Bài thuốc Tăng dịch thừa khí thang – Xuất xứ Ôn bệnh điều biện – Tác dụng: Tư âm tăng dịch, tả nhiệt thông tiện.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Huyền sâm 20-40g | Mạch môn 16~32g |
Tế sinh địa 16~32g | Mang tiêu 2-5g |
Đại hoàng 5~12g |
Cách dùng: sắc uống. Uống 1/2 lượng thuốc, nếu thông tiện thì thôi.
Tác dụng: Tư âm tăng dịch, tả nhiệt thông tiện.
Chủ trị: Trị nhiệt kết dương khuy, phân khô táo, đại tiện khó, đại tiện không thông.
2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng
Phân tích bài thuốc
Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, hợp thành bài ‘Tăng dịch thang’, có tác dụng dưỡng âm, tăng dịch, nhuận trường, thông tiện; Đại hoàng tả tích nhiệt, thông tiện; Mang tiêu nhuyễn kiên, táo kết. Các vị thuốc hợp thành một bài thuốc có tác dụng tư âm, tăng dịch, tả nhiệt, thông tiện.
Ứng dụng lâm sàng: Chỉ định của bài thuốc là bệnh ôn nhiệt kết, âm hư, có các triệu chứng đại tiện khó, phân khô cứng, miệng khô, lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng.
Lâm sàng hiện nay:
+ Trị dạ dày viêm teo: Dùng bài này thêm Sa sâm, Phật thủ. Kết quả: Uống 3 thang, chứng trạng giảm bớt, vẫn khó đại tiện. Dùng bài trên, thêm Hoàng kỳ, Thăng ma. Sau khi uống thuốc, đại tiện được. Cho uống tiếp thuốc dưỡng âm hòa Vị để điều lý hơn nửa tháng, khỏi bệnh (Tân trung y 5, 1987).
3. Trích dẫn y văn
Tăng dịch thừa khí thang trọng dụng Huyền sâm, Mạch môn, Sinh địa để tư âm, tăng chất dịch, phối hợp với Mang tiêu, Đại hoàng để tiết nhiệt, thông đại tiện, cốc vị hợp với nhau thành ra cách ‘thêm nước cho thuyền đi’. Đối với chứng nhiệt thực ở Dương minh, tân dịch khô ráo, âm hư mà đại tiện khó xuống, hoặc cho hạ mà không thông được thì dùng bài này để tăng thêm chất dịch, thông đại tiện, tác động được cả tà và chính. Ngô Cúc Thông cho rằng, ôn bệnh ở Dương minh, hạ rồi mà không thông được, nếu thuộc về tân dịch không đủ, không có nước nên thuyền dừng lại, thì uống xen kẽ với Tăng dịch thang’ (Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn) để tăng thêm tân dịch. Nếu vốn không đại tiện được thì lại dùng bài Tăng dịch thừa khí thang’, cho uống từ từ, điếu này cho thấy chứng nhiệt kết âm suy, phân táo đinh trệ mà dùng phép hạ, cần phải xét cẩn thận (Thượng Hải phương tễ học).
Nguồn: L/Y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: