Bài thuốc Tứ nghịch thang – Xuất xứ thương hàn luận – Công dụng Hồi dương cứu nghịch, chủ trị chứng Tâm Thận dương suy hàn quyết. Phần về bài Tứ nghịch thang quá dài, nên xin chia làm 2 phần ngắn. Phần 1 xin trích dẫn phân tích Tứ nghịch thang của lương y Hoàng Duy Tân. Phần 2 xin chia sẻ phân tích các điều văn trong thương hàn luận.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Phụ tử (quân) 1 củ sống, gọt vỏ, cắt làm 8 miếng (12-20g) | Can khương (thần) 8-20g |
Chích cam thảo (tá sứ) 6g |
Cách dùng: Sắc với 3 chén nước, còn 1 chén, bỏ bã, chia 2 lần, uống ấm
Tác dụng. Hồi dương cứu nghịch.
Chủ trị: Trị bệnh Thiếu âm chân tay quyết lạnh, sợ rét, nằm co, tiêu ra nước trong và thiếu ăn, miệng không khát, mạch Trầm. Bệnh Thái dương phát hãn nhầm sinh ra vong dương, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chân tay giá lạnh.
Kiệng kỵ:
+ Người bị nhiệt không dùng
+ Phụ tử nên sắc lâu hàng mấy tiếng để khử độc
2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng
Phân tích bài thuốc:
Thục phụ tử tính vị rất cay, rất nhiệt, ôn phát dương khí, khu tán hàn tà, là chủ dược; phối hợp với Can khương ôn trung tán hàn, thì sức thuốc càng mạnh, giúp thêm có Chích thảo để điều hoà trung tiêu ích khí, có tác dụng bổ chính khí, yên trung tiêu, làm giảm bớt tính cay nóng của Khương, Phụ.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài này trị các chứng bệnh ở Thiếu âm, dương khí suy kiệt, âm hàn nội thịnh, sinh ra chân tay quyết lạnh, nằm co, sợ lạnh, tinh thần mỏi mệt, thích nằm hoặc đại tiện lỏng, trong bụng đau lạnh, miệng nhạt, không khát, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch Trầm Vi khó bắt hoặc do chứng dùng thuốc phát hãn quá mạnh gây nên chứng vong dương, bệnh tình tuỳ nặng nhẹ mà sử dụng bài thuốc có gia giảm.
Gia giảm:
+ Chân tay quyết lạnh do tiêu chảy nặng mất nước, âm dịch suy vong, nên dùng bài thuốc Tứ nghịch thang’, thêm Nhân sâm gọi là bài ‘Tứ nghịch nhân sâm thang’ để hồi dương cứu âm.
+ Trường hợp bệnh Thiếu âm tả lỵ chân tay quyết lạnh, mạch Vi khó bắt, dùng bài ‘Tứ nghịch thang’, tăng Can khương lên, gọi là bài ‘Thông mạch tứ nghịch thang’ (Thương hàn luận) để ôn lý, thông (lương mạnh hơn.
+Trường hợp bệnh Thiếu âm hạ lợi, chân tay quyết nghịch, mặt đỏ, mạch Vi là chứng âm hàn thịnh ở dưới, đẩy hư dương xông lên, có thể dùng Tứ nghịch thang, thêm Thông bạch bỏ Cam thảo, gọi là ‘Bạch thông thang’ (Thương hàn luận) để thông dương, phục mạch.
+ Trường hợp hạ lợi không cầm, mặt đỏ, nôn khan, bứt rứt chân tay, quyết nghịch, mạch không bắt dược, dùng ‘Bạch thông thang’ thêm nước tiểu người (đồng tiện), nước mật heo, gọi là bài ‘Bạch thông gia trư đởm thang’ (Thương hàn luận).
+ Nếu bài này tăng gấp đôi lượng Can khương, gọi là ‘Thông mạch tứ nghịch thang’, trị chân tay lạnh, mạch Vi muốn tuyệt là nhờ nhiều Can khương để ôn dương, cố thủ trung tiêu, ôn trung hồi dương để thông mạch.
3. Trích dẫn y văn Bài thuốc tứ nghịch thang
> Vương Tấn Tam nói: Tứ nghịch là tay chân buốt lạnh, nhân chứng mà đặt tên bài thuốc. Phàm chứng tam âm nhất dương (Thái âm, Quyết âm, Thiếu âm và Thái dương) có quyết lạnh đều dùng đến nó. Cho nên bệnh thiếu âm dùng để cứu khi nguyên dương của thận, bệnh thái âm dùng để ôn tạng hàn, bệnh quyết âm đột nhiên quyết lạnh, muốn giữ dương sắp thoát, không dùng nó không cứu được. Đến như bệnh Thái dương phát hãn nhầm, vong dương cũng dùng nó là vì thái, thiếu là chủ của thuỷ hoả, nếu không được giao thông khí trung thổ thì không thể hồi phục chân dương, cho nên dùng Sinh phụ tử, Sinh can khương thấu đạt cả trên dưới, trục xuất âm tà, vãn hồi dương khí, giao tiếp 12 kinh, lại dùng Chích cam thảo để giám chế vì vong dương chưa đến mức mồ hôi phát ra nhiều thì biết là dương chưa chắc thoát hết, cho nên có thể hoãn thuốc ở lại trung tiêu, là phép hay để triệu hồi dương khí ở ngoài về (Cổ Phương tuyển chú).
> Thiên ‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn 70) viết: ‘Hàn tà xâm nhập vào bên trong thì dùng thuốc có vị cam, nhiệt để trị’. Đây là ý nghĩa căn bản để lập phương ‘Tứ nghịch thang’. Bài này là bài thuốc chủ yếu trong phép hồi dương cứu nghịch, Sách ‘Thương hàn luận’ dùng trị chứng âm hàn thịnh ở trong, chân dương suy yếu. Tứ nghịch tức là chỉ vào dương khí suy kém, chân tay giá lạnh. Chân tay là gốc của các khí dương, dương khí không đủ, âm hàn lấn vào, thì dương khí không phân bố ra được cho nên chân tay giá lạnh. Lúc đó nếu không phải là vị thuốc thuần dương thì không đủ để phá được âm hàn, mà làm phấn chấn dương khí, cho nên Khương, Phụ là vị thuốc bắt buộc phải dùng đến.
Nếu hàn tà vào sâu ồ lý, Tỳ, Thận dương suy, có các chứng chân tay quyết lạnh, tiêu chảy ra nước và thức ăn, bụng đau, tinh thần mỏi mệt, muốn ngủ, mạch Trầm hoặc ra nhiều mồ hôi, vong dương thì cần dùng ngay bài thuốc này để cứu vãn dương khí sắp tuyệt.
Xét bệnh cơ của âm thịnh dương suy, còn có hoãn cấp nặng nhẹ khác nhau, khi dùng bài thuốc Tứ nghịch thang’ cũng nên tuỳ chứng gia giảm, thí dụ chứng Tứ nghịch gia nhân sâm thang’, chân tay quyết lạnh, tiêu chảy, mà bỗng nhiên chứng tiêu chảy tự khỏi, chỉ có chứng sợ rét, mạch Vi vẫn còn, thì đó không phải là hiện tượng dương hồi phục mà là vì âm dịch kiệt hết ở trong nên không còn tiêu chảy, vì vậy sách ‘Thương hàn luận’ ghi: “Hết tiêu chảy, là vì mất hết huyết” . Lúc đó, nếu chỉ hồi dương thì chẳng những không có kết quả, mà còn làm cho mau chết. Vì thế, trong bài thuốc Tứ nghịch thang’ thêm Nhân sâm, để hổi dương phụ âm. Nếu sau khi ra mồ hôi rồi âm dương đều bị tổn thương, xuất hiện chứng phiền táo thì có thể lấy bài ‘Tứ nghịch gia nhân sâm thang’, cho thêm Phục linh, tức là ‘Phục linh tứ nghịch thang’, để hổi dương trấn nghịch. Nếu chứng thiếu âm hàn, tiêu chảy quyết nghịch mặt đỏ buồn phiền, vật vã mà mạch Vi là âm hàn ở dưới, dương khí suy vi thì có thể dùng ‘bài ‘Tứ nghịch thang’ bỏ Cam thảo, thêm Thông bạch tức là ‘Bạch thông thang’, lấy việc suy, hoạt, hành khí của Thông bạch để thông hành dương khí, giải tán hàn tà. Nếu âm thịnh, dương ở ngoài thấy mặt đỏ, nôn khan, buồn phiền, vật vã thì có thể dùng bài ‘Bạch thông gia trư đởm trấp thang’, lúc đó trên dưới không thông, âm dương xô đẩy nhau, cho nên trong thuốc ôn dương còn “phản tá’, thuốc hãm hàn khổ giáng, để ngăn ngừa sự đẩy nhau của thuốc nhiệt, đó là theo ý của thiên ‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn 70) là: “Thuốc nhiệt nhân thuốc hàn mà dùng, bệnh nặng thì dùng phép tòng trị”. Cách gia giảm biến hoá kể trên, chỉ thêm bớt một, hai vị thuốc, nhưng ý nghĩa của bài thuốc, phép trị, đều khác nhau.
Bài này tăng gấp bội liều lượng Can khương, gọi là Thông mạch tứ nghịch thang’, trị chứng chân tay quyết lạnh, mạch Vi muốn tuyệt, là nhờ nhiều Can khương để ôn dương, cố thủ trung tiêu, ôn trung hồi dương, thông mạch (Thượng Hải phương tễ học).
> Phụ tử và Can khương phải bào chế để giảm bớt tính mãnh liệt của chứng, nâng cao tác dụng ôn dương khí. Nếu Can khương không sáo, Phụ tử dùng sống thì khí vị mãnh liệt, sức tán hàn mạnh; nếu được bào chế thì tác dụng ôn bổ dương khí tăng lên. Sách ‘Bản thảo cương mục’ viết: ‘Phụ tử dùng sống thì phát tán, dùng chín thì bổ’. Khi dùng thuốc hồi dương cứu nghịch nên dùng sống, muốn ôn bổ Thận dương thì dùng Phụ tử chín (thục Phụ từ). Phụ tử sống có độc, do đó nên dùng liều vừa phải, sắc lâu để sắc lâu để giảm độc tính, cán phối hợp Cam thảo để hạn chế độc (Trung y vấn đối),
Nguồn: L/y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: