Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Tô hợp hương hoàn

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Tô hợp hương hoàn – Xuất xứ Hòa tễ cục phương – Tác dụng Ôn thông khai khiếu, giải uất hóa trọc. 

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Bạch truật 40g Thanh mộc hương 40g
Tê giác 40g Hương phụ 40g
Chu sa 40g Kha tử 40g
Bạch đàn hương 40g An tức hương 40g
Trầm hương 40g Xạ hương 40g
Đinh hương 40g Tất bát 40g
Long não (Băng phiến) 20g dầu Tô hợp hương 20g
Nhũ hương 20g

Cách dùng: Trừ dầu Tô hợp hương, Xạ hương, Băng phiến, các vị còn lại nghiền thật mịn trộn đều rồi thêm 3 vị trên vào nghiền và trộn đều, thêm mật vừa đủ vào bột thuốc, chế thành hoàn, mỗi hoàn nặng 4g, mỗi lần uống 0,5- 1 hoàn, ngày 1-2 lần với nước sôi nóng, trẻ em tùy tuổi giảm liều.

Tác dụng: Ôn thông khai khiếu, giải uất hóa trọc. 

Chủ trị: 

– Trúng phong, trúng khí, bỗng nhiên hôn mê ngã ra, hàm răng nghiến chặt, mê man không biết gì.

– Trúng ác chạm vía, ngực bụng đầy đau, hoặc bỗng nhiên hôn mê, đờm tắc khí bế.

– Các chứng thổ tả, dịch thời khí, sốt rét ngã nước.

Kiêng kỵ: Không nên cho phụ nữ có thai, chứng nhiệt bế hoặc chứng thoát.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc

Trong bài có 10 loại thuốc có vị thơm – hương dược (Tô hợp hương, Trầm hương, Xạ hương, Đan hương, ninh Nhũ hương, An tức hương, Thanh mộc hương, Hương phụ, Băng phiến), có tác dụng phương hương khai khiếu, hành khí giải uất, tán hàn hóa trọc; Tất bát phối hợp với hương dược tăng cường tán hàn khai uất; Tê giác thanh Tâm giải độc; Chu sa trấn kinh an thần; Bạch truật kiện Tỳ hòa trung để hóa trọc; Kha tử nhục ôn sáp liễm khí, giảm bớt chất cay của các vị hương dược có hại đến chính khí. Đặc điểm bài thuốc là nhiều vị hương dược để ôn thông, khai khiếu tỉnh thần.

Ứng dụng lâm sàng

Bài thuốc Tô hợp hương hoàn đại biểu cho  ‘ôn khai’, dùng trị chứng trúng phong, khí bế hoặc kinh giản, đờm quyết, thường do hàn đờm nội bế. Thường dùng trị các chứng trúng phong đột quỵ, hàm răng nghiến chặt. Những bệnh động kinh lên cơn, những bệnh hysteria, thuộc chứng hàn bế, thực chứng.

3. Trích dẫn y văn

Vương Tấn Tam nói: Tô hợp hương thông 12 kinh lạc, 365 khiếu, cho nên dùng làm quân và lấy tên đặt cho bài thuốc, cùng hoà hợp với An tức hương có thể trong thông tạng phủ; Long não tân tán khinh phù, chạy vào kinh lạc, cùng hoà hợp với Xạ hương vào tận xương tuỷ; Tê giác vào tâm; Trầm hương vào thận; Mộc hương vào tỳ; Hương phụ vào can; An tức hương vào Phế; Đinh hương vào vị vì vị cũng là một dạng. Dùng Bạch truật kiện tỳ, là muốn làm cho các vị thơm đều vào cả Tỳ để Tỳ chuyên thấu sang các tạng. Mọi tạng đều dùng vị thuốc cay thơm để thông, chỉ riêng tạng tâm dùng Chu sa tính hàn để thông, vì tâm là tạng hoả, không chịu được những vị cay, nóng, tán khí, nên phản tá đi để trị hàn tà làm trắc trỏ quan khiếu, tức là bệnh hàn dùng thuốc hàn để trị theo nguyên tắc (hàn nhân hàn dụng) (Cổ phương tuyển chú)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm