Vọng chẩn là một trong 4 phương pháp chẩn đoán bệnh của y học cổ truyền. Đây là một phương pháp chẩn đoán rất quan trọng. Để tiện cho các bạn mới tìm hiểu về y học cổ truyền nắm được một cách sơ lược về phương pháp Vọng chẩn trong đông y. Chúng tôi xin giới thiệu tới quý bạn đọc một số kiến thức về vọng chẩn.
Tuy nhiên do bài viết quá dài nên chúng tôi xin chia bài vọng chẩn này làm 2 phần. Phần 1 xin nói về một số nội dung Vọng chẩn về Thần, Sắc mặt, Hình thái, Đầu cổ và ngũ quan. Phần 2 sẽ nói về Vọng bì phu, vọng lạc mạch, vọng chất bài tiết, và vọng lưỡi.
Thầy thuốc dùng thị giác quan sát có mục đích toàn bộ tình hình toàn thân hoặc cục bộ và vật thải của bệnh nhân để tìm hiểu sức khỏe hoặc tình hình bệnh gọi là vọng chẩn. Trong chẩn đoán, vọng chẩn chiếm vị trí trọng yếu vì thị giác của con người chiếm vị trí quan trọng trong nhận thức khách quan sự vật. Do vậy lợi dụng triệt để thị giác, luyện tập quan sát nhanh nhạy là yêu cầu tất yếu của người thầy thuốc.
Nội dung chủ yếu của vọng chẩn là quan sát về thần, sắc, hình thái của bệnh nhân để phán đoán sự biến hóa trong cơ thể. Ở người bình thường thì thần, sắc, hình thái đều biểu hiện bình thường, một khi có hiện tượng bất thường nó là bệnh (thái). Có một số bệnh chỉ phản ánh sự dị thường đơn phương của thần hoặc sắc, cũng có một số bệnh phản ánh biến đổi của cả thần sắc hình thái… YHCT trong thực tiễn lâu dài đã chứng minh bề ngoài con người có quan hệ mật thiết với lục phủ, ngũ tạng đặc biệt là vùng mặt và lưỡi có quan hệ mật thiết với tạng phủ, do đó thông qua sự quan sát bên ngoài có thể tìm hiểu bệnh tình của chỉnh thể. Thật đúng như “Linh Khu – Bản Thần” có nói: “Thị kỳ ngoại ứng, dĩ tri kỳ nội tạng, tắc tri sở bệnh hề” (nhìn bên ngoài sẽ biết được bên trong và đoán được bệnh ở đâu)
Nội dung vọng chẩn tuy có thể phân ra tổng thể vọng chẩn và bộ phận (cục bộ) vọng chẩn, nhưng khi vận dụng lại không cần phân chia một cách máy móc như phân ra vọng thần, sắc, hình thái, đầu cổ, ngũ quan, lưỡi, da, mạch lạc, chất thải… Thiệt chẩn và ngũ sắc chẩn vùng mặt tuy thuộc đầu mặt ngũ quan nhưng do nó có ý nghĩa chẩn đoán rất lớn nên nói ở phần khác.
Mục Lục
1. Vọng thần
1.1 Khái niệm về thần
Là cách gọi chung về họat động sống của con người, khái niệm đó có phân ra nghĩa rộng và hẹp. Nghĩa rộng, thần là chỉ biểu hiện ngoại tại hoạt động sống của cả chỉnh thể, có thể nói thần là sự sống (sinh mệnh). Nghĩa hẹp chỉ về hoạt động tinh thần ở người và có thể nói thần là tinh thần. Khi vọng thần thì nên bao gồm cả hai nội dung đó.
Thần là thể hiện hoạt động sống của cơ thể, thần không thể ly khai cơ thể mà tồn tại độc lập, có (hữu) hình (thân xác hình thể) mới có thần, hình kiện tắc thần vượng, hình suy tắc thần mệt mỏi (bị) phờ phạc, do đó “Linh khu
Bình nhân tuyệt cốc” có câu: “Hình thần hợp nhất”, “Hình dữ thần cụ” (hình và thần cùng tồn tại) nói lên mối liên quan giữa thần và hình. Kinh qua vô số thực tiễn đã chứng minh sự thịnh suy của thần đích thực là một trong những tiêu chí nói lên hình thể khỏe mạnh hoặc không. Nếu xét ngược lại khi hình nhược, sắc bại thì tuy hai mắt hữu thần cũng là hiện tượng giả.
Nguồn gốc của thần có từ tiên thiên chi tinh, như “Linh khu – Bản luận” có nói: “Sinh chi lai vị chi tinh, lưỡng tinh tương bác vị chi thần”. Nhưng thần lại dựa vào hậu thiên chi tinh để tư dưỡng nên “Linh khu – Bình nhân tuyệt cốc” nói “Cố thần dã, thủy cốc chi tinh dã” (cho nên thần tức là tinh của thủy cốc), quan hệ giữa tinh và thần là: Tinh có thể sinh thần, thần có thể ngự (điều khiển) tinh, tinh túc tắc hình kiện (hình là hình thể, kiện là khỏe mạnh), hình kiện tắc thần vượng. Ngược lại tinh suy tắc thể nhược, thể nhược tắc thần bì (mệt mỏi). Khí và thần cũng có mối quan hệ mật thiết không thể phân khai, khí là động lực của sự sống, khí có thể sinh thần, thần có thể ngự khí, do vậy cuốn “Đồ thư biên – Thần khí vị tạng phủ chi phủ” có nói “Khí tải hu thần” (khí vận chuyển được thần) và khí trong cơ thể chịu sự chủ tế của thần. Tóm lại: Tinh, khí, thần là tam bảo của con người. Tinh xung, khí túc, thần vượng là điều kiện của khỏe mạnh; tinh khuy, khí suy, thần hao là nguyên nhân của sự lão hóa. Do đó khi vọng thần có thể biết được sự thịnh suy của tinh khí. Thần cũng là biểu hiện bên ngoài của ngũ tạng.
Tóm lại: Thần là thể hiện hoạt động sống của cơ thể cho nên “Linh khu – Nhiên niên” có nói “Thất thần giả tử, đắc thần giả sinh” (còn thần thì sống, mất thần thì chết).
Vì thần là chủ tể của cả cơ thể (nhất thân) nên có thể biểu hiện ở mọi chỗ trên cơ thể, nhưng nơi biểu hiện rõ nhất là mục quang (ánh mắt). Con mắt là cửa sổ của tâm linh, hoạt động tinh thần của con người thường bộc lộ một cách vô ý trong mục quang, do đó ánh mắt có thể chuyển (phản ánh) thần. Khi tiếp xúc bệnh nhân, qua một sự quan sát sơ bộ sẽ có một ấn tượng sơ bộ về thần khí bệnh nhân. Cái sự quan sát sơ bộ ngắn đó thì nên chú ý đến mục quang thần thái bệnh nhân. Ngoài ra nói năng, phản ứng, vấn đáp, tình cảm biểu lộ mọi mặt điều biểu thị trạng thái tinh thần và biến đổi tình chí của bệnh nhân. Ngay cả trạng thái chức năng của tạng phủ khí huyết cũng là biểu hiện của thần và cũng cần thiết xét về sắc mặt, tiếng nói, hơi thở, tư thế, mạch tượng chứ không phải chỉ hạn chế bởi vọng chẩn.
Biểu hiện của thần tuy có rất nhiều mặt nhưng trọng điểm của vọng chẩn là ở mục quang, thần chí, sắc diện và hình thái…
1.2. Đắc thần, thất thần và giả thần
Đắc thần
Tức là hữu thần, có thần, là biểu hiện tinh xung, khí túc, thần vượng. Khi bệnh mà vẫn biểu hiện đắc thần là chính khí chưa tổn thương, thuộc bệnh nhẹ.
Biểu hiện của hữu thần là thần trí tỉnh táo rõ ràng mạch lạc, tiếng nói rõ, mục quang sáng, sắc mặt vinh nhuận, tư thế khoan thai tự nhiên, phản ứng nhạy, động tác linh họat, hơi thở đều, cơ bắp không teo gầy.
Thần trí tỉnh táo, giọng nói trong rõ. Sắc diện vinh nhuận, biểu hiện tự nhiên là tinh khí của tâm đầy đủ. Ánh mắt sáng, thần sắc linh lợi, phản ứng nhạy, động tác linh họat, tư thế tự nhiên khoan thai là tinh khí can thận sung túc. Hơi thở đều, cơ nhục không teo là biểu hiện tinh khí tỳ phế đầy đủ. Tóm lại đây là thần khí bình thường của người bình thường. Nếu lỡ đã có bệnh thì đây là bệnh nhẹ, chức năng tạng phủ chưa suy, dự hậu tốt.
Thất thần
Tức là vô thần, là biểu hiện của tinh tổn khí khuy (thiếu hụt) thần suy.
Bệnh tới mức độ này là giai đoạn nghiêm trọng. Biểu hiện của thất thần: Thần trí u mê (hôn mê) hoặc nói năng lộn xộn hoặc vuốt áo sờ giường bắt chuồn chuồn. Ánh mắt u tối đờ đẫn, sắc diện u tối. Biểu hiện lãnh đạm vô cảm, phản ứng chậm chạp, động tác không linh hoạt, tư thế gò bó, hơi thở bất thường, gầy teo cơ nhục. Thần hôn chiêm ngữ hoặc nói năng lộn xộn, sắc mặt u tối, biểu hiện đạm bạc hoặc ngây ngô là tinh khí tâm suy bại. Ánh mắt u tối đờ đẫn, phản ứng chậm, động tác không linh họat, tư thế gò bó là tinh khí can thận suy. Hơi thở khác thường, teo cơ là tinh khí tỳ phế suy kiệt. Nếu xuất hiện hiện tượng vuốt áo, sờ giường hoặc giơ tay bắt chuồn chuồn hoặc thần hôn chiêm ngữ là tà khí hãm tâm bào, âm dương ly quyết là chứng nghiêm trọng.Tóm lại thất thần là biểu hiện chức năng tạng phủ suy bại, dư hậu không tốt.
Là hiện tượng tinh thần tạm thời tốt lành ở những bệnh nguy kịch, là dự báo sắp lâm chung.
Biểu hiện của giả thần: Ở bệnh nhân nặng, bệnh lâu ngày vốn dĩ đã có hiện tượng thất thần đột nhiên những triệu chứng tinh thần tốt lên, ánh mắt từ u tối đột nhiên sáng lên, nói không ngớt, muốn tìm gặp người thân. Hoặc bệnh ở giai đoạn nặng tiếng nói hơi thở nhẹ khẽ đứt đoạn đột nhiên giọng nói trong cao lại, hoặc vốn dĩ sắc mặt u tối đột nhiên hai gò má đỏ như đánh phấn hồng. Hoặc trước đó không ăn uống gì tự nhiên đói ăn uống nhiều. Đây là do tinh khí suy kiệt cùng cực âm bất liễm dương gây ra hư dương ngoại việt bộc lộ hiện tượng giả (tốt lên), người xưa gọi là “Tàn đăng phục minh” (bùng sáng ở đèn hết dầu) “Hồi quang phản chiếu” đây là hiện tượng rất nặng của âm dương sắp ly tuyệt.
1.3 Thần khí bất túc và tinh thần dị thường
Thần khí bất túc là biểu hiện nhẹ của thất thần, thường gặp ở bệnh nhân hư chứng, nguyên nhân là do chính khí bất túc gây ra. Nếu tinh thần không (bất) phấn chấn, hay quên, buồn ngủ, tiếng nói nhỏ lười nói, uể oải vô lực, động tác chậm chạp… đa số thuộc tâm tỳ lưỡng hư hoặc thận dương bất túc gây ra thần khí không vượng.
Thần khí dị thường bao gồm phiền thao bất an, thần hôn (u mê, mê muội) lảm nhảm và điên, cuồng, giản… biểu hiện tinh thần thất (không) bình thường.
Phiền táo bất an, thần hôn nói nhảm đa số do tà khách (xâm nhập) tâm bào hoặc nhập thận. Phiền là trong ngực (lòng) bực bội không yên, thần bất an đa số thuộc nhiệt.
Điên bệnh biểu hiện dửng dưng (đạm bạc) ít nói, trong lòng u uất không vui, tinh thần trì trệ, nói lảm nhảm một mình, cười khóc vô thường đa số do đàm khí uất kết, trở trệ thần minh gây ra. Nhiều khi cũng do thần bất thủ xá tâm tỳ lưỡng hư.
Cuồng bệnh: đa số biểu hiện điên cuồng hung hãn đánh chửi người, đập phá đồ đạc bất kể thân sơ, hoặc leo cao hát hoặc cởi quần áo chạy lung tung hoặc tự cho mình là người cao quí thông minh, không ăn không ngủ, chạy nhảy lung tung… đa số do khí uất hóa hỏa, đàm hỏa nhiễu tâm gây ra, hoặc do dương minh nhiệt thịnh, tà nhiệt nhiễu lọan thần minh hoặc do súc huyết ứ trở mông bịt (che lấp) thần minh.
Giản bệnh: Đa số biểu hiện đột ngột hôn đảo, sùi bọt mép, tứ chi co giật, sau khi tỉnh như người thường. Đa số do can phong kẹp đàm đi lên trên mông bịt (che lấp) thanh khiếu hoặc do (thuộc) đàm hỏa nhiễu tâm, can phong nội động.
2. Vọng Sắc diện
Là thầy thuốc quan sát vẻ mặt (nhan sắc) ánh lên (quang trạch) của bệnh nhân. Nhan sắc là sự biến đổi của màu sắc, quang trạch là sự thay đổi độ sáng (minh độ). Cổ nhân phân vẻ mặt thành năm loại: Xanh, đỏ, vàng, trắng và đen gọi là ngũ sắc chẩn. Sự biến đổi ngũ sắc được thể hiện rõ nhất trên vùng mặt do đó sách này chỉ giới thiệu nội dung vọng sắc diện.
2.1 Nguyên lý sắc chẩn vùng mặt và ý nghĩa lâm sàng của nó
“Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận” nói: “Phu tinh minh ngũ sắc giả, khí chi hoá dã” (người thông thạo về ngũ sắc chẩn tất biết nó là do khí kỳ hóa), hoặc “Tứ chẩn quyết vi luận” lại nói: “Phu khí do tạng phát, sắc tùy khí hóa”. Điều này cho thấy sắc trạch là ngoại vinh (biểu hiện bên ngoài) của khí huyết tạng phủ. Không chỉ tạng tâm hoá (kỳ hoá) tại diện mà tinh khí các tạng phủ khác cũng thông qua kinh lạc mà vinh tại mặt giống như “Linh khu – Tà khí tạng phủ bệnh hình” có nói “Thập nhị kinh mạch, tam bách lục thập ngũ lạc, kỳ khí huyết giới thượng vu diện nhi tẩu không (khổng) khiếu”. Điều này nói rõ sắc diện và nội tạng có mối liên hệ nội tại do đó vọng sắc trạch vùng mặt có thể biết được sự thịnh suy của khí huyết và sự hiện diện của tà khí.
Căn cứ vào lý luận học thuyết âm dương, ngũ hành và học thuyết tạng tượng thì ngũ tạng ứng ngũ sắc là: Thanh (xanh) – can; Xích (đỏ) – tâm; Hoàng (vàng) – tỳ; Bạch (trắng) – phế; Hắc (đen) – thận.
Nếu xét về quan hệ giữa khí và sắc thì khí chỉ về sức sống (sinh cơ) ẩn hàm chứa ở trong bì phu. Sắc là huyết sắc nổi hiện lên phía ngoài da (bì phu). “Vọng chẩn tôn kinh” có nói: “Quang minh nhuận trạch giả, khí dã, thanh xích hoàng bạch hắc dã. Hữu khí bất hoạn vô sắc, hữu sắc bất khả vô khí dã. Hợp nhi ngôn chi, nhi khí sắc chi kiến bất khả ly, phân luận chi, nhi khí sắc chi biện bất khả hỗn” (trong sáng tươi tắn nhuận trạch thuộc khí, xanh đỏ trắng vàng đen thuộc sắc, có khí thì phải có sắc, có sắc cũng phải có khí, nói tóm lại khí sắc không thể phân ly, không thể phân biệt luận từng cái. Khí thuộc dương, sắc thuộc âm, do đó khí sắc không thể chia lìa nhưng khí có phần quan trọng hơn (khi vọng khí sắc) “Khí chí sắc bất chí giả sinh, sắc chí khí bất chí giả tử” (được khí mà không được sắc là sống, được sắc mà mất khí là chết), bởi vì “Sắc tùng khí hóa (kỳ hóa = sắc biến hóa theo khí)”. Tóm lại nếu mất đi sinh khí bất luận biểu hiện sắc gì cũng đều là trọng bệnh.
Xét về quan hệ thần và sắc thì cuốn “Y môn pháp luật – Vọng sắc luận” nói “Sắc giả, thần chi kỳ (ngọn cờ) dã. Thần vượng tắc sắc vượng, thần suy tắc sắc suy, thần tàng tắc sắc tàng, thần lộ tắc sắc lộ” cho ta thấy vọng sắc cũng có thể xét (biết) thần.
Tóm lại: quan hệ sắc và khí, thần thể hiện mối quan hệ tay ba tinh khí thần trong học thuyết tạng tượng. Khi vọng sắc thì ngũ sắc là âm huyết, quang trạch thuộc thần khí
2.2 Bộ vị tương quan giữa mặt và tạng phủ
Mọi vị trí trên mặt đều có thể phân chia thuộc tạng phủ, và là cơ sở vọng chẩn vùng mặt. Sắc và vị trí khi kết hợp tốt càng có thể thêm một bước nữa tìm hiểu bệnh tình. Vị trí tạng phủ chia trên mặt căn cứ vào phương pháp phân chia của “Linh khu – Ngũ luận” thì tên gọi phân chia là: Mũi – gọi là Minh đường, giữa hai cung mày – Khuyết, trán – Đình (diện), hai bên má – Phiên, trước tai – Tế
Dựa vào tên gọi và vị trí tương quan tạng phủ trên mặt ta có: Đình – là diện thủ (đầu mặt), khuyết thượng – hầu họng, khuyết trung (ấn đường) – phế, khuyết hạ (hạ cấp, sơn căn) – tâm, dưới hạ cấp (niên thọ) – can, hai bên phải trái của can – đởm, dưới can (chuẩn đầu) – tỳ. Phương thượng (hai bên của tỳ) – vị. Trung ương (quyền hạ) – đại trường, kẹp bên đại trường là thận, minh đường (tỵ đoan) lên trên – tiểu trường, dưới minh đường – bàng quang tử xứ.
Ngoài ra “Tố Vấn – Thích nhiệt” chia mặt tương quan các tạng phủ như: Má trái – can, má phải – phế, trán – tâm, cằm – thận, mũi – tỳ.
Hai cách chia trên thì trên nguyên tắc lấy cái trước làm cơ sở. Cái sau chỉ làm tham khảo. Tóm lại bệnh có cạn sâu, sắc có rõ tối, bệnh cơ phát bệnh có rất nhiều nên khi quan sát các vị trí cũng không thể quá máy móc mà nên linh hoạt vận dụng tứ chẩn hợp tham, nhưng cũng không nên bỏ qua các vị trí quan sát vì sự hoạch phân vị trí là cơ sở của sắc chẩn.
2.3 Mười cách vọng sắc (vọng sắc thập pháp)
Cuốn “Vọng chẩn tôn kinh” có nói: “Đại phàm vọng chẩn, tiên phân bộ vị, hậu quan khí sắc, dục thức ngũ sắc chi tinh vi, đương tri thập pháp chi cương lĩnh” (phàm là khi vọng chẩn trước tiên nên phân vị trí, sau đó mới quan sát khí sắc, muốn biết kỹ lưỡng về ngũ sắc thì tất phải biết cương lĩnh chủ yếu của thập pháp) cho thấy tầm quan trọng của thập pháp trong vọng chẩn. Uông Hồng dựa vào lý luận của “Nội kinh” tổng kết kinh nghiệm cá nhân rút ra mười phương pháp là: phù trầm, thanh trọc, vi thâm, tán bác, trạch yểu.
Phù là sắc biểu hiện ở da (giữa) chủ bệnh tại biểu
Trầm là sắc ẩn trong da chủ bệnh tại lý. Mới đầu là phù sau trầm là bệnh từ biểu nhập lý. Mới đầu trầm (sơ trầm) sau phù là bệnh từ lý xuất biểu
Thanh là thanh minh (trong sáng) sắc của nó thư thái (kỳ sắc thư) chủ bệnh tại dương
Trọc là trọc ám (u tối) màu sắc thê thảm (kỳ sắc thảm) chủ bệnh tại âm. Từ thanh mà sang trọc là dương bệnh chuyển âm, từ trọc chuyển thanh là âm bệnh chuyển dương
Vi là sắc cạn nhạt (thiển đạm) chủ chứng khí hư Thâm là sắc thâm đậm chủ tà khí thịnh.
Tán là dàn trải, sắc của nó mở (kỳ sắc khai) chủ bệnh gần khỏi.
Bác là úng trệ sắc bế chủ bệnh lâu ngày dần tụ lại (tiệm tụ). Trước tán sau bác là bệnh tuy mới nhưng dần tụ lại. Tiên bác hậu tán là bệnh tuy lâu ngày nhưng gần giải được tụ.
Trạch là khí sắc nhuận trạch chủ sinh (sống)
Yểu là khí sắc khô héo chủ tử (chết). Trước yểu mà sau chuyển dần sang trạch là tinh thần phục thịnh. Tiên trạch hậu yểu là khí huyết điều suy.
Tóm lại: Thập pháp từ tổng thể biện biểu lý, âm dương, hư thực, lâu mới, thành bại. “Vọng chẩn tôn kinh” có nói: “Cái thập pháp giả, biện kỳ sắc chi khí dã, ngũ sắc dã biện kỳ khí chi sắc dã” (thập pháp là phân biện khí của sắc, ngũ sắc là phân biện về sắc của khí). Đây là ý nghĩa của thập pháp và quan hệ của nó với vọng chẩn.
2.4 Thường sắc và bệnh sắc
a) Thường sắc
Là chỉ sắc trạch ở mặt ở người trong trạng thái sinh lý bình thường, biểu thị sự sung doanh của tinh thần, khí huyết, tân dịch của con người và chức năng tạng phủ bình thường. Do tinh khí nội hàm (sung mãn bên trong) nên dung quang (dung nhan) phát lộ ở ngoài nên ở người bình thường sắc mặt nên là quang minh nhuận trạch, giống như trong “Vọng chẩn Tôn kinh” có nói: “Quang minh dã thần khí chư trước (sáng rõ); nhuận trạch dã, tinh khí chi xung”.
Đối với người Á Đông chúng ta, sắc diện tương ứng là hồng vàng mờ ảo ẩn chứa minh nhuận, đây là màu sắc bình thường chứng tỏ hữu vị khí và thần khí. Nhưng do tố chất mỗi người mỗi khác nên có người lại hơi thiên về hồng, đen hoặc trắng. Và cũng do nhiều biến động của cuộc đời nên cũng có lúc lại hơi xanh, trắng và hồng… Đây là những hiện tượng bình thường cho nên không cần bàn luận sắc gì mà chỉ cần có đủ thần khí và vị khí là bình thường rồi. Vậy thần khí là quang minh nhuận trạch, vị khí là ẩn hiện chút sắc vàng kín đáo.
Do biến đổi thời gian, khí hậu, hoàn cảnh nên sắc thường lại có chủ sắc và khách sắc.
Chủ sắc
Trong quần thể, sắc mặt mỗi người không đồng nhất mà nó thuộc về đặc trưng cá thể nghĩa là sắc mặt màu da không đổi cả cuộc đời, đó là chủ sắc. Do di truyền hoặc do đặc điểm khu vực, điều kiện công tác… Đều có thể tạo nên ở một số người sắc diện là đen, là hồng, vàng hay xanh… chỉ cần điều kiện sắc đó không đổi suốt đời thì đó là chủ sắc. “Y Tông Kim Giám – Tứ chẩn tâm pháp yếu quyết” nói: “ Ngũ tạng chi sắc, tùy ngũ hình chi nhân nhi kiến, bách tuế bất biến, cố vi chủ sắc dã”. Dựa vào lý luận ngũ hành mộc hình chi nhân (người có hình mộc) là xanh, thổ hình chi nhân vàng, hỏa hình chi nhân xích, kim hình chi nhân bạch, thủy hình chi nhân hắc đó có nguyên do là là bẩm phú độc thắng (đặc biệt) ở mỗi người.
Khách sắc
Con người và tự nhiên là tương ứng, do biến động cuộc sống thì sắc diện hoặc màu da có biến đổi gọi là khách sắc. Ví dụ theo tứ thời, ngày đêm, trời trong, mù… biến hóa. Sắc diện cũng có sự thay đổi tương ứng. Dựa vào lý luận “Nội Kinh” thì xuân khí tại kinh mạch, hạ khí tại tôn lạc, trưởng hạ khí tại cơ nhục, thu khí tại da, đông khí tại cốt tủy. Tùy theo sự biến hóa khí nội ngoại cũng có biến hóa phù trầm. Mà dựa vào lý luận ngũ hành thì xuân nên hơi xanh, hạ ứng hơi đỏ, trưởng hạ ứng vàng, thu ứng trắng, đông ứng hơi đen, tứ quý đều vàng (có thể là tháng cuối mỗi quý âm lịch). Những biến đổi này không rõ ràng lắm chỉ có quan sát kỹ mới có thể phát hiện và lĩnh hội. Ngày thì khí hành tại dương, sắc nên sáng và phản ánh ở ngoài. Đêm khí hành tại âm nên minh nhuận mà ẩn chứa. Trời trong thì khí nhiệt, nhiệt tắc khí náo trạch (nhão sáng), náo trạch tắc vàng đỏ. Âm tắc khí hàn, hàn tắc huyết ngưng kết, ngưng kết tắc xanh đen. Những cái đó đều thuộc khách sắc.
Chủ sắc và khách sắc điều là hiện tượng sinh lý bình thường. Ngoài ra nếu có uống rượu, chạy bộ, tình chí (thất tình) điều ảnh hưởng nhất thời hoặc do nghề nghiệp công tác ít ra nắng hoặc phơi nắng nhiều hoặc do phong thổ chủng tộc mà có sự biến đổi thì đây không phải là bệnh sắc nên khi chẩn đoán cần chú ý.
b) Bệnh sắc
Là chỉ sắc trạch vùng mặt trong trạng thái bệnh, cũng có thể xem như trừ những sắc thường đã nêu trên thì những sắc trạch phản thường khác điều là bệnh sắc. Khi xuất hiện bệnh sắc bất luận sắc gì hoặc u tối khô héo hoặc tươi rói hoặc tuy sáng nhuận nhưng lại không hợp thời hợp vị trí hoặc những sắc đặc biệt điều là bệnh sắc. Các y gia cổ đại dựa vào kinh nghiệm lâm sàng không những để phát hiện ngũ sắc có liên quan tới bệnh biến ngũ tạng tương ứng và cũng phản ánh tính chất bệnh tà nhất định. Do bệnh tình nặng nhẹ khác nhau nên quang trạch cũng có những biến hóa khác nhau bệnh sắc lại phân do đó thành ác sắc và thiện sắc.
Ngũ sắc thiện ác thuận nghịch
Phàm là ngũ sắc sáng nhuận trạch (tươi tắn) đều là thiện sắc. Ở đây nói lên tuy đã bệnh nhưng tinh khí tạng phủ vẫn chưa suy, vị khí vẫn còn vinh (thể hiện) trên mặt và được gọi là “Khí chí” (chí là đến) đa số dự hậu tốt. Phàm ngũ sắc u tối khô héo là ác sắc, nói lên tạng phủ hoặc đã bại hoại, vị khí đã suy kiệt không thể vinh nhuận được gọi là “Khí bất chí” đa số dự hậu không tốt. “Vọng chẩn tôn kinh” cho rằng sắc lấy sự nhuận trạch làm bản (gốc) tức là lấy vị khí làm gốc.
“Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành” đã cụ thể miêu tả mô hình của ngũ sắc thiện ác như: xanh thì như lông chim phỉ thúy (Phỉ vũ), đỏ như mồng gà (kê quan), vàng như bụng con cua (giải phúc), trắng như mỡ heo (thỉ cao), đen như lông quạ (ô vũ) điều là thiện sắc chủ sinh (sống). Xanh như tàu lá (thảo tư), đỏ như cục máu đông (phôi huyết), vàng như chỉ thực (trái quất non phơi khô), trắng như xương khô (khô cốt), đen như mồ hóng (thai)… đều là ác sắc chủ tử, đã miêu tả một cách sinh động về sự minh nhuận của thiện sắc và sự khô tối của ác sắc. Đối với sự phân biệt ngũ sắc thiện ác cũng có tác dụng tham khảo nhất định.
Trên lâm sàng còn có thể quan sát động thái biến hóa. Từ thiện sắc chuyển ác sắc là bệnh tình gia tăng, nặng thêm. Từ ác sắc chuyển thiện sắc nói lên bệnh đã dần chuyển biến tốt.
Ngoài ra sự giao nhau (giao thác) của bệnh sắc cũng có thể phán đoán bệnh thuận nghịch hung kiết. Nếu bệnh và sắc tương ứng nhau là chính bệnh chính sắc, nếu ngược lại thấy sắc khác thì là bệnh và sắc không tương ứng gọi là bệnh sắc giao thác (giao thoa, đan xen). Trong giao thác lại có quan hệ tương sinh tương khắc, tương sinh là thuận, tương khắc là nghịch. Ví dụ can bệnh xuất hiện sắc xanh tức là chính bệnh chính sắc, là bệnh sắc tương ứng, là hiện tượng bệnh phát triển đúng (bình thường) nhưng nếu xuất hiện đen sắc (thủy sinh mộc) hoặc đỏ (mộc sinh hỏa) là sắc tương sinh trong cái không tương ứng (bệnh và sắc) thuộc thuận chứng. Nếu thấy màu vàng (mộc khắc thổ) hoặc trắng (kim khắc mộc) là sắc tương khắc trong cái bất tương ứng thuộc nghịch chứng. Trong thuận chứng thì sắc sinh bệnh là thuận trong kiết (kiết trung chi thuận), bệnh sinh sắc là kiết trung chi nghịch. Trong nghịch chứng sắc khắc bệnh là hung trung chi nghịch, bệnh khắc sắc là hung trung chi thuận… các tạng khác cũng xét theo kiểu này. Nhưng khi vận dụng trên lâm sàng cũng không nên quá máy móc, nên ứng dụng tứ chẩn hợp tham sử dụng linh hoạt tổng hợp lại để bình phán mới có thể chẩn đoán chính xác, như “Vọng chẩn tôn kinh” có nói: “Thảng (nếu như) sắc yểu bất trạch, tuy tương sinh diệc nan điều trị, sắc trạch bất yểu, tuy tương khắc diệc khả cứu liệu”
Can bệnh (mộc): Hiện sắc Đỏ (hỏa) tương sinh chi nghịch; hiện sắc Đen (thủy) tương sinh chi thuận; hiện sắc Xanh (mộc) chính bệnh chính sắc; hiện sắc vàngVàng (thổ) hung trung chi thuận; hiện sắc Trắng (kim) hung trung chi nghịch
Ngũ sắc chủ bệnh
Nếu kết hợp vị trí và Thập pháp thì rất phức tạp, nhưng khi nắm được yếu lĩnh thì rất dễ dàng cử nhất phản tam (lấy một cái biết ba cái) linh hoạt ứng biến.
– Thanh sắc: Chủ hàn chứng, thống chứng, ứ huyết và kinh phong.
Hàn ngưng tắc khí trệ huyết ứ, kinh mạch co thắt nên sắc mặt xanh thậm chí xanh tím, kinh mạch ứ trệ bất thường tắc thống, huyết bất dưỡng cân, can phong nội động thì sẽ xuất hiện kinh phong co giật.
Âm hàn nội thịnh, kinh mạch co thắt, khí huyết ứ trở dẫn đến đau bụng dữ dội, xuất hiện sắc mặt nhợt nhạt trắng hoặc xanh nhạt hoặc xanh đen.
Tâm dương bất chấn, huyết hành không thông, tâm huyết ứ trở dẫn đến tâm hung thích thống, xuất hiện sắc mắt xanh xám, miệng môi xanh tím.
Trẻ em kinh phong hoặc sắp kinh phong đa số xuất hiện sắc xanh ở giữa hai đầu lông mày hoặc sống mũi hoặc quanh miệng.
Phụ nữ sắc mặt xanh là can cường tỳ nhược ăn ít dễ cáu hoặc kinh không đều.
Mặt xanh má đỏ là hàn nhiệt vãng lai của thiếu dương bệnh, mặt xanh tai đỏ đa số là can hoả, mặt xanh đỏ mà tối ám là uất hoả.
Tỳ bệnh gặp thanh sắc đa số là khó chữa.
– Xích sắc: Chủ nhiệt chứng, đỏ thẫm thuộc thực nhiệt, hơi đỏ (vi xích) thuộc hư nhiệt. Khí huyết được làm nóng (đắc nhiệt) tắc hành, nhiệt thịnh mà khí huyết sung doanh, huyết sắc màu huyết thương vinh nên sắc mặt đỏ.
Cả mặt đỏ đa số là sốt ngọai cảm mà dương thịnh, hoặc do tạng phủ thực nhiệt. Nếu hai lưỡng quyền triều hồng (đỏ về chiều) kiều nộn (mềm mại, non) là hư nhiệt trong âm hư hỏa vượng chứng.
Nếu bệnh lâu bệnh nặng sắc mặt nhợt nhạt bơ phờ mà lưỡng quyền lại đỏ như đánh phấn hồng nhạt (nộn hồng) kèm pha sắc trắng di chuyển vô định đa số là hư dương phù việt trong “Đái dương” chứng. Đây thuộc chứng nguy hiểm của chân hàn giả nhiệt.
Phế bệnh thấy sắc đỏ đa số khó chữa.
– Hoàng sắc: Chủ hư chứng, thấp chứng. Màu vàng vẫn là màu của tỳ hư thấp uẩn.
Tỳ thấp kiện vận tắc thủy thấp nội đình, khí huyết hư suy nên sắc mặt màu vàng.
Vàng nhạt khô héo không quang gọi là “ủy hoàng” thường gặp trong tỳ vị khí suy khí huyết bất túc. Vàng mà hư phù, gọi là “hoàng bạng” đa số tỳ khí hư suy thấp tà nội trở gây ra. Nếu mặt và toàn thân vàng gọi là “hoàng đản”, vàng tươi như vỏ quít gọi là dương hoàng là do thấp nhiệt hun chưng mà có, vàng mà tối như ám khói là âm hoàng là do hàn thấp uất trở gây ra.
Vàng mà khô gầy là vị bệnh hư nhiệt. Vàng nhạt là vị bệnh hư hàn.
Bụng trướng mà mặt vàng tay chân gầy khẳng khiu là hư trướng. Nếu mặt vàng nhợt nhạt bụng nổi gân xanh mà trướng hoặc mặt vàng héo điểm xuyến những điểm đỏ tơ huyết là cổ trướng, đa số thuộc tỳ hư can uất huyết ứ thủy đình.
Trẻ em mặt vàng bủng hoặc xanh vàng hoặc lúc vàng lúc trắng, bụng nổi gân xanh là cam tích, vàng ấn đường chuẩn đầu vàng mà minh nhuận là vị khí đã hồi phục bệnh dần khỏi.
– Bạch sắc: chủ hư chứng, hàn chứng, thoát huyết, đoạt huyết. Màu trắng là triệu chứng (hầu) của khí huyết bất vinh. Dương khí suy nhược, khí huyết vận hành chậm hoặc do hao khí mất máu khí huyết không sung hoặc do hàn ngưng huyết sáp trệ, kinh lạc co thắt dẫn đến có thể gây sắc mặt trắng.
Trắng nhợt hư phù hoặc nhợt nhạt (thương bạch đồng nghĩa xám nhạt) hoặc tối trệ đa số dương hư. Đột ngột nhợt nhạt (tái nhợt) kèm theo mồ hôi lạnh dầm dề đa số là dương khí bạo thoát.
Trắng nhạt (đạm bạch) đa số là khí suy. Trắng mà không hóa (tươi) hoặc vàng trắng như da gà là huyết hư hoặc đoạt huyết (mất máu).
Đau bụng dữ dội trong lý hàn chứng hoặc rét run cũng có thể xuất hiện sắc mặt trắng nhợt nhạt.
Phế vị hư hàn cũng có thể xuất hiện trắng nhợt (đạm bạch)
Can bệnh cũng có thể xuất hiện sắc trắng và là biểu hiện bệnh khó chữa.
– Hắc sắc: Chủ thận hư, hàn chứng, thống chứng, thủy ẩm và ứ huyết.
Màu đen là màu của âm hàn thủy thịnh. Do thận dương hư suy, thủy ẩm không hóa được âm hàn nội thịnh, huyết mất đi sự ôn dưỡng, kinh mạch co thắt, khí huyết không thông (vận hành) cho nên sắc mặt đen.
Lưỡng quyền và mặt (nhan) đen là có thận bệnh. Mặt đen mà khô đa số là thận tinh hư lâu ngày hư hỏa chước (thiêu đốt) âm. Mặt đen mà hơi nhạt là thận bệnh thủy hàn, phàm đen mà hơi tối nhạt bất luận bệnh lâu mau đều quy thuộc dương khí bất chấn.
Hai hốc mắt đen thường là do thận hư hoặc thủy ẩm hoặc bệnh đới hạ do hàn thấp hạ chú. Mặt đen mà tay chân bất toại lưng đau khó cúi ngửa là bệnh thận phong cốt tý thống. Mặt đen xì mà da móng xơ xác thuộc ứ huyết.
Tâm bệnh mà trán đen là nghịch chứng, miệng đen là thận tuyệt.
2.5 Sắc mạch chứng hợp tham
Sắc mạch chứng đều là biểu hiện phản ứng của bệnh. Trong những bệnh thông thường thì sắc mạch chứng thường xuất hiện một cách tương ứng. Ví dụ can bệnh sắc xanh, mạch huyền, đau sườn ngực, miệng đắng, hoa mắt… đó là sắc mạch chứng tương ứng. Nhưng cũng có lúc sắc mạch chứng của bệnh xuất hiện không tương ứng, cần phải phân tích một cách cụ thể, tìm hiểu toàn bộ diện mạo của bệnh, nhận thức được bản chất của bệnh mới có thể chỉ đạo điều trị một cách chính xác. Ví dụ bệnh nhân sốt sắc mặt triều hồng (đỏ về chiều) là biểu hiện của nhiệt chứng, nhưng nếu không bắt mạch thì sẽ dùng phương tễ hàn lương tả hạ và rất dễ dẫn đến sai lầm. Mạch sác mà hữu lực là thực nhiệt chứng cũng tính là đúng đi, nhưng nếu mạch tế trầm vô lực, lúc rõ lúc không hoặc mạch phù đại mà rỗng (trống không) thì lại là chân hàn giả nhiệt và nếu dùng lầm hàn lương tả hạ thì vô cùng nguy hiểm. Tóm lại trong quá trình chẩn đoán nhất thiết phải quan sát toàn diện sắc, mạch và chứng, không được tách rời nhau để xét từng cái, do đó sắc mạch chứng hợp tham là nguyên tắc quan trọng trong chẩn đoán
3. Vọng hình thái
Thông qua quan sát hình thể, tư thế bệnh nhân để chẩn đoán là một trong những nội dung chính của vọng chẩn
Dựa vào học thuyết ngũ hành và tạng tượng thì cơ thể con người trong có ngũ tạng phân thuộc ngũ hành, ngoài có bì mao cơ nhục, huyết mạch, gân cốt… ngũ thể hợp với ngũ tạng, hình thể mạnh yếu béo gầy và nội tang thịnh suy, cứng cáp (kiên tuyệt) là thống nhất với nhau. Mà sự động tịnh của tư thế (dáng) của con người lại có quan hệ tiêu trưởng với âm dương khí huyết. Do đó vọng hình thái có thể đoán bíết tình trạng thịnh suy của khí huyết tạng phủ, âm dương tà chính tiêu trưởng và thế bệnh thuận nghịch, và tà khí đang ở đâu.
3.1 Vọng hình thể
Chủ yếu quan sát tình trạng mạnh yếu gầy béo, tay chân, thể hình của bệnh nhân.
Cường (mạnh) là thân thể cường tráng, nhược là thân thể suy nhược. Nếu xương to dài chắc ngực đầy nở, cơ bắp cuồn cuộn (sung thực), da dẻ nhuận trạch là biểu hiện cường tráng và ngược lại xương nhỏ ngực lép, cơ nhục mềm gầy, da khô… là biểu hiện của suy nhược. Hình thể cường tráng, nội tạng cứng cáp, khí huyết vượng thịnh thì tuy mắc bệnh nhưng dư hậu rất tốt. Hình thể gầy gò, nội tạng mỏng manh, khí huyết bất túc cơ thể suy nhược nhiều mà mắc bệnh thì dư hậu kém.
Phì (béo) không phải là hiện tượng kiện tráng, gầy (ốm) cũng không phải là hiện tượng bình thường. Tứ chẩn quyết vi có nói: “Hình chi sở sung giả khí, hình thắng khí giả yểu, khí thắng hình giả thọ”. Khí ở đây là khí lực (sức mạnh), bất luận mập ốm phàm là người vô khí lực tức là hình thắng, đều do khí không sung mà ra, do đó nó chủ “Yểu” (hình thắng khí). Ở người có khí lực là khí thắng hình là chủ thọ, mập mà ăn được là “Hình thịnh hữu dư”, mập mà ăn ít là “Hình thịnh khí suy” đa số do tỳ hư có đàm. Hình gầy ăn nhiều là trung tiêu có hỏa, gầy mà ăn ít là trung tiêu khí hư nhược. Người gầy tong teo giơ xương như “Nội Kinh” tả là “Đại cốt khô cảo, đại nhục hãm hạ” đây là khí dịch cạn khô tinh khí tạng phủ suy kiệt, là hiện tượng vô thần nặng. Người mập bụng phệ rất dễ tụ thấp sinh đàm và dễ mắc chứng trúng phong bạo quyết. Người mập dễ trúng phong là do hình hậu (dày) khí suy khó điều hòa toàn thân dễ uất trệ sinh đàm, đàm úng khí tắc thành hỏa nên dễ mắc chứng bạo quyết. Người gầy âm hư huyết dịch suy thiểu tướng hỏa dễ kháng nên dễ mắc lao thấu (ho).
Ngực gà, lưng rùa, chân vòng kiềng… dị hình do tiên thiên bẩm phú bất túc tinh khí thận khuy tổn hoặc hậu thiên thất dưỡng tỳ vị hư nhược. Cũng có ngực hình thùng đa số do có phục ẩm tích đàm gây ra phế khí hao tán hoặc ảnh hưởng đến thận gây thận bất nạp khí. Có loại ngực dẹp lép đa số thuộc phế thận âm hư. Nếu chỉ có bụng to tứ chi teo nhỏ là cổ trướng đa số thuộc can uất hoặc tỳ hư dẫn đến khí trệ thủy đình huyết ứ. Bụng sưng trướng là bệnh khí hữu dư, bụng nhỏ là hình khí bất túc. Da bụng mềm nhẽo lõm lòng thuyền sờ thấy cột sống đằng sau đa số thuộc vị trường khô lép là hiện tượng ác tính của tinh khí tạng phủ suy bại. Cột sống rờ như răng cưa gọi là “Tích cam” cũng thuộc tinh khí tạng phủ khuy tổn cùng cực.
Nói về thể hình thì có quan hệ với thể chất, có quan hệ với đặc điểm bẩm phú của âm dương khí huyết, trong một mức độ nhất định nó phản ánh cá nhân đó dễ cảm thụ bệnh tật. Rất sớm trong “Nội Kinh” đã bàn về quan hệ thể chất thể hình và bệnh tật, nhưng vấn đề này tương đối phức tạp và vẫn là đề tài nghiên cứu cho tới nay. Nhưng có một điểm có thể khẳng định được tức là bề ngoài hình thái và kết cấu bên trong có quan hệ nhất định mà kết cấu bên trong lại quyết định chức năng sinh lý do đó đặc điểm thể hình từ góc độ nào đó phản ánh đặc điểm thể chất. Mà thể chất đặc biệt lại thường dễ mắc một số bệnh đặc biệt (đặc định), như nhận xét về người mập và ốm ở trên cũng nói lên điều đó. Nhưng ta nhận thấy có sự tương đối giống nhau là phân loại có thể chia ba loại thể chất đó là dương tạng, âm tạng và âm dương hòa bình. Người dương tạng đa số âm hư dương thịnh đặc điểm thể hình là thiên về gầy cao, đầu dài (trường hình) cổ nhỏ dài vai hẹp ngực dài bằng phẳng tư thế thân thể thường hơi cúi gập ra trước. Người âm tạng đa số dương hư âm thịnh đặc điểm thể hình là thiên về thấp mập, đầu tròn cổ to ngắn vai rộng bằng ngực rộng ngắn hình tròn tư thế thân thể thường ưỡn ra sau. Người âm dương hòa bình thì không thiên thịnh cũng không thiên suy khí huyết điều hòa nên đặc điểm thể hình là ở giữa hai loại.
Tóm lại: Hình thể mạnh yếu và thể hình có mối quan hệ nhất định với sự phát bệnh và dự hậu, nhưng điều này không phải tuyệt đối cần phải xét tới nhiều điều kiện khác để định.
3.2 Vọng tư thế
Tư thế động tĩnh của bệnh nhân có quan hệ mật thiết với bệnh tật. Bệnh khác nhau có nhiều tư thế khác nhau. Mi mắt, mặt, môi, ngón tay chân run giật từng cơn là chứng báo trước co giật trong ngọai cảm nhiệt bệnh, mà trong nội thương tạp bệnh đa phần do huyết hư âm khuy kinh mạch thất dưỡng. Tay chân run đa số do hư phong nội động. Tứ chi co giật hoặc co quắp cổ lưng cứng “giác cung phản trương” (gồng cứng như trong uốn ván) là kinh bệnh có thể do phong hoặc do hàn, thấp, nhiệt, hư đa số gặp trong can phong nội động, nhiệt cực sinh phong. Hoặc trẻ em kinh phong, ôn bệnh nhiệt nhập dinh huyết và cũng có thể gặp trong khí huyết hư kinh mạch thất dưỡng. Ngoài ra giản chứng (động kinh), uốn ván, bệnh dại… cũng gây động phong mà kinh (co giật). Tứ chi hoặc tòan thân run đầu lắc tay như tìm nắm vật gì đó là nguyên khí đã suy hoặc can phong nội động. Máy cơ là dương khí và tân dịch tổn thương. Rét run đa số do sốt rét cơn hoặc do chính tà đang đấu tranh dữ dội và là triệu chứng báo trước của đổ mồ hôi dữ dội (chiến hạn). Hai tay bắt chuồn chuồn hoặc vuốt áo mò giường là triệu chứng nguy hiểm của thất thần. Nếu tay chân mềm yếu vô lực vận động không linh hoạtt nhưng không đau là “Nuy chứng” đa số do dương minh thấp nhiệt hoặc do tỳ vị khí suy can thận bất túc gây ra. Khớp sưng đau làm cơ thể vận động khó là “Tý chứng”. Tứ chi liệt (bất dụng) tê hoặc co quắp hoặc mềm nhẽo là liệt (than hoán). Đột nhiên hôn đảo bán thân bất toại, miệng méo mắt nhắm không khít là trúng phong nhập tạng. nếu thần trí tỉnh táo chỉ có liệt nửa thân hoặc miệng mắt méo lệch là phong trúng kinh lạc hoặc di chứng của trúng phong. Nếu đột ngột hôn đảo mà hô hấp bình thường (tự tục) đa số là “Quyết chứng”. Té ngã mà miệng há tay chân duỗi, đái không tự chủ là trúng phong thoát chứng. Răng cắn chặt hai tay nắm chặt là trúng phong bế chứng. mà té đột ngột mặt đỏ đổ mồ hôi là trúng thử. Thống chứng cũng thường có tư thế đặc biệt như tay ôm bụng dáng đi ngã về trước là “Phúc thống”; hai tay ôm bụng lưng cong chuyển động khó khăn là bệnh lưng đùi; trong lúc đang đi đột nhiên ngưng lại tay ôm bụng ngực không dám bước đi đa số là “Chân tâm thống”… “Vọng chẩn tôn kinh” còn lưu ý trạng thái bệnh ví dụ như bệnh nhân co ro mặc nhiều áo quàng khăn tất là do ố hàn nếu không phải là biểu hàn thì cũng là lý hàn. Hoặc cởi áo tung chăn tất là do ố nhiệt, không biểu nhiệt cũng là lý nhiệt. Cúi đầu sợ ánh sáng đa số là bệnh mắt, ngẩng đầu thích sáng đa số là nhiệt bệnh. Dương chứng đa số muốn hàn lạnh, muốn gập người; âm chứng lại thích ấm, không thích gặp người, sợ nghe tiếng người, thích ở một mình.
Từ tư thế ngồi nhận xét: Ngồi mà thích phủ phục là phế hư khí thiểu, ngồi mà thích ưỡn ngẩng là phế thực khí thịnh, ngồi mà không thể nằm được vì hễ nằm là khí nghịch đa số là khái suyễn phế trướng hoặc thủy ẩm đình ở trong ngực bụng. Ngồi thì lờ đờ (thần bì) hoặc huyền vựng chỉ nằm không ngồi được là khí huyết đều hư hoặc do đoạt khí thoát huyết (khí thoát do mất máu). Nằm ngồi không yên là chứng phiền thao hoặc do bụng đầy trướng.
Từ dáng nằm xét thì nằm mà mặt hướng ra ngoài thân thể nhẹ nhàng tự xoay trở là dương chứng thực chứng nhiệt chứng. Ngược lại nằm thích quay mặt vô tường mình nặng nề khó xoay trở đa số là âm chứng, hàn chứng, hư chứng. Bệnh nặng mà xuất hiện hiện tượng này là khí huyết suy thoái cùng cực, dự hậu không tốt. Nằm co ro co quắp là dương hư úy hàn hoặc do đau cực độ, ngược lại nằm mà sải chân tay mặt hướng lên trên là dương chứng nhiệt thịnh.
4. Vọng đầu cổ, ngũ quan, cửu khiếu
Căn cứ vào học thuyết tạng tượng, thì ngũ tạng bên trong đều có quan hệ với ngũ quan cứu khiếu bên ngoài. Ngũ quan thất khiếu đều tập trung ở đầu gọi là “Thượng khiếu” hoặc “Thanh khiếu”, còn tiền hậu âm gọi là “Hạ khiếu”. “Linh khu – Tà khí tạng bệnh hình” có nói: “Thập nhị kinh mạch, tam bách lục thập ngũ lạc, kỳ huyết khí giai thượng vu diện nhi túc không khiếu” do đó quan sát sắc trạng hình thái của đầu mặt tai mắt miệng lưỡi mũi… ngũ quan cửu khiếu cũng đủ để phản ánh tình trạng bình thường hoặc bệnh của tạng phủ.
4.1 Vọng mặt, đầu, cổ và tóc
Đầu vi chư dương chi hội. Đốc mạch và tam dương kinh đều đi lên đầu mặt. Dương minh kinh đi ở cổ, thái dương kinh đi ở gáy, thiếu dương kinh đi hai bên. Âm kinh chỉ có nhâm mạch và túc quyết âm can kinh đi lên đầu. Đầu vi tinh minh chi phủ là nơi cư ngụ của tinh thần, phía trong tàng não phủ mà não là nguyên thần chi phủ, não lại là tủy hải thuộc thận làm chủ, thận kỳ hóa tại tóc mà tóc lại là huyết dư. Huyết mạch thượng vinh ở mặt mà tâm lại kỳ hóa tại mặt. Do đó vọng đầu mặt cổ gáy và tóc chủ yếu là để tìm hiểu tâm, thận và sự thịnh suy của khí huyết.
a) Đầu mặt
Hình thái
Đầu trẻ em hoặc quá lớn hoặc quá nhỏ đều là dị hình đa số do tiên thiên bẩm phú gây ra, hoặc thận tinh bất túc tiên thiên phát dục không tốt, hoặc do tiên thiên não tích thủy đa số kèm theo kém phát triển trí tuệ.
Tín môn (thóp)
Nhũ nhi thóp còn (không đóng) gọi là “Tín hãm” đa số thuộc hư chứng, thường gặp ở nôn tiêu chảy quá nhiều thương tổn tân dịch, hoặc do khí huyết bất túc, hoặc tỳ vị hư hàn hoặc tiên thiên bất túc gây ra phát dục không tốt, não tủy bất túc (trong vòng 6 tháng mà thóp hơi lõm là bình thường). Thóp nhô cao gọi là “Tín điền”, đa số thuộc thực nhiệt chứng, thường gặp do ôn bệnh hỏa nhiệt tà thượng công, hoặc do phong nhiệt hoặc do thấp nhiệt tà xâm nhập gây bệnh tại não tủy (nhũ nhi khi khóc quậy thì thóp phồng lên tạm thời là bình thường). Thóp đóng chậm do thận khí bất túc hoặc phát triển chậm gặp ở trẻ còi xương.
Đầu lắc
Lắc không tự chủ bất luận lớn nhỏ đều thuộc phong bệnh hoặc khí huyết hư suy, “Y học chuẩn thằng lục yếu” nói: “Đầu lắc thuộc phong thuộc hỏa mà ở người lớn tuổi sau bệnh người gầy ốm (tân khổ nhân) đa số thuộc hư và do khí huyết hư nên hỏa phạm thượng mà gây bệnh.
Mặt thũng
Đa số là thủy thũng. Thủy thũng chia âm thủy và dương thủy. Dương thủy khởi bệnh nhanh phù mi mắt và đầu mặt trước. Âm thủy khởi bệnh chậm phù ở dưới trước sau đó mới tới đầu mặt. Da vùng đầu mặt đỏ nóng rát sưng, màu như phết đơn (phấn hồng), ấn mất màu kèm đau đớn là “Bao đầu hỏa đan” đa số do phong nhiệt hỏa độc thượng công gây ra và rất dễ gây tà độc nội hãm. Đầu to như cái đấu mặt mắt sưng nhiều mắt không mở được là “Đại đầu ôn” là do thiên thời dịch độc hỏa độc thượng công.
Khẩu nhãn oa tà
Miệng méo mắt không khít, tê bì, cơ bên liệt mềm nhẽo bên lành co cứng. Bên liệt mắt nhắm không khít miệng méo không chau mày và thổi sáo được, ăn uống và tiếng nói đều không tốt. Đây là phong tà trúng lạc hoặc lạc mạch hư không (trống) phong đàm bế tắc, bệnh đa số ở dương minh kinh.
b) Xem cổ gáy
Phát hiện quai bị tràng nhạc…
Cổ cứng và mềm: Đầu gáy cứng ngắc là tà khí thực đa số là do ôn bệnh hỏa tà thượng công gây ra. Đầu cổ mềm, đầu nặng như muốn gục xuống là chính khí hư đa số thuộc thận khí hư suy.
c) Xem tóc
Tóc đen dầy mượt là biểu hiện của thận khí thịnh mà tinh huyết sung túc. Tóc vàng hoe lưa thưa khô cháy là tinh huyết bất túc thường gặp ở người sau khi đại bệnh, ở người bệnh hư tổn nhiều khi rụng hết sói đầu. Đột ngột rụng từng mảng tóc đa số thuộc huyết hư mà (thụ) phong. Thanh niên tóc thưa dễ rụng thuộc thận hư hoặc huyết nhiệt, thanh thiếu niên tóc bạc mà người già tóc lại đen do bẩm phú không giống nhau gây ra chứ không phải bệnh. Nhưng thanh thiếu niên tóc bạc kèm theo triệu chứng thận hư là thuộc thận hư, nếu kèm theo triệu chứng âm hư là lao thần thương huyết, trẻ em cam tích do tiên thiên bất túc gây ra tỳ vị hư tổn.
4.2 Xem mắt
Mục vi can chi khiếu, nhưng “Tố vấn – Đại cảm luận” lại nói: “Ngũ tạng lục phủ chi tinh khí, giai thượng chí vu mục nhi vi chi tinh”, đều này nói lên mục (mắt) và ngũ tạng lục phủ điều có quan hệ mật thiết. Vọng mục không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong vọng thần mà có thể còn đoán biết sự biến hóa của ngũ tạng thậm chí đối với việc chẩn đoán một số bệnh có tác dụng biết được ngay là bệnh gì (kiến vi chi trước = Xem mầm biết cây). Bởi vậy rất sớm trong “Nội kinh” thập phần chú trọng vọng mục, cho rằng vọng mục và vọng ngũ sắc vùng mặt có giá trị quan trọng tương đương và đều là phần quan trọng trong vọng chẩn. Các y gia thời sau cũng rất trọng thị vấn đề này. Cuốn “Trùng đính thông tục thương hàn luận” nói: “Phàm là bệnh tới lúc nguy hiểm tất phải quan sát hai mắt, xem màu sắc của mắt để biết bệnh sẽ là tồn hoặc vong do đó quan sát mắt là yêu cầu đầu tiên của chẩn pháp.
a) Vị trí tương quan tạng phủ của mắt
“Linh khu – Đại cảm luận” nói: “Cái tổ của tinh là ở mắt (tinh chi sào vi nhãn) đồng tử là tinh của cốt, lòng đen là tinh của cân, lạc là huyết chi tinh, lòng trắng là tổ của khí chi tinh…”. Hậu thế y gia căn cứ vào đó phát triển thành học thuyết “Ngũ luân”, lấy hình sắc biến hóa khác nhau của mắt để chẩn sát bệnh biến của tạng phủ. Vị trí liên quan giữa mắt và tạng phủ tương quan là: Mống mắt trong và ngoài (huyết lạc) thuộc tâm gọi là
“Huyết luân” bởi vì tâm chủ huyết mà lạc là tinh của huyết (huyết chi tinh vi lạc). Lòng đen thuộc can gọi là “Phong luân” vì can thuộc phong chủ cân mà lòng đen là tinh của cân (cân chi tinh vi hắc tinh), lòng trắng thuộc phế gọi là “Khí luân” vì phế chủ khí mà lòng trắng là khí chi tinh, đồng tử thuộc thận gọi là “Thủy luân” và thận thuộc thủy chủ cốt (Sinh tủy cốt chi tinh vi đồng tử), nhãn bào thuộc tỳ gọi là “Nhục luân” vì tỳ chủ cơ nhục (cơ nhục chi tinh vi ước thúc (mi mắt))
b) Chẩn nhãn thần
Ranh giới lòng đen và trắng rõ ràng ẩn chứa thần sắc (tinh thái nội hàm), thần quang dồi dào (sung phối), có ghèn có nước mắt nhìn rõ vật là mắt hữu thần, tuy bệnh nhưng dễ chữa. Ngược lại nếu lòng trắng tối đục, lòng đen sắc trệ (tối) mất đi thần sắc (hình thái) phù quang bạo lộ, không ghèn không nước mắt nhìn sự vật mơ hồ là mắt vô thần bệnh thuộc loại khó chữa.
c) Sắc chẩn mắt (mục bộ)
Sắc chẩn lòng trắng
“Linh khu – Luận tật chẩn xích” nói: “Mục xích sắc dã bệnh tại tâm, bạch tại phế, thanh tại can, hòang tại tỳ, hắc tại thận” đây là vận dụng ngũ sắc chẩn pháp. Trong mục chẩn cần phải kết hợp tứ chẩn hợp tham phân tích chứ đừng câu nệ.
Sắc chẩn toàn bộ mắt
Mống mắt đỏ là tâm hỏa, lòng trắng đỏ là phế hỏa, vàng là thấp nhiệt nội thịnh. Mắt (châu) sưng là can hỏa, mí mắt (phần da) đỏ ẩm loét là tỳ hỏa. Toàn bộ mắt đỏ là can kinh phong. Mắt trong là hàn, đục là nhiệt. Mống mắt trắng nhạt là huyết hư. Mi mắt trên dưới tươi sáng (tiên minh) là bệnh đàm ẩm. Mi mắt sắc tối ám đa số thuộc thận hư.
d) Mục hình chủ bệnh (hình dáng mắt)
Mắt sưng (mục sào thũng)
Mắt hơi sưng mới xuất hiện và mặt xuất hiện thủy khí sắc trạch là triệu chứng của bệnh thủy thũng mới phát. Tỳ hư và tỳ nhiệt cũng xuất hiện sưng hai mi mắt, tỳ nhiệt thì sưng nhanh màu đỏ, tỳ hư thì sưng chậm mà mi mềm vô lực. Người già thận suy cũng thường gặp sưng mi dưới.
Mắt thụt
Mắt thụt vô trong là tinh khí ngũ tạng đã suy thuộc lọai khó chữa. Nếu chỉ là mắt hơi thụt thì có thể tinh khí chưa suy bệnh còn có thể cứu vãn. Nếu thụt sâu nhìn không rõ (thị bất kiến nhân) xuất hiện mạch chân tạng (chân tạng mạch xuất hiện) là âm dương kiệt tuyệt là triệu chứng tử.
Mắt lồi
Mắt lồi mà suyễn là phế trướng, cổ sưng mắt lồi là “Anh thũng”. Đơn thuần chỉ mắt lồi ra đa số thuộc triệu chứng ác tính.
Mắt kéo màng (ế mạc)
Ế là màng mọc tại tròng đen, mạc là mọc tại tròng trắng, đều do lục dâm tà độc ngoại tẩm, hoặc nội có thực trệ đàm hỏa thấp nhiệt… hoặc thất tình uất kết, tạng khí hư tổn hoặc do ngoại thương gây ra. Bề ngòai nhìn mắt bình thường hoặc đồng tử biến sắc biến hình mà xuất hiện thị lực giảm là “Nội chướng” (cườm đá) đa số do thất tình tổn thương khí huyết lưỡng hư hoặc can thận bất túc âm hư hỏa vượng hoặc ngoại tà dẫn động tích nhiệt gây ra. Tóm lại ngoại chướng thuộc thực nội chướng thuộc hư.
Mộng thịt
Đa số da tâm phế hai kinh phong nhiệt úng thịnh, kinh lạc ứ trệ hoặc do tỳ vị thấp nhiệt uẩn chưng huyết trệ trong lạc hoặc do thận âm âm thầm hao tâm hỏa thượng viêm gây ra.
Châm nhãn, nhãn đan (chắp, lẹo)
Rìa mi mắt mọc những hạt nhỏ như hạt lúa mạch ít, đỏ sưng gọi là châm nhãn (chắp). Nếu sưng đỏ nhiều sưng mi mắt gọi là nhãn đan (lẹo) thường vỡ mủ. hai chứng điều do phong nhiệt bác khách vu mi mắt, hoặc do tỳ vị uẩn tích nhiệt độc thượng công mắt gây ra.
e) Mục thái chủ bệnh (hình thái mắt)
Mắt trợn ngược lên tròn xoe nhìn trừng trừng không chớp là triệu chứng nặng. Nhìn ngang hoặc liếc ngang (ngoại trừ tiên thiên) là can phong nội động. Ngủ mê mệt mắt không khít là tỳ khí thanh dương không thăng dẫn đến mi mắt thất dưỡng nhắm mở thất tư, thường gặp ở trẻ em tỳ vị hư nhược hoặc mạn tỳ phong. Mi mắt liệt cả hai mắt đa số do tiên thiên bất túc tỳ thận lưỡng hư. Nếu chỉ một mắt liệt hoặc hai mắt liệt không đều nhau do tỳ hư khí nhược hoặc khí huyết bất hóa (không tan) sau sang chấn.
Đồng tử dãn to do thận tinh hao kiệt là triệu chứng nguy kịch, đồng tử co nhỏ đa số thuộc can đởm hỏa tích hoặc lao tổn can thận hư hỏa thượng nhiễu hoặc do trúng độc.
4.3 Xem tai
Nhĩ vi thận chi khiếu, kinh thủ túc thiếu dương phân bố ở tai, thủ túc thái dương và dương minh kinh cũng phân bố ở tai (trước sau) cho nên có thể nói nhĩ vi “Tông mạch chi sở tụ”. Ngày nay nhĩ châm liệu pháp đạt được một số thành tựu trong điều trị cũng đủ chứng minh rằng nhĩ không chỉ quan hệ với thận và một số kinh mạch mà còn thông qua kinh lạc nó quan hệ với ngũ tạng lục phủ tứ chi bách hài. Do đó nhĩ chẩn nên tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, không thể qua loa.
Vọng chẩn tai chủ yếu quan sát sắc trạch hình thái vành tai và vật bài tiết. Theo nhĩ châm liệu pháp ngày nay tai còn phân chia nhĩ bộ vị tương ứng của tạng phủ thân hình.
a) Biến hóa sắc trạch
Nhuận khô: Tai người bình thường thì dày và nhuận trạch là biểu hiện của tiên thiên thận âm sung túc, ngược lại tai mỏng và khô là thận âm tiên thiên bất túc.
Sắc trắng: Trắng là hàn thường gặp trong bạo cảm phong hàn hoặc do hàn tà trực trúng, tai mỏng trắng là thận bại (thận tinh bất túc) ở người bệnh nặng.
Sắc đen: Xanh đen là đau, gặp ở trường hợp đau dữ dội. Vành tai đen cháy mà khô là triệu chứng của thận thủy suy cực độ, trong giai đoạn cuối của ôn bệnh.
Sắc đỏ: Vành tai đỏ nhuận là biểu hiện bình thường nói lên thận khí sung túc. Nếu đỏ sưng thuộc thiếu dương tướng hỏa thượng công hoặc do can đởm thấp nhiệt hỏa độc thượng chưng. Nếu phía sau vành tai có những đường đỏ (hồng lạc) đồng thời gốc tai lạnh đa số là triều nhiệt của ma chẩn (sởi).
b) Hình thái biến hóa
Tai dày mà to là hình thịnh thuộc thận khí túc (đủ), nhỏ mỏng là hình suy khuy thuộc thận khí khuy suy.
Tai sưng là tà khí thực đa số thuộc thiếu dương tướng hỏa thượng công, tai gầy là chính khí suy thận tinh hoặc thận âm bất túc, vành tai teo héo là thận khí kiệt tuyệt đa số thuộc tử chứng.
Vành tai xơ xác héo (giáp thác) là bệnh lâu huyết ứ hoặc có trướng ung.
Trong tai mọc ra thịt dư nhỏ hình dáng như trái anh đào hoặc giống vú dê gọi là “Nhĩ trĩ”. Nếu mục thịt dư đầu to chân nhỏ giống như cây nấm gọi là “Nhĩ tầm”. Nếu thịt dư nhỏ dài như hột táo mọc lồi ra ngoài tai sờ đau gọi là “Nhĩ đĩnh”. Cả ba đều do can kinh nộ hoả, thận kinh tướng hoả, vị kinh tích hoả uất kết mà thành.
c) Vật bài tiết trong tai
Ráy tai: Bình thường tai ngoài có tuyến bài tiết dịch tai sau đó khô thành ráy tai, nếu ráy tai quá nhiều có thể gây tắc ống tai ngoài.
Mủ tai: Do viêm tai giữa, mủ vàng gọi là “Minh nhĩ” hoặc “Nhĩ thấp”, mủ trắng gọi là “Triền nhĩ”, mủ đỏ gọi là “Nhĩ phong độc”… đều là do túc thiếu âm thủ thiếu dương hai kinh phong nhiệt thượng ung che lấp hoặc do can đởm thấp nhiệt hoặc do thận hư, tướng hỏa thượng công gây ra.
4.4 Vọng tỵ (xem mũi)
Mũi là khiếu của phế lại thuộc tỳ kinh và có liên hệ với túc dương minh vị kinh. Linh khu – Ngũ sắc” nói: “Ngũ sắc quyết vu minh đường, minh đường giả tỵ dã”. “Kim quỹ yếu lược – Tạng phủ kinh lạc” nhắc đến xem mũi để chẩn đoán bệnh. Xem mũi nên chú ý đến sắc trạch hình thái.
Ngũ sắc chủ bệnh
Đầu mũi xanh là chỉ đau bụng, vàng là lý có thấp nhiệt, trắng là vong huyết, đỏ là phế tỳ kinh nhiệt, hơi đen là có thủy khí. Sắc mũi minh nhuận là không bệnh hoặc bệnh gần khỏi. Đầu mũi vàng đen khô héo là tỳ hỏa tân khô cũng thuộc triệu chứng ác tính. Lỗ mũi khô táo thuộc dương minh nhiệt chứng, khô mà đen như muội than là dương độc nhiệt thâm, mũi lạnh trơn mà sắc đen là âm độc lãnh cực.
Biến hóa hình thái
Mũi sưng là tà khí thịnh, mũi sưng đỏ mọc nhọt là huyết nhiệt, nghẹt mũi là nhiệt khách dương minh kinh gây ra. Trĩ mũi (thịt dư) giống như hạt lựu dần to xệ ra gây nghẹt mũi do phế khí nhiệt cực hoặc phong thấp uất trệ lâu ngày gây ra. Đầu mũi nhỏ có nhiều mụn hạt nhỏ gọi là mũi “Tửu tra” (bã rượu) đa số do huyết nhiệt nhập phế gây ra.
Cánh mũi phập phồng bệnh mới phát đa số do nhiệt tà phong hỏa úng tắc phế tạng. Bệnh làm cánh mũi phập phồng đổ mồ hôi có thể là triệu chứng phế nhiệt.
4.5 Xem miệng môi
Tỳ khai khiếu ở miệng kỳ hóa tại môi. Túc dương minh vị kinh vòng quanh môi do đó vọng miệng môi có thể chẩn đoán bệnh tỳ vị, thường cũng là quan sát hình sắc nhuận táo…
Biến đổi sắc môi
Sắc chẩn miệng môi cơ bản giống ngũ sắc chẩn vùng mặt. Niêm mạc môi mỏng và trong nên sự biến đổi sắc trạch rất rõ.
– Môi hồng nhuận là biểu hiện bình thường nói lên vị khí sung túc, khí huyết điều hoà.
– Môi trắng nhợt là huyết khuy huyết không thượng vinh gặp ở bệnh nhân mất máu nhiều.
– Môi hồng (đỏ) nhạt là hư là hàn đa số thuộc huyết hư hoặc khí huyết lưỡng hư. Ở người thể chất hơi yếu kém không bệnh cũng thường có biểu hiện này.
– Môi đỏ thẫm là thực là nhiệt, đỏ thẫm mà khô là nhiệt thịnh thương tân, đỏ thẫm sưng khô là nhiệt cực, đỏ như trái anh đào đa số là ngộ độc CO2.
– Môi xanh đen: Hồng nhạt hơi đen là hàn thịnh, xanh đen là lạnh cực độ, môi miệng xanh là khí trệ huyết ứ, do vậy xanh đen chủ đau, xanh mà thâm tím là trong có uất nhiệt, vòng quanh miệng đen là thận tuyệt. Miệng môi khô cháy mà tím đen là triệu chứng nặng.
Biến hoá hình thái
– Khô nứt là tân dịch tổn thương gặp ở ngoại cảm táo nhiệt, tà nhiệt thương tân. Cũng gặp ở tỳ nhiệt hoặc âm hư tân dịch bất túc.
– Chảy nước dãi: Đa số thuộc tỳ hư thấp thắng hoặc vị có nhiệt, thường gặp ở trẻ con hoặc trúng phong miệng méo.
– Nhũ nhi toát khẩu (miệng chúm co giật) không thể bú gặp trong trẻ em tề phong (có thể là uốn ván hoặc nhiễm trùng rốn), miệng xanh co giật không ngớt.
– Miệng mở không đóng được Chủ hư, miệng há như miệng cá không đóng được là tỳ tuyệt…
– Bệnh lâu bệnh nặng nhân trung đầy, môi lật ra ngòai là tỳ dương đã tuyệt. nhân trung ngắn môi teo nhỏ không thể phủ kín răng là tỳ âm đã tuyệt.
– Miệng lở đẹn trắng như rêu tươi cào bỏ lộ một lớp màng đỏ ở dưới rất đau đa số là dương vượng âm hư hoặc tỳ kinh thấp nhiệt nội uất gây ra nhiệt tà hun chưng mà thành.
– Miệng môi ngứa sưng đỏ nứt chảy nước, đau như đốt thiêu do dương minh vị kinh hoả thượng công gây ra.
4.6 Xem răng lợi
Xỉ (răng) vi cốt chi dư, mà thận lại chủ cốt nên “Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc” có nói “Xỉ giả thận chi tiêu, cốt chi bản dã” (răng là biểu hiện của thận là căn bản của cốt), thủ túc dương minh kinh mạch lạc tại răng lợi, do đó răng lợi có quan hệ với thận vị đại trường. Xem răng lợi có thể đóan biết bệnh biến của thận và trường vị đặc biệt đối với bệnh chứng ôn bệnh càng có ý nghĩa quan trọng. Trường phái ôn bệnh học quan sát sự nhuận táo của lợi có thể biết vị tân thận dịnh tồn vong.
Quan sát răng lợi là quan sát chủ yếu sự nhuận khô, sắc trạch và hình thái
Vọng xỉ (răng)
– Răng sạch trắng và nhuận trạch nghĩa là biểu hiện tân dịch nội sung, thận khí sung túc, tuy có bệnh nhưng tân dịch chưa thương tổn. Răng vàng mà khô là nhiệt thịnh thương tân gặp ở giai đọan cao điểm của nhiệt bệnh, nếu quang (sáng) khô như đá là dương minh nhiệt thịnh, nếu khô như xương là thận âm khô kiệt. Tóm lại răng khô là tinh khí nội kiệt quệ.
– Cắn răng nghiến lợi là thấp nhiệt động phong sắp diễn tiến thành kinh bệnh (động kinh), cắn răng mà không nghiến lợi là vị nhiệt, nếu cắn răng mà mạch chứng hư là vị khí bất túc mà cân mạch thất dưỡng, nếu răng cắn chặt khó há là phong đàm trở lạc hoặc nhiệt thịnh động phong. Lúc ngủ nghiến răng là phong nhiệt hoặc tích trệ.
– Răng lung lay thưa thớt chân răng lộ ra đa số là thận hư hoặc hư hỏa thượng viêm. Trẻ em răng rụng lâu mọc là thận khí khuy. Bệnh nặng mà răng vàng khô, rụng là cốt tuyệt. Nướu răng lở, răng rụng là “Xỉ cam” là triệu chứng nặng…
– Lợi trắng nhạt đa số do huyết hư huyết thiểu không lên nuôi lạc mạch gây ra. Lợi teo mà sắc nhạt là vị âm bất túc hoặc thận khí hư. Lợi sưng đỏ là vị nhiệt thượng viêm.
– Lợi và răng có một đường màu lam là nhiễm độc chì.
– Xuất huyết chân răng mà sưng đỏ là vị nhiệt thương tổn lạc, nếu không đau đỏ mà hơi sưng là đa số do khí suy hoặc thận hỏa thương lạc.
4.7 Vọng họng hầu
Hầu họng là cửa ngõ của phế vị, là nơi nhiều kinh lạc đi qua nên có rất nhiều tạng phủ bệnh điều co biểu hiện tại đây đặc biệt là phế vị và thận.
Hầu họng bình thường có màu hồng nhạt mà nhuận, không sưng không đau, hô hấp, phát âm, nuốt đều thông suốt. Bệnh hầu họng gồm rất nhiều triệu chứng sẽ nói rõ hơn trong chuyên khoa tai mũi họng, ở đây chỉ giới thiệu những chẩn pháp thông thường nhất
Biện họng hầu sưng lở
– Họng sưng đỏ mà đau, thậm chí lở loét hoặc có mủ vàng trắng là “Nhũ nga” đa số do phế vị nhiệt độc úng thịnh gây ra. Nếu sắc đỏ mà kiều nộn không sưng đau nhiều đa số là thận thuỷ khuy thiểu, âm hư hoả vượng gây ra
– Hơi sưng màu đỏ nhạt đa số do đàm thấp ngưng trệ. Nếu sắc hồng nhạt mà không sưng hơi đau hat tái phát hoặc họng ngứa ho khan đa số là khí âm lưỡng hư, hư hoả thượng phù
– Hầu họng lở loét đỏ sưng xung quanh đa số là thực chứng. Nếu vùng lở phân tán nông là phế vị nhiệt còn nhẹ, nếu thành mảng là hoả độc úng thịnh. Lở lâu ngày, xung quanh màu hồng nhạt đa số thuộc hư chứng, vết lở phân tán nông cạn là hư hoả thượng viêm, thành mảng là khí huyết bất túc, thận âm hư tổn, tà độc nội hãm
Phân biện giả mạc
Khu vực lở được phủ một lớp màng trắng mỏng gọi là giả mạc
– Lớp giả mạc lỏng lẻo dày, dễ cạo tróc, sau khi tróc sẽ tự mọc lại là thuộc vị nhiệt
– Giả mạc chắc khó cạo, nếu mạnh tay sẽ chảy máu, hoặc sau khi cạo không tự mọc lại đây là triệu chứng của bệnh nặng bạch hầu, do phế vị nhiệt độc thương âm gây ra
Biện dịch mủ
– Vùng hầu họng sưng đỏ nhô cao, có cảm giác tê giật nhẹ, ấn mềm lõm là đã thành mủ, ấn cứng là chưa hoá mủ
– Dịch mủ vàng đặc thuộc thực chứng, loãng hoặc uế trọc (dơ đục) là chính khí hư không thắng tà
– Dịch mủ dễ thoát, bề mặt vết loét lành nhanh thuộc cơ thể mạnh khoẻ, chính khí đầy đủ. Nếu dịch mủ khó sạch, vết loét chậm lành là thể nhược chính hư
4.8 Vọng hạ khiếu
Hạ khiếu là chỉ tiền âm và hậu âm.
Thận khai khiếu ở nhị âm mà tư nhị tiện. Tinh khiếu thông với thận, âm hộ thông với bào cung và cũng có quan hệ với thận, niệu khiếu thông bàng quang. Tiền âm là nơi tụ tập của tông can lại là nơi hợp của thái âm và dương minh. Kinh mạch can đởm đi qua (liên lạc) với âm khí (bộ phận sinh dục ngoài). Do đó có thể thấy tiền âm có quan hệ mật thiết với can đởm thận bàng quang, thái âm, thiếu âm, quyết âm, thiếu dương, dương minh. Do vậy vọng tiền âm có thể chẩn đóan bệnh biến các tạng phủ kinh lạc. Hậu âm, giang môn thông trực tràng, đại tràng nên có quan hệ với phế và tỳ vị. Ngoài ra tiền âm có quan hệ với nhâm đốc mạch.
Tiền âm
– Âm nang sưng không ngứa không đau gọi là âm thũng, đa số do ngồi bệt dưới đất cảm phong thấp, hoặc do thuỷ thũng nặng. Âm nang sưng căng bóng trong gọi là “Thủy sán”. Sưng to mà không bóng trong (thấu minh = trong) không cứng đa số là sa ruột. Cao hoàn (tinh hoàn) sưng đau cũng thuộc “Sán chứng”. Sán chứng có bảy loại là khí, huyết, cân, đồi, hàn, thủy, hồ đều thuộc chứng cao hoàn hoặc sưng hoặc đau, đa số là can khí uất, nhiễm hàn thấp nhiệt, khí suy hoặc do đứng lâu đi nhiều gây ra.
– Âm kinh (dương vật), âm nang hoặc âm hộ co vào bụng gọi là “Âm túc” đa số do hàn ngưng kinh lạc gây ra nhưng cũng có thể do ngoại cảm nhiệt bệnh nhiệt nhập quyết âm, âm dinh đại tổn thương dẫn đến tông cân tổn thương gây ra. Trên lâm sàng thường gặp do âm dương hư cực độ, đây là triệu chứng nguy hiểm.
– Sa tử cung do trung khí bất túc tỳ hư hạ hãm.
– Trẻ em âm nang chắc, màu đỏ hơi tím là khí sung hình túc là tình trạng khỏe mạnh. Nếu âm nang nhẽo thòng hoặc trắng là do khí huyết suy cơ thể suy nhược nhiều bệnh.
Hậu âm
– Nứt hậu môn: Rất đau sau đại tiện, chảy máu khi đi đa số do đại trường nhiệt kết phân cứng gây nứt.
– Trĩ lậu (dò hậu môn): Do trĩ (nội ngoại) lở lâu ngày không lành hình thành lổ dò đa số do trường nội có thấp, nhiệt, phong, táo, bốn khí tương hợp mà thành.
– Thoát giang (sa trực tràng): Nhẹ thì trực tràng lồi khi đi cầu sau đó tự rút vào, nặng thì sau khi đi cầu khó co rút vào, đa số do trung khí bất túc khí hư hạ hãm gây ra thường gặp ở người già, trẻ em và sản phụ sau sanh hoặc kiết lỵ lâu ngày…
Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ
Xem thêm: