Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Huyền sâm

by Hy Lãn Hoàng Văn Vinh

Vị thuốc Huyền sâm – Tên gọi: Thân cây này hơi giống nhân sâm mà sắc lại đen, cho nên gọi (huyền là đen).

– Tên thường dùng: Nguyên sâm, đại nguyên sâm, hắc nguyên sâm, kinh nguyên sâm, tứ xuyên nguyên sâm, ô nguyên sâm, khuê giác sâm, trần nguyên sâm.

– Tên cổ trong sách cổ.

Trọng đài (Bản kinh). Huyền đài, lộc tràng, quỷ tàng (Ngô phổ bản thảo). Chính mã hàm, đoàn (Biệt lục). Trục mã (Dược tính bản thảo). Phức thảo (Khai bảo bản thảo). Gia chư ma, hắc sâm (Bản thảo cương mục). Sơn mã, gia chi ma, năng tiêu thảo, lăng tiêu thảo, huyền vũ tinh, lộc dương sinh (Hoa hán dược khảo). 

– Tên khoa học: Huyền sâm (Radix . scrophulariae) là rễ phơi hoặc sấy của ba loại huyền sâm dưới đây:

a) Quảng Huyền sâm: Scrophularia buergeriana Mig.

b) Dã Huyền sâm: Scrophularia oldhami Oliv.

c) Thổ Huyền Sâm: Scrophularia ningpoensis Hemsl. (Đều thuộc họ Mõm chó (họ huyền sâm): Scrophulariaceae).

Ba loại trên: Loại a là Huyền sâm của sách Những cây thuốc là vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi.

Loại b) là huyền sâm theo Trung Quốc dược học đại từ điển. 

Loại c) là huyền sâm theo Vân Nam Trung dược tư nguyên danh lục. 

1. Bộ phận làm thuốc, thu hái và bào chế

Bộ phận dùng: Rễ củ phơi khô của cây Huyền sâm

Mô tả dược liệu: Rễ củ phần trên hơi phình to phần dưới thuôn nhỏ, dài 12 – 15 cm. Mặt ngoài củ màu nâu xám hoặc nâu đen, có nếp nhăn và rãnh. Mặt cắt ngang mềm màu đen nhiều thịt, đầu ướt như keo khói đèn hoặc như Thục địa. Phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, phía trong có nhiều vân tỏa ra. Ở chính giữa có dạng xơ. Củ chất mềm, hơi dẻo, ngửi có mùi giống như mùi đường cháy. 

Thu hái: Thu hoạch ở năm thứ 2 sau khi trồng. Thu vào lúc lá cây đã tàn lụi, vì lúc này dinh dưỡng rã tập trung dưới củ. Ở đồng bằng thu hoạch vào tháng 7-8, miền núi tháng 10-11  thì thu hoạch.

Bào chế: 

a) Thổ huyền sâm: Sau khi thu hoạch đem đi rửa và đưa lên giàn sấy, sấy cho tới lúc khô được một nửa thì đem ra ủ đống 2-3 ngày, ở bên trên có phủ kín rạ làm cho ruột củ biến thành màu đen. Thấy nước bên trong thấm ra ngoài lại đem ra sấy, sấy cho tới lúc khô 9 phần thì bỏ vào trong đảo, lắc qua lắc lại cho đất cát rơi xuống hết, sau đó phân loại để bảo quản. 

b) Huyền sâm Triết Giang. Sau khi thu hoạch về đem phơi nắng ngay (có thể dùng lửa sấy), lúc phơi khô được một nửa thì đem chất đống 2-3 ngày. Sau đó lại đem phơi, độ 40 ngày thì khô kiệt . Dù là sấy hay phơi khô, điều cần chú ý là không được để củ quá khô, gây hiện tượng rỗng ruột. 

+ Lôi Công: Đào củ về rửa sạch, lót cỏ lác xếp củ vào chỗ đồ lên cho chín, phơi khô dùng.

+ Đông Dược Học Thiết Yếu: Rửa sạch ủ mềm, xắt lát phơi khô.

Bảo quản: Tránh ẩm mốc mối mọt

2. Tác dụng dược lý của Huyền sâm theo Tây y

1) Tác dụng trên tim:

Với nồng độ thấp (0,01. 0,02%) thấy sức bóp của tim mạnh lên, nồng độ trung bình (0,1%) thấy lực của tim yếu đi, nhịp đập trở nên chậm, với nồng độ cao (10%) làm cho tim ngừng đập.

2) Tác dụng lên mạch máu.

Huyền sâm gây dãn mạch, dùng cao lỏng huyền sâm tiêm tĩnh mạch thỏ nhận xét thấy: Liều nhỏ (1 – 4ml) huyết áp hơi tăng, sau hạ xuống rồi trở lại bình thường. Liều lớn (10ml) thấy huyết áp tạm thời hạ, biên độ hô hấp tăng mạnh.

3) Tác dụng giảm sốt: Chưa rõ

4) Tác dụng trên lượng đường huyết: Thí nghiệm thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức đường trong máu bình thường là 15mg/100ml máu.

5) Tác dụng kháng sinh: Có tác dụng kháng sinh nhiều loại vi trùng ngoài da.

vị thuốc huyền sâm

3. Vị thuốc Huyền sâm theo Đông y

3.1  Tính vị, quy kinh

Tính vị

+ Bản Kinh: Vị đắng, tính hơi hàn 

+ Dược Phẩm Hóa Nghĩa: Vị hơi đắng, hơi mặn lẫn ngọt, tính mát 

+ Trung Dược Học: Vị đắng, mặn, tính hàn / Vào kinh Phế, Thận 

+ Đông Dược Học Thiết Yếu: Vị đắng, mặn, tính hơi hàn/ Vào kinh Phế, thận

Quy kinh

+ Dược Loại Pháp Tượng: Vào kinh túc Thiếu âm Thận 

+ Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải: Vào kinh Tâm, Phế, Thận 

+ Bản Thảo Tân Biên: Vào kinh Tỳ, Vị, Thận 

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Vào kinh Phế, Thận 

3.2 Công dụng và chủ trị

1) Đối với loại bắc huyền sâm (S. buergeriana Miq) là loại nguyên sâm (S. Oldhami, oliu) 

– Tính chất:

Đắng, hơi lạnh, không độc. 

– Công dụng:

Tư dưỡng ẩm dịch, mát thận hỏa, dùng làm thuốc trị sưng, lở loét, hạch, cùng làm thuốc cường tráng. .

– Chủ trị:

Trong bụng nóng lạnh tích tụ, con gái bệnh khi đẻ, bệnh về sữa, bổ khí thận, khiến người sáng mắt (Bản kinh). Chủ chữa bạo trúng phong, thương hàn mình nóng chi mãn, tà cuống, sợ hãi không biết ai là ai, sốt rét ấm nhiều, huyết hà, đại tiện ra máu lạnh, trừ khí trong ngực, hạ thủy, ngừng phiền khát, tan hạch dưới cổ, nhọt sưng đau tâm phúc, cục u cứng, yên định 5 tạng, uống lâu bổ hư sáng mắt, mạnh âm ích tinh (Biệt lục).

Đông y Việt Nam dùng làm thuốc mạnh tim, giảm sốt, chống viêm trong các bệnh viêm cổ họng, viêm amidan, lở loét trong miệng. Huyền sâm có tác dụng dư âm giáng hỏa, trừ phiền ngừng khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt tràng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón. Người tỳ hư tiết tả không dùng.

2) Đối với loại triết huyền sâm, (S. ningpoensis Hernsl). 

– Tính vị: Đắng, mặn, mát. 

– Công dụng:

Mát máu tư ấm, tá hỏa của độc, trị bệnh nhiệt phiền khát độc ôn, phát ban, tận dịch tổn thương tiện bí, ho lao, nóng trong xương, mắt đỏ, họng đau, hạch, bạch hầu, nhọt sưng độc lở loét.

Tác dụng: 

+ Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Tư âm giáng hỏa, trừ phiền chỉ khát, giải độc lợi yết hầu, nhuận táo hoạt trường ().

+ Trung Dược Đại Từ Điển: Tư âm giáng hỏa, trừ phiền giải độc. Trị chứng nhiệt bệnh phiền khát, phát ban, nóng trong xương, đêm nằm không yên, tự hãn, đạo hãn, táo bón, thổ huyết, chảy máu cam, họng sưng đau, phù thũng, lao hạch. 

+ Đông Dược Học Thiết Yếu: Thanh Thận hỏa, tư âm tăng dịch. Trị chứng âm hư, bạch hầu, họng sưng đau, ôn dịch độc ban sởi, giải ôn tà thời khí, trừ phiền nhiệt bứt rứt.

3.3 Liều dùng và kiêng kỵ

Liều dùng: 12 – 20g

 Kiêng kỵ: 

+ Trung Dược Học: Tỳ vị có thấp, tỳ hư, huyết hư thiếu, chi mãn, đau bụng, mắt mờ, tiêu chảy không dùng 

+ Bản Thảo Kinh Tập Chú: Kỵ Hoàng kỳ, Can khương, Đại táo, Sơn thù. Phản Lê lô 

+ Đông Dược Học Thiết Yếu: Âm hư mà không có nhiệt, hoặc âm hư kèm tiêu chảy: không dùng 

+ Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Tỳ Vị có thấp, Tỳ hư kèm tiêu chảy: không dùng.

4. Từng thời đại đã dùng để chữa

1) Đời Đường

Chữa phong nhiệt váng đầu, thương hàn lao phục, trị đột ngột kết nóng, tan u cục thịt thừa (lưu), rò rỉ (lậu), hạch (loa lịch).

2) Đời Tống, Đại Minh dùng chữa du phong, bổ lao tổn, tâm kinh sợ phiền táo, nóng trong xương truyền thi tà khí, ngừng hay quên, tiêu độc sưng. :

3) Đời Minh, Lý Thời Trân dùng tư âm giáng hóa, giải ban độc, lợi hầu họng, thông tiểu tiện và máu trệ đọng.

5. Phối hợp ứng dụng vị thuốc Huyền sâm

1) Trị loa lịch. Dùng:

Huyền sâm Bối mẫu
Cam thảo  Bạc hà
Liên kiều Qua lâu căn
Hạ khô thảo

2) Muốn sáng mắt dùng:

Huyền sâm Địa hoàng
Cam cúc hoa Sài hồ
Tật lê Câu kỷ tử

3) Trị thương hàn dương độc, sau khi cho ra mồ hôi, cho đi đại tiện, mà nhiệt độ uẩn kết không tan, dưới tầm ảo nùng, phiền không ngủ được, tâm thần điên đảo muốn tuyệt, dùng: | Huyền sâm – Trị mẫu – Mạch môn đồng bằng nhau.

4) Trị loa lịch lâu năm: Huyền sâm tươi giã đắp ngày thay 2 lần. (Quảng lợi phương)

5) Trị mạch máu đỏ suốt qua con ngươi:  Huyền sâm nghiền nhỏ, lấy nước gạo nấu gan lợn ngày ngày hòa lẫn ăn. (Tế cấp phương)

6) Trị phát ban họng đau. Dùng Thang huyền sâm thăng ma

Huyền sâm 1/2 lạng Thăng ma 1/2 lang
Cam thảo 1/2 lạng

Nước 3 bát sắc còn 1,5 bát, uống ấm. (Nam dương hoạt nhân thư)

7) Trị viêm họng cấp. Không kể người lớn trẻ con. Dùng Huyền sâm 1 lạng, Thử niêm tử (nửa sống nửa sao) 1 lạng. Cùng nghiền nhỏ, nước mới múc uống 1 chén lập tức khỏi. (Thánh huệ phương). 

8) Trị trong mũi sinh lở, dùng: Bột huyền sâm đồ, hoặc tẩm với nước rồi nhét vào lỗ mũi. (Vệ sinh dị giàn phương)

9) Trị tiểu tràng sán khí: Hắc sâm giã ra rồi sao, nghiền nhỏ làm viên, mỗi lần uống 1,5 động cân. Lúc đói uống với rượu, ra mồ hôi là khỏi. (Tôn thiên nhân tập hiệu phương)

10) Trị mọi độc (thử lậu) vết rò có hang hốc dùng: Huyền sâm ngâm rượu ngày ngày uống. (Khai bảo bản thảo phương)

11) Trị tam tiêu tích nhiệt dùng:

Huyền sâm – Hoàng liên – Đại hoàng. Đều 1 lạng nghiền nhỏ, luyện mật viên bằng hạt ngô mỗi lần uống 30 – 40 viên, nước sôi điều thuốc uống. Trẻ con viên như hạt thóc. (Đan Khê phương) 

Nguồn: Tổng hợp ( có sử dụng tài liệu của L/Y Hy Lãn)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ