Bài thuốc Chân vũ thang chứng là tỳ thận dương hư, thủy khí phiếm lạm chứng, lâm sàng gặp rất nhiều. Bất luận thủy khí đình lưu toàn thân hay cục bộ chỉ cần đồng thời xuất hiện triệu chứng dương hư thì đều có thể dùng Chân vũ thang được.
Mục Lục
1. Điều văn trong Thương hàn luận
Điều văn 82 Thái dương bệnh phát hạn, hạn xuất bất giải, kỳ nhân nhưng phát nhiệt, tâm hạ quý, đầu huyền, thân nhuận động (co giật), chấn chấn dục tịch địa giả, Chân vũ thang chủ chi
Điều văn 316 Thiếu âm bệnh, nhị tam nhật bất dĩ, chí tứ ngũ nhật, phúc thống, tiểu tiện bất lợi, tứ chi trầm trọng đông thống, tự hạ lợi giả, thử vi hữu thuỷ khí. Kỳ nhân hoặc khái, hoặc tiểu tiện lợi, hoặc hạ lợi, hoặc ẩu giả, Chân võ thang chủ chi. (316)
Phục linh, thược dược, sinh khương xắt lát, mỗi loại 3 lượng, bạch truật 2 lượng, phụ tử 1 củ bào bỏ vỏ xắt 8 lát. Dùng nước 8 thăng sắc còn 3 thăng bỏ bã uống lúc ấm 7 hợp, ngày 3 lần.
Nếu họ gia ngũ vị tử 1/2 cân, tế tân 1 lượng, can khương 1 lượng. Nếu tiểu tiện lợi bỏ phục linh. Nếu hạ lợi bỏ thược dược gia can khương 2 lượng, nếu ẩu bỏ phụ tử gia sinh khương đủ 2 cân.
Giải thích từ
– Chấn chấn dục tịch địa: tay chân mình mẩy run rẩy chỉ muốn té nhào. Tịch: té ngã.
2. Dịch nghĩa điều văn
* Điều 82 đoạn này nói về dương hư thủy phiếm (tràn lan) – 1 loại biến chứng của thái dương bệnh sau khi phát hạn. Trong trường hợp này bệnh nhân vẫn còn sốt nói lên loại sốt này vẫn thuộc thái dương biểu chứng chưa hết nhưng đã xuất hiện biến chứng như: “tâm hạ quý, đầu huyền, thân nhuận động, chấn chấn dục tịch địa…”. Bệnh cơ sản sinh ra những loại biến chứng này là do dương hư thủy phiếm, thủy khí lăng (xâm lăng) tâm nên tâm quý, thanh dương không thể đi lên trên để dưỡng thanh khiếu nên chóng mặt. Chóng mặt và hồi hộp trống ngực (tâm hạ quý) cùng xuất hiện thì ta nên nghĩ đến khả năng dương hư thủy phiếm. Thủy khí phiếm lạm dương khí không phân bố và thanh dương không thể thực (nuôi dưỡng) tứ chi và cũng do thủy khí phiếm lạm xâm phạm kinh mạch tứ chi nên xuất hiện thân nhuận động, nghiêm trọng hơn thì lảo đảo muốn té. Chứng này tuy không có phù toàn thân nhưng cũng thuộc chứng dương hư thủy phiếm, thích hợp dùng Chân vũ thang điều trị. Chứng này cũng có thể lý giải (hiểu) được đây là giai đoạn sớm của dương hư thủy phiếm, tức là vừa có dương hư thủy phiếm vừa có thái dương bệnh sốt chưa giải, thuộc biểu lý đồng bệnh.
Cũng có người chú giải cho rằng chứng này sốt là giả nhiệt do dương hư phù việt ra ngoài.
Chứng này tuy có biểu chứng sốt chưa hết nhưng không dùng phương pháp giải biếu điều trị mà dùng Chân vũ thang để ôn dương lợi thủy bởi vì đây là do tỳ thận dương hư, thủy khí phiếm lạm, lý chứng tương đối nặng và cấp do đó phải trị lý trước. Biểu chứng sốt là chứng thứ yếu nên lúc này ta dùng giải biểu sợ sẽ thương tổn chính khí và không có lợi cho phục hồi dương hư.
* Điều 316 Đoạn này luận về Chân võ thang chứng – Dương hư thuỷ phiếm trong thiếu âm bệnh. Thiếu âm bệnh 2, 3 ngày chưa khỏi, kéo dài tới 4, 5 ngày thì tà khí dần thấm sâu, thận dương ngày càng suy, dương hư hàn thịnh, thuỷ khí không hoá kết hợp cùng khí âm hàn gây bệnh. Thuỷ khí ngoại công tới biểu, thấm đẫm tứ chi nên tứ chi nặng nề đau mỏi. Thuỷ khí nội thấm vào trường đạo nên đau bụng tiêu chảy. Thuỷ khí đình trệ tại hạ tiêu, bàng quang khí hoá không tốt nên tiểu không thông. Thuỷ tà di chuyển không ở yên một chỗ do đó gây bệnh khắp nơi, xuất hiện rất nhiều triệu chứng. Nếu thuỷ khí thượng nghịch phạm phế nên ho, phạm vị nên nôn ói, Thận dương hư suy không thể ôn noãn tỳ thổ cộng thêm thuỷ khí hạ hãm đại trường khiến chức năng truyền đạo mất điều khiển do đó hạ lợi càng dữ dội. Hạ tiêu hư hàn không thể ức chế thuỷ nên xuất hiện tiểu trong dài. Triệu chứng của đoạn này tuy nhiều nhưng tóm lại là do thận dương hư suy không thể chế thuỷ khiến thuỷ khí tràn lan gây ra, trị nghi dùng Chân võ thang ôn dương lợi thuỷ. Phương dùng bào phụ tử để ôn chấn thận dương để tán hàn thuỷ. Bạch truật táo thấp kiện tỳ bổ thổ chế thuỷ. Sinh khương tuyên tán thuỷ khí. Phục linh đạm thẩm lợi thuỷ. Thược dược hoạt huyết mạch lợi tiểu tiện và có thể hoá âm có thể khống chế cương táo của thương, phụ, làm cho ôn kinh tán hàn mà không thương âm. Nếu họ gia can khương, tế tân để tán thuỷ hàn, gia ngũ gia bì để liễm phế khí; tiểu thông nên bỏ phục linh. Tiêu chảy nhiều bỏ thược dược gia can khương để ôn trung. Nôn ói gia tăng lượng Sinh khương đủ , cân để hoà vị giáng nghịch, chỉ ấu. Trong nguyên văn tuy bỏ phụ tử nhưng hư hàn nôn ói không cấm kỵ dùng phụ tử, mà phụ tử lại là thuốc chủ yếu trong phương không thể bỏ được đâu.
3. Lời bàn
Chân vũ thang chứng là tỳ thận dương hư, thủy khí phiếm lạm chứng, lâm sàng gặp rất nhiều. Bất luận thủy khí đình lưu toàn thân hay cục bộ chỉ cần đồng thời xuất hiện triệu chứng dương hư thì đều có thể dùng Chân vũ thang được. Chân vũ thang là phương thuốc cơ bản chữa chứng dương hư thủy phiếm.
Tại điều 316 thiên thiếu âm bệnh chứng cũng là Chân vũ thang chứng sẽ nói rõ ở phần sau. Đoạn này chủ yếu chỉ luận về nguyên tắc điều trị tiên lý hậu biểu mà thôi.
Thiên thái dương trung điều 82 cũng có đề cập tới Chân võ thang là thái dương phát hạn thái quá tổn thương dương khí của thiếu âm, dương hư không thể chế thuỷ, thuỷ phiếm tràn lan mà gây bệnh, gây tâm hạ quý, đầu huyền, thân thể rung động, run rẩy, muốn té,… mà đoạn này là thiếu âm bản thân nó thận dương hư suy, dương hư âm thịnh không thể chế thuỷ phiếm gây bệnh. Hai đoạn tuy triệu chứng không giống nhau nhưng đều là do thận dương hư thuỷ khí gây bệnh nên đều dùng Chân võ thang điều trị.
4. Trích lược y văn
– Hạn tuy xuất mà sốt không lui tức là tà khí chưa tận mà chính khí đã bị tổn thương rồi huống hồ nay lý hư tâm quý, thượng hư gây huyền vựng, kinh
mạch hư gây cơ nhục run run lảo đảo muốn té không lâu sẽ dẫn đến vong dương do đó dùng Chân vũ thang tức là dùng phương pháp trấn giữ quan ải không cho giặc xâm phạm. (Dụ Gia Ngôn).
– Chân võ thang chuyên trị thiếu âm lý hàn đình thuỷ, vị thuốc quân chủ trong phương là phụ tử vì nó có thể tẩu (nhập) thận ôn kinh mà tán hàn, Thuỷ đến vũ thổ (tượng vũ) nên bụng đau, tiêu chảy, do đó dùng phục linh, bạch truật, thược dược để thẩm thấm đình thuỷ, chỉ phúc thống. Tứ chi nặng nề là do thấp, đau là do hàn. Chứng này có vẻ có kèm biểu tà nên dùng sinh khương để tán tà. Hoặc nghi ngờ thược dược toàn hàn thì phải giảm liều. Đúng vậy nhưng những triệu chứng trên là lý khí hư hàn nên trong phương có khương phụ tân ôn cho nên không cần giảm liều thược dược. Nhưng ngũ vị tử thì vị toan lại rất mạnh cho nên không được dùng nhiều mà tối đa là 2 cân thôi. Tiểu tiện thông cũng không thể nói lên là không có phục thuỷ nhưng hạ tiêu hư hàn không thể ước thúc (tức là ức chế) thuỷ dịch nên tiểu tất sẽ trong, bỏ phục linh vì sợ nó sẽ tiết thận khí. Nếu hạ lợi do lý hàn thịnh nên bỏ thược dược gia can khương. Nôn ói do thuỷ hàn chi khí thượng úng hung trung thì gia sinh khương cho đủ 1/2 cân vì sinh khương là thánh dược trị ẩu gia. Nếu bỏ phụ tử thì e rằng đây không còn là Chân võ thang nữa. (Uông Linh Hữu)
Nguồn: GT Thương hàn luận
Xem thêm: