Bài thuốc Đào nhân thừa khí thang – Xuất xứ Thương hàn luận – Tác dụng: Trục ứ tả nhiệt.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Đào nhân (bỏ vỏ và đầu nhọn) 12-16g | Quế chi 4-8g |
Mang tiêu 4-8g | Đại hoàng 6-12g |
Chích thảo 4-8g |
Cách dùng: sắc, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Tác dụng: Hoạt huyết trục ứ.
Chủ trị: Trị chứng huyết ứ súc kết ở hạ tiêu, triệu chứng thường thấy là bụng dưới đầy đau, đại tiện phân màu đen mà tiểu tiện bình thường.
2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng
Phân tích bài thuốc
Đây là bài ‘Điều vị thừa khí thang’, thêm Quế chi, Đào nhân mà thành. Đào nhân hoạt huyết phá ứ là chủ dược; Quế chi thông huyết mạch; Đại hoàng thanh nhiệt tiêu tích qua dường đại tiện (công hạ); Mang tiêu nhuyễn kiên tán kết, phối hợp với Đào nhân, Đại hoàng có tác dụng công hạ; Chích thảo điều hoà các vị thuốc.
Ứng dụng lâm sàng
Bài này chủ yếu trị huyết ứ nội kết ở hạ tiêu hoặc Hau khi tổn thương do ngã va chạm gây nên huyết ứ bên trong, đại tiện táo bón, phân đen, bụng dưới đau nhói, miệng khát, phát sốt, mạch Sác, thêm Xích thược, Tam thất để tăng cường hoạt huyết khu ứ.
Có báo cáo lâm sàng dùng bài thuốc này kết hợp bài ‘Mẫu đơn bi thang’ (Quy vĩ, Xích thược, Đơn bì, Diên hồ sách, Nhục quế, Xuyên ngưu tất, Tam lăng, Nga truật, Hương phụ, Cam thảo), trị có thai ngoài tử cung có kết quả tốt (Trung y Thượng Hải).
Gia giảm
+ Dùng trị thống kinh, kinh nguyệt không đều, có thể thêm Đương quy, Hồng hoa, Hương phụ chế để điều kinh hoạt huyết.
+ Sau khi đẻ bụng dưới đau nhói, thêm Bồ hoàng, Ngũ linh chi để hoạt huyết giảm đau.
+ Sốt chảy máu cam hoặc nôn ra máu đen (nhiệt lộng huyết hành), ngực tức khó chịu, thêm Sinh địa, Mao căn, Hạn liên thảo để lương huyết chỉ huyết, có thể dùng bài này trong trường hợp phụ nữ sau khi đẻ sót nhau, thai ngoài tử cung, xuất huyết khó cầm.
3. Nghiên cứu lâm sàng hiện nay
+ Trị tinh thần phân liệt: Dùng bài này thêm Hồng hoa, trị 10 ca. Trong đó, có 8 ca thuộc loại cuồng, 2 ca điên, đều thuộc loại hạ tiêu có ứ huyết. Trong dó, những ca cuồng không chịu uống thuốc, lúc đầu phải chích thuốc an thần sau đó mới cho uống thuốc. Tinh thần không tỉnh táo, mạch Hoạt Sác, rêu lưỡi vàng nhờn, thêm Viễn chí, Xương bồ. Khí uất không thư thái, thêm Hương phụ, Uất kim. Biểu chứng chưa giải thì phải giải biểu trước. Kết quả: Tất cả đều khỏi (Thiểm Tây trung y 3, 1983).
+ Trị viêm bể thận mạn: Đã trị 46 ca, kiểm tra nước tiểu đều thấy có bạch cầu, khuẩn cầu. Đại tiện lỏng, bỏ Mang tiêu. Tiểu gắt, tiểu nhiều lần, thêm Hoạt thạch. Bụng dưới đau co thắt, tăng nhiều Quế chi, hoặc thêm Ô dược. Kết quả: Đỡ 24, có chuyển biến 15, không khỏi 7 (Cát Lâm trung y dược 4, 1986).
+ Trị ruột viêm cấp hoại tử: Dùng bài này thêm Hồng hoa, Hoàng cầm, Hoàng liên, Ngân hoa, Chỉ thực, Lai phục tử (thường uống với rượu), trị 22 ca. Sốt cao, phiền táo, thêm Thất diệp nhất chi hoa, Bồ công anh. Rêu lưỡi vàng dày, nhờn, thêm Bội lan, Nhân trần. Miệng khát, chất lưỡi khô, thêm Cát căn, Thạch hộc. Kết quả; Khỏi 19, chết 2 (đều do bệnh nặng, nhập viện trễ, trong vòng 5 giờ đều chết), chuyển sang ngoại khoa. Trung bình trị 7.5 ngày (Tân trung y 2, 1984),
+ Trị họng viêm cấp: Dùng bài này thêm Ngưu tất, Xạ can, Cát cánh, Bàng đại hải, trị 47 ca, đều khỏi. Uống 2 thang khỏi: 21 ca, 3-4 thang khỏi 24 ca, 5 thang khỏi 2 ca. Trung bình trị 2.8 ngày (Quảng Tây trung y dược 2, 1989).
+ Trị tiểu ra dưỡng trấp tải phát: Dùng bài này thêm Xích thược, Đan sâm, Địa long, Thiên hoa phấn, Thương truật, Hoàng bá, trị 15 ca. Lưng đau, thêm Bạch thược. Tiểu không thông, thêm Trạch tả, Xa tiền tử. Đường tiểu đau buốt, thêm Sinh địa, Mộc thông. Miệng khô, đắng, thêm Cát căn. sốt, đau đầu, thêm Ngân hoa, Liên kiều, uống 10 thang là 1 liệu trình. Kết quả: Khỏi 8 (theo dõi 3 năm không thấy tái phát), đỡ 4, giảm 2, không khỏi 1 (Sơn Tây trung y 2, 1990).
4. Trích dẫn y văn Đào nhân thừa khí thang
> Chứng của bài này là do tà ở Thái dương không giải, truyền vào hạ tiêu, kết cấu với huyết mà thành, chứng thấy bụng dưới trướng đầy mà tiểu tiện thông lợi, cho nên biết là súc huyết chứ không phải súc thuỷ.
Nhiệt ở phần huyết cho nên về đêm phát nóng. Tà nhiệt xông lên xâm phạm thần minh cho nên buồn phiền, vật vã, nói sảng, nặng thì cuồng. Sử dụng bài này phá huyết hạ ứ, ứ huyết hết thì nhiệt tà không có chỗ trú, bệnh tự giải.
Người sau vận dụng bài này trên lâm sàng đã có phát triển thêm, như chứng vấp ngã bị thương, ứ huyết ngưng đọng, đau nhức không thể quay trở được, đại tiểu tiện bí kết, hoả vượng mà huyết uất ở trên, đầu đau, đầu trướng, mắt đỏ, răng đau, huyết nhiệt vọng hành gây nên chảy máu mũi, hoặc mửa ra máu đen, phụ nữ huyết ứ kinh bế, hoặc sau khi sinh huyết hôi không xuống hết, bụng dưới trướng đau, suyễn đầy nguy cấp, đều có hiệu quả tốt. Tình thần tổng quát không ngoài phá huyết hạ ứ, dẫn nhiệt đi xuống Thượng Hải phương tễ học).
> Nội dung bài thuốc là công trục nhiệt, huyết ứ tại sao sử dụng Quế chi là thuốc cay ấm? Bài này dùng Quế chi có tác dụng ôn thông kinh mạch, thông máu ứ hành trệ. Quế chi phối hợp Đào nhân, Đại hoàng, Mang tiêu vào huyết phận trừ khử máu ứ ở hạ tiêu. Do liều dùng Quế chi thấp do đó đi với Mang tiêu, Đại hoàng không có tác dụng trợ nhiệt. Sách ‘Thương hàn luận’, điều 106 viết: ‘Bệnh Thái dương, nhiệt kết Bàng quang, người như cuồng, tiểu tiên ra máu thì bệnh khỏi’. Nếu bệnh Thái dương ngoại chứng chưa khỏi, không thể công hạ, phải sử dụng thuốc giải biểu tà. Nếu biểu tà đã hốt, bụng dưới cứng đau, phải dùng thuốc công trục nhiệt, máu ứ, dùng ‘Đào nhân thừa khí thang’. Như vậy bài này Quế chi không có tác dụng giỏi biểu tà. Vì tà ở biểu đã hết mới dùng phương này (Trung y vân đối).
Nguồn: L/Y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: