Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Văn chẩn trong y học cổ truyền

by BBT Yhctvn

Văn chẩn trong y học cổ truyền – Văn chẩn gồm hai nội dung là nghe tiếng (âm thanh) và ngửi mùi vị. Nghe tiếng là chỉ về chẩn sát tiếng nói, âm thanh, hơi thở (hô hấp), ho, nôn ói, nứt cục, ợ hơi, thở dài, hắt hơi, tiếng nhu động ruột, các âm thanh phát ra từ người bệnh. Ngửi là ngửi mùi từ cơ thể bệnh nhân bốc ra, mùi chất thải và mùi phòng bệnh

Rất sớm trong “Nội kinh” đã có ghi chép về văn chẩn. “Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” đầu tiên nêu ra lý luận ngũ âm, ngũ thanh ứng với ngũ tạng, mà trong “Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận” lại càng nhấn mạnh dùng âm thanh lời nói (ngôn ngữ), hô hấp…để phán đoán chính tà thịnh suy. “Thương hàn luận” và “Kim quỹ yếu lược” cũng dùng tiếng nói, hô hấp, suyễn tức, ho, ợ nấc… của bệnh nhân làm nội dung chủ yếu của vấn chẩn. Các y gia hậu thế lại liệt kê thêm các loại chất bài tiết (mùi vị) vào trong phạm vi văn chẩn. Nguyên lý cơ bản của của nó là các loại âm thanh, mùi vị đều do các hoạt động sinh lý và bệnh lý của tạng phủ sản sinh ra cho nên nó có thể phản ánh bệnh lý biến hoá sinh lý của tạng phủ.

1.  Nghe âm thanh

Âm thanh được phát ra nhờ sự hiệp điều của nhiều cơ quan như phế, hầu, lưỡi, răng, môi, mũi… Phế là động lực chính của sự phát ra âm thanh, phế chủ nhất thân chi khí, khí động tắc hữu thanh. Hầu là cơ quan phát thanh, các cơ quan khác đều có tác dụng điều tiết thanh âm. Thanh âm dị thường chủ yếu có quan hệ với phế, nhưng thận lại chủ nạp khí nên thanh âm được phát ra tất phải do sau khi thận gian (giữa hai thận) động khí (khí vận động) lên tới lưỡi. Bệnh biến các tạng phủ cũng có thể thông qua kinh lạc mà ảnh hưởng tới phế thận. Do đó nghe âm thanh không chỉ có thể chẩn sát bệnh biến những cơ quan liên quan đến phát âm mà còn có thể căn cứ vào sự biến đổi thanh âm để thêm 1 bước nữa chẩn sát sự biến đổi các tạng phủ trong cơ thể. Bình thường bệnh mới phát, bệnh nhẹ thì thanh âm đa số không đổi, duy bệnh nặng, bệnh ngặt nghèo thì mới biến đổi.

1.1 Thanh âm bình thường

Thanh âm của người khoẻ mạnh tuy có sự khác nhau giữa các cá thể nhưng đều phát âm tự nhiên, âm điệu thông thoáng, cương nhu tương tề, đây là đặc điểm chung của thanh âm bình thường. Do giới tính, tuổi tác, hình chất bẩm phú thân thể khác nhau nên ở người bình thường thanh âm cũng không hoàn toàn giống nhau. Nam đa số thanh thấp mà trọc (đục), nữ đa số thanh cao mà trong, nhi đồng thanh âm sắc trong giòn, người già trầm thấp. Thanh âm có quan hệ với sự biến đổi tình chí. Ví dụ lúc vui âm thanh hoan duyên (vui vẻ) mà tán, lúc giận âm thanh phẫn nộ mà cấp thúc, lúc bi ai âm thanh bi thảm mà đứt đoạn, lúc hoan lạc âm thanh khoan khoái (thư sướng) mà chậm (hoãn), lúc cung kính âm thanh chính trực mà nghiêm túc, lúc đang yêu phát âm thanh nhu mà hoà. Đây là những âm thanh phát ra khi xúc động cũng thuộc phạm vi bình thường chứ không phải bệnh

1.2. Thanh âm bệnh

a) Phát thanh (âm)

Ngũ âm gồm: Giốc, chủy, cung, thương, vũ. Ngũ thanh là: Hô, tiếu, ca, khấp (khóc), thân (rên rỉ) tương ứng với: Can, tâm, tỳ, phế, thận, trong điều kiện bình thường nó là những phản ứng biến đổi tình chí của con người. Trong bệnh lý nó phản ánh sự biến hóa của ngũ tạng. Đặc biệt trong những biến đổi về mặt tình chí thường xuất hiện cười khóc rên la… với âm điệu biến hoá, có thể căn cứ vào đó để suy đoán bệnh biến ở những tạng phủ nào tương ứng.

Khàn và mất tiếng: nhẹ là khan tiếng, nặng là mất tiếng hoàn toàn không thể phát âm. Bệnh mới phát nếu khàn hoặc mất tiếng thuộc thực chứng, đa số do ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt. Hàn nhiệt hai khí giao nhau cùng xâm tập phế, hoặc do đàm trọc úng phế dẫn đến phế khí không tuyên, thanh túc thất chức, cái này gọi là “Kim thực bất minh” (kim chỉ phế, minh = tiếng). Bệnh lâu khàn hoặc mất tiếng, đa số thuộc hư, thường là do tinh khí nội thương, phế thận âm hư, hư hỏa chước kim dẫn đến tân (dịch) khô phế tổn, tiếng khó phát ra, cái này gọi là “Kim phá bất minh”. Bạo nộ kêu gào tổn thương hầu họng cũng dẫn đến khan tiếng hoặc mất tiếng, cũng có thể do khí âm hao thương gây ra. Ở phụ nữ mang thai mất tiếng là do bào thai trở trệ, thận tinh khí không thể thượng vinh mà ra.

– Âm thanh cao to hữu lực: âm phát liên tục trước nhẹ sau nặng là khỏe mạnh (hình tráng khí túc), nhưng trường hợp bệnh mà nghe như vậy là thực chứng, nhiệt chứng. Nếu cảm thụ phong hàn thấp tà thường có nghẹt mũi, âm thanh nặng đục (trọc). Âm phát ra nhẹ khẽ tế nhược, âm đứt quãng trước mạnh sau yếu hoặc tiếng nói nhẹ trong là do cơ thể suy hư, khí hư, nếu bệnh gặp loại này đa số thuộc hư chứng, hàn chứng

Ngáy khi ngủ đa số do khí đạo không thông và cũng không phải trạng thái bệnh. Nếu ngủ mê mệt không tỉnh mà ngáy liên tục, tiểu không hay, bàn tay xoè đa số là trúng phong nhập tạng, là triệu chứng nguy hiểm

Rên rỉ không ngớt đa số do có đau ở đâu đó, chau mày rên rỉ là đau đầu dữ dội, rên rỉ mà không ngồi được là đau lưng hoặc chân, rên mà ôm ngực hay bụng là đau ngực hay bụng, rên mà mân mó hàm là đau răng. Đang yên lặng đột ngột thích la lên những tiếng kinh dị (kinh hô) là đau khớp hoặc đau trong xương. Rên nhỏ khàn, âm không dứt là đau trong ngực. La những tiếnh kinh dị từng cơn, âm cao thanh sắc, vẻ mặt kinh khủng sợ là chứng kinh phong. Trẻ em khóc đêm có thể tỳ kinh có nhiệt hoặc tỳ hàn đau bụng

b) Tiếng nói (ngữ ngôn)

Trầm mặc ít nói là hư chứng, hàn chứng. Phiền thao nói nhiều là nhiệt chứng, thực chứng. Tiếng nói chậm nhẹ khẽ, muốn nói mà không thể nhắc lại là “Đoạt khí”, là chứng trung khí đại hư

Nói chậm không rõ, khó hiểu là thuộc phong đàm mông bịt thanh khiếu, hoặc phong đàm trở trệ lạc

Nói năng lộn xộn là thần minh (nhiễu) loạn, hoặc cũng thuộc tâm bệnh (có phân thực hư).

Chiêm ngữ: Là thần trí không tỉnh táo, nói không có trước sau (thứ tự), tiếng cao có lực đa số là thực chứng do đàm nhiễu tâm thần, thường gặp trong ôn bệnh tà nhập tâm bào, hoặc dương minh phủ thực chứng, có chia ra huyết nhiệt, ứ huyết, táo thỉ (phân khô táo), và đàm ngưng.

Trịnh thanh: Cũng là thần trí không tỉnh táo, lời nói lặp đi lặp lại, lúc ngắt lúc tiếp, âm thanh thấp, nhược, thuộc tâm khí đại thương tổn gây chứng tinh thần tán loạn, thuộc hư chứng.

Lẩm bẩm một mình (tự ngôn tự ngữ): Lẩm bẩm không nghỉ, gặp người là lập tức ngưng, nói lộn xộn không đầu không đuôi gọi là “Độc ngữ”. Lời nói lộn xộn, nói xong không biết mình sai gọi là “Thác ngữ”. Độc ngữ và thác ngữ đều thuộc tâm khí bất túc, thần thất sở dưỡng, thuộc hư chứng.

Cuồng chứng là cười chửi cuồng ngôn, lời nói không thứ tự, trèo cao ca hát, cởi đồ chạy lung tung, đây thuộc dương nhiệt thực chứng đa số gặp trong đàm hỏa nhiễu tâm, hoặc thương hàn súc huyết chứng.

c) Hô hấp

Mắc bệnh mà hơi thở bình thường là hình bệnh mà khí chưa bệnh, hơi thở khác thường là hình khí đều bệnh. Ngoại cảm tà khí hữu dư, hơi thở thô (hổn hển) mà nhanh thuộc thực chứng, nhiệt chứng. Bệnh nội thương chính khí bất túc hơi thở nhỏ chậm thuộc hư chứng, hàn chứng. Khí thô hổn hển là thực, khí vi (hơi thở nhẹ) là hư. Nhưng bệnh lâu ngày khí phế thận đều muốn tuyệt gặp trường hợp khí thô mà đứt đọan là giả thực chứng. Ôn nhiệt bệnh nhiệt nhập tâm bào, hơi thở vi mà hơi mê mê là giả hư chứng. Hơi thở nhỏ khó, hơi thở gấp mà ngắn không kịp nghỉ là nguyên khí đại tổn thương, chứng âm dương ly quyết. Hơi thở bệnh gồm: suyễn, háo, thượng khí, thiểu khí, đoản khí.

Suyễn chứng: Biểu hiện khó thở, thở gấp, thậm chí há miệng rụt vai mà thở, cánh mũi phập phồng, không thể nằm được. Suyễn có chia hư và thực chứng. Thực suyễn phát bệnh nhanh (cấp kỳ), hơi thở thô, cao, gấp, dễ thì thở ra, thể trạng chắc khỏe, mạch thực hữu lực đa số do phế có thực nhiệt hoặc đàm ẩm nội đình. Hư suyễn thì phát bệnh từ từ, tiếng thở thấp, nhỏ, hốt hỏang sợ hãi, hơi thở ngắn không liên tục, hễ động là suyễn tăng, nhưng thường hít được một hơi sâu cảm thấy dễ chịu, hình thể gầy, mạch hư vô lực. Do phế thận hư tổn, khí thất nhiếp nạp gây ra.

Háo chứng là thở nhanh gấp như suyễn, hơi thở cao mà đứt đọan, họng phát tiếng đàm minh, lúc phát lúc nghỉ, bệnh trình dài khó khỏi. Đa số do bên trong có đàm ẩm lại cảm phải ngoại hàn thúc cơ biểu, dẫn động phục ẩm mà phát bệnh. Cũng có thể do cảm thụ ngoại tà nhưng không kịp giải tán biểu, tà thúc phế kinh gây ra, hoặc do cư ngụ lâu nơi ẩm thấp, hoặc do ăn nhiều đồ chua mặn sống đều có thể kích phát bệnh.

Háo suyễn: Thường xuất hiện cùng suyễn chứng cho nên thường gộp chung gọi là háo suyễn. Phân biệt giữa háo và suyễn thì “Y học chính truyền” có nói: Suyễn thúc (thở khó) mà trong cổ họng phát ra như tiếng gà nước gọi là háo, thở nhanh gấp, liên tục không kịp nghỉ gọi là suyễn.

Thượng khí: Là chỉ phế khí không thể tuyên tán, thượng nghịch lên hầu mà gây ra khí đạo hẹp tắc, hơi thở nhanh. Khái nghịch thượng khí là ho kèm theo khạc nhổ đàm liên tục, ngồi thở chứ không nằm được là đàm ẩm nội đình hung cách. Nếu âm hư hỏa vượng, hỏa nghịch khí thượng thì cảm giác hầu họng không thông. Ngoại tà thúc bì mao phế khí bế tắc, thủy (tân) dịch không thể phân bố đều thì thượng khí thường kèm theo phù thũng.

Đoản khí: Hơi thở nhanh mà ngắn không kịp nghỉ, nhanh mà không tiếp nhau được, giống suyễn nhưng không rụt vai cổ để thở, họng không phát ra tiếng đàm. Đoản khí (giống như hụt hơi) có biện thực và hư. Đàm ngưng đình trệ trong ngực thì đoản khí mà khát thuộc thực chứng. Phế khí bất túc mà cơ thể hư, khí đoản tiểu không thông thuộc hư chứng. Thương hàn mà tâm phúc trướng mãn mà đoản khí là tà tại lý thuộc thực chứng. Bụng mềm, đầy cũng là do tà tại lý nhưng lại thuộc hư chứng.

Thiểu khí: Còn gọi là “Khí vi” là chỉ hơi thở nhỏ yếu (vi nhược), ngắn mà tiếng thở nhỏ giống như không tiếp được hơi của đoản khí, hình thể thường là không thay đổi. Thiểu khí chủ về các loại hư bất túc và là biểu hiện của cơ thể suy nhược.

d) Ho (khái thấu)

Là triệu chứng thường gặp của tạng phế nhưng cũng có quan hệ với bệnh biến của các tạng phủ khác. Dựa vào tiếng ho và những triệu chứng kèm theo có thể phân biệt hàn nhiệt hư thực.

Ho tiếng nặng tức ngực đa số thuộc hàn thấp. Tiếng ho nặng đục kèm đàm trong loãng trắng, mũi nghẹt là ngoại cảm phong hàn. Ho tiếng nhỏ, đàm nhiều, dễ khạc là ho hàn hoặc ho thấp hoặc đàm ẩm.

Ho tiếng thanh giòn thuộc táo nhiệt. Nếu ho khan không đàm hoặc khạc ít đàm dính là ho táo (táo khái) hoặc ho do hỏa nhiệt.

Tiếng ho không thông, khản đặc, đàm vàng dính đặc khó khạc, hầu họng khô đau, mũi thở ra hơi nóng hổi là thuộc phế nhiệt. Ho không thông là phế khí không tuyên.

Ho một tràng liên tục là thuộc phong. Ho từng cơn, mỗi cơn liên tục không dứt, có khi nôn ói, ho ra máu, hết cơn kêu lên một tiếng như tiếng cò gọi là “Bách nhật khái” (ho gà) thường gặp ở trẻ em, thuộc phế thực, đa số do phong tà và phục đàm tương kết, uất mà hoá nhiệt trở tắc khí đạo gây ra. Bạch hầu ho như tiếng chó sủa đa số do phế thận âm hư, hoả độc công hầu gây ra.

Không có sức ho (vô lực tác khái): Tiếng ho nhỏ khẽ, ho khạc ra bọt trắng kèm khí thúc là thuộc phế hư. Ho nhiều về đêm là thận thủy khuy. Trời sáng ho nhiều là tỳ hư hoặc đàm thấp tại đại trường.

e) Nôn ói (ẩu thổ)

Gồm ẩu, can ẩu và thổ, ba loại tình huống. Ẩu là chỉ nôn vừa có tiếng vừa nôn ra vật nôn, can ẩu (nôn khan) là có tiếng mà không vật nôn, thổ là nôn ra vật nôn mà không phát ra tiếng. Cả ba đều do vị khí thượng nghịch gây ra. Dựa vào tiếng nôn có thể biện hàn nhiệt hư thực. Hư hàn thì nôn từ từ, chậm, tiếng nhỏ yếu, nôn ra nước trong và đàm nhớt. Thực nhiệt thì thế nôn mãnh liệt, tiếng to, nôn ra nước vàng niêm dịch hoặc chua hoặc đắng. Thể nặng nhiệt nhiễu thần minh thì nôn kiểu nôn vọt. Có một vài kiểu ẩu thổ cần phải kết hợp vọng văn vấn thiết chẩn mới có thể tìm được nguyên nhân. Ví dụ ngộ độc thức ăn cần phải truy hỏi về ăn uống, hoắc loạn (thổ tả) vừa thổ vừa tả, phản vị thì sáng ăn chiều ói là vị dương hư hoặc tỳ thận đều hư không thể tiêu hóa thức ăn. Miệng khô muốn uống nhưng uống vô là nôn liền là thủy nghịch chứng thuộc thái dương súc thủy chứng hoặc đàm ẩm. Ngực tức bụng đầy, đại tiện không thông mà ẩu thổ là trường có táo thỉ (phân cứng), xú trọc thượng nghịch gây ra. Khí uất gây ẩu thổ thì ngực tức bụng đau đa số do can khí phạm vị. Vị thống thì nôn mủ

f) Ách nghịch (nấc cụt)

Chứng thuộc vị khí thượng nghịch. Dựa vào tiếng nấc dài ngắn, cao thấp và thời gian ngưng (gian cách) để chẩn sát hàn nhiệt hư thực

Bệnh mới mắc thường tiếng nấc hữu lực, đa số là hàn tà hoặc nhiệt tà khách vị. Bệnh lâu thì tiếng nấc nhỏ khẽ, là hiện tượng báo trước vị khí gần tuyệt

Nấc liên tục tiếng hữu lực cao mà ngắn thuộc thực nhiệt. Tiếng nhỏ trầm dài âm tựa như vô lực cách hồi lâu mới có một tiếng thuộc hư hàn. Ách nghịch thượng xung tiếng nhỏ mà hầu như không lên tới hầu họng, hoặc có lúc biểu hiện “Trịnh thanh” là tỳ vị khí suy, hư khí thượng nghịch cũng có thể thuộc hàn chứng. Tiếng nấc không cao không thấp, thời gian nấc ngắn, tinh thần vẫn sáng suốt không kèm theo bất cứ triệu chứng nào khác thường là do ăn nhanh, hoặc cảm phong hàn gây ra, có tính nhất thời tự khỏi.

g) Ợ hơi (ái khí)

Cũng là biểu hiện của vị khí thượng nghịch. Sau khi ăn uống nhiều khi cũng có ợ hơi, đây không phải là trạng thái bệnh. Nếu ợ nước chua kèm ngực bụng trướng mãn là xá thực (thức ăn hôm trược) không tiêu, vị khí trệ. Tiếng ợ rõ, trong, liên tục, trung tiện được thì đỡ là can khí phạm vị, thường theo sự biến đổi tình chí mà ợ có thể tăng giảm.

Tiếng ợ thấp trầm không kèm chua hôi, ăn không ngon miệng là tỳ vị hư nhược thường gặp ở người già. Hàn khí khách vị gây ra vị khí thượng nghịch mà ợ. Sau khi dùng hạn, thổ, hạ pháp và vị khí bất hoà cũng gây ra ợ hơi.

h) Thở dài (thái tức)

Là tiếng của loại bệnh tình chí. Khi tình chí uất ức hoặc do ngực đầy tức khó chịu mà thở được một hơi dài hay ngắn sẽ cảm thấy dễ chịu thường do tâm tính bất bình thường khi sầu muộn phát ra là hiện tượng can khí uất kết.

i) Hắt hơi

Do phế khí thượng xung lên mũi gây ra, đa số gặp trong ngoại cảm phong hàn. Ngoại tà uất biểu lâu ngày không khỏi mà đột nhiên xuất hiện hắt hơi là triệu chứng báo hiệu bệnh gần khỏi.

j) Sôi ruột (trường minh)

Căn cứ vào vị trí tiếng sôi ruột có thể phân biện bệnh vị và tính chất bệnh. Nếu tiếng xuất hiện ở thượng vị kèm bụng hơi căng trướng mà khi đứng lên, hoặc đi lại hai tay xoa bụng thì cảm giác tiếng sôi đi xuống dưới đa số do ẩm thực lưu tụ tại vị. Nếu tiếng ở bụng (quản phúc) tiếng sôi như đói, gặp ấm hoặc ăn vào thì giảm, gặp lạnh đói tăng, đây là thuộc bệnh trung hư trường vị bất thực (hư). Nếu tiếng sôi ruột mô tả như sấm thì thuộc phong hàn thấp tà thắng gây đầy bụng (bĩ mãn), đại tiện phân lỏng.

văn chẩn trong y học cổ truyền

2. Ngửi mùi vị

Chia ra mùi hôi của người bệnh và mùi của phòng bệnh

2.1 Mùi hôi người bệnh

a) Mùi miệng

Ở người khỏe khi nói chuyện thường không có mùi hôi. Trường hợp tiêu hóa không tốt hoặc bệnh răng miệng làm cho miệng có mùi thối. Miệng mùi chua hôi là có xá thực. Mùi hôi thối (xú) là vị nhiệt…

b) Mùi mồ hôi

Khi có mùi mồ hôi chứng tỏ mồ hôi đã tăng tiết. Mùi tanh khét là do phong thấp nhiệt ủ lâu ở bì phu chưng biến tân dịch mà ra.

c) Mùi mũi

Hôi kèm theo chảy nước mũi đục dơ (trọc) là chứng viêm xoang.

d) Mùi thân thể hôi

Nên kiểm tra xem có nhọt lở loét không.

2.2  Mùi phòng bệnh

Bệnh ôn dịch thường hôi cả căn phòng, hôi như mùi xác chết là tạng phủ bại hoại, bệnh thuộc thể nặng. Phòng có mùi máu tanh đa số do bệnh nhân mất máu…

3. Văn chẩn tiểu kết

Văn chẩn bao gồm nghe âm thanh, ngửi mùi vị, hai phần. Sự sản sinh thanh âm có quan hệ với khí thịnh suy, mùi có quan hệ với vật thải.

Nghe âm thanh chủ yếu dựa vào thanh âm to nhỏ, cao thấp, thanh đục để phân biệt hàn thực hư nhiệt. Thường thì bệnh khởi phát nhanh thường khàn đa số thuộc thực chứng. Bệnh lâu mất tiếng (thất âm) đa số thuộc hư chứng. Âm cao, thô, nặng, đục thuộc thực chứng, ngược lại là hư chứng. “Âm vi tâm thanh” (âm thanh là tiếng của tâm), ngôn ngữ thác loạn đa số thuộc bệnh biến tạng tâm do thần minh thất thủ gây ra, trong đó cuồng ngôn, chiêm ngữ thường gặp ở thực chứng nhiệt chứng. Trịnh thanh, độc ngữ, nói lộn xộn thường gặp ở hàn chứng hư chứng. Tiếng thở (hô hấp), ho, hắt hơi đa số liên quan tới phế bệnh. Nôn ói ợ hơi nấc cụt thường là vị thất hòa giáng vị khí thượng nghịch gây ra… Thở dài có quan hệ tới can.

Ngửi mùi vị người bệnh và phòng bệnh có thể đoán biết vị trí tà khí đang ở đâu, tình trạng khí huyết tạng phủ ra sao?…

Nguồn: Giáo trình yhct Đại học y dược Cần Thơ

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ