Bán thân bất toại hay còn gọi là “Thiên nan”, ý chỉ chi trên, chi dưới của bên phải hoặc bên trái bị liệt, không thể vận động theo ý muốn.
Mục Lục
1. Bán thân bất toại là gì ?
Bán thân bất toại hay còn gọi là “Thiên nan”, ý chỉ chi trên, chi dưới của bên phải hoặc bên trái bị liệt, không thể vận động theo ý muốn. Thường kèm theo cả chứng miệng mặt méo xệch. Bệnh kéo dài khiến bên chi mắc bệnh teo quắt, tê dại mất cảm giác, phần nhiều do di chứng trúng phong.
Chứng Bán thân bất toại lần đầu xuất hiện trong sách Linh khu gọi là “Thiên khô”. Kinh quỹ yếu lược chương Trúng phong lịch tiết bệnh mạch chứng tính trị có ghi: “Nghĩ như phong tà gây bệnh thường là bán thân bất toại”.
Các tài liệu y học đời sau phần nhiều thảo luận chứng này trong bệnh “Trúng phong”.
Cần phân biệt với chứng Nuy chứng, và Nan hoán
2. Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp
– Chứng do phong trúng kinh lạc:
Do chính khí bất túc, mạch lạc thưa hổng, tấu lý sơ hở, mà phong tà có cơ hội xâm lấn. Phong tà dẫn động ở kinh lạc, khí huyết tắc nghẽn gây nên bệnh. Có chứng đột ngột ngã lăn, bán thân bất toại, cấu không biết đau, miệng mắt méo xệch, khó nói. Kiêm chứng phát nhiệt ố hàn, đau đầu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phù hoạt.
Yếu điểm biện chứng là Bán thân bất toại kiêm chứng bị phong biểu tà
Phép trị: Khư phong thông lạc, dưỡng huyết hòa doanh
Phương trị: Đại Tần giao thang gia giảm.
– Chứng do Can dương hóa phong:
Do Can dương thượng cang gây Can phong nội động quấy rối ở trên. Phong với đờm len lỏi ở kinh lạc mà phát bệnh. Có chứng đau đầu choáng váng, hoa mắt chóng mặt ù tai; hay cáu giận, mặt mắt đỏ, gặp chuyện nóng giận qua độ thì đột ngột ngã lăn, bán thân bất toại, miệng mắt méo xệch, lưỡi cứng khó nói, nặng thì thân chí không tỉnh táo, chất lưỡi đỏ, hạch huyền sác.
Yếu điểm biện chứng là Bán thân bất toại kèm chứng Can dương vượng.
Phép trị: Bình Can tiềm dương, quét đàm thông lạc
Phương trị: Thiên ma câu đằng ẩm gia giảm.
Nếu kiêm đàm thấp nhiều thì trong họng có tiếng đờm khò khè, suyễn gấp, chất rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền hoạt.
Phép trị: Phương hương khai khiếu
Phương trị: Chí bảo đan hợp Linh dương câu đằng thang.
– Chứng do đàm vít lấp ở trong:
Đàm vít lấp ở trong là do tân dịch không được vận hóa ứ đọng lại mà thành đàm. Đàm có thể gây vít lấp mạch lạc nên thành chứng Bán thân bất toại
Có chứng đột ngột ngã lăn cứng đơ bán thân bất toại, không tỉnh táo, đờm dãi úng thịnh, mặt phù nhẹ, răng cắn chặt, mặt nhợt môi tía, chân tay không ấm, lưỡi trắng trơn nhớt, mạch trầm hoạt hoặc hoãn.
Phép trị: Tân ôn phương hương khai khiếu
Phương trị: Tô hợp hương hoàn hợp Đạo đờm thang gia Thiên ma, Cương tàm, Thạch xương bồ…
– Chứng do khí hư huyết ứ
Do khí huyết suy hư không thể vận hành đến nỗi ứ huyết nghẽn ở đường lạc, thường gặp ở những người cao tuổi hoặc chấn thương ở đỉnh đầu hoặc Trúng phong lâu ngày khí huyết hư suy gây nên.
Có chứng bán thân bất toại, sắc mặt trắng xanh, tự ra mồ hôi, chi trên chi dưới nếu bắt buộc co duỗi thì đau, da dẻ tróc vẩy, lưỡi trắng nhợt hoặc tối trệ, có nốt ứ huyết, mạch huyền tế hoặc sắc kết.
Phép trị: Bổ khí hoạt huyết hóa ứ
Phương trị: Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm.
– Chứng bán thân bất toại gặp trong chứng thoát
Chứng thoát có chia ra Dương thoát và Âm thoát
Dương thoát có chứng đột ngột ngã lăn hôn mê, mắt nhắm miệng há tay xòe, són đái, thor yếu, tứ chi quyết lạnh, sắc mặt trắng xanh, trán vã mồ hôi, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch trầm vi tế. Cũng có thể sau khi tỉnh dậy xuất hiện bản thân bất toại.
Phép trị: Ích khí hồi dương
Phương trị: Sâm phụ thang.
Âm thoát có chứng đột ngột hôn mê không biết gì, miệng mắt méo xệch, bán thân bất toại, mắt nhắm miệng há tay xòe, són đái, thở yếu, nhưng chân tay có thể lạnh hoặc không mà mặt thì đỏ hồng, lưỡi đỏ, mạch mạch phù đại vô căn hoặc trầm tế muốn tuyệt. Cũng có thể sau khi tỉnh dậy mới xuất hiện bản thân bất toại.
Phép trị: Tráng thủy chế hỏa
Phương trị: Địa hoàng âm tử gia giảm.
– Chứng Bán thân bất toại phần nhiều là một chứng trạng của Trúng phong. Thể nhẹ thì do phong đàm ngăn trở đường lạc và Can dương hóa phong. Thể nặng thì do Bế chứng hoặc Thoát chứng.
3. Châm cứu bán thân bất toại
Bán thân bất toại phần nhiều là di chứng sau trúng phong.
Châm cứu: Phối hợp các nhóm huyệt sau:
– Nhóm huyệt ở đầu: Bách hội, Xuất cốc, Huyền lư, Huyền ly, Thính hội, Thính cung, Nhĩ môn, Ế phong, Phong trì
– Nhóm huyệt ở cổ: Liêm tuyền, Bàng liêm tuyền.
– Nhóm huyệt ở tay chân: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt…
– Nhóm huyệt toàn thân: Túc tam lý, Tam âm giao.
Cách châm: Châm bổ xuôi theo đường kinh.
Lưu ý: Huyệt Liêm tuyền phải dùng kim dài và châm sâu chừng 3-4cm, sao cho khi móc máy điện châm vào nhìn thấy mặt trên của lưỡi rung giật là được.
4. Trích dẫn y văn
– Ngoại cảm bán thân bất toại: Chứng mình phát hàn nhiệt đột ngột ngã lăn, sau khi tỉnh dậy thì bên phải hoặc bên trái bị liệt hoặc đau hoặc tê dại hoặc hàn hoặc nhiệt; nhị tiện đỏ rít. Đó là chứng ngoại cảm gây bán thân bất toại.
Nguyên nhân của bản thân bất toại là do khởi cư không cẩn thận, vệ khí không bền, phong tà lọt vào kinh lạc, tà khí không tan, khí huyết tắc nghẽn thì nửa người trở thành vô dụng. Mạch của bệnh bản thân bất toại hoặc bệnh ở bên tả thì tay tả không thấy mạch, bệnh ở bên hữu thì bên hữu không thấy mạch. Hoặc bệnh bên tả thì mạch ở bên tả Đại, bệnh ở bên hữu thì mạch ở bên hữu Đại.
– Nội thương bán thân bất toại do: Một ngón tay, đầu tiên một cánh tay thấy tê dại, rồi nửa năm hoặc một năm dần dà không cử động được, đó là bệnh xuất hiện từ từ.
Hoặc do đờm hỏa bên trong mà đột ngột ngã lăn ngã lăn thoáng chốc thì tỉnh, nửa người không cử động được. Đây là bệnh do hỏa gấp gây nên.
Cả hai đều không có chứng biểu tà cho nên gọi là bán thân bất toại nội thương. Nguyên nhân do khí ngưng huyết trệ mạch không hoặc vì nhiệt sinh đờm trú ở kinh cắt đứt đường lưu thông, khí huyết không trở về, hoặc do ăn uống cùng thấp tà biến thành liệt gây nên chứng bán thân bất toại. Mạch trầm sắc là Huyết tý, trầm hoạt là kết đài, trầm sác là tửu thấp, mạch hư khí suy thì mạch tế huyết thiếu (Chứng nhân mạch trị – Quyển 1).
Có tham khảo tài liệu của Lương Y Nguyễn Thiên Quyến
Xem thêm: