Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vọng chẩn trong đông y Phần 2

by BBT Yhctvn

Như ở phần 1 đã giới thiệu. Trong phần 2 này chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu các phần còn lại về Vọng chẩn trong y học cổ truyền. Gồm vọng bì phu, vọng lạc mạch, vọng chất bài tiết, và vọng lưỡi.

Xem lại: vọng chẩn trong Đông y phần 1 

5. Vọng bì phu

Da bao phủ toàn thân ví như hàng rào bảo vệ bên ngoài, là nơi vệ khí vận hành, trong hợp với phế tạng. Khi cảm thụ ngoại tà, da là nơi đầu tiên tiếp nhận, bệnh biến của khí huyết tạng phủ cũng có thể thông qua kinh lạc để phản ánh ở da (cơ biểu). Do vậy vọng sắc trạch hình thái khác thường của bì phu có thể tìm hiểu tính chất của tà khí và sự thịnh suy của khí huyết tân dịch, đóan biết biến hóa của nội tạng, phán đóan dự hậu bệnh.

Vọng sắc trạch bì phu cơ bản giống vọng ngũ sắc chẩn pháp vùng mặt. Vọng hình thái da chủ yếu gồm nhuận khô, thũng trướng, ban chẩn, nhọt đinh…

5.1 Sắc trạch

Bì phu sắc trạch cũng gồm ngũ sắc giống ngũ sắc chẩn pháp. Sắc thường gặp và có ý nghĩa đặc thù trong chẩn đoán là đỏ, vàng và đen.

Da đỏ

Da biến màu đỏ như thoa một lớp đan, bệnh danh là “Đan độc”, có thể phát ở toàn thân mọi chỗ, sơ khởi chỉ là một mảng đỏ, thường di chuyển vô định hoặc phù sưng đau thì gọi là “Xích đan đơn độc”, đa số do đàm hoả thiên kháng phong nhiệt thừa cơ tập kích mà thành, ở trẻ nhi đa số liên quan đến thai độc. Nếu phát cục bộ thì gọi là “Lưu hoả” và do vị trí khác nhau nên nguyên nhân và bệnh danh cũng khác nhau, ví dụ chi dưới đỏ sưng đa số là do thận hoả độc uẩn thấp nhiệt hạ chú.

Da vàng

Da mắt móng tay đều vàng vượt quá giới hạn bình thường (người da vàng) là hoàng đản, phân âm hoàng và dương hoàng.

– Dương hoàng: Màu vàng tươi như vỏ quýt thường kèm mồ hôi, nước tiểu cũng vàng thẫm như nước hoàng bá, miệng khát mà rêu vàng nê thường do tỳ vị hoặc can đởm thấp nhiệt.

– Âm hoàng: Vàng tối như ám khói thường kèm úy hàn, miệng lạt mà rêu vàng nê đa số do hàn thấp khốn tỳ vị.

Da đen

Da vàng hiện lên màu đen (hoàng trung hiển hắc), đen mà tối âm gọi là “Hắc đản” cũng là một dạng hoàng đản, đa số từ hoàng đản chuyển biến thành, do nó đa số do sắc dục (quá độ) thương thận mà có nên có tên là “Nữ lao đản”.

5.2 Nhuận khô

– Ở người da nhuận trạch là thái âm khí sung thịnh, da khô còng sơ sác là thái âm khí suy. Da nhăn lông rụng là phế tổn. Da khô lông tóc gãy là phế tuyệt.

– Da khô như vẩy cá gọi là cơ phu giác thác. Nếu phát hiện hốc mắt đen tối là nội có can huyết (khô huyết). Nếu kèm đau dữ dội là sinh ung nùng.

5.3 Thũng trướng

Thũng khác trướng. Mặt, đầu, ngực, bụng, lưng, tứ chi phù thũng gọi là thũng, chỉ có bụng phình cổ trướng gọi là cổ trướng. Thũng trướng mà thấy khuyết bồn bằng phẳng hoặc lòng bàn chân phẳng hoặc lưng phẳng hoặc rốn lồi hoặc môi đen… là khó chữa.

5.4 Ban chẩn

Là bệnh da liễu và cũng là một triệu chứng trong quá trình bệnh. Ban màu đỏ thành mảng phẳng rờ không cảm giác. Do bệnh cơ khác nhau nên có tên âm ban và dương ban. Chẩn hình dáng như hạt kê màu đỏ mà nhô cao, rờ cảm giác ráp và do nguyên nhân khác nhau nên có tên ma chẩn, phong chẩn, ẩn chẩn, cụ thể như sau:

a) Ban

Dương ban: tục gọi là phát ban, là một triệu chứng biểu hiện ôn bệnh tà nhập dinh phần, huyết phần, giai đoạn nào cũng có thể phát chẩn. Đa số do nhiệt uất phế vị, sung tố (tác động) nội ngoại, dinh huyết tích nhiệt thấu ra cơ biểu. Từ cơ nhục mà thấu ra là ban, từ huyết lạc thấu ra là chẩn.

Ở điểm mọc ban chẩn thưa thớt, màu đỏ, sốt, xuất hiện ở trước ngực bụng, sau đó lan ra tứ chi, đồng thời sốt lui, tinh thần tỉnh táo lại. Đây là báo trước hiện tượng tà khí chuẩn bị thấu tiết là chứng nhẹ, chứng thuận. Nếu địa điểm mọc dầy đặc màu đỏ hoặc tím đen đồng thời xuất hiện ở tứ chi trước, sau đó mới lan ngực bụng và sốt không hạ, thần trí hôn muội là chính bất thắng tà, tà khí nội hãm, là chứng nặng, chứng nghịch. Ban chẩn sắc đen mà ám trệ khô là triệu chứng tương đối nặng.

Âm ban: Đa phần do nội thương khí huyết khuy hư gây ra. Đặc điểm ban to nhỏ không giống nhau, to thì bằng đồng tiền, nhỏ thì chỉ như một điểm, thưa thớt ẩn hiện. Màu đa số hồng nhạt hoặc tím tối: chẩn mọc vô định và khi xuất cũng không có gì khác thường nhưng đầu mặt và phần lưng không thấy, thần trí đa số tỉnh táo, đồng thời kèm mạch tế nhược, tay chân lạnh… hư chứng.

b) Chẩn

Ma chẩn (sởi): Là bệnh truyền nhiễm, thường gặp ở trẻ em, trước khi phát ban thường ho, nhảy mũi, chảy nước mũi, nước mắt, tai lạnh, sau tai xuất hiện một đường chỉ đỏ. Sốt 3 – 4 ngày thì chẩn xuất hiện ở da từ vùng đầu xuống ngực bụng tứ chi, màu đỏ tươi, to như hột mè, rờ nhám tay, sau đó mọc dày dần.

– Thuận chứng: Sốt hơi có mồ hôi, chẩn ra hết, màu đỏ nhuận lần lượt lặn (cái nào ra trước thì lặn trước), sốt hạ.

– Nghịch chứng: Sốt rất cao không mồ hôi, chẩn điểm không thể thấu phát, màu đỏ nhạt mà tối (do phong hàn ngoại bế) hoặc đỏ thẫm tím, ám trệ (do nhiệt độc nội thịnh) hoặc trắng mà không đỏ (do chính khí hư hãm). Nếu nốt chẩn đột nhiên lặn hết, thần trí hôn mê, suyễn tức là độc chẩn nội hãm.

Phong chẩn: Là một bệnh thường gặp do phong nhiệt thời tà gây ra, hình dạng chẩn nhỏ thưa hơi nhô cao, màu hồng nhạt, ngứa gãi liên tục, lúc phát lúc ngưng, hơi sốt hoặc không sốt…

Ẩn chẩn: Do dinh huyết hư mà phong tà lại trúng kinh lạc mà phát ở ngoài da. Loại chẩn này lúc ẩn lúc hiện nên gọi là “Ẩn chẩn”. Ngứa và gãi cũng thành một dề, cao hơn da, màu đỏ nhạt lẫn trắng.

5.5 Rôm sảy và bóng nước

Rôm

Gặp ở người mắc thử thấp hoặc thấp ôn, da thường xuất hiện những bóng nước nhỏ trắng trong gọi là rôm, đa số do thấp uất, hạn xuất không triệt để mà thành. Rôm xuất hiện có nghĩa là uất thấp có cơ hội ngoại tiết. Rôm màu trắng, điểm nhỏ hình dáng như hạt kê, trong sáng tư nhuận như hạt thủy tinh là thuận chứng. Nếu màu tối khô chứng tỏ tân dịch khô kiệt, là nghịch chứng. Thấp ôn bệnh, thấp uẩn nhiệt phục nhất thời không thể thâu tiết nên rôm thường hay tái phát.

Sảy

Da mọc từng đám dày đặc, những hạt nhỏ đỏ có đầu, ngứa và đau. Sau khi khô bong da từng đám như vẩy cá, thường phát trong mùa hè, trẻ em và người béo mập thường gặp. Do thấp nhiệt tà uất tại cơ phu gây ra.

Nhiệt khí sang

Là những bóng nước nhỏ hoặc bằng đầu kim hoặc bằng hạt đậu xanh, mọc từng đám (1 đám, 2 đám hoặc 3 đám) cảm giác ngứa và nóng rát. Vị trí thường xuất hiện là mép quanh môi, mi mắt, bộ phận sinh dục ngoài hoặc da qui đầu… Thường gặp ở người sốt cao, người bình thường cũng có thể xuất hiện đa số do phong nhiệt độc trở trệ phế vị 2 kinh, thấp nhiệt hun chưng bì phu mà ra.

Triền yêu (quấn quanh lưng) hoả đơn (zona)

Thường xuất hiện ở ngực bụng và sườn. Mới đầu vùng da đó nóng rát, đau châm chích (thích thống), sau đó xuất hiện những bóng nước thành từng đám, to bằng hạt đậu xanh hoặc hạt đậu nành, da xung quanh ửng đỏ. Đa số do can hoả vọng động dẫn đến thấp nhiệt hun chưng bì phu mà thành.

Thấp chẩn

Còn gọi là “Mạn dâm sang” có nhiều biểu hiện. Thời kỳ đầu đa số là hồng ban, sau đó nhanh chóng chuyển qua sưng, khưu chẩn (sưng ngứa) hoặc bóng nước tiếp sau là vỡ các bóng nước và lở loét, sau đó khô có mày và lưu lại sẹo rất lâu mới hết. Chứng này đa số do thấp nhiệt lưu ở bì phu hoặc do bệnh lâu hao huyết dẫn đến huyết hư sinh phong hóa táo dẫn đến cơ phu thất dưỡng mà có.

5.6 Ung, Thư, Đinh, Tiết: Đều thuộc bệnh ngoại khoa

Ung

Sưng to, đỏ, chân chắc kèm cảm giác nóng bỏng và đau là ung, thuộc dương chứng. Đa số do thấp nhiệt hỏa độc nội uẩn, khí huyết ứ trệ, nhiệt thịnh nhục hủ mà ra.

Thư

Sưng tròn không đầu (miệng) da không đổi màu, không nóng, đau ít là thư, thuộc âm chứng. Đa số do khí huyết hư mà hàn đàm ngưng trệ hoặc ngũ tạng phong độc tích nhiệt công phá bì phu nội hãm cân cốt mà thành.

Đinh

Sơ khởi nhỏ như hạt gạo, chân chắc và sâu, tê hoặc ngứa, đầu trắng mà đau là đinh. Đinh độc so với sang tiết thường nặng hơn. Nếu chỗ đau xuất hiện một đường chỉ đỏ lan dần từ ngoài vào gọi là “Hồng tơ đinh” hoặc “Đinh độc tẩu hoàng” là do hỏa nhiệt độc tà đi xuyên vào kinh mạch, nội công nội hãm (thế bệnh). Đinh độc đa số do bạo khí độc tà xâm tập bì phu truyền vào kinh lạc gây ra âm dương (khí huyết) 2 khí không thể tuyên thông, khí huyết ngưng trệ mà ra.

Tiết

Mọc ở nông, nhỏ mà tròn, sưng nóng đỏ đau không rõ lắm, dễ hoá mủ, dễ lành, đa số do thử thấp trở ở cơ phu, hoặc tạng phủ uẩn tích thấp nhiệt, hướng ra ngoài bì phu làm cho khí huyết úng trệ gây ra.

6. Vọng lạc mạch

6.1 Vọng ngón trỏ lạc mạch trẻ em

Ngày xưa gọi là vọng chỉ văn. Để tránh nhầm lẫn thói quen gọi chỉ văn hiện nay dựa vào thực chất khái niệm sửa lại là vọng lạc mạch ở trẻ em.

Lạc mạch ngón trỏ chẩn pháp khởi thủy được phát hiện trong “Thủy kính đồ quyết” của Vương Siêu đời Đường. Phương pháp này được phát triển từ phương pháp chẩn lạc mạch trong “Linh khu”. Phương pháp có ý nghĩa đối với trẻ em dưới 3 tuổi. Lạc mạch phía trong ngón trỏ cũng là nhánh xuất phát từ thủ thái âm kinh (Thủ thái âm phế kinh xuất phát từ ngực đến tay qua Ngư tế ra ngón cái. Phân nhánh từ cổ tay đi thẳng ra ngón trỏ). Do đó chẩn lạc mạch chẩn Ngư tế có chung một nguồn gốc. Do mạch bộ (nơi bắt mạch) ở trẻ em ngắn và thường hay khóc quậy nên ảnh hưởng rất lớn đến tính chuẩn xác của bắt mạch, vã lại da trẻ em rất mỏng, lạc mạch rất dễ bộc lộ và ngón trỏ lại càng rõ, nên vọng lạc mạch so với mạch chẩn càng tiện lợi.

a) Tam quan bộ vị

Ngón trỏ lạc mạch phần hiển hiện có thể phân làm phong, khí, mệnh, tam quan. Đốt thứ nhất là phong quan tức là từ khớp bàn ngón trỏ (nếp nhăn) hướng lên đến đường chỉ ngang đốt hai. Đốt thứ 2 là khí quan từ đường chỉ đốt 1 – 2 đến đường chỉ ngang đốt 2 – 3. Đốt thứ 3 là mệnh quan, đường chỉ thứ 3 lên đến đầu ngón trỏ.

b) Thủ pháp chẩn mạch

Bồng em bé ra nơi sáng thầy thuốc dùng tay trái giữ ngón trỏ em bé, dùng ngón cái tay phải (thầy thuốc) hơi dùng sức miết từ mệnh quan xuống khí quan và phong quan, miết vài lần, lạc mạch càng miết càng lộ rõ dễ quan sát.

 c) Tam quan biện nặng nhẹ

Phàm khi cơ biểu cảm thụ ngoại tà thường từ nông vào sâu, đầu tiên nhập lạc tiếp đó (khách) nhập kinh vào sâu chút nữa là tạng phủ. Hình sắc và bộ vị xuất hiện của mạch cũng biến đổi theo chiều tà khí xâm nhập lạc mạch, hiện ở phong quan là tà mới nhập lạc, bệnh còn nông nhẹ, lạc mạch từ phong quan thấu lên khí quan, màu hơi sẫm là tà khí nhập kinh, chủ về tà thâm nhập mà bệnh nặng. Nếu lạc mạch hiện rõ ở mệnh quan là tà nhập ở tạng phủ, có khả năng uy hiếp tính mạng. Nếu lạc mạch đi thẳng tới ngón trỏ gọi là “Thấu quan xạ giáp” bệnh tình hết sức hiểm nghèo, dự hậu không tốt. Đối với nội thương tạp bệnh phương pháp cũng tương tự về mức độ nặng nhẹ.

d) Hình sắc chủ bệnh

Hình sắc bình thường: Bình thường sắc trạch hồng nhạt pha chút vàng ẩn ẩn trong phạm vi phong quan. Đa số phù lộ (hiện rõ), hình hơi chéo, một nhánh không to không nhỏ. Nhưng to nhỏ có liên quan tới thời tiết khí hậu, nóng thì to dài ra, lạnh thì co nhỏ ngắn, một tuổi đa số dài, theo tuổi nó ngắn lại.

Phù trầm: Lạc mạch hiện rõ chủ bệnh tại biểu đa số gặp trong ngoại cảm biểu chứng, lạc mạch trầm trệ (hiện không rõ) chủ bệnh tại lý, đa số là ngoại cảm hoặc nội thương lý chứng. Quan sát thống kê trên lâm sàng thấy ở trẻ em khỏe cũng có thiên phù hoặc thiên trầm.

Sâu cạn (thâm thiển): Sắc thâm đậm: bệnh nặng, sắc cạn bệnh nhẹ. Sắc nhạt chủ hư, sắc trệ là thực. Ở người âm dương bạo thoát do dương khí không đạt đến tứ chi mạt đoạn nên không thể thấy được đậm hoặc nhạt. Nếu trong bế chứng tà hãm tâm bào dẫn đến khí huyết uất bế thì lạc mạch màu thâm mà trệ.

Sắc trạch: Tím đỏ chủ nội nhiệt, đỏ tươi chủ ngoại cảm biểu chứng. Xanh chủ phong cũng có thể là chủ chứng đau. Sắc nhạt là hư, sắc tím đen chủ huyết lạc bế uất: bệnh nguy hiểm.

Hình trạng: Lạc mạch ngày một dài ra là bệnh đang diễn tiến nặng lên, ngắn lại là bệnh lui nhẹ. Nhưng cũng có trường hợp tân thương dịch kiệt, khí âm lưỡng hư vì do khí huyết bất sung mà lạc mạch sẽ ngắn lại trong phạm vi (dưới) phong quan ở người âm hư dương phù đa số thấy lạc mạch dài ra.

Lạc mạch to ra đa số thuộc nhiệt chứng thực chứng, nhỏ thuộc hàn chứng hư chứng. Một nhánh hơi xéo là bệnh nhẹ: cong uốn khúc, nhiều nhánh, tròn là bệnh nặng thực chứng.

6.2 Xem lạc mạch ngư tế

Ngư tế là khu vực cơ phát triển, ngư tế thuộc Thủ thái âm phế kinh. Nguyên lý xem ngư tế lạc mạch và thiết chẩn “Độc thủ thốn khẩu” giống nhau. Ngoài ra khí huyết trong lạc mạch do tỳ vị hóa ra, vị khí thượng đến thủ thái âm cho nên chẩn ngư lạc cũng là xem vị khí.

“Linh khu – Kinh mạch” nói: “Phàm chẩn mạch lạc, mạch sắc xanh tắc hàn mà thống, xích tắc hữu nhiệt”. Bởi vì hàn tắc khí huyết ngưng trệ, ngưng trệ thì sẽ xanh đen, nhiệt tắc khí huyết nê trạch (lưu thông) tắc hoàng xích. Bởi vậy vị trung hữu hàn, hàn đạt (đến) ngư tế nên lạc mạch ngư tế đa phần xanh. Nếu xanh mà ngắn đỏ là thiểu khí thuộc hư chứng. Vị trung nhiệt đạt ngư tế nên lạc mạch đỏ. “Tứ chẩn quyết vi” có nói: “Đa xích đa nhiệt, đa thanh đa thống, đa hắc đa tý, xích hắc thanh sắc, đa kiến hàn nhiệt”

6.3 Xem hình sắc móng

Móng (tay chân) là phần dư của cân và lại là ngoại hầu (biểu hiện bên ngoài) của can đởm. Can tàng huyết mà chủ sơ tiết do đó vọng móng vuốt (trảo giáp) có thể đoán biết sự thịnh suy của khí huyết và tình hình tuần hành của nnó.

Móng bình thường hồng nhuận, cứng hình vòng cung, quang trạch, đè vào và buông ra thì lập tức phục hồi huyết sắc. Đây nói lên khí huyết vận hành thông suốt.

Nếu mà móng thâm hồng là khí phần hữu nhiệt. Mùa vàng là hoàng đản, đa số do thấp nhiệt hun chưng mà có. Sắc nhạt là huyết hư, hoặc do khí huyết lưỡng hư. Sắc nhợt nhạt là hư hàn, đa số là tỳ vị dương hư, sắc tím đen là huyết ứ hoặc huyết ngưng tử chứng. Sắc xanh là hàn chứng.

Ấn móng tay biến màu trắng, buông ra sắc huyết phục hồi chậm là huyết ứ hoặc khí trệ và nếu không hồng lại là huyết hư. Móng dẹt hoặc lõm gọi là “Phản giáp” đa số là can huyết bất túc. Móng khô là tý bệnh cốt thống. Màu nhợt nhạt mà khô là can nhiệt.

7. Xem chất bài tiết

Gồm chất nôn, đàm, dãi, nước mũi, thóa (nước bọt), nhị tiện, kinh đới, nước mắt, mồ hôi và mủ.

Thông qua quan sát hình, sắc, chất, lượng của vật bài tiết có thể tìm hiểu bệnh các tạng phủ hữu quan và tính chất của tà khí.

7.1 Đàm, dãi, nước mũi, nước miến

Đàm là chất do phế và khí đạo bài xuất, trọc (dơ) mà đặc là đàm, loãng trong là ẩm đều thuộc hữu hình chi đàm. Diên nước dãi trong loãng, nước bọt là niêm dịch kèm bọt.

Đàm và nước mũi

– Đàm vàng dính đặc thành cục thuộc nhiệt đàm do nhiệt tà nung đốt (áo) tân dịch mà thành.

– Đàm trong loãng hoặc kèm đốm xám đen thuộc hàn đàm do hàn thương dương khí, khí bất hóa tân, thấp tụ thành đàm mà ra.

– Đàm trong loãng nhiều bọt đa số là phong đàm do can phong kèm đàm thượng nhiễu thanh không   thường thì kèm theo mặt xanh chóng mặt, tức ngực hoặc suyễn cấp…

– Đàm trắng trơn (hoạt) mà lượng nhiều dễ khạc là thấp đàm do tỳ hư bất vận thủy thấp bất hóa tụ mà thành đàm nên lượng nhiều mà trơn dễ khạc.

– Đàm ít mà dính khó khạc thuộc táo đàm nặng hơn thì ho khan không đàm hoặc có ít, đàm bọt cũng thuộc phế táo do thu táo thương phế.

– Đàm lẫn máu màu đỏ tươi là nhiệt thương phế lạc. Lâm sàng thường gặp ở người âm hư hỏa vượng. Nếu ho khạc đàm máu mủ tanh hôi hoặc nôn đàm mủ như cháo là phế ung. Do nhiệt tà phạm phế, nhiệt độc lưu lại lâu (cửu súc) nhục hủ mà thành mủ (nùng).

– Ho khạc nước dãi bọt (diên) há miệng thở là phế nuy.

– Mũi chảy nước đục là ngoại cảm phong nhiệt, nước mũi trong là ngoại cảm phong hàn. Nếu nước mũi đục chảy hoài không dứt là tỵ uyên (viêm xoang).

Diên và thoá (dài và nước bọt)

– Miệng chảy nước dãi trong là tỳ lạnh, khạc nhổ nước dãi đặc là tỳ nhiệt. Miệng nhiều nước dãi thường là tỳ vị hư hàn. Nước dãi dính (trong miệng) là tỳ vị thấp nhiệt.

– Nước dãi chảy dài theo khóe miệng mà không hay đặc biệt lúc ngủ rất nhiều đa số thuộc tỳ khí hư không thể thu nhiếp hoặc trẻ em vị nhiệt trùng tích cũng thường chảy nước dãi nhiều.

– Nhổ ra nước bọt nhiều là vị trung hữu hàn hoặc tích lãnh hoặc thấp trệ hoặc túc thực.

– Nước bọt nhiều cũng có thể gặp trong thận hàn, thận hư chứng.

7.2 Vật nôn

Nôn là do vị khí thượng nghịch mà có 

– Nôn trong loãng không mùi vị là hàn ẩu vị dương bất túc khó làm chín thủy cốc và thủy ẩm nội đình làm cho vị thất hòa giáng. Đa số do tỳ thận dương hư hoặc hàn tà phạm vi gây ra.

– Nôn ra đồ ăn thối chua hôi (xú trọc) đa số là nhiệt ẩn do tà nhiệt phạm vị hoặc can kinh uất hỏa dẫn đến vị nhiệt thượng nghịch.

– Nôn chua kèm thức ăn không tiêu đa số là thực tích do bạo ẩm bạo thực tổn thương tỳ vị, túc thực không tiêu hóa để lâu sẽ hôi thối (hư bại) dẫn đến vị khí bất giáng nên nôn ra đồ ăn chua không tiêu. Nếu nôn ra đồ ăn mà không vị chua hôi đa số là khí trệ thường là lúc phát lúc nghỉ đây là do can uất phạm vị gây ra.

– Nôn nước trong đàm dãi kèm miệng khô không thích uống nước, rêu nê, ngực tức đa số thuộc đàm ẩm. Tỳ thất kiện vận thì ẩm sẽ ngưng tụ trong vị và đàm ẩm theo vị khí thượng nghịch mà nôn ra

– Nôn ra nước vàng xanh vị đắng là can đởm thấp nhiệt hoặc uất nhiệt, can khí hằng nghịch phạm vi, nhiệt bức đởm trấp thương dật (tràn ra), vị thất hoà giáng mà ra.

– Nôn ra máu tươi hoặc máu cục kèm lẫn đồ ăn đa số thuộc vị có tích nhiệt hoặc do can hỏa phạm vị hoặc lúc thường có ứ huyết huyết bất quy kinh (mạch). Nếu nôn máu kèm mủ là vị ung.

8. Vọng thiệt – Xem lưỡi

Xem lưỡi có lịch sử rất lâu đời. Rất sớm trong “Hoàng đế nội kinh” và “Thương hàn luận” đã có ghi chép về vọng thiệt chẩn bệnh. Nhưng đến thế kỷ 13 mới có sách chuyên đề về thiệt chẩn là “Ngao thị thương hàn kính lục”. Đến thế kỷ 16, khi trường phái ôn bệnh học hưng khởi thì vấn đề thiệt chẩn rất được trọng thị. Ngày nay thiệt chẩn đã trở thành một phương pháp chẩn đoán đặc thù của Y học cổ truyền.

8.1 Ý nghĩa lâm sàng của thiệt chẩn

Trong biện chứng không thể thiếu căn cứ khách quan bất luận dùng bát cương, biện chứng bệnh nhân, biện chứng tạng phủ, lục kinh, vệ khí dinh huyết và tam tiêu biện chứng đều lấy thiệt tượng (hình dạng lưỡi) làm tiêu chuẩn biện chứng.

Như cuốn Lâm chứng nghiệm thiệt pháp có nói: Phàm là nội ngoại tạp bệnh tất tật đều cần xem hình và sắc lưỡi… Dựa vào lưỡi để phân hư thực, âm dương, tạng phủ và phối chủ phương.

Đặc biệt là ở nhiều trường hợp bệnh rất nặng thì khó phát hiện chứng, mạch khó bắt và duy nhất chỉ dựa vào lưỡi… Do đó không khó lý giải sự trọng thị của các y gia thời trước. Sự biến hóa của lưỡi (thiệt tượng) có thể phản ánh một cách khách quan về thịnh suy của chính khí, bệnh tà nông sâu, tính chất tà khí, tiến triển của bệnh và có thể phán đoán chuyển qui dự hậu và chỉ đạo ra phương thuốc.

Phán đoán chính thịnh suy

“Biện thiệt chỉ nam – Tự ngôn” có dẫn dụ câu nói của Từ Linh Đài rằng: “Thiệt vi tâm chi ngoại hầu, nhược nãi vị chi minh chứng, sát thiệt khả chiêm chính chi thịnh suy, nghiệm thái (rêu) dĩ tri tà chi xuất nhập” (Tuy lưỡi là biểu hiện phía ngoài của tâm nhưng nó vẫn là bằng chứng của vị. Quan sát lưỡi có thể đoán chính khí thịnh suy, xem rêu để biết tà khí xuất nhập). Nhưng rêu lưỡi vẫn là do vị khí sinh ra nên xem rêu lưỡi để biết sự tồn vong của vị khí. Nếu chất lưỡi hồng nhuận biểu hiện khí huyết thịnh vượng. Lưỡi quang không rêu là vị khí suy bại hoặc vị âm khô kiệt.

Phân biệt vị trí bệnh nông sâu

Biện thiệt chỉ nam nói: Biện chất lưỡi để biết sự hư thực của ngũ tạng. Xem rêu lưỡi để đoán lục dâm ở nông hay sâu. Bất luận ngoại cảm, nội thương xem rêu dày mỏng cũng đủ phản ánh tà khí nông sâu, nặng nhẹ. Nếu rêu mỏng đa số bệnh nông, bệnh mới phát, bệnh vị tại biểu. Rêu dày là tà nhập lý bệnh vị hơi sâu. Chất lưỡi đỏ thẩm (giang) là nhiệt nhập dinh huyết bệnh vị càng sâu hơn, bệnh tình nguy hiểm.

Phân biệt tính chất bệnh tà

Tính chất tà khí khác nhau đều có thể phản ánh trên lưỡi. Ví dụ: Rêu vàng đa số chủ nhiệt tà, rêu trắng họat chủ hàn tà, rêu hủ nê (dơ) là thực tích đàm trọc, rêu vàng dày nê là thấp nhiệt. Lưỡi lệch là do phong tà, lưỡi có ứ ban ứ điểm là huyết ứ.

Phán đoán bệnh tình tiến triển

Màu rêu và chất rêu (thái sắc và thái chất) thường có những động thái biến hóa theo sự tiêu trưởng của tà chính và bệnh tính, đặc biệt trong ngoại cảm nhiệt bệnh nó biến hóa rất nhanh chóng. Trong nội thương tạp bệnh biến hóa của lưỡi cũng vậy nó phản ánh sự tiến triển của bệnh tình. Ví dụ: Rêu lưỡi trắng chuyển sang vàng thêm một bước nữa biến thành xám đen nói lên bệnh tà từ biểu nhập lý, bệnh từ nhẹ chuyển nặng, từ hàn chuyển nhiệt. Rêu lưỡi từ nhuận chuyển táo đa số do nhiệt dần thịnh mà thương tổn tân dịch. Nếu rêu từ dày sang mỏng từ táo sang nhuận thường nói lên bệnh đang lui dần, tân dịch đang hồi phục.

Nhưng trên lâm sàng cũng gặp nhiều tình huống đặc thù. Ví dụ: Có lúc bệnh nặng nhưng lưỡi không có nhiều biến đổi gì lớn, có lúc ở người bình thường mà rêu lại khác thường. Do đó khi xem lưỡi cũng rất cần tứ chẩn kết hợp thêm, phân tích mọi mặt mới có một chẩn đóan chính xác.

8.2 Quan hệ lưỡi và tạng phủ, nguyên lý của thiệt chẩn

Quan hệ với tạng phủ và nguyên lý

– Thứ nhất, quan hệ này chủ yếu thông qua sự tuần hoàn của kinh lạc và kinh cân. Ví dụ thủ thiếu âm tâm kinh kinh biệt đến lưỡi (thiệt thể).

Túc thái âm tỳ kinh liên hệ trực tiếp lưỡi, phân tán dưới lưỡi. Túc thiếu âm thận kinh kẹp (đi hai phía) lưỡi. Túc quyết âm can kinh lạc tới lưỡi… Hay ví dụ khác túc thái dương cân có nhánh đi vào lưỡi… Điều này nói lên lục phủ ngũ tạng thông qua kinh lạc kinh cân đều có liên hệ với lưỡi.

– Thứ hai, trong tạng phủ đặc biệt là tâm và tỳ vị quan hệ càng mật thiết vì lưỡi là khiếu của tâm (miêu khiếu) và là ngoại hầu của tỳ và rêu lưỡi là do vị khí hun chưng mà có.

Chất lưỡi có hệ thống mạch máu phong phú có quan hệ với tâm chủ huyết mạch. Lưỡi hoạt động linh hoạt điều tiết âm thanh, hình thành tiếng nói có liên quan đến tác dụng tâm chủ thần chí. Do đó lưỡi đầu tiên phản ánh trạng thái chức năng của tâm, mà tâm là đại chủ của ngũ tạng, chủ trạng thái chức năng khí huyết tạng phủ toàn thân do vậy trạng thái chức năng tâm cũng phản ánh chức năng trạng thái khí huyết, tạng phủ toàn thân. Qua đó có thể thấy bệnh của khí huyết tạng phủ tất nhiên thông qua tâm mà phản ánh ở lưỡi.

– Thứ ba, vị giác của lưỡi có thể ảnh hưởng đến ăn uống nên có quan hệ với tỳ chủ vận hoá và vị chủ thu nạp. Mà tỳ vị là hậu thiên chi bản là nguồn căn của khí huyết có ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể. Do vậy lưỡi không chỉ đơn giản phản ánh chức năng tỳ vị mà còn đại diện sự thịnh suy khí huyết tân dịch toàn thân. Và do tinh của lục phủ ngũ tạng đều qui tàng tại thận, thận là tiên thiên chi bản, kinh mạch của nó liên hệ tới lưỡi. Và do vậy có thể nói tinh khí của ngũ tạng lục phủ thông qua hậu thiên tỳ vị và tiên thiên thận tạng mà có liên hệ tới lưỡi và bệnh biến của ngũ tạng lục phủ đều có thể phản ánh trên lưỡi.

Phân bố tạng phủ trên mặt lưỡi: 

YHCT tích lũy kinh nghiệm trăm ngàn năm đã phát hiện tạng phủ không chỉ có quan hệ khăng khít với lưỡi mà còn phân bố tương ứng trên lưỡi. Phương pháp phân định có 2 cách: Thứ nhất lấy vị kinh để hoạch phân, thứ hai lấy ngũ tạng để hoạch phân.

xem lưỡi -vọng chẩn trong y học cổ truyền

– Lấy vị kinh phân chia như: Đầu lưỡi thuộc thượng quản, giữa lưỡi thuộc trung quản, gốc lưỡi thuộc hạ quản. Cách này phù hợp với chẩn đoán vị bệnh.

– Lấy ngũ tạng hoạch phân: Các học thuyết trong yhdt thường có những khác biệt nhưng tương đối thống nhất ý kiến là lấy đầu lưỡi thuộc tâm phế, rìa lưỡi thuộc can đởm, giữa (trung tâm) thuộc tỳ vị, bên trái thuộc can, bên phải thuộc đởm, gốc lưỡi thuộc thận.

Trên lâm sàng nên dùng rêu lưỡi chất lưỡi hợp tham.

8.3 Phương pháp thiệt chẩn và những điều chú ý

Khi khám lưỡi muốn thu được kết quả chuẩn xác thì ngoài việc nắm vững, thuần thục lý luận cơ bản và nội dung chủ yếu ra còn phải chú ý phương pháp khám và chú ý một số vấn đề sau.

Ánh sáng

Ánh sáng mạnh yếu có ảnh hưởng cực lớn tới màu sắc lưỡi, thường gây cho ta cảm giác khác nhau trên cùng một màu sắc, do đó dễ phát sinh sai biệt, cần phải xem lưỡi dưới ánh sáng tự nhiên, đủ sáng, tránh ánh sáng gay gắt. Nếu vào chiều tối thì có thể dùng đèn nhưng khi cần thiết phải kiểm tra lại vào sáng hôm sau. Tránh khám ở những nơi phản xạ ánh sáng màu như cửa kiếng… 

Tư thế

Thường thì yêu cầu bệnh nhân ngồi thẳng, há miệng hết sức, le lưỡi ra một cách tự nhiên. Lưỡi căng co hoặc cuộn, hoặc dùng sức quá mạnh, lâu đều ảnh hưởng đến tuần hoàn ở lưỡi và do đó sẽ xuất hiện giả tượng. Do vậy đối với một số bệnh nhân cần phải tập le vài lần để làm cho lưỡi bớt căng thẳng, đầu lưỡi hơi trút xuống.

Thứ tự

Nên tập thành thói quen xem lưỡi theo một thứ tự nhất định. Thường thì quan sát rêu lưỡi có hoặc không, dày hoặc mỏng, hư nê, sắc trạch, nhuận táo… kế đó quan sát chất lưỡi (thiệt thể) sắc trạch ban điểm, lão nộn, gầy béo và động thái… Về bộ vị thì xem từ đầu lưỡi đến gốc lưỡi

Ẩm thực

Ăn uống thường ảnh hưởng hình thái và sắc rêu. Do ăn hoặc thuốc có thể nhuộm màu rêu. Ví dụ uống sữa hoặc nhũ nhi rêu thường trắng. Đậu phộng, hột bí, các loại đậu, hồ đào có chứa nhiều dầu thực vật nên rêu thường vàng trắng giống nhau rêu hủ nê…

Mùa và thời gian

Lưỡi bình thường cũng hơi có sự thay đổi theo mùa và theo thời gian như: Mùa hè thử thấp thịnh nên rêu lưỡi thường dày hoặc màu vàng nhạt. Mùa thu táo rêu mỏng mà khô. Mùa đông rêu thấp nhuận. Sáng sớm đa số dày, ban ngày sau khi ăn rêu sẽ mỏng lại. Lưỡi sắc ám trệ khi mới thức khỏi giường. Sau khi vận động lưỡi sẽ hồng lại.

Tuổi tác và thể chất

Lưỡi biến đổi tùy theo tuổi và thể trạng từng người. Ví dụ người già khí huyết thường hư suy nên lưỡi thường hay nứt (liệt văn) nhú (gai lưỡi) cũng thường teo. Trẻ em thường hay mắc bệnh về lưỡi, xuất hiện mảng trắng hay rêu bong. Người mập lưỡi hơi to mà chất nhạt, người gầy lưỡi thường hay đỏ.

Cạo lưỡi và chùi (lau) lưỡi

Có lúc cần khảo sát bề mặt lưỡi nhuận táo và xem rêu bở hoặc chắc, có gốc (hữu căn) hay không gốc thì ta cần phối hợp cạo lưỡi hoặc chùi lưỡi. Phương pháp cụ thể là: Dùng cây đè lưỡi hoặc tăm bông vô trùng nhẹ nhàng vừa sức cạo từ gốc lưỡi ra, có thể liên tục 3 – 5 lần hoặc dùng gạc sạch quấn quanh ngón trỏ thấm chút nước muối sinh lý từ cuống lưỡi chùi ra đầu lưỡi 4 – 5 lần. Mục đích của phương pháp là để kiểm tra rêu lưỡi có dễ cạo hoặc chùi để lộ ra hình sắc trạch của lưỡi (chất) hay không và xem sự tái sinh sau đó của rêu ra sao…

8.4 Nội dung của thiệt chẩn

Gồm xem chất lưỡi và rêu lưỡi. Chất lưỡi còn gọi là thiệt thể, là tổ chức gồm mạch máu và cơ. Rêu là một lớp phủ bên trên chất lưỡi. Xem chất lưỡi là xem thần, sắc, hình, thái 4 phần. Xem rêu lưỡi là xem chất rêu và sắc rêu 2 phần. Sau cùng cần tổng hợp quan sát chất lưỡi và rêu.

Lưỡi bình thường gọi vắn tắt là “Đạm hồng thiệt, trắng mỏng rêu” (lưỡi hồng nhạt, rêu trắng mỏng). Nói cụ thể là chất lưỡi mềm mại vận động linh hoạt tự nhiên, màu sắc hồng nhạt là hồng tươi sáng, không bệu gầy lão nộn, không hình thái dị thường. Rêu lưỡi trắng các hạt nhỏ đều, phủ một lớp mỏng trên bề mặt lưỡi, chùi không đi, dưới nó có gốc, không khô không thấp, không dính không nê.

a) Vọng chất lưỡi

Thần của lưỡi (thiệt thần): Chủ yếu biểu hiện ở chất lưỡi vinh khô và linh họat.“Vinh” là vinh nhuận hồng hoạt, có sinh khí, sáng (quang thái) gọi đó là hữu thần, tuy có bệnh cũng là nhẹ. “Khô” là khô khốc cứng đờ, không chút sinh khí, mất đi quang trạch gọi là vô thần, đây là triệu chứng nặng

Thiệt sắc: Chủ bệnh về màu lưỡi có 5 loại

– Lưỡi nhạt trắng: So với lưỡi bình thường hồng nhạt thì nó nhạt hơn, thậm chí không còn màu máu, gọi là đạm bạch lưỡi. Do dương khí bất túc, chức năng sinh hóa âm huyết giảm, sức để thúc đẩy huyết dịch vận hành yếu nên huyết dịch không thể vận chuyển đầy đủ tới lưỡi nên có màu nhạt. Chủ hư chứng, hàn chứng và khí huyết lưỡng hư. Nếu nhạt trắng thấp nhuận mà lưỡi lại bệu nộn là dương hư hàn chứng. Nhạt trắng sang hoặc chất lưỡi gầy mỏng là thuộc khí huyết lưỡng hư

– Hồng thiệt (lưỡi đỏ) hơi đậm hơn lưỡi hồng nhạt, thậm chí màu đỏ tươi gọi là hồng thiệt. Do “Huyết đắc nhiệt tắc hành” nhiệt thịnh thì khí huyết sục sôi, mạch lạc lưỡi xung doanh nên màu đỏ tươi chủ nhiệt chứng. Nếu đỏ tươi mà mọc nhú gai hoặc kèm rêu vàng dầy thuộc nhiệt chứng. Nếu đỏ tươi mà ít rêu hoặc nứt hoặc đỏ nhẵn, không rêu là thuộc hư nhiệt chứng.

– Giang thiệt (đỏ thẫm): So với lưỡi đỏ càng đỏ hơn. Chủ bệnh có cả ngoại cảm và nội thương. Trong ngoại cảm bệnh nếu lưỡi đỏ thẫm hoặc có điểm đỏ, mọc gai là ôn bệnh nhiệt nhập dinh huyết. Trong nội thương tạp bệnh nếu đỏ thẫm ít rêu hoặc không rêu hoặc có nứt là âm hư hoả vượng. Ngoài ra còn có lưỡi đỏ thẫm ít rêu mà tân nhuận đa số là huyết ứ.

– Tử thiệt (lưỡi tím): Chủ bệnh có chia hàn nhiệt. Đỏ thâm tím (giang tử) mà khô ít tân thuộc nhiệt thịnh thương tân, khí huyết úng trệ. Nhạt tím hoặc xanh tím thấp nhuận là đa số do hàn ngưng huyết ứ.

– Thanh thiệt (lưỡi xanh): Lưỡi nổi màu gân xanh thiếu màu đỏ. Sách cổ hình dung như lưỡi trâu. Do âm hàn tà thắng dương khí uất mà không tuyên, huyết dịch ngưng mà ứ trệ nên lưỡi có màu xanh. Chủ hàn ngưng dương uất huyết ứ. Lưỡi xanh toàn bộ là hàn tà trực trúng can thận, dương uất không tuyên phát. Hai rìa lưỡi xanh hoặc miệng khô chỉ muốn súc miệng chứ không muốn uống nước là bên trong có huyết ứ.

Trong những màu lưỡi đã nêu trên nếu ít nhiều có chút xanh tím thì sắc lưỡi tất sẽ ám tối thì ít nhiều cũng có chút khí huyết ứ trệ.

b) Hình dạng lưỡi: Bao gồm bệu, gầy, lão nộn, trướng biến (lép kẹp) và 1 số hình dáng đặc thù. 

– Lão nộn: Lão là vân lưỡi to thô, hình sắc cứng cáp (kiên liễm) già nua, bất luận sắc gì đều thuộc thực chứng. Nộn (non) vân lưỡi nhỏ mịn hình sắc phù mập nõn nà thuộc hư chứng.

– Bệu đại: So với lưỡi thường thì to hơn khi le lưỡi đầy miệng gọi là bệu đại, đa số do thủy thấp, đàm ẩm trở trệ gây ra. Nếu lưỡi nhạt trắng bệu nộn, rêu lưỡi ướt (thủy hoạt) thuộc tỳ thận dương hư, tân dịch bất hoá (sinh) dẫn đến tích thủy đình ẩm. Nếu lưỡi nhạt hồng mà bệu đại kèm rêu vàng nê đa số là tỳ vị thấp nhiệt và đàm trọc tương bác (kết hợp nhau), thấp nhiệt và đàm ẩm thượng dật (tràn) gây ra.

– Thũng (sưng) trướng: Thiệt thể sưng to đầy miệng thậm chí không thể khép miệng được, không thể rụt lại gọi là thũng trướng thiệt. Có 3 nguyên nhân gây ra. Thứ nhất là do tâm tỳ có nhiệt, huyết lạc nhiệt thịnh mà khí huyết thượng ung, lưỡi đa phần sẽ đỏ và sưng có thể kèm đau. Thứ hai là ở người nghiện rượu lại mắc ôn nhiệt bệnh, tà nhiệt kèm tửu độc thượng ung, đa số lưỡi tím mà sưng. Thứ ba là do trùng độc gây ra huyết dịch ngưng trệ, lưỡi sẽ sưng to mà tím tối, cũng có thể do tiên thiên huyết lạc vùng lưỡi ứ tắc dẫn đến lưỡi tím mà sưng to như u mạch máu lưỡi.

– Gầy mỏng (sấu bạc): Chất lưỡi gầy nhỏ mỏng. Hầu hết là do khí huyết âm dịch bất túc, không thể sung doanh thiệt thể gây ra. Do đó loại lưỡi này chủ khí huyết lưỡng hư và âm hư hoả vượng. Gầy mỏng mà sắc nhạt đa số khí huyết lưỡng hư, gầy mỏng mà màu đỏ thẫm khô táo đa số là âm hư hoả vượng, tân dịch hao thương.

– Điểm thích (mọc gai, tưa): Điểm là trên bề mặt lưỡi nổi những điểm (tinh điểm) màu đỏ hoặc trắng hoặc đen. Cuốn Thiệt giám biện chứng gọi là “Hồng tinh thiệt”. Thích là những nhú gai mọc trên bè mặt lưỡi (những hạt nhỏ mềm) to đầu và hình thành chóp nhọn, phía trên như cái gai rờ ráp tay. Điểm thích thường xuất hiện ở đầu và rìa lưỡi. Nếu trên bề mặt lưỡi có những đám (mảng), lớn nhỏ không đều, hình dạng khác nhau, màu xanh tím hoặc tím đen không nhô cao khỏi bề mặt lưỡi gọi là ứ ban.

Bất luận hồng điểm, hắc điểm hoặc bạch điểm đều do nhiệt độc tích thịnh, nhập huyết phần gây ra. Chẳng qua hồng điểm thường chủ ôn độc nhập huyết hoặc nhiệt độc thừa tân hoặc thấp nhiệt uẩn tại huyết phần. Bạch điểm do tỳ vị khí suy mà lại bị nhiệt độc công là hiện tượng báo trước của lở loét lưỡi. Hắc điểm đa số nhiệt trong huyết nặng mà khí huyết úng trệ.

Nếu thấy ứ ban thì trong ngoại cảm bệnh là nhiệt nhập dinh huyết, khí huyết úng trệ hoặc sắp phát ban. Trong nội thương tạp bệnh đa số là triệu chứng của huyết ứ.

– Lưỡi mọc gai là nhiệt tà nội kết gây ra. Bất luận nhiệt ở thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu, bất luận tại khí phần hoặc dinh phần đều thuộc tà nhiệt kháng thịnh. Gai (mang thích) mà rêu lưỡi vàng cháy là khí phần nhiệt cực (độ). Lưỡi đỏ thẫm (giang) không rêu mà mọc gai là nhiệt nhập dinh huyết, âm phần đã tổn thương. Dựa vào vị trí mọc gai còn có thể phân biện nhiệt ở tạng nào. Ví dụ: Đầu lưỡi mọc gai là tâm hoả kháng thịnh, giữa lưỡi mọc gai là vị trường nhiệt thịnh…

– Lưỡi nứt: Bề mặt lưỡi xuất hiện nhiều đường nứt (ít nhiều khác nhau, nông sâu khác nhau) các hình dạng nứt gọi là lưỡi nứt. Có thể sâu như dao cắt, có đường ngang ngắn nhỏ, có đường dọc cắt nhau và đan nan quạt… đều thuộc âm huyết hư suy không thể vinh nhuận bề mặt lưỡi. Do đó loại này chủ 3 loại bệnh chứng: Thứ nhất là nhiệt thịnh thương tâm; thứ hai là huyết hư bất nhuận; thứ ba là tỳ hư thấp xâm (nhập). Lưỡi đỏ thẫm mà nứt đa số là nhiệt thịnh thương tâm hoặc âm hư dịch kiệt; nhạt trắng mà nứt là huyết hư bất nhuận. Nếu nhạt trắng bệu nộn rìa có dấu răng lại có vết nứt thì thuộc tỳ hư thấp xâm.

– Quang hoạt: Mặt lưỡi sạch bóng như kiếng, trơn (quang hoạt) không rêu gọi là quang hoạt, cũng gọi là “Kính diện thiệt”. Chủ yếu do vị âm khô kiệt, vị khí đại tổn thương dẫn đến không thể sinh phát rêu. Rêu lưỡi như mặt kiếng, bất luận màu sắc lưỡi ra sao đều thuộc vị khí gần tuyệt. Nếu nhạt trắng mà quang hoạt là tỳ vị tổn thương khí huyết lưỡng hư đã đến cực điểm. Nếu đỏ thẫm mà quang hoạt là thủy kiệt hoả viêm thượng, vị thận âm dịch khô kiệt.

– Dấu răng: Dấu răng xuất hiện ở 2 rìa lưỡi, do lưỡi to đè lên răng mà có, thường xuất hiện cùng với lưỡi bệu. Do tỳ hư không thể vận hoá thủy thấp nên chất lưỡi bệu làm cho lưỡi có dấu răng, chủ tỳ hư và thấp thịnh. Nếu nhạt trắng mà thấp nhuận là hàn thấp úng thịnh, nhạt đỏ mà có dấu răng là do tỳ hư hoặc khí hư.

– Trùng thiệt: Mạch máu dưới lưỡi sưng giống như một cái lưỡi nhỏ. Nếu 2 hoặc 3 chỗ huyết lạc sưng to gọi là liên hoa thiệt. Chủ yếu do tâm kinh hỏa nhiệt theo kinh thượng xung mà gây ra. Do đó chủ bệnh là tâm hỏa hoặc ngoại tà dẫn dộng tâm hoả, thường gặp ở trẻ em.

– Thiệt nục: Xuất huyết trên lưỡi gọi là thiệt nục đa số do tâm kinh nhiệt thịnh bức huyết vọng hành gây ra. Nhưng cũng có thể do phế vị nhiệt thịnh hoặc can hoả, hoặc do tỳ hư bất thống huyết gây ra. Do đó chủ bệnh là tâm hoả, vị nhiệt, can hoả, tỳ hư hoặc dương phù.

– Thiệt ung: Lưỡi mọc ung nhọt đỏ sưng lan xuống hàm dưới và cứng đau, thường do tâm kinh hoả nhiệt kháng thịnh gây ra. Nếu mọc ở dưới lưỡi đa số do tỳ thận tích nhiệt hao tân chước dịch gây ra.

– Thiệt đinh: Mọc bọc máu màu tím to bằng hạt đậu gốc cứng kèm đau gọi là thiệt đinh, đa số do tâm tỳ hoả độc gây ra.

– Thiệt sang: Vết lở loét to như hạt gạo, phân tán trên dưới lưỡi rất đau. Nếu do tâm kinh nhiệt độc thượng ung mà thành thì vết loét nhô lồi cao khỏi lưỡi mà đau. Nếu do hạ tiêu âm hư hỏa thượng phù mà thành thì vết loét lõm mà không đau.

– Thiệt khuẩn: Lưỡi mọc thịt dư (ác nhục) đầu tiên nhỏ như hạt đậu, dần to ra, đầu lớn chân nhỏ giống như bông cải hoặc mào gà (kê quan) da đỏ chảy dịch rất hôi, cực đau, hạn chế ăn uống, vì hình dạng nó như cái nấm nên có tên gọi như trên. Đa số do tâm tỳ uất hỏa, khí kết hỏa viêm (thượng) mà ra. Lở loét đa số thuộc ác hầu (triệu chứng ác tính). Nếu mọc rất chậm không loét không đau thì dự hậu tương đối tốt.

– Lạc mạch dưới lưỡi: Uốn cong lưỡi lên, 2 bên gân lưỡi tương đương huyệt kim tân ngọc dịch, có thể nhìn thấy 2 đường lạc mạch lờ mờ màu xanh tím. Ở Người bình thường lạc mạch hơi to thô, không có phân nhánh hoặc ứ điểm. Nếu dưới lưỡi có rất nhiều những bao nhỏ xanh tím hoặc tím đen, đa số là can thất sơ tiết ứ huyết trở lạc. Nếu lạc mạch xanh tím mà to căng (thô trương) ý nghĩa cũng giống như lưỡi xanh tím hoặc đàm nhiệt nội trở hoặc hàn ngưng huyết ứ. Tóm lại lạc mạch dưới lưỡi xanh tím căng phồng là khí trệ huyết ứ gây ra.

c) Hình thái lưỡi

– Cường ngạnh (cứng): Lưỡi cứng đỏ, vận động không linh hoạt gây nói khó, gọi là thiệt cường, có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là ngoại cảm nhiệt bệnh, nhiệt nhập tâm bào, nhiễu loạn tâm thần làm cho thiệt vô chủ tải (nghĩa là lưỡi không có chủ chỉ huy). Đồng thời do sốt cao thương tân dịch, làm cho cân mạch thất dưỡng nên lưỡi mất đi sự linh hoạt mềm mại. Thứ hai là trong nội thương tạp bệnh do can phong kèm đàm trở tắc lạc đạo liêm tuyền (huyệt), hoặc can dương thượng kháng, phong hoả thượng công, cân mạch mất nhu dưỡng gây ra. Do đó chủ bệnh là nhiệt nhập tâm bào, sốt cao thương tân, đàm trọc nội trở, trúng phong hoặc tiền triệu trúng phong. Do nhiệt thượng chất lưỡi đa số là thẫm đỏ. Do đàm trọc lưỡi bệu rêu dầy dơ, thuộc trúng phong lưỡi đa số nhạt hồng hoặc xanh tím.

– Nuy nhuyễn: Chất lưỡi nhuyễn nhược không sức le ra, nuy phế (liệt teo, tàn phế) không linh hoạt, đa số do khí huyết hư, âm dịch hư tổn, cân mạch thất dưỡng gây ra. Do đó chủ bệnh gồm khí huyết đều hư, âm hư cực, nhiệt chước tân dịch. Bệnh lâu lưỡi nhạt mà nuy (teo liệt) đa phần là khí huyết đều hư. Bệnh mới lưỡi khô đỏ mà nuy là nhiệt thương chước tân. Bệnh lâ lưỡi đỏ thẫm mà nuy là âm hư cực độ.

– Lưỡi run (chiến động): lưỡi run không thể tự chủ, nguyên nhân không ngoài hư tổn và động phong. Do khí huyết lưỡng hư, vong dương thương tân làm cho cân mạch thất ôn dưỡng và nhu nhuận nên lưỡi run, hoặc do nhiệt cực tân thương mà động phong. Bệnh lâu lưỡi run nhẹ là khí huyết lưỡng hư hoặc dương hư. Ngoại cảm nhiệt bệnh cũng do nhiệt cực sinh phong hoặc ngộ độc rượu.

– Lưỡi lệch: Lưỡi le ra lệch về một bên, đa số do phong tà trúng lạc hoặc phong đàm trở lạc gây ra.

– Thổ lộng: Lưỡi le ra ngoài gọi là thổ thiệt, lưỡi hơi le ra lập tức thụt lại hoặc cứ liếm trên dưới phải trái (trong miệng) không nghỉ gọi là lộng thiệt, cả 2 đều do tâm tỳ kinh nhiệt. Tâm nhiệt tắc động phong, tỳ nhiệt tắc tân hao dẫn đến cân mạch co cứng thiệt thể (lưỡi) gặp ở dịch độc công tâm hoặc chính khí đã tuyệt thường kèm lưỡi tím. Lộng thiệt đa số gặp ở triệu chứng báo trước của động phong hoặc trẻ em trí năng phát triển chậm.

– Lưỡi ngắn: Không thể le ra, bất luận do hư hoặc thực đều thuộc chứng hầu nghiêm trọng. Có 4 nguyên nhân gây lưỡi ngắn. Thứ nhất, do hàn ngưng cân mạch nên lưỡi đa số là nhạt trắng hoặc xanh tím mà thấp nhuận. Thứ hai, do đàm trọc nội trở, lưỡi thường bệu mà rêu dính nê. Thứ ba, do nhiệt thịnh thương tân động phong lưỡi thường đỏ thẫm mà khô. Cuối cùng, do khí huyết đều hư nên lưỡi nhạt trắng bệu nộn.

– Thiệt túng: Lưỡi le dài ra nhưng rụt lại rất khó khăn hoặc có thể không thụt vào được gọi là thiệt túng (túng = phóng túng). Đa số do do các cơ lưỡi giãn gây ra. Nếu sắc lưỡi đỏ thẫm, thể lưỡi trướng mãn, hình lưỡi cứng khô là thực nhiệt nội cứ (chiếm cứ), đàm hỏa nhiễu tâm. Nếu thể lưỡi to mà tê mất cảm giác là chứng khí hư. Phàm le không thể rụt lại được mà lưỡi khô, không rêu đa số là triệu chứng nguy kịch; le mà không rụt được, lưỡi tân nhuận là triệu chứng nhẹ.

– Lưỡi tê (ma tý): Lưỡi có cảm giác tê mà vận động kém linh hoạt, đều do dinh huyết không thể thượng vinh đến lưỡi gây ra. Chủ bệnh huyết hư can phong nội động hoặc phong khí kẹp đàm.

d) Vọng rêu lưỡi

Sắc rêu: Sắc rêu chủ bệnh gồm trắng, vàng, xám, đen 4 loại. Những màu ít thấy còn có xanh lục và màu nấm (meo) tương.

– Rêu trắng: Thường gặp trong biểu chứng, hàn chứng. Do ngoại cảm tà khí vẫn chưa nhập lý, rêu thường không có biến đổi rõ rệt vẫn là rêu bình thường mỏng trắng. Trong Thương hàn thái dương bệnh, ôn bệnh giai đoạn vệ phần cũng biểu hiện loại rêu này. Nếu lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng mà thấp nhuận thường là lý hàn chứng hoặc hàn thấp chứng. Nhưng ở trong những tình huống đặc biệt, rêu lưỡi trắng cũng chủ nhiệt bệnh. Ví dụ rêu lưỡi trắng như lớp bột trắng sờ không khô là “Tích phấn thái” là do ngoại cảm uế trọc khí, hoặc nhiệt độc nội thịnh gây ra, thường gặp trong ôn dịch hoặc nội ung. Lại ví dụ rêu trắng khô nứt như cát sạn sờ thô ráp đều do ôn bệnh hoá nhiệt rất nhanh, nội nhiệt bạo khởi, tân dịch bạo thương, rêu lưỡi vẫn chưa kịp chuyển vàng mà lý nhiệt đã tích, thường gặp trong ôn bệnh hoặc do uống lầm thuốc bổ.

– Rêu vàng: Thường chủ lý chứng, nhiệt chứng. Do nhiệt tà hun chước nên rêu vàng. Vàng nhạt là nhiệt nhẹ, vàng đậm là nhiệt nặng, vàng cháy là nhiệt kết. Bệnh ngoại cảm rêu chuyển từ trắng sang vàng là biểu tà nhập lý hoá nhiệt. Trong thương hàn là dương minh kinh bệnh, trong Ôn bệnh là khí phần chứng. Nhưng rêu mỏng vàng nhạt cũng thường gặp ở ngoại cảm phong nhiệt biểu chứng hoặc phong hàn hóa nhiệt. Nếu lưỡi nhạt bệu nộn, rêu vàng hoạt nhuận đa số là dương hư thủy thấp bất hóa.

– Rêu xám: Là đen nhạt thường do rêu trắng ám tối chuyển hóa mà thành cũng có thể xuất hiện cùng rêu vàng. Chủ lý chứng thường gặp ở lý nhiệt chứng, cũng có thể gặp trong hàn thấp chứng. Rêu xám mà khô thuộc nhiệt tích thương tân, cũng có thể gặp ở ngoại cảm nhiệt bệnh hoặc âm hư hoả vượng trong nội thương tạp bệnh. Rêu xám mà nhuận gặp ở đàm ẩm nội đình hoặc hàn thấp nội trở.

– Rêu đen: Đa số do xám hoặc vàng cháy phát triển mà thành thường gặp trong giai đoạn nghiêm trọng của dịch bệnh. Chủ lý chứng hoặc là nhiệt cực hoặc hàn thịnh. Rêu đen mà khô nứt thậm chí mọc gai đa số là nhiệt cực tân khô. Nếu rêu đen mà hoạt nhuận đa số thuộc hàn thịnh dương hư.

– Rêu màu lục và màu nấm mốc tương: Rêu lục do rêu trắng chuyển thành, bất luận xanh nhạt hoặc thẫm ý nghĩa của nó đều giống rêu xám đen nhưng chỉ chủ nhiệt chứ không chủ hàn, thường thấy trong ôn dịch hoặc thấp ôn bệnh. Rêu nấm mốc là màu rêu vừa hơi đỏ vừa đen (hồng trung phát hắc) còn kèm cả màu vàng giống như nấm mốc tương, thường do vị trường có thấp trọc trước, ủ tích lâu ngày mà thành, chủ bệnh thấp nhiệt cửu uất…

Chất rêu

– Dầy mỏng: Tiêu chuẩn phân định dày mỏng là có thể xem thấy hoặc không thấy chất lưỡi ở dưới rêu hay không, tức là thấu qua lớp rêu có thể mờ mờ nhìn thấy thiệt thể là rêu mỏng, nhìn không thấy là rêu dày. Rêu dày mỏng có thể đoán tà khí nông sâu.

Rêu mỏng là do vị khí sinh ra, là rêu bình thường. Nếu khi bệnh mà gặp nó thì thuộc bệnh nông nhẹ, chính khí chưa tổn thương, tà khí không thịnh. Do vậy rêu mỏng chủ ngoại cảm biểu chứng, hoặc bệnh nhẹ trong nội thương.

Rêu dày là do vị khí kèm thấp trọc tà khí hun chưng mà có nên rêu dày, chủ tà thịnh nhập lý hoặc bên trong có đàm ẩm thấp thực tích trệ.

– Nhuận táo: Bề mặt lưỡi nhuận trạch không khô không ướt là lưỡi bình thường. Nếu thủy phần quá nhiều, sờ ướt và trơn thậm chí chảy dãi khi le lưỡi gọi là rêu hoạt (hoạt thái), nhìn thấy khô, sờ không có tân dịch là rêu khô (táo thái) thậm chí có những hạt nhỏ thô ráp như cát sạn sờ ráp tay.

Nhuận táo để tìm hiểu tình hình tân dịch biến hóa.

Nhuận trạch là tân dịch thấm nhuần nói lên khi bệnh tân dịch chưa tổn thương. Rêu hoạt là do hàn thấp, do tam tiêu dương khí suy thiểu không thể vận hoá thủy thấp, thấp tụ lại mà thành đàm ẩm, theo kinh mạch thượng dật ở rêu nên rêu ướt trơn (thủy hoạt), thường gặp trong dương hư mà đàm ảm thủy thấp nội đình.

Can táo (khô) là tân dịch không thể thấm nhuần, rêu hoặc do nhiệt thịnh thương tân, hoặc do âm dịch khuy hao, cũng có thể do dương hư khí hoá không tốt nên tân dịch không lên trên được, hoặc do táo khí thương phế. Do vậy táo rêu chủ bệnh là: nhiệt thịnh thương tân, âm dịch khuy hao, dương khí bất hóa tân, táo khí thương phế. Rêu thô thuộc nhiệt thịnh tân thương là đa số, nhưng trong vài tình huống đặc biệt thì rêu thấp tà lại táo mà rêu nhiệt tà lại nhuận, ví dụ thấp tà truyền nhập huyết phần, dương tà nhập âm chưng động âm khí nên rêu lại nhuận. Nên phối hợp tứ chẩn hợp tham để phân biệt kỹ.

– Hủ nê (nhị) rêu: Chất rêu gồm những hạt rời rạc to dày, hình dáng giống như xác đậu nành tập trung trên bề mặt lưỡi, có thể lau sạch gọi là hủ thái (rêu). Nếu màu rêu tối, ám dơ gọi là: “Phù cáu thái”. Nếu trên lưỡi có một lớp dày dính giống như mủ gọi là: “Nùng hủ thái”. Nếu trên lưỡi có 1 lớp màng trắng, hoặc xuất hiện những điểm lở lóet giống như những hạt cơm thì gọi là; “Mai hủ thái”. Những hạt nhỏ của chất rêu phân bố dày đặc lau không đi, cạo không tróc, trên mặt phủ 1 lớp giống như dầu dơ gọi là: “Nê thái”. Những hạt dày đặc dính phía trên phủ 1 lớp cáu trọc (dơ) họat nê gọi là: “Niêm nê thái”. Nếu các hạt không sạch, cáu trọc xen lẫn gọi là: “cáu thái” hoặc “trọc thái”

Quan sát hủ nê có thể biết sự tiêu trưởng dương khí hoặc thấp trọc tiêu trưởng

+ Rêu hủ đa số do dương nhiệt hữu dư chưng đằng hủ trọc tà khí trong vị thượng thăng mà thành, đa số gặp trong thực tích đàm trọc, cũng có thể gặp trong nội ung hoặc lở miệng do thấp nhiệt. Thường trong quá trình bệnh nếu rêu từ khô cứng (bản trệ) chuyển sang hủ (hóa hủ), từ hủ dần thóai lui, mọc lên 1 lớp rêu mới (phù mỏng) đây là rêu của chính thắng tà. Nếu phế ung, can ung và hạ cam kết độc thì rêu nùng hủ, đây là tà thịnh, bệnh nặng. Mai hủ rêu cũng do vị quản dơ (hủ bại), tân dịch hoá thành trọc hư thượng phiếm gây ra

+ Nê rêu đa số do thấp trọc nội uẩn, dương khí bị che lấp (khiết) gây ra do đó nó chủ bệnh gồm thấp trọc, đàm ẩm, thực tích, thấp nhiệt, ngoan (ngoan cố) đàm… Phàm rêu vàng dày nê đa số do đàm nhiệt, thấp nhiệt, thử ôn, thấp ôn, thực trệ và cả thấp đàm nội kết, phủ khí không thông (bất lợi)… Nếu rêu trắng họat nê thì là thấp trọc, hàn thấp. Nếu dày nê không hoạt trắng như phấn đa số do thời tà kèm thấp phát từ trong ra. Nếu trắng nê không táo đa số là tỳ hư thấp trọng. Nếu trắng dày dính nê, miệng có vị ngọt thì vẫn là tỳ vị thấp nhiệt, khí tụ thượng phiếm gây ra

Tóm lại rêu hủ là dương nhiệt hữu dư, rêu nê là dương khí bị khiết

– Thiên toàn rêu: Rêu lưỡi phân bố đầy mặt lưỡi gọi là “Toàn”. Phân bố 1 bên hoặc trước hoặc sau, phải trái, trong ngoài một phía gọi là “Thiên”. Xem rêu phân bố thiên toàn có thể biết bệnh biến tại đâu.

Toàn rêu chủ tà khí tản mạn đa số là chứng thấp đàm trở trệ trung tiêu.

Thiên ngoại rêu (đầu lưỡi tính là ngoài) là tà khí nhập lý chưa sâu mà vị khí tổn thương trước. Thiên nội rêu (gốc lưỡi gọi là nội) là biểu tà tuy giảm nhưng vị trệ đã xuất hiện. Nếu vùng giữa gốc ít rêu là vị dương không thể thượng đằng, thận âm không thể thượng nhu, âm tinh khí đều thương tổn. Nếu chỉ có rêu ở vùng giữa (trung căn) có thể là bình nhật có đàm ẩm hoặc vị trướng tích trệ.

Rêu lưỡi thiên về phía phải trái là tà ở bán biểu bán lý. Vì rìa lưỡi thuộc can đởm nên bệnh biến bán biểu bán lý nhiều, hoặc do can đởm thấp nhiệt… Nhưng Biện thiệt chỉ nam cho rằng: Thiên tả (trái) hoạt rêu là chứng tạng kết, là tà đã nhập tạng, đây là bệnh trạng khó chữa nhất. Thiên hữu hoạt rêu là bệnh tại cơ nhục, tà tại bán biểu bán lý. Cần tham khảo điều này thêm trên lâm sàng vì thiếu sự kiểm chứng thực tiễn.

– Bác lạc rêu: Rêu lưỡi toàn bộ mất đi để lại mặt lưỡi bóng sạch như mặt kiếng gọi là quang bác lưỡi, cũng gọi là “Kính diện lưỡi”. Nếu rêu bóc không toàn bộ, chỗ bóc lộ ra quang hoạt ranh giới rõ gọi là “Hoa bác rêu”. Không đều gọi là “Rêu địa đồ”. Xem bác lạc rêu để biết tình hình vị khí vị âm tồn vong và dự hậu bệnh.

Quang bác (bóc, bong) lưỡi chủ bệnh đã nêu trên. “Hoa bác rêu” cũng là vị khí âm lưỡng thương gây ra. Nếu hoa bác mà rêu nê đa số do đàm trọc chưa hóa, chính khí đã thương, bệnh tình càng phức tạp. Nếu rêu “loại bác” (loại là giống như, loại này là chỗ bong ra không quang hoạt mà giống như có các hạt mới sinh ra rêu mới) bệnh hậu khí huyết hư. Nếu rêu dày mà ở giữa bong hoặc có dấu nứt hoặc có một điểm lõm xuống, phía dưới màu đỏ khô, nên đề phòng dịch thoát trung kiệt (trung khí)

– Tiêu trưởng: Tiêu là rêu từ dày chuyển sang mỏng, từ nhiều chuyển sang ít. Trưởng là rêu từ không chuyển sang có, từ mỏng chuyển sang dày. Rêu tiêu trưởng phản ánh quá trình đấu tranh của chính tà, có thể dự đoán sự tiến triển của bệnh và dự hậu.

Phàm là rêu từ ít chuyển sang nhiều, từ mỏng chuyển sang dày, nghĩa là tà khí dần thịnh, chủ bệnh đang tiến triển (xấu). Ngược lại rêu từ dày chuyển sang mỏng, từ nhiều sang ít nói lên chính khí dần khôi phục, chủ bệnh thoái (lui). Nếu bạo tăng bạo thoái (rêu) đa số là tình hình bạo biến. Nếu rêu mỏng biến dày (đột ngột) nghĩa là chính khí bạo suy, tà khí nhập lý rất nhanh. Nếu rêu dày đầy lưỡi mà đột nhiên tiêu thoái nhanh đa số phản ánh vị khí bạo tuyệt. “Sát thiệt biện chứng tân pháp” gọi tình trạng rêu lưỡi dần tiêu thoái là “Chân thoái chân hóa”, nghĩa là do hoá mà sau đó thoái, sau khi thoái sẽ dần dần sinh ra rêu mới trắng mỏng. Đây là hiện tượng báo trước vị khí dần hồi phục, cốc khí dần tiến (bắt đầu ăn được). Ngược lại đột nhiên thoái mất là “Giả thoái”, đột nhiên mất đi mà không sinh ra rêu mới được và dẫn đến xuất hiện lưỡi mặt kiếng, đây là triệu chứng ác tính của vị khí âm suy kiệt. Trường hợp nhiều chỗ bong tróc hình thành rêu “Hoa bác” cũng không phải là hiện tượng tốt, vẫn là nghịch chứng. Một loại khác là rêu dày đầy miệng đột nhiên thoái mất và trên mặt lưỡi vẫn còn lưu lại dấu vết dơ hoạt, hoặc xuất hiện những điểm đỏ như chu sa, hoặc thấy nứt thì sau 1 – 2 ngày sau sẽ tiếp tục có rêu dày. Đây là do thấp trọc tà thịnh, tà chính đang đấu tranh.

– Chân giả rêu: Phán đoán rêu chân giả cần dựa vào tiêu chuẩn có hoặc không có căn (gốc). Phàm là rêu lưỡi chắc dính chặc vào mặt lưỡi, khó cạo đi, cảm tưởng như rêu được mọc (xuất) từ chất lưỡi gọi là “Hữu căn rêu” thuộc “Chân” rêu. Nêu không chắc giống như bôi phết trên lưỡi, cạo dễ tróc, cảm giác không mọc từ chất lưỡi gọi là “Vô căn” rêu, tức là “Giả” rêu. Biện chân giả rêu để đoán biết nặng nhẹ và dự hậu.

+ Chân rêu: Bệnh sơ khởi hoặc giai đoạn giữa của bệnh, rêu hữu căn so với vô căn là bệnh ở sâu, bệnh nặng. Giai đoạn sau rêu hữu căn so với vô căn là tốt, vì vị khí vẫn còn tồn tại. Nếu bề mặt lưỡi phủ một lớp rêu dày nhìn giống rêu vô căn nhưng kỳ thực phía dưới đã mọc một lớp rêu mới. Đây là hiện tượng tốt bệnh đang có chiều hướng giảm, khỏi.

+ Giả rêu: xem giả rêu cần chú ý 3 điều. Thứ nhất, lúc sáng sớm mới thức rêu phân bố dày đặc, sau khi ăn sáng rêu sẽ mất đi, tuy là giả rêu nhưng không phải thuộc loại vô căn, đây không phải là bệnh, nếu sau khi thoái mà rêu ít hoặc không rêu là lý hư. Thứ hai, có loại rêu có màu cạo dễ tróc là bệnh nhẹ nông, nếu lau chùi mà tróc là bệnh càng nhẹ và nông hơn. Thứ ba, rêu dày một đám mà vô căn, phía dưới không thể tiếp tục mọc một lớp rêu mới là do trước vốn còn vị khí và sau đó vị khí suy thiếu, không thể đi lên sinh ra rêu. Đa số do uống nhiều thuốc lương dược thương tổn dương hoặc uống quá nhiều nhiệt dược thương âm gây ra.

8.5 Tổng hợp chẩn sát rêu lưỡi và chất lưỡi

Bệnh tật là một quá trình diễn biến phức tạp, bệnh lý biến hóa của cơ thể cũng là một biến hóa phức tạp mang tính chỉnh thể, do đó khi phân biệt nắm vững những biến hóa căn bản và chủ bệnh của chất lưỡi và rêu lưỡi, đồng thời cũng cần chú ý đến mối quan hệ tương hỗ giữa chất lưỡi và rêu lưỡi và nên kết hợp cả hai để tiến hành phân tích, nghĩa là cần phân chia rêu và chất và cũng cần tổng hợp lại xem nó ra sao.

Thường thì xem chất lưỡi nặng ở biện chứng sự thực hư của chính khí, đương nhiên cũng bao gồm tính chất của tà khí. Xem rêu lưỡi thì chú trọng ở biện biệt tà khí nông sâu và tính chất của nó, đương nhiên cũng bao gồm cả sự tồn vong của vị khí. Như “Y môn bổng hát – Thương hàn luận bản chỉ” có nói: Xem chất lưỡi để biết âm dương hư thực, thẩm rêu lưỡi tức là tìm biết tà khí hàn nhiệt nông sâu. Ngoài ra còn nói xem huyết bệnh là xem chất lưỡi, xem khí bệnh là xem rêu lưỡi.

Bình thường thì sự biến hóa của chất lưỡi và rêu lưỡi là thống nhất, chủ bệnh của nó thường là tổng hợp cả hai. Ví dụ trong có thực nhiệt đa số lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng khô. Bệnh thuộc hư hàn thì lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng mà hoạt. Nhưng cũng thường có xuất hiện sự biến hóa rêu và chất không thống nhất, lúc này cần vận dụng tứ chẩn hợp tham để tổng hợp phán đoán. Ví dụ rêu lưỡi trắng thường là chủ hàn chủ thấp, nhưng lưỡi đỏ thẫm kèm rêu trắng khô đa số thuộc táo nhiệt thương tân, do táo khí hoá hoả rất nhanh nên màu rêu chưa thể hiện chuyển vàng được mà bệnh đã chuyển vào giai đoạn dinh phần rồi. Hay ví dụ khác, rêu tích trắng như phấn cũng chủ nhiệt tà tích thịnh và không phải chủ hàn, còn có rêu xám đen có thể chủ nhiệt chứng cũng có thể chủ hàn chứng. Những điều này cần phối hợp tứ chẩn hợp tham mới có thể chẩn đoán. Cũng có lúc rêu và chất chủ bệnh có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng trên thực tế cũng là sự tổng hợp của cả hai, ví dụ lưỡi đỏ thẫm mà kiêm rêu trắng hoạt nê thì trong ngoại cảm bệnh thuộc dinh phần có nhiệt, khí phần có thấp, trong nội thương bệnh đa số số là âm hư hỏa vượng mà lại có đàm trọc thực tích. Đây là những điều cần phối hợp thực tế lâm sàng phân tích cụ thể linh hoạt quyền biến. Dưới đây là một số tình huống thường gặp trên lâm sàng, sẽ giúp lý giải những nội dung cơ bản của thiệt chẩn.

Lưỡi nhạt trắng kiêm các màu hoặc rêu

– Lưỡi nhạt trắng rêu trắng trong: Màu lưỡi nhạt rêu trắng mỏng mà trong, trắng nhạt mà bóng trơn giống rêu mà như không rêu. Đây là do trung dương bất vận (dương khí trung tiêu = tỳ) thủy thấp chi khí thượng tư gây ra nên nó chủ tỳ vị hư hàn.

– Lưỡi trắng nhạt, rêu trắng khô hoặc rêu khô như sạn cát: Cái trước là dương hư tân khuy, tà nhiệt trệ ở trung tiêu gây ra nên nó chủ tỳ vị nhiệt trệ. Cái sau là tân dịch khô kiệt, tà nhiệt nội kết gây ra nên chủ nhiệt kết tân thương.

– Lưỡi nhạt trắng rêu vàng nứt: lưỡi nhạt mà rêu vàng nhạt phân bố đầy lưỡi, hoặc dày hoặc mỏng mà có vết nứt, tân dịch hơi khô (trên lưỡi) thỉnh thoảng có thể gặp hoạt nhuận. Cái trước là do tố thể hư nhược khí tân song suy phù nhiệt thượng nhiễu gây ra chủ khí hư tân thiểu, cái sau là khí hư kèm thấp trọc thượng dật gây ra, chủ khí hư tân thiểu kèm thấp.

– Lưỡi nhạt trắng rêu đen: rêu đen táo khô như gai (thích), cạo là bong, đây là dương hư không thể vận chuyển tân dịch gây ra chủ dương hư hàn thịnh.

Lưỡi nhạt đỏ và các màu khác của rêu

– Lưỡi nhạt đỏ rêu quang doanh: Lưỡi nhạt đỏ mà nộn, sáng, không rêu, không khô không ẩm vẫn là vị khí âm bất túc, thường gặp trong vị thận âm hư hoặc khí huyết lưỡng hư.

– Lưỡi nhạt đỏ rêu thiên trắng hoạt: Lưỡi nhạt đỏ bên trái có một dải rêu trắng hoạt, những chỗ khác quang sạch không rêu, đây là can đởm thấp nhiệt hoá táo thương âm gây ra, nên chủ bệnh là tà nhập bán biểu bán lý, hoặc bệnh tại can đởm thấp trọc hoá táo thương âm, hoặc âm hư mà vị đình túc.

– Lưỡi nhạt đỏ có nhiều nốt đỏ, rêu trắng nê khô: Lưỡi nhạt đỏ mà đầu, rìa lưỡi có những nốt đỏ, rêu trắng nê mà khô, đây là do huyết nhiệt nội uẩn mà bên ngoài lại cảm thụ phong hàn gây ra, nên nó chủ bệnh là phong hàn ngoại thúc nhiệt uẩn dinh huyết, hoặc nhiệt thịnh thương tân mà tỳ vị thấp trệ.

– Lưỡi đỏ nhạt rêu lưỡi phần gốc màu vàng phần đầu lưỡi màu trắng: Lưỡi đỏ nhạt rêu trắng mỏng đầy lưỡi nhưng phần đầu lưỡi hơi vàng nhiệt, đây là nhiệt tại thượng tiêu hoặc ngoại cảm phong nhiệt tại biểu, hoặc phong hàn hoá nhiệt đang muốn nhập lý.

– Lưỡi đỏ nhạt rêu vàng đen: Lưỡi đỏ nhạt xung quanh rêu vàng khô ở giữa rêu đen vàng dầy nê, đây là đàm thấp uất nhiệt có xu hướng hóa táo thương âm, hoặc do tỳ vị thấp nhiệt uẩn kết.

Đỏ thẫm và các sắc rêu

– Lưỡi đỏ rêu phù cáu: Chất lưỡi đỏ mà rêu ám tối phù cáu (dơ). Nếu ở nhiệt bệnh giai đoạn cuối là tà nhiệt tuy tạm thoái mà tỳ vị khí chưa hồi phục dẫn đến trọc uế thấp tà theo phần nhiệt dư đi lên mà thành, nên chủ chứng là chính khí hư thấp nhiệt chưa sạch.

– Lưỡi đỏ rêu trắng hoạt: Lưỡi đỏ tươi mà rêu trắng hoạt nhuận, tân dịch đặc biệt nhiều. Nếu chất lưỡi lão (thương lưỡi) là nhiệt tại lý mà có thủy thấp tà, chủ lý nhiệt kèm thấp. Nếu chất lưỡi kều nộn phù bệu là hư dương thượng phù thủy thấp nội đình gây ra, chủ chứng là dương hư thấp thịnh.

– Lưỡi đỏ rêu đen (xám) hoạt: Lưỡi đỏ mà chất phù bệu, rêu xám đen lẫn trắng, nhuận hoạt dễ bong, đây do hàn cực hư, dương thượng việt nên lưỡi đỏ kiều nộn không phải do hữu hình hàn thấp uất tích nên rêu hoạt trơn dễ bong, chủ hư hàn chứng.

– Rìa lưỡi đỏ rêu ở giữa đen nhuận: Rìa hai bên và đầu lưỡi đỏ tươi giữa có đám rêu đen nhuận. Rìa và đầu lưỡi đỏ là hiện tượng nhiệt mà giữa rêu đen nhuận lại là hàn, nên thường gặp loại này ở hàn nhiệt kiêm tạp bệnh. Chủ bệnh gồm 3 loại: lý hàn ngoại nhiệt; ngoại cảm thấp nhiệt nội đình sinh lãnh (ăn đồ ăn sống lạnh đình lại ở trong); can đởm thấp nhiệt mà vị trường lại hàn.

– Gốc lưỡi đỏ rêu đen phần đầu lưỡi: Vùng đầu lưỡi phân bố đầy rêu đen, giữa và gốc lưỡi không rêu mà đỏ đây là lý nhiệt nội tích, tâm nhiệt nặng chủ tâm nhiệt nội tích.

– Lưỡi đỏ gầy rêu đen: Lưỡi đỏ mà không nhuận, chất lưỡi gầy mỏng (lép kẹp), phía trên phủ một lớp rêu đen mỏng đây là nhiệt thịnh thương tân, hoặc âm hư hỏa vượng gây ra huyết táo tân khô, nên chủ chứng là tân khô huyết táo.

– Đỏ thẫm (giang), rêu trắng mỏng: Chất lưỡi đỏ thẫm rêu trắng mỏng rất đều không hoạt không táo, đây là thuộc tố thể âm hư hỏa vượng lại cảm phong hàn chi tà. Lưỡi đỏ thẫm tất nhiên sẽ xuất hiện trước biểu chứng hoặc do biểu tà chưa giải nhiệt nhập dinh huyết thì chất lưỡi đỏ thẫm này sẽ biến hóa từ từ mà có.

– Lưỡi đỏ thẫm rêu dính dơ (niêm nê): chất lưỡi đỏ thẫm thoạt nhìn giống như khô, nhưng sờ vào cảm giác có tân dịch, đây là tân khuy mà thấp nhiệt thượng đằng, hoặc có đàm trọc. Nếu lưỡi đỏ thẫm mà phía trên phủ một lớp niêm dịch trong suốt giống rêu mà không giống rêu là nhiệt thịnh mà trung tiêu kèm có uế trọc, hoặc là do dinh nhiệt, hoặc do âm hư hỏa vượng.

– Đỏ thẫm mà rêu vàng trắng: Đầu lưỡi đỏ thẫm phía trên có rêu vàng trắng đây là tà tại khí phần chưa sạch đã nhập dinh, chủ khí dinh lưỡng phiên (thiêu).

– Đỏ thẫm rêu vàng nhuận: Lưỡi đỏ thẫm rêu vàng hoạt mà sáng bóng (quang lượng). Đây là do trong nhiệt kèm thấp, nhiệt bức thủy thấp thượng triều mà ra, chủ bệnh gồm 4 thứ: âm hư kèm thấp, âm hư hỏa vượng mà vị trường tích thấp nhiệt; huyết nhiệt kẹp thấp ở người nghiện rượu, tích lâu sinh thấp, thấp uất hóa nhiệt uẩn tại khí phần; thấp nhiệt trong dinh phần nặng (nhiều) lại bị ngoại cảm tà nhiệt nhập dinh mà vị trường thấp nặng hơn nhiệt; nhiệt mới nhập dinh vẫn là ngoại cảm nhiệt bệnh mà nhiệt tà đã bắt đầu nhập dinh phần.

– Đỏ thẫm rêu vàng niêm nê: Lưỡi đỏ thẫm phía trên phủ một lớp niêm dịch vàng giống lòng đỏ trứng gà, đây là âm hư dinh nhiệt lại có đàm ẩm đình tích giao kết nhau khó phân khai do đó chủ âm hư dinh nhiệt kiêm đàm ẩm.

– Đỏ thẫm rêu hoàng ban (vàng mà giống như đài hoa): lưỡi đỏ tươi rêu vàng phủ đầy mặt lưỡi rêu khô sác mà dày có những vết nứt phân thành từng mảnh nhỏ, ngang dọc, kẽ nứt có thể thấy thịt màu đỏ ở dưới gọi là hoàng ban rêu. Đây là do vị trường táo nhiệt nội kết gây ra nên nó chủ vị trường nhiệt kết. Môi lưỡi đỏ thẫm mà rêu hình ban là vị trường nhiệt kết mà nhiệt đã nhập dinh.

– Đỏ thẫm rêu giống như khô táo: Lưỡi đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, rêu mỏng hoặc dày trắng nhìn như khô táo nhưng sờ vẫn thấp nhuận gọi là giống như rêu khô (loại can thái). Có hai nguyên nhân: thấp nhiệt thương tân nhưng thấp nhiệt lại không ngừng thượng dật; khí hư kèm thấp, khí tuy không thể phân bố tân nhưng thấp khí lại không ngừng thượng thẩm. Lưỡi đỏ thẫm mà rêu dày nê là thấp nhiệt thương tân, lưỡi nhạt đỏ mà rêu mỏng giống khô là khí hư kẹp thấp.

Lưỡi xanh tím và các loại rêu

– Lưỡi tím rêu trắng nê dày: đa số gặp ở người nghiện rượu nên sắc lưỡi biến màu tím, hoặc do ngoại cảm biểu tà nhập lý, hoặc do rượu tích tụ hóa sinh thấp nhiệt thượng hun mà thành rêu dày nê. Chủ bệnh gồm 2 loại: tửu độc nội tích, phong hàn nhập lý; thấp nhiệt nội thịnh.

– Xanh tím rêu vàng hoạt: Sắc lưỡi tím kèm xanh rêu vàng dày nhuận hoạt. Do hàn trệ huyết ứ nên lưỡi xanh tím, ẩm thực nội đình, nhiệt chiếm ưu thế nhưng chưa thịnh nên lưỡi tuy vàng mà nhuận hoạt. Chủ bệnh gồm hàn ngưng huyết mạch và thực trệ tỳ vị.

– Tím nhạt rêu xám hoặc rìa lưỡi, đầu lưỡi tím nhạt, giữa phủ một lớp rêu xám, hoặc giữa tím nhạt rìa có rêu xám. Lưỡi tím nhạt này do trắng nhạt chuyển hoá mà ra do tố thể suy nhược lại cảm phải ôn dịch nhiệt bệnh dẫn đên thấp trung sinh nhiệt thương huyết phần gây ra, do đó nó chủ cơ thể hư nhược nhiệt nhập huyết phần.

– Lưỡi xanh rêu vàng: Lưỡi trắng nhạt xen lẫn xanh trên phủ một lớp rêu vàng nhạt, do mùa hè cảm thử nhiệt gây ra trúng hàn thổ tả, hoặc do âm thịnh ở trong bức nhiệt ngoại phù mà thành hiện tượng chân hàn giả nhiệt nên rêu vàng, ở đây không thể dùng nhiệt để bàn luận mà do hàn thấp uẩn tích thâm hãm ở huyết phần, chủ bệnh hàn thấp nội thịnh.

– Lưỡi bồ đào dịch (bồ đào = trái nho): Chất lưỡi miếng xanh miếng tím, rêu mảng thì vàng mảng thì đen, lưỡi nổi mụt nước hình dáng như trái (chùm) nho, nước trong bóng nước hoặc màu lam hoặc màu tím nên có tên đó. Thường xuất hiện cả ở những chỗ khác trong miệng kèm đau họng, môi sưng, miệng hôi đây là do nhiệt độc khiết phục xú trọc uất kết hun chưng thượng dũng tràn lên trên mà ra. Gặp ở ôn dịch bệnh gọi là bồ đào ôn dịch.

Hình tượng lưỡi nguy hiểm và chẩn pháp: Bệnh tới giai đoạn nguy kịch khi âm dương khí huyết tân dịch chuẩn bị kiệt thì lưỡi và rêu có nhiều hình sắc đặc thù .

Âm khí gần tuyệt thì lưỡi sẽ:

– Lưỡi không có rêu giống như trái thận heo đã lột bỏ lớp màng ngoài hoặc như mặt kính đây là triệu chứng nghiêm trọng (gặp ở triệu chứng của bệnh thương âm hoặc vị khí gần tuyệt)

– Lưỡi thô to có gai giống da cá nhám (cá mập) nhưng lại khô nứt nguy hiểm (gặp ở tân dịch khô kiệt).

– Đầu lưỡi co rụt như thịt trái vải khô hoàn toàn không chút tân dịch – nguy (nhiệt cực tân khô).

– Chất lưỡi khô tối như màu gan heo hoặc đỏ như trái thị – (khí huyết bại hoại).

– Lưỡi ngắn mà âm nang teo – (can khí gần tuyệt).

– Đỏ sẫm như giả thạch xen lẫn đen (thận âm gần tuyệt).

Lưỡi mọc những mảng trắng như hoa tuyết – tỳ dương gần tuyệt

Trên đây là những triệu chứng khó chữa, cần phải phối hợp tứ chẩn hợp tham mới không nhầm lẫn

9. Tiểu kết về vọng chẩn

Vọng chẩn là phương pháp chẩn đoán đầu tiên trong tứ chẩn, nó sẽ làm cho người thầy thuốc có được những ấn tượng sơ bộ đối với bệnh nhân, Y gia các thời rất coi trọng vấn đề này.

Toàn bộ nội dung của vấn chẩn có thể tóm tắt lại là quan sát cục bộ và toàn diện bệnh nhân về thần, sắc, hình, thái. Thẩm sát thần khí tồn vong có thể đoán trước được sinh tử. Quan sát sắc trạch thiện ác, hình thái bình thường hoặc biến đổi có thể biết bệnh nặng hoặc nhẹ, bệnh ở nông hay sâu.

Thần sắc là tiêu chí được biểu hiện bên ngòai của khí huyết tạng phủ. Quan sát thần sắc thịnh suy, biện biệt sự biến đổi ngũ sắc có thể đoán biết khí huyết tạng phủ doanh (xung mãn) hoặc suy, biết được hàn nhiệt hoặc biểu lý của bệnh. Do vậy trong vọng chẩn tất phải hết sức chú ý thần sắc. Diện bộ ngũ sắc chẩn pháp và thiệt chẩn thể hiện nét đặc sắc cũng như kinh nghiệm truyền thống của YHCT do đó cần nắm vững những phần đó.

Nắm vững đắc thần, thất thần và giả thần chủ yếu quan sát từ mục quang, biểu hiện tình cảm (biểu tình) và động thái.

Nắm vững màu sắc bình thường, đặc điểm bệnh sắc và ý nghĩa của chúng là một trong những trọng tâm của chẩn pháp. Sắc minh nhuận hàm súc là sắc thường (bình thường), khô ám (tối) lộ rõ là bệnh sắc, đây là điểm mấu chốt để phân biện sắc thường và sắc bệnh. Nói về ngũ sắc ứng ngũ tạng và “Thanh hắc vi thống, hoàng xích vi nhiệt, bạch vi hàn” là cách lý giải chủ yếu của ngũ sắc chủ bệnh.

Thiệt chẩn trong biện chứng chiếm vị trí quan trọng. Lưỡi thông qua khí huyết kinh lạc và tạng phủ có mối tương liên mật thiết. Chất lưỡi có thể phản ánh khí huyết tạng phủ thực hư, rêu lưỡi có thể biện biệt tà khí nông sâu và vị khí tồn vong. Đại để khí bệnh nên xem rêu, huyết bệnh nên xem chất. Lưỡi nhạt chủ hư hàn, lưỡi đỏ chủ nhiệt chứng, xanh tím là hàn (nhuận) là nhiệt (táo). Rêu trắng chủ biểu chứng, hàn chứng cũng chủ lý chứng. Rêu vàng chủ lý chứng, nhiệt chứng, rêu đen là hàn (nhuận) nhiệt (táo). Đây là những lý luận thường tình của thiệt chẩn nhưng cũng cần kết hợp hình thái lưỡi và hình chất của rêu để tổng hợp phân tích.

Vọng lạc mạch ngón trỏ trẻ em cũng có quan hệ với ngũ sắc chẩn pháp và cũng là một trong những nét độc đáo của yhdt. Lấy phù trầm để phân biểu lý, đỏ tím để phân biệt hàn nhiệt, đạm (nhạt) trệ để phân định thực hư, lấy tam quan để đoán bệnh nặng nhẹ, đây là những điều không thể bỏ qua trong chẩn đoán bệnh nhi.

Vọng hình thể mạnh yếu béo gầy, vọng tư thế động tịnh của âm dương đều giúp cho đóan biết sự thịnh suy của khí huyết tạng phủ, biết được âm dương tà chính tiêu trưởng và vị trí tà khí với thế bệnh thuận nghịch, lại kết hợp với vọng thần sắc sẽ cho ta một cái nhìn tổng thể (ấn tượng) từ những bằng chứng đó tiếp tục tiến hành quan sát kỹ, có trọng điểm những khu vực cục bộ hữu quan.

Quan sát đầu cổ ngũ quan, cửu khiếu, da và các bộ phận khác cũng như vật bài tiết rất có ý nghĩa đối với việc quan sát bệnh biến của tạng phủ. Trước hết phải thuần thục lý luận cơ bản và nguyên lý trong từng phần vọng chẩn sau đó mới dễ lý giải và thuần thục nội dung cơ bản vọng chẩn các phần khác.

—–HẾT—–

Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ

Xem thêm:

 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ