biến hóa vô cùng. Thiện hành là chỉ phong tà có tính lưu động di chuyển vô định. Phong tà gây bệnh thì bệnh vị (vị trí bệnh) thường di chuyển vô định. Như trong “Tý chứng” có “Hành tý” biểu hiện các khớp đau mà di chuyển, là biểu hiện của phong tà thịnh cho nên còn gọi là “Phong tý”. Biến hóa vô cùng là chỉ về bệnh do phong tà gây ra thường phát bệnh cấp, biến hóa nhanh. Như mề đay dị ứng, ngứa tùm lum không cố định, lại như phong thủy bệnh ở trẻ em, trong thời gian ngắn xuất hiện đầu mình đều sưng phù…
– Tính chất của phong tà là chủ về động: Phong tà có thể làm cho cây cỏ vạn vật lay động. Do đó khi gây bệnh cũng thường có những triệu chứng như chóng mặt hoa mắt, co giật…
– Phong vi bách bệnh chi trưởng: Trưởng có nghĩa là đứng đầu. Phong vi bách bệnh chi trưởng nghĩa là phạm vi gây bệnh của phong rất rộng. Trong nguyên nhân gây bệnh phong là nhân tố gây bệnh chủ yếu. Cụ thể mà nói thì hàn, thấp, thử, táo, hỏa năm tà khí này thường đi với phong xâm nhập gây bệnh. Lâm chứng chỉ nam, có nói: Trong lục khí thì phong là thứ khí dễ để cho khí khác tháp tùng nhất. Nếu kèm hàn thì gọi là phong hàn, kèm thử gọi là thử phong, kèm thấp gọi là phong thấp, kèm táo gọi là phong táo, kèm hỏa gọi là phong hỏa. Do phong có thể kèm, dễ làm cho năm khí khác kết hợp nên gọi phong là bách bệnh chi trưởng. Năm khí còn lại thì khó có thể kết hợp tất cả mọi khí khác như hàn không thể kèm thử và hỏa, thấp không thể kèm táo. Trên lâm sàng thường gặp ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt, phong thấp…
3.2 Hàn tà
Khái niệm
Hàn là lạnh, khí hậu có đặc tính hàn, ngưng kết ở tự nhiên được gọi là hàn tà. Hàn tà gây bệnh gọi là ngoại hàn bệnh.
Hàn là khí chủ của mùa đông, nếu không chú ý phòng hàn lạnh thì dễ bị ngoại cảm hàn tà. Ngoài ra do dầm mưa, ngâm nước, ra mồ hôi nhiều gặp gió hoặc uống nhiều đồ lạnh đều có thể cảm hàn tà.
Căn cứ vào vị trí xâm nhập nông hoặc sâu của hàn tà mà ngoại hàn bệnh gồm có: thương hàn, trúng hàn khác nhau. Hàn tà ở ngoài cơ biểu ngăn trở vệ dương gọi là “Thương hàn”. Hàn tà trực tiếp nhập lý thương tổn dương khí của tạng phủ gọi là “Trúng hàn”. Hàn tà xâm nhập tạo ra ngoại hàn bệnh và dương khí trong cơ thể hư suy gây ra nội hàn tuy nguyên nhân bệnh khác nhau nhưng giữa chúng lại có quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Ngoại hàn bệnh tổn thương dương khí có thể dẫn đến nội hàn bệnh, nội hàn bệnh lại do dương khí bất túc lại thường dễ phát sinh ngoại hàn bệnh.
Tính chất hàn tà và đặc điểm gây bệnh
– Hàn là âm tà, dễ thương dương khí
Hàn tà và nhiệt tà tương phản nên hàn tà thuộc âm tà. Dương khí trong cơ thể bản thân có thể chế ước âm hàn, nhưng âm hàn tà thiên thịnh thì dương khí không chỉ không đủ để khứ trừ hàn tà mà ngược lại lại bị âm hàn tổn thương. “Tố vấn – m dương ứng tượng đại luận” có nói: “Hàn thắng tắc âm bệnh”, hàn tà dễ tổn thương dương khí nhất. Nếu hàn tà tập (tập kích) biểu, vệ dương bị lấn át có thể thấy: ố hàn. Hàn tà trực tiếp trúng thái âm kinh tổn thương tỳ dương biểu hiện bụng đau lạnh, nôn ói, tiêu chảy… Hàn tà trực trúng thiếu dương tâm thận dương bị tổn thương gây ra: Ố hàn nằm co ro, tay chân lạnh (quyết), tiêu phân sống, tinh thần uể oải (ủy mị), mạch vi tế…
– Tính chất hàn tà là ngưng trệ
Ngưng trệ là ngưng kết là trở trệ không thông. Khí huyết trong cơ thể có thể vận hành thông suốt không trở ngại, không ngưng nghỉ phải dựa vào dương khí làm ấm (ôn húc), thúc đẩy. Đặc tính của hàn tà là ngưng kết, trở trệ không thông nên khi hàn tà xâm nhập thường làm kinh mạch khí huyết ngưng kết trở trệ, từ đó xuất hiện triệu chứng đau. Ví dụ hàn tà nhập kinh thái dương gây đau toàn thân. Hàn tý trong tý chứng do hàn tà thiên thắng nên khớp đau dữ dội do đó gọi là “Thống tý”. Hàn tà xâm nhập trung tiêu, hạ tiêu sẽ xuất hiện đau bụng lạnh bụng, đau co thắt. Đặc điểm của loại đau này là gặp lạnh nặng thêm, gặp nóng giảm. Có người kết hợp ngưng trệ và đau của hàn tà mà gọi là: hàn tính ngưng trệ chủ thống.
– Tính chất thu dẫn
Thu dẫn là co thắt, trì kéo, nghĩa là hàn tà có đặc tính co thắt, trì kéo. Khi hàn tà xâm phạm có thể biểu hiện khí cơ thu liễm (giảm chức năng), tấu lý đóng, kinh lạc cân mạch co thắt mà gây bệnh. Trên lâm sàng khi hàn tà xâm nhập cơ biểu thì tấu lý đóng, vệ dương bị lấn át không thể tuyên tiết mà xuất hiện ố hàn, sốt, không mồ hôi. Nếu hàn nhập kinh lạc, khớp thì kinh lạc và khớp co duỗi khó khăn thậm chí co thắt gây đau. Hàn nhập quyết âm kinh thì kinh mạch co thắt mà xuất hiện đau co thắt vùng bụng dưới.
3.3 Thấp tà
Khái niệm
Trong thế giới quanh ta có một loại tà khí có tính chất ẩm thấp, dính trệ (thủy thấp) có xu thế đi xuống được gọi là thấp tà. Thấp tà gây bệnh gọi là ngoại thấp bệnh, là khí chủ về giữa, cuối hạ (trưởng hạ), lúc này nhiệt hạ xuống, hơi nước bốc lên nhiều quện hun nhau thành thấp khí, do đó mùa này dễ phát sinh ngoại thấp. Ngoài ra do cư ngụ ở nơi ẩm thấp hoặc thường xuyên tiếp xúc với nước, dầm mưa… đều có thể dẫn đến thấp bệnh.
Thấp tà gây ngoại thấp bệnh và tỳ hư suy sinh nội thấp bệnh tuy nguyên nhân khác nhau nhưng khi gây bệnh thường có ảnh hưởng qua lại. Thấp tà xâm nhập dễ ảnh hưởng đến sự vận hóa của tỳ, gây ra thấp nội sinh; ngược lại khi tỳ hư vận hóa kém thì sinh thấp và cũng dễ để cho thấp tà (ngoại tà) xâm nhập.
Tính chất của thấp tà và đặc điểm gây bệnh
– Thấp là âm tà, dễ trở trệ khí cơ, tổn thương dương khí
Tính chất của thấp thuộc thủy, thủy thuộc âm do đó thấp là âm tà. Thấp tà xâm nhập cơ thể lưu trệ tại tạng phủ kinh lạc, vì nó là hữu hình chi tà, nên dễ làm trở trệ khí cơ. Ví dụ thấp trở hung cách, khí cơ không thông nên tức ngực. Thấp khốn tỳ vị, thăng giáng bất lợi, khí cơ trở trệ nên bụng tức đầy chướng khó chịu, đại tiện không thông suốt. Thấp đình lưu tại hạ tiêu, khí cơ trở trệ, khí hóa bất lợi nên tiểu tiện ít, khó (đoản, sáp). Thấp là âm tà, khi âm thắng tắc dương bệnh, do đó khi thấp tà xâm phạm dễ làm tổn hại dương khí. Trong ngũ tạng, tỳ là tạng thích táo mà ghét thấp, do đó thấp tà xâm nhập thường đầu tiên khốn tỳ (vây khốn, khốn khó)làm cho tỳ dương bất chấn, vận hóa vô quyền, thủy thấp đình tụ mà gây tiết tả, tiểu tiện ít, phù… Do đó Diệp Thiên Sỹ trong “Thiên ngoại cảm ôn nhiệt” có câu: “Thấp thắng tắc dương vi”(vi nghĩa là yếu).
– Tính chất thấp tà là trọng trọc
Trọng là trầm trọng, nặng. Bởi vậy thấp tà khi gây bệnh thì biểu hiện lâm sàng của nó thường là nặng nề (trầm trọng). Ví dụ thấp tà tập biểu có thể thấy toàn thân nặng nề, tay chân nặng mỏi, đầu nặng như có vật gì bó lại. Ví dụ tà thấp lưu trệ kinh lạc, khớp biểu hiện đau, nặng nề khớp, do đó khi thấp tà thiên thịnh gọi là tý chứng hay trước tý (trước cũng là nặng nề). Trọc là hỗn trọc là dơ bẩn, đây là chỉ về khi thấp tà gây bệnh thì vật bài tiết hoặc xuất tiết… có đặc điểm dơ bẩn, xú trọc. Ví dụ khi gây bệnh thì triệu chứng lâm sàng phản ánh ở bên trên gồm mặt cáu bẩn, ghèn nhiều, phản ánh ở dưới tiểu đục, đại tiện lỏng, kiết lỵ đàm máu… phản ánh ngoài cơ biểu là thấp chẩn (chàm) lở ngứa…
– Tính chất thấp là niêm trệ
Niêm nghĩa là dính là dơ nhớp nhúa. Trệ là đình trệ. Thấp tính niêm trệ là chỉ đặc điểm gây bệnh của thấp có tính chất niêm nê và đình trệ. Đặc điểm này có thể thấy ở hai mặt. Thứ nhất ở triệu chứng của tính niêm trệ. Thấp tà gây bệnh đa số biểu hiện niêm trệ không thông thoáng (bất sảng khoái), dính và dơ ví dụ thấp trệ đại trường, phủ khí không thông nên đại tiện khó phân dính, cảm giác đi không hết. Thấp trệ bàng quang, khí hóa bất lợi tiểu tiện sẽ không thông và rêu lưỡi dính, dơ. Thứ hai là bệnh trình dai dẳng. Thấp tính niêm trệ, dùng dằng khó giải do đó thấp tà gây bệnh thường hay tái phát hoặc lúc nặng lúc nhẹ, dai dẳng không hết, bệnh trình dài. Ví dụ trong bệnh thấp ôn có biểu hiện sốt lúc cao lúc thấp, dai dẳng không khỏi và thời gian bệnh dài và khó hết tuyệt đối. Ví dụ khác như thấp chẩn (chàm) và cảm mạo thể phong thấp đều có bệnh trình dài.
– Tính chất của thấp có xu hướng đi xuống, dễ tập kích âm vị (vị trí ở dưới)
Thủy có tính chất chảy xuống, thấp tà là một loại thuộc thủy do đó thấp tà cũng có xu hướng đi xuống. Thấp tà gây bệnh cũng có đặc điểm dễ tổn thương phía dưới cơ thể. Ví dụ thủy thấp gây phù thũng, đa số phù ở dưới rõ. Hay như lâm trọc, lỵ, phụ nữ đới hạ, loét chân… đa số do thấp tà hạ chú gây ra.
3.4 Táo tà
Khái niệm
Táo chủ khí mùa thu, khí hậu lúc này khô táo, hơi nước trong không khí giảm. Phàm là trong tự nhiên ngoại tà có biểu hiện khô táo, thu liễm thanh túc gọi là táo tà. Khi cảm táo tà sẽ xuất hiện một loạt triệu chứng can táo (khô) và gọi là táo bệnh.
Táo đối ngược với thấp là dễ tổn thương tân dịch. Táo tà thường đột nhập cơ thể bằng đường mũi miệng, xâm phạm phế vệ mà gây bệnh. Khi táo tà gây bệnh do kết hợp hàn nhiệt khác nhau nên phân ra ôn táo và lương táo.
Tính chất của táo và và đặc điểm gây bệnh
– Táo tà tính can sáp (khô, ráp) dễ thương tân dịch
Can là khô, sáp là sáp trệ. Táo tà dễ tổn thương tân dịch (vì tính chất can táo của nó) và xuất hiện các triệu chứng can táo, sáp trệ như miệng môi khô táo, da khô nứt, tóc lông khô xơ xác, tiểu ít, đại tiện táo bón…
– Táo dễ tổn thương phế
Phế là tạng mềm yếu (nộn), thích nhuận ghét táo. Phế khai khiếu ở mũi, ngoài hợp với bì mao, mà táo tà thường xâm nhập bằng đường mũi miệng nên nó dễ tổn thương phế. Táo tà phạm phế làm phế âm hư tổn, tuyên giáng thất tư, thậm chí tổn thương phế lạc từ đó xuất hiện ho khan, ít đàm hoặc trong đàm có ít máu, đàm dính khó khạc hoặc suyễn tức đau ngực. Do phế và đại trường liên quan biểu lý, táo tà tại phế sẽ ảnh hưởng đại trường mà xuất hiện táo bón.
3.5 Nhiệt (hỏa) tà
Khái niệm
Nhiệt vượng vào mùa hè. Trong tự nhiên những ngoại tà có tính chất viêm nhiệt đều gọi là nhiệt tà. Nhiệt tà gây bệnh gọi là ngoại nhiệt bệnh.
Nguyên nhân gần giống nhiệt tà còn có ôn tà, hỏa tà. Kỳ thực đều là nhiệt tà. Thường thì cho rằng ôn là thấp hơn nhiệt một cấp cho nên thường gọi chung là ôn nhiệt tà, hỏa nhiệt tà. Đương nhiên xét về ý rộng thì nhiệt và hỏa có sự phân biệt nhất định. Thường thì nhiệt qui thuộc tà khí mà hỏa thì chỉ về dương khí có tác dụng ôn húc sinh hóa và được gọi là “Thiếu hỏa” – lại còn chỉ về hỏa nhiệt chi tà gọi là “Tráng hỏa”. Từ góc độ phát bệnh mà luận thì nhiệt tà đa số là ngoại cảm như phong nhiệt, thử nhiệt, thấp nhiệt. Mà hỏa thường do nội sinh như tâm hỏa thượng viêm, can hỏa kháng thịnh.
Nhiệt tà gây bệnh ngoại cảm nhiệt bệnh và âm hư dương kháng gây ra chứng nội nhiệt (hư) tuy nguyên nhân không giống nhau nhưng chúng có thể ảnh hưởng qua lại. Dương thịnh tắc âm bệnh, ngoại nhiệt bệnh lại có thể thông qua tổn thương âm khí mà gây nội nhiệt hư chứng. Ngược lại, nội nhiệt hư chứng có thể do cơ thể âm hư mà dễ chiêu dụ nhiệt tà xâm nhập. Ngoài nhiệt tà xâm nhập và âm hư nội nhiệt gây ra hỏa nhiệt bệnh chứng thì ngoại cảm phong, hàn, thấp, táo, thử, tà hoặc tình chí kích thích, hoặc khí cơ uất trệ trong điều kiện nhất định đều có thể hình thành hỏa nhiệt chứng.
Tính chất nhiệt (hỏa) tà và đặc điểm gây bệnh
– Nhiệt là dương tà dễ tổn (thương) tân dịch hao khí
Hàn là âm, nhiệt là dương nên nhiệt là dương tà. Khi nhiệt tà tổn thương, lâm sàng xuất hiện sốt cao, sợ nóng, mặt đỏ, mạch hồng sác… một loạt triệu chứng nhiệt chứng. Nhiệt (hỏa) tà ở trong một mặt bức tân dịch ngoại tiết, mặt khác hun đốt âm tân dịch từ đó gây ra hao tổn âm dịch, do đó hỏa tà gây bệnh thường có biểu hiện ngoài sốt cao ra còn kèm theo miệng khát thích uống, họng khô, lưỡi táo, tiểu ngắn đỏ, đại tiện táo bón… một loạt triệu chứng của tân thương dịch hao. Ngoài ra nhiệt của cơ thể dựa vào khí hóa mà có, sốt nóng nhiều tất nhiên sẽ hao khí nhiều, cộng thêm nhiệt tà bức tân ngoại tiết (có thể là mồ hôi) và thường kèm theo tình trạng khí tùy tân tiết và khí lại càng hao hơn. Trên lâm sàng có thể xuất hiện hiện tượng cơ thể uể oải, mệt mỏi, thiểu khí… triệu chứng khí suy.
– Tính chất nhiệt (hỏa) là thượng viêm
Đặc tính của hỏa nhiệt là thiêu đốt là hướng lên, nên khi xâm phạm cơ thể hỏa nhiệt tà cũng có hiện tượng đó nghĩa là triệu chứng thường biểu hiện ở phía trên như: phong nhiệt thượng ung sẽ xuất hiện đau đầu, ù tai, họng hầu đỏ đau sưng. Dương minh nhiệt thịnh xuất hiện xuất huyết chân răng, lở môi miệng…
– Nhiệt tà dễ sinh phong, động huyết
Gọi là nhiệt tà dễ sinh phong, động huyết nghĩa là chỉ khi hỏa nhiệt tà xâm phạm cơ thể dễ kích động can phong nội động và huyết dịch vọng hành (vì nhiệt gây can dương kháng phấn) nên có câu “Nhiệt cực sinh phong”. Biểu hiện lâm sàng sốt cao, tứ chi co giật, hai mắt trợn ngược, gồng cứng cổ gáy lưng. Huyết gặp hàn sẽ ngưng, gặp ấm sẽ hành. Hỏa nhiệt tà xâm phạm huyết mạch, nhẹ thì làm giãn huyết mạch, tăng tốc độ huyết chảy. Nặng thì sẽ chước thương mạch lạc, bức huyết vong hàng gây ra các loại bệnh chứng xuất huyết như thổ huyết, máu cam, tiêu huyết, niệu huyết, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều, băng lậu…
– Nhiệt tà dễ nhiễu “tâm thần”
Trong ngũ hành tâm thuộc hành hỏa nên khi hỏa nhiệt tà nhập dinh huyết đặc biệt dễ ảnh hưởng “tâm thần”, nhẹ gây ra tâm thần bất ninh mà tâm phiền mất ngủ, nặng thì nhiễu loạn tâm thần xuất hiện cuồng thao không yên, thần trí lơ mơ nói nhảm…
– Nhiệt tà dễ gây nhọt ung
Khi xâm phạm huyết có thể sẽ ngưng kết ở chỗ nào đó (cục bộ) làm mục hư huyết nhục mà thành nhọt ung.
4.6 Thử tà
Khái niệm thử tà
Là hỏa nhiệt tà của mùa hè. Đại khái giữa sau hè và lập thu thường xuất hiện. Gây bệnh gọi là thử bệnh. Thử và ôn là một loại bệnh tà. Xuất hiện trước hè gọi là ôn bệnh, sau hè lập thu xuất hiện gọi là thử bệnh. Và thử bệnh chỉ có ngoại cảm, không có nội sinh. Đây là điểm đặc biệt trong lục dâm
Tính chất của thử tà và đặc điểm gây bệnh
– Thử là dương tà, có tính chất viêm nhiệt
Là khí của mùa hè, do mùa hè khí hậu viêm nhiệt (nóng nực), mưa nhiều cho nên thử tà so với nhiệt tà ở các mùa khác thì ngoài đặc điểm phát bệnh bình thường như nhiệt tà ra thì còn một đặc tính nữa là viêm nhiệt ở đây (hỏa tà) càng thịnh hơn những mùa khác và vì vậy khi thử tà xâm nhập cơ thể sốt rất cao, mặt đỏ, mắt đỏ, tâm phiền (bứt rứt), mạch hồng đại.
– Tính chất thử tà là thăng tán, dễ thương tân hao khí
Thử là dương tà, chủ thăng chủ tán cộng thêm hoàn cảnh nóng nực nên việc ra mồ hôi là hình thức tán nhiệt và do đó thử tà xâm phạm sẽ làm tấu lý khai tiết mà mồ hôi rất nhiều. Mồ hôi nhiều một mặt hao thương tân dịch, mặt khác khi một lượng mồ hôi lớn thoát ra thì khí cũng theo đó tiết ra dẫn đến tân khí lưỡng suy, thậm chí khí tùy tân thoát với biểu hiện miệng khát thích uống, tiểu đỏ ngắn ít, kèm theo đột ngột hôn mê bất tỉnh nhân sự.
– Thử rất thường kèm thấp tà
Mùa hè nóng nực, mưa nhiều ẩm thấp, nhiệt chưng thấp động và không khí nhiều thử nhiệt thấp khí nên thử thường kèm thấp tà xâm phạm, lâm sàng thường ngoài sốt, phiền khát ra thường kèm tứ chi mỏi nặng, tức ngực nôn ói, đại tiện phân lỏng mà tiêu không thông…
B. Lệ khí
1. Đại cương về Lệ khí
Lệ khí: Là một loại ngoại tà có tính chất truyền nhiễm rất mạnh
Còn gọi là “dịch khí” “dịch độc”… lệ khí gây bệnh gọi là “dịch bệnh” “ôn bệnh”. Lệ khí khác với lục dâm có tính chất truyền nhiễm rất lớn.
Phương thức truyền bệnh là phát tán trong không khí, xâm nhập cơ thể bằng đường mũi miệng hoặc có thể do ăn uống hoặc muỗi trùng cắn.
Lệ khí gây bệnh có rất nhiều chủng loại như: Đại đầu ôn, bạch hầu, thiên hoa hoắc loạn.
2. Đặc điểm gây bệnh của lệ khí
– Tính truyền nhiễm mạnh: Lệ khí thông qua không khí, thức ăn phát tán trong quần thể dân cư nên có tính truyền nhiễm và lưu hành lớn.
– Phát bệnh cấp, bệnh tình nguy kịch: Thường thì lục dâm phát bệnh nhanh hơn nội thương gây bệnh. Nhưng lệ khí còn nhanh hơn lục dâm.
– Triệu chứng giống nhau (từng loại lệ khí): Ví dụ quai bị thì bất luận là nam nữ lão ấu đều có triệu chứng giống nhau…
3. Nguyên nhân hình thành lệ khí và dịch bệnh
– Do khí hậu phản thường: Những bất thường về thời tiết khí hậu là nguyên nhân gây dịch bệnh.
– Ô nhiễm môi trường và ăn uống mất vệ sinh: Cũng là nguyên nhân phát dịch bệnh.
– Công tác phòng dịch, cách ly không tốt.
– Nhân tố xã hội: ảnh hưởng nhiều đến sự phát bệnh.
Nguồn: Giáo trình yhct
Xem thêm:
- Thiết chẩn trong Đông y – Phần 3: Chẩn mạch phụ nữ, trẻ nhỏ
- Học thuyết Tạng Phủ (phần 3 Quan hệ giữa các tạng phủ)
- Nguyên nhân gây bệnh bên trong